Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2024

Một Vụ Mua Bán

 

Năm 1913, Tổng đốc Quảng Đông là Long Tế Quang được thực dân Pháp điều đình để mua cụ Phan Bội Châu và họ Long cũng đang muốn bán. Nhưng "món hàng" đã sẵn sàng để chở từ Quảng Đông đi Hà Nội cho thân chủ mà lại không thành vào giờ chót. Trong vụ mua bán này có nhiều bí ẩn đã được đưa ra ánh sáng.

Năm ấy, Toàn quyền Sa Lộ (Sarraut) đang cai trị Đông Dương. Y là người rất khôn khéo, một tay hùng biện, một chánh trị gia giầu thủ đoạn, đã nắm vững được ba xứ Việt, Miên, Lào, trong khi nước Pháp sắp bước vào cuộc chiến tranh kéo dài 4 năm (1914 - 1918).

Toàn quyền Sa Lộ đã để ý đến các nhà cách mạng hải ngoại mà thủ lãnh là cụ Phan Bội Châu. Y quyết mua cụ bằng bất cứ giá nào vì y tin chắc phong trào chống Pháp mà mất cụ Phan thì cũng như rắn không đầu, chẳng bao lâu sẽ suy sụp, không thì cũng yếu thế dần dần. Hai vụ liệng "bom" ở tỉnh Thái Bình và ở "Hà Nội Khách sạn" do từ bên ngoài tổ chức, đã làm cho y lo sợ sẽ còn nhiều vụ khác xẩy ra nữa.

Nhân hai vụ này, toàn quyền Sa Lộ xin với Tổng đốc Long Tế Quang cho dẫn độ cụ Phan Bội Châu vì lý do Hội đồng đề hình đã xử tử khiếm diện cụ, và truy tố cụ là thủ phạm chỉ huy hai vụ ném bom ở Thái Bình và Hà Nội. Thức dân Pháp cho hai vụ này là hai vụ sát nhân chớ không phải vụ án chánh trị nên khuyên Tổng Đốc Quảng Đông thi hành biện pháp dẫn độ mà không sợ đến dư luận quốc tế chê trách. Lý luận của Pháp chỉ là ngụy biện không đủ thuyết phục được họ Long.

Sa Lộ bèn nhờ tòa lãnh sự Pháp ở Quảng Đông điều đình "mua" cụ Phan. Hai bên thương thuyết trong một thời gian, bên "mua" trả giá rẻ, bên "bán" đòi giá cao, công việc chưa đi đến đâu.

Tòa Lãnh Sự Pháp hồi ấy đã dùng một người Quảng Đông đa mưu túc kế, làm mật thám, với một số lương rất hậu. Tên này là Quan Nhân Phủ, có giao thiệp nhiều với các bộ hạ của Long Tế Quang. Y biết rõ nhiều hoạt động của các đảng viên cách mạng Việt Nam tại Trung Hoa. Y biết rằng cụ Phan là bạn thiết với Hồ Hán Dân ; mà Hồ là một yếu nhân của Quốc Dân Đảng Trung Hoa, chân tay của Tôn Văn, Hồ Hán Dân lại rất có cảm tình với các nhà cách mạng Việt Nam bôn ba hải ngoại. Có điểm bất lợi cho Việt Nam là Hồ Hán Dân bảo trợ cho Trần Quýnh Minh, kẻ thù của Long Tế Quang.

Lợi dụng nhược điểm ấy, tên mật thám Quan Nhân Phủ khai thác sự mâu thuẫn giữa hai họ Trần và Long và vu cáo cụ Phạn Bội Châu là người tâm phúc của Trần Quýnh Minh mưu toan khuynh đảo Long Tế Quang.

Long có tánh đa nghi, bắt cụ Phan hạ ngục.

Những cuộc khám xét xảy ra tứ tung, tại các nhà ở Quảng Đông có chưa chấp những phần tử cách mạng Việt Nam. Quán trọ Chu thị do một phụ nữ Tầu họ Chu đứng trông nom bị lục xét kỹ càng vì là nơi cụ Phan ở trọ, cùng bị bắt với cụ Phan có cụ Mai Lão Bang nữa.

Các cuộc khám xét không tìm ra bằng cớ gì tỏ ra rằng có sự giao thiệp giữa Trần Quýnh Minh và Phan Bội Châu.

Song Tổng đốc Long Tế Quang vẫn bán tín bán nghi.

