Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Thư Cho Con Yêu Dấu



(Mến tặng: Hồ văn Hảo, Cao Đình Phần
Ngô Vĩnh Chương và Trần Hữu Tuấn)
 
Buổi chiều xuống thật êm đềm. Những vệt nắng vàng mong manh chiếu xuống ngọn keo xa trước nhà lấp lánh. Chú bé ngồi trên chiếc ghế buổi chiều ồn ào nhộn nhịp. Con đường đủ các thứ âm thanh góp lại. Tiếng chuông xe xích lô, xe đạp và tiếng cười của bọn trẻ vang trong gió. Bọn trẻ đang chơi trò năm mười. Bọn trẻ đã rủ chú cùng chơi nhưng chú từ chối, viện cớ rằng trông nhà cho mẹ làm cơm. Trong nhà có tiếng giấy bị xé sột soạt. Cậu bé em chú đang xé vở cũ để gấp những chiếc máy bay giấy. Có mùi chiên xào phía sau bay lên thơm phưng phức.

Chỉ còn một tuần nữa thì nghỉ hè rồi. Năm nay chú bé học bết quá. Cuối năm có lẽ cậu xếp hạng ba mươi trở lên là ít. Thế nào bố về bố cũng phạt và không cho quà nữa chứ! Bố đi hành quân lâu quá rồi, bố bảo tháng này bố sẽ về. Nhưng chưa có tin tức gì cả. Chả biết bây giờ bố ra sao nhỉ?

Chú bé nghĩ miên man. Có tiếng gọi dưới bếp vọng lên cắt ý nghĩ của cậu bé.

- Vũ ơi, dọn cơm ăn con!

Cậu bé dạ vang và nhảy nhanh xuống ghế bố. Vào nhà chú bé bảo em nhặt vội giấy để dọn cơm. Bữa cơm được dọn ra trên bàn. Những hạt cơm trắng vun đầy chén nghi ngút khói và hơi từ các đĩa xào bay lên. Chú bé chun mũi hít lia lịa và nhìn những làn khói tan trong gió. Em chú bé ôm chiếc thau đỏ từ dưới chạy lên nói như hét:

- Đi mua đá!

Thằng bé vừa ra khỏi nhà bỗng hét lên sung sướng:

- A bố về!

Nghe tiếng hét chú giật mình, bỏ vội mâm cơm bốc khói chạy ra ngoài:

- Bố về, bố về mẹ ơi!

Bố chú trở về như một vị thiên thần. Chiếc mũ bê rê trên đầu. Gương mặt bố cháy nắng. Bố chú cười. Bộ áo quần sũng ướt toát ra mùi ngai ngái. Trên vai bố là vòng hoa trắng. Sau lưng là ba lô và có cả súng nữa chứ. Thế nào em chú cũng bảo bố bắn cho bọn trẻ phục bố chú chơi, nhưng chú không thích trò chơi đó, lỡ... Bố đang cười với mẹ. Chú rờ khẩu súng và không nghĩ tiếp nữa. Khẩu súng bằng nhựa đen nằng nặng. Bố chú đặt vội ba lô lên bàn cơm. Bố quay lại nhìn chú cười toe. Chú cười theo. Bố chú hỏi:

- Bắn súng không?

Chú cười. Em chú cũng vừa mua đá về tới. Thằng bé hấp tấp bỏ vội thau đá lên sàn nhà rồi vòi vĩnh:

- Bố bắn thử đi bố!

Bố chú trả lời:

- Để tí nữa đã!

*

Hai anh em chú bé hỏi bố đủ thứ chuyện, bố trả lời không ngớt. Bố cười. Cuối cùng thằng bé đòi quà. Bố bảo, bố không mua kịp, vì máy bay về gấp nên bố không định trước và quên rồi. Thằng bé ấm ức. Thằng bé đòi bố bế. Có tiếng mẹ hét, để bố thay quần áo đã chứ! Áo quần vậy mà đòi ẵm. Ê lớn rồi! Mắc cỡ chưa!

Thằng bé đỏ mặt cười toe và hét toáng lên. Chú bé cảm thấy hạnh phúc tuyệt vời như những ánh nắng nhảy múa tưng bừng trong buổi mai. Ngoài đường bọn trẻ vẫn còn chơi năm mười và tiếng bọn trẻ la vang.

Buổi tối, mọi nhà đã lên đèn. Mẹ chú bé đang rửa bát phía sau. Ba bố con chú bé ngồi trên phản. Chú bé ngồi nhìn ra bầu trời đêm. Bầu trời xanh thẫm lấp lánh các vì sao. Bố đang đùa với em chú. Thằng bé chỉ lên tay áo trận bố hỏi:

- Cái gì đây bố?

- Cánh gà.

- Cánh gà là gì hở bố?

- Là thượng sĩ.

Thằng bé la:

- A bố được lên thượng sĩ hở?

- Ừ.

Chú bé chê:

- Bố yếu xìu hà! Đi lính mấy chục năm mà có thượng sĩ.

Bố chú bé cười. Chú hỏi:

- Bây giờ, bố bắn súng không bố?

- Để mai đã!

Thằng bé:

- Bố xạo, bố bảo tối bắn bây giờ lại không bắn.

Bố chú bé:

- Bắn súng, cảnh sát bắt bố, bố sẽ chết!

Thằng bé nhìn bi61 ái ngại. Rồi thằng bé em chú hỏi lại:

- Ngày mai bắn hở bố?

- Ừ!

Thằng bé hỏi tiếp:

- Thế bây giờ làm gì bố?

- Đi phố!

- Rồi làm gì nữa?

- Xi nê và ăn kem. Chịu không?

Hai anh em chú nhảy cỡn lên, quên cả việc đang ở trên phản:

- A nhất quá rồi!

Bố đi hành quân lâu nay anh em chú ít được đi bát phố. Thỉnh thoảng hai anh em chú đòi mẹ dẫn đi, nhưng mẹ bảo không có bố buồn lắm. Vì thế anh em chú quên việc bát phố đã hai tháng rồi.

Bố chú bé nói như hét:

- Coi chừng gãy phản đó nghe!

Thằng em chú la:

- Sức mấy bố!

Bố cười rồi bước vào trong. Hai anh em chú nhảy xuống theo sau như hai chiến sĩ đang vào nơi tử địa.

Bố chú nói:

- Đi thay đồ đi chứ!

Em chú trả lời:

- Con mặc đồ này được rồi!

- Con cũng vậy, ban đêm ai nhìn đâu bố!

Bố chú cười trừ, rồi bế xốc em chú lên hôn lấy hôn để. Thằng bé nhột quá cười sặc sụa, đòi xuống. Bố chú đặt em chú xuống, bố nói với mẹ lúc ấy từ dưới đi lên. Chú bé nhìn mẹ và bố, tưởng tượng ra cuốn phim chiến tranh sắp xem. Chú nhìn ra con đường. Con đường dưới ánh đèn vàng nhạt, chú thấy từng khoảng tối đen và vàng lẫn lộn. Con đường lưa thưa vài người qua lại. Chú tự hỏi: "Sao con đường ban đêm vắng hơn ban ngày nhỉ?" Chú không bao giờ trả lời được cả, cũng như câu hỏi mỗi khi có người hỏi về bố: "Chừng nào bố cháu về?" Chú bé nghĩ vu vơ. Có tiếng khóa cửa và tiếng mẹ bảo đi. Chú bé choàng tỉnh. Trên con đường em của chú đang được bố dắt đi dưới ánh đèn vàng. Chú chạy vội đi. Bóng chú ngã dài.

*

Bố về được hai ngày, hai ngày ấy bố đem lại niềm vui cho gia đình chú. Tất cả như được bừng sống dậy sau giấc ngủ dài bây giờ nhận được ánh nắng. Mẹ vui và cười nói luôn miệng. Bố có lần giỡn đã bảo, mẹ làm nũng với bố, mẹ nguýt bố và đấm lưng bố thùm thụp. Trong lúc đó, thằng em chú thương bố mua cho bố chè để bố ăn cho bổ. Chú bé bất giác nghĩ tới cảnh ấy chú bé chỉ mỉm cười.

Thế rồi, bố chú nghỉ phép trọn vẹn được hai ngày rồi bố chú lại ra đi. Vẫn chiếc ba lô cũ kỹ, vẫn đôi giày, cái mũ, cây súng trên vai. Bố chú đi vào buổi sáng. Hôm đi bố chú đã hôn chú và em chú. Bố bảo, ráng học nghe con, sẽ có quà cho con và nhớ viết thư luôn cho bố nhé! Chú buồn bã ậm ừ. Ngày bố đi, mẹ chú nhìn theo bố, hình như mắt mẹ ngấn lệ. Mẹ chú chỉ nói với bố vài tiếng rời rạc đứt quãng. Anh đi bình an! Bố thì cười. Bố lúc nào cũng cười. Có lẽ cười là thiên phú của bố.

Ngày đi, bố chú đi lầm lũi, đôi vai bố chú trũng xuống. Đầu tóc bố đã điểm màu bạc. Hôm đó chú nhìn theo bố cho đến khuất bóng bố bên góc đường.

Một tháng sau, chú bé viết thư cho bố.

Nha Trang, ngày... tháng... năm 1972

Bố kính mến!

Bố, lâu quá rồi con không viết thư cho bố. Hôm nay con mới viết cho bố ít dòng như lời bố dặn khi đi: "nhớ viết thư cho bố luôn con nhé!" Vâng, hôm nay con viết thư cho bố đây! Bố bây giờ vẫn khỏe chứ bố? Me vẫn thường bố ạ. Hồi sáng Liêm - tên em chú - không đi học được. Me bảo Liêm đau bụng lãi vì ăn nhiều cà rem. Mỗi ngày Liêm ăn cỡ mười cây đó bố. Con vẫn thường, trường con đã nghỉ hè rồi bố. Nhưng hằng ngày con vẫn cắp sách đến trường bố ạ. Me cho con học tư trường thầy Dự. Thầy Dự hiền lắm cơ! Thầy con có râu lún phún dưới cằm và có râu quặp trên mép trông ngộ lắm bố ạ. Liêm học trường ông Cụ. Ông Cụ già bắt quỳ sơ mít đó bố. Ghê lắm bố ơi! Bố, bây giờ ở trên đó mưa nhiều không bố? Chắc trời lạnh lắm bố nhỉ? Ở đây vẫn thường bố ạ! Thị trấn miền biển nắng cháy với từng cơn gió xôn xao. Buổi tối trời hơi nóng đó bố.

