Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Lần Vào Bóng Tối (II)


3. – CHÚA ĐẢNG S.N.

Chiếc xe hơi bóng lộn ấy dừng lại trước hiệu kim hoàn Vĩnh-Mỹ. Một ông ăn mặc chững chạc mở cửa xe bước xuống, chậm rãi tiến vào hiệu. Cô bán hàng lễ phép cúi chào:

- Thưa ông cần chi?

Người đàn ông cất giọng trầm trầm nghiêm nghị:

- Tôi muốn gặp ông chủ.

Một ông đứng tuổi đang ngồi đọc báo bên trong nghe vậy lật đật xếp tờ báo, bước ra:

- Dạ, ông hỏi tôi có chuyện chi?

Người đàn ông đưa mắt nhìn sơ qua các tủ kiếng trưng bày các món đồ trang sức rồi mới đáp:

- Tôi muốn mua một món nữ trang.

Chủ hiệu vồn vã:

- Thế à, ông muốn loại nào? Ở đây có đủ, mời ông bước vào trong xem thử.

- Tôi cũng chưa biết chọn món nào, và chưa mua ngay.

- Ủa…

- Nguyên tôi có một đứa con gái, nó vừa thi đậu. Tôi muốn thưởng nó một món nữ trang đắt giá, và để nó tự ý lựa chọn. Tối nay tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc mừng tại nhà. Và sau đó tôi sẽ đưa nó lại đây chọn món quà.

Ông đừng lấy làm lạ, tôi định thế vì muốn dành cho con gái tôi một sự vui sướng liên tục. Để ngày khác đến mua thì nó “nguội lạnh” mất – Giờ, tôi đến đây trước là để hỏi xem ông có thể chờ chúng tôi đến nửa đêm không? Vì có lẽ vào khoảng 12 giờ tiệc mới mãn. Thế nào, ông liệu được chứ?

Ngẫm nghĩ giây lát, chủ hiệu gật đầu:

- Dạ cũng được. Thường khi tiệm chúng tôi vẫn đóng cửa vào lúc 10 giờ. Nhưng hôm nay ông đã dặn thế, chúng tôi đóng cửa trễ một chút cũng không sao.

- Cám ơn ông. Thế là khuya nay chúng tôi có thể làm rộn ông… À, chắc tiệm ông có sẵn loại thủy xoàn hay ngọc quý đắt giá một chút?

- Ồ, chuyện đó ông khỏi lo. Chắc ông cũng biết: tiệm Vĩnh-Mỹ chúng tôi là một tiệm kim hoàn lớn nhứt thủ đô!

Người đàn ông mỉm cười:

- Thôi chào ông. Hẹn gặp lại tối nay.

Hai người bắt tay nhau. Chủ hiệu đưa ông khách sang trọng ra xe. Nhìn chiếc xe nhà mới tinh hảo phóng êm trên đường, ông ta lắc đầu cười, lẩm bẩm:

- Mấy lão triệu phú thật ưa làm những chuyện lạ đời!

Trong khi ấy, người đàn ông kia lái xe, đến một khu phố đông đúc, tìm chỗ khuất cho xe đậu, đoạn ông ta thả bước vào một ngõ hẻm chật hẹp gần đấy. Đi quanh co một hồi, ông ta dừng lại trước một ngôi nhà cửa đóng kín mít, tưởng chừng chẳng có ai bên trong. Nhưng, không một chút do dự, ông ta đưa tay lên gõ mạnh vào cánh cửa gỗ: hai tiếng khoan, ba tiếng nhặt… Lập tức, bên trong có tiếng hỏi cộc lốc:

- Ai?

- N.S.N!

Cửa liền xịch mở, một gương mặt dữ dằn ló ra, nhìn chằm chặp vào người đàn ông, dò xét. Ông ta tươi cười:

- Sáu Lực, hôm nay khỏe chớ? Tối nay có chuyện làm đấy.

Tên nọ tươi ngay nét mặt:

- Ồ, đại ca! Đại ca hóa trang khéo quá làm tôi nhận không được. Tối nay có chuyện à?

Người đàn ông gật đầu, bỏ đi thẳng vào trong. Tới một căn phòng cửa cũng khép chặt, người đàn ông vẫn lọt vào dễ dàng với những mật hiệu riêng. Ông ta hất hàm hỏi tên gác cửa:

- Chín Long, Ba Dao, Năm Hổ tới chưa?

- Dạ, tới đã lâu và đang chờ đại ca.

Vừa đáp, y vừa bước lại kéo chiếc tủ nhỏ kê sát vách sang một bên, cuốn thảm, giở một nắp sắt để lộ một cửa hầm. Người đàn ông tiến đến, theo những nấc thang bước xuống. Cửa hầm được đóng kín lại, che khuất, khó ai biết.

