Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Con Thuyền Không Bến




Hò hơ…
Anh đi chuyến gạo Gò Công
Anh về Bao Ngược… hờ…
Anh về Bao Ngược bị giông đứt buồm…

Anh ơi!...
Thuyền anh cao nhưng sóng cả nhận chìm…
(Em trông) sông bao nhiêu khúc… hờ…
Sông bao nhiêu khúc, nỗi niềm ruột đau… hơ…

Chú rể mới vừa mượn tiếng hát đoạn trường của người quả phụ, nhớ bạn thương hồ mua bán lúa gạo, thường qua lại Gò Công và lâm nạn nơi đây, để giải thích cho cô dâu biết ý nghĩa tên khúc sông. Anh Công nói thao thao:

- Người ta gọi là vàm Bao Ngược vì trong sông Vàm Cỏ, khúc này bao quát tất cả nhiều nguồn rạch đổ xô về. Nào là ngành Bến Lức chảy xuôi, nhánh Mỹ Tho sang Chợ Gạo chảy xuống, thông với sông Tra từ rạch Gò Công, đổ ra là bể Nam hải ngoài Soi Rạp tràn vào.

Cô Thảnh gật đầu ra vẻ hiểu biết:

- Thì ra lòng sông quá sâu, nước chảy mạnh sóng động to, bởi nhiều mối nước đổ xô, chống chọi xoay quanh thành ra những cuộn nước xoáy chớ gì?

- Đó đa…

- Anh đừng hò nữa, nghe buồn quá.

- Anh cũng nghĩ vậy. Hồi nãy chú Bảy tính biểu anh lấy cây đờn ra khảy mới là ác ôn…

- Cây đờn một dây của anh?

- Ờ ờ, kêu là cây đờn độc huyền. Ai lại nỡ đờn não nuột giữa buổi rước dâu long trọng thế này.

Cô Thảnh mắc cỡ háy mắt. Cô nhìn ra khoang ghe. Bạn ghe đã hạ buồm. Cô chỉ nhìn thấy từ cửa sổ “ghe chài lớn” một bên bờ sông Mỹ Lợi. Chắc bên kia bến Cần Đước cũng đầy rừng bãi um tùm. Ông lái đò cũng thở phào như vừa trút một gánh nặng trên vai. Người đi ghe sợ nhứt lúc qua lại khúc này, lướt sóng bị “Đả đầu phong” : là hướng gió Đông Nam ròng rã thổi qua hơn các chiều gió khác.

Sóng to đã hết đập mạnh hai bên mạn thuyền. Nước hết bắn tung tóe trên sàn thuyền. Chỉ còn một ít hoa trắng xóa bị bỏ lại dần dà trên dòng nước cuồn cuộn, đục ngầu phù sa. Như tâm hồn cô Thảnh đã mất mát bao nhiêu là kỷ niệm ở quê nhà, để theo chồng đi xứ lạ. Bỗng có tiếng súng nghe “cắc bụp”, kèm theo tiếng quát tháo:

- Ghe bà con đi đâu mà đông vậy? Hổng tiến tới được nữa.

Ông trưởng tộc bên đàng trai, lo lắng hỏi thăm:

- Dà, ghe đám cưới mà chú em. Cho ghe của qua qua đi, trỏng toàn ông già bà cả không hà.

- Đã nói hổng có được, trở lui mau, bằng không mấy người đi ngõ khác.

- Mấy chú thông cảm, để cô dâu chú rể còn kịp giờ lễ tạ…

- Mấy người hổng hay gì hết sao? Tây tà kéo chiến thuyền bố ráp rần rần, ra đó là nạp mạng.