Bố ơi! Chiều chiều me thường khóc lắm bố ạ! Me bảo me nhớ bố. Bố! Cuối năm con xếp hạng 32. Me không khen con. Liêm xếp hạng 4. Liêm ỷ học giỏi về nhà nhõng nhẽo với me hoài bố ơi! Me chiều Liêm. Ghét ghê bố ơi! Me chẳng thương con bố ơi! Nhưng mặc, con chả cần phải không bố. Bố còn nhớ lời bố dặn con không? "Người con trai phải làm việc phi thường, phải lập kỳ công. Nhưng không cần nghe lời khen hay chê thiên hạ". Phải thế không bố? Con sẽ làm việc phi thường cho mẹ xem phải không bố nhỉ?

Bố, ngày xưa lúc đi bố hứa sẽ mua quà cho con bố nhớ mua và gửi về cho con bố nhá! À bố! Me mới mua một con chó bẹc-giê đẹp lắm. Con đặt tên nó là Bi-nô nghe bố.

Bố ơi! Bố cho con ngừng bút nghe bố. Con xin hẹn thư sau.

Cuối thư con kính chúc bố vui khỏe và gặp nhiều may mắn.

Con của bố.
Vũ (chữ ký của chú bé ngoằn ngoèo trên trang giấy trắng)

*

Nửa tháng sau. Một buổi tối. Dưới ánh đèn. Chú bé mở từng trang giấy xanh mực đen lấm tấm bụi. Bức thư của bố chú bé viết về cho chú bé.

Tây Nguyên, ngày... tháng... năm 1972

Vũ con!

Bố đã đọc hết thư con và bố buồn cười ghê con ạ! Con lớn rồi, tám tuổi rồi, tám năm dài trôi qua rồi đó con. Ngày xưa, bố lên tám tuổi của bố, bố còn ở trần đi chơi rong và đi chăn bò, chứ bố có được đến trường học như con bây giờ đâu con. Tuổi thơ của bố chứa đựng cả khung trời quê hương đồng nội. Bây giờ nói đến, bố nhớ tới xóm nghèo của bố, quê hương bố. Quê hương của bố gay gắt dưới cơn nắng hè và lạnh lẽo u buồn dưới bầu trời đông con ạ! Bố làm sao quên được quê hương bố con nhỉ? Bố sinh ra, bố lớn, bố trưởng thành nơi đó. Quê hương bố nghèo, bố phải đi chăn bò để đổi lấy miếng ăn, chứ đâu có thời giờ để học. Con bây giờ được sống trìu mến trong vòng tay mẹ và lòng thương yêu của bố bên cạnh em con. Có bao giờ mẹ lại không thương yêu con đâu con? Tình mẫu tử bao giờ cũng bất diệt đó con ạ! Nếu một ngày nào đó, con sẽ nhận thức được thì từ đó con sẽ thấy tội lỗi của con đối với mẹ con. Nhớ nghe con nhé! Lúc nào mẹ cũng yêu con. Chẳng phải mẹ ghét bỏ con đâu Vũ ạ! Hãy vâng lời mẹ và thương yêu Liêm. Liêm nhỏ hơn con, con phải nhường nhịn em con, bênh vực em con, con nhé! Ngày xưa bố có nhiều anh em lắm con ạ! Chú bác và bố luôn luôn nhường nhịn lẫn nhau, bênh vực nhau thế nào cho ông bà nội con vui, chú bác và bố mới yên lòng. Bây giờ con được sống trong tuổi thơ ngọt ngào sữa mẹ, tuổi thơ của con có thiên đường, có bà tiên nhân ái. Tuổi thơ của con như hương mật ngọt, như tiếng sáo diều đêm hạ. Còn tuổi thơ của bố buồn bã lắm con ạ, buồn bã như mưa đông rả rích. (Chả phải bố dùng sáo ngữ với con đâu). Tuổi thơ của bố không có dòng suối ngọt, không có cỏ xanh mượt như nhung. Tuổi thơ của bố âm thầm theo dấu chân của bác nông phu, của con bò vàng theo dấu cày sâu cuốc bẫm, theo mùa ngai ngái của đất ủ, bố chả biết chữ u, ư, hay i, t là gì cả con ạ! Tuổi thơ của bố xấu số! Bố lúc ấy như một người mù dù mắt bố trông rõ và sáng lắm. Tuổi thơ của bố không được may mắn, bố chỉ biết thụ hưởng tuổi thơ của bố thôi con ạ! Vũ ơi! Con hãy hưởng trọn tuổi thơ của con, con nhé! Hãy hưởng cho hết niềm vui bất tận đó. Hãy ráng học nghe con. Con hãy noi gương em con Vũ nhé! Sự học không phải là một canh bạc chỉ mong vào đỏ đen và may rủi. Không phải thế đâu con! Con đã hiểu chứ. Sự học không có tính nút như bài cào ba lá. Con đã thua Liêm rồi đó con. Con có biết: "Học thức là cái chìa khóa để mở được mọi cửa." Cố lên con.

"Cố lên, tên lính nhỏ trong đoàn quân lớn lao kia! Cố lên con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề là tên lính hèn nhát." (1)

Vũ ơi! Học vấn con cao, lớn lên có thể con là vị tổng thống nhân từ, sáng suốt, thương yêu quốc dân, hay một vị thủ tướng khả ái hiền hậu. Bằng ngược lại con sẽ nhận lấy hậu quả, con sẽ làm một tên lính tầm thường như bố: "Trong thời chiến một tên lính chỉ là con số không vô tận con ạ. Hay khác nữa con sẽ làm một người thợ tầm thường, một bác làm công cho chủ. Vinh hay nhục hở con?

Việc phi thường của con đâu hở Vũ? Kỳ công của con đâu hay chỉ là một con số không nằm trong óc con, trong vở con, hở con?

Cố lên nghe con, thất bại là mẹ thành công đấy con ạ! Thua keo này con sẽ bày keo khác. Nghị lực của con có thừa. Đường đời của con còn dài. Nhớ nghe con, hãy làm một vị tướng anh hùng chứ đừng làm tên lính hèn nhát. Đừng buồn con nhé!

Vinh hay nhục: hai con đường, con hãy chọn lấy.

Thư bố dài, bố ngừng bút nơi đây con nhé! Hẹn con thư sau. Bố đã mua quà cho con rồi, sẽ có. Cho bố gởi lời khen Liêm con nhé.

Cuối thư bố chúc con khỏe vui và học giỏi.

Hôn con ngàn lần.

Bố yêu quí của con.
Thượng sĩ: Ngô Đại Danh

*

Chú bé xếp bức thư của bố rồi ngẩng lên nhìn bức ảnh bán thân của bố treo trên tường. Bên ngoài bầu trời xanh thăm thẳm. Sông ngân hà lấp lánh. Gió vi vu thổi. Từng giọt nước mắt lăn dài trên đôi má hồng của chú long lanh.
 
 
NGÔ NGỌC BÍCH      
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 67, ra ngày 3-12-1972)

_______________ 
(1) Trích "Tâm hồn cao thượng"
Hà Mai Anh dịch.

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

Lời Tạ Lỗi Với Em Thơ

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Thăm quê nghèo từ thuở chia xa
Mấy mùa rồi cây rừng thay lá
Nắng mưa anh vẫn dạt quan hà.
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Xuôi con nắng hạ ấm tình quê
Nghe lòng rộn rã niềm vui mới
Trinh trắng như còn tuổi ấu thơ.
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Rũ sương trên tóc ướt mẹ già
Mỗi sớm chiều âm thầm tựa cửa
Mà bóng chim chừng vẫn mịt mờ.
 
Anh muốn vân vê vạt áo nâu
Dãi nắng dầm mưa áo bạc màu
Đông nào mẹ chằm thêm manh vá
Anh nghẹn ngào lòng đã quặn đau.
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Nghe em ngọng nghịu chữ i tờ
Nhịp guốc dòn tan trong nắng sớm
Nghèo hèn nên mơ ước đơn sơ.
 
Anh giờ sóng nước một loài rong
Nhớ ngày tuổi dại vẫn thầm mong
Hồn anh lại trắng như trang giấy
Gối sách nằm mơ chuyện viển vông.
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Nhìn khói lên ôm ấp cau xanh
Quê Mẹ ta vẫn nghèo em nhỉ
Nhưng ấm tình người trong mái tranh.
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Tắm nước sông, ngồi gốc đa xưa
Giúp em làm con diều thật đep
Đợi gió chiều lên ở bãi sau.
 
Đã hứa một mai anh sẽ về
Lau bụi mờ trên khung ảnh cha
Mây chợt bay một chiều nức nở
Bóng mát đời anh cũng trôi xa.
 
Hứa nhiều nhưng anh vẫn chưa về
Tạ lỗi em thơ mỏi mắt chờ
Đất nước chưa nguôi cơn binh lửa
Anh ruổi dong biết đến bao giờ?
 
                                  BAN BỘI BỔNG
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 141, ra ngày 15-11-1970)
 

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Trên Quê Hương Ta Yêu Dấu

 

