Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Trái Mơ



1

“Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ là ôm một mối mơ…”

Các em còn rán kéo dài chữ “mơ” cuối cùng ra. Âm thanh ngây thơ như muốn vướng vít đâu đó chưa tan. Chị cũng lướt dài nốt nhạc, tiếng đàn ngân theo tiếng hát của các em, rồi im tự lúc nào. Các em lại rộn lên cười cười nói nói, cơ hồ không cười, không nói một phút là không chịu được. Nhưng chị còn ngồi im. Chị còn muốn níu kéo chút âm vang còn lưu lại. Các em hát hay quá! Giọng hát trẻ thơ thật hồn nhiên khiến chị muốn xa rời số tuổi hiện tại, để nhỏ lại bằng các em thôi, bằng Ti, Bé, Tiến, Thạnh…

Cu Thạnh nhảy lòng vòng vướng vào cây đàn trên tay chị. Sáu dây đàn cùng kêu lên một tiếng “xoèng” khô khan. Chị vội vã dựng cây đàn vào một góc. Các em ý chừng không đứa nào muốn hát nữa, cùng chụm đầu lại bàn tán. Chị nghe thật rõ giọng thằng Ti:

- Các em muốn nghe kể chuyện không? Nói chị Thanh kể chuyện cho nghe.

Mấy cái miệng nho nhỏ cùng nói một lượt:

- Thích.

Rồi, như cái máy, các em quay lại nhìn chị. Và chị chìu lòng các em. Chả là đêm nay là đêm đặc biệt mà! Đêm Trung Thu, đêm của các em, của tuổi thơ đó! Chị dành hết thì giờ của chị cho các em. Trước đây một tuần, chị đã soạn những tờ giấy hoa màu mè thật đẹp để xếp đèn cho các em. Đèn quả trám, đèn cái trống, đèn xếp… do tay chị làm lấy, đêm nay đã được treo đầy trước cửa, nến thắp sáng trưng. Và tiếng hát của các em cũng ngọt ngào như bánh kẹo, êm như gió và trong sáng như trăng.

Chuyện chú Cuội ngồi gốc cây đa chị kể biết bao lần rồi, nhưng các em vẫn đòi nghe. Những chữ, những lời đã quá quen thuộc với chị.

- Ngày xưa có một chú nhỏ tên là Cuội, nghèo thật là nghèo và hay nói dối… – Chị miên man kể trong khi các em say sưa nghe. Và câu chuyện gần chấm dứt – Chú Cuội bám rễ cây đa bay theo lên cung trăng. Trên đó, có một nàng tiên tên là Hằng Nga, đẹp như…

- Không, chị Hằng mặt lỗ chỗ, xấu lắm cơ!

- Chị Hằng đâu có đẹp!

- Trên đó lạnh lắm, chị Hằng làm sao mà sống?

Hình như nét mặt của chị lúc này chưng hửng trông kỳ lắm các em nhỉ! Ừ, chị đã dối các em. Chị đã mải mê nói dối các em từ đầu câu chuyện. Ngày xưa, năm kia, năm ngoái, các em còn tin chuyện trên cung trăng có chị Hằng chú Cuội, chứ bây giờ, ai nói cho các em tin được? Câu chuyện thần tiên đó chỉ tô vẽ cho tuổi thơ thêm mơ mộng thôi, nhưng khi các em đã biết được những câu chuyện thật trước mắt, thì câu chuyện đã hết nét mộng mơ, mà chị kể lại cho các em nghe chẳng khác nào chị đang nói dối. Thằng Ti nhận ra chị “cụt hứng” nên quay lại rầy lũ nhỏ:

- Các em đừng bàn tán nữa. Có để yên cho chị kể tiếp không?

Có lẽ các em thấy “tội nghiệp” chị nên lặng im. Nhưng chị không nói tiếp được. Nói là “chị Hằng” đẹp như cái gì bây giờ? Chị không muốn dối các em thêm nữa. Những buổi theo dõi trên máy truyền hình, những phút chờ đợi, những lời bàn tán, chưa đủ làm các em biết sự thật hay sao? Mặt trăng chỉ là một hành tinh xa lạ, khác hẳn địa cầu. Con người bây giờ mới đặt chân lên đó với bao khó khăn và tốn kém. Thì thử hỏi, chị Hằng và chú Cuội làm sao có mặt ở đấy hàng ngàn năm trước? Chị nuốt nước bọt nhìn các em, gượng cười.

Cu Tiến, đứa nhiều thắc mắc nhất nhà, hỏi:

- Chị, trên mặt trăng… ghê như vậy đó, có chị Hằng với chú Cuội thật không?

