Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

PHẦN III_CÂY ĐÀN HUYỀN DIỆU


Từ đây bắt đầu cuộc đời vinh quang của Pa-ga-ni-ni. Tất cả những cuộc trình diễn của chàng đều được chào đón nồng nhiệt và tài năng chàng là một vì sao sáng chói giữa bầu trời nghệ thuật. Một hôm động lòng nhớ nhà, chàng muốn quay về thăm mẹ, thăm em và cha. Pa-ga-ni-ni đến Li-wuột-nơ thương lượng quá giang một chiếc thuyền buôn. Vừa bước lên thuyền, chàng cảm thấy một nỗi sợ hãi mơ hồ và muốn quay lại. Nhưng cánh buồm đã mở rộng và thuyền từ từ ra khơi. Giữa chừng, người thuyền trưởng nhìn trời rồi bảo :

- Chuyến đi này có vẻ không được yên lành. Thế nào cũng gặp một cơn bão lớn. May ra trời giúp chúng ta tránh khỏi nạn này.

- Thế sao ông lại cho thuyền ra khơi mà không nán lại chờ vài hôm nữa rồi sẽ lên đường ?

- Tại sao ! Tại mười ngàn con lạc đà của vương quốc xứ Thổ nhĩ kỳ mà thuyền tôi phải chở đầy khẳm gạo cho sớm đến nơi. Không đúng kỳ hạn là coi như mất toi hết cả vốn lẫn lời.

Pa-ga-ni-ni ngủ độ hai giờ thì nghe một tiếng động lớn thức tỉnh chàng dậy và chàng bị ném mạnh vào mạn thuyền. Chiếc thuyền đang trôi giữa những cơn sóng cuồng điên. Chàng bèn tìm cách bò lên trên boong. Một cảnh quái đản hiện ra ở trước mắt chàng.

Mặt trăng tròn đầy sáng chói trên những lượn sóng xao động, thỉnh thoảng bị những đám mây che phủ rồi trăng xuất hiện, điểm bạc muôn ngàn đỉnh sóng sùi bọt nhấp nhô. Tiếng rền của sóng, tiếng hú của gió vang động liên hồi phủ đầy cả khoảng không gian. Đoàn thủy thủ tấp nập làm việc như trong cơn sốt cuồng nhiệt. Pa-ga-ni-ni đứng nhìn cảnh ấy và bị thu hút trong sự sôi động hãi hùng. Một tiếng ì ầm từ xa nghe như muôn ngàn tiếng trống thúc dồn và những đống nước ào ào chạy đến như muốn nhận chìm chiếc thuyền nhỏ bé. Gió bão làm cho rối bù đầu tóc của người nhạc sĩ và nước biển bắn vọt lên tẩm ướt mình chàng. Một sự rúng lạnh chạy khắp toàn thân, thốt nhiên Pa-ga-ni-ni có cảm tưởng rằng linh hồn của mình đã tách rời khỏi thể xác tan chìm trong quang cảnh hỗn độn vây quanh. Tất cả những nỗi sợ hãi, yếu hèn, đều vụt biến tan. Pa-ga-ni-ni hiểu rõ vật gì đang chiếm lấy mình với sự hung bạo lạ thường : đó là âm nhạc, nguồn nhạc sơ khai thể hiện trong muôn ngàn âm thanh mà những con người không sao nghe thấy. Lời ca man dại của biển cả, tiếng hú lồng lộn của gió khơi, trở thành một bản hoà tấu kỳ diệu, miên man, bất tuyệt.