Bên dưới căn phòng là cả một gian hầm rộng, sáng choang ánh điện, trang hoàng như một phòng khách sang trọng. Đã có ba tên điệu bộ dữ tợn, đanh ác ngồi chờ trên ghế bành. Khi người đàn ông xuống tới họ đứng lên chào, và kéo ghế mời ngồi, cùng nhau họp bàn. Câu chuyện có vẻ quan trọng. Người đàn ông và gã mặt rỗ được gọi tên là Chín Long càng lúc càng cãi vã nhiều vì bất đồng ý kiến. Mặt hầm hầm, Chín Long bảo:

- Nhưng, anh phải cho tôi biết rõ lý do vì sao chúng ta lại không thể đụng tới luật sư Trần Quang Bình chớ?

Người đàn ông đập tay xuống bàn:

- Chú không cần biết lý do. Một khi tôi bảo chú đừng làm một việc gì là chú không được phép làm, không được phép tìm hiểu chi hết. Chú nên nhớ tôi là kẻ chỉ huy chú!

- Như thế là bao nhiêu công khó dò xét của tôi đều vứt cả?

- Có sao? Đền lại, tôi sẽ dành cho chú một nơi khác đáng giá hơn nhiều.

- Nơi nào?

- Tiệm kim hoàn Vĩnh-Mỹ.

- Tôi không thích “món” nầy.

- Sao thế?

- Cũng như anh tôi xin được quyền miễn nói nguyên do.

- Nghĩa là tối nay chú không dự phần hành động?

- Ừ, nếu anh cứ thích không để ý tới luật sư Bình.

- Được rồi, chú cứ nghỉ một chuyến.

Đến đây cuộc bàn cãi tạm ngưng. Đoạn người đàn ông quay sang bàn kế hoạch sẽ hành động tối nay với hai tên kia, nãy giờ vẫn ngồi im chăm chú nghe đàn anh cãi vã. Xong xuôi, ông ta đứng lên:

- Thôi, chúng ta tạm chia tay về nghỉ ngơi.

Trước khi rời gian hầm, ông ta không quên hằn học bảo Chín Long:

- Coi chừng! Có ngày tôi sẽ cho đứa khác thay thế chú.

Gã cúi đầu, nắm chặt tay, không nói gì. Đợi người đàn ông và hai tên kia đi một lúc, gã bước lại góc phòng, dùng máy điện thoại nói chuyện với ai đó…

Người đàn ông và bọn người nầy là ai mà hành động, nơi hội họp, cũng như câu chuyện bàn bạc của họ đầy vẻ bí mật thế? Sự thật, lâu nay cả đô thành đều nghe danh họ, ngán sợ họ. Nhà chức trách đã điên đầu vì họ. Họ là một tổ chức bất lương, một đảng cướp mang danh hiệu là “Đảng S.N.”. Người đàn ông vừa rồi chính là tên chánh đảng, và phó đảng là Chín Long. Bộ chỉ huy của đảng cướp vừa họp nhau tại “trụ sở” để bàn chuyện “làm ăn” sắp tới. Nhưng giữa hai tên chánh đảng và phó đảng đã có sự bất hòa trầm trọng: Tên phó đảng muốn đánh cướp nhà vị luật sư nổi danh là Trần Quang Bình. Tên chánh đảng nhứt định không cho. Hắn lại sửa soạn đánh cướp hiệu kim hoàn Vĩnh-Mỹ đúng đêm nay như đã định.

Rời “trụ sở”, chúa đảng S.N. lái xe về nhà riêng ở một vùng hẻo lánh. Thay đồ xong, hắn sang phòng tắm, gỡ bộ râu giả trên mép xuống, khoát nước tửa mặt. Bấy giờ bộ mặt thật của hắn mới lộ rõ. Thì ra hắn không phải xa lạ gì, chính là Tư Búa. Bao năm qua, lăn lộn trong giới bất lương, hắn tiến dần vào vòng tội lỗi. Từ một thằng du đãng, hắn trở thành một tên trộm, và hiện thời là một tướng cướp khét tiếng. Với sự khôn khéo, hắn có những hành động “xuất quỉ nhập thần”. Không ai biết rõ đích dạng của hắn. Có khi hắn giả làm một thương gia giàu có, có lúc hắn biến hình thành một ông lão già nua… thật khó lường. Nhờ vậy mà hắn vẫn sống phủ phê với tiền bạc cướp giựt. Nhà chức trách không sao tóm cổ được hắn.

