I – CÔ THỤC
Hôm
nay khai giảng, mình vào lớp Lục A. Tất cả học trò đều đứng lên chào.
Có khuôn mặt đã bắt đầu vương nét tinh nghịch trẻ ranh, có khuôn mặt còn
nguyên vẻ bỡ ngỡ nhát sợ. Mình cho chúng nó ngồi xuống.
Bắt
đầu cho chép chương trình Quốc văn, xong là vụ khai lý lịch. Nói khai
lý lịch cho oai, thực ra bắt chúng nó làm mấy cái việc điền tên điền
tuổi vào các phiếu thông tin thế thôi. Xong, thời giờ còn dài, cô trò
tha hồ mà hàn huyên tâm sự.
Chúng nó có vẻ lạ lùng vì chưa quen với việc tự đứng lên giới thiệu. Bàn đầu tiên năm đứa, có một đứa còn nhỏ xíu xiu.
- Thưa cô, em tên là Thái thị Yến. Dạ em sinh năm 1947. Dạ em ở với ba mẹ. Dạ em ở đường Hai Bà Trưng.
Vừa
nói, mặt con bé vừa đỏ như gấc chín. À, hóa ra nó nhỏ con chứ sinh năm
47 thì đâu có bé bỏng gì. Bàn đầu dãy bên kia có một con bé khá ngộ
nghĩnh: Tròn vo như hạt mít, mái tóc bù xù được cặp gọn ra sau mà khúc
đuôi vẫn phồng lên như đuôi sóc, cặp mắt to, lông mi dài mà thưa, miệng
nhỏ, có vẻ láu lỉnh ghê. Con nhỏ đứng lên nhanh nhẹn.
- Thưa cô, em tên là Lê Hương Mai, sinh năm 1947. Em ở với ba má ở đường Phan Đình Phùng.
Nói
xong câu giới thiệu trơn tru, con bé ngồi xuống, khóe miệng tươi cười
như thích chí. Hỏi thêm gần nửa lớp thì trống đánh thùng thùng báo hiệu
ra về. Lũ học trò xôn xao đứng dậy, hướng những đôi mắt sáng ngời về
phía mình. Tạ ơn Chúa, năm nay con đã được hướng dẫn một lớp khá dễ
thương, con xin hiến dâng Chúa niên học mới này.
II – LÊ THỊ THÁI BÌNH
Em
theo các bạn di chuyển lên lầu. Ngang qua hành lang văn phòng em dừng
lại sửng sốt: có hai ba cô giáo đang từ từ tiến đến. Trong số, có một cô
sao mà thấy dễ thương chi lạ! Cô mặc chiếc áo len màu xanh lá cây,
chiếc áo dài vàng, mái tóc vừa đến gáy phồng ôm lấy khuôn mặt bầu bầu
phúc hậu. Đôi mắt cô sao mà to, sao mà đen, sao mà dịu dàng đến thế.
Chưa gì em đã thấy thương quá là thương.
Em
bâng khuâng đi vào lớp. Tất cả mọi sự đều lạ lùng, từ bàn ghế cho đến
những người từ nay em phải gọi là bạn hữu. Thôi nhé, giã từ Nha Trang
quanh năm nắng ấm. Giã từ mái trường thân yêu với những nhỏ bạn nghịch
như điên. Giã từ con đường ngày hai buổi đi về dưới tàng lá keo xanh
mát… Biết có bao giờ em được về thăm lại nơi ấy?
Đang
mơ màng nghĩ ngợi bỗng “loạt xoạt”, cả lớp đứng bật dậy chào giáo sư
hướng dẫn. Em cũng uể oải đứng lên theo. Trời đất thiên địa quỷ thần ơi,
em có mơ ngủ không đây… cô giáo dễ thương của em vừa bước vào lớp học.
Mấy đứa bên cạnh xì xào: “cô Thục, cô Thục…” rồi cười tươi như hoa. Lòng
em cũng êm dịu nhắc lại tên cô, cái tên nghe cũng hiền hòa như người
vậy.
Cô lên tiếng… giọng hơi trầm, hơi khàn đục nhưng mà nghe ấm lạ thường:
- Chào các em. Các em ngồi xuống.
Em
thấy vẻ hài lòng hiện rõ trên nét mặt tụi nhỏ, hình như đứa nào cũng
thích được cô hướng dẫn. Mà cô như cũng yêu thích học trò, đưa cặp mắt
tươi vui nhìn kỹ từng đứa. Trong lòng em chen vào một nỗi ghen tức vu
vơ. Em hồi hộp dõi theo từng cử động nhỏ nhặt của cô, thấy cô làm gì
cũng dễ mến quá chừng.
