Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

CHƯƠNG HAI_RONG BIỂN


HAI



Tiếng gọi của đứa trẻ hàng xóm cắt đứt những ý nghĩ vu vơ đang chờn vờn trong đầu óc Trâm:

- Chị Trâm! Chị Trâm!

Dừng tay giặt quần áo, Trâm chạy ra:

- Gì thế bé Trung ?

Dớn dác nhìn vào trong nhà, chung quanh vườn, biết chắc là không có người nào khác ngoài Trâm, đứa bé mới dúi vội vào tay Trâm một mảnh giấy, nói thật nhỏ như sợ có ai nghe thấy:

- Ông gì gửi cho chị đó.

Miệng vừa hỏi “ai vậy”, mắt Trâm vừa liếc nhanh xuống tấm danh thiếp trong khi bé Trung trả lời “em cũng chẳng biết nữa”:

“Trâm,


"Sao lâu quá không thấy tới chú. Nếu được, ghé chú chiều nay. Có chuyện cần nói.

                                                                                                           "Mong lắm đấy. Tuấn”

Những câu hỏi thoáng nhanh trong trí Trâm – sao chú Tuấn biết nhà mình ở đây ? Không hiểu có chuyện gì ? Chắc phải quan trọng lắm chú Tuấn mới tìm tới nhà – Làm sao mình tới được bây giờ ? Chiều nay chắc gì ba với mẹ đi vắng ?… Có lẽ thấy Trâm không nói gì nữa, đứa bé chào Trâm:

- Thôi em về nghe chị Trâm .

Nó định quay chạy, Trâm vội giữ lại:

- Khoan, chị hỏi cái này.

- Gì chị Trâm ?

Trâm ngập ngừng:

- Thế… thế ông nào… đưa cho bé cái này ?

- Em đâu biết!

Chợt nhận ra sự vô lý trong câu hỏi của mình, Trâm cười mỉm, chữa lại:

- Ý chị muốn hỏi em có… quen với ông đó không ?

- Đâu có!

- Vậy sao ông ấy biết em mà nhờ đưa cái này cho chị ?

- Em cũng chẳng hiểu nữa. Hồi nãy em đang bắt dế dưới gốc cây mận nhà bà Sáu Xích-lô thì ông ấy tới hỏi thăm nhà chị ; em chỉ thì ông ấy bảo em đưa cho chị chứ không muốn vào.

- Thế… bây giờ ông ấy đâu ?

Đứa bé mở tròn mắt:

- Làm sao em biết được ?

Trâm bật cười trong khi đứa bé vẫn liến thoắng kể:

- Ông ấy còn hỏi chị đang làm gì trong nhà này, ba má chị có nhà không này, em có hay lại nhà chị chơi không này… ối “giời” tùm lum!

- Thế bé Trung trả lời sao ?

- Sức mấy mà em nói!

Đến lượt Trâm ngạc nhiên:

- Sao vậy ?

- Ba em dặn gặp người lạ hỏi thăm gì thì đừng có trả lời, nhỡ… kẻ gian dò la tin tức thì sao ?

Trâm lại cười thành tiếng trước dáng điệu có vẻ thành thạo của đứa bé. Nàng xoa đầu nó:

- Em giỏi lắm… Thế rồi ông ấy nói gì nữa không ?

- Không! Ông ấy bỏ đi về phía chợ.

Trâm lấy trong túi áo cánh đồng bạc kẽm đưa cho bé Trung:

- Cho em đi mua cà rem.

Thích chí, đứa bé vừa chạy, vừa la lớn:

- Cám ơn chị Trâm

Trâm quay vào, đọc đi đọc lại đến bốn năm lượt những chữ viết trên danh thiếp của Tuấn. Tâm hồn ấm lại, nàng có cảm thấy mơ hồ một cái gì thật gần gũi, thật dấu ái, thật thân mật. Nỗi nhớ “người chú” nghệ sĩ như âm ỉ lâu ngày bỗng được dịp bộc phát – giọng nói trầm ấm, ánh mắt sáng nhưng lúc nào cũng như hướng về một xa vời nào đó ; khuôn mặt thanh tú, trầm ngâm, mái tóc đen nhánh nhưng có vẻ ít được chăm sóc xõa trên đài trán nở rộng hai bên thái dương ; đôi môi mỏng, tươi thật tươi, bao giờ cũng gắn hờ một điếu thuốc cháy quá nhiều mà không được dụi tàn ; những cử chỉ khoan thai, chững chạc… từng nét, từ những đặc điểm đến những dấu vết thông thường, những thói quen quen thấy, những đổi thay bất chợt trong tính tình của Tuấn, tất cả sinh động trong tâm tưởng Trâm. Mới chừng hơn hai tuần l không tới nhà Tuấn mà Trâm có cảm tưởng như đã xa rời từ lâu lắm rồi. Nàng thấy thật ấm cúng căn phòng của Tuấn với chiếc giá vẽ cao lênh nghênh, với những bức tranh mà đa số mang hình Trâm với chủ đề về biển, với những hộp sơn, túi bột, với những giẻ lau, cọ vẽ… Trâm muốn chạy oà tới để nhìn, để ngắm, để được thu gọn, được chăm sóc những vật mà nàng cảm thấy thật thân yêu. Chính sự vắng lặng trong nhà nàng vào giờ này càng dễ đưa Trâm vào những giao động nhè nhẹ như những làn sóng nhỏ trong những ngày biển êm. Nhiều hình ảnh, nhiều ý nghĩ đã làm Trâm nóng rần mặt mày, thẹn thùng. Nhịp tim đập mạnh, máu chạy nhanh, tay chân thừa thãi khiến Trâm tưởng như đã thoát khỏi thực tại, khỏi những giăng mắc về không gian và thời gian để hiện hữu trong những giấc mơ thầm kín. Tay vân vê tấm danh thiếp, Trâm ngồi lặng lẽ nhìn những lá cây lao xao dưới nắng nhẹ. Ánh mắt của Trâm như mờ đi, như vương vấn một làn khói mỏng, nhưng nếu có ai được nhìn sâu vào trong đáy đôi mắt đó sẽ khó tránh khỏi bị ngất ngây bởi sự huyền hoặc, sự xa vời của nó. Trâm đã lìa khỏi thực tại để hóa thân trong một thế giới riêng tư dẫy đầy những hình ảnh đẹp như thần thoại, trong đó Trâm đã biến thành một nàng tiên nhẹ lướt trên những làn mây muôn màu, giữa những điệu nhạc tuyệt vời, êm dịu, trong một thứ ánh sáng huyền ảo…

