Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

CHƯƠNG 1, 2, 3_GHỀNH ĐÁ CHEO LEO

 

1



Vào năm 1945, giữa mùa Thu của bầu trời thanh quang, chiếc xe ngựa dừng lại trước xóm làng Thanh Hải. Một thiếu phụ trẻ đẹp bước xuống xe và dắt theo cậu bé mảnh dẻ, ngơ ngác, mệt nhọc, khoảng chừng 6 tuổi, dầu cậu đã thực sự lên 7. Người thiếu phụ thật hiền dịu, ảm buồn trong chiếc áo dài đen, mặt nhợt nhạt tựa tàu lá dừa đang ve vẩy trên mái tóc như chào đón hai người khách mới đến thăm viếng Thanh Hải. Những gói hành trang chất bên lối đi nói lên rằng hai mẹ con người thiếu phụ này không phải về nơi đây để nghỉ mát một vài ngày hay một tuần lễ, nhưng có lẽ hàng tháng, hàng năm.

Thực vậy, khi mới đặt chân tới đây, nàng đã hỏi thăm nhà người quen làm nghề chài lưới. Nàng được người bà con dành cho căn phòng rộng rãi, thoáng khí, tràn ngập nắng mai và hướng về biển rộng. Như một cô chim mái xoắn xít dệt tổ ấm nuôi con, nàng thiếu phụ mau mắn trang trí căn phòng thật xinh xắn, ấm cúng với những chiếc màn gió đầy hoa tươi thắm, với chiếc giường trải khăn trắng êm, với chiếc bàn xếp đặt sách vở gọn gàng đẹp mắt.

Cuộc sống của nàng nơi đây đã quen thuộc, thích thú, thanh thoát. Nàng đã hoà mình nhanh chóng giữa những người dân hồn nhiên đầy thân tình. Hàng ngày nàng đi dạo, hoặc dắt con đi chơi trên bãi cát và dưới những tàn cây rũ bóng mát. Hai mẹ con nàng đã dạn dĩ với nắng biển, với những làn gió mịt mù bụi nước, với muôn tiếng sóng gào thét tự ngoài xa, và với nhiều nắng biển chờn vờn da thịt ửng hồng.

Rồi những buổi chiều khi nước thủy triều rút xuống, nàng ngồi trên bãi cát nhìn đứa con bé bỏng, ốm yếu chạy theo chúng bạn ra thật xa đuổi bắt còng còng, mò tôm cá trong những vũng nước đọng, hoặc ngồi xuống múc cát ướt xây lâu đài cổ kính; có lúc nàng chạy ra xem con đùa giỡn, mỉm cười và nhắn nhủ con đừng nghịch bẩn. Cho tới lúc trời xẩm tối và gió thổi mạnh, nàng tới choàng áo cho con và dắt con về ngủ. Về tới nhà, nàng tắm rửa cho con, thay quần áo, dọn cơm, kể chuyện và khi đứa con thiếp ngủ trong lòng rồi, nàng âu yếm đặt con xuống giường, hôn nhẹ lên mái tóc.

Còn lại mình nàng đơn chiếc trong căn nhà yên tĩnh và mặc cho gió biển lùa vào thổi mạnh dồn dập, nàng ngồi trước bàn đọc sách hoặc cầm bút viết nhật ký hàng giờ, không biết mỏi mệt. Nàng thả hồn say đắm, tuôn trào những tư tưởng thầm lặng, những sợ hãi, những hy vọng, những yêu thương ngập tràn tâm hồn trên những trang giấy trắng tinh.

Nếp sống của hai mẹ con thiếu phụ Ngọc Hạnh tại làng quê Thanh Hải là thế đó. Những người dân ngư phủ ở đây chưa hiểu biết số phận của hai mẹ con nàng ra sao cả, và họ cũng chẳng mong muốn gì hơn là cần mẫn làm việc. Những người dân chất phác này họ lam lũ hơn là tò mò. Đàng khác, thực ra cũng không có gì bí ẩn và dị thường trong cuộc sống của người thiếu phụ trẻ trung này.

2



Bất cứ những ai quen biết, thân thuộc cặp vợ chồng Ngọc Hạnh trong những năm đầu tiên của cuộc sống hôn nhân, đều phải nhìn nhận đây là một tổ ấm thật hạnh phúc. Đôi vợ chồng trẻ này sinh trưởng trong những gia đình lễ giáo. Của hồi môn của họ không gì quý giá hơn là một tuổi trẻ lương thiện và một tình yêu chân thành được tạo dựng trên một niềm kính trọng lẫn nhau.

Sau khi đã trải qua những ngày lận đận xây tổ uyên ương lúc ban đầu, họ đang dần dần bước vào cuộc sống đầy đủ, thảnh thơi.. Với họ, những đức tính tốt giá trị hơn giầu sang của cải. Tuy nhiên cả hai thứ đều giúp họ tạo nên một cuộc sống tươi vui, xứng đáng.

