Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

CHƯƠNG 10_HAI TỜ DI CHÚC II

 10


CUỘC HỘI KIẾN

Chiều hôm sau, khoảng ba giờ, Ái Lan đã đậu vespa trước cửa dinh cơ của gia đình ông Phạm văn Phàm đường Phan Đình Phùng.

Kiến trúc thật đồ sộ vĩ đại không nhằm đem lại tiện nghi khoa học, nhưng nặng về mục đích phô trương nên sự xây cất, thiết trí không có một chương trình kế hoạch rõ rệt. Khu nhà ở tọa lạc giữa một khoảnh vườn rộng lớn, bốn bên biệt lập, xa cách hẳn với các nhà hàng xóm, to lớn, cao ngất ngưởng, trông lúc nào cũng như có vẻ đe dọa đè bẹp những mái nhà thấp nhỏ cùng dãy. Một cái nhìn thoáng trên thảm cỏ trước nhà, bất cứ ai tinh ý một chút cũng có thể nhận ra được ngay cái đầu óc không hiểu gì về mỹ thuật của chủ nhân. Quả vậy ! Bể non bộ nuôi cá, góc nào cũng có ghế đá, tượng đá, voi sành nhan nhản khắp nơi, không theo hàng lối hay góc độ kỷ hà gì hết. Những tác phẩm mỹ thuật ấy, đem lại thoải mái cho trí óc và làm vui mắt đâu chẳng thấy, trái lại, chỉ tổ làm vướng lối đi và chướng ngại cho việc nhìn ngắm hoa cỏ thiên nhiên tươi đẹp rực rỡ trong vườn.

Ái Lan thầm thì tự nhủ :

- Vườn tược gì mà ngổn ngang loạn xạ !

Và chân em bước đĩnh đạc trên lối đi lát gạch bông trắng. Trước khi nhấc cái búa đồng xinh xinh bóng loáng để cho nó gõ xuống cái khay đồng, bộ đồ nghề thay thế nút chuông điện lại cũng nặng tính chất khoe khoang hơn là để tiện dụng, Ái Lan hơi khựng lại một chút khi chợt nghĩ đến giây phút hội kiến gay go. Nhưng chỉ mấy phút sau, em đã bình tĩnh... gõ búa đồng. Em thích thú với ý nghĩ tinh nghịch :

"Mình phải trổ tài ngoại giao cho cứng mới được. Nếu không cuộc mạo hiểm này sẽ chẳng đem lại được cái gì hay hết. Để họ thoáng nghi ngờ chủ ý của mình một chút là lập tức bị tống cổ ra ngay !"

Ngay lúc đó, một tay gia nhân quần trắng áo trắng, cổ cồn, là thẳng nếp, nét mặt lạnh lùng, mở cửa, tay còn đặt lên quả núm sứ, không nói không rằng, giương đôi mắt trâng tráo nhìn Ái Lan như muốn hỏi : "Đến có việc gì ?"

Ái Lan nói ngay :

- Anh nói giùm bà Phàm là tôi, tên Ái Lan, muốn gặp bà để bán mấy tấm vé số lấy tiền cứu trợ bão lụt !

Tên gia nhân quay vào, không quên khép cánh cửa lại, thông báo, và em phải đứng ngoài chờ có lệnh mới được vào.

Khi được đưa vào tới phòng khách, Ái Lan không ngăn được một cái mỉm cười tinh quái : "Cung cách đài các rởm, trưởng giả học làm sang phách lối này vẫn không khiến cho gia đình nhà ông Phàm được giới gồm những người đáng kính trọng tại Đà Lạt chấp nhận giao du thân mật, một điều mà hai vợ chồng và hai cô con gái trọc phú hằng mơ tưởng suốt ngày đêm".

Ái Lan loáng tia mắt quan sát gian phòng khách trang trí lòe loẹt như một cái sân khấu phường tuồng. Những tấm thảm Lào rất đẹp nhưng giăng mắc la liệt trông hoa cả mắt. Trên tường treo đầy những bức tranh vĩ đại đắt tiền khiến người ngó thấy có cái cảm giác như đang đứng trong một gian phòng triển lãm hội họa. Đồ đạc, bàn ghế, sa lông pha Tàu pha Tây lẫn lộn hợp với các món kể trên, biến cái phòng khách rộng mênh mông thành một gian hàng bán đồ tập tàng.