- Nào, bây giờ còn lại ít phút, cô trò mình làm quen nhau nhé! Các em tự giới thiệu “tiểu sử” cho cô nghe xem nào!
Cả
lớp cười ồ. Đứa này đẩy đứa kia, cuối cùng cô cho nói theo thứ tự chỗ
ngồi. Đến cái con nhỏ có mái tóc bù xù, mắt cô hơi thoáng vẻ tươi cười
thích thú. Lòng em chợt nhói đau. Cái con nhỏ chi mà mái tóc như ổ quạ,
ăn nói láu táu chả ra gì. Để đến phiên em, em sẽ…
Nhưng mất công hồi hộp! Mất công nhẩm đọc thuộc lòng từng lời giới thiệu… vì trống đã đánh rồi. Thùng… thùng… nước mắt em như muốn trào ra theo tiếng trống. Biết thế này thì khi nãy em đã tranh ngồi phía bên kia, miễn sao cho ánh mắt cô lướt qua là nhìn thấy em liền. Chỉ tại em nhát quá mà thôi.
Thế
là giờ đây em chính thức trở thành nữ sinh trường Bùi thị Xuân. Ngôi
trường khá đẹp, hai dãy nhà học song song ôm lấy căn nhà chơi nằm chính
giữa, trông tựa như hình chữ H vậy. Có một điều ngộ là trường cái gì
cũng đó, mái ngói đỏ, tường vôi đỏ và sân đất cũng màu đỏ nữa. Màu đỏ
này ở Đàlạt nhìn đâu cũng thấy, ngay cái áo dài trắng mới may của em giờ
cũng đã lấm tấm những vết bụi màu đỏ gạch.
Trường
thì đẹp mà em thật buồn. Em thấy lẻ loi quá đi. Giờ ra chơi tụi nó xúm
xít với nhau, chỉ có mình em thu chặt hai tay vào vạt áo lang thang ở
sân cỏ sau trường. Gió lạnh, cũng lạnh như cõi lòng em.
Mải
mơ mộng, em quên béng mất bài giảng văn chưa soạn. Vào lớp, trong khi
các bạn lục đục lấy sách vở, em ngẩn ngơ cuống quýt. Chết chưa, bài học
quốc văn đầu tiên, em chưa gì đã tỏ ra lười biếng. rồi cô Thục sẽ nghĩ
sao đây? Một ý nghĩ thoáng qua đầu, em vội lấy quyển vở mới ra hí hoáy
chép chép ghi ghi. Cô vào lớp lúc nào em cũng chả hay, cho đến khi nhỏ
bạn bên cạnh khẽ đá vào chân em, em mới chợt thấy các bạn đã đứng lên
chào cô đều tăm tắp. Cô cho tất cả ngồi xuống, em lại vội vàng chúi mũi
vào quyển vở.
Em mới viết hết phần giải nghĩa thì cô đã đến kề bên:
- Bình, em đưa tôi xem bài soạn.
- Thưa cô… em đỏ mặt, tìm cớ nói quanh – Thưa cô, em để quên vở ở nhà.
- Thế em đang làm gì đây?
- Thưa cô, em gắng nhớ lại bài soạn, em chép vào vở khác ạ.
- Em về lấy vở soạn bài đến đây tôi xem!
- Thưa cô, nhà em xa lắm ạ.
- Nếu em quên soạn bài thì cứ nói thật. Tôi không thích học trò nói dối.
Sao cô lại biết là em nói dối? Em chớp nhanh mắt nghẹn ngào:
- Thưa cô, em… em nói thật ạ. Để mai em mang vở soạn bài đi cho cô xem.
- Thôi, không cần.
Cô
đi sang bàn khác, khuôn mặt lạnh lùng. Em muốn òa lên khóc. Cô ơi, em
chả muốn nói dối cô đâu, tại em sợ cô chê em, tại em thương cô quá đấy
thôi. Bây giờ làm sao em còn dám thú ra cái tội nói dối nữa, cô sẽ coi
em ra cái gì?
Lòng
em chĩu nặng nỗi đớn đau. Đến giờ chơi em chỉ biết gục đầu trên bàn mà
âm thầm khóc. Các bạn đều rủ nhau ra hết, khi ngửng mặt lên em bắt gặp
đôi mắt mở to thương hại của con nhỏ “ổ quạ”. Em tức tối nhìn nó, nó vội
vàng quay đi. Tao ghét cái mặt mày lắm nhỏ ạ, cô thương mày, cô ghét
tao mà!
Bài
luận đầu năm tiếp theo, cô cho đề: “Tả loài hoa mà em thích nhất”. Em
cắn bút, tâm hồn rối loạn… lâu lâu lại liếc nhìn cô… thấy em nhìn lên,
cô lạnh lùng đảo mắt sang phía khác. Lòng em nức nở: “cô ơi!”