Tên mật thám Quan Nhân Phủ lợi dụng sự dĩ lỡ của Long Tế Quang (đã lỡ bắt giam cụ Phan) mà điều đình và xúc tiến việc mua nhà thủ lãnh cách mạng.
 

Cò kè bớt một thêm hai, kẻ mua người bán đã đi đến chỗ thỏa thuận giá cả. Pháp chịu mua cụ Phan với một giá rất cao. Thấy tiền tối mắt, họ Long bằng lòng cho dẫn độ cụ, viện cớ rằng cụ đã dính líu vào hai vụ ném bom ở Hà Nội và Thái Bình và đó là hai vụ thường phạm chớ không phải chánh trị phạm.

Họ Long chỉ còn chờ ngày nhận tiền của thân chủ là giao "hàng".

Bỗng đâu một chuyện bất ngờ xảy đến. Một tờ báo Tàu ở Thượng Hải loan tin cụ Phan bị bắt ở Quảng Đông và đăng một bài thơ "Tự thán" của cụ.

Liền sau đó, hai ba tờ báo khác nổi lên công kích Long Tế Quang vì đã bắt cụ Phan để giao cho thực dân Pháp.

Họ Long như bị sét đánh ngang đầu. Có ngờ đâu một vụ còn "tối mật" mà báo chí đã hay sớm thế? Tòa lãnh sự Pháp thấy vụ "mua bán" bị đổ bể, hối thúc Tổng đốc Quảng Đông "giao hàng gấp".

Long Tế Quang muốn nhận tiền, lại sợ dư luận. Y còn thận trọng dò xét xem dư luận Thượng Hải đi đến đâu và hẹn Pháp chờ ít ngày nữa.

Phía lãnh sự Pháp cho Quan Nhân Phủ đến tiếp xúc với các người thân cận của họ Long, trổ tài miệng lưỡi Tô Tần.

Long Tế Quang mới thắng Trần Quýnh Minh, mới lên cầm quyền, chưa dám làm chuyện bậy bạ để mang tai tiếng, nhứt là một chuyện đã bị dư luận phanh phui ra ánh sáng. Y đang đợi chờ hoàn cảnh thuận tiện hơn, khi dư luận bớt sôi nổi, y sẽ giao cụ Phan cho thực dân Pháp.

Tại sao báo chí Thượng Hải hay được tin về vụ "Tối Mật" này.

Ấy chỉ nhờ có một bài thơ của cụ bất ngờ lọt vào một tòa soạn nhựt báo. Một bài thơ định mệnh, đã cứu sống một mạng người.

Nguyên là cụ Phan nói tiếng Quảng rất giỏi. Nhờ đó mà trong khi bị giam cụ làm quen được với anh đầu bếp Lưu Á Tam người Quảng Đông. Cụ mạo nhận là người đồng hương với anh và hai bên nẩy nở tình cảm. Lưu Á Tam trở thành người liên lạc cho cụ Phan với bên ngoài.

Anh ta thường đưa thư của cụ đến bà họ Chu, chủ nhà trọ cũ, rồi Chu thị lại chuyển thư của cụ đến các đồng chí.

Trong thư, cụ Phan nói đến sức khỏe hay hỏi thăm anh em, không có gì là quốc gia đại sự mà khiến cho Á Tam phải lo ngại. Một hôm cụ ngẫu hứng làm một bài thơ "Tự Thán" gởi ra cho anh em đọc trong lúc tử hậu trà dư. Bài thơ nói lên tâm sự người sa cơ lỡ bước chí chưa thành mà đã mắc vòng lao lý, rồi đây có thoát khỏi rơi đầu không?

Lưu Á Tam đem bài thơ này ra nhằm lúc đang có cuộc khám xét gắt gao nhà các Việt kiều. Anh hoảng sợ không dám đưa đến cho Chu thị. Anh cũng tạm ngưng sứ mạng liên lạc viên. Còn bài thơ của cụ Phan, anh không tiện giữ trong túi phải giao cho một người bạn tâm phúc cất giữ hộ.

Một sự tình cờ xảy đến : người bạn của Á Tam có công việc phải đi Thượng Hải và khi anh đến thành phố này thì lại gặp một bạn anh làm ký giả, anh bèn đưa cho bạn bài thơ của cụ Phan Bội Châu.