Ông trưởng tộc quay vào. Mọi người bàn tán nhốn nháo. Mấy bà yếu bóng vía, hối quày lui. Mấy ông cương quyết đi đến nơi, về đến chốn. Chiếc ghe chài dè dặt chèo thẳng, nhắm hướng Mỹ Tho. Hình như có khói bốc xa xa. Mọi người đành phó mặc cho số mạng, may nhờ rủi chịu. Hai bên sông toàn là dừa nước, lao xao một vẻ hồi hộp. Hoàng hôn xuống bóng mau không thể tả. Vài con chim lạc bầy đập cánh vội vã, gọi nhau âu lo. Gần đến khúc quanh Truông Cóc, anh bạn ghe đứng ở đầu mũi chợt thấy những cái bè to trôi chậm chạp theo dòng nước vừa mới đổi chiều. Bè liên kết bởi 2, 3 xuồng nhỏ, ở trong chứa rơm khô và đẫm ướt dầu chai. Bên trên là cây lá lợp nhà của dân. Hèn nào nhà của dân ở ven sông bị dở hết để xung công. Lần này không được lịnh ghe cưới vẫn tự dừng. Khuất Truông, “người nhái cảm tử” của quân kháng chiến vừa phát hỏa. Lửa bốc lên theo gió, lan tràn đầy khúc sông. Khói lửa mịt mù, mùi chai xông ngùn ngụt. Giữa tiếng la hét rối loạn của quân lính trên chiến thuyền Pháp lo chống đỡ bè lửa tấp vào, dập tắt… là tiếng hô “xung phong” của quân kháng chiến, xen lẫn tiếng khóc kinh hoàng và niệm kinh “cứu nạn, cứu khổ” liên hồi của thân nhân cô dâu, chú rể… Bây giờ có trở lui cũng không kịp, ghe cưới ghé lại bên bờ mọc đầy cây cóc, chà là, dừa nước. Quân kháng chiến xài súng thô sơ và cả cung tên. Dù núng thế quân Pháp cố chống cự, chiến thuyền tiến sâu vào, hy vọng vượt thoát những bè lửa đã soi sáng. Chiến thuyền cũng nổi giận như đám giặc Pháp, kịp lúc bắt gặp chiếc ghe chài rước dâu mà cứ ngỡ là đối thủ. Tên pháo binh điên cuồng nã đại pháo vào. Từ bờ sông nhô lên 1 cây súng chòi ngòi – vì khi bắn phải dồn thuốc và đạn vào lòng súng rồi châm ngòi lửa, mới có thể nổ – đã bố trí sẵn, toan bề ngăn cản. Súng thần công bên Pháp nổ trước. Đạn phá tan tác mũi chiếc ghe chài chăng hoa kết tụi. Anh Công cảm tưởng mình vỡ toang cặp mắt cùng bung lồng ngực. Anh ngã chúi xuống dòng nước vừa hòa máu thân nhân. Chập chùng lửa đạn, lính Pháp thấy trôi mờ mờ những cái thây mặc đồ đen trồi lên hụp xuống. Có cái chìm hẳn kéo theo những khúc căng phồng của quần vải quyến màu trắng. Chiến thuyền cặp sát ghe chài. Hai tên lính gan dạ nhất nhảy lên ghe, chuyền theo dấu chân lấp xấp trên bãi bùn. Lục xét một hồi chúng chúng ghịt tóc được 1 cô gái và 1 bà già run rẩy núp sát gốc dừa nước. Quần áo đẹp đẽ của hai người lấm lem. Hai người đáng thương sợ điếng hồn. Họ tránh xác 1 kháng chiến quân nằm lật ngửa bên cạnh cây súng chòi ngòi thô sơ. Cặp mắt uất ức của anh ta không nhắm vì chưa tròn bổn phận. Xâu chuỗi màu hổ phách của cô Thảnh bựt đứt. Hột to bằng ngón tay cái rơi lây lất như nàng Mỵ Châu rải đường lông ngỗng cho Trọng Thủy. Nhưng có ai biết anh Công đã trôi tấp theo mấy đám lục bình.



Gò Công giữ vững được 3 năm, nhờ công lao của Đô đốc Trương Công Định, cùng với tùy tướng liều mình chiến đấu với quân Pháp, nào đường thủy, đường bộ ào ạt tiến đánh.