Mười hai giờ khuya, Tư Búa đến hiệu Vĩnh-Mỹ. Lần nầy hắn đi với hai tên bộ hạ: Ba Dao lái xe, Sáu Lực hộ vệ. Chủ hiệu kim hoàn đang nóng lòng trông đợi, nghe tiếng xe ngừng trước cửa, mừng rỡ tiến ra chào hỏi:

- Tôi tưởng ông không đến. À, cô em ông nói đâu, sao không thấy?

Tưa Búa đáp:

- Con gái tôi bị mệt không cùng đi được. Tuy nhiên nó đã cho tôi biết rõ thứ nữ trang nó thích.

Chỉ Sáu Lực, hắn giới thiệu:

- Đây là bạn tôi.

- Mời hai ông vào.

Ba người chầm chậm bước vào cửa hiệu. Vừa đi Tư Búa vừa đảo mắt nhìn quanh quất. Giờ nầy phố chợ vắng tanh. Các hàng quán đều đóng cửa. Cửa hiệu Vĩnh-Mỹ cũng chỉ hé mở. Phóng mắt vào các xó tối, Tư Búa không thấy gì, nhưng đoán chắc các bộ hạ của mình hiện đang có mặt ở đó, sẵn sàng đợi lệnh để ra tay.

Vào tới bên trong thấy chẳng có ai, ngoài chủ hiệu, Tư Búa hỏi:

- Mấy cô bán hàng chắc đã về hết?

Chủ hiệu đáp:

- Dạ. Nhà tôi và mấy đứa nhỏ cũng ngủ cả. Chúng có tật ngủ sớm.

- Thế càng hay!

Chủ hiệu ngơ ngác nhìn ông khách. Tư Búa tiếp bảo:

- Xin ông chỉ dẫn cho tôi xem các món nữ trang đi.

Hai người đi dài theo các tủ kiếng trưng bày đồ trang sức. Được đặt trên giá nhung, các món bằng vàng có đủ hình hoa lá, các món nhận kim cương lấp lánh dưới ánh đèn trông thật rực rỡ. Vừa xem, Tư Búa vừa vui vẻ gợi chuyện, hỏi lung tung. Mải lo trả lời những câu hỏi tới tấp về giá trị, giá cả của từng món, và bị Tư Búa cố ý che khuất mắt, chủ hiệu không hay Sáu Lực bỗng dưng xăm xăm đi vào trong, không ngại gì chỗ quen lạ.

Thời giờ cứ trôi qua. Đã khá lâu, thấy ông khách cứ cầm lên đặt xuống không biết bao nhiêu món hàng rồi, mà chưa nhận mua món nào, chủ hiệu nóng ruột hỏi:

- Sao, ông chọn món nào? Hay ông không bằng lòng những thứ chưng bày ở đây?

Vừa khi ấy, Sáu Lực từ trong đi ra, lại bảo nhỏ vào tai chúa đảng:

- Xong xuôi rồi đại ca!

Tư Búa liền quay sang chủ hiệu:

- Thôi, chúng tôi xin kiếu.

Ông ta sửng sốt:

- Ủa, thế ông chẳng lấy món gì hết sao?

Hắn bật cười:

- Cám ơn ông, chúng tôi lấy rồi, nhưng không phải các món nữ trang nầy – Chúng khó xài lắm – mà là cả tủ bạc của ông đó.

Đoán biết có chuyện bất thường, chủ hiệu hỏi lớn:

- Ông nói gì?

- Ồ, ông cũng chưa hiểu nữa sao? Tôi xin tự giới thiệu, tôi là thủ lãnh đảng S.N. Hôm nay tôi và các bạn hân hạnh đến thăm ông, mượn đỡ tủ bạc của ông đó.

Chủ hiệu lùi lại, mặt tái mét. Tư Búa cười tiếp:

- Thưa ông, trong khi ông mải nói chuyện với tôi, anh bạn của tôi đây đã lẻn vào trong, mở cửa sau cho các bạn tôi vào. Họ đã trói cổ bà nhà cùng các cháu và…

Thấy chủ hiệu toan kêu cứu, Sáu Lực nhảy vụt tới, vật ông ta té nhào, tống cả một chiếc khăn vào miệng. Đoạn hắn trói chặt tay chân ông ta, lôi sang một góc tối.

Xong, Tư Búa ra lệnh:

- Thôi, rút lui! À, bọn Năm Hổ đem “hàng” đi rồi hả?

Sáu Lực gật đầu. Cả hai ra xe. Tư Búa ngồi phía trước với Ba Dao. Sáu Lực toan mở cửa vào ngồi đằng sau như lúc nãy, bỗng Ba Dao bảo:

- Anh Sáu ra ngồi băng trước luôn đi, tôi có chuyện muốn nói.