1
 
Tôi từ bỏ ruộng đồng đi lên mạn đê cao, đưa mắt nhìn sang bên kia sông. Nước thủy triều đang dâng lên theo con trăng mười bốn. Một vài chiếc thuyền tấp vào bờ. Bãi cói lấm láp bùn, đâm tua tủa lên không. Sóng gió dồn dập vỗ vào bậc đá bắc ra lòng sông. Tôi lang thang tìm vào một mái nhà cỏ làm quán nước ở bến đò. Mùi cám rang vàng ngậy và mùi lá gói bánh còn vương lại đâu đây. Con đường nhỏ về làng thưa thớt một vài người đi soi ếch nhái, ngâm lờ ban đêm. Cảm giác bâng khuâng và bình dị của người dân quê trong lũy tre xanh. Quê hương tổ quốc thân yêu nhất của tôi lúc này là đây. Suốt đời thơ ấu, tôi chưa bao giờ phải nghe tiếng súng. Tôi nhìn thấy cuộc đời thơ ngây và tuổi trẻ của đàn em lối xóm. Mẹ tôi may những chiếc áo chúc-bâu nhuộm nghệ vàng khè làm phần thưởng cho đứa con xưng tội lần đầu. Sân nhà tôi đêm trăng mười sáu có lũ con trai bẻ cành dâu chơi trò tìm dấu. Tôi chạy và ngã sưng môi, máu chảy loang ra vạt áo mới may. Và khuya lắm tôi mới dám  đi ngủ. Mẹ tôi soi đèn bắt muỗi cho tôi và tôi trộm nhìn thấy người nhíu mắt có vẻ không vui. Ai lớn lên cũng thấy đời mình có nhiều thay đổi mới. Tôi không mặc áo màu vàng nghệ nữa và trên đầu tôi không có hai trái đào lơ thơ nữa. Tôi nhìn thấy lũ con trai của bác Dương, người lính theo Tây từ Hải Phòng về. Chúng nó văn minh từ cái đầu, đôi dép cao su và bộ quần áo màu nhà binh. Tôi tự thấy mình không đáng đi chơi với chúng nó. Rồi khi dân vùng lân cận lánh nạn ở nhà tôi, tôi bắt đầu thấy cuộc đời mình nhuốm một chút không vui. Đêm tối, lũ trẻ hàng xóm đi ngủ sớm. Tôi men ra mấy đống rơm ở trước nhà ngồi hóng gió và nhìn đạn lửa bay xẹt trên trời cao. Tôi lo sợ cho anh Hưng phải đi vác súng đạn cho bọn lính Tây từ dưới bến đò lên đồn Kha Lý. Con chó mực sủa một hồi dài rồi trở vào thềm cao đi ngủ. Căn nhà năm gian im lìm tĩnh mịch. Mẹ tôi sửa soạn bữa cám heo sau hết. Tôi lại ngửi thấy mùi cám cháy, khê thơm phức pha lẫn với mùi lá bèo và những rêu rong chín ngút. Khi ấy thầy tôi từ xóm Đông về nhà. Cánh cổng bằng tre khép lại. Không khí ấm cúng ở bên trong. Chiếc đĩa dầu lạc đã cạn và ngọn lửa tàn dần. Chỉ còn một ngọn đèn chầu leo lét trên bàn thờ. Tôi ôm lấy hai ống chân thầy tôi để đánh đu và người bế tôi trên tay như đứa trẻ còn nhỏ lắm. Và ngay đêm ấy, không biết tôi có ngủ được hay không. Giấc mơ kinh hãi làm tôi bỏ nhà đi sang bên kia sông. Nơi đây là một đồng cỏ bao la bát ngát chạy dài tới chân trời xa tít. Đi hết cánh đồng lúa thơm hương là làng Cổ Am có nhiều nhà ngói cây mít. Những con đường cát mịn bò ngang dọc như một thành phố nhỏ. Mẹ và chị tôi thường đi đò sang cất hàng xén ở đây. Tôi biết những người dân Cổ Am phong lưu lắm. Họ ăn chơi như bậc vua quan vương giả. Về sau khi máy bay oanh tạc quê hương ấy, tôi mới biết nơi đây là lò lửa cách mạng. Cả làng ra tro và người ta đổ xô sang làng tôi. Ngày đêm  lửa đạn ngút trời. Người ta bồng bế nhau đi tìm nơi tạm trú. Bác Văn có người con gái tên là Nụ bị chết đuối trong khi chạy giặc. Sang đến nhà tôi, bác còn kêu gào như mụ điên. Bác chửi lũ Tây thực dân cướp con gái bác. Chồng bác mỗi khi được về thường đem theo hộp thịt bò và mấy ổ bánh mì. Bác mong chóng bình an, lũ Tây đi nơi khác để dân làng trở về lập nghiệp, khói lửa không còn nghi ngút nữa và ruộng cầy bắt đầu xanh um. Lũ trẻ con được ra đường hóng mát.

Từ khi bờ sông bên kia trở lại nếp sống bình thường tấp nập, nhà tôi vắng vẻ hơn. Bác Văn thuê đò trở về làng. Năm sau chiến tranh tràn tới bên này sông, những vườn cây trơ trụi. Những con đường vỡ toang nứt rạn. Tôi cảm thấy quê hương tôi bắt đầu đau xót. Lúa thôi lên đòng đòng. Bầy trâu ngơ ngác bên bờ nước ao tù. Nắng gay gắt hơn. Hàng quán trên đê vắng người. Chỉ có những người mũi lõ, tóc quăn nói chuyện bô bô, cười giỡn trong đó. Chị tôi về nhà không dám bán hàng nữa. Đêm tối mới thực là buồn tẻ. Tiếng giầy xăng-đá nện cồm cộp trên đường. Chó thi nhau đổ xô ra sủa. Mùi rượu nồng nặc bay theo gió vào trong xóm. Tôi thường nằm trong xó nhà, trùm chăn lên tận mắt để khỏi nhìn thấy những lỗ thủng trên mái nhà. Có đêm nào đó, tiếng súng nổ ở xóm Đông và ngày mai người ta thấy đám ma anh Tạo. Anh sợ Tây quá nên nấp vào chuồng trâu và bị bắn vỡ sọ. Vợ anh không dám khóc thành tiếng. Chúng tôi cầm cờ tang cho anh và khi hạ huyệt tôi thấy chị Tạo ngất đi.


2

Tôi ước ao một đêm nào không xa lắm, được làm con đường làng cát mịn. Không có một tiếng giầy đinh vang rền. Không có lũ tù nhân oan uổng bị người ta bắt đi, bắn thả trôi sông. Nhưng là một con đường bé nhỏ, bình yên có nhiều bóng cây mát dịu chẳng hạn cũng như một vài cụm dứa dại, một hai cây soan hoa tím hay hai bên trồng nhãn lồng rất ngọt. Mùa thu vàng chín, có những con chim đến tìm ăn và làm tổ. Đứng trước sự bất lực của mình, tôi cảm thấy mình càng nhỏ bé vô tận. Làm sao được vùng lên một chút như con sông kia cau mặt hờn giận. Làm sao được như hàng cây thiếu nước mà chết rũ, cũng là thái độ hờn căm. Ít ra được như loài chim xứ lạnh bay đi tìm đất sống. Nhưng không may tôi vẫn chỉ là con đường, một con đường phải thấy, phải nhìn, phải cam chịu định mệnh đau thương. Tổ tiên tôi, dòng tộc tôi, quê hương, dân tộc da vàng Việt Nam của tôi bị thiệt thòi nhiều quá. Cho đến hôm nay, tôi vẫn làm thân phận một con đường, vô tri vô giác của sỏi đá. Tôi điếc và đui mù què quặt, không còn hơi thở, cảm thông và hành động để phản ứng nữa.

Buổi chiều trăng đã lên rồi. Tôi ra bến sông nhìn về bên kia có đồng cỏ xanh tươi. Lũ mục đồng thưa thớt về thôn. Gió chiều từ mặt sông đưa lên mát quá, tôi nghe tiếng rì rào ở bên tai và ngửi thấy mùi bùn đất phù sa nồng nặc. Rặng lúa nằm rạp như tín đồ sám hối trong gian nhà thờ ở quê tôi. Từ xa lắm có tiếng chuông đồng trầm trầm cung kính. Lời kinh vực sâu xót xa cho người ra đi yên nghỉ đời đời. Tôi nghĩ đến anh Tạo, cô Nụ và biết bao anh em đồng bào tôi nằm xuống. Lòng đất này còn chuyển động và mùa thu ngọn cờ mình nhuốm máu. Ngày đó cây sậy bên sông cũng âu sầu đau khổ và tổ tiên còn hiện về như bóng ma. Con đường này không có vết chân người đi và tất cả là rừng hoang rậm rạp. Tôi bỗng vùng chạy về nhà. Gió bay. Tóc bay. Lá bay đầy đường. Cánh cổng tre khép lại. Thầy mẹ tôi quây quần bên bếp lửa. Nồi cơm nếp vừa sôi. Tôi chờ trăng lên cao để ngủ qua đêm và ước ao không mơ thấy con đường mấp mô vết đạn.


THỤY ANH             
(Trích tuyển tập truyện ngắn 
 "Bè Lau Qua Sông", sắp xuất bản)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 2, ra ngày 20-5-1971)

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Nhà Tôi

 

 

 

 

 

 

 

Nhà tôi nằm trên vùng cao nguyên
Cỏ cháy đồng hoang suốt một miền
Mỗi bận về xuôi qua An Lợi
Nắng úa nghiêng buồn rơi mái hiên

Nhà tôi từ khi xưa đơn côi
Ấp ủ tình thương cả cuộc đời
Che chở mỗi lần mưa xuống muộn
Kiếp nghèo theo nhịp thời gian trôi

Nhà tôi ôm giữ trọn linh hồn
Khuyên nhủ mọi người biết luyến thương
Xứ sở dù trơ thân sỏi đá
Nhưng lòng vẫn đậm nét quê hương

Nhà tôi phong kín chuyện buồn vui
Kỷ niệm đà vương vấn núi đồi
Những buổi chiều tàn em hong tóc
Thả diều theo gió lên chơi vơi

Nhà tôi từ khi lửa chiến chinh
Nước mắt nhòa theo bước viễn trình
Mẹ khóc run bờ vai gầy guộc
Ôm đàn con dại sớm điêu linh

Nhà tôi giờ đây biết ra sao
Tường cũ nền rêu chắc nhạt màu
Xin gửi hương yêu về cố quận
Cho lòng vơi bớt nỗi niềm đau.

                                 NGỌC THÙY GIANG
                                            (hoa rừng)

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 31, ra ngày 25-8-1965)

 

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Gieo Mạ


Phương nhìn đàn bé tung tăng trên đồi. Tuổi thơ của lũ trẻ thật ngoan hiền, như cỏ cây màu xanh, như nắng nhàn nhạt chiều lại chiều trở về trên xóm lá. Phương thương nhiều đến những tuổi nhỏ ở xóm làng hiện tại. Tuổi ngây khờ thỉnh thoảng trở về trong đêm trăng say sưa trong lòng nội nghe kể chuyện đời xưa hay trong những đêm, buổi sáng, buổi chiều, chúng vui say như quên đi những đêm đen dài có tiếng súng nổ, có ảnh hình hỏa châu len lén qua những khe vách hở.

Thằng Phong là người quản trò trong những buổi sinh hoạt bởi nó có khiếu về ca hát, lại thêm có tài khôi hài và tánh nhanh nhẹn hoạt bát! Thằng Phong đang dạy cho chúng bài "nhảy lửa". Điệu bộ nó thật dễ cười. Miệng nói tía lia, tay cử động lên xuống như phụ họa cho lời nói. Tiếng hát của lũ trẻ thật trong và cao. Những đám mây đủ màu chừng như ngừng lại. Cỏ cây dường như im lặng nghe tiếng hát tuổi thơ trên xóm làng, trên quê hương chinh chiến...

Phương nhớ lại lúc chàng vừa được đổi về đây. Những ngày đầu tiên khuôn mặt của thằng Thanh, thằng Phong, Hùng, Dũng, sao xa lạ. Trên khuôn mặt nám đen và đầy muối sự ngạc nhiên của chúng trở thành hững hờ chừng như đã quen đi sự thay đổi thầy, cô mới. Phương đã kêu trả bài và điều làm cho Phương thoáng hiện nét sâu xa khi gần hết lớp đều đưa tay xin trả bài. Sổ ghi điểm không có đến một con số không. Chính điều đặc biệt nầy, chính sự siêng năng, sự bình thản của chúng ở ngày đầu học thầy giáo mới. Phương thấy vui vui và nghĩ ra đến ý định cho những đứa học trò ngoài giờ học, cho chúng sống một đời sống tập thể, một đời sống mà ở học đường, mà ở gia đình (dầu rằng có những đứa phần đông sau giờ học lại phải phụ giúp cha mẹ những việc nặng nhọc như chài lưới, như đi biển... vân vân...) ít ai nghĩ tới. Ý chí của chàng đã được thỏa mãn, lũ học trò miền quê nước mặn nầy đã ham thích, thật khoái chí. Khi chàng dạy cho chúng những bài ca sinh hoạt cộng đồng, phương pháp đo bóng cây, đo sông ngòi, dạy cho chúng biết tự giác trước những sự lầm lỗi và chàng chắc rằng trong thời gian từ ngày chàng được đổi về đây đến nay, chúng đã làm cho gia đình, cha mẹ vui mừng không ít.

