Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

WALT DISNEY

THẦN TƯỢNG CỦA THIẾU NHI THẾ GIỚI

WALT – DISNEY

Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, cậu bé Walt Disney đã làm đủ mọi nghề : bán báo, bán nước ngọt, bán cà rem, trước khi trở thành một họa sĩ trứ danh của thế giới.

Đô la chẳng qua như phân bón, nó làm cho mọi việc mọc lên. Walt Disney đã nói thế, và đã dám chi nửa triệu đô la chỉ để quay một cảnh quyết tử với Mực Ma trong phim “20. 000 dặm dưới đáy biển.”

Một mình lãnh 29 giải Oscar về mọi môn trong ngành điện ảnh.


Hàng tuần, ở bìa lưng báo Thiếu Nhi, các em vẫn thường được đọc một trang in truyện bằng tranh trọn kỳ với đủ màu sắc chụp theo nguyên bản trong tạp chí Mickey. Nhân vật trong truyện này phần lớn là bác chó Dingo, họ hàng nhà vịt Donald, những dây mơ rễ má của nhà chuột Mickey hay chú nai ngơ ngác Bambi. Đấy mới chỉ là một số trong rất nhiều nhân vật khác như nàng Bạch Tuyết, Bé lọ lem, 7 chú lùn v.v… do một họa sĩ lừng danh thế giới mà mọi lứa tuổi từ 6 đến 70 tuổi không mấy ai là không nghe nói đến : Walt Disney!

Đối với trẻ em trên thế giới, tên Walt Disney đi đôi với tiếng Thần Diệu. Tất cả những gì có ký tên Walt Disney đều là thần diệu. Walt Disney đã sáng chế ra nhân vật, thổi vào mỗi nhân vật một linh hồn, một sắc thái, một đời sống nội tâm, có tình cảm, có thói quen, có tật xấu, có tài năng riêng biệt, và những nhân vật ấy đã đưa trẻ em vào một thế giới khác, thế giới của thần tiên, của mộng ảo, đẹp đúng y như trí tưởng tượng phong phú của tuổi hồn nhiên đã mơ ước tới.

NGƯỜI ẤY LÀ AI?

Walt Disney tên thật là Walter Elias Disney, sinh năm 1901 tại Chicago (Hoa Kỳ). Là con út trong một gia đình nghèo có 5 người con, Walt Disney đã trải qua một thuở thiếu thời hết sức là cực nhọc, vất vả. Ông đã phải bán báo, bán kem, rao hàng nước ngọt giải khát v.v… nhưng ông có biệt tài vẽ hí họa. Nhờ đấy, thân phụ của ông cố gắng để cho ông theo học ngành Mỹ Thuật và sau năm năm, ông đã có đủ cái vốn căn bản để khai triển tài năng thiên phú của mình. Vào năm 1923, chàng trẻ tuổi Walt Disney đặt chân tới Hollywood với ước vọng cách mạng việc sản xuất các tranh hoạt họa. Nhưng việc đầu tiên là phải làm quen với thế giới của ngành điện ảnh. Do đó, Walt Disney xin vào làm việc trong phim trường mà theo lời của ông kể lại thì “Tôi chỉ muốn làm việc trong phim trường, bất cứ phim trường nào, và bất cứ việc gì”. Người ta giao cho ông một chân phụ tá, nhưng xui xẻo thay, ngay ngày hôm sau, phim trường bị bà hỏa thiêu rụi! Chính vì sự rủi ro này mà Walt Disney nẩy sinh ý định tự lập. Ông lập luận : “Nếu không có chỗ để xin vào làm thì tại sao mình không tạo lấy công việc cho riêng mình?”. Thế là ông chạy chọt họ hàng để xoay sở vay mượn được cái vốn khởi đầu là 500 Mỹ kim. Anh ruột của ông là Roy Disney cộng tác với ông trong bước đầu này, và cả hai người đều không ngờ họ sẽ còn ràng buộc với nhau trong suốt 40 năm sau nữa. Khởi đầu, “hãng” của Walt Disney chỉ vỏn vẹn có một cô thư ký với lương tháng là 15 đô la. Đồng lương thật là chết đói, nhưng vì mến tài ông mà nàng chịu đựng và làm việc một cách rất chăm chỉ. Một hôm nàng hết nhẵn tiền, không một xu dính túi, đành ngồi lỳ ở bàn làm việc, không muốn ra về nữa. Chàng Walt Disney đến gần hỏi:

- Sao em còn ngồi đây?

Cô nàng nghẹn ngào qua nước mắt:

- Xin để em ngồi yên, đừng hỏi.