 Đang mơ mộng bỗng Trâm choàng tỉnh khi có tiếng cười nói lanh lảnh vang lên ngoài cổng.

Trâm đứng lên, nhíu mày nhìn ra, chờ đợi. Một đám thiếu nữ, tay ôm sách vở, tay cầm nón, cầm cặp, ào ào trong sân nhà Trâm. Nhận ra bạn mình, Trâm vui mừng nhẩy bổ ra:

- À, chúng mày!

 
- Nhỏ Trâm!

- Chúng mày đi đâu vậy ?

- Thăm mày!

- Úi “giời”, cảm động quá!

- Mày đang làm gì thế ?

- Giặt quần áo!

- Vậy thì siêng nhất mày rồi!

- Vào đây chúng mày.

- Để tao xem vườn nhà mày có thứ nào ăn được không đã!

- Mới trẩy bán cách nay cả tuần rồi!

- Đúng là số tụi tao vô duyên!

- Lên nhà, chúng mày!

Một người trong bọn nhìn quanh, hỏi nhỏ Trâm:

- Ông bô, bà bô mày đâu ?

- Đi vắng cả rồi.

Cô gái vừa cất tiếng hỏi, thở phào:

- Đỡ khổ! Nếu có ông bà bô mày ở nhà, chắc tụi tao rút lui có trật tự. Nhiều lúc muốn tới thăm mày nhưng ngán ông bà bô mày thấy mồ!

Một cô khác chen vào:

- Nhỏ Thanh nói đúng đó Trâm ; mấy lần tới đây ông bô mày chửi mày rồi chửi luôn chúng tao nữa!

Trâm chùng giọng, buồn buồn:

- Tụi bây thông cảm, tại ba tao… say…

Bầu không khí vừa dịu xuống bởi nét mặt và giọng nói trĩu nặng của Trâm bỗng vỡ tung tiếng cười dòn tan khi người con gái được gọi là “nhỏ Thanh” chợt giật được tấm danh thiếp trên tay Trâm (lúc nãy vì vui gặp bạn bè, Trâm vô tình quên cất đi, vẫn cầm nơi tay):

- Tụi bay ơi, tao có cái này hay lắm!

Trâm hoảng hốt định giựt lại nhưng Thanh đoán được nên đã chạy vòng vào phía trong chiếc bàn đặt giữa nhà trong khi cả bọn nhao nhao:

- Gì thế nhỏ ?

- Bật mí đi!

- Của ai vậy ?

Thanh vẫn làm ra vẻ bí mật, vừa gật gù đầu, vừa cười mỉm, đồng thời mắt vẫn không rời những dòng chữ trên tấm danh thiếp:

- “Một khám phá bất ngờ”! Con Trâm tầm ngầm mà đấm chết voi đấy chúng mày ạ!

Ai cũng mong được biết cái “khám phá bất ngờ” của Thanh, tranh nhau hỏi:

- Điệu hoài, khám phá gì ?

- Nói ra cho rồi, giấu kín thế ?

Thanh giơ tay làm hiệu cho các nhỏ bạn thinh lặng, dõng dạc nói một câu tiếng Anh:

- Silence, please!

Cả bọn phá lên cười. Trong khi đó Trâm đứng ngây người như bị trồng chân giữa nhà, tay vân vê tà áo, lo sợ, không biết phản ứng ra sao. Tiếng Thanh lại nổi lên:

- Chú ý! Chú ý! Hãy banh tai ra mà nghe: Bùi Trường Tuấn, họa sĩ!

Thanh ngừng lại, hất hàm hỏi:

- Tụi bay thấy chưa, “người ta” là nghệ sĩ đấy!

Có tiếng phản đối :

- Biết rồi, khổ quá, nói mãi!

Lật úp tấm danh thiếp, Thanh đọc tiếp:

- “Trâm. Sao lâu quá không tới chú ? Nếu được, ghé chú chiều nay. Có chuyện cần nói. Mong lắm đấỵ Tuấn!”

