Hồi ký phong tục TẾT
của LA - PHÙ - SA
Do
một sự tình cờ hy hữu, tôi được chúng kiến một cái Tết đúng là TẾT độc nhất
trong đời.
Năm
đó là năm đầu tôi được gia đình gửi trọ học xa nhà, tận vùng chợ Thượng. Kỳ
nghỉ cuối năm, vì mải theo các bạn thân về làng họ chơi vài bữa nên khi tôi
khăn gói ra bến sông đón đò dọc về quê thì đã là 28 Tết, tháng Chạp thiếu.
Chuyến
đò vét “tất niên” hơi nhỏ, và ít khách. Xuôi sông La (Hà Tĩnh) đến Chợ Tràng
thì trời đã tối hẳn. Trước mặt tôi là ngã ba sông rộng bát ngát, mù mịt. Hai
giòng La, Lam giao nhau ở đó. Đang giờ ròng, nước từ hai đầu nguồn đổ về chảy
xiết, gặp nhau rồi hùng hổ xoắn lấy nhau, không rời… Chỗ chúng quần nhau làm
thành một con xoáy lớn và mạnh lắm. Tôi đã từng nghe nói những tay mơ trong
nghề chèo chống còn “khuya” mới vượt qua nổi cái rốn nước vĩ đại đó. Không bị
lôi nhào xuống ổ trạnh thì cũng được giòng nước tống băng đi xa cả mấy cây số
ngàn…
Thế
mà không hiểu mấy tay chèo chống làm ăn lay cay thế nào chuyến đò dọc cuối năm
bị rơi vào trường hợp thứ hai kể trên! Hẳn không phải họ là “tay mơ” rồi! Cả đò
nhao nhao, chưa kịp hoàn hồn để cự nự ông lái bỗng “Rầm!” Trong đêm tối mù mịt
ở cửa sông, tôi bỗng thấy mình bị ném vào một vũng cát êm! Có tiếng người chí
chóe la hét, bì bõm dưới kia. “Dưới kia”? Thì ra đò đâm sầm vào một bãi dâu, vỡ
đôi. Tôi ngồi ở ngoài mui nên may mắn văng lên bãi! Khách đò dọc được một mẻ
lên ruột, may không có ai “xuôi giòng” luôn hoặc bị thương nặng.
*
Trong
đám dân chài đổ tới cứu nạn, tôi để ý ngay tới một thanh niên khỏe mạnh vui
tính vừa vớt chiếc cặp-táp của tôi lên bờ. Tôi lại cám ơn, và sau khi nghe kể
sự tình, anh nhất định mời tôi về làng anh ăn tết. Tôi chỉ còn biết gật đầu ưng
thuận. Mai đã là 29 tết rồi, năm cùng tháng tận, còn đò nào chịu ngược sông Lam
lên tận chân núi Đại-Huệ – quê tôi, mà hòng về nữa. Tôi ôm cặp theo anh bước
lên chiếc xuồng ba ván gần đó. Đến lúc ấy tôi mới hay anh không phải là phường
chài, mà cũng là dân chân lấm tay bùn như gia đình tôi cả. Anh cho biết anh ra
Chợ Tràng – bên kia bờ – mua sắm ít thức ăn cần dùng trong ba ngày chợ nghỉ,
khi về thì gặp đò đắm.
Xuồng
men theo bờ sông Lam một quãng ngắn thì rẽ vào một con lạch tương đối rộng.
Loanh quanh chừng nửa tiếng dưới bầu trời thưa sao, anh ngừng tay sào. Làng anh
ở ngay dưới chân một trong 99 ngọn Hồng Lĩnh. Cả làng đều sống nghề cày ruộng.
Gia đình anh còn đủ cha mẹ, và ngoài anh ra còn hai em trai nhỏ, tất cả đều vui
vẻ niềm nở đón người khách bất ngờ cuối năm.
Nằm
trên giường, anh bảo tôi:
-
Tết năm ni đây có nhiều trò vui đặc biệt lắm. Tôi sẽ đem anh đi coi, coi người
ta và coi cả tôi nữa.
Buổi
sáng 29 tôi lăng xăng giúp việc vặt bên cạnh cụ Bá đang gói bánh chưng. Nhà có
5 người thôi mà tôi đếm được gần 30 thếp bánh chưng cỡ viên gạch hoa, chưa kể 5
đòn bánh tét cũng không phải hạng vừa. Tôi thốt hỏi, cụ cười “để đem vào hội
tết cho thằng cả đó. Rồi mai cậu coi…”
Đón tuổi
Trò
lạ mắt tôi được chứng kiến đầu tiên xảy ra đêm ấy, không phải ở “Hội Tết” nào
đó mà ngay trong nhà cụ Bá.