Vừa trong lúc ấy một tảng nước lớn giáng xuống người chàng, đánh chàng ngã quỵ ở trên mặt thuyền. Vừa mở mắt được, chàng thấy mặt trăng ra khỏi mây mù đang bị xua đuổi bởi cơn gió bão. Những bức trường thành kỳ quái màu xanh trong suốt hiện lên khắp ngả, rồi một luồng gió bạo cuồng xé toang cánh buồm lớn rộng, xô đẩy con thuyền chao đảo hẳn về một bên. Pa-ga-ni-ni nghĩ thầm : “Phen này ắt không thoát khỏi nạn rồi.” Và nỗi khiếp hãi thình lình hiện đến vò nát lòng chàng khi chàng nghĩ đến cây đàn huyền diệu. Cố thu hết những sức lực còn lại, chàng tìm cách bước xuống thuyền giữa sự chao đảo mỗi lúc dồn dập và mạnh mẽ hơn. Nước đã tràn ngập trong khoang, và trong giây phút, Pa-ga-ni-ni mơ hồ nghĩ rằng chiếc đàn vĩ cầm sẽ lôi kéo cả chiếc thuyền chìm sâu xuống nước. Cây trăn đã mọc từ lâu trong nước và chất gỗ nó làm nên chiếc vĩ cầm muốn quay về lại với cái bản thể của mình. Chiếc thuyền sẽ làm một cái quan tài chôn cất vĩnh viễn Pa-ga-ni-ni và bạn đồng hành.

Giữa cơn suy tưởng ấy, một đợt sóng lớn băng qua mạn thuyền xô dạt một số thủy thủ ra ngoài biển khơi. Những tiếng kêu mơ hồ vẳng lên chìm ngập trong tiếng ồn ào vang động như nơi địa phủ. Như một cái máy, Pa-ga-ni-ni cúi lượm một mảnh ván lớn rơi dưới chân mình, quờ lấy chiếc dây quấn nó vào người thật chặt. Chỉ vài giây sau, một tiếng hãi hùng thoát ra từ miệng những người còn lại. Một luồng sóng lớn giáng mạnh xuống boong thuyền, rồi một luồng nữa, và một luồng nữa, chiếc thuyền tan vỡ bị nhận chìm sâu dưới lớp sóng dồn. Pa-ga-ni-ni bị cơn nước xoáy cuốn đi như một chiếc lá. Bọt trắng xoá mờ chung quanh và cả không gian đầy tiếng kêu gào gầm thét. Qua những vực sâu hoặc bị ném lên tầng cao, chàng không còn đủ sức năng nghĩ tưởng việc gì, chỉ biết bám chặt vào mảnh ván kia bằng cái sức mạnh của một bản năng tự vệ.

Khi choàng tỉnh dậy, Pa-ga-ni-ni nghe đầu đau nhức như búa bổ và tưởng mình còn đang sống giữa vùng trời nước bao la đầy những sóng cuồng gió loạn. Nhưng không, bàn tay của chàng chạm phải đất liền và trong bóng tối chàng nhìn thấy những đốm sáng li ti chập chờn trước mắt. Một đôi tiếng người vọng lại và khi chàng định thần được để nhìn chung quanh mới hiểu nơi mình rơi vào là một động đá có vẻ là nơi thờ tự. Ngọn lửa dần dần được khơi sáng lên và một tiếng hát cầu kinh vang dậy chập chờn ở trong hang động. Một người tuổi tác cao lớn, mặc toàn đồ đen, vừng trán phủ chiếc khăn trắng, theo sau một số đàn ông, đàn bà, tiến đến bảo chàng :

- Những người ở đây đã tìm gặp anh ban sáng ở trên bãi bể. Trọn cả ngày nay anh mê thiếp tưởng không có hy vọng gì sống được. Chúng tôi đã thay quần áo và tìm cách cứu mạng sống cho anh.

Bây giờ Pa-ga-ni-ni mới chú ý đến quần áo của mình, một bộ quần áo sờn cũ của kẻ chăn trừu. Chàng hỏi :

- Các ngài là ai ? Và đây là đâu ?

Lập tức một người to lớn với một khuôn mặt đầy sẹo, cất lời :

- Thưa sư trưởng, tốt hơn đừng để cho thằng nhỏ nầy sống sót, chỉ sợ nó lại phản bội chúng ta.

Và một số người phụ hoạ :

- Giết đi ! Giết nó ngay đi.