Các tiếng nói lại ào ào như vỡ bờ, quên hẳn Trâm đang rưng rưng nước mắt:

- Hẹn hò “tế nhị” quá hé!

- Loại “xin đừng gọi anh bằng chú” đấy mà!

- Mối tình nghệ sĩ thì tuyệt rồi!

- Không ngờ nhỏ Trâm lại “có số đào hoa”!

Giọng Thanh lại nổi bật hẳn lên:

- Xin im lặng! Sau đây là phần “phụ Đề Việt ngữ” : Sao lâu quá không tới chú có nghĩa là “chàng” và “nàng” vẫn thường “tới thăm nhau một chiều mưa”, nhưng nay vì “lý do kỹ thuật”, chẳng hạn nàng giận ngầm mà chàng chẳng biết nhưng cũng có thể vì nàng bận việc nhà nên… hai ngày nay chưa tới với chàng, mà “nhất nhật bất kiến như tam thu hề” nên chàng giả vờ bảo “ghé chú có chuyện cần nói” để được gặp mặt cho đỡ nhớ… Kính thưa quí vị …

Nước mắt đã trào ra khỏi bờ mi, lăn dài trên má, Trâm lặng người giận dỗi. Nàng thấy các nhỏ bạn thật ác độc, không để nàng giải thích . Ở đâu và lúc nào thì cũng “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” nhưng trong trường hợp hiện tại Trâm thấy mình quá oan ức. Nàng muốn hét to lên để nhỏ Thanh câm miệng lại nhưng giọng nói bị tắc nghẹn trong cổ họng.

Bỗng các tiếng cười ngưng lại khi một người trong bọn nhận ra Trâm đã khóc, la lên:

- Ê, nhỏ Trâm khóc, tụi bây!

Các mái đầu quay lại, thoáng vẻ hối hận:

- Tụi tao đùa mà Trâm!

- Nhỏ này “mit ướt” ghê!

- Mới chút đã “mưa” rồi!

- Hồi trước ở lớp mày còn phá tao với thằng Hùng Honda hơn thế này í chứ!

Trâm lau nước mắt, nghẹn ngào:

- Nhưng tụi bay hiểu lầm tao. Chú Tuấn là người lớn, hơn tao cả… chục tuổi mà tụi bay đem ra dỡn.

Thanh vẫn nhanh nhẹn nhất trong bọn:

- Vậy hay đó mày, “mốt” thời nay các cô khoái những ông đứng tuổi ; họ biết chìu, chứ còn cỡ ngang hay hơn mình hai ba tuổi thì xin lỗi… hỉ mũi chưa sạch.

Cả bọn cười vang. Giọng Trâm đã bớt nước mắt:

- Nhưng tao đâu có gì… với chú Tuấn!

- Không có lửa làm sao có khói ?

Trâm ngước đôi mắt hoe đỏ nhìn người bạn vừa nói:

- Khói gì đâu ?

- Thì... thì... viết hẹn gặp mày đó!

Trâm chợt hiểu, nhăn mặt:

- À, tao đã bảo tụi mày hiểu lầm mà.

- Giấu tụi tao hoài.

- Có gì đâu mà bảo tao giấu với giếm!

- Thế thì kể cho tụi tao nghe đi.

Trâm chép miệng:

- Thật ra thì cũng chẳng có gì mà kể... Thôi được, tụi bây ngồi xuống đi. Nhưng mà... nghe rồi tụi bây đừng thọc lại cho mấy nhỏ lớp biết kẻo rồi chúng nó lại “thêm mắm thêm muối” thì … chết tao.

- Yên chí lớn!

- Hứa danh dự mà mày! 

- Chuyện này ai mà nói làm chi!

Cả bọn vừa nói vừa tranh nhau ghế ngồi ; ai cũng giành được ngồi gần Trâm, cười khúc khích thú vị. Nhìn những bộ mặt ngóng đợi, những con mắt nhìn mình chằm chặp, Trâm muốn phá lên cười. Nàng thoáng nghĩ đúng là con gái hay tò mò, tọc mạch ; người ta nói chả sai chút nào. Thấy Trâm làm thinh lâu, lại chỉ mỉm cười, tưởng là Trâm đánh lừa, một trong nhóm thúc giục:

- Thôi bồ ơi, cười duyên hoài, kể đi.

Một cô khác phụ họa theo:

- Kể đi Trâm, kẻo nhỏ Loan “mót” rồi.

Loan nghiêng mắt, liếc xéo người bạn vừa nói động tới mình, chu môi:

- Sức mấy! 
 
Trâm như đã quên hết sự cằn cỗi của cuộc sống, trở lại với bản chất của nữ sinh thuở nào, đã hòa mình trong niềm vui và hồn nhiên tuổi trẻ của lũ bạn. Nàng biết với tụi này không có gì có thể giấu nổi chúng nó, chẳng thà kể rành rẽ cho chúng nó còn hơn để chúng đoán, chúng bàn ra tán vào thì câu chuyện biến thành không thể tưởng nổi.

- Trâm, kể đi, lâu thế mày ?

Trâm cười cười:

- Để tao nghĩ đã.

Rồi nàng hắng giọng, trịnh trọng thuật lại:

- Chú Tuấn là một họa sĩ …

- Cái đó tụi tao biết rồi!