Ái Lan cũng chẳng cần để ý đến tính chất thiếu mỹ thuật của gian phòng khách. Ngay sau khi tên gia nhân vừa đi khuất, em đã đưa nhanh mắt nhìn bao quát mọi thứ đồ đạc bao quanh. Một cái đồng hồ treo trên tường làm em chú ý. Và Ái Lan tự nhủ thầm :

- Đồng hồ của cụ Doanh đây chắc ?

Nhưng em lại tự trả lời ngay :

- Ồ ! Không phải !

Quả thật, tuy cái đồng hồ cũng mặt vuông, nhưng kiểu mới trông rất tối tân, không có một điểm nào giống hình dáng cái mà bà cụ Sáu Riệm đã mô tả. Định tiến sát lại gần để coi cho rõ, đột nhiên có tiếng chân bước ở trong nhà làm em khựng lại. Nhanh nhẹn, Ái Lan ngồi ngay xuống một chiếc ghế ở kế bên, nét mặt thản nhiên bình tĩnh vô cùng.

Bà Phạm văn Phàm bước vào, xúng xính trong chiếc áo kimônô bằng lụa đen điểm những bông cúc vàng to bằng bàn tay một. Mặt bà ta hất lên, tia nhìn lạnh lẽo, chiếu thẳng mặt Ái Lan, không một chút thiện cảm :

- Cái gì ? Cô muốn hỏi gì thế ?

- Chúng tôi đến mời bà mua giùm mấy tấm vé số giúp bão lụt miền Trung...

Bà chủ nhà cắt ngang lời cô bé :

- Hả ? À, không, không bao giờ tôi lại phí tiền cho các người đi quyên giáo hết á !

Hơi giận bừng lên khiến Ái Lan nóng mặt :

- Thưa bà ! Giọng nói Ái Lan sắc như thanh nứa cật, tôi không quyên giáo mà tôi bán vé số giúp bão lụt miền Trung kia, thưa bà ! Chắc bà chưa biết tôi là con cái nhà ai nên có vẻ nghi ngại. Xin bà yên tâm ! Thưa, tôi là con của luật sư Đặng Quang Minh !

Bà Phàm đổi hẳn sắc mặt. Nội thành phố Đà Lạt này, ai còn không biết luật sư Minh. Gia đình Phạm văn Phàm lại còn biết rõ hơn ai hết, vì tài năng đức độ của ông Minh và nền nếp giáo dục con gái ông hấp thụ, đã khiến ông được mọi người trọng vọng như thế nào. Sự trọng vọng mà ông Phàm cùng bà vợ và các cô con thèm muốn như người khát, ao ước một ly nước cam tươi mát, nhưng chưa có hay không thể có được.

Bà ta giọng nói đổi khác hẳn :

- Chết chưa !... Vậy ra cô em đây là con gái yêu của luật sư Minh đấy ! Khổ, tôi đâu có dè... Cô tha lỗi cho tôi nhé ! Chỗ bà con quen biết cả đây mà ! Thế nào ? Cô em cần tôi giúp cái gì đấy ?

- Dạ ! Xin mời bà mua giùm cho mấy tấm giấy số giúp đồng bào bão lụt miền Trung đó thôi ạ !

Bà chủ nhà lúng túng :

- À, à… tức là mua mấy tấm giấy số này đây ! Ồ ! Chậc ! Chậc ! Bà tắc lưỡi thay cho lời nói không tìm ra ; chẳng hiểu... không biết, ông nhà tôi…

Dáng điệu ngập ngừng do dự, luống cuống của bà nhà giàu trông thật thảm hại. Bà mà từ chối không mua thì ngại làm phật lòng cô khách quý, nhưng nếu mua thì lại phải mở két tiêu tiền, một điều bà rất ngại, vì thói tật cố hữu của bà và cả gia đình vốn là... đại hà tiện. Cố gắng lắm, bà Phàm mới nói được :

- Vé số bao nhiêu tiền đó hả cô ?

- Dạ thưa, năm chục đồng một tấm ạ !

- Năm chục ? Trời ! Sao mắc dữ vậy cô ?

- Dạ thưa, đây là việc nghĩa nên giá tiền ghi trong vé số cũng chỉ để làm hình thức thôi đấy ạ ! Nhiều khách mua lại ủng hộ hàng trăm, hàng ngàn mà không lấy vé kia, thưa bà !

