Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

CHƯƠNG IX, X_BÊN KIA CHIẾC CẦU


IX

Nắng quái đổ đầy mặt, đâm vào đôi mắt. Sơn tỉnh dậy, nghe cơ thể tê dại. Chiều rực lửa trên cây cỏ, trên đường đất. Ở đàng kia, vẫn còn thấy rõ lắm, cây cầu quỵ xuống dòng sông. Kẻ chiến thắng đang nằm chờ chết. Không gian ngăn cách ở dòng nước kia. Thời gian đằng đẵng như một đời người. Buổi chiều khói lửa thiêu đốt xóm nhà, chỉ cách buổi chiều nay bằng một ngày ngắn, nhưng sao lê thê quá!

− Cho tôi đến gần anh tôi đi! Anh tôi sắp chết rồi sao?

Giọng nói u uất ở trong cõi nào? Dưới lùm cây? Bên rạch nước? Hay ngoài đồng thơm lúa? Sơn nhướng mắt nhìn lại. Cái bóng Thảo Giang xơ xác, vật vờ. Mái tóc xổ ra, lòa xòa trên trán, trên vai, trên lưng. Thảo Giang ngồi xuống trước mặt Sơn. Đôi mắt đỏ hoe nhòa nhạt lệ.

− Anh Sơn ơi! Anh có tỉnh không?

Nước mắt Thảo Giang rớt xuống mặt Sơn. Sơn lắp bắp:

− Thảo Giang đó phải không? Thảo Giang đã khai với chúng nó hết rồi… phải không?

Thảo Giang lắc đầu. Sơn thở phào. Nhưng trong đôi mắt dòng sông kia đang dạt dào sóng. Sơn nhìn kỹ Thảo Giang. Cô bé vẫn còn hiện diện bên ta đây mà! Trong cơn mê vừa rồi Sơn thấy rõ ràng Thảo Giang đã chết. Thảo Giang bị đánh đập, cô bé khai hết những điều bí mật. Nghĩa quân qua cầu, vượt khu vườn của Bá Huê, ra cánh ruộng phèn, tới sông Vàm Cỏ, đi thuyền qua Tân An rồi về Gia Định. Nghĩa quân có khoảng hai chục người, một số khác đã trốn đi trước. Dẫn đầu nghĩa quân có anh Chương, anh Nam, anh Biên và anh Phô. Mấy người kia tên gì không biết. Họ đã đi sáng nay, qua chiếc cầu đó, rạch nước cạn, và anh Sơn rải thuốc súng làm sập cầu. Cho tôi sống! Cho anh Sơn tôi sống! Chúng tôi thương nhau. Chúng tôi quen nhau từ thuở nhỏ. Đuổi theo nghĩa quân đi! Họ đã vượt sông lớn. Để cho chúng tôi ở lại làng. Để cho chúng tôi được sống. Chúng tôi đặt tên cho rạch, sửa tên cho làng. Chúng tôi bắc lại cầu, xây lại nhà, sinh con đẻ cái, sống đời dân quê hiền lành… Thảo Giang nói nhiều lắm! Tiếng nói như kim nhọn xóc vào tai, đâm vào óc. Quân giặc khoái trá đuổi theo nghĩa quân. Sơn uất ức rút cây dùi ra đâm vào tim Thảo Giang, Thảo Giang chết. Mắt nhắm kín gói chặt ước mơ…

Thảo Giang khóc sụt sùi khi nhìn những vết bầm trên mặt Sơn, những chỗ da thịt rướm máu trên tay, trên chân Sơn. Tiếng khóc làm se lòng người. Sơn nói:

− Đừng khóc Thảo Giang! Đừng khai gì hết. Chúng ta sẽ chết ở đây. Thảo Giang chịu không?

Thảo Giang gật đầu. Sơn lại thều thào:

− Thảo Giang sợ chết không?

Thảo Giang lắc đầu, nước mắt chảy như mưa. Sơn thở dài:

− Nói gì đi, Thảo Giang! Sao cứ gật đầu, lắc đầu? Chúng ta sẽ chết ở đây mà!...

Thảo Giang đưa tay gạt nước mắt:

− Giang phải nói gì?

− Thì… thì Thảo Giang nói là…

Đàng kia gã chỉ huy người Pháp đang nói một tràng dài với Tư, Tư bước đến gần Sơn và Thảo Giang, kéo Thảo Giang đứng dậy, nói dõng dạc:

− Một lần chót, tôi hỏi cô bé có khai hay không? Hay là đợi thằng nhãi kia phải chết?