- Thì phải có đầu có đuôi chứ.

Loan liền mắng người bạn vừa cắt đứt câu chuyện:

- Nhỏ Trang “dzô duyên”!

Trang cũng không vừa, chồm người tới, hất hàm:

- Có sao không ?

Trâm vội giảng hòa:

- Tụi bây phải yên tao mới kể được chứ.

Cả bọn lại thinh lặng, hau háu đôi mắt nhìn Trâm:

- Yêu cầu tiếp tục chương trình!

Trâm:

- Chú Tuấn là một họa sĩ ở Sàigòn về đây để vẽ tranh triển lãm. Một hôm ra bãi biển chơi, tao đứng đằng sau xem chú Tuấn vẽ mà chú ấy đâu có biết, đến khi chú Tuấn quay lại thì… đạp phải chân tao. Thế là tao bắt đền liền ; chú Tuấn phải vẽ cho tao một bức tranh mà… mà… hồi trước tao treo trên cửa ra vào kia kìa…

- Thế bây giờ đâu rồi ?

Trâm hơi cúi đầu, cho làn tóc xõa che khuôn mặt chợt biến sắc vì những hình ảnh dĩ vãng mầu đen thoáng sống lại trong tâm trí ; nàng nói dối bạn bè:

- Tại… chuột cắn nát, tao… dẹp đi rồi.

Loan đập tay mạnh xuống bàn, nói lớn tiếng:

- Uổng thế! “Kỷ Vật cho em” ngày gặp nhau lần đầu mà mày … phí thế ?

Thấy không ai phản ứng gì trước câu pha trò của mình, Loan tiu nghỉu, sượng sùng. Trâm tiếp:

- Từ ngày đó, chiều nào tao cũng đến phòng vẽ để làm mẫu cho chú Tuấn.

- Dạo đó mày… nghỉ học chưa ?

- Chưa! 
 
- Sao không thấy mày nói gì ?

- Ai dại gì làm “nguồn vui” cho chúng mày!

- Mày bí mật ghê!

- Thỉnh thoảng cũng phải tỏ ra khôn hơn tụi mày.

Có tiếng cười khúc khích, nhưng tắt sớm cho Trâm nối tiếp câu chuyện:

- Chú Tuấn là người rất tốt, nhất là hiểu tuổi trẻ nên tao… thích nói chuyện với chú ấy lắm. Những chuyện buồn, vui tao đều đem kể hết. Chú Tuấn tỏ ra… thông cảm và hiểu tao nhiều, ngược lại tao cũng thấy… mến chú ấy như một… một… người chú vậy đó.

Nói tới đây tự nhiên Trâm ngừng tiếng, cảm thấy nóng ran mặt mũi, di di ngón tay xuống mặt bàn như để che giấu những ngượng ngập trong khi mấy nhỏ bạn hích tay nhau, nheo mắt rồi che miệng cười. Những cử chỉ đó vô tình lọt vào ánh nhìn của Trâm khiến nàng càng thêm xấu hổ, hối hận đã bộc bạch tâm sự cho những đứa tinh quái này. Nàng tự trách thầm không hiểu sao tự nhiên mình lại dại khờ đem phơi bày những vương vấn thầm kín mà lâu nay mình vẫn chôn chặt trong lòng, không dám hé mở cùng ai, kể cả với… chú Tuấn.

Tiếng của nhỏ Thanh chợt lôi Trâm ra khỏi những giăng mắc để trở về hiện diện trước những bộ mặt nghịch ngợm, những con mắt dò xét, những cái miệng chỉ chờ nàng sơ hở là trêu chọc, vặn hỏi dồn dập:

- Kể tiếp. Rồi sao nữa mày ?

- Thì…như vậy đó!

Thanh nhìn Trâm tinh quái:

- Tao thấy… mối tình của mày… đẹp quá trời.

Trâm đỏ mặt, trợn mắt:

- Đừng nói bậy!

Thanh cười, vẫn không buông tha Trâm:

- Thôi vậy, nhưng tao hỏi thật mày, mày đã… gì gì với chú Tuấn của mày chưa ?

- Nghĩa là sao ?

- Trời! Con nhỏ này ngây thơ cụ. Nghĩa là mày đã… yêu chú Tuấn chưa ?

- Đầu óc mày bao giờ cũng tối đen. Chuyên môn nói nhảm.

- Gì mà nhảm ? Bộ tất cả những người yêu nhau trên đời này đều nhảm sao ?

- Nhưng tao đã nói, tao coi chú Tuấn như... như… chú ruột tao ; mày biết chưa, con khỉ ạ!

- Từ “chú” tới “anh” mấy hồi!

Trâm giận dỗi, vùng vằng đứng dậy. Loan vội níu tay Trâm, kéo nàng ngồi xuống lại:

- Việc gì phải chạy, để nhỏ Thanh đấy tao.

Thanh chống nạnh tay, chanh chua:

- Mày làm gì được tao, Loan ?

- Tao mét thằng Hùng Honda trị tội cho mày.

- Con nhỏ này đâu ngán ai. Ngon mà!

