Ba chục năm trước, hồi tôi là một y sĩ trẻ ở Londres, trong số thân chủ của tôi có một cựu giáo viên bị một bệnh nan y. Ông ta mướn một phòng trong căn nhà một gia đình thợ thuyền nọ ở khu Paddington. Ông già tội nghiệp đó có một vẻ gì đặc biệt làm cho tôi cảm kích. Phải chăng là cái niềm vui bình tĩnh, cái nét thanh thản nó tỏa ra từ thân hình già nua mảnh khảnh và từ cặp mắt sáng ngời màu hạt dẻ của ông? Thành thử tôi lại thăm ông thường, cả những khi ông không cần tôi săn sóc.
Đầu mùa hè, tôi xin được một cơ quan từ thiện cấp cho ông 20.000 quan để ông thoát khỏi cái không khí ngột ngạt trong thành phố mà ra biển nghỉ mát một tháng vì tôi biết ông thích biển lắm. Mười ngày sau tôi thấy ông mệt mỏi, tiều tụy. Ngạc nhiên, tôi hỏi ông tại sao không đi. Ông làm thinh một chút rồi mới thú thực rằng ông không đi nghỉ mát, mà cho hai đứa trẻ của thím chủ nhà đi. Tôi cự ông, ông làm thinh, sau cùng mỉm cười một cách gượng gạo:
- Bác sĩ ạ, đôi khi cũng nên… nhịn tiêu đi.
Một tu sĩ vô danh Đức ở thế kỷ XV, Thomas a Kempis sống cô liêu trong tu viện, đã viết câu thâm thúy này, tóm tắt được cả vấn đề đó: "Chúng ta không thể hưởng được một sự tự do hoàn toàn nếu chúng ta không hoàn toàn hy sinh bản thân".
Sự thực, khả năng tự chủ đó là căn bản của mọi đức hạnh, nguồn gốc của mọi tự do. Muốn được tự do về tinh thần thì con người phải làm chủ được bản năng của mình đã. Thánh kinh có câu: "Thà làm chủ được lòng mình còn hơn là chiếm được một châu thành".
A, nếu chúng ta hiểu được điều ấy? Không tự chủ được thì không rèn được nhân cách, không làm được một sự nghiệp gì có giá trị cả. Những công trình lớn lao, những cuộc đời vẻ vang không phải dễ dàng mà có đâu; phải nghiêm khắc kiểm soát bản thân, thắng được mình và hoàn cảnh rồi mới được hưởng những thành công đó. Nhạc sĩ nổi danh về piano, Paderewski, tóm tắt những gắng sức không ngừng của ông trong câu cô đọng này: "Trước khi thành bậc thầy, tôi đã phải làm nô lệ".
Người nào tự kiểm soát được mình thì có được cái sức mạnh tự chủ; người đó đã biết lựa chọn giữa hai thứ tự do: một thứ ngụy tự do, tức là hành động theo thị hiếu bất thường của mình; một thứ chân tự do, tức là tự do lựa chọn bổn phận. Muốn đạt sự chân tự do đó thì phải theo con đường nào? Nhà vật lý học Nikola Tesla cho ta biết ngay từ hồi nhỏ ông đã tự rèn luyện ra sao:
- Nếu tôi có một món ăn gì mà tôi thích lắm như bánh hay kẹo, thì tôi đem cho liền, dù là như vậy khổ tâm lắm đấy; nếu tôi có một bài làm hay bài tập nào mà tôi ghét lắm, thì tôi làm liền. Nhiều năm như vậy thì sự xung đột dịu xuống; rốt cuộc sở nguyện và ý chí của tôi không chỏi nhau nữa mà cùng hướng về một điểm.
Triết gia William James thì "không ai đáng thương hại bằng con người việc gì cũng do dự, dù là đốt một điếu thuốc, uống một ly rượu, định mấy giờ đi ngủ, mấy giờ thức dậy, hay làm một công việc nhỏ nhặt nào cũng phải đắn đo, suy tính".
Hết thảy chúng ta đều có một tật nào đó, lâu thành thói quen: hút thuốc nhiều quá, uống rượu nhiều quá, phí nhiều thì giờ quá trước màn ảnh truyền hình. Trước hết chúng ta hãy bỏ điếu thuốc lá quá số nhất định đó đi, bỏ ly rượu thứ hai, thứ ba đi. Nếu chúng ta mê coi truyền hình thì hãy khoan đã, đợi làm xong một công việc gì ích lợi rồi hãy coi. Chúng ta ăn nhiều quá ư? Thỉnh thoảng cần nhịn một bữa, có lợi cho sức khỏe, và ta sẽ được hưởng ngay phần thưởng của sự nhịn ăn đó, vì ta sẽ thấy dễ chịu trong người: ăn nhiều quá thì làm hại cơ thể. Khi ta thực sự làm cái việc tự chinh phục mình đó thì lý tưởng của ta cao hơn lên, mở rộng ra.
Chẳng hạn ta quyết tâm làm công việc một cách chuyên cần hơn, không làm phật ý ai, mà nếu người khác có làm thương tổn lòng tự ái của ta thì cũng không nổi quạu lên. Thắng được những việc nhỏ nhặt, thì chắc chắn sẽ thắng được những nỗi khó khăn lớn hơn; rồi một ngày kia sẽ thấy rằng, tinh thần mình mạnh lên lúc nào mình không hay, mình đã bỏ được những thói quen hồi trước làm cho mình tự khinh mình. Epictète bảo: "Anh nên sống một đời đạo đức, tập quen gắng sức thì sẽ thấy vui thích".
Không sao tả được cái nỗi vui khi mình đã khó nhọc tự thắng được mình. Chỉ có mỗi một con đường đưa tới hạnh phúc hoàn toàn là tự mình làm chủ được mình.
Mà nhân loại thì lại tin - điều này là một ảo tưởng nguy hiểm nhất - rằng càng có tiền nhiều càng sung sướng, chỉ có của cải mới làm cho ta giàu có, phong túc. Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy thời nào cũng vậy, những người đi tìm những hạnh phúc chân chính luôn luôn có một chủ trương hoàn toàn ngược lại. Thi hào Horace nói: "Càng sống thanh bạch thì càng được thần thánh ban nhiều phúc"; ông cho sự xa hoa, phóng đãng, ích kỷ của dân La Mã là những dấu hiệu báo trước sự suy sụp của đế quốc mênh mông đó.
Những kẻ nào bị thị dục chi phối, chỉ nghĩ tới chuyện hướng lạc thì ở cuối đường đời chỉ thấy sự chán chường, chết rồi thành tro bụi hết. Vậy mà thời đại chúng ta có biết bao nhiêu người coi mục đích chính ở đời là hưởng lạc. Họ miễn cưỡng làm việc và cho sự vui chơi mới là việc quan trọng trong đời người.
Thế giới ngày nay xáo động trầm trọng; không phải là nhờ sống xa hoa, chơi bời cho thỏa thích, có đủ những tiện nghi vật chất - cái đó chỉ làm cho cơ thể suy yếu, tâm hồn nhu nhược đi thôi - mà nhân loại được cứu rỗi đâu, chính là nhờ tâm hồn và nghị lực của mỗi người. Loài người được trời ban cho cái khả năng tự tạo vận mạng cho mình - theo cái hướng tốt hoặc theo cái hướng xấu - từ trước tới nay đã chế ngự được các thú dữ và thiên nhiên, đã chinh phục được biển cả và không trung, nhưng chỉ khi nào tự chế ngự được bản thân thì lúc nào đó mới được biết sự tự do đích thực và nguồn hạnh phúc chân chính.
A.J.Cronin
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.