Thảo Giang nghẹn ngào:

− Tôi biết khai gì bây giờ?

Hộ đến bên cạnh, cười gằn:

− Khai đi Thảo Giang. Tụi nghĩa quân đi ngả nào, về đâu?

− Nếu tôi khai, các ông có tha anh tôi không?

− Có! Tha cả nó và Thảo Giang. Hai người sẽ được đi theo chúng tôi, đuổi theo nghĩa quân. Khi chiến thắng, muốn gì cũng có. Muốn về làng cũng được, mà muốn qua Tây khai mỏ cũng được, tha hồ sướng cái thân.

Thảo Giang quay mặt đi như không muốn để những lời xuẩn ngốc kia lọt vào tai. Hộ nói tiếp:

− Còn nếu khai bậy, tìm không được dấu nghĩa quân, cô và nó sẽ bị giết chết.

Thảo Giang đứng thẳng người lên, nói:

− Tôi sẽ khai đúng sự thật.

Hộ cười khoái trá:

− Có thế chứ! Thảo Giang vẽ lại cái bản đồ cho chúng tôi nghen!

− Khỏi cần vẽ, anh tôi còn một tấm bản đồ nữa.

Hai tên phản quốc trố mắt:

− Ở đâu?

Thảo Giang quỳ xuống bên Sơn. Sơn cũng ngạc nhiên vô cùng. Nhưng Sơn chưa kịp nói gì, thì Thảo Giang rút ống sáo trúc trong thắt lưng của Sơn ra. Giọng cô bé xúc động:

− Trong này, tấm bản đồ chỉ đường đi của nghĩa quân đây!...

Bàn tay nhỏ nhắn run rẩy mở dải nơ xanh. Sơn kinh ngạc, nín thở. Trước những đôi mắt vui mừng của đám người trước mặt, Thảo Giang rút cây dùi ra khỏi vỏ sáo trúc. Tia nắng quái cuối cùng biến mất sau rặng tre! Cây dùi giơ lên cao, và đâm mạnh vào bụng Thảo Giang.

Sơn há hốc miệng, không thốt lên được một lời. Tên Hộ, tên Tư lùi lại, kinh hãi. Đám lính đàng sau xôn xao. Gã chỉ huy người Pháp sững người bàng hoàng.

Thân hình mảnh khảnh của Thảo Giang quỵ xuống trước mặt Sơn. Cánh tay đưa ra, chới với như muốn nắm lấy hai tay Sơn đang bị trói quặt phía sau lưng. Sơn nghẹn cả hơi thở. Sơn cứng miệng như người câm. Sơn ù cả hai tai. Sơn không còn cảm giác đau đớn. Chỉ còn thấy trên má Thảo Giang, giòng lệ đã khô lại. Hai mi mở lớn. Giòng sông in bóng xanh ngắt như một thời thơ ấu, rồi đổi thành màu trắng tang thương. Cọng cỏ chỉ đã trôi theo giòng nước.

 *

Trước mắt Sơn, những đôi chân bước lại. Hộ cúi xuống, nắm cổ tay Thảo Giang lên. Sau mấy giây im lặng, hắn quay lại nói với Tư:

− Chết rồi!