Loan đổi “chiến thuật”, quay sang nói thao thao với những nhỏ bạn khác đang có vẻ thích thú dõi theo “cuộc chiến” của hai đứa vẫn nổi tiếng phá phách nhất bọn và nhất lớp nữa:

- Chẳng biết ai ngày hôm qua “theo ban C” đi chơi với bồ, ngồi uống nước sinh tố ở Ghềnh Đá hé! Chẳng biết ai tặng bồ hình rồi lấy thơ của Bích Ngọc đề đằng sau rồi bảo là mình sáng tác ra hé! Tụi mày nghe có mùi và lại có đía không này:

“Tôi làm con gái
Tình tôi yêu người
Tròn như ngày tháng
Chỉ một lần thôi
Tôi làm con gái
Tình tôi yêu người
Bao la biển rộng
Xanh màu đại dương” 
 
A… a… một chiều nhìn biển và nhớ anh da diết… a… a…
 
Không để cho Loan nói hết câu, Thanh vội lao người lại, bịt miệng nhỏ bạn vừa làm nàng đứng tim bằng những tiết lộ hết sức bất ngờ mà nàng nhớ chưa bao giờ kể cho ai nghe và đã rất thận trọng giữ bí mật. Trước thái độ hoảng kinh của Thanh, cả bọn phá lên cười. Trâm cũng hòa đồng trong niềm vui vỡ bờ của các bạn. Nàng thấy tuổi học trò vào thời mới lớn thật đẹp – vui đó rồi lại giận hờn đó – không khác gì một đứa trẻ nhưng lại là ra vẻ người lớn – rồi những giao động nội tâm mơ hồ chợt đến không đứa nào hiểu nổi, không biết phân tích hay gọi tên là gì nhưng lại thích thú – đứa nào cũng có ít nhiều chuyện tình cảm riêng tư giấu thật kín nhưng lại thích biết, thích bàn tán chuyện người khác – mà nào có ai giữ kín được chuyện gì đâu vì học trò tinh lắm, chỉ một bộ điệu, một ánh mắt, một lời nói khang khác một chút cũng đủ bị nghi ngờ, theo dõi, điều tra để rồi cuối cùng bao giờ cũng trở thành đề tài cho cả lớp xầm xì, trêu chọc hay thành nguyên nhân cho những vui đùa đến tàn nhẫn, những tràng cười khúc khích ngay trong các giờ học...
 
Trâm nghĩ và cảm thấy nuối tiếc những ngày tháng cắp sách đến trường. Nàng đã bị đẩy ra khỏi những vui buồn mà những bậc trưởng thành vẫn gọi là vẩn vơ hay vớ vẩn, nhưng chỉ trong tuổi mới lớn của thuở làm học trò mới có và mới đầy đủ ý nghĩa. Những ngày mới đoạn tuyệt sách vở, Trâm nặng trĩu mặc cảm, thường tránh gặp bạn bè và thường ray rứt sầu khổ mỗi sáng chiều nhìn thấy những tà áo trắng tung tăng đến trường như những cánh bướm nhởn nhơ trong vườn hoa… Nhưng Trâm càng chạy trốn thì những tình cảm khắc khoải đó như càng bị dồn ép, dày vò Trâm khiến nàng nghẹn ngào hơn. Sau này nghe lời chú Tuấn, thỉnh thoảng Trâm lại nhà nhỏ Thanh, nhỏ Vân, Loan, Trang, nhỏ Huyền, nhỏ Quyên… đồng thời đòi chúng khi nào rảnh ghé thăm nàng hoặc nàng mượn sách vở của bạn hữu để chép bài như thể nàng vẫn tới trường. Nhờ vậy Trâm nguôi ngoai được phần nào những khắc khoải cháy ngầm trong tâm tư. Chú Tuấn còn bảo đừng bao giờ ngồi nghiền ngẫm về một nỗi buồn, bởi vì sẽ không có lợi, nếu không muốn nói mình càng bị đọa đầy hơn trong nỗi khổ; hãy làm bất cứ gì rồi sẽ thấy mình buồn là… dại. Trâm đã làm theo lời chú Tuấn và quả thực đã cảm thấy nhen nhúm tin yêu…
 
Giờ đây gặp các bạn Trâm có cảm tưởng mình đang ngồi trong lớp truyền cho nhau những mảnh giấy trong khi thầy giáo đang giảng bài hoặc trong giờ ra chơi đứng tụm năm tụm ba cười đến chảy nước mắt khi nói đến một đứa trong lớp có “kép”.

Thấy mấy nhỏ bạn còn mải kể tội nhau về những lần trốn học đi chơi với bồ, những lần giả vờ chép bài siêng năng để viết thơ tình, Trâm lên tiếng chắn ngang:

- Thì ra chúng mày đứa nào cũng kinh khủng thế mà còn bầy đặt trêu tao.

Lại nổi lên những tiếng lao nhao phản đối, cải chính, cuối cùng Trâm phải đề nghị:

- Thôi dẹp những chuyện đó đi, để lúc khác tao hỏi tội từng đứa một.

Trâm với chồng sách đặt trước mặt nhỏ Huyền, người vẫn được khen viết chữ đẹp và chép bài vở đầy đủ nhất lớp: 
 
- Hồi sáng tụi bây học gì đâu, cho tao mượn.

- Cô Trang Dung đau, cho làm luận.

Mỗi lần nghe nhắc đến cô Trang Dung, Trâm lại tưởng chừng như được nghe tiếng ngâm thơ ru hồn của cô trong giờ Việt văn năm nào. Trâm nghĩ rằng các bạn của nàng thật có phúc, đã niên học trước năm nay lại được học cô Trang Dung.

