Các
nhà sinh học cho rằng cách đây thật lâu, cá nhảy lên bờ hóa thành lưỡng thê
(cóc, nhái…) và bò sát (rắn, rùa, cắc ké…). Tổ tiên rắn đã xuất hiện trên mặt
địa cầu từ 200 triệu năm trước.
Con
vật có hình thù gớm ghiếc và đáng sợ nầy gây nhiều ý nghĩ và tư tưởng mâu thuẫn
nhau trong suốt lịch sử loài người.
Từ
thời thượng cổ, rắn đã được xem là biểu tượng cho quyền năng phát sinh ra sự
sống. Các sắc dân Nam Mỹ, một vài bộ lạc ở Phi Châu, một số dân tộc Bắc Âu, Ấn
Độ và Phoenician thời đó xem rắn như một vị thần linh.
Người
Do thái vừa sùng bái vừa sợ hãi rắn. Người cổ Hy Lạp xem rắn là lốt trần của
thần Y Khoa Aesculapius. Cho đến nay, trong các ngành Y Khoa, người ta thường
tượng trưng bằng rắn. Thời ấy, rắn được tự do vô ra nhà dân chúng, vì họ cho
rằng rắn sẽ quét sạch mọi bệnh tật.
Đến
khi nền văn minh Hy Lạp truyền sang La Mã rắn cũng giữ được địa vị linh thần.
Thần đội lốt rắn đến La Mã để chận đứng trận dịch 293 trước Thiên Chúa. Phế
tích để lại cho thấy năm ấy người ta dựng đền thờ thần Aesculapius với một con
rắn quấn quanh cột đền.
Khi
Thiên Chúa giáo phát triển, niềm sùng bái rắn bị tận diệt. Rắn được xem là biểu
hiệu của sự độc ác, lòng quỉ quyệt của quỉ Satan đã dụ dỗ bà Eva và ông Adam ăn
trái cấm trong vườn địa đàng.
Rắn
hiện nay có khoảng 2.500 loại, thứ to nhất là trăn (dài 10m), nhỏ nhất là rắn
giun hay rắn tim đèn (dài không đến 1 tấc).
• Rắn có ngủ
không?
Dĩ
nhiên là một sinh vật, rắn phải ngủ. Nhưng thật khó mà biết rắn có đang ngủ hay không. Mắt rắn lúc nào cũng
mở trừng trừng nên có người bảo rắn không ngủ. Sở dĩ mắt rắn luôn luôn mở là vì
rắn… không có mí mắt.
Mắt
rắn khá tinh, nhất là nhìn những vật ở gần.
• Rắn nghe
được không?
Thiên
hạ cứ bảo rắn rất là… thính tai. Bằng cớ là ta đi đàng nầy thì ở đàng kia bụi
cỏ rắn đã trườn đi rồi. Rắn lại còn có… nghệ sĩ tính, lắc lư thân mình theo
điệu nhạc của các thầy kèn Ấn Độ. Thật sự rắn hoàn toàn điếc đặc! Nói đúng hơn
là rắn không có lổ tai. Cơ quan thính
giác nằm trong hốc xương sọ. Rắn chỉ cảm
thấy tiếng động khi tiếng động nầy rung động mặt đất, truyền đến chỗ rắn,
theo xương sườn mà lên xương sọ.
Người
ta bịt mắt rắn lại rồi thổi kèn, đánh trống sát bên đầu nó, nó chẳng có phản
ứng gì. Nhưng khi có tiếng chân người bước nhẹ qua sàn, rắn chồm lên ngay.
Rắn
múa kèn của các thầy kèn Ấn Độ chỉ múa theo cử động lắc lư của các thầy chứ
không phải múa theo nhạc!
Như
vậy, rắn chỉ nghe tiếng động truyền
đi theo mặt đất.
• Tại sao rắn
hay thè lưỡi?
Nhiều
người tưởng rằng khi cắn, rắn sẽ phóng lưỡi “chích” nọc độc vào con mồi! Sự
thật sai trăm phần trăm, lưỡi rắn dài
và nhọn thật, nhưng mềm xèo! Ta thấy rắn hay thè lưỡi vì lưỡi là cơ quan vị
giác và xúc giác, rắn dùng lưỡi để nhận biết môi trường chung quanh.
• Rắn kêu thế
nào?
Rắn
không có hộp âm và dây âm thanh, nên không thể hót như chim, nói như người,
rống như… bò và ếch được. Không khí di chuyển qua cổ họng rắn phát ra tiếng kêu
sè sè. Tiếng sè nầy lợi hai chẳng khác nào… sư tử hống, làm con mồi sợ chết
cứng và bị rắn sơi… ngon lành.
• Rắn bò thế
nào?
