Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Cành Hoa Trắng Mộng


Một truyện của THÁI BẮC
Bìa của Vi Vi
Tủ sách Quà Tặng Học Trò - 1971

Sưu tầm và scan : Đinh Thanh Nguyện


Cô Hạnh,

Có lẽ cô ngạc nhiên lắm khi nhận được thư. Cô vẫn vui sống và chưa quên thằng bạn đó? Bảo đây, tên Bảo của những ngày tháng lãng quên và âm thầm nhất. Sau lần gặp gỡ, sau những lần trao đổi tâm sự rất vội vàng buổi trưa hôm ấy, tôi đã lại quên và đi như không bao giờ ngoảnh lại. Xin lỗi cô, tôi vẫn thế. Dù sao lần gặp gỡ cũng đã vương một chút bồi hồi. Sự bồi hồi xuất hiện như một cơn gió thoảng giữa trưa hè. Rồi những ngày tháng kế tiếp lại thế : lêu bêu không định hướng.

Nhưng cả tuần lễ nay tôi không ngủ được, ăn không thấy ngon và những lần ra đi không còn gì hứng thú. Tôi cảm thấy bồn chồn và thiếu thốn một cái gì. Tự tiềm thức bỗng hiện lên bao hình ảnh và âm thanh mời gọi an lành. Tôi nhớ đến Hạnh, đến mái tóc nhung, đến giọng nói ngọt ngào của một người con gái, giọng nói có khả năng xoa dịu vô biên mà bây giờ tôi mới cảm thấy toàn vẹn.

Cô Hạnh,

Hơn bao giờ hết, tôi đang ngạc nhiên vô cùng về chính tôi, cũng như chưa bao giờ tôi có được một niềm hy vọng say mê như lúc này. Tôi mong được tâm sự, tôi ước ao được gặp gỡ và thông cảm, những điều mà tôi đã từng nghi ngờ đến tuyệt vọng. Được tin, cô mừng cho tôi chứ? Cô Hạnh, cô vẫn còn là Hạnh của ngày nào chứ? Bằng niềm tin sâu mọt của Bảo, bằng những tâm tình cao thượng của Hạnh, chúng ta hãy gặp nhau chiều……. 197…. 18 giờ, công viên Chi-Lăng. Tôi sẽ ngồi chờ suốt tối hôm ấy. Tôi vẫn tin Hạnh đến, dù chỉ ghé xe nhà qua để bảo rằng : “Tôi không có thì giờ”, “ba má tôi không cho phép đi đâu một mình buổi tối” hoặc…

Tôi xin ngừng bút vì đã làm phiền cô quá nhiều, có lẽ còn nhiều nữa?

Chúc cô luôn vui tươi và hạnh phúc.

Hẹn tái ngộ,    
NGUYỄN-M-BẢO 

Tôi đọc lại lá thư một lần nữa rồi chậm rãi bỏ vào trong bao. Đã hơn một tháng, sự việc gần như muốn mất sâu vào dĩ vãng nay bỗng hối hả trở về. Lá thư trên tay gợi cho tôi cái hình ảnh rất rõ rệt về hắn. Bằng hình ảnh trong trí nhớ, tôi lại bâng khuâng và suy nghĩ mông lung, như mỗi khi gặp hắn.

Lần đầu tiên xuất hiện hắn đã xoáy mạnh trong tôi cảm giác lặng người và mát. Hắn nhập học muộn, hai tháng sau ngày khai giảng. Thầy chúng tôi đang say sưa trên bảng phấn, cả lớp chúng tôi đang thu mình trong bài giảng. Hắn vào lớp, đầu cúi chào và hai tay đưa giấy phép, dáng lịch duyệt như người từng trải, vẻ thuần thục, tự nhiên không khác gì một học sinh cũ vào muộn. Rồi hắn đi nhẹn thật sâu xuống cuối lớp, có vẻ hài lòng khi tìm được một chỗ bên cửa sổ. Hắn im lặng nhưng dễ cảm. Từ những giây phút ấy, hình ảnh của hắn với gương mặt trầm buồn nhưng sắc sảo cứ còn mãi trong trí tôi. Hắn không phong trần mấy nhưng hành động vững hơn số tuổi. Từ một vị trí cuối dãy bàn bên cạnh, tôi liếc nhìn thật lâu người bạn học mới. Tôi cũng không hiểu tại sao hắn có thể hấp dẫn tới mãnh liệt đến thế. Có lẽ từ hắn, tôi đã khám phá ra nhiều nét lạ.

Hơn hai tháng sau. Hắn thôi học, không phải bị đuổi vì kỷ luật nhưng vì thiếu học phí. Vị giám thị già nghiêm khắc mời hắn ra khỏi lớp trong giờ học. Tôi bâng khuâng : Hắn là kẻ xuất hiện và ra đi ở khoảng nửa chừng. Hắn bước ra cửa lớp mà vẻ vẫn thản nhiên như ngày nào vào lớp, làm như một triết nhân, một hiền giả Đông Phương luôn thấu suốt và bình thản trước mọi hoàn cảnh. Có một điều lạ, ai hắn cũng chiếm được cảm tình nhưng không ai thân được với hắn. Hơn sáu mươi ngày học chung với bạn bè trong lớp, hắn như một thế giới lạc loài. Tư tưởng luôn giấu kín, chỉ có nụ cười hé nở. Ánh mắt thì sâu lạnh nghi nan, đôi lúc nóng hổi chân tình. Không ai có thể ghét hắn được, tôi nghĩ thế. Cả cuộc sống hắn với bên ngoài là một cửa sổ nhỏ, mở nhưng nhìn vào : một lâu đài tối tăm, bí ẩn… Hơn sáu mươi ngày với những buổi học cuốn nhanh nhưng hình như thật dài đối với hắn. Không phải hắn vô tâm. Không phải hắn lười biếng. Không, hắn đến lớp thật đều và nghe giảng thật chăm chú. Tôi biết vì tôi đã để tâm đến hắn, đến ánh mắt lạ thỉnh thoảng hắn vẫn nhìn trùm các bạn chung quanh, đến tia nhìn xa phóng qua khung cửa sổ, không phải để ấp ủ trời xanh mơ mộng nhưng là cả một thái độ khát vọng, hoang đàng. Nếu bắt gặp một chân trời, nếu trông về một phía núi hắn sẽ ước ao là cánh chim, hắn sẽ thầm mong là một phiến đá, thật bay nhảy hay chỉ là một vật thể vô tri… Cho đến khi hắn bỏ lớp tôi cũng chỉ biết có thế, thật mơ hồ về hắn. Tuy nhiên, chắc chắn một điều : đó là kẻ mang một niềm tâm sự não nề hơn thân xác, một nạn nhân của hoài nghi và vô vọng?