Walt Disney chợt thấu hiểu hoàn cảnh của nàng, chàng xúc động sâu xa và nói:

- Đời nào… đời nào anh để cho em ngồi yên được…

Rồi chàng cúi xuống hôn lên má nàng. Một tuần sau, họ làm lễ cưới. Tình yêu đã thúc đẩy Walt Disney làm việc say mê. Chàng bắt đầu dựng những thú vật làm nhân vật chính trong phim : chuột Mickey, vịt Donald, nai Bambi v.v…
 
Cảnh trong phim : Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn

Năm 1937 cuốn phim Nàng Bạch Tuyết và bẩy chú lùn ra đời. Tất cả thế giới đều hoan nghênh nồng nhiệt. Cuốn phim đi tới đâu là gây sôi nổi, bàn tán và gieo rắc tươi vui đến đó. Hình ảnh của Bạch Tuyết lan tràn vào mọi lãnh vực trong đời sống : in trên nhãn hiệu, trên tập vở, trên các hàng hóa, trên các gói kẹo v.v… và riêng ở V.N, có người nói rằng rất đông các cô gái sinh năm 1937 được cha mẹ đặt tên là Bạch Tuyết, chẳng hiểu điều đó có đúng chăng?

Sau khi tạm gián đoạn vì đệ II thế chiến, Walt Disney lại tung ra thị trường phim ảnh nhiều phim hoạt họa độc đáo khác nữa như Bambi (ra đời năm 1947) Alice ở xứ thần tiên (1951), Công chúa ngủ trong rừng (1959) v.v…

HOANG PHÍ HAY BỦN SỈN

Thật khó mà mổ xẻ được con người phức tạp của Walt Disney. Nhiều người cộng tác với ông cho ông là một người keo kiệt, bủn sỉn. Lương do ông trả cho công nhân nổi tiếng là thấp nhất. Một họa sĩ từng giúp việc cho ông đã ví “Đó là một De Gaulle trong lãnh vực hoạt họa”. Có lẽ Walt Disney chỉ say sưa với sự làm thế nào để cuốn phim được thành công. Và trong lãnh vực này, ông rất chịu chi : như trong phim “20.000 dặm dưới đáy biển” phỏng theo tác phẩm của đại văn hào Jules Verne, ông đã chịu bỏ ra nửa triệu Mỹ Kim để chỉ quay cho hoàn toàn một cảnh quyết tử với con mực khổng lồ.

Nhưng món tiền ấy chưa thấm vào đâu với số tiền Walt Disney đã bỏ ra để xây dựng nên Disneyland. Đây là giấc mộng mà ông đã ấp ủ từ hơn 30 năm trước, nhằm thực hiện một thế giới có thực ngoài cuộc đời, phát xuất từ thế giới mộng mơ trên phim ảnh. Disneyland rộng 24 mẫu, ở Anaheim, cách Los Angeles 30 km về phía Đông Nam, trước là một khoảng đất hoang vu, nhưng dưới khối óc vĩ đại của Walt Disney, nó đã trở nên một khoảng đất thần tiên mà hàng năm có đến 19 triệu du khách từ 70 quốc gia tới thăm viếng và được mệnh danh là “Tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ”. Để xây dựng nên Disneyland, Walt Disney đã phải chi phí hết 7 tỷ đô la. Hãy chỉ nói riêng một búp bê giả nguyên hình Tổng thống Abraham Lincoln đang đọc bài diễn văn nổi tiếng ở Gettysburg mà Walt Disney đặt ở một khu mệnh danh là “Một quốc gia dưới quyền Thượng Đế”. Khu này có mặt đầy đủ tất cả các Tổng Thống Hoa Kỳ, giống y người thực. “Búp bê” Lincoln có một bộ máy tinh vi nối với một băng phát thanh. Khi nói, Tổng Thống cũng có đầy đủ mọi điệu bộ, thậm chí những bắp thịt ở má, ở môi, những chớp mắt lên xuống, những ngón tay cũng động đậy y như người thật. Riêng mỗi “bắp thịt” ở má đã trị giá mỗi cái 600 đô la. Khi hoàn thành, Tổng Thống Abraham Lincoln đã tiêu tốn hết 250 ngàn đô la rồi! Thật chỉ có Walt Disney mới làm được như thế.

Vào tháng 12 năm 1966, Walt Disney từ giã cuộc đời. Ông chết đi để lại mối tiếc thương cho tất cả mọi người trên thế giới, không phân biệt mầu sắc chính trị, chủng tộc, mầu da, hay tôn giáo.

Bởi vì Walt Disney chỉ phục vụ cho tuổi thơ, và cho tất cả những ai còn muốn quay về thế giới hồn nhiên và tươi sáng của tuổi thơ.


CHU QUÂN    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 46, ra ngày 9-7-1972)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>