- …Không có ai cả, em ạ! Chuyện chị Hằng chú Cuội là bịa đấy! Mà thôi, chị em mình hãy nói chuyện khác.

Chị thoát khỏi ngõ bí rồi. Chị và các em quay sang bàn tán về phi thuyền Apollo 11, chiếc phi thuyền đưa con người đổ bộ lên mặt trăng (*). Hình như câu chuyện bây giờ sôi nổi hơn, hào hứng hơn và… thật hơn. Các em nói như chim, cãi nhau ríu rít và lại còn… đặt “giả thuyết” nữa. Ti nói thế nào trên đó cũng có “người” ở, Bé thì đoán “người mặt trăng” sẽ giống như các quái vật trong phim “ông tai lừa”. Cu Tiến bảo “người mặt trăng’ sẽ giống như người máy rô-bô… Mỗi em một ý. Các em chắp nối những sự việc trông thấy trước mắt hàng ngày để tưởng tượng thành cái thế giới của các em, thế giới mà ngày xưa người ta đã thêu dệt rất nhiều nét thần tiên mơ mộng.

Câu chuyện tốn rất nhiều nước bọt rồi chẳng đi đến đâu. Sau đó, các em lại ngồi yên nhìn lên trời. Mặt trăng đêm nay tròn hơn bao giờ hết, sáng hơn các lồng đèn của chị em mình. Màu vàng thật ngọt của ánh trăng làm chị thấy êm đềm trở lại. Chị lại liên tưởng đến những chuyện thần tiên. Ngày trước, chị đã từng nắm tay chị Thúy chạy đi trốn ông trăng; đêm đêm chị đã nằm mơ thấy chú Cuội hiện đến khuyên trẻ thơ đừng nói dối, đừng dại dột như chú. Thuở ấy ngọt ngào làm sao! Giá bây giờ các em của chị vẫn hoàn toàn tin những chuyện thần tiên ấy nhỉ! Tuổi thơ của các em sẽ vẫn tươi mát đến thế nào! Nhưng sự tiến bộ của nhân loại đã dắt các em đi xa quá! Các em đi xa khỏi những huyền thoại của tuổi thơ… mà vẫn chưa đến gần được sự thật.

Tự nhiên Tiến quay lại nhìn chị:

- Mấy người lên mặt trăng… giỏi ghê chị há!

Chị gật đầu không suy nghĩ. Ti thêm vào:

- Người Mỹ giỏi ghê! Người Nga cũng giỏi nữa!

Chị lại nuốt nước bọt. Tiến chợt hỏi:

- Chị, người Việt… có giỏi không hở chị?

Chị chưa kịp đáp, Bé đã ngắt lời:

- Giỏi… giỏi sao không phóng người lên mặt trăng?

Chị thấy Tiến ngơ ngác. Mà chị cũng ngơ ngác. Ôi các em của chị! Mặc cảm tự ti đã chớm trong lòng các em tự hồi nào? Chị không nỡ trách các em đâu! Chính lòng chị nhiều khi cũng còn mặc cảm như thế nữa thay! Cây bút máy chị xài: của Mỹ; chiếc xe đạp chị đi: của Pháp; chiếc máy truyền hình, chiếc máy thâu thanh của nhà mình: của Nhật; cho đến những dụng cụ học sinh cũng là của Đức, của Mỹ. Người Việt mình có giỏi không? Khoa học nước mình không có một tí ti nào tiến bộ bằng người. Nếu chị bảo “giỏi” thì các em sẽ thấy là chị nói quá, mà bảo “không” thì… đau lòng quá các em ơi!

Đôi mắt cu Tiến nhìn chị như thúc giục. Em của chị thông minh đĩnh ngộ quá! Không, các em không kém cỏi gì hơn trẻ thơ Âu Mỹ cả. Tất cả chúng ta đều là con người. Chị thấy lại niềm tin, chị đã tìm được câu trả lời:

- Các em, người mình bây giờ còn kém, nhưng về sau sẽ giỏi.

- Làm sao giỏi hở chị?

- Thì các em đây này! Các em sẽ học thật giỏi. Chị nữa chứ, chị sẽ học thật giỏi. Mình sẽ tìm tòi, nghiên cứu như người Mỹ, người Nga. Mình sẽ tiến, sẽ tiến như họ vậy.

Chị thấy cu Tiến liếm môi, Ti cau mày và Bé nắm tay lại. Chị muốn dang rộng đôi cánh tay ôm hết các em vào lòng. Chị nói – nói như say:

- Rồi khi nào hết đánh nhau, sẽ có nơi cho mình học hành đầy đủ, sẽ có thầy dạy cho mình những điều đó, sẽ có dụng cụ cho mình nghiên cứu… như những học trò ngoại quốc. Mình sẽ giỏi, sẽ tiến, nghen các em!