Và tôi đã nghĩ đúng. Cách đó không đầy ba tháng tình cờ tôi gặp lại hắn, gặp thật sự. Lần gặp đầu tiên sau ngày hắn bỏ lớp. Giữa buổi trưa nắng gắt hắn thơ thẩn ở một bờ đường nhiều bóng mát. Xe tôi hết xăng phải dắt bộ một quãng qua đấy. Chợt nhận ra hắn tôi bồi hồi như gặp lại người thân cũ. Thật tình tôi vẫn mến hắn. Không giữ được vẻ tự nhiên tôi vội chào, lời chào như một tiếng gọi bàng hoàng:

“Anh Bảo… “

Hình như hắn đã thấy tôi trước nhưng dáng vẫn thản nhiên như theo dõi và chờ đợi? Nụ cười bỗng hiện lên rất nhanh trên môi hắn sau cái chào của người đối diện. Hắn buông tiếng, có vẻ e dè và hơi khiêu khích:

“Cô Hạnh. Cô vẫn mạnh đấy chứ. Cô còn nhớ tên tôi sao?”

Tôi tỏ vẻ phản đối:

“Sao anh lại nghĩ thế? Anh cũng chẳng nhớ tên Hạnh là gì?”

Hắn trả lời như đã thuộc lòng câu nói:

“Tôi là kẻ vẫn nhớ nhưng không bao giờ được nhớ”

Buổi gặp ấy tôi biết hắn đã đổi trường thêm một lần nữa. Tôi có hỏi lý do về những sự thay đổi, hắn chỉ trả lời bằng cái nhìn yên lặng và kín. Khi tôi nhắc về vị trí của hắn thì hắn bảo:

“Tôi thích đi dọc theo các lề đường và hè phố để thấy rằng thời gian rất lê thê và con người lạc lõng”.

Chúng tôi còn trao đổi với nhau vài câu nữa nhưng đại khái những ý tưởng của hắn vẫn thế : nặng màu yếm thế và chua chát. Tôi chỉ biết im lặng. Hắn có vẻ lạnh nhạt với kẻ đối diện. Nhưng khi tôi có ý chào giã từ thì hắn lại ngỏ lời mời tôi đến giải khát ở một quan nước gần đó. Tôi ngần ngừ rồi cũng nhận. Quán vắng. sau những giây phút yên lặng, hắn bỗng hỏi tôi:

“Lớp mình, từ sau ngày tôi đi có gì thay đổi không cô Hạnh?”

“Không thay đổi gì mấy. Có điều mọi người đều mến tiếc khi anh đi. Một vài bạn thân, Hạnh biết, họ vẫn nhắc nhở về anh.”

“Về một thằng người kỳ quái”. Hắn cười.

Nhưng nhìn cặp mắt tôi biết hắn chú ý nhiều đến câu nói của tôi. Sau giây lát hắn lại hỏi. Hình như hắn là kẻ thích đặt câu hỏi hơn là trả lời:

“Cô Hạnh nhận xét về tôi thế nào?”

Tôi suy nghĩ rồi trả lời rất thành thật:

“Hạnh có cảm tưởng như trong anh có một tâm sự gì bí ẩn hoặc không giãi bày nổi”

“Tôi không ngờ cái bộ mặt của tôi lại gây khó khăn cho kẻ khác đến thế. Cô cho rằng con người ta có thể hiểu được nhau không?”

“Hạnh tin như vậy. “

“Tôi thì không. Cô có nghĩ rằng con người thật bất lực và ngôn ngữ lại còn bất lực hơn, không thể nào diễn đạt nổi những trạng huống của tâm hồn?”

“Anh rất có lý ở điểm nầy. Nhưng ngôn ngữ cũng không quá bất lực đến vô dụng đâu. “

Hắn im lặng một chút rồi nhìn tôi nói chậm như để lựa chọn từng tiếng:

“Cô có một lối nói rất ngọt và linh động. Nó áp chế và làm cho kẻ đối thoại quên đi những điều mình chưa kịp nói. “

Tôi cười và hơi thẹn về lời khen đột ngột của hắn.

“Anh nói quá lời… Thật tình Hạnh rất mến anh. Nhưng anh có vẻ kín đáo quá, chính vì thế mà người chung quanh ít hiểu anh. Có lẽ do một quan niệm sống. “

“Quan niệm sống đã được chúng nghiệm bằng thực tế đời tôi. “

Tôi trầm ngâm một chút rồi khẽ nói:

“Riêng Hạnh, Hạnh thích được tâm sự và nghe tâm sự. “

“Nghe tâm sự?”