Những đứa học trò dễ yêu dễ mến của Phương có nhiều lần thố lộ với chàng về hoàn cảnh, về gia đình, về ngôi trường, những ông thầy trước. Điều làm cho chàng phải suy nghĩ nhiều hơn, suy nghĩ những ba bốn ngày đêm khi một ngày kia thằng Hùng nói nhỏ với chàng:

- "Thầy ạ! Hình như ông hiệu trưởng không ưa thầy khi thấy thầy dạy cho chúng em về đời sống tập thể. Và những ông thầy nào mà ổng không thích là không sớm thì muộn cũng bị ổng đưa đi mất".

Phương không sợ ông hiệu trưởng phải đưa chàng đi vì phương pháp giáo dục quá mới đối với đám học trò của chàng. Chàng sẽ rất vui mừng khi hay tin đó (được xa rời ngôi trường làng xiêu vẹo và quê nghèo nầy là sướng rồi) nếu chàng không sống chung với đám học trò trong những ngày vừa qua. Chàng hiểu ra rằng tại sao sự ham thích học bài, sự siêng năng của đám học trò, thì ra sự khao khát được học, cùng với sự mất an ninh của xóm làng nầy khiến cho những ông thầy trước đây dạy quơ quào rồi lại ra đi, ra đi như cơm bữa... Và Phương lại thương lũ trẻ thật nhiều trong những ngày còn ở nơi đây...

*

Lửa cháy từ đầu xóm. Đạn bay như mưa. Tiếng khóc la thảm thiết. Lửa nuốt dần những căn nhà tranh làm tỉnh những giấc ngủ quên thôi của dân trong xóm. Tiếng đại bác ngoài tỉnh dội về nghe ầm ì. Dân chúng lao xao. Mãi cho đến khi phi cơ bay vần vần. Tiếng đạn bớt đi. Phương lao mình cầm bó đuốc cháy sáng chạy về phía đầu làng. Dân chúng đang chữa lửa. Thằng Bé, đứa học trò của chàng nằm thở thoi thóp trên manh chiếu ngoài sân. Vết thương hơi sâu, máu chảy nhiều, chàng xé nhanh chiếc áo mặc trên người rồi băng cầm máu lại cho đứa nhỏ. Chàng áp dụng những điều đã học hồi còn đi trong phong trào Hướng Đạo. Sự đau đớn đến quặn thắt của chàng khi nhìn thằng Bé nhắm mắt lại, thở mệt nhọc và bặm môi nín đau. Chàng vỗ về:

 
- "Rán chịu đau chút đi Bé. Thầy đây nè, rán chịu đựng đi. Thầy kêu xe chở Bé lên bệnh viện trên tỉnh ngay".

Đôi môi thằng bé mấp máy muốn nói điều gì nhưng không nói nổi. Máu ngừng chảy ra ngoài. Phương nín lặng lo âu mãi đến khi chiếc xe lôi, bó đuốc sáng rực chạy nhanh trên đường lên tỉnh... Phương quay lại, những đứa học trò của chàng đang tạt từng thùng nước vào ngọn lửa đang cháy. Yếu ớt dần rồi tàn lụn ; khói bốc lên nghi ngút. Trời dần sáng. Phương trở về nhà với sự mệt mỏi trong người.

Sáng hôm nay Phương đi dạy không nổi nữa. Chàng ngã bịnh luôn. Nằm trên giường Phương nghĩ tới thằng Bé không biết có bớt hay không. Chàng nhớ đến đêm kinh hoàng vừa qua. Phương lo sợ khi mình không đi dạy được. Không phải chàng sợ ông Hiệu trưởng mà bởi vì sự lo âu của chàng đối với những đứa học trò. Người dạy trước đã không chịu dạy cho kịp, chàng theo sau, chàng phải dạy gấp rút, dầu cuối năm nay phần đông không thi vào Đệ Thất trên tỉnh được vì lớn tuổi, vì hoàn cảnh gia đình. Chàng muốn mình phải làm tròn bổn phận, để đến khi ra đi khỏi phải ân hận. Phương nghĩ đến lúc phải rời khỏi nơi đây, với niềm luyến tiếc, với những kỷ niệm thật miên man. Chàng sẽ cố gắng áp dụng phương pháp đó vào những nơi tương lai chàng sẽ được đổi đến. Những mầm non sẽ là sự vinh quang cho quốc gia sau nầy. Sự mệt mỏi đến dần dần với Phương trong giấc ngủ...

..................


Ánh nắng xuyên qua cửa sổ. Căn nhà nóng nực quá. Phương không trọn được giấc ngủ. Chàng uể oải ngồi dậy đi rửa mặt. Bỗng chàng thấy trên bàn học, một gói bự bằng giấy nhựt trình. Phương tháo ra xem, thì ra là của học trò chàng gửi. Sao chúng nó biết chàng bệnh mà lại thăm? lại bày đặt gửi quà nữa. Dưới chục cam đầu mùa, chàng thấy một cái bao thơ:

"Kính gởi Thầy"

Phương xé ra xem. Chàng đọc:

"Thưa Thầy

Hay tin thầy bệnh , chúng em vội đem lại cho thầy vài trái cam ; cho thầy hay tin là chúng em đã rành rẽ về bài hát, về cách thức cắm trại, về nghi thức lửa trại cũng như về những trò chơi, bài hát sinh hoạt. Cho nên vào ngày... tức là Chúa Nhựt tới, chúng em mời thầy đến chung vui với chúng em. À thầy hiệu trưởng sáng này mặt hầm hầm có nhờ chúng em mời thầy lại cho ông ta nói chuyện đấy.

Trước khi dừng bút, chúc thầy mau mạnh để sớm sinh hoạt và lo liệu phụ với chúng em ở kỳ trại tới.

Chào thầy
Toàn thể lớp Nhất 1".

Hàng chữ mực tím viết nắn nót cẩn thận dễ yêu. Phương nghĩ đến lời mời của ông hiệu trưởng và "sáng này mặt hầm hầm" nên vội vã thay đồ lại đằng trường...

Bước vào văn phòng. Dưới cặp kính cận, dầu Phương đã lễ phép thưa:

- "Ông đòi tôi đến có việc chi vậy?"

Ông vẫn lặng yên không nói gì, làm như không nghe lời của Phương. Phương bảo thầm trong bụng: "Hắn ta khi người quá. Mình về cho rồi". Nhưng ông ta đã kêu Phương lại và hỏi giọng gay gắt:

- "Sáng nay sao anh không đi dạy?"

Phương cố gắng ôn tồn:

- "Dạ tại tôi thấy mệt mỏi trong mình".

Ông hiệu trưởng đập bàn thét:

- "Anh mệt sao anh nghe tôi mời đã vội chạy lại ngay được vậy? Anh tính bợ đỡ tôi để tôi tha cho tội làm biếng dạy học của anh ư?".

Sự tức giận đến nóng nảy, Phương uất ức:

- "Tôi không bợ đỡ ai hết, tôi lo cho học trò tôi mà thôi. Còn sự mệt nhọc là tại đêm rồi, tôi có đi phụ chữa cháy nhà cho dân trong làng rồi tôi về ngã bệnh luôn, còn sự mà tôi cố gắng lại đây sợ ông mích lòng mà hậu quả là tôi sẽ..."

- "Sẽ bị đổi đi phải không. Tôi sẽ làm giấy ngay bây giờ để anh không còn dạy đây nữa. Kể từ giờ phút này anh nghe chưa".

Phương phun bãi nước bọt ngay lên bàn bureau của ông hiệu trưởng rồi ra đi. Tiếng vọng lại: "Tôi sẽ ra đi ngay chiều nay. Ông nghe chưa".

Buổi chiều hôm đó, Phương ra đi, để lại cho những học trò thân yêu hàng chữ:

"Thầy ra đi nhưng không phải là không nhớ mấy em. Tương lai của tuổi các em đã được thầy nghĩ thật nhiều, qua những ngày sống tại đây. Thầy ra đi với sự hối hận đã không nhìn được ngày ngày các em vui chơi ca hát ở trên đồi, ở bãi bể hay siêng năng trong lớp học. Những kỷ niệm, những kinh nghiệm trong cuộc sống, trong phong trào Hướng Đạo hay ở ngoài đời, thầy đã chỉ bảo lại cho các em rồi. Các em tinh thần là người Hướng Đạo rồi đó vì các em đã thuộc luật, sống theo luật, thầy mang theo thật nhiều hình ảnh trong tâm tư rồi, cho nên thầy không muốn phải ghi nhận thêm hình ảnh của sự chia ly. Điều mà thầy nhớ nhứt là trong đêm vừa qua, học trò thầy đã hiện diện đầy đủ, không sợ hiểm nguy giúp đồng bào trong xóm. Các em đừng buồn khi những người lớn tuổi hơn mình trong đêm vừa qua vẫn đắm chìm trong giấc ngủ rồi lại còn rầy la những kẻ hết lòng.

Sau chót thầy khuyên các em hãy tiếp tục phát huy mãi cuộc sống tập thể cho thôn xóm. Còn thầy, thầy "NHƯ NGƯỜI GIEO MẠ" gieo rắc sự vui tươi cho tuổi thơ hôm nay. Thầy sẽ áp dụng cho bất cứ những già mà thầy sẽ gặp, áp dụng cho bất cứ tuổi học trò nào mà thầy sẽ được chỉ điểm ngày mai dầu ở thôn quê xa xôi, hay ở miền thị thành vương giả. Các em đừng buồn.


PHAN TUYẾT HẠNH      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 134, ra ngày 1-8-1970)



Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

Hoa Nở Trong Tim

 An đẩy cửa thò đầu vào nhà, bên trong tối om. Chỉ có một vệt sáng duy nhất chui qua cánh cửa đang hé mở ngã dài trên nền đất. Gian nhà nóng hầm, nồng nặc mùi rượu lẫn mùi đất ẩm.

