TRUYỆN CỔ TIỆP KHẮC
Trên
đỉnh đồi cao, đức vua Thịnh Vượng gò cương ngựa lại, ngắm nhìn non sông gấm vóc
của mình. Những cánh đồng lúa mì vàng óng, nặng trĩu hạt chạy tít tận chân
trời. Những vườn cây ăn trái chín mọng, thơm phức. Những mảnh vườn trồng hoa
hồng tươi tốt với nhiều đóa hàm tiếu còn đọng sương mai lấp lánh dưới ánh nắng
đào. Thôn dã được mùa là thế. Phóng tầm mắt xa hơn, đô thị, phố phường san sát,
buôn bán tấp nập. Đất nước phồn vinh, cuộc sống thái hòa, nhân dân ghi nhớ công
đức của nhà vua. Đi đến đâu ngài cũng được thần dân tiếp đón nồng hậu. Đức vua
mỉm cười mãn nguyện thúc ngựa về triều.
Vừa
đến cửa ngọ môn, đã thấy vị cận thần đứng đợi, đức vua liền phán:
-
Ở triều có việc gì thế hở hiền khanh?
-
Tâu bệ hạ, thái hậu cho vời người về vẽ chân dung để sang cầu hôn cùng công
chúa xứ “Mặt Trời Lặn”.
-
Khanh không nhắc, ta mải đi đó đây mà quên mất. Theo khanh, ta có thể lọt vào
mắt xanh nàng chăng?
-
Muôn tâu, một vị vua trẻ của đất nước giàu mạnh lại khôi ngô tuấn tú như ngài,
dù khó tánh đến mấy công chúa cũng vui lòng nhận lời.
Nhà
vua cười vui vẻ:
-
Rất tiếc khanh không phải là công chúa. Ta nghe nói công chúa xinh đẹp lắm
nhưng tính nết rất kiêu ngạo. Nàng đã từ khước biết bao vương tôn, công tử rồi.
Đoàn
sứ giả nước Thịnh Vượng lên đường cầu hôn. Nhưng cũng như những người khác, đức
vua Thịnh Vượng lại bị công chúa từ hôn. Việc triều chính đã có mẫu hậu coi
sóc, nhà vua lại lên đường quyết chinh phục bằng được nàng công chúa kiêu ngạo.
Một
mình nhà vua đến biên giới hai nước. Nơi đây, nhà vua thấy một người thợ đóng
giầy bên nước “Mặt trời lặn” vượt biên giới sang nước Thịnh Vượng nhảy múa ca
hát. Nhà vua lấy làm lạ hỏi anh ta:
-
Tại sao anh lại phải qua đây ca hát?
-
Nước tôi, nước “Mặt trời lặn” nhà vua cấm không được ca hát. Vì thế lâu lâu tôi
phải qua nước Thịnh Vượng ca hát cho đỡ buồn.
Nhà
vua kết thân với anh thợ giầy. Nhà vua đổi bộ đồ sang trọng của mình lấy bộ đồ
xấu xí của anh thợ giầy và nhờ anh ta đưa mình đến kinh đô. Nhà vua tìm đến
cung điện của công chúa. Đó là một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ. Xung quanh là
một khu vườn cực kỳ xinh đẹp, đầy hoa thơm cỏ lạ. Đang tha thẩn nhà vua chợt
giật mình khi giai nhân xuất hiện. Công chúa từ trong lâu đài bước ra, tay đang
tung quả bóng màu duyên dáng. Trật tay, quả bóng rơi, công chúa truyền:
-
Nhặt bóng cho ta.
Thế
là có ba vị quan nịnh thần chạy a đi lượm rồi đưa trả lại thật kính cẩn. Công
chúa đi đến đâu ba quan nịnh thần đi đến đó. Một lúc, công chúa bực:
-
Các khanh có điều gì thưa cùng ta không?
-
Thưa không ạ.
-
Vậy các khanh hãy lui ngay.
-
Xin vâng.
Công
chúa mỗi lúc một tiến lại gần chỗ nhà vua Thịnh Vượng, tay vừa tung quả bóng thật nhí nhảnh, xinh đẹp.