“Vâng. Nghe để thấy mình không lẻ loi, để biết rằng lòng người thực sâu thẳm và dễ thương. “

Sau câu nói ấy, chúng tôi không nói với nhau lời nào nữa.

Giải khát xong, hắn giúp tôi dắt xe đến cây xăng. Chúng tôi giã từ nhau tại đó. Tôi đi, bất chợt hắn ngập ngừng bảo:

“Hạnh, chúng ta có thể là đôi bạn thân không?”

Giọng hắn bỗng trở nên dễ cảm lạ thường. Tôi chưa biết nói sao thì hắn đã tiếp:

“Tôi sẽ gặp lại Hạnh không? Thực tình tôi không dám mời Hạnh về nhà. “

Tôi hơi ngạc nhiên. Sau giây lát suy nghĩ tôi cho hắn địa chỉ. Hắn cám ơn. Tôi bảo:

“Khi rảnh mời anh lại chơi. Chắc Hạnh sẽ học được ở anh nhiều điều lạ. “

Hắn không nói thêm lời nào nữa.

Và hôm nay, chợt được thư hắn với những lời lẽ khẩn thiết, tôi run run không hiểu vì sung sướng hay lo sợ. Tôi linh cảm sẽ có việc gì xảy ra giữa tôi và hắn, một tên bạn kỳ cục và đáng thương.

*

Buổi chiều có nắng vàng thật đẹp, một buổi chiều đẹp nhất trong những buổi chiều ở đây. Nắng loãng dần và khí mát trở về. Tôi ra đi không vội nhưng trong lòng nôn nóng. Còn gì vui thích hơn trên đường đi đến để gặp một người đang chờ đón mình? Nhất là khi đó lại là một đứa con trai. Tôi bỗng quyết định sẽ đi bộ một quãng thật xa để kéo dài niềm vui và cả thời gian chờ đợi cho hắn. Chắc chắn hắn không thể bỏ đi được. Nhưng rồi chỉ trong một thoáng tôi đã cảm thấy tất cả cái đê hèn và ích kỷ của mình. Con người ta thường giết nhau bằng lòng ích kỷ và trong một thoáng đê hèn. Vả lại, tôi chẳng đang mong ước được gặp lại hắn hay sao? Một tên bạn khác thường. Một chút nữa thì tôi đạp lên dặm cỏ xanh trước mặt. Tôi rẽ xuống đường nhựa. Một chiếc taxi trờ tới, tôi giơ tay vẫy gọi.

Xe ngừng lại ở bên đây đường, gần ngã tư Tự-Do – Lê-Thánh-Tôn, còn bên kia là công viên Chi-Lăng có thấp thoáng vài bóng người đi dạo. Tôi đứng chờ cho ngớt xe cộ và đảo mắt nhìn. Không thấy hắn đâu, tôi hồi hộp trông đồng hồ tay : 6 giờ quá 1 phút.

Tôi băng ngang và đi dọc theo hè đường rồi chậm rãi leo từng bậc đá lên công viên, mắt vẫn để ý tìm. Và tôi chợt thấy hắn đang nhìn tôi bên một khóm cây rậm trên ghế đá. Tôi hơi bực mình, nhưng vội quên ngay khi hắn nở nụ cười chào đón, nụ cười rất nhẹ nhưng như có một mãnh lực vô hình. Đó là một nụ cười hòa giải và đẹp sâu kín. Hắn đứng dậy rất nhẹn và đi về phía tôi, vẫn với giọng khinh bạc:

 - Chào cô Hạnh. Cô thật đúng hẹn.

Tôi để ý rất nhanh : hắn không có gì thay đổi đáng kể:

- Anh đợi Hạnh có lâu không?

- Ngồi trước nhà thờ Đức Bà, đồng hồ Bưu điện chỉ đúng 5 giờ thì tôi lại đây.

Rồi hắn nói tiếp:

- Tôi rất mừng vì hôm nay đẹp trời : Tôi có cảm tưởng bất cứ một lý do bất lợi nào cũng có thể khiến cô không đến.

Tôi không nói gì. Cả hai đều thế và không ai bảo ai chúng tôi cùng cất bước. Đây là lần thứ nhất tôi đi cạnh một bạn trai giữa đường phố. Ban đầu hơi ngượng một chút nhưng thấy hắn vẫn thản nhiên tôi cũng đỡ sợ. Chúng tôi đi chậm, hơi xa nhau và vẫn yên lặng. Một vài cặp mắt chung quanh đang theo dõi, tôi liền mở lời:

- Anh đang nghĩ gì?

Hắn không trả lời nhưng đặt lại câu hỏi:

- Cô nhận được thư lâu chưa?

- Cách đây năm hôm. Được thư của anh Hạnh mừng ghê gớm. Nhưng Hạnh mong anh đừng gọi Hạnh bằng cô nữa nếu chúng ta đã coi nhau như bạn.

- Cám ơn Hạnh. Chúng ta hãy gọi nhau bằng tên.

Rồi sau giấy lát hắn nói thêm:

- Tôi có cảm tưởng như từ nhiều năm nay Hạnh là kẻ đầu tiên đưa tôi vào vòng thân ái.

- Hạnh cám ơn… Bảo. Nhưng còn những người thân của Bảo?

Hắn không nói gì. Dường như trong hắn là một mớ rối loạn những tư tưởng, những suy tư, mà mỗi khi muốn nói một câu gì hắn phải cố công rút tỉa. Chúng tôi ngồi xuống chiếc băng đá gần đó. Một cánh lá khô đã nằm trên ghế từ lúc nào, hắn lấy tay cầm lên và nói, giọng xa vắng:

- Tôi còn đi học, còn một chút tin tưởng ở cuộc sống là do những lời trăn trối của mẹ… Cha tôi là người đã quên đi dĩ vãng đời mình. Mối ưu tư lớn nhất của ông bây giờ là gia đình mới, dĩ nhiên là không có tôi.