Và đứng lên nói một câu ngắn với gã lính chỉ huy. Gã này ra lệnh cho đám lính lui ra, tụ tập trước sân nhà. Sơn bị bỏ mặc dưới đất, mở mắt lớn nhìn thi thể Thảo Giang im lìm. Thảo Giang vẫn còn hiện diện bên Sơn đây mà! Có gì khác với Thảo Giang chiều nào đi lên xóm trên, khăn xanh phất phơ trên cổ? Thảo Giang vẫn còn đó bằng mái tóc, bằng đôi mắt, bằng đôi môi ngây thơ. Sơn đâu có giết Thảo Giang như trong giấc mơ ban chiều! Nhưng cũng cái dùi ấy, nó đã làm linh hồn Thảo Giang bay đi mất rồi! Sao ta vẫn chưa chết? Sao ta không ngất đi để được thấy Thảo Giang trong mơ, hát hò trên đồng lúa? Sao ta không khóc được như khi nhìn thấy hình hài của thầy đồ? Cái chết là cái gì, đau đớn hay tuyệt vời? Cái chết là chấm dứt hay là một bắt đầu? Có ai đang trả lời ta đó? Tiếng của bóng đêm đang đổ xuống hay tiếng của giòng sông chuyển mình? Đêm nay nước sẽ lên, đẩy cây cầu đứng dậy. Rùng rợn quá!... Nhưng bây giờ thì nước đã cạn, như nước mắt của ta. Ta nghe lau lách kêu rêu, nghe bìm bịp than thở. Ta sẽ chết đêm nay? Một cái cắn lưỡi, một cái dập đầu…? Sơn quay lại nhìn về phía con rạch. Tiếng động phía đó không phải là ảo giác, mà là sự thật. Đêm đã xuống thật bình yên. Có mấy bóng người nhấp nhô bên vệ đường, nấp sau cây cỏ. Mấy cái bóng đó di động thật nhẹ nhàng, từ phía cầu tới trước ngôi nhà có đám lính Pháp đang tụ tập. Họ đang làm gì? Chỉ có đêm tối biết được. Nhưng họ đang lui lại. Sau một tiếng hô nhỏ, một vùng đã lóe sáng ánh lửa. Khói tỏa mù mịt. Sơn ngửi được mùi thuốc súng, vội vã lăn xuống hố cỏ. Đám lính đàng kia xôn xao, nhưng họ chưa kịp nhận định điều gì, mấy mũi tên lửa đã bắn vùn vụt vào nhà. Căn nhà tranh bốc cháy ngùn ngụt.

Gã chỉ huy chạy được ra ngoài, miệng gào to những lời truyền lệnh. Một bóng người ở bên vệ đường chạy lên, dùng ngọn mác đâm gã nọ ngã gục. Rồi những người khác xáp vào đánh cận chiến với đám lính Pháp. Trong lửa cháy ngùn ngụt, Sơn chỉ còn nghe tiếng hò reo, tiếng la hét rợn óc…

Lửa tàn dần. Căn nhà bị thiêu rụi. Trên mặt đất la liệt những xác người. Đêm trở lại đen tối, yên lặng như không biết những tàn khốc nơi đây. Một bóng đen bước lại gần Sơn. Gương mặt rắn rỏi cúi xuống. Bàn tay tháo gỡ sợi dây trói cho Sơn, nâng Sơn ngồi dậy. Đêm tối làm mờ nét mặt. Nhưng giọng nói quen thuộc cất lên:

− Sơn! Em tỉnh chưa?

Sơn reo to:

− Anh Chương!

− Chương đây!

Sơn đưa tay sờ thấy áo quần Chương ướt sũng. Sơn bùi ngùi:

− Anh đã lội qua rạch?

− Phải. Bọn anh chỉ có mấy người.

− Tại sao anh trở lại?

− Đến sông Vàm Cỏ, anh nôn nao không yên. Toán nghĩa quân hôm trước trở lại, cho hay là họ đã mở đường về Biên Hòa an toàn. Anh cảm thấy bỏ các em ở đây là không phải, nên anh trở lại làng.

Sơn mở to đôi mắt nhìn người nghĩa quân đáng mến:

− Anh tốt với chúng em quá! Nhưng Thảo Giang đi theo chỉ làm bận chân…

− Thảo Giang đâu?

− Thảo Giang bây giờ chỉ muốn ở lại làng. Nó không đòi theo nghĩa quân nữa. Nhưng xin anh, cho linh hồn Thảo Giang theo với.

Chương hoảng hốt:

- Sơn! Em còn bình tĩnh không?

Sơn nói say sưa:

- Cái cọng sắt, em mài thành cái dùi, chờ ngày theo ông Trương Công Định. Cái dùi lận trong lưng, đợi lúc đâm vào tim giặc, lấy lại đất đai. Nhưng em chưa làm gì được, cái dùi đã đâm vào người Thảo Giang… Vì Thảo Giang không muốn cho giặc qua bên kia cầu, đuổi theo các anh. Em đã hiểu lời của anh rồi, anh Chương ơi! Người yêu nước tật nguyền có cái khí giới riêng của họ. Thì Thảo Giang, con gái yếu đuối cũng có khí giới của Thảo Giang.

Sơn lê bước tới bên xác Thảo Giang. Trong đêm tối, chỉ có cây dùi sắt và đôi mắt màu trắng dã sáng lên. Sơn nói:

− Đây nè! Anh Chương! Thảo Giang đây! Không phải là em gái của Sơn. Nhưng chúng em thương nhau hơn cả anh em ruột.

