Thứ Năm, 8 tháng 8, 2024

Nói Chuyện Về Giấc Mơ

 

Các em thân mến,

Khoảng thời gian gần đây, chúng tôi nhận được rất nhiều thư của các em. Có lẽ, nhân dịp bãi trường, các em được đôi chút thư thả nên nghĩ đến chúng tôi, chúng tôi vô cùng cảm kích về niềm tin các em dành cho chúng tôi.

Thư của em Nguyễn thị Nga ở Gia Định làm cho chúng tôi bồi hồi: "Một hôm, cháu nằm mơ thấy ba cháu chết. Cháu khóc đến nỗi sáng ra, mắt cháu sưng vù, nước mắt chảy đầy xuống gối vậy, thưa bác, cháu muốn cho ba má cháu sống lâu, khi lớn lên, cháu sẽ đi làm nuôi ba má cháu. Cháu sợ ba má cháu chết quá, bác ạ, cháu không biết làm thế nào cho ba má cháu khỏi chết. Cháu xin bác chỉ giùm, cháu năm nay được 15 tuổi..."

Chúng tôi cũng có đôi lần, cách nay mấy năm, nằm mơ, một lần thấy cha mất, một lần thấy đám tang mẹ. Lúc tỉnh dậy, biết là giấc chiêm bao, trong lòng mừng rỡ. Các cụ vẫn mạnh khỏe.

Chúng tôi có đứa cháu lên hai. Hai tháng trước đây, cháu đau nặng vừa khỏi lại theo mẹ lên Dalat bằng đường bộ. Cháu không quen đi xe nên mỗi lần ngồi trên xe chưa được nửa giờ là cháu khó chịu, mặt mày tái mét, chúng tôi lại một phen hết hồn. Vậy mà lần này cháu ngồi xe đi Dalat, đoạn đường dài trên 300 cây số và cả tuần chúng tôi không được tin tức. Lúc nào, trong lòng cũng phập phồng lo âu và một đêm nọ, chúng tôi nằm mơ thấy cháu đã mất. Khi giật mình thức dậy, mồ hôi ướt cả người. Vài ngày sau, cũng đang lúc lo lắng, chợt thấy cháu theo mẹ bước vào nhà chào ba, lòng tôi quá mừng, mắt ướt đẫm.

Theo các nhà giải mộng, sự chết trong giấc mơ là điềm tốt, điềm mạnh khỏe và sống lâu.

Mơ thấy mình chết là điềm mình sẽ thành công, giàu có và danh vọng. Mơ thấy người thân mình chết là dấu hiệu người thân mình khỏe mạnh.

Trường hợp tổng thống Lincoln nước Mỹ khi xưa nằm mơ thấy mình chết mà chỉ bốn hôm sau tổng thống bị ám sát chết, là trường hợp lạ lùng.

Đêm mùng 9 tháng tư năm 1865, cách nay trên 100 năm, tổng thống Lincoln nằm mơ thấy mình dạo qua các hành lang của tòa Bạch Ốc, dinh thự của tổng thống Mỹ, ông hết sức ngạc nhiên thấy các hành lang đều vắng lạnh: Không một người lính gác, không một nhân viên túc trực như thường ngày. Ông bèn đi hết hành lang và bước sang một căn phòng bên cạnh. Tại đây, ông thấy một đám đông mặc đồ tang đứng gần chiếc quan tài khóc nức nở. Ông càng ngạc nhiên nên hỏi thăm việc gì đã xảy ra. Có người trả lời tổng thống bị ám sát.

Tổng thống Lincoln mình mẩy ướt đẫm mồ hôi khi giật mình tỉnh giấc. Nhưng ông vẫn không tin chuyện mộng mị nên không để ý, đề phòng. Tuy vậy, trong buổi cơm tối hôm đó, ông vui miệng kể chuyện chiêm bao cho mọi người xung quanh nghe.

Bốn ngày sau đó, ngày 14 tháng 4 năm 1865, ông bị một tên cuồng tín ám sát chết.

Một chuyện chiêm bao khác xảy ra cách nay ba năm. Một bà nằm mơ thấy người anh về báo mộng cho hay đã chết. Sáng ra, bà ta mua nhang đèn cúng vái nhờ vong hồn người anh linh thiêng phù hộ cho bà ta trúng số. Sau đó, bà ta liền đi mua giấy số và trúng luôn một lượt nhiều lô. Bà ta liền làm cỗ linh đình để tạ ơn vong linh người anh. Nhưng hai năm sau, bà ta được tin chắc chắn người anh vẫn còn mạnh khỏe.

Các em thân mến,

Các em đừng nên quá chú ý vào giấc chiêm bao.

Chắc các em cũng thừa hiểu cha mẹ đã khổ cực rất nhiều để nuôi nấng, săn sóc và dạy dỗ các em, từ lúc các em mới sanh đến khi các em được khôn lớn.

Muốn đền đáp công ơn cha mẹ, cũng như các em muốn cho cha mẹ sống lâu, các em phải yêu mến cha mẹ. Các em đừng làm điều gì ma cha mẹ phải phiền lòng, sự buồn bã làm thu ngắn mau lẹ đời sống của cha mẹ.

Các em phải tôn kính và vâng lời cha mẹ. Cha mẹ từng trải việc đời nhiều hơn các em, có nhiều điều cha mẹ làm mà các em chưa hiểu nổi. Các em đừng vội ngờ vực mà phán đoán sai lầm.

Một mục sư đã nói với đứa con 15 tuổi của ông "khi con còn từ 15 đến 20 tuổi, cha chấp nhận con được quyền tin tưởng con thông minh hơn cha. Từ 20 đến 25 tuổi, cha cũng bằng lòng con có quyền tin tưởng con thông minh bằng cha.

Nhưng khi con đã lớn khôn từ 25 đến 35 tuổi thì cha chắc chắn con phải nhìn nhận cha thông minh hơn con nhiều".


Thân mến                       
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG        

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 42, ra ngày 11-6-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>