Đêm
đó chúng tôi ngồi bên bếp lửa nghe nồi bánh chưng sôi. Hai đứa nhỏ được cho đi
ngủ sớm từ đầu hôm.
Gần
tới giờ giao thừa, anh “Cả” bỗng lại giường tốc chiếu đánh thức chúng:
-
Dậy! Dậy mau tề. Nửa đêm rồi đó!
Hai
đứa lồm cồm ngồi dậy, dụi mắt, rồi thản nhiên ngồi nhìn bếp lửa! Anh cả thì trở
lại ngồi bên tôi như cũ, như không biết việc anh vừa làm. Tôi chưa hiểu anh
đánh thức hai đứa nhỏ dậy làm gì định cất tiếng hỏi thì xa xa, vẳng lại một hồi
trống và chiêng xen lẫn. Hai đứa chợt vội vàng quì dậy rồi cúi sấp mặt xuống
chiếu, trán kê lên hai cổ tay, và… chổng ngược mông lên trời.
“Thằng
cả nựa…” Tôi ngơ ngác quay lại để nhìn thấy “thằng cả” đang lúng túng… Cụ ông
thì trừng mắt với bà, người vừa thốt ra mấy tiếng đó.
Không
thể tả hết nỗi hoang mang của tôi trước “hoạt cảnh” kỳ lạ đó, ruột nôn nao chực
cười mà cứ phải cắn lưỡi thật chặt, quay mặt đi.
Lát
sau, khi bánh đã được vớt lên giàn nứa rồi, anh kéo tôi ra sân giải thích, ngập
ngừng: “Chắc hồi nại anh ngạc nhiên lắm… Tục chúng tôi ở đây… rứa đó… lâu rồi.
Năm ngoái thì tôi vẫn phải đón tuổi như
mấy đứa… Năm nay lớn rồi, má tôi quên mất. Ông cha ai đã bày bịa rằng tuổi chun
vào người theo “chộ đó”… Bậy rứa không biết!...
Tôi
thở một hơi dài hắt ra đàng mũi, nắm tay anh bóp thật mạnh.
Đi cầu treo
Sáng
mồng một, anh dẫn tôi đi bộ vào Hội Tết. Dân làng đến trước chúng tôi khá đông,
và từ các làng khác cũng đang lũ lượt kéo sang. Bãi cỏ dưới chân núi mỗi lúc
một đông người.
Anh
kéo tôi tới trước một cái ao vuông vức khá rộng, không sâu lắm. Cách bờ chừng
năm thước tây, người ta đã cắm ba cái sào lớn, cao hơn hai đầu người tính từ
mặt nước, đầu ngọn cột túm lại thành một hình khối tam giác. Từ đỉnh trên thòng
xuống một sợi thừng lớn, cột vào đầu một cây sào tre, chân sào này thì gác lên
bờ đất thành một cây cầu treo.
Người
kéo tới đông nghẹt quanh bờ bàn tán.
Các
trai làng sẽ trổ tài đi thăng bằng trên cầu treo đó từ bờ ra đến mút sào để
lĩnh giải – đã cột sẵn ở sợi thừng – nếu không bị rơi tòm xuống mặt ao. Các
giải này chia làm hai hạng ; một: chỉ đi từ trong ra, gỡ giải, rồi lội ao mà
vào ; hai: không những phải đi từ trong ra mà còn đi trở vào bờ cũng trên sào
đó!
Có
một giải chính của làng, thường là con trâu hay bò, dành cho ai ra gỡ được vật
tượng trưng là quả cam, xong vào liền chứ không được nghỉ! Nghe nói thì “ngon”
lắm, nhưng vài ba năm một lần mới có một người được lĩnh trâu bò của nhà Làng.
Phần đông chỉ loạng choạng được mấy bước khi trở vào là tòm xuống ao liền.
Trường hợp vào được quá nửa sào thì được chia một phần ba giải, tính ra tiền
mặt.
Tôi
cứ thối anh “Cả” tại sao không dự? Anh cười, lắc đầu: “Khó nuốt lắm! Anh đếm
xem có mấy người được ăn giải một thì biết , vả chân tôi hơi đau, không đứng
vững được trên sào. Thôi, lại đằng ni xem tôi dự cái khác. Anh muốn đập thì tôi
nhường cho hai đòn.”
Đập nồi
Anh
kéo tôi về phía một mái đình cổ, sáng nay khuất lùm cây tôi không nhìn thấy.