- Tao cho nhỏ Trâm mượn cái này này.

- Gì, Vân ?

- Tao mới chép thêm được mấy bài thơ.

- Đâu ?

- Giữ cẩn thận cho tao. Của “hồi môn” của tao đấy !

- Yên chí.

Trâm đỡ lấy cuốn sổ bìa da màu nước biển và được bọc ngoài một lớp nylon. Lật mấy trang đầu, Trâm liếc nhanh vào tựa đề những bài thơ – Áo lụa Hà Đông – Tình thứ nhất – Xuân đầu – Giận hờn – Ngậm ngùi – Áo trắng... Toàn những thơ về tình yêu. Trâm cảm thấy ấm áp trong hồn. Tự nhiên nàng muốn các bạn đi về để nàng được một mình đọc những vần thơ êm nhẹ. Những lúc buồn khổ trước đây, ngoài chú Tuấn, Trâm chỉ còn biết ngồi vân vê những cuốn sách, quyển vở của thời học trò dĩ vãng và tìm vỗ về trong những cung điệu thi phú. Với Trâm, những bài thơ như những thần dược, chúng như có linh hồn để cảm thông nỗi sầu khổ vời vợi của nàng. Trâm chép, Trâm học thuộc lòng, Trâm thầm thĩ những thi phẩm trữ tình như để tự ru chính mình…

- Trâm, mày làm gì mà ngồi đực người ra vậy ?

Nàng chưa kịp trả Lời, nhỏ Thanh đã lên tiếng:

- Nó nhớ… chú Tuấn.

Cả bọn cười. Trâm cũng chả Thèm cải chính nữa – bọn này “gấu” lắm, chúng nó có biết kiêng nể là gì đâu – vớ được dịp trêu ai, chúng chọc đến tàn nhẫn luôn. Trâm biết câu chuyện của mình chỉ đến sáng mai là cả lớp biết; thế nào cũng có những đứa khác tìm tới đây để “điều tra”. Trâm lại tự trách đã không cẩn thận.

- Tụi tao về đây.

Trâm giả vờ, giữ lại lấy lệ:

- Ngồi chơi đã, còn sớm mà.

- Xí! 11 giờ rồi đấy “bà”.

Trâm tiễn các bạn ra tận cổng. Đó là thói quen của nàng. Khi đã khá xa, nhỏ Thanh còn ngoái cổ lại, la lớn:

- Về nghe, bà họa sĩ Trường Tuấn.

Những mái đầu chúi vào nhau. Trâm biết các bạn đang rũ ra cười và lại tiếp tục bàn tán về câu chuyện tình cảm của nàng. Trâm thẹn đỏ mặt, lo sợ có người hàng xóm nào nghe được câu nói trêu chọc của Thanh. Nàng chạy vội vào nhà.

Nhìn đồng hồ, Trâm hơi thắc mắc sao giờ này mẹ mình vẫn chưa đi lấy thuốc về ; còn ba nữa, chắc cũng lại đang say sưa ở một quán rượu. Nhớ tới tập thơ Vân cho mượn, Trâm lật đật đem sổ của mình ra chép. Nàng lấy bút màu xanh, đỏ viền hoa trang giấy rồi nắn nót từng chữ:

Tôi phải đợi như là tôi đã hẹn 
Phải thẹn thò như sắp cưới hay vừa yêu
Phải nói vơ vào rất vội: người yêu
Nếu ai có hỏi thầm: ai thế ?
.....................................
Chả có gì… sao lòng mình cũng thẹn
Đến ngượng ngùng bỡ ngỡ: hay là ai ?
.....................................
Nên đến trăm lần: “nhất định mình chưa yêu”
Hôm nay nữa… nhưng lòng mình sao lạ quá…
 
Trâm ngừng tay, đưa mắt mơ màng nhìn qua khung cửa. Trên nền trời xanh thẳm, một áng mây trắng lơ lửng trôi. Tâm hồn Trâm như bay bổng, thoát tục. Nàng mơ tưởng mình là cụm mây kia ; nàng sẽ bay đi tận cùng trời đất, sẽ xà xuống thật thấp, hôn trên mặt biển hay sẽ đậu trên đỉnh núi, lả lơi với gió ngàn. Áng mây có linh hồn, đêm đêm sẽ chuyện trò với trăng sao, sáng sớm sẽ thâu vào những tiếng hót của chim, tiếng rì rào của lá. Áng mây sẽ muôn đời tự do, sống thỏa với những mong ước của mình, triền miên trong hạnh phúc.