III – LÊ HƯƠNG MAI
Năm
nay lớp có thêm một con nhỏ chuyển trường từ Nha Trang đến. Con nhỏ chả
có cái gì là dễ thương cả. Mái tóc xơ xác vàng hoe, dài ngang lưng,
nước da thì đen cháy. Gầy nhom. Chỉ được đôi mắt, đôi mắt đen thật buồn.
Chả
hiểu sao tự dưng em khoái con nhỏ, mà con nhỏ hình như lại ghét em ấy
chứ. Tại bữa cô Thục la, con nhỏ khóc. Em tội nghiệp nhỏ quá, vì nhỏ
không có bạn. Ở xa đến mà coi bộ lại kên kên nên chả ai ưa, đứa nào cũng
xầm xì nói xấu. Nhỏ cũng nghinh cả em luôn nữa chứ, vậy mà em không
giận nhỏ mới kỳ.
Em
nhớ tháng trước phát ra bài luận văn tả bông hoa, con nhỏ được cô
“chiếu cố” hơi kỹ. Cô đọc cả lớp nghe một câu văn bất ổn, nhỏ đứng lên
mặt cúi gầm. Tự dưng lòng em xót xa, em thương nhỏ quá, sao tụi trong
lớp lại có thể ác thế nhỉ, tụi nó cười khoái chí trong khi cô nhấn mạnh
lỗi hành văn của nhỏ Thái Bình. Hứ, chắc đâu tụi nó đã hay ho gì?
Vậy
mà tuần qua lớp xảy ra một biến cố trọng đại. Giờ phát bài luận thi lục
cá nguyệt “Tả một người bạn tốt”, cô vào lớp với vẻ mặt nghiệm trọng
khác thường:
-
Các em, bài luận thi kỳ này có một sự bất ngờ. Cô rất ngạc nhiên khám
phá ra một văn tài ẩn giấu trong lớp. Đó là em Lê thị Thái Bình.
Em
quay xuống. Nhỏ Thái Bình ngẩng nhìn cô, trong đôi mắt đen tỏa ra một
ánh vui mừng rạng rỡ ; nhưng nụ cười trên môi chưa kịp nở trọn, đã vội
tắt đi vì câu hỏi của cô:
- Bài luận này em tự làm hay đã lấy ý ở đâu?
- Thưa cô em tự làm lấy ạ.
Chuyện
này em đã biết rồi. Đầu đuôi tại nhỏ Ái cả. Bữa hôm sang cô chơi, cô
cho xem bài luận nhất lớp, nhỏ Ái dám nói là giống một bài trong quyển
Việt luận. Phần em, đọc xong em chỉ thấy là hay, văn trôi chảy mà ý tự
nhiên thành thật. Dù nhỏ có lấy ý trong sách đi nữa em vẫn phục như
thường, có điều tụi bạn ghen ghét thì sức mấy mà chịu khen.
Đang suy nghĩ thì em sực tỉnh, nghe lời cô nói tiếp:
- Nếu bài này em tự làm lấy thì tôi khen em là kẻ có tài.
Nhỏ
Bình ngơ ngác nhìn cô, “dạ” nhỏ rồi ngồi xuống. Cô đọc bài luận, cả lớp
xuýt xoa khen nhưng lại nhìn tác giả với đôi mắt đầy ác ý. Em tội
nghiệp nhỏ quá, thế nào cũng phải đến làm quen mới được.
IV – LÊ THỊ THÁI BÌNH
Bây
giờ thì em đã biết rồi. Em biết tại làm sao mà trước những cố gắng của
em, cô vẫn cứ thờ ơ. Các bạn sao mà ác thế, nhưng nghĩ lại em biết rõ lý
do. Chỉ vì em ở xa đến đây, không dưng đoạt ngay ngôi vị nhất quốc văn
trong lớp, bảo sao mọi người không nghi ngờ ghét bỏ? Không, em sẽ không
nản lòng đâu. Với lại, cũng vì em làm mất sự tín nhiệm nơi cô ngay trong
giây phút tiếp xúc đầu tiên, nếu không chắc cô sẽ dành cho em đôi chút
khoan hồng thương xót.
Dù
sao em vẫn mừng vì đã thêm được một người bạn, ngộ một điều lại là đứa
em ghét cay ghét đắng. Còn nhớ bữa nọ, trong giờ chơi em đang thơ thẩn
một mình dưới gốc cây thông ở sân thể dục, nhỏ chạy đến cười cười:
- Bồ ơi, bồ lại đây tôi nói bồ nghe cái này.
Em còn đang ngạc nhiên, thì đôi mắt to của nhỏ đã chớp chớp:
- Bồ buồn lắm phải không?