Những đôi mắt bé thơ chợt sáng lên như sao. Chị thấy nghẹn ngào. Mấy lời nói của chị khiến các em tin tưởng mạnh mẽ hơn chất thần tiên trong chuyện chú Cuội chị Hằng. Phải gieo mầm hy vọng trong đầu các em ngay bây giờ, để các em lớn lên không tủi hổ, tự ti. Mình sẽ thắng nhé, các em! Chiến tranh rồi sẽ dứt, hận thù rồi sẽ tan. Ngày mai là của các em đó!

Thôi, hãy đi ngủ. Mười giờ đêm rồi! Chị em mình thức hơi khuya đấy! Các em lục tục vào mùng. Chị một mình ra sân tháo gỡ lồng đèn. Trăng còn sáng, còn cười với chị kìa!

2

Em không ngủ được. Anh Ti, chị Bé đã ngủ từ lâu. Mấy chị còn đang giặt rửa nghe ào ào. Ba, má, cu Thạnh, em Thảo chắc đã ngủ say dưới nhà. Trên gác này còn lại chị Phi cũng vừa mới tắt đèn vào ngủ.

Mọi ngày em ngủ trước mọi người. Nhưng sao đêm nay cơ hồ mắt em cứ giương lên trao tráo. Em cố nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra lúc nào không hay. Những lời của chị Thanh nói ban nãy cứ luẩn quẩn trong đầu em… Mình bây giờ còn kém, nhưng về sau sẽ giỏi. Lạ quá! Mình có kém không? Mà về sau mình có giỏi như người ta không? A, em nghĩ ra rồi! Em bây giờ mới năm tuổi, chắc em còn kém, còn dở lắm. Nhưng em sẽ lớn chứ! Em lớn đến hai mươi tuổi, ba mươi tuổi… em sẽ giỏi. Các “nhà bác học” cũng là những người lớn cả – em chẳng hiểu “nhà bác học” phải như thế nào, nhưng em hiểu là họ giỏi lắm. Không biết khi em lớn, em sẽ giỏi đến thế nào, chứ bây giờ, em thấy em cũng đâu có “dở” gì. Này nhé! Em mới năm tuổi, mà chị Thanh cho em làm toán nhân “2 con”, em cũng làm được. Em học thuộc bài “Con ve và con kiến” dài ghê là…. Em viết được chữ “khúc khuỷu”, “khuya khoắt”, “nghiêng ngửa”, ngoằn ngoèo”,… nhiều lắm cơ, mà không sai… Em học được cả tiếng Anh của anh Tâm dạy nữa kia. Mà khi em đi thi vào lớp “bét” trường công họ cũng bảo thiếu tuổi không cho vô mặc dù em học được lớp năm.(**) Ba nói tại em “giỏi” quá nên họ không dám nhận, làm em “mừng mừng”. Vậy là em đâu có dở. Không hiểu sao mỗi khi được khen em lại vui lên, và em lại khoái tìm tòi hơn. Trong nhà ai cũng bảo em là đứa hay thắc mắc, hay suy tư – em cũng chẳng hiểu “suy tư” là cái gì nữa. Em thấy chị Thanh súc chai nước, chị ấy nhúng cái chai vào thau nước làm phát ra những tiếng “sục sục” rồi bọt nổi lên, em cũng hỏi tại sao. Em thấy cái quạt máy quay làm mát mẻ em cũng bắt chị giải thích tại sao. Em thấy những vật xung quanh – tờ giấy, miếng vải, chiếc xe… em cũng muốn biết làm sao tạo ra chúng được. Tại sao em lắm thắc mắc vậy nhỉ? Rồi có hôm em hỏi chị Thúy:
- Chị ơi! Ai sinh ra mình?

- Má sinh chứ ai nữa?

- Không, em hỏi… cái hồi mà chưa có má, chưa có ngoại, chưa có… ai hết, làm sao có “mình”?

Chẳng hiểu sao cả nhà cười vang. Chị Thúy bảo rằng em về sau không là “khoa học gia” thì cũng là “triết gia” thôi. Em lại cũng chẳng hiểu “triết gia” là gì, phải như thế nào, nhưng “khoa học gia” thì em hiểu – vì em khoái “khoa học” lắm. Nhiều chữ ngộ quá đi thôi, bao quanh em. Suốt ngày em cứ thắc mắc mãi, có khi ai kêu, hỏi gì em cũng chẳng nghe. Anh Ti bảo em chưa già đã điếc. Ôi! Đến bao giờ em mới biết hết mọi chuyện như mấy “nhà bác học” nhỉ?