Khẽ đọc những vần thơ vừa chép, Trâm thấy yêu chúng vô cùng. Nàng thoáng thẹn thùng vì chợt thấy một sự mơ hồ trùng hợp với tâm trạng mình. Những lời đùa cợt của bạn bè trở về bên tai. Nàng như bị ám ảnh. Trâm nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ dám nghĩ tưởng tới “chuyện đó” nếu mấy nhỏ bạn không khơi dậy. Bây giờ thì đã như dòng nước trào qua khỏi bờ. Tuy nhiên với Trâm, nàng vẫn chỉ cảm thấy một cái gì đó thật lạ – rất nhẹ – rất không rõ rệt – một cái gì thích thú vu vơ – dạt dào đang ngầm ngấm vào từng tế bào. Trâm vừa lo lắng đồng thời vừa không muốn đánh mất những lăn tăn giao động đang làm cho tim nàng lệch nhịp, hơi thở dập dồn, da thịt căng nóng như đang gần ngọn lửa. Bất giác Trâm cho tay vào túi áo lấy tấm danh thiếp ra nhìn ngắm. Nàng nhắm mắt lại cho những dạt dào làn sóng vỗ nhẹ trong lòng – chú Tuấn, chiều nay cháu sẽ tìm mọi cách tới thăm chú – tại hơn hai tuần lễ nay cháu bị ba cấm không cho ra khỏi nhà chứ đâu phải cháu không muốn. Cháu cũng có nhiều điều để nói với chú, nhất là về một vài đổi thay trong nội tâm làm cháu hoảng sợ, không hiểu. Khi ở tuổi cháu, chú có như vậy không ? – Thật kỳ, chú ạ... Chú Tuấn này, dạo này Trâm của chú ngoan rồi, bớt buồn, bớt khóc rồi, nhờ cháu nghe lời chú xem lại bài vở và học thêm chương trình mới – và cháu chép cả thơ nữa – Hôm nào chú phải “trang hoàng” cuốn sổ này cho cháu thật đẹp, đẹp hơn cả những nhỏ bạn của cháu... Chú Tuấn ạ, cháu nói thật với chú điều này; bây giờ chẳng còn ai thương cháu, kể cả ba, cả mẹ. Chỉ duy nhất có chú hiểu và cảm thông với cháu. Cháu thí dụ nếu chú cũng ghét cháu luôn thì chắc cháu chỉ còn có nước chết... Mà thôi, để chiều nay gặp chú, cháu sẽ nói nhiều. À còn chú, chú có chuyện gì cần nói với cháu vậy ? Chắc chú lại mới hoàn tất mấy tác phẩm chứ gì ? Hay là... hay là... chú cũng... nhớ... cháu…?
Trâm hoảng hốt với ý nghĩ sau cùng. Nàng vội cầm bút để trấn tĩnh nội tâm. Những trang vở được lật qua lật lại. Trâm tìm một bài thơ khác, để chép tiếp: 
 
Thư trước lòng tôi phơi phới quá
Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương
Nhưng mà nghệ sĩ từ đâu lại
Êm ái trao tôi một vết thương
………..........................
 Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên
Bỗng ai mang lại cánh hoa tim
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên
.................................. 
 
- Trâm!

Trâm giật bắn mình bởi tiếng quát sau lưng. Nàng quay lại. Ông Thịnh, ba Trâm đang quắc mắt nhìn nàng:

- Giờ này còn làm gì mà mày chưa thổi cơm ?

Trâm sợ đến tái xanh mặt mũi, ấp úng:

- Thưa ba... hãy... còn sớm...
 
- Sớm! Mày mù hay sao mà không thấy đã gần 12 giờ rồi, hả Trâm ?

- Dạ... 

 - Mày ở nhà làm gì ?

- Thưa... thưa…

Ông Thịnh xấn xổ Lại, xô Trâm sang một bên, cầm hai cuốn tập để trên bàn, ông nghiến răng:

- Thơ! Thơ! Đói dài người ra đây mà còn thơ với thẩn!

- Trâm!

- Dạ…

- Lại đây!

Trâm lê bước tới, toàn thân run rẩy, mặt nhợt nhạt như không còn giọt máu. Bỗng một cái tát giáng xuống mặt nàng. Cả nghìn đóm lửa lòe lên ; Trâm loạng choạng.

- Trâm!

- Dạ…

- Tao hỏi mày những bài thơ này có nuôi được mày với bố mẹ mày không ?

Trâm nín thinh, len lén nhìn ông Thịnh, sợ hãi. Tiếng quát nạt làm nàng kinh hồn tột độ:

- Mày không trả lời tao hả Trâm ?

- Thưa…

- Làm sao?… có nuôi được hay không ?

- Thưa... không...

 Ông Thịnh cười gằn, đập bàn:

- Biết vậy sao mày còn phí thời giờ ngồi chép ? Ai là người nuôi báo cô mày mãi ?

Lại năm sáu cái tát nữa. Trâm ngã chúi xuống. Một dòng máu đỏ trào ra bờ môi. Trâm cắn chặt răng chịu đựng. Trong khi đó, vẫn chưa hả giận, ông Thịnh xé nát hai cuốn sổ:

- Này thì thơ! Này thì thơ!

Trâm đau điếng, đau hơn cả trận đòn hằn. Nàng òa khóc. Ông Thịnh đứng chống nạnh, chỉ vào mặt Trâm, quát:

- Câm!

Trâm dằn tiếng nấc, nghẹn ngào trong nước mắt:

- Con… con… xin lỗi ba…

Không một mảy may xúc động, ông Thịnh rít lên:

- Thứ con mất dạy, bất hiếu!

Vẫn nằm dưới đất, hai tay chống đỡ thân mình rũ rượi, Trâm van xin:

- Ba… tha lỗi… cho con…

Tiếng ông Thịnh thét lên:

- Đứng!