Giọng anh ta có vẻ khác thường. Sáu Lực không cãi, vào ngồi kế bên Tư Búa. Xe rồ máy phóng nhanh. Tư Búa hỏi:

- Chuyện gì đó Ba Dao?

Anh ta không đáp, mặt nhăn lại. Chợt Sáu Lực ngạc nhiên kêu:

- Ủa, Ba Dao, mầy lái xe đi đâu vậy? Không về “trụ sở” à?

Ba Dao lặng thinh. Tư Búa đập vai anh ta:

- Có nghe thằng Sáu nói không mậy? Đi về “trụ sở”!

Anh ta vẫn không cho xe đổi hướng. Tư Búa giận dữ quát:

- Thằng nầy hôm nay phát điên sao mà! Mầy không tuân lệnh tao hả?

Thình lình, một giọng nói sang sảng vang phía sau:

- Phải, xin ngài bớt giận. Hắn không thể nghe lời ngài, vì bị chúng tôi bắt buộc thế!

Tư Búa, Sáu Lực lạnh cả người. Cả hai toan quay lại thì ót chạm phải một vật lành lạnh, đồng thời tiếng nọ bảo tiếp:

- Xin hai ngài ngồi yên, nếu không chúng tôi sẽ nổ súng đấy!

Tư Búa hỏi:

- Các ông là ai?

- Nhân viên công lực!

Im lặng một chốc, một người phía sau cất giọng mỉa mai bảo:

- Vậy là chúa đảng S.N. đã sa lưới, chúng tôi rất buồn. Chúng tôi cũng lấy làm ân hận mà báo tin cho ngài biết thêm: Các đồng đảng của ngài đem “hàng” rút cửa sau tiệm vàng đều bị chúng tôi tóm cổ, không sót một mạng.

Thế là hết! Tưa Búa rầu muốn chết đi được. Hắn tự hỏi: Việc làm của mình thật kín, thật êm, sao nhà chức trách biết rõ vậy? Chợt, hắn nghĩ đến Chín Long. Thôi đúng rồi, chắc tên nầy tố cáo với họ chớ không ai. Hắn tức muốn bể ngực, và hối hận đã nóng nảy để lộ sự bất tín nhiệm đối với tên phó đảng. Nhưng hắn có hối hận mấy cũng đã trễ rồi!


4. – LUẬT SƯ BÌNH

Tư Búa nằm dài trên giường trong phòng giam, lòng buồn đau vô hạn. Mai đây ra trước tòa, hắn khó tránh khỏi cái án khổ sai chung thân. Nhưng, hắn sầu khổ không hẳn vì điều đó. Từ khi bắt đầu giẫm chân vào chốn bùn nhơ, hắn đã đoán trước được cái kết cuộc bi đát của đời mình. Cửa khám mở rộng đón hắn từ đó, sớm muộn gì hắn cũng bị bắt đưa vào thôi. Thế nên hôm nay nằm giữa bốn bức tường dày, hắn không lấy làm lạ, không than Trời trách Đất chi cả. Hắn thấy lòng đau đớn, chẳng qua vì nghĩ đến số phận không may của mình, Tại sao cùng xuất thân từ gia đình khá giả, lễ giáo, hắn lại không được sống sung sướng bình yên như bao kẻ khác? Tại sao cùng một cha một mẹ mà anh em hắn hiện thời chiếm giữ những địa vị trên cao, còn hắn bị rơi tuột xuống tận cùng xã hội? Ai đưa hắn đến hoàn cảnh khốn khó nầy? Phải chăng tự dưng hắn tìm lấy cho mình kiếp sống bất lương?

Có tiếng mở khóa, tiếng dây xích chạm nhau bên ngoài, Tư Búa nhìn ra. Cửa phòng giam hé mở, một người bước vào: Lão cai ngục. Tiến lại ngồi bên giường, lão cười bảo:

- Tôi vào đây để báo cho anh một tin mừng: Luật sư Trần Quang Bình nhận cãi cho anh trong phiên tòa sắp tới!

Tư Búa ngồi bật dậy:

- Ông nói ai?

- Luật sư Bình.

- Luật sư Bình!

Tư Búa lẩm bẩm lập lại. Lão cai ngục nói:

- Chắc anh nghe tài hùng biện của ông Bình? Anh được ông ấy nhận cãi cho là may mắn lắm.