Trên tấm phản thấp lè tè đầy vết mọt loang lổ, lão Nhượng nằm co quắp. Mặt lão xây về phía An, nó trông rõ vệt nước dãi chảy dài bên khóe miệng, thấm ướt nhẹp cả vạt áo kaki cũ mèm. Đầu tóc lão rối bù, mặt đẫm cả mồ hôi. Cạnh lão, trên chiếc ghế con, chai "ba xi đế" nằm lăn lóc, chỉ còn trơ cái vỏ. Bóng tối lan tràn trên khắp người lão, nô đùa, nhảy múa!

An lay mạnh vai lão Nhượng, léo nhéo gọi:

- Bác Nhượng ơi! Dậy! Dậy! Nhanh đi bác.

Lão Nhượng ú ớ vài tiếng rồi tiếp tục ngủ, say như chết. An chồm người tới, nó hét vào tai lão:

- Dậy mau! Bác.

Lần này, lão Nhượng tỉnh hẳn, lão hấp háy đôi mắt đầy ghèn. An nom rõ đôi mắt sâu hoắm, đỏ kè những tia máu của người say. Lão Nhượng lè nhè quát, giọng sặc mùi rượu:

- Thằng khốn nào đấy, phá giấc ngủ ông hả? Muốn chết phải không?

- Thưa bác, cháu đây ạ.

Chợt nhận ra thằng An, con lão Bá xích lô, lão Nhượng ngồi bật dậy, đưa tay dụi mắt, hỏi nó:

- Có chuyện gì đấy?

An hấp tấp:

- Cháu tìm ra chỗ thằng Việt đánh bài cùng tụi bạn nó rồi! Bác theo cháu mau.

Lão Nhượng nghe xong giật bắn người, lão tụt xuống phản, hấp tấp xỏ chân vào đôi guốc, xong lão móc túi lấy ra mấy đồng bạc dúi vào tay thằng An, đoạn theo nó đi.

Mấy bữa nay lão Nhượng mất ăn mất ngủ khi nghe tin tụi bạn cùng lớp thằng Việt - con lão - bảo nó bỏ học để theo tụi bạn hư đốn tụ năm, tụ bẩy, đánh bạc, phá phách xóm làng. Lão Nhượng giận tím gan, lão không ngờ thằng con hiền lành ngoan ngoãn thuở nào lại trở thành hư đốn như thế, ôn lại dĩ vãng, từ ngày vợ mất, lão cảm thấy buồn thấm thía, mang nặng một vết thương đau trong lòng, lão đâm ra rượu chè be bét, suốt ngày bầu bạn với rượu. Có khi say khướt, lão lết thết ra ngồi trước cổng nhà chửi bới thiên hạ. Lũ trẻ trong xóm gán cho lão một biệt hiệu là "Lão ma-men". Thấy bóng lão đâu là chúng chạy theo rần rần, để chọc, để cười bằng thích.

Tuy thế, nhưng lão lại thương thằng con hơn hết. Lão chỉ độc có nó. Hai cha con sống hẩm hiu trong gian nhà nhỏ lụp xụp, lão cố gắng nuôi nó ăn học cho xứng với lời trăn trối của vợ lúc lâm chung. Mỗi buổi tối sau một ngày trời cong lưng trên chiếc xích lô đạp vất vả - cơm nước xong lão bắc ghế ra giữa sân ngồi hóng mát, vừa khề khà nhấp rượu, vừa nghe thằng con đọc truyện Tam Quốc. Đó, những giây phút sung sướng mà lão mong sẽ không bao giờ mất, đã mất đi theo thằng con lão. Lão Nhượng giận thằng con ngỗ nghịch, nhưng lão chỉ để trong lòng vì lão chưa tìm ra sự thực, chưa bắt được quả tang. Bữa nào cũng như bữa nào, đến tối mịt nó mới dẫn xác về. Lão có gặng hỏi thì nó đáp là phải ghé nhà thằng bạn để chép bài. Lão Nhượng buồn trong thâm tâm đến mất ăn mất ngủ. Cuối cùng, lão nghĩ ra một biện pháp rất hay là nhờ thằng An - con lão Bá hàng xóm - An học cùng trường với thằng Việt con lão. Lão nhờ nó tìm chỗ mà thằng Việt đánh bạc, lão hứa rằng sẽ cho nó tiền nếu nó tìm được. Và giờ đây lão đã toại nguyện. Một già, một trẻ bước nhanh trên con đường đất băng ra lộ.

*

Đám bạc quây quần dưới mái hiên lớp học. Bọn nhãi hôm nay chơi "catê". Những con bạc nhãi ranh sát phạt nhau ra mặt. Bọn chúng có 6 thằng, tuổi xấp xỉ ngang nhau. Thằng nào, thằng nấy ngồi vắt chân chữ ngũ, miệng phì phèo điếu thuốc lá thơm. Vừa đánh chúng vừa cãi nhau ỏm tỏi.

Một thằng chưng, hai thằng tiêu tùng, ba thằng còn lại hồi hộp đợi thằng chưng chìa con dưới. Thằng nhãi kia kéo lẹ ngón cái để lộ con bài, ba thằng nhãi thất vọng, vất bài, một thằng chắc lưỡi hít hà:

- Ngu quá, giá biết thế tao để 9 cơ ở dưới thì ăn ngon ơ...

- Thằng Việt hôm nay đỏ quá há tụi bây?

Một trong 2 thằng tiêu tùng nuốt nước bọt xuýt xoa:

- Tiền tao bán cuốn sách hôm qua, bữa nay cúng nó hết.

Năm thằng nhãi thèm thuồng nhìn Việt lùa bạc vào túi. Một thằng có lẽ thua đậm sôi tiết dục:

- Ăn chia bài mau lên mày.

Thằng khác nhổ nước bọt dọa:

- Ê chơi không nghỉ nửa chừng như ngày hôm qua nghe mày, chơi gian ông "uýnh" mày chết.

Việt thản nhiên bỏ bạc vào túi, nó cười khẩy:

- Tao muốn nghỉ chơi thì tao nghỉ ai cấm tao. Mày muốn uýnh thì vào đây uýnh ông đi.

Bọn nhãi nén giận, chúng nó sợ thằng Việt nghỉ thật nên không cãi nữa. Một thằng búng mẩu thuốc lá thừa vào góc tưởng, giọng cay cú:

- Chia mau đi mày.

Việt thản nhiên chia bài trước những cặp mắt hậm hực của bạn nó. Ván kế tiếp, Việt lại ăn. Nó vét tiền đầy túi. Có tiếng đồng hồ quả lắc trong văn phòng buông 6 tiếng, Việt buông bài, nó thu bạc lại thành một đống, đoạn nói:

- Sáu giờ rồi, tao phải về, mai tụi mình chơi tiếp.

Cả bọn buông bài, một thằng kéo áo Việt lại:

- Ê, đâu có về được mày, ăn gian hả?

Việt gạt tay thằng nhãi, nó mỉa mai:

- Mày chơi kiểu gì vậy, thua bạc cáu hả?

Nói xong, Việt hốt nhanh tiền nhét túi, thằng nhãi tức giận, nó phóng một trái đấm vào ngực Việt. Việt ngã chúi xuống đất, nó ôm ngực đau đớn. Thằng nhãi tiến tới, Việt lồm cồm dậy, nhưng nó chưa kịp đứng lên thì 1 cú đá thứ 2 tống vào chân nó, Việt lại ngã xuống đất như cũ. Bọn nhãi nhào tới, chúng đè thằng Việt xuống, móc hết tiền trong túi nó. Thằng đánh nó hồi nãy tát Việt hai tát tai nổ đom đóm ; nó cười:

- Còn chơi kiểu này nữa thôi hở con. Lần sau ông lắt mũi mày con ạ!

Việt phẫn uất, nó mím môi không khóc, người nó nóng ran lên, sự uất ức làm mờ mắt nó. Việt chỗi dậy thực nhanh, nó túm lấy ngực thằng nhãi hồi nãy, nghiến răng ken két nó phóng 1 quả đấm vào mặt thằng ấy. Tất cả phẫn uất đều rồn vào quả đấm, thằng nhãi kêu thét ngã ngửa. Nó chỗi dậy, một giòng máu đỏ lòm từ lỗ mũi bò ra nom hệt như 1 con rắn ban đêm rời khỏi hang đi kiếm mồi. Việt xông tới, nó tống một quả thứ hai vào bụng kẻ địch, ông nhãi đo đất lần nữa. Bọn nhãi hầm hè định xông vào chợt chạy tán loạn ra sân sau. Việt ngạc nhiên, nó định chạy khi nó vừa nhận ra bóng người từ ngoài cổng trường chạy vào : Lão Nhượng - ba của nó.

Lão Nhượng túm lấy cổ áo nó lôi xềnh xệch ra cổng, lão giận dữ đến run cả người. Việt co rúm, y như con cừu non bị cạo lông giữa trời đông lạnh. Lão Nhượng rít qua hai hàm răng:

- Mày... mày, về nhà tao giết mày, thằng hư đốn.

Việt sợ hãi, nước mắt nó cơ hồ trào ra, nó lết thết theo cha nó. "Về nhà nó sẽ chết". Nó mong thời gian dài ra, nhưng thời gian sao mà ngắn thế!

Quãng đường từ trường về nhà mọi khi dài lê thê mà bây giờ chỉ thoáng chốc đã bị nó nuốt chửng.

Nhà nó kia rồi...

*

Một cơn gió lạnh thổi xoáy ào ào trong không gian. Những cành cây chụm đầu vào nhau tâm sự.

Việt gục đầu xuống đầu gối, run bần bật, tay chân nó rã rời như không còn biết đến cảm giác nữa. Toàn thân nó đau như dần. Đau đến nỗi muốn khóc nhưng cơ hồ không khóc được. Chỉ 1 cái nhích người cũng đủ làm cho khơi lại cái đau. Việt ngả đầu vào chuồng heo, nó thút thít khóc. Tiếng khóc của nó vang lên nho nhỏ giữa đêm khuya. Lũ heo trong chuồng bị động kêu ụt ịt. Quanh nhà tiếng côn trùng rả rích một điệu nhạc buồn tênh.

Ngoài kia, trăng đã lên cao, rọi ánh sáng hiền dịu chảy chan hòa trên mặt đất. Việt thiếp dần trong tiếng nhạc ru ngủ của côn trùng, người nó rủ xuống như tàu lá héo. Nãy giờ Việt đâu có hay cha nó đang ghé mắt qua tấm ván nhìn nò, lão nhìn đứa con sau trận đòn hồi chiều bị lão bỏ đói ở chuồng heo, lão khẽ thở dài, lòng đau như xé.