Lặng
ngắm công chúa, nhà vua thầm công nhận, nàng quả thật cực kỳ kiều diễm. Từ cái
dáng người thanh nhã uyển chuyển đến phục sức lộng lẫy duyên dáng, suối tóc
vàng rực rỡ óng ả đổ trên bờ vai tròn lẳn.
Công
chúa lại trật tay, quả bóng lăn qua rào chạy gần đến chỗ vua Thịnh Vượng đang
đứng.
-
Nhặt bóng cho ta.
Công
chúa truyền lệnh khiến nhà vua như chợt tỉnh, nhìn quả bóng rồi nhìn công chúa.
Người đẹp đầy kiêu căng thấy lời truyền của mình không được thực hiện, đôi mắt
xanh mở to ra kinh ngạc, đôi mày liễu cau lại, đôi môi hồng bật mạnh lời truyền
thứ hai:
-
Nhặt bóng cho ta.
Chàng
thanh niên vẫn trơ trơ khiến nàng tức giận.
-
Nhặt bóng cho ta! Người đẹp thét.
Chàng
thanh niên lặng lẽ bỏ đi. Công chúa nhìn sững theo chàng vì lần đầu tiên nàng
bị chàng thanh niên từ chối không tuân lệnh nàng.
●
Nhờ
sự giúp đỡ của người coi vườn thượng uyển, sau đó, nhà vua Thịnh Vượng trở
thành người làm vườn của công chúa.
Chàng
thanh niên khéo tay đã cắt xén, chăm bón khiến cho mảnh vườn đã đẹp lại càng
thêm đẹp.
Một
hôm chàng đang đưa gàu xuống ao sen trong xanh để múc nước tưới cây thì công
chúa bỗng chạy lại đưa chân truyền lệnh:
-
Buộc giầy cho ta.
Người
làm vườn như không nghe tiếp tục công việc của mình.
-
Buộc giầy cho ta.
Chàng trai buông một tiếng gọn lỏn:
-
Không!
-
Tại sao ngươi không buộc giầy cho ta? Ta đẹp, ai ai cũng phải vâng lời ta kia
mà! Biết bao nhiêu đức vua, hoàng tử lân bang sang cầu hôn cùng ta đều bị ta
khước từ. Đối với những người đó, ta sai phái điều gì mà họ không tuân? Được
phục dịch ta là điều vinh hạnh kia mà!
Người
làm vườn vẫn thản nhiên như không. Công chúa bước lại gần bờ ao soi bóng hình
kiều diễm của mình xuống đáy nước:
-
Ngươi hãy nhìn xuống nước xem, ta xinh đẹp hơn cả tiên nga nữa kìa.
Chàng
thanh niên không nhìn mà đưa gàu nước xuống quấy mạnh. Chiếc bóng công chúa tan
ra. Công chúa giận dữ chồm người tới định giữ tay người làm vườn lại, chẳng may
mất đà, nàng ngã mình rơi xuống ao. Đến khi đó chàng thanh niên mới đưa tay ra
dìu công chúa bước lên bờ và cúi xuống buộc giầy lại dùm công chúa. Quần áo ướt
sũng lết phết, công chúa bỏ chạy về hoàng cung. Chàng trai nhìn theo khẽ nở một
nụ cười.
Từ
ngày đó, công chúa nhận thấy sự khác biệt giữa chàng trai làm vườn với mọi
người xung quanh mình. Chàng ta không phục tùng nàng như mọi người, chàng chỉ
giúp nàng lúc khó khăn. Công chúa nhận thấy có phần cảm mến người làm vườn.
Công chúa thường ra vườn chơi, trò chuyện cùng chàng.
Một
buổi nọ, công chúa thấy người làm vườn cầm trên tay một đóa hoa thật lạ lùng.
Cánh hoa trắng muốt run rẩy thành những lời ca tuyệt diệu, thánh thót trầm bổng
như tiếng đàn thần tiên. Công chúa ngồi xuống bên cạnh chàng và hỏi:
-
Hoa gì thế?
-
Đóa hoa biết hát.
-
Cho ta được không?
-
Không được.
-
Vì sao thế?
-
Vì người nào giữ nó mà kiêu ngạo nó sẽ không bao giờ hát.
-
Ta thề với ngươi là ta không kiêu ngạo nữa, ngươi hãy cho ta đi!
-
Thề cũng chưa được mà phải thực hiện mới được.
-
Ừ, thì rồi ta sẽ làm nữa.