Tôi biết câu chuyện đã bắt đầu thật sự được đào sâu. Gọi nhau bằng tên, hình như chúng tôi đã gần nhau hơn và sự e dè mất đi từ ấy. Tôi hỏi:

- Bảo bị cha và dì ghẻ hất hủi?

- Không Hạnh ạ. Nhưng một sự quên lãng hoặc lạnh nhạt trước mặt nhau không phải là một hành động hất hủi tàn bạo hay sao?

- Bảo bị đe dọa quá nhiều bởi hiện tại và đã sống quá nhiều cho dĩ vãng. Dĩ vãng đáng yêu, đáng bảo tồn nhưng theo Hạnh chúng ta đừng tôn sùng nó. Thành thật xin lỗi Bảo, dĩ vãng thường làm cho ta buồn phiền và tăm tối… việc học hiện tại đâu phải vô ích cho Bảo.

- Ích lợi lắm chứ, có sự học hỏi nào vô ích đâu? Tôi muốn nói : Hạnh đã nghĩ nhiều về chiến tranh, về sự giả trá của con người. Nhưng chắc chắn Hạnh chưa nghĩ và cảm sâu đậm bằng chúng tôi, những thằng con trai học nửa đời đã phải đi lính. Như tôi năm nay thi tú tài, nếu có may mắn – vẫn luôn luôn là sự thành đạt mù tối nhất – đậu để học lên, để tiếp tục lên cao nữa và ra trường – đoạn đường thật gian hiểm – rồi cuối cùng cũng vẫn đi lính. Sự học ngày nay xã hội đã xếp vào cái xó tồi tệ chưa từng thấy trong khi hai chữ đi lính luôn luôn ám ảnh chúng tôi như tử thần bên giường kẻ hấp hối.

- Bảo hay bi quan quá. Bảo cho rằng tất cả những ai đi lính rồi sẽ không bao giờ trở về?

- Dĩ nhiên là có. Tôi kể cả những người trở về với tấm thân không toàn vẹn. Tôi không quên điều đó. Nhưng đâu phải chỉ khi nào tắt thở mới gọi là chết. Còn sự hy sinh tuổi trẻ? Còn sự vỡ toang mộng ước… ? Cái chết của niềm hy vọng, của một trời mơ trong người sống không đau thương hơn sự cứng lạnh của một thây ma hay sao?

Hắn nói miệt mài, giọng càng lúc càng trở bên cứng và chua xót như muốn phá tan đi một buổi chiều đầy khí mát. Những điều hắn nói thật tình không xa lạ nhưng hắn đã diễn tả với tất cả sinh lực cằn cỗi của một tuổi trẻ. Hắn thả chiếc lá đã bị vo vụn trong tay, những mảnh lá khô lả tả rơi trên thảm cỏ. Đầu hắn cúi sâu và thinh lặng. Tôi nghĩ hắn đã quá đáng trong thái độ và lời nói. Nhưng tôi không biết nói lời gì. Mà có lẽ không nói lúc này là phải. Ngôn từ và lối sống của hắn đã thoát ra những dằn vặt kết tụ một cách đáng sợ trong con người hắn, không khác gì một chứng bệnh ung thư có thể giết hại hắn bất cứ lúc nào. Tôi thấy một lời an ủi bây giờ thật cần thiết, hoặc ít ra cũng có một thái độ thông cảm. Tôi bảo:

- Thế hệ chúng mình chịu quá nhiều bất hạnh, dù bất hạnh ấy chỉ đến bằng những hình ảnh đầy đe dọa ở chung quanh và trước mặt… Nhưng riêng Bảo, sự cách biệt với những người thân trong gia đình thật đáng kể. Hạnh có cảm tưởng Bảo luôn luôn muốn rời bỏ hoặc bị hất ra ngoài những liên hệ của mọi người.

Tôi không ngờ câu nói của mình đã khiến hắn xúc động. Dù sự xúc động chỉ hiện ra bằng cái chớp mắt. Hắn vẫn cúi đầu và nói rất nhỏ hình như chỉ để cho mình nghe thôi.

- Có những kẻ sinh ra để được mọi người nhắc nhở hoặc chiều chuộng, có những kẻ mỗi lần ra đi thì được người ở lại thương tiếc, lại có những kẻ hễ đã gặp một lần thì phải nhớ hoài hoài, như Hạnh chẳng hạn… tôi, thượng đế không xếp tôi vào sổ những người đó. Tôi là một kẻ ngoại cuộc, ở đâu cũng vậy. Điển hình và căn bản là tại gia đình. Tôi ở hoặc đi như một chiếc bóng, như một kẻ vô hình. Có ai muốn mình vô hình đâu.

Tôi hỏi, lòng ngậm ngùi cùng hắn:

- Ba Bảo là người thế nào?

