Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

CHƯƠNG 10, 11, 12_GHỀNH ĐÁ CHEO LEO

10



Những giờ phút dài dẵng chờ đợi qua đi một cách nặng nề chậm chạp. Tất cả dân làng ngồi ngoài bãi suốt đêm thâu. Hy vọng, sợ hãi, kinh hoàng đều tập trung tất cả về ghềnh đá ngoài khơi. Người ta tả lại một cách tỉ mỉ từ đỉnh cho tới chân nó. Mỗi người thêm vào một chi tiết và cuối cùng không mô tả nào giống mô tả nào. Có người cho rằng ghềnh đá đó thoai thoải và lũ trẻ chẳng phải khó nhọc lắm mới có thể leo tới đỉnh được. Người khác cãi lại rằng ghềnh đá đó mọc thẳng đứng cheo leo, chúng nhỏ yếu làm sao trèo lên cao nổi. Người khác nữa nghĩ rằng mực nước biển không bao giờ dâng tới bậc thềm trên cùng của ghềnh đá và bọn chúng có thể trú ẩn ở đó một cách an toàn. Người kia không đồng ý gân cổ biện luận rằng dù cho mực nước biển không lên cao đến mức đó, nhưng ngọn sóng thần dư sức chồm lên quét sạch cả bọn. Tùy theo mỗi người mô tả và bàn luận theo các con tim dâng lên hoặc hạ xuống niềm hy vọng và ái ngại.

Ngọc Hạnh lân la hết nhóm nọ lại chạy sang nhóm kia, lắng tai nghe mọi người bàn tán. Khuôn mặt nàng hiện nguyên nét bồi hồi lo lắng. Nàng như đang nhìn thấy bé Hùng leo lên ngọn ghềnh giữa màn đêm hoang lạnh. Nàng cầu khấn trời đất phù hộ cho mực nước thôi lên cao mãi. Trái tim nàng tê dại mỗi lần tưởng tượng ra bé Hùng mặt mày tái mét, thở hổn hển, miệng mếu máo, chân tay run lẩy bẩy, quần áo rách nát, da thịt vấy máu, thỉnh thoảng lại buông vào không trung hai tiếng “má ơi”.

Tiếng gà gáy bắt đầu chỗi dậy từ vùng đêm tối. Ngọc Hạnh ngồi trên phiến đá, mệt mỏi, run lạnh chờ đợi. Nàng thiếp ngủ lúc nào không hay. Bừng tỉnh dậy, nàng vội nhìn ra chân trời bể cả.

Màn sương buổi sáng còn bao bọc dầy đặc trên một vùng biển rộng lớn mờ mịt. Khí trời ảm đạm một mầu tang tóc. Bao con mắt mỏi mòn xuyên thẳng vào màn sương như đang nhấn chìm biển cả, ngóng chờ con thuyền trở về cập bến. Con thuyền như chất chứa niềm hy vọng hoặc nỗi đắng cay thê thảm. Sương mù tan dần vào biển rộng theo nhịp điệu bình minh tiến tới. Và bây giờ mặt trời đã xuất hiện trước mắt với dáng vẻ đầy ngái ngủ, rụt rè. Từ xa xa, giữa muôn ngàn làn sóng lấp loáng, một cánh buồm trắng bay về như cánh chim bồ câu sắp trao tới bức thư đưa tin mới.

Mọi người nhấp nhổm, chỉ trỏ nhau về hướng cánh buồm, nín thở, hồi hộp. Cánh buồm mỗi lúc thêm hiện rõ trên nền trời xanh nhạt. Rồi con thuyền đen chở cánh buồm chập chùng bước tới. Và đúng rồi, mọi người hô lên:

- Đúng là thuyền của bác Trọng ! Cầu trời cho làng này thoát nạn.

- Không biết có tụi nhỏ dưới đó không ?

- Buồn hay vui đây ? Sống sót hay biệt tích rồi ?

- Cầu Trời cho con tôi còn sống !