Trâm vâng theo, nhưng lùi lại mấy bước, kéo vạt áo chùi mép.

- Trâm!

- Dạ…

- Có phải vì tao không có tiền cho mày đi học nữa thì mày đem sách vở ra để bêu xấu tao đây phải không ?

- Thưa… ba… con đâu... có ý vậy...

 - Thế sao cứ khi nào tao đi vắng thì mày lại biên biên chép chép ; ra cái điều ông không cho tôi đi học thì tôi cũng dư sức học lấy một mình. Phải vậy không Trâm ?

- Thưa… dạ... không…

- Mày tưởng tao ngơ đi rồi mày muốn làm gì thì làm phải không, con khốn nạn này ?

- Con… xin lỗi... ba…

Cơn điên trở lại, ông Thịnh nhào tới. Trâm ôm mặt, ngã lăn dưới đất. Tiện chân, ông Thịnh đạp túi bụi trên người nàng, bất kể mặt mũi hay ngực bụng. Trâm lăn lộn một lúc rồi nằm bắt động dưới những tảng đá rơi trên thân thể...
 
Hàng xóm nghe tiếng la hét, đổ dồn sang, nhưng không một ai dám vào can ; phần vì bộ mặt dữ tợn của ông Thịnh, phần vì ngại ngần trước đây đã bị ông ta chửi bới tục tĩu nên người nào cũng chỉ biết đứng ngoài chép miệng thương hại Trâm:

- Tội nghiệp cô ấy hiền lành ngoan ngoãn mà tối ngày bị đánh đập.

- Cha gì dữ như cọp!

- Ai vào can đi không thằng chả đánh chết cô Trâm bây giờ!

- Trời ơi... cô Trâm chết mất, người nào nhào vào lôi cô ấy ra đi!

- Đàn ông, con trai đâu hết rồi... vào đại đi chứ!

Nhưng, vòng trong, vòng ngoài vẫn bất động.

Trong khi đó ông Thịnh vẫn không ngừng đánh Trâm. Hình như sự có mặt của những người hàng xóm lại càng tăng thêm cơn giận dữ trong ông ta. Người Trâm bây giờ tê dại đi như không còn cảm thấy gì nữa. Máu với nước mắt nhòe nhoẹt trên mặt và vương xuống áo, rải rác trên mặt đất. Như con thú dữ say mồi, mất hết lương tri, ông Thịnh chạy lại góc nhà lấy chiếc then gỗ cài cửa. Mặt xám màu chì, răng nghiến kèn kẹt, ông giơ thanh gỗ định quật xuống người Trâm... thì bị một cánh tay bất chợt giữ lại. Nhìn người lạ, ông Thịnh gầm lên:

- Mày là thằng nào ? Vào nhà tao làm gì ?

Người vừa xuất hiện trả lời ôn tồn nhưng giọng nói mang vẻ cương quyết:

- Vô tình tôi đi ngang, thấy ông đánh... cô ấy quá, tôi vào xin ông ngừng tay...
 
Nghe văng vẳng tiếng ai quen thuộc, Trâm cố mở đôi mi mắt tím bầm và bê bết máu, nhìn dáng người mờ mờ trước mặt, bỡ ngỡ:

- … Chú… chú... Tuấn...
  
Không ai nghe thấy tiếng Trâm thì thào vì tiếng thét của ông Thịnh vẫn gầm vang:

- Con tao, tao đánh, mắc mớ gì tới mày?

 - Nhưng ông không thấy là cô ấy gần chết rồi kia à ?

- Chết, tao chôn. Không ai nhờ mày!

- Ông không thể vô tâm như thế được!

- Tao vô tâm đấy!

- Ông không có quyền!

- Tao có quyền! Thằng nào làm gì tao ?

- Tôi yêu cầu ông không được đánh cô Trâm nữa.

- Tao đuổi mày cút khỏi nhà tao!

- Tôi không đi khi nào ông không thôi đánh con ông !

- Con tao chứ con mày à ?

- Ông cũng không được tàn nhẫn như vậy!

- Tao cứ đấy!

- Tôi cấm ông!

- Mày là cha nó hay tao là cha nó ?

- Dù ông là gì cũng vậy!

- Xéo khỏi nhà tao!

- Tôi không đi!

Tiếng đôi co mỗi lúc một gay. Những bàn tay nắm chặt. Những con mắt bốc lửa. Những bộ mặt đầy sát khí...  Thừa cơ hội, mấy người đàn bà lẻn vào bế xóc Trâm ra ; toàn thân nàng mềm nhũn như tầu lá chuối, miệng vẫn thều thào điều gì.

Trong nhà:

- Thằng chó... Mày là thằng chó, xía vào chuyện của tao.

- Ông câm miệng lại.

- Mày là thằng khốn nạn. Đồ chó... 

 - Ông không xứng đáng là một người cha.

Ông Thịnh tay cầm sẵn thanh gỗ, đâm thẳng vào mặt Tuấn. Đã đề phòng trước, Tuấn nhẹ lách mình sang một bên, đồng thời thẳng tay đấm trả lại. Ông Thịnh không phản ứng kịp, ngã bật ngửa trên chiếc ghế dựa. Tuấn bỏ đi.

Đằng sau vang lên tiếng đổ vỡ của đồ vật và tiếng gầm thét của loài thú dữ.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BA 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>