Định Tường thất thủ, Pháp từ Chợ Gạo theo đường bộ lần vô. Chặng Hòa Ninh đến Gò Bầu bị chận lại đánh lui, mấy lần như vậy nên binh Pháp chưa chiếm được Gò Công. Mãi đến năm 1863, Lãnh binh Tấn cùng bọn phản thần theo Pháp dẫn đường chỉ lối, đem chiến thuyền trở lại ngã Bao Ngược, tràn vào sông Tra và đổ bộ lên Xóm Tre (Bình Thạnh Đông) nổ súng vào các nơi có đồn binh của ta trú đóng. Binh sĩ lo kiên thủ mặt Tây Bắc, giữ ngã sông Tra.

Lãnh binh Tấn dẫn một đoàn chiến thuyền chạy vào Cửa Tiểu, đổ bộ lên Bến Chùa, Cửa Khâu đánh bọc hậu là từ Gò Nâu, Tân Duân Trung. Nơi này trấn thủ rất mỏng, thêm thớt súng Thần công đặt trên đồn trấn phía Đông Nam là ông Cà Lăm hay trục trặc, nhiều khi châm ngòi ông bập bập mà không nổ. Cho nên binh Pháp tiến đến rất mau và xông vào vây thành, quân binh ta kháng cự không nổi.

Gò Công thất thủ, ông Trương Công Định cùng với đoàn tướng sĩ phá vòng vây, rút về Tân Phước. Ít lâu ông chiêu tập quân sĩ, cùng với tướng lãnh nghị kế phục binh, đón đánh thình lình – như lối đánh du kích hiện thời – Hơn một năm nhờ lối đánh ấy, nhiều keo làm tổn hại binh Pháp.

Ông thường qua lại Lý Nhơn trên sông Vàm Cỏ và dĩ nhiên xuôi ngược biết bao lần trên vàm Bao Ngược để tiếp xúc với những nhà ái quốc, như các ông : Nguyễn Trung Trực ở Tân An, Bùi Quang Diệu ở Cần Đước và ông Nguyễn Công Nhàn ở Chợ Gạo, đều tích cực lo chiêu mộ quân sĩ, mua đạn dược, đúc súng trữ lương, chờ cơ hội phản công.

Từ lâu quân Pháp hao binh, tốn nhiều tiền bạc mua chuộc bọn thám tử, lần hồi bọn gian manh mờ mắt vì tiền, chỉ vẽ cho quân Pháp, biết đường lối vào “đám lá tối trời” ở Gia Thuận là nơi căn cứ đóng binh quan trọng của ta.

Lãnh binh Tấn cùng với binh Pháp đem toàn lực lượng xuống vây rừng và quyết bắt sống ông Trương Công Định. Khi ông cùng binh sĩ phá trùng vây thoát thân thì bị đạn của Tấn bắn vào bắp đùi, ông té quị xuống. Lãnh binh Tấn khuyên ông đầu hàng. Nhưng ông tuốt gươm điểm mặt Tấn rồi tự đâm vào hông tử tiết.

Gò Công một vị trung thần tiết nghĩa vì nước quên mình. Dân chúng đều bùi ngùi tiếc thương. Thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu khi hay tin ấy, có gởi thi điếu trong có những câu:

Trên trại đồn điền (1), hoa khóc chủ
Dưới vàm Bao Ngược, sóng kêu oan
Mây giăng Truông Cóc (2), đường quan vắng (3)
Trăng xế Gò Rùa (4), tiếng đẩu tan (5).


Mặt trời gần chen lặn. Hàng dừa cong vút, những tàu lá lao xao đùa với gió. Gã ăn xin vừa bỏ cái nón lá xuống. gã mở hai nút áo bà ba gần cổ, tay kia dùng nón phe phẩy thêm. Gã ngồi chưa nóng đít bỗng giật mình vì tiếng quát:

- Thằng kia đi chỗ khác mau.

Gã ăn xin trợn cặp mắt và quay lại. Cặp mắt đứng tròng không trông thấy được gì cả. Lặng lẽ gã mò mẫm ôm cây đờn độc huyền và quờ quạng cây gậy tìm lối đi. Chừng như đã thương hại cho người nghệ sĩ mù, anh người Việt mà đi lính cho Tây bèn nắm một đầu gậy và dẫn gã ăn xin một quãng.