Con thuyền tiến lại gần hơn. Các cặp mắt banh to dán vào con thuyền buồm lướt sóng. Và lúc này hai bên đã nhìn ra nhau. Họ vẫy tay, gọi nhau ơi ới, mừng rỡ, nhảy cẫng lên, mắt hoen lệ.

- Chúng nó kia rồi !

- Thằng Minh đứng trên mũi thuyền kìa !

- Thằng Hòa sún nhảy cà tưng quá trời, mày !

Con thuyền vừa cập bến, tụi nhỏ xô nhau nhẩy lên bờ, chạy vội tới nắm tay má chúng nó. Các bà cũng xô lấn nhau, đưa tay ra kéo lấy con, ôm ẵm vào lòng như lúc còn tuổi thơ. Họ đã tìm thấy châu ngọc mà tưởng chừng sóng gió đã cướp giật mất khỏi vòng tay họ rồi.

Từ nãy tới giờ Ngọc Hạnh vẫn dớn dác tìm bóng dáng con, nhưng chẳng thấy một dấu vết. Nàng sửng sốt :

- Hùng ơi, con đâu rồi ? Má đây nè ! Hùng ơi, Hùng !

Không một dư âm, không một tiếng vọng và cũng chẳng thấy bé Hùng chạy nhảy lên bờ như bọn nhỏ kia.

- Toàn ơi, bé Hùng đâu, cháu ? Nó có sao không ? Nó đâu rồi, Toàn ơi ?

Thằng Toàn lém lúc này hiền như củ khoai, cù lần hết chỗ nói. Nó e lệ lắc đầu trước những câu hỏi dồn dập của Ngọc Hạnh.

- Dạ, cháu không thấy nó đâu cả.

Không chờ đợi được nữa, nàng chen lấn, rồi nhảy xuống thuyền lục lọi, săn kiếm :

- Hùng ơi, con ở đâu ? Con nghe thấy má gọi con không ?

Nhìn thấy bác Trọng ngồi trên mũi thuyền yên lặng, thảm não, nàng kêu lên hốt hoảng :

- Bác ơi, con tôi đâu rồi ?

Và không nghe thấy gì nữa. Đau khổ tới cùng cực, nàng té xuống lòng con thuyền bất tỉnh, không động đậy.

Thế là chuyến trở về vừa ngời sáng hân hoan đã vội vã tràn ngập u ám, tiêu điều. Người ta bế nàng về nhà với niềm thương hại cho nàng thiếu phụ bất hạnh. Không tiếng cười nói reo hò mừng vui nữa. Đám đông tản mác dần. Một số người, nhất là trẻ con theo sau nàng như một đoàn tháp tùng và hơn thế, như một đám táng. Bé Hùng biệt tích, giờ đây đã là đầu câu chuyện trên môi mép mọi người. Người ta hạch hỏi Thành Cồ như một thủ phạm :

- Thằng Hùng mất tích từ lúc nào, mày ?

- Mày coi nó thế à, thằng gà toi này !

- Mày có đoán lúc này nó ở đâu không ?

Thằng Thành bấn người, sợ sệt, ú ớ :

- Nó cùng với tụi con leo lên tới thềm đá trên cùng rồi. Và nếu không bị ngọn sóng thật cao đổ xuống lúc ấy, chắc nó sống sót. Từ lúc đó, con không thấy nó đâu nữa.

Như quên đi mối thù hận, thằng Dũng đỡ lời cho thằng Thành Cồ, mặt mày còn tái xanh mét như gà thiến :

- Thằng Hùng vẫn đi theo tụi con hoài. Nó chì lắm, leo núi rất mạnh bạo. Nó đã nằm sóng soài trên bậc đá với tụi con rồi mà ! Sau đó con thiếp đi và từ lúc đó con không hay biết gì nữa.