*

Việt đã lành hơn ngót tuần nay. Nó điều tra ra thằng chỉ điểm cho ba nó không ai khác hơn là thằng An. Việt giận thằng An quá. Nó quyết đánh cho thằng khốn nạn ấy một trận nhừ tử. Nhưng nó không sao thực hành được, vì thằng An biết thế nên nó lánh mặt Việt. Việt quyết không tha, nó kiên nhẫn đợi cơ hội và cơ hội đã đến. Chiều nay Việt về sớm, nó đứng bên đường đợi thằng An bãi học về.

An không ngờ bữa nay Việt về sớm hơn mọi ngày, nên vừa ra khỏi trường, nó tách hàng ù té về nhà. Việt chận đường, An tái mặt, nó lùi định chạy, nhưng thằng Việt đã đi guốc trong tim nó, nên nhào tới không nói không rằng đấm đá thằng An một trận tơi bời. An khóc thét, đến khi Việt ngưng tay thì nó đã sưng húp mặt mày. Việt phủi áo quần, nó cung tay hăm:

- Tao cảnh cáo lần này, lần sau chừa đi nghe mày. Về mét lại với ba mày tao đánh lọi cẳng. Liệu hồn đấy.

An lượm cặp lên, khóc tức tưởi, nó lủi thủi vào xóm. Còn Việt, nó chưa về nhà, nó định đợi tới tối nếu không có gì xảy ra thì về cũng không muộn. Nhưng Việt không ngờ khi thằng An về đến nhà, lão Bá thấy mặt mũi thằng con sưng húp, tèm nhem đất cát, lão giận quá hỏi:

- Đứa nào đánh mày thế?

An ấp úng chối, nó nói bị ngã. Nhưng ba nó không tin, quát bảo:

- Mày dối tao hả An, đứa nào đánh mày thế? Nói tao nghe!

An sợ hãi, nó thút thít vừa kể cho lão Bá nghe đầu đuôi câu chuyện. Lão Bá nghe xong nghiến răng giận dữ, lão lôi thằng con xềnh xệch sang nhà thằng Việt.

Lão đẩy cửa vào nhà, vào bên trong thấy lão Nhượng đang ôm đầu suy tư trên ghế, lão không cần chào hỏi, lớn tiếng:

- Anh Nhượng, anh nhìn đây này.

Lão Nhượng giật mình ngẩng lên, hai con mắt của lão đỏ kè, vẻ mặt ngơ ngác đáng thương. Hình như lão không nghe lão Bá hàng xóm đã nói gì, nên kêu lên:

- A! Anh! Mới đến hả? Có chuyện gì đây?

- Anh nhìn con tôi hẳn biết.

Lão Nhượng ngạc nhiên đưa mắt nhìn thằng An. Lão hiểu phần nào. Tiếng lão Bá gay gắt:

- Đó, anh thấy chưa, hãy ngắm "tác phẩm" của thằng con anh đi.

Bị lão Bá xổ văn chương ra mỉa mai, nhưng lão Nhượng không cãi. Lão biết lỗi về mình nên nhẫn nhục, giọng thấp xuống:

- Thật tôi không ngờ nó quá quắt như thế. Nó lén đi hồi nào tôi đâu có hay.

- Hừ, anh nên biết nó là thằng...

Lão Bá chợt im bặt ngay câu nói sau khi thấy lão Nhượng hằn học nhìn mình.

- Thôi, tôi mong anh bỏ qua cho. Nó còn con nít mà.

Lão Bá xẵng giọng:

- Hừ, còn nhỏ nhít gì nữa, nhỏ mà biết hút thuốc, biết đánh bạc à.

Lão Nhượng uất cả người, máu nóng dồn lên tận mặt, lão hất hàm:

- Anh nên nhỏ nhẹ một chút, anh thấy tôi nhịn, anh làm tới hả?

- Tôi làm tới gì đâu? Tôi chỉ nói thằng con anh thôi. Nó là một thằng mất dạy.

- Còn anh? Anh cũng là 1 thằng khốn kiếp.

- À, mày chửi tao hả thằng côn đồ.

Lão Bá xắn tay áo nghiến răng hầm hừ.

Lão Nhượng đứng bật dậy, vung tay:

- Ê, đừng làm trời trong nhà này nghe mày.

- Tao không làm trời, tao chỉ hỏi mày rằng con mày đánh con tao như thế mà mày binh nó hả?

- Lão Nhượng cười gằn bướng bỉnh:

- Không bênh con thì bênh ai?

- Mày nói sao?

Lão Nhượng vung tay quát to:

- Tao không có thì giờ để cãi với mày. Cút ra khỏi nhà tao. Cút ra khỏi nhà tao. Cút!

Lão Bá giận xanh mặt, nhưng lão không muốn to tiếng để hàng xóm chú ý, nên kéo thằng An ra khỏi nhà và không quên cung tay hăm dọa:

- Thằng "ma men", ông mà gặp con mày thì ông giết nó.

Lão Nhượng không cãi, lão thẫn thờ gieo người xuống phản. Lão nằm đấy, hai mắt mở thao láo nhìn lên trần nhà. Trong đầu óc lão, hình ảnh thằng Việt hiện ra. Một lúc sau, lão thiếp dần đi trong sự mệt mỏi, tiếng ngáy của lão vang lên đều đều.

*

Việt không trở về nhà, nó đã biết được tin ba nó cãi nhau cùng lão Bá. Nó sợ, sợ về nhà ba nó sẽ giết nó không tha. Nó nghĩ rằng giờ đây chắc ba nó đang tức giận điên cuồng đi tìm nó. Nếu không đi một nơi nào khác để trốn, để ba nó mà vớ được thì... Nó không dám nghĩ đến nữa, nó đi lần theo vỉa hè xuống chợ. Đầu óc nó bây giờ hoang mang không biết đi hướng nào nhất định. Vỉa hè lớn, người vắng. Nó cơ hồ như cánh chim bay lạc vào một vùng hoang vu. Chiều xuống, thành phố đã lên đèn.

*

Việt bỏ nhà đi hơn tuần lễ. Trong thời gian ấy nó theo nghề bán báo để sống. Suốt ngày ôm xấp báo nặng chình chịch chạy rong khắp vỉa hè dưới bầu trời nắng như thiêu như đốt.

Tối đến, nó ngủ dưới gầm cầu hoặc dưới mái hiên các nhà bên hè phố. Nó vẫn chưa dám trở về nhà, vẫn còn sợ ba nó. Sợ ngọn roi to tướng của ba nó mỗi lần quất vào mông. Tất cả hình ảnh đó vẫn còn ám ảnh trong đầu óc Việt. Nhưng nó biết đâu giờ này ba nó đang dài cổ đợi nó về. Việt chỉ chịu đựng có hạn và đến bây giờ thì nó hết chịu nổi nỗi nhớ nhà. Nó nhớ ba nó, nhớ trường học, nhớ bạn bè. Nhớ tất cả. Nó tự mắng nó rằng khi được sung sướng ở bên cha, được ngồi trên ghế nhà trường sung sướng học tập, sao nó lại bỏ theo lũ bạn hư đốn để rong chơi hoang đàng làm gì nhỉ? Giờ đây Việt quyết định trở về nhà, quì dưới chân ba nó để nói lên niềm hoán cải đang sôi động trong lòng. Việt thực hành liền ý định, chiều hôm ấy, bán xong xấp báo nó ba chân, bốn cẳng chạy một mạch về nhà.

*

Việt hồi hộp đẩy cửa bước vào nhà. Trời đã tối tự bao giờ. Tiếng ve sầu mùa hạ rỉ rả đều đều. Việt cảm thấy lòng dạ nó nao nao. Bên trong nhà vắng lặng và im như tờ. Việt đứng yên một chỗ, nó nghe rõ tiếng muỗi vo ve trong xó tối.

Nó nhủ thầm:

- Chắc ba ở sau vườn, mình ra tìm xem.

Việt lần xuống nhà bếp, nó đẩy cửa bước ra vườn. Tim Việt đập mạnh, hồi hộp khi nó nhác trông thấy cái bóng gầy gầy của ba nó đang lúi húi tưới mấy luống rau. Việt sợ hãi thật sự, chân nó ríu lại, nó mất hết can đảm để bước tới, trong lòng nó, một niềm cảm xúc mãnh liệt dâng trào, nó thương ba nó, thương cuộc đời vất vả cơ cực của ba.

Lão Nhượng ngẩng lên khi nghe tiếng cửa rít lên kẽo kẹt. Lão sững sờ khi nhìn rõ cái bóng nhỏ nhắn của thằng con đứng sững nơi ngưỡng cửa bếp. Lão buông rơi cái gáo nước bước lại phía thằng Việt như một kẻ mất hồn. Lão không ngờ thằng con yêu của lão lại có thể trở về, lão cảm động muốn trào nước mắt nhưng nước mắt của lão không trào ra được vì hình như nó đã cạn từ lâu. Lão run run hỏi nó:

- Mày về đó hả? Mày về làm gì nữa, sao không chết dấp ở đâu cho rồi?

Câu hỏi tuy nghiêm khắc, nhưng nó bao hàm một tình thương bao la. Tuy hỏi thế nhưng trong thâm tâm, lão chỉ muốn ôm nó vào lòng để nói cho nó những nỗi niềm thương nhớ của lão trong thòi gian nó bỏ nhà đi.

Thằng Việt sà vào lòng lão, hai bàn tay non nớt của nó ôm choàng lấy cổ lão, giọng nó nức nở khàn khàn nhưng lão nghe thương mến làm sao:

- Ba... ba tha lỗi cho con. Con xin hứa với ba từ nay con sẽ vâng theo lời chỉ bảo của ba. Con muốn đi học lại.

Lão Nhượng cũng không ngăn được cảm xúc, lão ôm choàng lấy nó, giọng lão trầm trầm hiền dịu:

- Ba sẵn lòng tha lỗi cho con, ngày mai, ba sẽ dẫn con tới trường xin thầy giáo cho con vào học lại. Ba rất mừng khi thấy con trở về.

Việt gục đầu vào lòng cha sung sướng, tình phụ tử dâng trào trong huyết quản. Chợt nhớ ra điều gì, nó thọc tay vào túi, lấy ra một xấp bạc lên khoe:

- Ba ơi, con có tiền nè ba.

Lão Nhượng nhìn xấp bạc trên tay thằng con, mặt lão thoáng buồn, lão hỏi:

- Tiền đâu con có? Con đã đánh bạc?

- Dạ không. Tiền này con kiếm bằng mồ hôi nước mắt. Con kiếm nó bằng cách con đi bán báo đó.

Lão Nhượng sung sướng vuốt tóc con, Việt tiếp:

- Con đi mua đồ nhậu cho ba nhá!

Lão Nhượng xua tay:

- Thôi con, ba đã quyết bỏ rượu chè rồi. Tiền này để dành cho con mua sách vở.