Hắn không trả lời ngay, ngồi thẳng dậy từ từ, tay vuốt tóc trong gió và chân vắt chéo, cặp mắt vương chút oán hờn. Hắn nói dài và chậm:

- Như tôi đã nói, ba tôi là kẻ sống như cắt đứt mọi ưu tư về dĩ vãng của mình. Tôi công nhận ông là một kẻ có tài, một nhà doanh thương đầy mưu lược và có uy tín ngoài xã hội. Vào Nam với hai bàn tay trắng để có một cơ nghiệp triệu phú như ngày nay. Mảnh bằng tú tài chưa có, trong cảnh tiền rừng ấy, đáng lẽ tôi phải được nhiều hơn hiện tại. Dù sao tất cả đối với tôi đều vô nghĩa, trừ lòng thương yêu. Ba tôi là một kẻ nhu nhược hay là một tâm hồn bất nhẫn tôi không hiểu. Nhưng cả hai đều đáng khinh bỉ và xa lánh. Còn dì tôi và các con của bà, họ may mắn hơn những người đến trước. Họ sống im lặng, nhưng là một thứ im lặng đầy xảo trá. Tôi biết quá nhưng buồn. Ba tôi thường đi xa, nhà tôi là kho chứa bạc hoặc chỉ là trạm dưỡng sức của ông. Về đến nhà tôi lạc lõng như một hoang đảo.

- Hạnh thông cảm cho hoàn cảnh của Bảo. Hạnh may mắn hơn vì đã tìm thấy hạnh phúc trong gia đình. Gia đình không những là nguồn nuôi sống ta về thể xác mà còn về tinh thần nữa. Mất gia đình là mất tất cả. Nhưng, ba Hạnh vẫn nói một câu mà Hạnh thấy rất đúng, có thể giúp Bảo tìm lấy sức sống : “Dù gia đình, dù thân thuộc nhưng tự mình hãy lo lấy cho mình, tự mình mỗi người phải là một sự cháy sáng”

- Đúng. Nhưng là sự cháy sáng của cây nến. Cây nến sẽ tàn lụi dần rồi tắt ngấm để đi vào hư không một cách vô lý. Mỉa may thay, trước khi tắt nó còn bùng sáng lên một chút nữa.

- Nhưng sự cháy sáng của cây nến không phải hoàn toàn vô ích.

- Có ích cho nó hay cho loài người ích kỷ?

Tôi thấy nghẹn ở cổ họng vì những câu dằn mạnh của hắn. Thật tình, tôi không biết nói gì thêm nữa. Tôi đã xét lầm về hắn : hắn cứng đầu và nhiều lý lẽ hơn tôi tưởng.

Một hồi còi cứu thương kéo vang dưới phố, tôi chợt tỉnh. Đèn đường đã bật nhưng trời chưa tối hẳn. Tôi thấy hơi váng nơi đầu và muốn đứng dậy. Vừa khi ấy hắn bảo:

- Xin lỗi Hạnh vì những lời lẽ…

Tôi vội nói:

- Không. Đó không phải là điều để chúng ta bận tâm.

Và tôi tiếp:

- Quan trọng là Bảo hãy bình tâm và đừng quyết định việc gì trong khi chưa có một tin tưởng nào.

Hắn im lặng nhìn trời. Không hiểu hắn có nghe rõ lời tôi vừa nói không.

Bỗng hắn bảo:

- Có lẽ Hạnh phải về. Ngày đã muộn.

Tôi cũng nghĩ vậy nhưng không phát biểu ; ngồi thẳng người một chút cho khỏe và ngửa mặt đón cơn gió mát chợt vừa tới. Mái tóc nhẹ bay và tôi thấy thoải mái hơn.

- Trông Hạnh đẹp hơn bao giờ.

Tôi cười, nụ cười sung sướng và thân mật không ngờ như với một đứa bạn gái. Chúng tôi đã tự nhiên thật:

- Bảo khen Hạnh đấy ư?

Sau câu nói, chúng tôi nhìn nhau mỉm cười. Tôi không biết hắn nghĩ gì, riêng tôi thì hầu như hoàn toàn thanh thản. Những tâm sự nặng nề khi nãy hình như đã theo bóng ngày mà mất hút vào đêm. Chúng tôi cùng đứng dậy chậm rãi đi về phía đường. Lúc đang xuống các bậc đá công viên hắn bảo:

- Hôm nay, Hạnh đã ban cho tôi thật nhiều ân huệ.

Tôi cười:

- Anh hay khách sáo, một thói quen xấu.

Trong lúc đứng đợi xe tôi bảo hắn:

- Lần sau nếu muốn gặp Hạnh, Bảo hãy lại nhà, đừng ngại gì cả.

Hắn gật đầu mỉm cười rất nhanh rồi để nụ cười tắt hẳn vào khoảng không. Một chiếc taxi chạy tới, hắn vẫy xe và mở cửa mời tôi lên. Tôi hỏi:

- Còn Bảo?

- Trời còn sớm lắm đối với tôi. Hạnh về.

Cửa xe đóng, tôi đã ngồi gọn trong xe. Người tài xế cho xe từ từ chuyển bánh đi thẳng về phía Công Trường Hòa Bình. Tôi đã định không nhìn hắn nhưng sau một khoảng khá xa tôi vẫn quay lại phía sau : qua khung cửa kính nhỏ hình như hắn vẫn còn đứng đấy, thân mình thẳng và lặng, vẻ dáng trơ vơ, cô độc. Bất giác tôi khẽ thở dài. Người tài xế đang chăm chú nhìn về phía trước. Bóng đêm xuống dần.

*

Buổi chiều, thanh toán xong bài thi cuối, tôi trở về nhà lòng nhẹ như vừa trả được món nợ lớn. Vào đến phòng riêng tôi mở rộng cửa sổ đón lấy những cơn gió chờ sẵn từ lúc nào. Gió vào thật nhiều, đầy ắp căn phòng nhỏ. Tôi sung sướng nằm dài trên nệm vắng và tắm trong gió ấy. Bao lo âu mệt nhọc về nỗi thi cử như quyện trong gió và tiêu tan đâu mất. Sự say mê đang níu kéo, giấc ngủ gần về, bỗng có tiếng gõ cửa phòng.