Trước hết, người chồng được thâu nhận làm trong một hãng buôn lớn tại Huế. Và nhờ cần mẫn, hoạt động, lanh lợi, chàng đã mở được một trương mục riêng tại ngân hàng trong một thời gian ngắn. Bên cạnh chàng, cô vợ thật duyên dáng và đảm đang mọi việc nội trợ. Với mức sống đó, với giá trị đó, hai vợ chồng sống rất đằm thắm, yêu thương. Cuộc đời mỉm cười với họ. Họ sinh hạ được những đứa con kháu khỉnh : hai trai, một gái. Cả ba đều ngoan ngoãn dễ thương. Nhưng than ôi, một cơn sóng gió bất hạnh đã nổi dậy giữa cuộc sống phẳng lặng của họ.

Cho tới lúc sáu tuổi, cô chị cả vẫn lớn mạnh như một chồi cây vươn sức sống và sau đó bắt đầu nhợt nhạt, héo tàn, mệt nhoài và chỉ trong vòng mấy tháng sau cô đã kiệt sức, tắt thở. Hai năm sau cậu con trai thứ hai cũng vụt tắt như người chị cả. Lúc ấy cậu cũng được sáu tuổi và người ta, cả khoa học lẫn tình yêu thương đành chịu bó tay đứng nhìn cậu vĩnh biệt cõi đời.

Trong ba đứa con, chỉ còn lại một mình bé Hùng.. Và bây giờ người ta cảm nhận thấy niềm kinh hãi gia tăng trên nét mặt của đôi vợ chồng trẻ bất hạnh sau khi định mệnh đã tước đoạt mất hai đứa con yêu. Họ hoảng hốt mỗi lần nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh. Bé Hùng cũng tàn héo như cây hoa thiếu nước, và căn bệnh biến chuyển thật mau lẹ. Họ đã tìm kiếm tất cả các bác sĩ và thầy thuốc nổi danh khắp nơi để chạy chữa cho con và sau cùng chẳng còn bậc danh y nào để họ tìm đến nữa.

Tuy nhiên trong khu vực hai vợ chồng trẻ này sống có một bác sĩ không danh tiếng lắm, nhưng ông hành nghề thật chăm chỉ và liêm chính. Họ đã chạy tới cầu cứu ông trong cơn nguy biến và ông đã tới. Ông rất hiền hậu, gương mặt hơi sầu buồn, cặp mắt đăm chiêu. Ông lắng tai nghe người vợ nức nở khóc trong lúc thuật lại tình trạng bệnh hoạn của đứa con nhỏ, Sau khi khám bệnh xong, ông ngồi vào bàn trầm ngâm suy nghĩ… rồi ông bắt đầu nói :

- Tôi biết ở dưới trần gian này có một vị danh y độc nhất có thể chữa khỏi được con của anh chị. Anh chị có hay biết không ?

Người vợ sửng sốt, cuống quít hỏi dồn :

- Thưa bác sĩ, ai thế ? Tên ông ta là gì ạ ?

Bác sĩ bình thản trả lời :

- Hẳn không phải là tôi rồi. Và hầu như trước hết, các căn bệnh phải tìm tòi ông chữa trị đã, nhưng rất tiếc phần đông người ta đã không đi tới thăm bệnh ông..

- Dạ, thưa bác sĩ, xin bác sĩ làm ơn cho chúng tôi biết tên và địa chỉ để chúng tôi tới tìm kiếm ông.

Người vợ sáng mắt, hy vọng, kêu cứu :

- Thưa bác sĩ, tôi sẽ lên đường tìm ông dù mãi tận chân trời xa tắp.

Bác sĩ nghiêm nét mặt như truyền lệnh cho người thiếu phụ :

- Vậy chị hãy lên đường ngay không phút giây trì hoãn. Chị đừng chờ đến ngày mai, nội ngày hôm nay chị hãy khởi hành. Vị danh y tôi muốn nói đến, không ai xa lạ cả, đó là thiên nhiên. Chị hãy ra đi trao phó con chị cho thiên nhiên. Nếu chị còn ở lại nơi đô thị này, tôi quả quyết với chị rằng trong một thời gian nữa, không xa đâu, đứa con của chị sẽ nối gót anh chị nó. Chị hãy tránh khỏi cuộc sống tù hãm ngột ngạt của thành thị đang giết chết dần mòn đứa con của chị. Chị hãy đi xa khỏi Huế và tìm về bờ biển, nơi ấy con chị sẽ tìm gặp được sức sống là không trung bao la, là khí trời thanh thoát, là mặt trời ấm áp và là những chân trời bát ngát của biển cả. Chị tập luyện cho con chị làm quen với bãi cát, dấn mình thấm nước muối của đại dương. Và một khi sức mạnh của con chị tái sinh, chị hãy để cậu chạy nhảy tự do như gà tơ giữa đồng cỏ xanh tươi. Rất may ở ven biển không thiếu trẻ con nô đùa, chị hãy để cậu trà trộn, hoà mình vào lũ trẻ ấy đùa chơi thả cửa trên bãi cát. Chị đừng che chở cậu tránh nắng tránh mưa. Hãy để mặc cậu ăn uống ngủ nghỉ tuỳ thích. Chẳng cần phải thuốc men và thầy thuốc nào cả. Thiên nhiên tài khéo hơn các viện bào chế. Chỉ mình thiên nhiên tạo nên phép lạ và kỳ diệu.