Lúc này ông Trọng mô tả thêm như vớt vát mặt mũi :

- Vừa tới ghềnh đá, tôi thấy chúng nó nằm la liệt, im lìm như những xác chết. Chúng nằm cả đấy, trừ thằng Hùng. Đắp mền cho tụi nó xong, chúng tôi lần mò đi kiếm mọi hốc đá, nhưng không thấy tăm hơi. Sau khi lau mặt mũi cho tụi nhỏ tỉnh dậy, chúng đòi ăn uống như bầy heo. Tôi hỏi chúng thằng Hùng đâu, chúng nó lắc đầu, chỉ trỏ ra biển. Tôi leo lên cao nhìn khắp nơi, nhưng chỉ thấy sóng biển dập dồn. Tội nghiệp hai má con. Tôi đã gắng hết sức, nhưng không giúp được gì cả.

Nắm được cơ hội thuận lợi, lúc này con nhà Dũng mới bồi thêm một cú đá móc lò nữa :

- Nếu thằng Thành nghe con, đâu tới nỗi buồn phiền thế này !

Các bà thở dài, rồi lần lượt kéo nhau ra về. Còn lại bên giường Ngọc Hạnh và săn sóc cho nàng là chị Hoạt, người bà con đã cho Ngọc Hạnh tạm trú.

11



Sau một hồi ngất đi khá lâu, Ngọc Hạnh tỉnh dậy. Nàng mê man với những cảnh tượng hãi hùng trong cơn ác mộng vừa qua. Chung quanh nàng thật yên tĩnh, sáng sủa. Những đồ vật quen thuộc vẫn nằm trật tự nguyên tại chỗ. Vẫn bình hoa đó, vẫn hàng sách báo quen mắt đó, vẫn những đồ chơi của bé Hùng trên bàn… Nàng còn nằm im một lúc, đưa mắt rảo nhìn khắp một lượt quanh căn phòng nhỏ. Giật mình như nhớ ra điều gì, nàng nhìn sang bên cạnh và đưa tay rờ rẫm. Không thấy gì cả, nàng rú lên một tiếng, rồi lại ngất xỉu.

Lần này tỉnh dậy, nàng từ từ mở mắt, bình thản. Nét mặt nàng khô cứng rắn rỏi lại, cặp môi mím chặt. Trái tim nàng đã vắt hết thương đau và nước mắt. Nàng không khóc lóc được nữa. Giọng nàng khàn khàn ngột ngạt mất rồi. Nàng quay sang nhìn chị Hoạt, nài xin chị kể lại diễn tiến câu chuyện từ đầu tới cuối xem sao :

- Chị ơi, chị làm ơn kể lại cho em nghe tất cả đi, em chết mất !

Bằng một giọng ngần ngại, chị Hoạt lặp bặp mở miệng :

- Buồn quá, cô ạ ! Cô nằm nghỉ yên đi. Hỏi làm gì nữa. Câu chuyện đã hết rồi !

Ngọc Hạnh phều phào :

- Nó chết thật rồi sao ? Trời ! Tất cả đã trở về, chỉ trừ bé Hùng. Trời ! Trời đã ăn cướp con tôi rồi ! Còn một vài bữa nữa chồng em ra đây. Chúng em sẽ khổ sở. Chúng em là những kẻ bất hạnh nhất trên cõi đời ô trọc này !

Dù mệt nhọc rã rời và hầu như cạn tiếng, nàng trách mình đã thiếu bổn phận :

- Chính em đã đánh mất con em. Vì em mà nó chết. Nó yêu thích biển cả, nhưng em thật ái ngại. Em vẫn canh chừng nó từng giây từng phút. Vừa lúc em thiếp ngủ là nó vụt bay mất như con chim xổ lồng.

Không một nức nở. Không một tiếng khóc. Chỉ còn mê sảng và điên cuồng :

- Suỵt, đừng nói ồn ào nữa ! Cả ba đứa đang nằm ngủ rồi. Làm ơn đóng lại cửa sổ kẻo ánh sáng đánh thức tụi nó dậy mất. Ông Trọng đã tìm thấy chúng nó nằm trên ghềnh đá. Tất cả mệt nhọc rã rời. Khi chúng nó tỉnh dậy, tôi sẽ dắt chúng nó về nhà. Các người nhìn thấy không, cả ba đứa đều tươi đẹp hồn nhiên ?