Chương xúc động, bước tới. Đôi mắt Sơn khô khan, giương to nhìn bóng đêm. Nhưng đôi mắt của Chương nhòa lệ. Chương nắm lấy bàn tay lạnh giá của Thảo Giang, tưởng như trong đời chưa có lần chứng kiến cảnh đau lòng như vậy. Sơn nói xa xăm:

− Chúng em chỉ là hai đứa bé còn sót lại của làng. Từ khi thầy đồ mất, chúng em mơ được thấy ông Trương Công Định. Nhưng Thảo Giang đã bỏ mơ ước mà đi.

Chương siết chặt tay Sơn, nói:

− Không! Các em không phải là trẻ nhỏ, mà là hai người đã lớn. Anh khâm phục các em. Anh là người… mà em muốn gặp đây, Sơn!

Trong đêm tối, Chương đứng lên, sừng sững. Con người quen thuộc! Mà cũng là con người thần tượng của Sơn, của Thảo Giang! Không có hào quang vây quanh, không có cẩm bào, không có kiếm báu. Chỉ có ngọn tầm vông, chỉ có tre nhọn làm giáo mác. Và có con tim yêu nước chứa trong manh áo vải thường dân.


X

Chúng ta không còn là trẻ nhỏ, mà là hai người đã lớn. Phải không Thảo Giang? Đã lớn mới dám yêu nước bằng máu trong tim, bằng cả linh hồn và thể xác. Sơn đã lớn, ở xóm làng này, bên cạnh con rạch nhỏ. Cũng nơi đây, Thảo Giang đã lớn. Con rạch nhỏ chưa có tên. Sơn vẫn còn muốn gọi nó là “dòng sông”. Con rạch nhỏ chảy ra dòng sông lớn, sẽ mang cùng một tên : Sông Vàm Cỏ! Là gì Thảo Giang biết không? Là… Thảo Giang đó! Chỉ một câu giản dị như thế thôi, sao cũng khiến Thảo Giang cảm động?

Buổi sáng đã thức dậy bên dòng sông. Mặt trời mở mắt nhìn lau lách. Thảo Giang nhỉ, ở đây buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối đều dễ thương cả. Dễ thương như gương mặt Thảo Giang trưa nào ngồi trên cỏ xanh, xõa tóc đầy lưng, chiều nào đi ngang cầu phất phơ khăn xanh trên cổ. Sơn tưởng làm dân đen, cuộc đời chỉ có màu nâu, màu đen như áo. Nhưng đến lúc tưởng nhớ, mới thấy thời thơ ấu của ta toàn một màu xanh. Màu xanh của dòng sông, của mắt Thảo Giang, của cỏ, của lúa, của giải khăn trên cổ Thảo Giang, và trên cây dùi sắt oan nghiệt của chúng ta.

Cây dùi sắt! Sơn đã mài nó từ ngày biết thương Thảo Giang. Đáng lẽ Sơn phải dùng nó để hạ cái tên nham nhở trong vườn, nó trở thành khí giới của Sơn mang trong người chờ ngày theo nghĩa quân. Đáng lẽ Sơn phải dùng nó để moi tim giặc, nó trở thành khí giới cho Thảo Giang bày tỏ tình người. Sơn thù ghét nó, nhưng cũng thương nó biết bao! Sơn đã chôn theo cùng với Thảo Giang và cây sáo trúc. Sơn đã thấy, đời vẫy vùng có khi cũng đồng nghĩa với cảnh quạnh hiu. Thảo Giang hiểu gì không? Nghe gì không? Cái hình hài nằm dưới nấm đất nhỏ nhắn kia, bên dòng sông của chúng ta, cạnh cây cầu đã gãy?