- Nè đi từ đây ngược lên chợ kiếm ăn, đừng có chộn rộn gần dinh ông quan Ba thì chết đa.

- Chú cho tôi ngồi nghỉ đỡ một chút.

- Ờ, mà ngồi đây thì được.

- Để tôi đờn chú nghe một bản.

- Đờn thì tôi nghe, mà nói trước tôi hổng có tiền đâu để mà cho à.

- Ậy, đờn một bản cho vui.

- Thôi đi cha nội, đờn loại này nghe rầu thúi ruột, nhớ vợ, nhớ con, nhớ nhà… nhớ đủ thứ, vui sao nổi mà vui.

Gã ăn xin không trả lời, ngồi bẹp xuống đám cỏ và bắt đầu trổ tài. Gã đờn hết bản này sang bản khác. Anh lính nghe mê mẩn, thờ thẫn rút khăn mù xoa và chậm nước mắt rơi vô thức. Nắng đã tắt hẳn. Gã ăn xin từ giã người thính giả duy nhất. Gã không cho biết sẽ về đâu, vì hiện gã là khách giang hồ.

Nhưng chỉ ngày hôm sau là họ lại gặp nhau. Gã ăn xin được vời vào dinh đờn cho vợ quan Ba nghe. Lần này gã đờn trong một không khí trang trọng khác thường, có thêm ba thính giả ngoài anh lính gác cổng. Đó là ông quan Ba (Đại úy hạm trưởng), anh cận vệ và cô vợ Việt. Tội nghiệp! Gã ăn xin đã hỏng đôi mắt. Bằng không gã đã nhìn lại được người vợ xưa kia. Chính cô Thảnh còn may, tuy gặp được anh Công chồng cũ trong một nghịch cảnh oái oăm. Cô phải vờ như xa lạ. Dẫu muốn bày tỏ vui mừng cô cũng không thể thốt nên lời. Bấy lâu nay cô như một cái bóng, sống chỉ có thể xác mà thôi. Ý định của cô, một ngày nào đó sẽ là con chim thoát khỏi lồng giam về sum họp với cố nhân. Năm tháng qua dần đã dập tắt tất cả. Cô chỉ còn biết sống cho tha nhân. Nào òn ỷ với tên quan Tây hãy giảm bớt tội cho đồng bào, trong đó có thân bằng quyến thuộc của cô. Nào ngăn cản những kỳ bố ráp và nổ súng vô cớ vào các làng mạc ven sông khi tàu đi tuần tiễu. Nào tha cho bà dì, bị bắt cùng một lượt với cô. Nhưng hoàn cảnh cá chậu chim lồng của cô thì đừng hòng thay đổi được. Đến cái lúc mà cô không chờ không đợi, ai xui chi cô hội ngộ cố nhân. Gặp nhau không thể thốt một lời. Gã quan Tây chiều vợ, chớ trong lòng không có hứng thú thưởng thức văn nghệ. Dù qua không gian, tiếng đờn khá rung cảm đã ru gã về phía quê hương xa vời cách trở. Cô Thảnh cũng không ngờ anh Công giờ sống kiếp ăn xin lang thang khắp nẻo. Cô muốn chạy đến ôm chầm lấy anh Công để hỏi thăm cho thỏa mọi thắc mắc. Rốt cuộc chỉ có tiếng khóc nức nở. Gã quan Tây xụ mặt và ra hiệu cho tên cận vệ. Anh lính cận vệ trao tiền từ tay chủ. Anh ta xổ một tràng tiếng Tây tỏ ý khen. Đến phiên anh lính gác cổng đưa anh Công ra, anh Công thoáng nghe tiếng cô vợ quan Ba hỏi vói:

- Chú có biết hò không? Ngày mai tới đây hò và đờn nữa nghe.