Người giúp việc cho tôi biết có bạn tới thăm.

Không ai xa lạ, chính là hắn. Tôi hơi hồi hộp khi sắp gặp hắn tại nhà mình. Mẹ tôi ngồi tiếp chuyện với hắn lúc tôi chưa kịp xuống. Hắn trả lời những câu hỏi của mẹ tôi thật lễ phép nhưng gọn, gần như cho có lệ. Từ trong nhà tôi đã biết rõ điều đó. Ra tới nơi, mẹ tôi vui vẻ bảo:

- Có bạn con lại chơi.

Tôi hiểu mẹ đã biết rồi nhưng vẫn giới thiệu:

- Thưa mẹ, anh Bảo, bạn cùng lớp với con.

- Có, mẹ vừa biết qua lời Bảo.

Tôi để ý, hình như hắn có vẻ gì khác lạ, bèn bảo mẹ:

- Xin phép mẹ cho chúng con ra vườn nói chuyện cho mát.

Rôi tôi quay sang như nói cả với hắn:

- Và tiện thể cho Bảo thăm vườn luôn.

Mẹ tôi thông cảm rất nhanh. Bà cười vui vẻ:

- Đó là ý kiến hay. Tùy con.

 Hắn đứng dậy, xin phép mẹ tôi thực kính cẩn. Mẹ tôi bảo:

- Cháu cứ tự nhiên.

Hắn e dè đi ra cửa. Hắn vẫn luôn luôn có thái độ nghi nan và kiểu cách ấy.

Chúng tôi đã xuống sân sỏi. Những khóm cây vừa được tưới nước lá ướt và sạch. Khu vườn không rộng nhưng sâu vòng về phía sau nhà ; khu vườn như một an ủi lớn cho tòa nhà, tuy đồ sộ nhưng đã già yếu và cổ. Bỗng hắn nói nhẹ nhưng cũng đủ cắt ngang những ý nghĩ của tôi:

- Mẹ Hạnh dễ mến quá.

Rồi hắn tiếp:

- … Bà mẹ nào cũng dễ mến cả.

Tôi không biết phải nói gì với hắn. Sự thân mật chiều nao giữa chúng tôi hình như đã mất đi một phần lớn. Tôi đang bận tâm về thái độ và cuộc tìm gặp của hắn hôm nay. Hắn lầm lì một cách khác thường. Có lẽ hắn không được thoải mái ; mái tóc dài chải gọn nhưng không che nổi nét bơ phờ ; cặp mắt có vẻ mệt nhọc và thâm quầng đôi chút… Chúng tôi vẫn bước những bước rất nhẹ và âm thầm trên sỏi. Tiếng sỏi rên siết dưới chân nghe khô khan và lạnh. Tôi không hiểu hắn có thi kỳ này không? Hắn đang nghĩ gì và sắp nói những gì?...

Chợt hắn quay nhìn tôi nói giọng say đắm như trong mơ:

- Tôi thích ngắm Hạnh vào buồi chiều trong chiếc áo màu trắng trinh bạch, như chiều nay, như hôm nào ở công viên ; màu áo trắng đẹp như những cánh hoa trước mặt chúng ta… Hoa ấy tên gọi là gì hở Hạnh?

Tôi hơi hoang mang về câu nói ấy nhưng vẫn lấy giọng bình thản:

- Một loài hoa mà Hạnh cũng không biết tên. Ba đã lấy giống trên Đà Lạt theo lời yêu cầu của Hạnh. Về đây hoa trổ thưa và nhỏ hơn trên cao nguyên.

- Thế càng đẹp chứ sao. Lớn để làm gì? Nhiều mà làm gì?... Hoa nở quanh năm không Hạnh?

- Không, chỉ vào những tháng mưa.

Chúng tôi đã đến bên khóm hoa màu trắng, một chút hương thơm nhè nhẹ vương trong gió chiều. Hắn nói:

- Hạnh cho phép tôi tặng một nhánh, dù chỉ là nhánh hoa trong vườn của Hạnh.

Rồi không chờ đợi, hắn giơ tay khẽ bẻ một cành hoa nhỏ, đẹp và gần nhất trao cho tôi. Hành động của hắn làm tôi sợ hãi quá, bối rối không biết nói gì và làm gì. Một con dơi bay vuột trong đám cây, tôi ngó về phía nhà:

- Chúng ta vào nhà đi Bảo.

- Hạnh sợ có người thấy chúng mình từ khung cửa sổ kia sao?

- Đấy là phòng của Hạnh không ai vào được.

Một giây yên lặng. Cảnh vật chung quanh cũng thanh lặng. Bỗng hắn nói giọng khẩn thiết:

- Hạnh. Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi gặp Hạnh, người đã đem đến cho tôi bao an ủi và trìu mến. Hãy nhìn tôi, vào đôi mắt này để thấy rằng tôi thành thật và cô đơn. Chúng ta sẽ không còn gặp nhau nữa sau chiều nay. Trước khi đi tôi muốn gởi đến Hạnh một kỷ vật, nói đúng hơn một bài hát, bài hát đầu tiên mà tôi đã sáng tác trong những đêm không ngủ.

Tôi cảm động vô cùng và như bị thôi miên bởi tia mắt và giọng nói của hắn. Cổ tôi khô lại. Bây giờ thì tôi lo sợ thật tình. Chợt hắn bảo:

- Chúng ta hãy ngồi xuống trên cỏ.