Bà Phàm đang định nói thì cửa ngoài bật mở. Tiếng Bích Mai, Bích Đào léo xéo ngoài hàng hiên. Hai cô gái thi nhau nói, chẳng cần biết có ai nghe không. Qua giọng nói gay gắt của họ, Ái Lan biết được ngay là chị em Mai , Đào đang bực mình về chuyện đến nhà ai đó mà lại không được chủ nhà tiếp.

Bích Đào như la lên :

- Chị người làm nói bà chủ đi vắng, nhưng em biết dư là bà ấy có nhà. Chính ra bà ta không muốn tiếp chị em mình nên lánh mặt đấy thôi.

Dứt lời, hai chị em đã vào tới phòng khách. Chợt trông thấy Ái Lan, hai cô gái ngây người ngạc nhiên, nhưng không một cử chỉ, không có một lời, dù chỉ là phép xã giao giả dối, chào hỏi người khách tới nhà, mà chỉ giương mắt nhìn trâng tráo.

Bà mẹ quay lại :

- Cô Ái Lan đây đang mời mẹ mua giùm mấy tấm vé số giúp bão lụt miền Trung, các con nghĩ sao?

Bích Mai buông sõng, giọng nói tàn nhẫn :

- Khỏi ! Đừng mua gì hết, má à !

Thì ra cô này vẫn để tâm việc can thiệp của Ái Lan vào vụ chiếc bình pha lê vỡ tại tiệm tạp hóa Toàn Chân ngoài công trường Hòa Bình bữa nọ. Và cô ta vẫn nhăm nhăm chờ có dịp để trả thù.

Bà Phàm không đồng ý với cô con gái cưng, nhưng lời phản đối của bà, nghe không có chút mạnh dạn nào :

- Má tưởng nên mua mấy tấm hả các con ! Có thể là một dịp hiếm có để được tiếp xúc với các vị tai to mặt lớn tại thị xã này đó ! Bích Đào, con nghĩ sao ?

Bích Đào lên tiếng gần như quát, cắt lời mẹ :

- Má nói cái gì đâu không à ! Chỉ uống tiền vô ích ! Ngày xổ sổ lại còn bày đặt chợ phiên ở sân vận động nữa ! Cái sân vận động cỏ mọc tùm lum ấy con không thèm đặt chân tới đó đâu ! Rồi má coi!

Bà mẹ quyết định... theo ý các cô con gái quý :

- Ừ ! Thế thì thôi ! Vậy mẹ không mua nữa ! Rồi quay sang Ái Lan : Thôi, cô bằng lòng vậy nhé, cô Ái Lan ! Các em chẳng đứa nào chịu mua cả !

Dứt lời, bà đứng lên. Cái cử chỉ ấy có một ý nghĩa mà Ái Lan biết được ngay là bà muốn nói : "Thôi, xong rồi, cô đi về đi !". Em cũng đứng lên theo, trong lòng tức giận khôn tả vì sự tống khách đột ngột khiến em không hy vọng đạt được mục đích thầm kín. Ái Lan chán nản quay ra. Đột nhiên em khựng lại : Ông Phạm văn Phàm đứng ngay trên ngưỡng cửa. Ông ta đến lúc nào chẳng một ai biết.

- Khoan đã, cô em ! Cô còn bao nhiêu tấm vé số tất cả ?

Ái Lan sửng sốt :

- Thưa ông, bốn tấm ạ !

- Thôi được, tôi lấy hết cho !

Rồi ông trịnh trọng lấy ví da trong túi áo, lôi ra một tờ giấy bạc 500 đồng đưa cho Ái Lan :

- Đây, tiền đây ! Cô cầm lấy, khỏi phải trả lại gì hết !

Giọng nói ông ta thật êm dịu, đúng là tiếng của kẻ cả rộng lượng bao dung, làm ra vẻ như không để ý gì đến vấn đề tiền bạc.

Bà chủ nhà trợn tròn mắt nhìn ông chồng :

- Ủa ! Mình điên đó hả ? Cái gì mà đưa cả năm trăm đồng bạc, dữ vậy ?