Người già ban nãy bỗng thét lên những tiếng căm phẫn lạ thường :

- Các người đã quên hẳn rằng tình thương những kẻ khốn khổ là một đại luật mà chúng ta nguyện suốt đời noi theo hay sao ? Người tuổi trẻ nầy chỉ cần đến nơi cầu nguyện với ta và thề rằng gã sẽ không tiết lộ những gì đã nghe đã thấy nơi đây. Chúng ta tin rằng những kẻ phản bội lời thề tất nhiên phải chịu một sự trừng phạt do cái uy quyền thiên lý công minh.

Người có vẻ mặt hung dữ lúc nãy tiếp lời :

- Chỉ cần một sơ suất nhỏ của nó cũng khiến chúng ta đi vào tù ngục hay chịu cực hình.

Nhưng người sư trưởng với giọng quyền hành đầy vẻ xót thương dõng dạc truyền lịnh :

- Hãy làm những gì mà các người thấy thiêng liêng và xứng đáng nhất. Không ai lại bận tâm về nỗi khổ tương lai mà quên giải thoát nỗi khổ trước mắt. hãy cứu người này rồi sau đó sẽ định đoạt cuộc đời của gã cũng chẳng muộn gì.

Qua cách ăn mặc và cách phát biểu của người chung quanh, Pa-ga-ni-ni đoán chừng mình bị lạc vào giữa người Vô-Đoa phần đông là kẻ chăn cừu và sống bằng nghề săn bắn trong những dãy núi An-bơ, đã bị giáo hội La Mã kết án như là lớp người chạy theo Ma giáo. Dù quá mệt mỏi, chàng cũng cố ngước dậy nhìn chung quanh, thấy bức tường loang lổ, những bầy lừa san sát ngoài cửa mang những đứa trẻ ngủ thiếp trong những giỏ lớn trên lưng. Nhiều người đàn bà khóc lóc và những đàn ông có một vẻ mặt lầm lì quyết liệt. Người tuổi tác ban nãy có lẽ là kẻ cầm đầu những toán người này. Sau khi tập hợp các người quanh mình lại thành vòng tròn, sư trưởng bắt đầu một cuộc thuyết pháp. Ông ta mở đầu bằng một câu nói : “Niềm tin chân chính phải được chứng tỏ trong những hành động. Và hành động chân chính làm nên con người, trước hết là phải đùm bọc, bênh vực cho kẻ khốn cùng. Đoạn, với giọng nói cương quyết, nhưng thâm trầm, ông kể những nỗi gian khổ thường trực mà người Vô-Đoa chịu hằng ngày hơn là bất cứ một hạng người nào trên mặt đất nầy. Dứt lời, ông lấy miếng bánh khá lớn trong một trái bí khoét ruột, bẻ ra từng miếng phân phát chung quanh. Đoạn, vì thiếu vật dụng, ông cho chuyền một bình rượu để mọi người cùng uống lấy một ngụm. Người mặt sẹo ban nãy theo dõi rất kỹ để xem Pa-ga-ni-ni có dùng bánh, rượu hay không. Sau đó, toàn thể hát lên một bản thánh ca bằng giọng rì rầm đầy vẻ thành kính.

Tiếng hát vừa dứt thì bỗng từ xa vang dậy một tiếng súng nổ, rồi hai, rồi ba, rồi cả một loạt súng dài. Toàn thể bị khuấy động trong một niềm sợ hãi cực độ và một giọng nói vang lên : “Chúng ta bị nội phản rồi ! Trốn chạy đi thôi”.

Một bàn tay nắm lấy chiếc đèn bão ném vào thùng nước dùng để dội tắt đống lửa. Một cảnh hỗn độn điên cuồng bắt đầu diễn ra trong cảnh tối tăm. Mọi người tìm cách thoát về phía cửa. Những đứa trẻ con kêu khóc, những người đàn bà kêu gào. Một giọng trịch thượng cố gắng ra lệnh, ban hành trật tự, kỷ luật một cách tuyệt vọng. Một vài người khác chưởi rủa, chạy tìm khí giới giữa lúc bên ngoài tiếng súng mỗi lúc càng tăng. Trong sự xô đẩy cuồng loạn, Pa-ga-ni-ni nghe một người hỏi :

- Những tay súng ở Va-ti-căn bao vây chúng ta phải không ?