Lặng thinh, Tư Búa cúi đầu buồn bã. Dĩ vãng vụt hiện về trong tâm trí hắn. Luật sư Trần Quang Bình, người đã được Tư Búa “che chở”, không cho Chín Long đánh cướp – Chính vì vậy mà hắn bị tên phó đảng bất bình tố cáo với nhà chức trách – Ông ta có liên lạc gì với hắn mà được hắn vị nể thế?

Tưởng tin của mình làm cho Tư Búa vui mừng, nào ngờ trái lại hắn còn rầu rĩ hơn, lão cai ngục hết sức ngạc nhiên. Lão nói:

- Tôi đến đây để báo cho anh biết trước luật sư của anh sẽ đến nói chuyện với anh… A kìa, ông ấy đã đến.

Thật vậy, luật sư Bình, một ông trọng tuổi, vừa bước vào. Ông ta tươi cười bắt tay lão cai ngục, rồi Tư Búa. Nếu để ý, hẳn ông ta sẽ thấy tay hắn run run. Xong, luật sư ngồi xuống giường cạnh phạm nhân. Và trong khi lão cai ngục rời phòng giam, ông ta quay nói với hắn:

- Tôi là một luật sư tư không hề quen biết anh, cũng không được anh nhờ bào chữa, thế mà tôi lại nhận anh làm thân chủ, có lẽ anh lấy làm lạ lắm. Chính tôi cũng chẳng biết tại sao nữa. Có điều là lúc bắt gặp hình anh đăng trên báo, tự dưng tôi thấy cảm thương anh nhiều. Hình như có một sợi dây vô hình nào đó ràng buộc anh với tôi vậy…

Luật sư Bình còn nói nhiều, đại ý là cho Tư Búa biết lý do ông ta nhận bào chữa cho hắn và yêu cầu hắn nói rõ những biến chuyển trong đời mình cho ông ta nghe để biện hộ cho có kết quả. Tư Búa có nghe gì đâu, hắn mải chăm chú nhìn vào mặt ông ta, như cố tìm một cái gì. Vụt, hắn cúi mặt, ôm đầu khóc sùi sụt.

Một tướng cướp mà cũng biết khóc, lại khóc trước mặt một người lạ. Quả là chuyện dị thường. Luật sư Bình ngừng nói, cố nhìn hắn kinh ngạc.

Đột nhiên, hắn đứng bật dậy, đôi mắt ướt đỏ ngầu long sòng sọc, quát lớn:

- Đi ra! Ông đến đây để cứu tôi? Hừ, chính ông đã xô tôi vào chỗ nầy, rồi bây giờ ông giả bộ cứu vớt cái gì?...

Luật sư Bình hoảng hốt lùi lại. Hắn tiếp:

- Ông lấy làm lạ? Ông bảo tôi nói điên? Không, ông hãy nhìn kỹ vào mặt tôi và xem đây!

Hắn đưa cao cánh tay phải để trần:

Một vết sẹo to nằm vắt ngang bắp thịt. Vị luật sư vụt rú lên:

- Trời! Minh!

- Ông Lộc, thế ra ông vẫn còn nhớ tôi sao?

Lộc, phải, luật sư Bình có tên gọi ngoài là Lộc. Và ông ta chính là anh ruột của Tư Búa, tức Minh. Ông ta nhận được em dễ dàng là nhờ vết sẹo trên tay hắn. Ngày xưa trong một lần gây gổ, ông đã xô hắn té sấp vào đá, tạo nên vết sẹo kia.

Qua giây cảm xúc, luật sư Bình bước lại gần ôm chầm lấy Tư Búa, nghẹn ngào thốt;

- Minh, xin chú tha tội cho tôi! Bao năm qua – tôi đã bị hối hận giày vò nhiều lắm rồi. Từ vụ ăn cắp tiền của ba hồi nhỏ, tôi đã đẩy chú vào bóng tối. Tôi là kẻ có tội nặng nhất. Lớn lên tôi mới biết vậy. Nhưng ăn năn thì đã muộn, tôi không còn tìm thấy chú đâu để xin lỗi chú, kéo chú về con đường sáng. Vì hối hận mà tôi đã chọn nghề luật sư để bào chữa cho những người như chú vậy. Và không ngờ anh em ta lại gặp nhau… Chú Minh, chú tha tội cho tôi chớ?

Tư Búa lại rưng rưng nước mắt. Nhưng lần nầy hắn không khóc vì đau đớn buồn tủi. Trái lại, hắn vừa nghe một luồng gió mát thổi nhẹ trong lòng. Hắn cất giọng run run cảm động nói:

- Anh Lộc, từ giây phút nầy tôi không còn phiền giận gì anh nữa!


Nguyễn-văn-Nghệ    


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 45, ra ngày 15-5-1966)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>