Tên tuổi cụ Phan không xa lạ gì với văn giới Thượng Hải vì cụ có văn tài, đã từng dùng cây bút mà viết bài đăng báo lấy tiền độ thân và giúp đỡ các đồng chí. Cụ đã lưu lại Thượng Hải một kỷ niệm tốt vì người Tàu ở đây không quên những câu văn hùng tráng của cụ.

Bây giờ một ký giả Tàu vớ được một bài thơ "Tự Thán" của cụ có khác nào được ông Tổ Nghề nghiệp giúp đỡ : Anh đã vớ được mỏ vàng. Dịp may mấy thuở ; anh được một tin "giựt gân" mà chưa báo nào hay biết, anh lại còn được cả một bài thơ, thủ bút của cụ Phan, biết đâu chẳng là bài thơ tuyệt mạng.

Báo anh ngày hôm sau đã có một tin độc đáo, một bài thơ độc đáo... Và báo bán chạy như những món hàng khan hiếm phải mua giá chợ đen.

Vụ bắt giam cụ Phan Bội Châu còn đang là một vụ "Tối Mật", một vụ mua bán trong bóng tối, thì bỗng được tung ra dư luận, lan tràn khắp các giới lãnh đạo Trung Hoa.

Các yếu nhân Trung Hoa Quốc dân đảng vội vàng can thiệp, chận đứng sự mu bán này. Hăng hái nhất là Hồ Hán Dân, đã không quản công lao khó nhọc, đi khắp nơi có quyền thế khua chuông, đánh trống để đòi trả tự do cho nhà ái quốc Việt Nam mà Hồ Hán Dân từng mến phục.

Thế là thực dân Pháp hụt mất miếng mồi mà chúng tưởng đã giữ chắc trong miệng. Báo chí đã thành công trong cuộc giải thoát một nhà cách mạng gần lọt vào nanh vuốt của thực dân, đế quốc.

Hay nói cho đúng thì chỉ vỏn vẹn có mấy câu thơ thôi, đã có mãnh lực thay đổi cả số mạng một người, xoay đổi cả một thế cờ của đại cuộc.

Nếu không do một sự tình cờ, nếu bài thơ ấy đi trôi lọt tới tay các đồng chí của tác giả thì cũng chỉ là một bài thơ ngâm đọc với nhau trong một nhóm vài ba người. Nhưng bài thơ ấy tình cờ đã phiếm du tới tận Thượng Hải rồi nổ bùng trong dư luận.

Tuy Long Tế Quang phải bóp bụng hủy bỏ cuộc mua bán với tòa lãnh sự Pháp, mất một món tiền kếch sù mà y tiếc ngơ tiếc ngẩn, song y cũng còn lợi dụng "món hàng" của y làm mồi nhử thực dân Pháp, mong Pháp giúp y mưu toan đại cuộc.

Lúc ấy nước Tàu đang lâm cảnh Nam Bắc phân tranh. Cuộc cách mạng T.H. tuy đã lật đổ được nhà Mãn Thanh mà lập nền Dân quốc, song Quốc Dân Đảng Trung Hoa vẫn còn phải lo Bắc phạt thanh toán các nhóm quân phiệt miền Bắc. Mỗi địa phương đã bình định xong được giao cho một thủ lãnh cai trị hùng cứ một phương chẳng khác nào một ông vua nhỏ.

Long Tế Quang là ông vua không mão, hùng cứ tỉnh Quảng Châu. Y có nhiều tham vọng, muốn chiếm luôn cả tỉnh Vân Nam, lật đổ Đường Kế Nghiêu là Tổng Đốc tỉnh này.

Long tế Quang muốn dùng cụ Phan Bội Châu làm mồi nhử Pháp để đòi Pháp cho mượn đường xe lủa Hà Nội Vân Nam (do Pháp thiết lập) để họ Long chở lính tới Vân Nam đảo chánh.

Nếu Pháp cho mượn đường xe lửa này thì họ Long sẽ làm ẩu bất chấp dư luận mà giao cụ Phan cho Pháp.

Nhưng một vị toàn quyền Pháp đâu dám mạo hiểm vào một việc ngoại giao quá lớn như thế. Việc can thiệp vào nội bộ một nước láng giềng... Nhất lại lúc ấy Pháp lâm vào cuộc chiến tranh với Đức.

Long Tế Quang giam cụ Phan đến 4 năm để điều đình với Pháp. Sau này y bại trận phải chạy đi Quảng Châu năm 1916, cụ Phan Bội Châu mới được trả tự do...


TẾ XUYÊN     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 51, ra ngày 13-8-1972)



Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>