Trước sân đình người ta đã chụp sẵn một cái giàn tre cao hơn hai đầu người,
hình chữ nhật khá rộng, cỡ gấp đôi giàn mướp ở nhà. Tôi thấy những chiếc nồi đất
mới nguyên, da còn đỏ ửng, treo gióng thòng xuống quá tầm với một người. Hỏi có
những gì trong nồi đó, anh đáp: “Đủ thứ! Tiền đồng, tiền kẽm, bạc giấy cũng có,
hay chỉ có muối hột, mắm ruốc, nước của… trẻ nít “tè” ra và của trâu, bò nữa!
Mỗi nồi đựng một thứ như vậy đó”.
Cách
hai đầu giàn chừng 5 thước mỗi bên có một lằn vôi trắng. Ở đó để sẵn một số gậy
tre cỡ thước, thước hai, bên cạnh là một vuông khăn đen. Khác với trò cầu ao,
anh cho biết ai muốn đập nồi thì phải nộp một đòn bánh tét và một chiếc bánh
chưng cho làng. Lúc đó tôi mới hiểu hồi sáng nay có người tới nhà cụ Bá lấy
bánh gánh đi trước là vì thế.
Anh
Cả chỉ qua cho tôi cách chơi rồi nhờ làm “pạc-tơ-ne”, sau khi bày tôi “đập” một
đòn không được.
Từ
mỗi bên vạch vôi, hai người một được bịt kín mắt bằng vải đen rồi trao cho cây
gậy. Tôi sẽ đứng ở vạch vôi điều khiển bằng
miệng cho anh tiến tới giàn bầu và đập cho trúng một quả…
Sau
tiếng trống giục, bốn người khệnh khạng quơ gậy tiến lên như những anh mù. Anh
“mù” sẽ rán nhận ra tiếng “pạc-tơ-ne” của mình mà làm theo. Vào dưới giàn, anh
khua gậy trên đầu, dứ dứ, tiến thối theo tiếng hô:Tới, lùi, phải hoặc trái, cho
tới khi tôi hét tiếng tối hậu “Đập!”
May
ai kẻ nấy hưởng. Tiền đồng vãi xuống hay nước mắm thối… đổ lên đầu thì rán mà
chịu. Gậy vứt rồi. Muốn nhào vô keo nữa thì cứ nộp cặp bánh khác. Trò vui trở
nên hào hứng khi khán quan ở ngoài chơi khăm hô loạn lên, át cả tiếng người
điều khiển, hai ba tên mù cứ cuống lên rồi thẳng cánh quất xuống đầu nhau. Có
anh nghe người của cặp khác hô, tưởng là lệnh cho mình liền đập… không khí. Vì
lệ chơi hễ đập xong là phải buông gậy, trúng hay không chỉ một lần mà thôi. Thế
là mất toi cặp bánh.
Lớp
này sang lớp khác, cuộc vui kéo dài tới đứng ngọ thì tàn. Dân làng tản mát
xuống dưới các lùm cây dùng bữa trưa. Trong đình dành cho các cụ Lý, cụ Phó, cụ
Hương…
Ngồi
dưới bóng một bụi tre, anh Cả Bá hể hả bày ra một dùm khoai deo, mấy con cá khô
và dăm quả cam. “Chiến lợi phẩm” sau trận đập nồi của anh đó! Ấy là chưa kể một
số thóc và một nồi… nước ao (hú hồn!) mà chúng tôi hốt không được!
Cụ
bà lúc đó từ làng đội ra một thúng bánh và thức ăn. Chúng tôi xài bữa trưa với
bánh chưng và thịt bò kho rim, dưa muối chua ăn kèm thịt nấu đông và một cô
“xị” rượu đế ngâm vỏ cam sành…
*
Tiếp
theo, chiều hôm đó là những cuộc nhảy bì, mỗi người cho cả hai chân vào trong
cái bao bố mà nhảy giữa đồng như một đàn cóc kỳ dị ; hay trèo cột chuối thoa
mỡ, trên cây chuối là một thau nước có hòa phẩm màu, leo sao cho khỏi sánh nước
ra ngoài ; nào… sắp sẵn một dãy chai không, cách đấy chừng 50 thước là một hàng
chậu sành đầy nước, người thi sẽ “uống” nước trong chậu, ngậm ở miệng, chạy lại
nhả vào chai, ai đầy chai trước thì thắng giải… Chân núi Hồng Lĩnh bừng lên
tiếng reo hò của ngày hội đầu xuân.
Bây
giờ nghĩ lại, tôi không hiểu nên cho vụ đắm thuyền cuối năm đó là một điều rủi
hay là may. Hoặc cái may lồng trong cái rủi? Có điều tôi chợt nhận ra – khi đã
lớn khôn đôi chút – rằng chính những cuộc vui mang nhiều màu sắc dân tộc đó đã
làm tôi thương mến quê hương lên bội phần.
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Ất Tỵ,
1965)