Anh Công nghiêng đầu nhận xét. Đúng rồi, không lầm được giọng nói của người xưa cho dù bao năm ly biệt. Sau khi bị mù anh phân biệt được âm thanh rất rõ ràng. Nếu không được mời anh cũng sẽ tìm cách trở lại dò la tung tích của người vợ. Không phải anh Công mong chắp nối duyên xưa lỡ làng, nhưng anh muốn đem tin của người vợ đã trót sa vào tay giặc cho thân nhân bên vợ an lòng. Ngày nữa qua. Không thấy anh lính tìm mình ở chợ Mỹ Tho. Anh Công lặn lội trở lại dinh quan Tây. Anh chưa biết màu tang vừa trùm lên dinh thự. Anh lính gác cổng kéo anh Công đến gốc đa bờ sông để thuật chuyện…

“Đêm ấy, cô Thảnh cãi nhau 1 trận với ông quan Ba, nghe đâu có tiếng súng nổ thì phải, có lẽ cô ta định tự sát hay giết ông quan Ba, hoặc là 2 người giành súng với nhau gây ra. Sáng ngày, quan Ba dậy đi làm, cô Thảnh tuôn chạy ra bờ sông, ông quan Ba rượt theo… “

- Trời, ông ta bắn vợ?

- Không, ông ta giữ không kịp, cô Thảnh tự vận mà.

- Không có ai cứu sao?

- Con sông rộng và nước cuồn cuộn, ông ta huy động cả lính của chiến thuyền mò cả nửa buổi trời.

- Rồi sao nữa?

- Chết mất xác, trôi đâu rồi ai mà biết cha nội. Có lẽ ông ta phải kiếm cô vợ khác quá. Bà sau này, không biết có thương mến tụi tôi và bồi bếp như cô Thảnh không đây?

Anh Công lùng bùng lỗ tai, không nghe thêm gì hơn. Anh như mơ hồ thấy lại giây phút kinh hoàng ngày ấy. Giữa tiếng súng đạn vang rền, anh tức ngực, rát mắt và ngã ập xuống nước anh trôi mãi. Đúng hơn anh vướng vào đám lục bình du mục. Rồi anh được ngư phủ cứu sống. Họ giữ anh lại để chăm nom. Nhưng anh nhất quyết ra đi. Anh chỉ cần họ tìm giúp 1 cây đờn độc huyền để tự mưu sinh và lần mò về quê. Trong dòng nước đục ngầu phù sa, anh Công thấy 2 hình bóng bềnh bồng. Tay anh nắm chặt lấy tay cô Thảnh trôi mãi. Trôi nhẹ nhàng như tiếng hò êm ái vương vương.

Và anh Công đã gặp đúng giấc mơ ngay đêm hôm đó. 1 chiếc đò con sút dây. Nước sông dâng lên và con thuyền từ từ tách bến không người lèo lái. Ông chủ đò sật sừ men rượu mò xuống bến. Ông gọi thằng cháu nho nhỏ. Thằng cháu không có ngủ trên đò, và cái đò đâu mất. Ông la hoán lên. Mấy người ngủ trong khoang mấy ghe khác càu nhàu. Ông già say hốt hoảng và tỉnh rượu. Một người vừa thấy lờ mờ con đò nhỏ ẩn hiện, trôi chậm chạp như con đò ma. Nhưng họ không dám đốt đuốc hay vặn tim đèn dầu cao hơn. Họ kêu ầm:

- Xi, Xi dậy mau. Xi ơi Xi!

Họ quên la rằng “đò trôi” mà cứ mãi kêu tên thằng nhỏ. Họ cũng không thể tháo neo đò mình chèo theo con đò trôi giữa đêm hôm tăm tối. Họ sợ lính Tây bắn. Họ càng sợ vì đò sắp đến cầu quay. Giữa lúc ấy thằng Xi tốc chiếu chun ra. Thằng nhỏ ngủ trên mui một ghe khác. Ông già say chửi thằng cháu nát nước:

- Biểu mày ngủ giữ đò, cột dây cho chắc, mày bỏ đò trôi mất, mồ tổ mày, thằng ăn hại!

Thằng Xi càu nhàu cãi lại:

- Đầu hôm tui ngủ, kế nhường chỗ cho anh mù.

Mọi người ngạc nhiên:

- Anh mù nào, anh mù vác đờn ăn xin quanh chợ này hả? Rồi, vậy cái đống lù lù trên đò là anh mù, hổng phải mày.