Tôi làm theo lời hắn như một cái máy, tai tôi ù hẳn đi. Cảnh vật chung quanh hình như mờ nhạt và trí óc tôi rối loạn khác thường. Tôi bị xúc động mạnh. Rồi trong những giây phút đó, một giọng hát nhẹ nhưng rõ tiếng trỗi lên bên tôi. Bài hát vọng vang như nói thầm và lời ca dằn vặt, buồn thảm. Không còn gì nữa ở quanh đây ngoài tiếng hát. Tôi nghe rõ lắm, từng nét một:

Con sâu gầy
Trong lòng đất tồi tàn, ẩm mốc
Nở một ngày đã giương mắt vọng trời xanh
Những âm thanh, những xáo động
Những lửa nóng, những máu tanh
Những tang thương đe dọa quanh mình
Ở ngay đây
Con sâu gầy sợ cuống lủi sâu về đất
Đất khô, đất mục. Đất nghẹt thở. Đất bầy nhầy…
Con sâu gầy toan rã xác
Chờ một khi trên đầu tĩnh lặng
Ngày vắng và sương đêm giăng đầy
Con sâu gầy mới bàng hoàng trỗi dậy
Con sâu gầy mới lén hé đầu lên
Ánh sao lung linh
Con sâu gầy giương mắt đắm trời sao
Đất lạnh ban đêm, sương buốt ướt mềm
Một tiếng nổ… vỡ toang, sáng choang đêm tối
Thôi. Mộng trong đêm… Hương hoa nào trong đêm?
Con sâu gầy giẫy chết. Nửa đêm…

Hắn hát giọng đam mê ; âm thanh như trôi về vực thẳm ; nhịp điệu rất lạ lùng như thứ âm nhạc của một thế giới xa xôi nào khác. Tôi rùng mình, mồ hôi lạnh toát ra khắp người… Bỗng có một động nhẹ vào các đầu ngón tay. Khi sực tỉnh thì hai tay tôi đã nằm gọn trong tay hắn. Tôi hoảng hốt:

- Bảo. Bảo. Bình tĩnh lại.

Tuy thế, tôi vẫn không thể rút tay ra được dù hắn nắm không chặt lắm. Hai bàn tay tôi trở nên mềm nhũn. Cành hoa trắng bị buông rơi xuống đất tự bao giờ. Tôi có cảm tưởng như một luồng điện vô hình cực mạnh đang truyền từ tay hắn sang tay mình. Tôi run lên trong sự sợ hãi và yếu đuối cực hình.

Và rồi như một phản kháng thần diệu tôi quay về phía nhà. Đèn trong phòng khách bật sáng. Tôi thu hết sức rút mạnh tay mình ra khỏi hắn:

- Không. Bảo, chúng ta là bạn.

Thốt nhiên, hắn đứng dậy. Tôi vội vã đứng theo và lùi ra sau. Trong bóng tối khuôn mặt hắn u sầu và hình như đỏ rực. Tất cả xảy ra rất nhanh. Hắn nói, vẻ ngậm ngùi rồi mất hút:

- Xin lỗi Hạnh. Hãy quên đi, hãy quên tất cả như mình đã từng quên một giấc mộng trong đêm dài.

Rồi hắn tiếp, không lớn nhưng cương quyết:

- Hạnh ở lại. Tôi đi.

Không đợi tôi nói hay phác một cử chỉ nào, hắn đã đi vội về phía cổng. Tôi đứng lặng người, cành hoa trắng nằm dưới chân. Hắn lách mình ra khỏi cánh cổng sắt hé sẵn. Hắn đi như chạy trốn, còn tôi thì tâm trí quay cuồng trong rã rời và trống vắng. Hắn đi đâu? Hắn đã và sẽ làm gì?...

Bóng tôi quanh đây đã trùm xuống nặng nề. Tôi có cảm tưởng như vừa trải qua một giấc mộng. Giấc mộng qua rồi, dư âm thật mơ hồ và lặng.

*

Trại nhập ngũ, ngày… tháng… năm 197…

Hạnh yêu quý,

Biết Hạnh đã đậu, tôi gửi thư chúc mừng. Chắc hẳn Hạnh và gia đình phải ăn mừng lớn lắm, cái bằng cấp đáng giá đầu tiên cho mười mấy năm học tập, của một học sinh, của một đứa con gái cưng. Còn tôi ư? Kỳ thi tôi đã bỏ nửa chừng và dù có thi nốt thì cũng chỉ tốn giấy chính phủ và làm phiền lòng các vị giám khảo chấm thi thôi. Nhưng tôi không buồn nữa đâu, nhất là không phiền trách gì cả. Từ lâu, mình đã không hành động áng chừng như muốn thế là gì?

Hạnh, Hạnh có ngạc nhiên nhận được thư từ trại nhập ngũ không? Sau hôm ấy, Hạnh đã nghĩ gì về tôi? Riêng tôi, không nói thì Hạnh cũng biết. Tôi đã cố quên như lòng dặn. Nhưng Hạnh ơi, làm việc ấy nào có khác chi bảo rằng hãy quên đi chính bản thân mình. Ở nhà Hạnh về tôi quyết định ra đi, một cuộc ra đi não nề chưa từng thấy trong đời một thằng con trai mới lớn. Một cuộc ra đi tự nguyện và lao lung nhất đời mình, như một kẻ đi tìm cái chết trước kỳ hạn… Hạnh bảo : “Đừng nên quyết định khi chưa tin tưởng” nhưng đợi đến bao giờ đây?

Tối hôm soạn hành trang, cái buổi tối của những dứt khoát và níu kéo vô chừng. Tôi đã làm được những gì cho mẹ? Tôi đã có những gì cho tôi? Tương lai và dĩ vãng xô đẩy, siết tôi như hai gọng kềm sắt thép. Nhìn vào ánh mẹ, tôi đã khóc, để rồi tự thắc mắc : “Mình khóc cho ai?”