Chị Hoạt ngơ ngác không hiểu Ngọc Hạnh vừa nói lảm nhảm những gì ?

- Cô Hạnh ơi, cô nói gì vậy ? Tội nghiệp cô quá ! Trong đời tôi, đã bao lần chứng kiến những cảnh thương tâm, những cuộc đắm tầu thuyền, nhưng chưa thấy ai đau khổ hơn cô. Đừng thất đảm quá ! Cô còn một bổn phận nữa, bổn phận đối với chồng cô. Giờ phút này anh ấy cần tới cô hơn bao giờ hết.

- Phải, chị nói đúng. Bé Hùng mất đi, là chúng em mất hết. Bé Hùng mất đi, là ý nghĩa cuộc đời chắp cánh bay xa. Lúc này em chỉ còn một bổn phận duy nhất là thờ chồng. Anh sắp đến đây. Em phải tìm cách ngăn cản. Em sẽ viết thư cho anh, bảo anh đừng ra đây vội. Trời ơi, giúp tôi với, tôi điên mất !

Nàng sờ soạng đưa tay trên bàn tìm bút giấy, nhưng nàng lại rờ thấy một lá thư do người phu trạm mới đưa tới sáng nay lúc nàng còn nằm bất tỉnh. Nàng giật mình, vội vã xé thư ra đọc :

   Huế, ngày…

Anh không chờ được nữa. Anh nhớ con quá. Đúng như em nói, tất cả công việc làm ăn không phải là công chuyện lớn của cuộc đời chúng ta. Anh chỉ còn thấy hứng khởi mỗi lần nhớ tới em và con. Anh như chỉ còn con và em hiện hữu ở trần giới này. Vài ngày nữa, anh sẽ lấy vé xe lửa tốc hành đi thăm em và con.

Đôi hàng vắn tắt anh báo tin em hay. Anh mong mỏi từng giờ phút ra gặp em và con. 

                                                                                                                       Anh của em

Trời ơi, nàng thốt lên, anh sắp tới đây rồi sao ? Biết ăn nói thế nào đây ? Anh đã mất con rồi. Bé Hùng đã ra đi vĩnh viễn. Lấy con đâu mà trả cho anh ? Làm sao để báo cho anh đừng đến đây nữa? Có mỗi một việc coi đứa con mà coi không xong. Còn ai tồi tàn hơn em không ? Em không xứng đáng làm vợ anh nữa đâu !

Thổn thức xong, nàng thở hổn hển và cảm thấy nhẹ nhõm tâm tư hơn. Nàng ngồi dậy, vươn vai và định đứng dậy ra ngoài thì tiếng xe ngựa dần tiến lại.

- Thôi đúng rồi, nàng cuống quýt, anh đến nơi rồi !

Nàng định chạy trốn, nhưng chân nàng như dính chặt xuống nền nhà.

Chiếc xe dừng lại. Những bàn chân lọc cọc bước xuống. Nàng ngồi xuống giường, mặt cúi vào vòng tay đặt trên hai đầu gối.

Cánh cửa mở ra :

- Anh về đi, anh về đi !

Nàng không nói thêm được gì nữa. Tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào.

Chị Hoạt đứng dậy định trấn an,

- À chú, chú tới hồi nào vậy ?

Không chờ chị Hoạt nói thêm, và như linh cảm thấy chuyện buồn, chàng vội vàng kêu lên :

- Hùng ơi, con đâu rồi ?

Chàng gọi thêm một lần nữa và mắt chàng dồn cả về phía chiếc gối dài. Chàng thấy một vật đen nằm trên đó bắt đầu cựa quậy. Chàng lao tới, gọi dập dồn :

- Có phải Hùng đó không, hả Hùng ?

- Ba ơi, ba, má con đâu rồi ?