Việt sung sướng, nước mắt nó trào ra. Trong đầu óc nó hiện lên một hình ảnh đẹp tuyệt vời:

Ngày mai... ngày mai bằng một ngày trong tất cả ngày khác. Đó là một ngày vàng trong cuộc đời thơ ấu của thằng Việt.


HÀ THÚC KHÁNH      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 42, ra ngày 1-4-1966)


Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Rừng Hoa Mộng Ước

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tuổi 13 ươm vạn ước mơ đầu
Một biển tâm tình trong mắt me sâu
Trên cao mưa xuống muôn vàn ánh nắng
Bao nắng huy hoàng ruộng ngát hương lau

Chân in vết mòn khắp nẻo đường quê
Rừng hoa bừng đón lối bước em về
Việt Nam ơi! Ơi muôn lời ưu ái
Một chút men nồng dậy trong nắng hoe

Nhưng ba còn đi bao niềm long đong
Nên me từng đêm nhìn hỏa châu hồng
Trời xanh xa quá tha hồ mắt ngước
Em lấy mộng vàng đắp trên chờ mong

Nhưng ba còn đi áo đắp bụi đường
Ước mong ngày nào trên đường quê hương
Trời cao cảm thông cho mưa móc xuống
Cho mắt me buồn thôi đẫm lệ thương.

                                                    CA DAO
                                                 (bn Hoa Tiên)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 86, ra ngày 22-4-1973)



Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

Nhà Chăn Nuôi Tí Hon

 

Độ rày đọc báo thấy chánh phủ cho nhập cảng gà nhiều quá, rồi kẻ mua gà loại này, người bán gà giống nọ, nghe thật nhộn nhịp. Phương thấy lòng háo hức vô cùng nên nhứt quyết xin má cho nuôi thử. Nhưng Phương chợt lo ngại, biết má có chịu không chứ! Nhà cũng đâu rộng rãi gì cho cam, lại chẳng có lấy một cái sân nhỏ nữa, rõ khổ thật! Nhưng chỉ thoáng trong một chốc nét mặt Phương lại tươi lên ngay ; à đã có cách: Phương sẽ nhờ Hà trong việc thuyết phục má, vì Hà là con gái út nên được cả nhà thương yêu chìu chuộng vô cùng, mặc dầu năm nay nó đã 7, 8 tuổi rồi. Nếu có Hà nói giúp chắc má cũng xiêu lòng. Nghĩ như thế nên Phương bèn đi tìm Hà. Gớm, con nhỏ coi vậy mà khó tánh ghê, Phương phải hứa bừa đủ điều với nó, nào là sẽ ưu tiên cho Hà trong việc chọn gà, nào là khi gà đẻ, có bao nhiêu trứng sẽ để dành cho Hà ăn "cóc la" cả, như thế nó mới chịu nhận lời ủng hộ tinh thần giùm.

Thế là hai chị em bắt đầu một "công tác tâm lý chiến". Mới vừa nghe Hà trình bày ý định này má đã cười vang lên:

- Chèn ơi con còn con nít mà cũng bày đặt nuôi gà. Rủi mới đem về vài ngày rồi nó rủ nhau chết cả đám thì nguy to à!

Hà vội vàng đính chánh:

- Dạ con không có nuôi mà tại chị Tư kêu con nói giùm đó má.

Phương xà đến gần má:

- Má cho con nuôi gà nghe má.

- Nhưng mà con nhắm coi biết nuôi hôn?

Phương mừng rỡ:

- Má chịu cho con nuôi hả má? Hoan hô má! Má thượng thượng hạng trên đời này.

Má  lại được thêm một dịp cười nữa:

- Con làm như má là món đồ chẳng bằng. Ờ nhưng mà rồi tiền đâu con mua gà?

Phương, Hà nhao nhao lên:

- Dạ tụi con bỏ ống được 450 đ rồi má.

Số là mỗi sáng Phương chịu khó nhịn tiền quà bánh, cứ mỗi ngày để dành được 15 đ, non một tháng như thế, tính đến nay cũng đã khá bộn tiền. Phương đã tính trước rằng với 450 đ này cũng đủ mua một chục con gà mới nở.

Như vậy ngày mai hai đứa sẽ nhờ anh Ba dẫn đi mua hộ với, vì đây là lần đầu nuôi gà nên Phương chẳng biết phải chọn giống nào, phải nhờ người lớn mới được. Thôi như thế mọi chuyện đã tạm dàn xếp ổn thỏa, và Phương cảm thấy vui trong lòng...

*

Đám gà của Phương đặc biệt lắm, cả mười con từ đầu đến chân đều khoác lên mình bộ lông màu đen mướt. Vì hôm mua Phương và Hà thấy ngộ ngộ nên thích quá bèn đồng ý chọn gà màu này, vả lại Phương cũng nghe người ta nói gà lông đen khỏe mạnh, ít chết hơn gà lông hồng, vàng.

Hôm nay khi mới đem gà về thì chưa chi má đã kêu lên:

- Trời ơi gà của người ta là con gái nhà giàu nên lông hồng mơn mởn xinh đẹp thế kia, còn bà của chị em bây là con gái nhà nghèo nên con nào cũng đen đúa xấu xí quá đi, coi thiệt dơ dáy.

Nghe má nhạo như thế là con Loan - ở cạnh nhà Phương - đứng chúm chím miệng cười, vì nhà nó cũng nuôi gà con lông vàng. Cứ nhìn cái mặt vênh vênh tự đắc của nó Phương đủ thấy tức khí dâng tràn lên cổ họng và liền trả đũa:

- Ờ, để mày coi, gà của mày thế nào ít bữa nữa cũng có vài con "buồn buồn" cho coi. Thứ gà thục nữ yếu đuối như vậy làm sao sống lâu được! (Khi nói tiếng "buồn buồn" là Phương muốn ám chỉ mấy con gà của Loan sẽ chết non để trả thù cho đỡ tức).

Má trừng mắt nhìn Phương:

- Thôi nghe Phương, bạn bè với nhau mà con nói như vậy không sợ Loan giận sao? 

Thấy má chẳng chịu ủng hộ "gà nhà" nên Phương buồn bã im lặng. Thôi mặc kệ, ai có chê cười gì thì cóc cần, miễn sao Phương lo nuôi nấng cho chúng lớn là được.

Sau đó Phương nhờ anh Ba đóng hộ một cái chuồng nho nhỏ. Vì tuy là một học trò gầy yếu nhưng hầu như cả ngày anh chỉ thích làm những công việc tẳn mẳn có phụ thêm bộ đồ nghề như kềm răng, mỏ lết, con vít, cái cưa... Rồi thế nên cả nhà đặt anh biệt hiệu là: "Anh Ba lục đục". Vì trước kia lỡ trêu ghẹo anh nên bây giờ khi Phương nhờ đóng giùm cái chuồng, anh đã nhân cơ hội này lên mặt làm tàng bắt chẹt Phương:

- Vậy sao hồi đó Phương chọc anh chi vậy?

- Thì hồi đó em giỡn chơi mà.

- Hổng giỡn gì hết, ai biểu hồi đó chê tui lục đục thì bây giờ chịu khó làm lấy đi.

Trời ơi, từ nhỏ đến lớn có bao gờ Phương đụng mó đến những dụng cụ đó đâu, hơn nữa Phương lại là con gái, anh không nhớ như vậy sao mà nay bắt Phương phải đụng chạm đến những món đó? Nghĩ tức hết sức, Phương muốn nuôi gà là đem cái lợi về cho gia đình nhưng không ai chịu như vậy cả mà cứ làm khó làm dễ, hết o bế người này lại đến van lơn người khác, thế là nghĩa lý gì chớ? Tự nhiên Phương đâm ra "oán thù" tất cả mọi người, muốn bỏ mặc đàn gà ra đó chắc thế nào cũng phải có người lo cho chúng. Nhưng khi nhìn lại những con gà bé nhỏ, mồm sẽ kêu lên mấy tiếng "chíp chíp", mắt giương tròn vo tỏ vẻ ngơ ngác sợ hãi, như cầu cứu ở Phương một sự che chở bao la, Phương bỗng thấy lòng mình dịu lại và cố lấy giọng ngọt ngào năn nỉ anh:

- Thôi đừng giận em nữa mà, anh Ba ráng làm chuồng cho mấy con gà ở, chớ để nó đứng ngoài nắng hoài tội nghiệp lắm. Rồi em xin hứa từ đây về sau không dám chọc anh nữa, nghe anh Ba...

Nói xong Phương đưa mắt khẩn khoản nhìn anh : anh vẫn im lặng không nói, miệng hơi nhếch lên tỏ vả ta đây tài giỏi lắm vậy. Sau mấy giây ngần ngừ, anh uể oải (có lẽ giả vờ) trả lời:

- Thôi tao cũng ráng làm cho mầy vậy, chớ sợ lát nữa đây "nước đái thằn lằn" ứa ra thì mệt à!

Phương quên cả anh đang nhạo mình mà chỉ mừng rỡ la lên:

- Chèn ơi! Anh Ba tốt quá, em cám ơn anh nhiều, nhiều lắm lắm...

Thế rồi anh bắt tay ngay vào việc. Còn Phương và Hà chạy lăng xăng chung quanh mong được giúp anh chuyện gì.

Trong lúc anh hì hục ngồi đóng chuồng thì Hà lo quạt cho anh vì mấy giọt mồ hôi đã ra lấm tấm trên lưng. Mỗi khi cần đồ nghề gì anh chỉ việc dõng dạc sai:

- Đứa nào lấy cho ta cái "tu-la-vít" coi!

"Lệnh" mới truyền ra thì Phương đã nhanh nhẩu mang đến cho anh:. Vì lúc này anh nhờ nên Phương mới phải chịu lép vế như thế, giá là lúc thường thì chẳng khi nào Phương lại phục tùng anh bao giờ. Và nếu ngày nào Phương và Hà hợp nhau để nhạo bàn tay năm ngón dùi đục của anh thì giờ đây Phương thấy bàn tay ấy đẹp đẽ cao cả vô cùng. Nhờ bàn tay nầy mà đám gà của Phương mới có nơi nương tựa. Tự nhiên Phương cảm thấy phục và càng thêm thương anh. Thỉnh thoảng Phương ráng lựa lời khen cho anh vui, chẳng hạn: "Chà! Gà của em có phước lắm mới được ở chuồng anh Ba đóng đó". Có lẽ anh thừa hiểu "tim đen" của Phương nên chỉ mỉm cười trả lời:

- Thôi đi cô ơi, đừng bày đặt "nịnh đầm" để tôi làm cho tốt, tôi biết cô quá xá mà.

Phương cúi đầu bẽn lẽn vì thấy anh nói đúng tâm lý mình ghê.