Cửa phòng sịch mở. Ba tôi vào, dáng âm thầm và thản nhiên như vẫn chực sẵn. Tôi quay nhìn chỗ khác, không biết giấu những giọt nước mắt hay để tránh mặt ông.

“Bảo. Con đi đâu?”

Tôi không quay lại, chỉ liếc mắt để kịp thấy vẻ mặt buồn sầu của ông. Ông đứng giữa phòng, hai tay xuôi. Không thấy tôi trả lời, ông đi lại phía bàn ngổn ngang những quần áo. Tôi vẫn ngồi và nói:

“Ba vào phòng mà không gõ cửa. Ba đi ra để con lo việc riêng.”

Ông không tỏ một thái độ nào sau câu nói của tôi dù hiện trên nét mặt. Ông đưa tay lật qua một vài thứ để trên bàn rồi chầm chậm đi về phía tôi, tôi đang ngồi trên giường:

“Bảo, con oán hận ba đến thế sao?”

Tôi lại vẫn im lặng. Ông đã ngồi xuống bên tôi:

“Ba biết con sắp đi đâu và con đang nghĩ gì nhờ tập nhật ký của con. Một tình cờ đã khiến con quên khóa cửa phòng và ba đã biết hết cả. Con phiền trách, khinh bỉ rồi mạt sát ba như con đã từng đối xử với kẻ cừu địch. Ba đau khổ mà không ngạc nhiên và cũng không buồn con đâu. Ba vẫn biết sẽ có một ngày hôm nay, sớm hoặc muộn. Con ơi, ai đã sống mà không hề ân hận? Ba biết nói gì với con đây khi tâm hồn ba đang rối bời và khổ đau vô hạn. Nếu nhìn thấu được trái tim ba con sẽ thấy ở đó dĩ vãng, hiện tại đã và đang xâu xé nhau đến mức nào. Hình ảnh mẹ con, của con, dì con, các em con… Thú thực ba yếu đuối và bất lực quá trong tình cảm. Nguồn an ủi đối với ba từ lâu chỉ còn là sự nghiệp. Khổ đau chưa : Sự nghiệp là gì, để cho ai mà con người phải tìm an ủi nơi nó đến thế? Con đã nhìn thấy cái sa cơ của ba chưa? Cái sa cơ của một kẻ thất lạc trong sa mạc đầy vàng nhưng cháy nắng.”

Rồi ông quay lại giữ lấy hai vai tôi lay mạnh, vẻ đau đớn:

“Bảo. Sao con không nói? Con đang nghĩ gì? Con ra đi hay con muốn giết một người thân? Con biết ba đang đau đớn mà… Con phải ở lại… “

Tôi đứng dậy, đôi tay ông buột rơi vào khoảng không rồi chơi vơi ở đó.

Tôi đứng tì tay trên bàn, mắt nhìn ra ngoài trời đêm, qua khung cửa sổ.

Tôi nói với ông bằng tiếng nói sau lưng:

“Không. Sự ra đi của con có nghĩa lý gì?”

“Con lầm. Chúng ta cần có nhau. Con ở lại để cha con bảo bọc nhau, để sau này trước khi nhắm mắt chúng ta không còn gì để ân hận về nhau nữa. Con chưa đến tuổi, con phải ở lại để ba thôi mặc cảm rằng mình là một kẻ bị lường… “

Tiếng nói của ông trở nên khẩn thiết lạ thường, giọng rít lên như tiếng xé lòng. Tôi quay lại : Mặt ông lại càng khổ não hơn, ông nhìn tôi trừng trừng, cái nhìn của một kẻ sát nhân sắp chết. Tôi lắc đầu sẽ nói:

“Chúng ta là những kẻ bị lường… “

Nhưng tôi vẫn quyết định ra đi. Đêm ấy ông không về phòng mà ngồi canh bên giường cho tôi ngủ. Đèn trong phòng tắt hẳn nên ngoài trời lại sáng hơn. Trời sáng dần. Sớm hôm sau chúng tôi rũ đi vì mệt, cả hai đôi mắt đều thâm quầng như nhau và hai cha con đã ôm nhau nức nở khóc.

Dù sao tôi cũng phải đi Hạnh ạ. Ba tôi, ông cũng đồng ý như thế. Chúng ta đừng níu lại những gì không còn nữa, hãy nỗ lực đi tới và gầy dựng lại đời mình bằng những niềm tin mới. Tôi thấy bông hoa nở trên nấm mộ tâm hồn. Ác mộng hình như sắp qua rồi, từ đây.

Hạnh yêu quý

Đây là lần tâm sự cuối cùng với nhau. Hạnh nói đúng : “Chúng mình chỉ có thể là bạn”, thế vẫn đẹp hơn. Hạnh ơi, quên mình đi chua xót lắm, nhưng có lẽ đôi lúc ta phải làm vậy để kiến tạo cho một cái gì khác? Ngày xưa, bây giờ và mãi mãi sau này, kỷ niệm của tôi đối với Hạnh vẫn chỉ là một kỷ niệm màu trắng. Trắng mộng.

Thôi, Bảo ngừng bút đây. Đọc xong thư, Hạnh hãy ban cho Bảo một ân huệ sau cùng nhé : Hãy yên lặng một phút để nghe lại từ muôn trùng bài hát kỷ niệm. Chúng ta còn sống và còn tin tưởng là do ở những kỷ niệm nơi người đồng loại. Hạnh nghe nhé, Bảo bắt đầu đây…


Vĩnh biệt Hạnh       
NGUYỄN-MỘNG-BẢO

__________________________
Chân thành cảm ơn bạn Đinh Thanh Nguyện đã gởi tặng truyện này 


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>