-
Đóa hoa đây, nàng hãy nhớ lời, khi nào nàng hết kiêu ngạo thì nó mới hát.
Được
hoa, công chúa sung sướng vô cùng. Nàng chạy về hoàng cung và chưng nó trong
phòng của mình. Công chúa đốt nến sáng rực và nàng ngồi bên hoa chờ nghe tiếng
hát huyền diệu. Chờ mãi, hoa vẫn không hát.
-
Hát đi hoa ơi! Hát cho ta nghe, ta sẽ nhớ lời chàng dặn, ta sẽ không còn kiêu
ngạo nữa đâu.
Đóa
hoa vẫn im lặng, chờ mãi đến khuya, hoa cũng không hát, nàng đem đóa hoa đặt
ngoài cửa sổ. Ngồi bên đóa hoa, công chúa mệt mỏi ngủ quên. Sáng dậy, chàng
trai làm vườn đi ngang qua lúc công chúa vừa choàng tỉnh dậy. Nàng đã tặng
chàng một nụ cười tươi thắm nhất. Chập sau, chàng đang trồng mấy nhánh hoa thì
công chúa chạy ra. Nàng vui vẻ nói:
-
Ta còn kiêu ngạo hay sao mà suốt đêm hoa không hát?
-
Đúng như vậy.
-
Ta đem ra đây cho người để nó hát nghe nhé.
-
Tôi còn bận trồng hoa.
-
Tôi sẽ trồng giúp chàng cho nhanh rồi nghe hát vậy.
Công
chúa nhanh nhẩu ngồi xuống cùng trồng hoa. Chàng thanh niên vui vẻ chỉ dẫn công
chúa cách trồng. Đây là công việc lao động đầu tiên mà nàng công chúa kiêu ngạo
bắt tay làm. Lúc đầu, công chúa ngỡ ngàng. Một lúc sau quen dần, mái tóc thề
dài lòa xòa trước mặt, công chúa đưa ngay bàn tay đầy đất cát lem luốc mồ hôi
vén lên. Gương mặt ngọc lấm tấm bụi bùn càng xinh đẹp lạ! Chàng thanh niên làm
vườn nhìn lên nhoẻn cười vui vẻ. Bên hồ sen thuở nào, công chúa lại soi bóng
mình ở dưới nước với gương mặt nhễ nhại mồ hôi. Nhìn xuống mặt hồ, chàng trai
nói:
-
Công chúa như thế này nhà vua Thịnh Vượng chắc càng say mê hơn.
Công
chúa mỉm cười xinh xắn, duyên dáng và đưa tay vục nước rửa mặt, xóa tan bóng
mình… Cũng từ đó, đóa hoa biết hát cất cao lời ca và tiếng hát trái tim của
người thanh niên làm vườn cùng công chúa kiều diễm cũng đồng thời cất cánh.
Ngỡ
rằng đóa hoa đẹp chưa chủ cho nên bướm ong cứ lại đi về. Hoàng tử xứ “Mặt trời
mọc” nghe tiếng công chúa xinh đẹp nên đích thân đến cầu hôn. Lòng công chúa đã
gửi trọn cho chàng trai làm vườn nên nàng không chịu diện kiến hoàng tử. Lần
đầu tiên, nhà vua ra lệnh cho con gái phải tiếp đón hoàng tử. Để cho hoàng tử
chờ đợi mỏi mòn, công chúa mới chịu dạo gót sen ra mắt. Nàng rực rỡ hơn cả vầng
thái dương khiến hoàng tử xứ “Mặt trời mọc” ngây ngất. Chàng quỳ xuống chân
người đẹp và cầu xin tình yêu của nàng. Công chúa cầm đóa hoa biết hát trên tay
đưa lên miệng khẽ hôn và nói:
-
Chừng nào đóa hoa này không còn hát nữa, trái tim ta ngừng đập ta mới hết yêu
thương chàng.
Thoáng
nghe, hoàng tử tưởng lời nói đó công chúa dành cho mình nên vô cùng sung sướng.
-
Vậy, ta là người hạnh phúc nhất trên đời, ta được nàng yêu.
Nghe
thế, công chúa liền ngắt ngang:
-
Không, hoàng tử lầm rồi, lời nói đó ta dành cho chàng trai làm vườn thân yêu
của ta.