Bò
là sở trường của rắn. Rắn bò rất nhanh mặc dù nó… không có chân. Khi bò, rắn
dán sát một đoạn thân mình lên mặt đất, đoạn kia trườn đi, rồi đoạn trườn sẽ
bám chặt vào đất để cho đoạn lúc nãy di chuyển, và cứ thế. Do đó rắn không thể
bò trên một mặt phẳng trơn tuột, trừ phi nó lấy sức và phóng qua thật nhanh.
Một
phần rắn bò nhanh được là nhờ có xương sống rất dẻo. Nó uốn éo thật mềm mại,
người ta không thể bắt chước được mặc dù cũng có… xương sống. Có thể biết rắn
có bao nhiêu đốt xương sống khi ta đếm vẩy bụng của rắn.
• Rắn thường
ở đâu?
Rắn
là động vật có máu lạnh, nghĩa là nhiệt độ trong mình rắn thay đổi theo môi
trường chung quanh. Như vậy, nhiệt độ bên ngoài rất có ảnh hưởng đối với hoạt
động của rắn. Các vùng băng giá không có rắn. Ở vùng ôn đới, khi mùa đông đến,
rắn nằm im lìm, ngủ như chết, tim và phổi cử động rất chậm. Một số động vật
khác như cóc, ếch, dơi, sóc cũng có tình trạng tương tự như vậy. Ta gọi đó là thú đông miên (ngủ mùa đông). Khi mùa xuân đến, thân rắn ấm dần nó mới tỉnh
dậy và đi kiếm mồi.
Vì
miền ôn đới có sự bất lợi trên, rắn thường tụ tập ở miền nhiệt đới, nhất là ở
vùng Đông Nam Á, Ấn Độ và Nam Mỹ. Rắn hay phơi nắng trên những tảng đá hay cát.
Ở những nơi nóng quá (sa mạc hay một số vùng xích đạo), rắn lại ẩn mình vào các
khe, bụi rậm, đầm lầy hay hang, tối mới ra hoạt động.
Đặc
biệt có một số hải đảo lại không có rắn như Tân Tây Lan, Hạ Uy Di, Ireland, Azores…
• Rắn ăn gì?
Phần
đông rắn ăn thú máu nóng như thỏ, chuột, gà…, một số khác ăn thú máu lạnh như
cóc, nhái và côn trùng. Khi đói rắn có thể ăn bất cứ cái gì cũng như nhịn đói
rất giỏi. Vài loại có thể nhịn đói cả năm mà không chết.
Nhưng
chuyên viên nhịn đói nầy lại rất háu ăn. Con mồi nầy ăn chưa xong, gặp con mồi
khác nó cũng đớp như thường. Trời phú cho rắn một bao tử rất khỏe, có thể tiêu
hóa thịt, xương và cả sắt mà không
cần nhai!
Thật
ra rắn muốn nhai cũng không được! Vì cấu tạo miệng rắn chỉ dùng để nuốt mà
thôi. Răng rắn có nhiều hàng, rất nhọn và quặp vào trong. Khi rắn táp mồi, một
số răng bị gẫy vì mồi dẫy dụa, nhưng cũng chả sao vì răng gẫy sẽ được răng khác
thay thế.
Rắn
bắt mồi bằng 2 cách. Nó rình rập và phóng nhanh đến con mồi, há miệng đớp lấy.
Mồi bình thường không thoát được vì bị kẹp giữa các hàng răng nhọn, trong lúc
ấy rắn sẽ tiêm nọc độc hay quấn chặt và siết con mồi lại. Mồi sẽ tê liệt vì nọc
độc hay bị gãy xương!
Vì
nằm sát mặt đất, rắn tương đối bị bất lợi trong việc săn mồi. Bù lại miệng nó
có thể mở ra rất to (chắc ăn hơn !). Rắn có thể nuốt chửng con mồi to gấp 2, 3
lần đầu nó. Trăn nuốt được nguyên một con nai vào bụng.
Sau
khi ăn, rắn nằm yên một chỗ để tiêu hóa. Thời gian tiêu hóa thường là 5, 6
ngày. Một điểm lạ lùng là mặc dù có thể tiêu hóa được cả sắt, rắn không tiêu
hóa đường được.
• Rắn đẻ con
hay đẻ trứng?
Cả
hai. Thường thì đẻ trứng. Số trứng thay đổi tùy theo loại rắn (vài trứng đến
70). Rắn mẹ vùi trứng vào trong cát hay dưới gốc một thân cây hay một tảng đá…
rồi quên khuấy đi. Khoảng vài ngày đến 3 tháng sau, tùy loại, trứng tự nở ra
con. Rắn con có thể tự kiếm ăn được ngay.
• Tại sao rắn
lột?
Thỉnh
thoảng ta bắt gặp vỏ rắn. Người ta bảo rắn lột da để sống đời. Sự thật rắn cũng
chẳng… thọ cho lắm. Rắn cụ chỉ sống đến 30 là cùng.