Em
lắc đầu, tự dưng thấy có một cục gì nghẹn ngang nơi cổ họng – nhỏ Mai –
em biết thừa tên nó từ lâu – vội vàng nắm lấy tay em, kéo em ngồi xuống
bên nó.
- Bồ làm luận hay thật!
- Nhưng… nhưng cô không tin tôi!
- Tại bồ còn lạ, với lại… với lại…
Nhỏ
ngập ngừng, đôi mắt nhìn em đầy ý nghĩa. Em thì không hiểu tại sao mà
nhỏ ngừng ngang đó. Em thủng thẳng tiếp lời, giọng đầy cay đắng:
- Mấy người trong lớp nói tôi… chép ở trong sách ra.
- Ủa, bồ cũng biết rồi à?
Im lặng một lát, nhỏ dịu giọng:
-
Mà không có sao đâu. Kỳ sau bồ gắng lên, nếu bồ nhất thêm phen nữa thì
thế nào tụi nó cũng nể. Mà… mà đừng có xưng tôi nghe kỳ lắm.
- Xưng gì bây giờ?
- Mày tao đại đi cho vui nhé. Tao là Hương Mai, mày là Thái Bình há. Mày thương cô Thục không?
Em đỏ mặt, kỳ quá, thương thì để trong bụng chứ ai lại bô bô om xòm cái miệng thế này. Nhỏ Mai vẫn hồn nhiên nói tiếp:
- Tao cũng thương cô Thục. Tụi mình kết làm chị em, nhất định trung thành với cô Thục nghe mày?
Lòng
em chợt vui lên. Khuôn mặt trắng trẻo của Hương Mai coi dễ thương quá,
tự nhiên em thò ngón tay trỏ ra ngoéo vào ngón tay nó vừa đưa ra.
Em
có một người bạn, thật vui ; nhưng cuộc thử thách gay go chỉ mới bắt
đầu. Trong giờ ghi điểm thi, cô Thục lặng lẽ đến bên cầm quyển học bạ
của em coi chăm chú. Em tin chắc cô dò xem cột quốc văn. Em run lên vì
một cảm giác buồn vui lẫn lộn… cô nghĩ sao nhỉ, hai kỳ điểm thi lục cá
nguyệt năm ngoái em đều đứng nhất. Cô có tin em không? Cô có bớt ghét em
không?
Em
phải chờ thật lâu mới đến tuần làm bài luận kế tiếp. Em cắn bút đọc đề
bài cô ghi trên bảng: “Hãy tả cảnh một buổi chiều ở thôn quê!”
Trong
phút chốc, em tưởng như cái đầu nhỏ bé của em sắp nổ tung. Mặt em chắc
là đỏ lắm, và tay em rịn ướt mồ hôi. Em tự nhủ: “Gắng lên, gắng lên. Một
lần này nữa thôi, cô sẽ chịu tin mình!” Từ trên bàn giáo sư, cô lặng lẽ
dõi mắt nhìn xuống lớp. Em lại cúi đầu xuống, tờ giấy làm bài ngay ngắn
để trước mặt.
Mười
lăm phút trôi qua, em vẫn nhắm mắt ngồi bất động. Khi mở mắt ra, em
thấy cô đã đứng bên cạnh từ lúc nào. Như bị thúc đẩy bởi một sức mạnh
phi thường em đặt bút viết lên trang giấy những hàng chữ đầu tiên:
“Phương tây… mặt trời lặn…
Thằng
cu Tý nghiêng mình trên lưng trâu, lặng lẽ đưa mắt nhìn suốt cánh đồng
rộng rãi… “ và cứ thế, những đám mây, ánh mặt trời, tiếng người gọi
nhau, xen với những rung động nhẹ nhàng của lòng người trước cảnh ngày
hấp hối, dần dần hiện rõ dưới ngòi bút của em. Chưa bao giờ em thấy mình
say sưa với hứng cảm như thế, em như quên mất cô đứng cạnh, không hề
dời đi một bước.
Khi
em buông bút xuống, thở phào, thì bài luận dài hơn bốn trang giấy đã
xong. Không một vết tẩy xóa, không một chữ viết nháp. Em như người vừa
tỉnh ngủ, nhìn lại “tác phẩm” một cách hài lòng. Chưa bao giờ em thấy
mình viết hay đến thế. Ngước nhìn lên, em bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên êm
đềm của cô. Chỉ trong giây phút mà sao lâu tựa cả giờ. Trước khi cô quay
đi lên bàn giáo sư, em còn nhìn thấy khóe miệng cô như ẩn một nụ cười
âu yếm.
Lòng em rộn lên niềm hạnh phúc vô biên.
Lê thị Thái Bình
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 206, ra ngày 1-8-1973)