Phạm văn Phàm tiến gần lại, rỉ khẽ vào tai vợ :

- Mình không biết gì cả ! Mình điên đầu thì có chứ còn tôi thì ở đó mà coi tôi điên ! Này nhé ! Tụi mình từ bao lâu nay vẫn hì hục tìm cách làm sao cho được nổi danh một chút đặng dễ luồn lọt vào những chỗ khó khăn, tai mắt của Đà Lạt. Nay cơ hội nhất thời, không kiếm mà được gặp, sao lại để vuột mất. Hà ! Hà ! Năm trăm đồng bạc để được nêu tên tuổi trên mặt báo còn rẻ chán !

Dứt lời, ông nhà giàu để rơi mình phịch xuống một chiếc ghế bành bọc nhung, quơ tờ báo, gằm đầu coi mục... rao vặt. Biết ý chồng, khi đã chìm tia mắt vào tờ báo, soi mói tìm xem mục gì có thể tìm ra tiền thì không muốn bị ai làm rộn, bà chủ nhà đành giữ im lặng.

Trong khi đó, Ái Lan loay hoay tìm cách kéo dài thời gian nán lại, hy vọng thu lượm được một vài tia sáng về tung tích cái đồng hồ cổ của cụ Doanh.

Mấy phút sau, em đành lên tiếng :

- Xin phép ông bà ! Và cố gắng làm cho giọng nói thật tự nhiên, À, dạ thưa... bây giờ mấy giờ rồi ạ ?

Bích Mai giọng mỉa mai châm biếm :

- Trời ! Đồng hồ ngay trước mắt đó kìa !

Ái Lan cười :

- À, vâng ! Tôi sơ ý quá !

Rồi đưa mắt lên chiếc đồng hồ treo trên tường mà em đã thấy từ lúc mới bước vào, làm ra vẻ như mới nhìn lần thứ nhất, và quay lại ngó bà Phạm văn Phàm :

- A, dạ thưa đây có phải là cái đồng hồ cổ của cụ Doanh không ạ ? Tôi thích sưu tầm đồ cổ các loại lắm, thưa bà !

Bà Phàm giọng khinh bạc :

- Không, không phải ! Cái này đâu phải đồng hồ của bác Doanh ! Cái bác để lại cũ mèm so với cái này, mười phần, không được một !

Ái Lan khôn khéo lựa lời cố gợi cho bà chủ nhà nói thêm nữa về chuyện đồng hồ :

- Thế ạ ! Vâng, kể thì lắm khi cũng khó mà lưu giữ các đồ vật kỷ niệm của người thân sao cho khỏi áy náy ! Trưng bày thì cũ kỹ khó coi, mà cất biến đi vào xó xỉnh nào đó thì lại không nỡ, vâng!

- Cô em nói đúng đấy ! Nhưng cái gì kia, chớ cái đồng hồ cũ rích của ông anh chúng tôi thì thiệt tình nhét xó là tốt nhất, cho nó gọn mắt !

Bích Mai phụ họa :

- Úi chao ! Mẹ chất đống trong nhà kho những cái gì của bác Doanh mà tùm lum, mỗi lần phải vào lấy cái gì là ngại muốn chết luôn vậy đó !

Bà Phàm vẫn thao thao :

- Bởi thế cho nên, mẹ đã bảo tụi nó đem cái đồng hồ cũ của bác cùng một lô bát đĩa cổ là những đồ dễ vỡ xuống biệt thự ở Prenn rồi còn đâu !

Trừ Ái Lan ra, chắc tất cả mọi người hiện diện trong phòng khách lúc bấy giờ không ai ngờ rằng câu nói vừa rồi đã có một giá trị như thế nào : nó đã cho Ái Lan một tin tức thật quý báu trong việc truy lùng tung tích cái đồng hồ cổ của cụ Phạm Tú Doanh.

Ái Lan một lần nữa, lễ phép cáo từ ông bà chủ nhà và cám ơn sự giúp đỡ đồng bào bão lụt miền Trung của gia đình ông. Mấy phút sau, em đã chễm chệ ngồi trên chiếc vespa xinh xắn, trong lòng thư thái nhẹ nhàng. Em mỉm cười thầm nghĩ :

- Gia đình ông này khôn lắm, tính toán cũng khiếp lắm. Nhưng lần này mạt cưa gặp mướp đắng, kẻ cắp gặp bà già. Bốn tấm vé số này mới có 500... đồng bạc, mà đã la đắt. Không hiểu bà ta sẽ còn la trời cách nào nữa đây, khi nó làm tiêu luôn cả cái tài sản mà họ chiếm hữu của cụ Doanh?
___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 11
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>