Dặn dò xong, ông đứng dậy cáo biệt ra về.

Ngọc Hạnh nhớ tới Thanh Hải, một làng chài lưới có người thân thuộc. Thế là ngay trưa hôm đó, nàng lấy vé xe lửa đi Đà Nẵng. Và cũng chiều hôm đó từ Đà Nẵng, nàng thuê xe ngựa hướng về miền cửa biển, nơi đây sự sống và thần chết sẽ giành giật nhau mạng sống của đứa con trai nàng.


3



Sự sống đã thắng trận nơi đây. Chỉ trong một vài tuần lễ, như một thân cây đang khô héo dần mòn trên mảnh đất khô cằn của thị xã và được đem đi trồng miền đất phì nhiêu, thân cây ấy bắt đầu tươi dậy và hứa hẹn mùa nở hoa xinh thắm trong những ngày tháng tới : bé Hùng đã thực sự tái sinh. Nhựa sống đang lưu thông như khởi đầu một công việc huyền diệu. Người ta nhìn thấy nhựa sống ấy chuyển vận dưới làn da mát lịm, tươi hồng. Cặp môi bớt đi mầu nhợt nhạt và đôi mắt ánh chiếu lên ánh sáng vươn dậy của tuổi thơ. Và chính Ngọc Hạnh, nàng cũng đang tái sinh. Nàng viết thư về cho chồng :

Anh thân yêu,

… Anh có thể ngờ rằng em chẳng còn là một người mẹ hạnh phúc sao ? Hình như bầu trời đang trao trả hạnh phúc cho em và trao trả luôn cả hai đứa con đã chết của chúng mình. Chúng sống lại trong bé Hùng và mỗi lần ôm ấp bé Hùng, em như cảm thấy em đang ôm cả ba đứa trong lòng em…


Nhận được thư của vợ, người chồng vui sướng, và chỉ một vài ngày sau đó, chàng rời Huế vào Đà Nẵng thăm vợ con. Chàng ở lại Thanh Hải gần một tuần lễ và chỉ trong mấy ngày đó cũng đủ thời gian để chàng làm quen với khung cảnh của những người thân yêu nhất cuộc đời đang sống. Gia đình đoàn tụ. Chân trời hạnh phúc bừng sáng. Chàng theo chân hai mẹ con bước trên khắp vùng bãi biển. Chàng chăm chú mỉm cười nhìn hai người đang vui sống.

Mới trong vòng vài tháng, bé Hùng đã tìm lại và gặp gỡ sức sống tràn trề : thiên nhiên đã hoàn thành tác phẩm sự sống. Vào đầu tháng mười, Ngọc Hạnh đã viết thư về Huế :

… Nó không còn là đứa trẻ nữa, nó là thằng giặc. Đâu đâu người ta cũng trông thấy nó, cũng nghe tiếng nó reo hò. Nó là hiện thân của niềm vui, của ồn ào, của chuyển động trong làng. Bây giờ nó không đi nữa, cũng chẳng chạy nữa, nhưng nó bay. Nó không ăn nữa, nhưng nó nghiến ngấu. Người ta nhận thấy trong thân hình nó, cả đến mái tóc nó đang chứa đựng một sức sống sôi bỏng, vùng dậy. Anh hãy mau mau gửi quần áo thêm cho nó, rách tươm hết cả rồi. Anh có tin thế không ? Chỉ còn có vùng trời biển cả là thành công lắng dịu nó, cản ngăn nó. Thực sự biển cả đã ru nó vào cơn mê quay cuồng. Khi biển cả rút xuống, mặt nó buồn nản. Lúc nước dâng lên, nó vỗ tay reo hò. Nó yêu thích biển cả như nó đã hiểu được chính biển cả đã cứu vãn mạng sống nó. Cho tới lúc này chẳng còn gì hấp dẫn nó cả. Anh có biết được nó mộng ước gì không ? Đất liền không còn cung ứng đủ sức sống cho nó nữa. Phiêu du trên biển cả, chính là tham vọng của nó đấy, anh ạ. Anh có biết không, sáng nay nó báo tin cho em là bác Trọng đồng ý cho nó đi theo xuống thuyền ra biển đánh cá ! Em không ưng thuận. Em chỉ bằng lòng cho nó đặt chân xuống thuyền lúc đã cập bến và buộc dây.

Vào phút giây viết thư cho anh này, nó đang ngủ. Rất tiếc anh không có ở đây để nhìn ngắm nó đẹp dường nào. Má nó ửng hồng như trái đào tơ mịn, thật tươi thắm, thật an bình. Và anh có thể tưởng tượng rằng, lúc thức dậy, nó chính là một sức sống bão tố nổi dậy. 

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 4, 5, 6

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>