Năm
đầu tiên rắn con lớn như thổi. Nó có thể dài ra gấp mấy lần hơn lúc mới nở. Sau
đó sự phát triển chậm dần, nhưng không bao giờ ngừng hẳn. Kết quả vì da không
nẩy nở kịp theo thân mình, rắn phải thoát ra khỏi lớp da cũ bên ngoài (như cua
lột để lớn). Khi rắn lột, nó cọ sát thân mình vào vách đá, một mảng da tróc ra
và nó chui ra ngoài. Lớp da mới bên trong sẽ dần dần cứng trong khi rắn tiếp
tục phát triển. Trung bình năm đầu cứ 2 tháng rắn lột da một lần.
Da
rắn gồm có nhiều vẩy xếp lớp. Vẩy láng bóng và khô chứ không ẩm ướt như nhiều
người đã lầm tưởng.
• Tại sao
người ta sợ rắn?
Câu
hỏi có lẽ không được… thông minh cho lắm. Bạn đọc hẳn cho rằng ta sợ rắn vì rắn
cắn ta chết chứ gì! Xin trả lời sự thật đúng như thế.
Thống
kê cho biết mỗi năm có khoảng 40.000 người chết vì rắn cắn, nhiều nhất ở Ấn Độ.
Thường thì là những trường hợp bất cẩn (đạp phải) và lúc tình trạng sức khỏe
của nạn nhân không được khả quan.
Chỉ
những con rắn có móc nọc độc là nguy hiểm. Móc là một đôi răng to, bình thường
xếp vào bên trong. Móc ăn thông với một tuyến nọc độc nằm sát mắt. Khi cắn, rắn
giương móc cắm phập vào thịt nạn nhân ; tuyến nọc độc bị ép mạnh, bắn nọc ra
ngoài.
Rắn
nào chỉ có vỏn vẹn móc nọc độc ở hàm trên là rắn có chất độc mạnh. Rắn hổ, rắn
rung chuông, rắn mắt kính và rắn biển vùng Nam Hải được liệt vào loại tối nguy
hiểm.
Nọc
độc chỉ có tác dụng khi theo hệ tuần hoàn, nghĩa là khi được tiêm thẳng vào da.
Theo đường tiêu hóa nó có ít tác hại hơn. Chất độc vào máu phá hủy hồng huyết
cầu, làm vỡ mao quản và làm tê liệt hệ thần kinh.
Khi
bị rắn độc cắn, nạn nhân có thể bị nôn mửa, tháo mồ hôi, sùi nước bọt, khó nuốt
và xuất huyết. Chỗ bị cắn sẽ bầm tím lên. Nạn nhân có thể bị hoa mắt và bất
tỉnh.
• Khi bị rắn
cắn, ta phải làm thế nào?
Cách
hay nhất là chở đến bác sĩ càng sớm càng tốt. Nên nhớ người ta chết vì rắn cắn
khi đem chữa trị quá trễ. Ngay với những con rắn thật độc, từ 3 giờ đến 10 ngày
sau nạn nhân mới chết nếu không kịp chữa trị. Hiếm có khi nào rắn cắn chết
người ngay.
Nếu
phải chờ đợi sự cấp cứu lâu, cách hay nhất là:
1.
Buộc hơi chặt phía trên vết thương
dẫn về tim. Cứ 10 phút nới băng một lần cho máu lưu thông.
2.
Thoa alcool hay thuốc đỏ xung quanh vết thương. Đốt lưỡi lam và rạch thành hình
chữ X ngay vết cắn.
3.
Hút nọc ra bằng cách đốt nóng một chai thủy tinh miệng rộng úp lên vết thương
(như ống giác). Nọc sẽ được hút ra khi chai nguội dần. Nếu cần dùng miệng để
hút, nên nhớ là trong miệng không có một
vết lở nào.
4.
Để nạn nhân nằm im, tránh sự cử động. Cho nạn nhân uống nước, nếu cần.
• Rắn có ích
lợi gì cho loài người không?
Các
nhà sinh học nghiên cứu về rắn cho rằng rắn là một con vật đáng mến. Rắn chỉ
cắn người trong phản ứng tự vệ, bình thường nó lánh đi chỗ khác. Vả lại số rắn
có nọc độc nguy hiểm rất ít (180 loại trong 2.500 loại rắn).
Rắn
quân bình hóa sinh môi, giúp loài người tiêu diệt một số sinh vật như côn trùng
và thú gậm nhấm phá hoại mùa màng.
Trong
ngành Y Khoa, nọc rắn dùng để chữa trị một số bệnh đau nhức và phong thấp.
Ngoài ra nọc rắn còn dùng để điều chế kháng độc tố, điều trị nạn nhân bị rắn
cắn (lấy độc trị độc).
ĐÌNH
(Tài liệu từ MD Pacific, Reptilian Record và Zoology –
Biological Science)
(Trích từ bán nguyệt
san Tuổi Hoa số 212, ra ngày 1-11-1973)