Một hôm chị Thanh đưa em xem một cuốn báo Tuổi Hoa, chỉ cho em hình một người mặc áo trắng, đang làm việc bên những bình, những ống gì ấy. Chị bảo em đọc những dòng chữ bên dưới. Em đọc: “Một nhà nghiên cứu đang thực hiện những thí nghiệm về hóa học trong phòng thí nghiệm. Các em trai Tuổi Hoa có ước mơ trở thành nhà thông thái nầy không?”. Đọc xong em chỉ cười hì hì nhưng em suy nghĩ ghê lắm. Em rất thích chứ! Không những thích như vậy, em còn mơ được làm “người không gian” lên thám hiểm trên mặt trăng như ba cái ông Mỹ hôm trước trên truyền hình nữa cơ. Đến bao giờ em mới được lái phi thuyền lên mặt trăng nhỉ? Ừ, lo gì, em sẽ học nhiều, học giỏi, em sẽ “chế” ra phi thuyền để em lái. Nhưng mà phi thuyền của em sẽ không mang tên Apollo đâu! Nó sẽ có một cái tên Việt Nam, vì em là người Việt Nam mà! Chừng ấy em sẽ đặt tên cho nó sau vậy.

Lạ, sao em cứ nghĩ mãi thế này? Mọi người ngủ cả rồi, trừ chị Thúy và chị Thanh còn trò chuyện ở dưới nhà. Em thấy ánh trăng chiếu qua cửa sổ, in lên trần nhà thành những vệt dài song song. Đẹp quá đi mất! Em len lén ngồi dậy, vén mùng chui ra, đến bên cửa sổ. Mặt trăng bây giờ sáng hơn lúc chúng em ngồi kể chuyện nhiều, lại tròn như cái bánh ngọt em thích nhất. Em nom thật rõ bóng “cây đa”– hồi trước chị Thanh thường bảo vậy – in trên nền vàng của trăng. Không biết thật ra đó là chỗ nào nhỉ? Có phải đó là chỗ hai ông Mỹ đã đáp xuống không? Thật quá sức tưởng tượng của em, em nghĩ không ra.

Em nhón gót cho cao lên một tí. Em hình dung chú Cuội ngồi trong trăng ấy, chú vẫy em, còn cười với em nữa chứ! Không, không đời nào có chú Cuội! Em chỉ mơ làm “người không gian” lái phi thuyền lên mặt trăng thôi!

3

Quả thật chị đã giật mình vì hoảng hồn, nhưng chỉ nửa phút sau là chị lấy lại bình tĩnh. Tiến ngồi kia mà! Nửa khuôn mặt của em sáng lên vì ánh trăng bên ngoài. Em làm gì ở đây mà chưa đi ngủ? Chị hỏi thật khẽ nhưng cũng đủ làm em giật mình. Em nhìn chị, đôi mắt chớp nhanh. Chị nhìn thấy trong đôi mắt đó nét thông minh rực rỡ. Rồi em hỏi:

- Chị!... Chừng nào em lớn, em “chế” chiếc phi thuyền bay lên mặt trăng như mấy ông Mỹ hở chị!

Chị trố mắt nhìn em. Ôi em trai của chị! Chị quả như người từ mặt trăng rơi xuống, dầu niềm mơ ước này chị đã có từ lâu rồi. Phải như thế chứ, em trai của chị! Chị nghẹn ngào lẫn sung sướng, gật đầu. Em lại tiếp tục:

- Rồi em sẽ… cắm lá cờ Việt Nam trên đó há!

- Ừ.

- Rồi em sẽ bay về trái đất há!

- Ừ.

- Rồi em sẽ thấy lại “người địa cầu” há!

- Ừ.

- Rồi… sao nữa hả chị?

- Rồi chị sẽ ra đón Tiến. Mọi người sẽ ra đón Tiến.

- Sao nữa?

- Rồi ai cũng hoan hô Tiến hết. Tiến đã trở thành…

- …thành gì?

- …thành “nhà bác học”.

Nụ cười của em nở trên môi thật hể hả. Em ơi, chị đã ươm mầm mơ ước từ lâu nhưng chưa nói ra. Thì nay trái mơ đã hiện. Một ngày không xa trái mơ sẽ chín. Niềm tin của chị là đây. Chị ngước nhìn trời. Vầng trăng ngọc như cười với chị em mình. Em ơi cười đi em!!!


CAM LI

______________ 
(*) Ngày 20 tháng 7 năm 1969, phi thuyền Apollo 11 mang những con người đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng.
(**) Hệ thống tiểu học trước năm 1970: Lớp Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất: tương đương với lớp Một, Hai, Ba, Bốn, Năm sau này.
     


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 114, ra ngày 15-9-1969)



Nguồn : http://tuoihoa.hatnang.com
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>