Ông già say vẫn chưa hết tức giận:

- Đồ quỉ báo gì đâu. Bây giờ mày hổng lội theo đò, leo lên chèo về hả?

Thằng Xi cởi áo ra. Có người ngăn lại:

- Muốn chết sao? Lội tới cầu dây lính gác bắn xả đại vào mày với đò. Lính khỏi thèm phân biệt mày với phá hoại đâu.

Thằng Xi nhớ đến anh bạn mù khố rách. Anh ta hứa sẽ dạy nó đờn. Cái điệu này nó phải tìm cách cứu anh bạn vong niên vừa quen. Thằng Xi nhảy cái “ùm” không kịp để ai giữ.

- Ông già ác quá, quí chiếc đò hơn cháu mà.

- Có ai lội bắt nó lại… Xi, Xi… trở lại mau.

Thằng Xi bơi chưa được mươi sải tay. Một tiếng súng nổ nghe lồng lộng trong đêm vắng. Rồi tiếng quát tháo, cùng lúc với tiếng súng từng tràng. Con đò quay mòng mòng theo xoáy nước gần chân cầu giật nẩy lên. À không! Bóng đen trên “con đò im lặng” giẫy chết. Đò và người trúng đạn oan không biết nói lời gì. Thế là anh Công mang giấc mộng rực rỡ xuống tuyền đài. Con đò đưa xác cũng là anh về một chốn để linh hồn của hai kẻ sống không gần, thì thác sẽ bên nhau.

Thằng Xi tấp vô bờ, lội ngược về. Nó đưa tay vuốt cái đầu chảy nước ròng ròng. Có lẽ trong số nước ấy có hòa một chút nước mắt của nó, khóc cho một tài hoa bạc mệnh. Thằng Xi thấy đám đông nhốn nháo. Họ chắc lưỡi, tội nghiệp anh mù thì ít, mà tiếc con đò thì nhiều. Ông già say vẫn thản nhiên bàn cách lấy lại con đò. Con đò vô tri vẫn lừng lững trôi mãi. Đò không hay đang chở nặng đầy tâm sự, những ẩn tình và tin tức của một kiếp người trót sinh vào thời ly loạn, mà chưa giúp ích được cho đời.


PHAN KHƯƠNG THÁI       
(Riêng tặng chị Nghĩa và em Liêm)

------------------------ 
 (1) Đồn điền : là nơi đồn binh án ngữ giặc. Quan binh ta khi xưa hay lựa đóng nơi địa thế hiểm yếu, giồng án, có gò đất cao ráo để trồng trọt rau cải, ngũ cốc… làm lương thực. Nhất là có vườn trồng cây như Gò Dâm, Gò Rùa v.v…

(2) Truông Cóc – (3) Đường Quan : là đường sứ từ Gò Công xuyên qua Truông Cóc đến Rạch Nhợ.

(4) Gò Rùa : là giồng Sơn Qui, nơi tiền đồn rất kiên cố.

(5) Đẩu : Khi quân ta đóng binh, thường đêm nghe ùm beng là tiếng điểm khắc giờ canh, bằng chiếc dùi chạm vào cái điêu đẩu.

Điêu đẩu tựa cái chảo, lòng hơi sâu, làm bằng đồng thau, có thể dùng nấu cơm ban ngày, ban đêm treo lên đánh tiếng, điểm giờ canh nơi đồn.

Khi thất thủ, đồn và vườn đều bỏ hoang vu, cây tàn hoa héo rủ, như buồn khóc chủ nhân xưa. Mặt nước sông như vắng lặng chia buồn, như thầm thì thở than hoặc ầm ì tiếng sóng uất hận kêu oan. 

Trước kia đường sứ rộn rịp quan quân, nay lặng lẽ đìu hiu. Thêm đồn hoang vắng nên không còn nghe tiếng đẩu, điểm canh ùm beng nữa.

(Chú thích theo Gò Công Cảnh Cũ Người Xưa của Việt Cúc)



(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 121, ra ngày 15-2-1974)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>