Nắng lên đầy xóm thôn tiêu điều. Ở trên mặt nước, nắng làm hiện rõ bóng của chiếc cầu nám đen, cô độc. Ở đây, mỗi một cảnh vật đối với Sơn đã trở thành một di tích nát lòng. Thảo Giang nghe gì không? Tiếng nước! Tiếng nước dưới con rạch, bên chiếc cầu. Tiếng nước kêu gọi Sơn, như đã kêu gọi Thảo Giang đó! Từ khi thầy đồ mất, Sơn bỏ lỡ nhiếu dịp để làm nghĩa quân – Đêm bác Chiêu rời sông, Đại một mình bơi xuồng khua nước ra đi – Buổi chiều sáu người vượt qua vườn Bá Huê – Buổi sáng anh Chương dẫn bạn bè qua cầu, Sơn rắc thuốc súng phá cầu cho giặc khỏi đuổi theo… Đã ba lần không đi theo được. Cái gì đã giữ Sơn lại? Phải là Thảo Giang không? Không phải đâu! Tình làng nước. Tình ruộng vườn. Tình người trong một xóm. Có ai vui sướng khi rời khỏi lũy tre xanh của mình hở Thảo Giang? Sự ra đi là sự lưu đày – đúng như vậy! Cái đoàn người chập chùng, tơi tả, trong đó có mẹ của Sơn, có bà con mình, phải bỏ làng mà đi, đúng là bị lưu đày. Nhưng Thảo Giang ơi! Ta có thể bị lưu đày khỏi quê hương ta, còn tình yêu nước vẫn không thể rời khỏi tâm hồn ta được. Thảo Giang chắc đã nghĩ đến điều đó trước Sơn. Nghĩ như thế nên Thảo Giang mới làm cho bọn phản quốc kinh hãi, làm cho bọn xâm lăng rởn óc, làm cho anh Chương tuôn lệ.

Và riêng Sơn, cho đến sáng nay, khi nấm đất đã lấp đầy cho Thảo Giang, đã nhận ra một điều rõ rệt. Điều đó đã có trong lòng Sơn rồi – từ lâu – nhưng nó bàng bạc lắm, mông lung lắm. Từ lúc Sơn còn là tên mục đồng, cho đến ngày tập tễnh làm thơ phú ở nhà thầy đồ, cho đến ngày vừa làm tên học trò vừa làm người nông dân cầy cấy ngoài đồng… Mà Sơn không nói ra. Cũng không biết gì để nói ra. Đến nay đã biết rõ. Là tình yêu! Sơn yêu Thảo Giang! Sơn dám nói như thế. Không sợ ai nghe. Mà nói với người dưới mộ cũng không sợ lúng túng, không sợ phải ái ngại như khi nhìn Thảo Giang bâng khuâng cắn đứt cọng lúa non. Sơn nói bằng ý nghĩ, không nói bằng lời. Ý nghĩ đó bay quyện vào gió, hòa với linh hồn Thảo Giang phảng phất đâu đây, nhưng cũng đâm vào mắt Sơn, làm Sơn đau nhói. Nỗi buồn lấp đầy mắt, tràn đầy tim. Thảo Giang nằm đó, gần gũi lắm nhưng sẽ xa xôi lắm. Tình yêu! Sơn muốn lặp lại ngàn lần cho Thảo Giang nghe thấy. Nhưng Thảo Giang ơi! Tình yêu đã bắt đầu và đã chấm dứt. Bắt đầu thật dễ thương. Như Thảo Giang ngàn đời dễ thương nằm dưới nấm đất nhỏ. Ở đây nhìn giùm Sơn buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối; ngửi giùm Sơn hương lúa, nghe giùm Sơn tiếng chim. Quê hương đẹp và thơm không đâu bằng.

Khi đứng bên này con rạch, khu vườn Bá Huê bên kia là một màu xanh bí ẩn. Sơn biết khi qua phía bên kia cầu, thì làng xóm bên này trở nên xa lắc lơ và mịt mờ như thời thơ ấu. Sơn sắp qua bên đó, Thảo Giang ạ! Đứng ở đây nhìn qua đó là tương lai. Ở bên kia trông lại bên này là quá khứ. Điều gì đau xót quá! Nhưng cám ơn Thảo Giang, đã cho Sơn một thời lãng mạn.

Buổi sáng thức dậy đã lâu. Nắng đã đi ra đồng. Người thủ lãnh bước xuống giòng nước. Anh Chương đó! Thần tượng Trương Công Định của chúng ta đó! Anh Chương sẽ về vùng “đám lá tối trời” để lập cơ nghiệp, nối tiếp ước mơ. Đoàn người lội qua con rạch. Sơn lội qua theo. Nghe như nước ngấm sâu vào da thịt, vào đến trái tim. Nghe êm ái như đang đi trong đôi mắt dòng sông của Thảo Giang. Nghe nhức xót tê dại như những lằn roi kỷ niệm quất vào người. Sơn nhìn lui. Thảo Giang dễ thương ngóng mắt trông theo bằng giải khăn xanh phất phơ trên mộ cỏ.
 

Tân Định Sài Gòn            
  Tháng chín 1974              
Cam Li NGUYỄN THỊ MỸ THANH 





oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>