Chàng mở vội lượt khăn ra, bỡ ngỡ, mừng rỡ ôm con vào lòng. Ngọc Hạnh lạ lùng, im luôn tiếng nức nở, đứng nhổm dậy chạy tới, giành lấy con :

- Con ơi, con nằm đó hồi nào mà má không hay. Trời ơi, tôi đã tìm thấy con tôi rồi ! Sao con làm má buồn khổ thế…

Bao nước mắt và bao mừng rỡ đang hòa chung tấu khúc yêu thương giữa căn nhà này.

12



Sau cơn giông tố, trời bắt đầu sáng lại. Tin vui truyền lan mau lẹ khắp xóm làng. Tất cả đổ xô tới thăm bé Hùng. Đối với người dân ở đây, đó chính là một phép lạ.

Từ lúc ngọn sóng bạc đầu tàn ác cuốn đi bé Hùng, nó không hay biết gì nữa. Giờ đây nó kiệt sức nằm trên giường. Đôi mắt nó chỉ muốn nhắm nghiền lại. Ngọc Hạnh tươi vui hẳn, nàng lăng xăng, cuống quít, chạy tới chạy lui săn sóc cho cậu ấm tử như vừa chết đi giờ đã sống lại.

Lúc này thằng Tèo điên đang ngồi thản nhiên bên lối đi vào nhà. Không thèm đếm xỉa tới ai, cũng chẳng quan tâm tới chuyện gì nữa, nó ngồi nghiến ngấu cắn khúc mía ngọt. Chỉ có một mình Ngọc Hạnh mới hiểu và cắt nghĩa được vai trò của thằng Tèo trong chuyến phiêu lưu này. Tình thương đã thắng trận trong con người tồi tàn xấu xí đó.

Nàng kể lại cho mọi người tới thăm diễn tiến câu chuyện mà nàng hiểu được sau khi đã dò dẫm hỏi thằng Tèo :

- Vào nửa đêm, một con thuyền nhỏ đã rời bến và sáng nay đã nằm mắc cạn trên bãi cát ngoài xa kia. Không một ai còn lại trên thuyền cả. Đấy là chiếc thuyền của hai vợ chồng ông Long. Ông vẫn còn đau yếu sau cơn cảm lạnh tuần qua. Vợ ông suốt đêm lo thuốc thang hầu hạ ông. Một giờ trước lúc bình minh, cánh cửa mở ra như một luồng gió thổi tung và thằng Tèo điên bước vào, hai tay ôm một vật gì. Đó chính là bé Hùng nằm cuốn tròn trong chiếc khăn choàng, mê mệt như chết lả, chết lạnh. Thằng Tèo thấy thế, nó hoảng sợ, bế vội bé Hùng vào bếp, đốt lửa và sưởi ấm. Nó còn đổ từng giọt rượu vào miệng bé Hùng để tăng thêm nhiệt độ trong người. Lúc ấy thằng Tèo sáng suốt và âu yếm như bà mẹ săn sóc đứa con thơ.. Khi bé Hùng mở mắt tỉnh dậy, nó ôm vào ngực, rồi đứng dậy ra đi. Không chào không hỏi, cũng chẳng một câu nói. Về tới căn phòng của tôi, nó đặt bé Hùng nằm xuống ghế dựa dài, và vẫn cuốn tròn kín mít với chiếc khăn choàng tôi đã trao cho nó hồi đêm.

Nghe xong, mọi người tấm tắc khen Tèo điên :

- Không ngờ thằng Tèo giỏi quá ta !

- Thế mà xưa nay tụi nhóc cứ chọc ghẹo phá phách nó hoài !

- Từ nay nên đối xử tử tế với nó đi !

- Không có nó, chắc lúc này cá mập sực thằng Hùng rồi.

Thằng Tèo điên lúc này chính là một thiên thần. Chính tấm lòng hảo tâm và thương mến của hai má con Ngọc Hạnh đã gieo vào tâm hồn thằng Tèo niềm biết ơn sâu xa, mầm mống biết ơn đã đâm chồi nẩy lộc mau lẹ trong những giờ phút thất đảm nhất của nàng.