- Không phải, bọn lính ở Pi-dờ đó.

Giữa lúc chạy trốn, Pa-ga-ni-ni vấp phải tảng đá nhào trên mặt đất. Vừng trăng chưa lên và trong bóng mờ loạng choạng chàng thấy nhiều người lố nhố sau các lùm cây. Vừa gượng đứng lên, thì ba bốn người mặc đồ đồng phục mang súng trường lớn hiện ra trước mắt. Chàng thấy họ thổi cháy bùng ngọn đuốc trên tay và giữa ánh sáng hực đỏ Pa-ga-ni-ni nhận diện được người mặt sẹo vừa rồi và một người chăn cừu già bị còng tay lại, dắt theo phía sau.

Pa-ga-ni-ni cố gắng phân trần mọi lẽ nhưng các người lính tỏ ra không chút quan tâm. Họ dùng dây thừng trói ké tay chàng ra sau, rồi cả bọn kéo ra khỏi hang đá. Bỗng những viên đạn rít lên tới tấp xuyên qua những cành lá thông dày đậm. Một sĩ quan hét lớn :

- Khốn nạn ! Lũ chó dại ấy bắn về phía ta.

- Chúng có khí giới !

Pa-ga-ni-ni và các người kia bị đẩy gấp rút ra khỏi hẻm núi. Mệt lả, người như rụng rời, cuộc hành trình này là sự đày đoạ vô cùng não nề đối với sức khoẻ của chàng. Sau ba giờ đi mệt nhọc, số người bị bắt được đẩy lên một chiếc xe, cuối cùng đưa vào một trại giam lớn trong một thành lũy rất là kiên cố. Pa-ga-ni-ni không còn sức để nghĩ ngợi và chìm vào trong giấc ngủ nặng nề. Sáng ngày, một người đội trưởng vào đưa tất cả lên toà án binh. Đến phiên thẩm vấn, Pa-ga-ni-ni sau khi kể hết tên tuổi, lai lịch, chàng cố phân trần rằng mình là kẻ đắm tàu không thuộc môn phái Vô-Đoa. Nhưng vị chánh án, một viên đại tá mang đầy huy chương, hét lên :

- Mầy đừng kể chuyện cho trẻ con nghe như những mụ già lẩm cẩm. Người ta bắt mầy giữa các tín đồ với bọn đạo hữu của mầy trong một cuộc họp “thiêng liêng”. Vậy thì mầy phải chịu tội. Tuổi mầy còn nhỏ, toà án khoan hồng, tuyên phạt năm năm cấm cố.

*

Một thời gian ngắn sau đó người cai ngục Phrăn-xét-cô không ngăn được nỗi kinh hoàng. Nơi phòng giam cuối dãy, đêm đêm thường nghe nhiều tiếng quái gỡ vang lên, những tiếng chó sủa, những tiếng mèo kêu vừa dứt người ta chợt nghe gà gáy tiếp theo, những tiếng gà mẹ gọi con và tiếng rống dài của một bầy lừa. Toàn thể các tiếng động ấy vang lên hết sức tự nhiên khiến bọn cai ngục tin chắc rằng bầy quỉ sứ bắt đầu phá phách cơ trại của mình. Nửa đêm ông ta run rẩy chạy tìm những người lính gác phụ cận đánh thức họ dậy bằng những lời nói ngập nghịu và dáng mặt tái xanh.