-
Công chúa nói sao? Nàng yêu tên làm vườn à? Hắn có gì mà nàng yêu mến? Còn ta,
ta có cả giang sơn hùng vĩ, có của cải đầy kho, có thần dân phục tùng đông đúc.
-
Những thứ hoàng tử có ta cũng có, còn đôi bàn tay lao động sáng tạo của chàng,
cả khối óc thông minh nữa thì hoàng tử không có, và đối với ta, ta chỉ cần bấy
nhiêu thôi.
Tin
công chúa yêu người làm vườn khiến vua cha tức giận. Nhà vua bắt buộc nàng phải
sánh duyên cùng hoàng tử xứ “Mặt trời mọc”. Công chúa một mực chối từ. Nhà vua
ra lệnh tuần tới hôn lễ giữa công chúa và hoàng tử xứ “Mặt trời mọc” sẽ được cử
hành.
Công
chúa tìm gặp chàng trai làm vườn báo tin cho chàng biết. Để thử lại tính kiêu
ngạo của công chúa ra sao, nhà vua Thịnh Vượng nói:
-
Ta là một người làm vườn nghèo, nếu công chúa thật lòng yêu ta hãy cùng ta trốn
khỏi hoàng cung.
•
Triều
đình xứ “Mặt trời lặn” náo động khi được hung tin công chúa đã trốn theo người
làm vườn. Nhà vua truyền lệnh cho ba quân phải đuổi theo bắt cho được công chúa
và gã làm vườn. Nhiều đội kỵ binh chia đi khắp các ngả truy tầm. Bị đuổi nồ
quá, công chúa và người làm vườn lên núi trà trộn vào số dân đang đốn củi đốt
than. Đuổi đến đó, không thấy hai người, bọn quân sĩ chạy lên núi tìm. Tông tích
bại lộ, hai người được dân làm củi dắt chạy lại đường be. Ở đây, người ta đang
lao gỗ xuống dòng sông dưới chân núi. Khi hai người ngồi vững chắc trên cây be
thì người ta lao cây be đi. Cây be lao từ trên núi xuống vun vút. Công chúa vô
cùng sợ hãi nhắm nghiền mắt lại, tay bám chặt người làm vườn. Không chút sợ
hãi, chàng thanh niên ngồi đĩnh đạc như trên mình ngựa. Ngoái đầu lại xem, quân
lính cũng cưỡi trên một cây be khác đuổi theo. Khi cây be lao tòm xuống sông,
chàng thanh niên tức tốc dìu công chúa lội ngay vào bờ rồi tiếp tục chạy. Quân
lính nhà vua rơi xuống và được một bữa uống nước no, suýt chết.
Người
làm vườn (hay nhà vua cũng thế) dẫn công chúa chạy lạc vào rừng. Chiều xuống,
mệt mỏi lẫn đói khát, hai người dừng chân lại nghỉ ngơi. Họ tìm trái rừng ăn đỡ
đói và lấy nước suối trong mát giải khát. Cái gì cũng làm cho công chúa lạ lùng
và thích thú. Lần đầu tiên rời cung điện sống với núi rừng, đêm tối làm cho
nàng lo lắng sợ hãi. Công chúa mở to đôi mắt nhìn vào khoảng tối. Một đốm lửa
lập lòe sà vào mặt nàng. Công chúa hoảng hốt ôm choàng người làm vườn hét to:
-
Ma…
Giữ
chặt nàng trong tay, người làm vườn bảo:
-
Không phải ma, đom đóm đó mà.
Sự
trầm tĩnh của chàng khiến công chúa thấy an lòng, tin tưởng, ngủ một giấc dài
thanh thản.
Nhà
vua dẫn công chúa tá túc ở trong ngôi nhà có cối xay lúa mì.