Chừng gần 3 giờ sau chuồng được đóng xong, anh Ba đứng dậy thở phào một cái, rồi mệt nhọc đưa tay vuốt cái lưng bóng nhẵn vì mồ hôi tuôn ra ướt đẫm cả, trông như cột mỡ vậy. Còn Phương và Hà thích quá nên xúm lại tranh nhau sờ mó chuồng và miệng không ngớt tấm tắc khen ngợi. Riêng anh chỉ nghiêng đầu qua nghiêng đầu lại ngắm nghía "tác phẩm" của mình mới vừa hoàn thành rồi hất hàm hỏi:

- Cái chuồng coi được hôn tụi bây?

- Mèn ơi như vậy là số dách rồi còn gì nữa. Chuồng coi đẹp ghê vậy anh.

- Dám nhiều khi mấy ông thợ nhà nghề còn chưa đóng bằng anh nữa đó.

Có lẽ anh khoái chí lắm nên Phương trông mũi anh cứ phập phồng mãi.

Sau đó Phương tính sẽ đặt chuồng ở ngay dưới bếp nấu ăn vì thấy như thế cũng tiện: ở trên là mấy cái "rề sô", Phương vừa có thể đứng nấu ăn, lâu lâu ngồi xuống ngắm mấy chú gà cho đỡ mệt. Thế rồi Phương lấy báo lót lên sàn lưới của chuồng và cẩn thận bắt từ con gà nhốt vào. Còn Hà nhát quá, chỉ dám nhè nhẹ đưa tay vuốt mấy sợi lông mềm mại êm như nhung của chúng. Tánh nó vậy đó, sợ gà không ai bằng.

Xong xuôi đâu đó cả rồi, chị em ngồi nhìn đám gà tí hon nô đùa chạy giỡn, và miệng bàn tíu tít đủ chuyện. Như thế từ đây Phương với Hà sẽ lãnh phần nuôi nấng chúng. Hai chị em cùng thấy hãnh diện vì được "lãnh đạo" mấy chú bé con này. Mộng ước bấy lâu nay đã thành, Phương thở dài khoan khoái...

*

Đồng hồ thong thả gõ 7 tiếng. Phương giật mình mở choàng mắt, nhìn ra ngoài trời đã sáng rõ. Sau khi cuốn mùng chiếu xong Phương xuống nhà dưới thăm đám gà con. Tính từ ngày đem chúng về đến nay cũng đã được một tuần, thế nhưng Phương thấy chúng chỉ lớn hơn lúc đầu một chút xíu thôi, như vậy biết đến bao giờ mới làm thịt được đây? Có lẽ tại Phương cứ mong cho đám gà của mình mau lớn nên dường như thời gian càng kéo dài ra (?) Từ khi nuôi gà thì mỗi sáng lúc thức dậy Phương lò mò xuống bếp lo thay giấy trong chuồng, rồi lấy thực phẩm loại Vinafeco đổ vào máng ăn và thay nước sạch cùng nhỏ vào mấy giọt Vitamycine cho chúng uống (hầu tránh việc vài mạng gà có thể bất chợt "buồn buồn" chơi khiến con Loan nó cười thì... mắc cỡ chết được). Gớm, mấy chú này háu ăn thật, chú nào cũng vừa tranh nhau đút mỏ vào máng ăn và miệng không ngớt kêu ríu rít cả lên. Nhiều con chen không lại đành bị hất văng ra ngoài, thế mà cũng gượng dậy và chạy lại cố lấn cho được đến gần máng, trông thật tức cười. Ăn no rồi các chú khát nước, bèn đến cái tô nhỏ bằng nhôm uống. Nhìn mấy sợi lông ống hơi nhú ra ở đôi cánh nhỏ và mấy cái đầu bé tí tẹo, tròn tròn, phù lông đen mướt cứ ngửa lên cúi xuống đến mươi lần trông mới dễ yêu làm sao! Những lúc đó Phương muốn nựng chúng thật mạnh, nhưng chỉ dám đưa tay bóp nhẹ cái mình bé bỏng, nhiều chú hốt hoảng há mõm kêu to mấy tiếng đoạn chạy lánh nơi khác, và rồi cũng vẫn hồn nhiên trửng giỡn hoặc nằm chịu nắng ra chiều thích thú lắm vậy. Có lần Phương thử cầm một con lên tay, thoạt đầu cu cậu giẫy nẩy loạn xi lên, nhưng chừng một lát sau thì nó mệt nhọc khép màng trắng lại và từ từ buông thõng đầu ra đàng sau, Phương hết hồn tưởng đâu mình làm đau nên nó chết và luống cuống chẳng biết phải xử trí thế nào bây giờ. Lúc đó anh Ba đứng gần đấy thấy vậy bèn reo hò inh ỏi:

- Thôi rồi nguy quá, con gà của Phương đi chuyến tàu suốt về âm phủ rồi. Ò... e... Rô be đánh đu... Tarzan nhảy dù... ô hô! Vui quá anh em ơi!!! 

Phương giận run lên, miệng đã hơi mếu mếu, trong lúc bối rối như thế này anh chẳng giúp Phương lại nỡ nào vỗ tay bôm bốp và còn ca hát om sòm nữa chớ? Nhưng đột nhiên con gà choàng mở mắt và nó tiếp tục giẫy giụa. Giữa lúc Phương còn ngơ ngác chẳng hiểu vì sao nó hồi sinh lại được thì anh đã nhăn răng cười khì khì rồi giải thích:

- Phương khờ quá đi, ai đời con gà nó chỉ giả bộ chết để người bắt thả nó ra, vậy mà cứ cuống cuồng như gà mắc đẻ ấy! Loan ơi! Qua đây lẹ lẹ lên, coi cái này vui lắm nè!...

Phương vội vàng đưa tay bịt miệng anh:

- Ấy chết, anh nói nhỏ nhỏ chớ rủi con Loan nó qua thiệt rồi nó cười thì chết em rồi. Anh này ác quá hén, nghỉ anh ra luôn đó.

Anh Ba chẳng nói gì cả mà cứ tiếp tục đứng cười hềnh hệch. Trông cái mặt anh lúc đó mới dễ ghét hết sức, Phương chỉ muốn thoi một cái thật mạnh vào cho hả giận. Giờ ngồi nhớ lại Phương thầm tức cười vì thấy mình rõ ngốc thật, đã để con gà tinh quái làm một mẻ khiến Phương phải một phen sốt vó. Ghê nhỉ, mấy cô cậu gà coi bề ngoài ngây thơ là vậy, thế nhưng thật ra cũng mưu mô gớm lắm, ai mà ngờ được. Nhưng Phương chợt nghĩ: hay đó chỉ là một thông tánh của loài gà? Ờ, biết đâu chừng, chớ lẽ nào chúng lại không ngoan đến mức biết giở cả trò lường gạt người ta hay sao? Vả lại về khoản nói dóc thì anh Ba trứ danh nhứt nhà đấy! Còn ai lạ gì cái mồm ba hoa láo khoét của ông ấy chứ.

Lúc đầu Hà còn sốt sắng phụ với Phương lo chăm sóc gà, nhưng vài ngày sau nó đã tỏ vẻ chán nên mỗi khi Phương thức dậy lo cho gà thì hắn chỉ nằm cuộn mình trong chăn ấm nệm êm để ngủ nướng, nghĩ coi tức không chớ? Nhưng Phương chẳng thèm nhờ nó, một mình Phương lo cũng được và nghĩ rằng sau này nếu có kết quả gì thì chỉ Phương độc quyền được hưởng thôi, còn mấy lời hứa lúc đầu kể như "nơ pa", vì công lao nuôi gà của Phương lớn lắm chớ chẳng vừa đâu. Nghĩ như thế nên Phương vẫn không nản lòng, ngày ngày vẫn làm đầy đủ bổn phận một vị "chủ nhơn" của đám gà. Bởi vậy bầy gà đã quen với Phương, nên mỗi khi vừa thấy bóng dáng Phương đến gần là chúng mừng rỡ nhốn nháo, miệng không ngớt kêu vang lên. Nhiều con lại cả gan vỗ vỗ đôi cánh bé bỏng đòi nhảy lên thành chuồng để đón mừng Phương nữa. Những lúc đó Phương cảm động và thương chúng ghê! Phương thấy loài gà cũng giống như đứa trẻ sơ sinh, tuy còn nhỏ dại nhưng cũng biết mến hơi người nào đã nuôi nấng, đã ôm ấp nâng niu nó, còn nếu sang tay người khác thì chẳng bao giờ đứa bé chịu cho ẵm bế cả. Đó, lý do khiến Phương thích nuôi gà chỉ giản dị có thế, và những sự trìu mến mà đám gà dành cho Phương đã là mối khích lệ không nhỏ trong việc Phương nuôi chúng, và cũng bởi thế mà nhiều buổi sáng vì mải mê ngắm mấy chú gà tí hon khiến Phương quên cả đánh răng súc miệng...

Đang miên man ngồi nghĩ ngợi cạnh chuồng gà, chợt có tiếng nói vang lên làm Phương giật mình:

- Thôi chứ cô nương, lo rửa mặt rồi ăn lót lòng đặng phụ với tôi làm công chuyện nữa chớ, sáng nào cũng đợi nhắc hết. Con nhỏ này coi vậy mà mê gà quá hén, thứ gà đen thui thủi mà tối ngày cứ đeo theo hoài!

Đó, má lại ghẹo đám gà của Phương nữa rồi, nhưng chả sao, miễn là Phương rán nuôi thế nào để còn đủ mười con là được, và khi chúng đã "trưởng thành" nếu là chàng gà trống thì mỗi sáng Phương sẽ nhờ tiếng gáy "ò... ó... o... ò....o... " của cu cậu để dậy sớm chớ không ngủ trễ đến 7, 8 giờ như lúc trước. Còn nếu là nàng gà mái thì mỗi ngày Phương sẽ có dịp ra chuồng nhặt mấy cái trứng xinh xinh, hồng hồng vô khoe với má, với anh Ba, vì hai người này suốt ngày cứ hùa nhau để chế riễu đám cục cưng của Phương hoài hà! Phương vẫn thường tự an ủi mình như vậy mỗi khi có ai công kích bầy gà. Lúc đó cả nhà Phương và cả cái con Loan vô duyên đáng ghét nữa, sẽ hết dám chê cười đám "con gái đen nhà quê" này ; mà ai cũng phải lè lưỡi thán phục tài nuôi gà số dách của Phương. Chu choa ôi! Mỗi khi nhắm mắt lại hình dung đến giây phút "huy hoàng rực rỡ" ấy là Phương cảm thấy một niềm hãnh diện dâng cao trong lòng pha lẫn nỗi vui sướng rào rạt. Bất giác Phương khẽ mỉm một nụ cười thật tươi và tự nhiên thấy trong lòng hăng hái phấn khởi lạ...


HÀ CHINH       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 103, ra ngày 1-4-1969)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>