Cuối cùng gã được biết rằng người chỉ huy già ở đây vừa cho tên tù trẻ mượn một chiếc vĩ cầm. Từ đấy, gã đờn mê mệt như kẻ điên loạn. Nhiều ngày Pa-ga-ni-ni gần như bỏ ăn, bỏ ngủ để đàn. Cây đàn được giao cho chàng tuy không bằng cây “huyền diệu”, nhưng cũng thuộc loại tiếng tăm, do một thợ đàn danh tiếng là Bec-công-xi chế tạo.. Thực không ai hiểu vì sao chiếc đàn như thế lại rơi vào tay một kẻ võ phu không biết âm nhạc, là viên chỉ huy của đồn trại này. Kể từ ngày ấy, Pa-ga-ni-ni dùng chiếc đinh đã sét rỉ, đợi hoàng hôn xuống, ghi một vạch ngắn lên bức tường đánh dấu một ngày chấm dứt, thay cho tờ lịch. Sau hai mươi lăm ngày giam không có chiếc đàn, khi người lính gác mang một chiếc vĩ cầm đến thì chàng tiếp đón lấy nó như người lữ hành chết khát ở giữa sa mạc đón tiếp một cái ốc đảo. Tay vừa chạm đến nhạc cụ, sự sống nơi người chàng bùng dậy một cách khác thường, và chàng vụt hiểu âm nhạc mới là cái gì thực tại đối với người chàng. Những âm thanh chàng gợi ra hàng ngày trên chiếc vĩ cầm đem lại lẽ sống cho những chuỗi ngày vô vọng. Đồng thời chàng cũng ý thức được rằng nghệ thuật mà lâu nay chàng hết sức tự hào vẫn chưa làm cho thoả mãn được chàng bởi vì chàng vẫn chưa có cách gì diễn tả được hết bao nhiêu uẩn khúc tình cảm tế nhị, bao nguồn cảm hứng dạt dào, bao nhiêu hiện trạng phức tạp của cuộc đời này.

Bây giờ chàng lại bắt đầu một cuộc tập dượt, không phải như một bậc thầy mà với thành tâm cố gắng của một học sinh. Từ lúc bình minh trời chưa hừng sáng, đến lúc hoàng hôn nhận chìm nhà ngục trong bóng đêm dài, Pa-ga-ni-ni cứ đàn tiếp tục, chỉ dừng lại trong thời khoảng ngắn ngủi để dùng thức ăn đạm bạc mà bọn canh ngục đưa vào. Nửa đêm, Pa-ga-ni-ni có thể choàng dậy để đàn, và tưởng chừng như có sức vô hình quỉ quái ám ảnh hồn chàng khiến cho cơ thể cử động không yên theo một sức năng diễn tả dạt dào. Cũng có nhiều lúc quá đỗi mệt nhọc, chàng muốn ngừng lại, nhưng các ngón tay như bị một sức phù phép điều khiển cứ bám chặt lấy cây đàn không chịu rời ra. Những phút bị sự lôi cuốn như thế, Pa-ga-ni-ni khóc ròng, quằn quại trong nỗi dày vò, bởi một sức mạnh ngoài sự chi phối của mình. Có lúc Pa-ga-ni-ni ngồi đàn suốt hai mươi tám giờ liền. Sau đó, chàng nằm phủ phục, gần như kiệt quệ.

Tháng năm cứ thế trôi qua, và một ngày nọ người chỉ huy trưởng già nua với chòm râu bạc làm lễ mừng ngày sinh nhật lục tuần. Giữa buổi dạ tiệc, “người nhạc sĩ điên” được cho gọi đến. Ban đầu Pa-ga-ni-ni diễn tả một điệu nhạc buồn sầu thảm, và tiếp sau đó những người tham dự sửng sốt tưởng chàng là cái kỳ quan thứ tám của thế giới này. Mười lăm ngày sau, người chỉ huy già đến tìm nhạc sĩ tận nơi ngục thất. Ông bảo :

- Xa người ta lấy làm buồn, nhưng cho ngươi được tự do, đó là điều ta sở nguyện. Ta đoán chắc rằng câu chuyện nhà ngươi nhập cuộc với bọn Vô-Đoa chỉ là việc làm điên rồ của tuổi thiếu niên.. Bây giờ ngươi được tự do ra khỏi nơi này, và cố chứng tỏ với thiên hạ rằng ngươi là nghệ sĩ lớn lao. Khi đã đạt được vinh quang, thỉnh thoảng có giây phút nào rảnh rỗi, ngươi hãy hồi niệm mà nhớ đến ta. Ngươi nhớ đến người chỉ huy già nua bị sự trừng phạt phải ra canh giữ chốn hoang vu này. Cây đàn vốn là kỷ niệm của gia đình ta, ta tặng ngươi làm kỷ niệm.

 _________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN IV

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>