Công
chúa tự tay mình giặt giũ quần áo. Vừa làm, công chúa vừa ca hát véo von. Những
con cá nhỏ dưới sông bơi lội tung tăng như nhảy múa theo lời ca dịu ngọt của
nàng. Công chúa không ngờ lúc đó có một cặp mắt bí mật theo dõi nàng. Khi nhận
ra đích thị là công chúa, tên nọ theo bén gót công chúa. Phát hiện ra nhà nàng
ở, nó về phi báo lại và quân lính đến bao vây ngôi nhà xay bột mì. Công chúa
đang cho bột vào bao, thấy binh lính tràn vào, nàng nhanh nhẹn úp mặt mình
xuống bột rồi ngẩng lên. Mặt mũi công chúa dính bột trắng xóa làm quân lính
nhìn không ra bỏ đi luôn lên trên tầng cao. Chàng trai làm vườn đang điều khiển
cối xay bột, binh lính ào lên định bắt trói chàng. Chàng bình tĩnh rút kiếm ra
giao đấu. Công chúa lấy làm hồi hộp lo sợ cho chàng. Nhưng với những đường kiếm
chớp nhoáng lợi hại, chàng dần dần đẩy lui tên lính lại cái máng hứng bột.
Chàng gạt một kiếm, tên lính rơi vào máng và công chúa mở miệng bao hứng sẵn.
Thế là hắn lọt ngay vào bao và công chúa túm miệng bao cột lại liền. Chẳng mấy
chốc, hơn chục bao bột mì biết cử động nằm lóc ngóc. Cuộc giao đấu đang ở vào
lúc gay go, lưỡi kiếm của chàng thanh niên lướt nhanh từ đông sang tây, từ trên
xuống dưới vừa lả lướt, vừa oai hùng, trông thật ngoạn mục. Bỗng có tiếng vó
ngựa dồn dập phi đến. Tưởng viện binh triều đình, công chúa càng thêm lo sợ.
Một kỵ binh nhảy xuống ngựa chạy ngay vào và hô lớn:
-
Xin tất cả hãy dừng tay lại. Tôi tuân lệnh nhà vua xứ “Mặt trời lặn” đến đây để
đón công chúa và đức vua Thịnh Vượng về triều.
Thì
ra, sau khi công chúa trốn đi nhà vua được biết người làm vườn ấy lại chính là
vị vua nước Thịnh Vượng do một phái đoàn được thái hậu phái sang để giúp vua
Thịnh Vượng khi Người cần đến.
Lúc
ấy, công chúa mới vỡ lẽ ra. Nàng vô cùng sung sướng, nhưng nghĩ đến những lời
từ chối của mình trước đây nàng thấy ngượng ngùng khiến mặt nàng đỏ ửng dưới
lớp bột mì trắng.
Đoàn
người ngựa vui vẻ trở về triều đình. Người vui mừng, sung sướng hơn ai hết đó
là công chúa. Chàng trai làm vườn nàng yêu lại là một vị vua trẻ đẹp, thông
minh của nước Thịnh Vượng giàu có, hùng mạnh.
Trên
đường về nước nhà, vua Thịnh Vượng không quên anh bạn đóng giầy, ghé lại thăm.
Anh thợ giầy kinh ngạc vì không ngờ chàng lại là ông vua nước láng giềng dễ
mến. Anh thợ giầy được nhà vua giúp đỡ dần dần trở nên giầu có. Cũng từ đó, vua
xứ “Mặt trời lặn” thấy mình sai lầm nên đã bỏ lệnh cấm ca hát, nhưng đôi lúc
rỗi rảnh anh thợ giầy vẫn sang thăm chơi nước Thịnh Vượng.
Khi
vua Thịnh Vượng về đến nước nhà, hôn lễ của đức vua và công chúa diễn ra vô
cùng trong thể và thân mật. Dân chúng hân hoan chào đón vị mẫu nghi vừa xinh
đẹp, dịu dàng, vừa hay làm việc. Công chúa từ đó không bao giờ tỏ vẻ kiêu ngạo,
nàng sống thật gần gũi dân chúng, khuyến khích họ lao động. Riêng nàng, nàng
vẫn cùng đức vua chăm bón vườn thượng uyển của họ để những đóa hoa biết hát vẫn
còn cất tiếng mãi như hoa lòng của hai người. Vài năm sau, hoàng hậu hạ sanh
được một hoàng tử và một công chúa, cả hai đều thông minh đĩnh ngộ. Đức vua
Thịnh Vượng lại càng hài lòng về hạnh phúc của mình cũng như hạnh phúc, thịnh
vượng của thần dân yêu quí của ngài.
HỒNG TÚ VĂN kể
(Trích từ bán nguyệt
san Tuổi Hoa số 176, ra ngày 1-5-1972)