Thằng Tèo biết được bé Hùng đã ra khơi với tụi nhỏ và chúng nó đang lâm nạn. Trước những tiếng khóc não nề và thảm thiết của Ngọc Hạnh, nó đã cầm lấy chiếc khăn choàng và nó lừ lừ bước đi trên bãi cát. Ra tới bến, nó nhảy lên chiếc thuyền nhỏ của ông Long. Giữa đêm tối mịt mù, nó chèo chống con thuyền về phía ghềnh đá. Nó đến đúng lúc ngọn sóng mới hốt bé Hùng và chưa kịp nhấn chìm dưới lòng đáy biển. Nó vớt bé Hùng lên thuyền, bọc vào trong khăn, rồi quay trở lại. Nó không thèm cứu vớt bọn kia vì nó còn căm thù những chọc ghẹo của chúng.

Sau những giờ phút yêu thương làm tỉnh trí, giờ đây nó lại quay về cơn điên khùng. Nó nhìn hai má con Ngọc Hạnh, gật gù, không lời chào hỏi. Rồi nó chụp lên đầu chiếc nón rách, lững thững ra đi… Bé Hùng nhổm dậy, vội kêu lại :

- Chú Tèo ơi, ở lại chơi với cháu đi !

Nhưng thằng Tèo điên, như không nghe thấy gì nữa, nó tiếp tục thất thểu cất bước lang thang.


*


Ít ngày sau, để tỏ lòng biết ơn và đền đáp dân làng, ba bé Hùng đã ra thị xã mượn lều vải, mua đồ ăn, đứng ra cám ơn mọi người và xin phép cho tụi nhỏ được cắm trại một ngày. Không chờ dứt câu nói, lũ trẻ nhảy lên reo hò vang trời. Lều đã được dựng lên. Tất cả thức ăn được bầy ra : xôi, gà, trái cây, bánh, kẹo… nom thật ngon miệng. Sau mấy lời cám ơn của thuyền trưởng Thành Cồ, bọn nhỏ tranh nhau ăn uống. Thành Cồ được tưởng thưởng một chiếc cặp thật đẹp vì những đức tính gan dạ, nhanh trí, che chở bé Hùng.

Hôm nay thằng Tèo điên cũng được mời tới. Mặt nó cười nhăn răng ra trông giống con khỉ đột tệ. Không đứa trẻ nào dám khinh thường và chọc tức nó nữa. Nó được mọi người trọng kính như một quan khách. Nó mặc bộ đồ mới do Ngọc Hạnh trao tặng. Nó không thèm trò chuyện với ai cả. Nó chỉ lo ăn uống no bụng và tiếp tục đưa tay ra nhận lãnh đồ ăn và nước ngọt do bé Hùng trao tới. Thỉnh thoảng nó nhìn bé Hùng rồi cười khoái trá ngất ngư.

Sau ngày vui tưng bừng ấy, cơn mây buồn lại tới bao phủ làng Thanh Hải. Gia đình bé Hùng sắp sửa rời bỏ nơi đây để trở về thành đô sinh sống và bé Hùng tiếp tục cắp sách tới trường.

Giờ khởi hành đã điểm, cả dân làng theo ra tiễn đưa. Bé Hùng buồn nhất. Nó không muốn leo lên xe nữa. Mắt nó rớm lệ, lòng tê tái khi phải xa Thành Cồ, thằng Toàn lém, thằng Hoà sún… và cả thằng Tèo nữa. Vừa nhìn thấy thằng Tèo giơ tay gạt nước mắt, bé Hùng vội kêu lên :

- Chú Tèo ơi, chú ở lại vui nhé ! Chào chú, hẹn gặp chú !

Chiếc xe chuyển bánh. Bé Hùng quay lại vẫy tay chào mọi người. Nó nhìn ngơ ngẩn và không chớp mắt cho tới lúc không còn nhận ra những vệt đen như con kiến đàng xa nữa… 


 
THANH HIỀN   


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>