Hoài
Minh bước vào Chiêu Anh Quán. Cậu đưa mắt nhìn qua một lượt. Bấy giờ
vào giữa ban trưa nên tửu quán khá đông thực khách. Từng bàn, từng bàn,
những nhà quyền quí cao sang, ăn mặc cầu kỳ chải chuốt, những trang hảo
hán giang hồ lưng mang khí giới, quần bám bụi đường, áo bạc gió sương...
Cùng ngồi quây quần ăn uống chuyện trò vui vẻ.
Hoài
Minh tìm đến một góc vắng khách, lạng lẽ rút trong chiếc túi vải cũ kỹ
mang trên vai ra một ống tiêu đen bóng. Dựa người vào vách, cậu nâng
nhạc cụ đưa lên môi, một điệu êm ái nhẹ nhàng bỗng thoát ra, bay quyện
khắp quán, khiến mọi người ngơ ngẩn lắng tai nghe, im hẳn tiếng nói
cười.
Giọng
tiêu mới cất lên khe khẽ như ngại ngùng, gieo vào không gian những
tiếng nhạc thoang thoảng như tự cõi xa xôi nào vẳng lại. Rồi tiếng trúc
dâng lên, nhưng vẫn giữ một điệu khoan thai êm ả, gợi lên một nỗi buồn
man mác thấm cả tâm tư. Đây, âm điệu của gió lướt qua thông ngàn, của
sóng reo bờ sông vắng, của hạt mưa rơi thánh thót giữa đêm trường hay
của muôn tiếng thở dài hun đúc lại?... Hoài Minh say sưa trổi nhạc. Trên
gương mặt sáng sủa, đôi mắt cậu mơ màng như đang chìm vào cõi hư vô đắm
đuối trong nhạc khúc, và quên cả sự vật quanh mình. Cậu đứng im, tựa hồ
mê lịm đi, chỉ có những ngón tay bé bỏng là rung động nhịp nhàng trên
ống trúc.
Mọi
người trong quán đều quay về phía Hoài Minh. Chẳng hiểu sao, tự dưng ai
cũng cảm thấy xót thương cho cậu bé nghèo. Có người thẫn thờ, nhìn cậu.
Có người ra dáng trầm tư. Cũng có người gục đầu xuống bàn... Rượu thịt
giờ đây trơ trẽn quá!
Nhưng,
giữa lúc âm thanh đang réo rắt dâng trào, một giọng gắt gỏng bỗng vang
lên, khiến mọi người giật mình, và tiếng tiêu cũng liền vụt tắt.
- Im ngay, thằng khốn! Ai cho mi vào đây thổi tiêu làm mất vui quí khách của ta, hử?
Nhận ra tiếng chủ quán, một thực khách chiếm riêng một bàn ở gần Hoài Minh, vỗ bàn, đứng lên phản đối:
- Này chủ quán, ngươi không biết thưởng thức tiếng nhạc ấy, hãy để mặc chúng ta, cớ sao lại hằn học như vậy?
Đây
là một kiếm khách tuổi ngoài năm mươi, dáng vóc hiên ngang, sắc diện uy
dũng, râu để dài, mình mặc bộ võ y đã sờn cũ, một thanh trường kiếm vắt
chéo ở sau lưng. Ông nhìn sang các bàn kế cận, cất giọng sang sảng:
- Thưa quí vị, quí vị cũng nghĩ như tôi, tiếng tiêu của thiếu nhi kia thật là tuyệt diệu phải không?
Các thực khách vui vẻ đáp:
- Vâng, vâng!
- Đúng vậy, thưa lão anh hùng!
- Thế chúng ta phải thưởng gì cho nhạc sĩ tí hon chứ?
Mọi người lại nhao nhao tán thành:
- Phải đấy, phải đấy!
Kiếm khách mỉm cười:
- Vậy, tôi xin mạn phép được dành phần trao tặng trước nhé!... Này thiếu nhi, hãy lại nhận chút tiền ta thưởng tài đi.
Nãy
giờ, Hoài Minh đứng lặng trong góc quán, tâm tư biến chuyển từng hồi.
Ban đầu cậu thấy uất ức tức giận trước lời thét của tên chủ quán. Nhưng
liền đó cậu được hả dạ ngay, vì sự phản đối của kiếm khách nọ. Rồi nỗi
sung sướng lại tiếp đến với Hoài Minh lúc đầu cậu nghe mọi người công
nhận tài mình. Sau hết, Hoài Minh rất vui mừng thấy các thực khách đều
sẵn sàng thưởng cậu. Hoài Minh bước lại bên kiếm khách nhân ái kia, nhận
thưởng và cúi mình cảm động nói:
Ông vỗ vai cậu:
- Ồ có gì? Thực ra thì tài con rất xứng đáng để mọi người ưu đãi... À, con tên gì nhỉ?
- Dạ, tên con là Hoài Minh.
- Thôi hãy sang bàn kế bên đi. Các công tử đang chờ con kìa!
Hoài
Minh vâng lời, lần sang bàn khác. Các vị thực khách tranh nhau thưởng
tiền cho cậu bé. Có người mời cậu uống một chung rượu nhưng cậu nhỏ nhẹ
tạ từ. Không khí trong quán ăn thật là vui nhộn.
Khi Hoài Minh trở về chỗ cũ thì hai bàn tay đã đầy nhóc những tiền. Cậu vui sướng bỏ từng đồng vào chiếc túi vải.
Vừa
khi ấy, có người dừng ngựa đứng trước cửa quán, một người đứng tuổi, ăn
mặc sang trọng. Gã chủ quán vội rời quầy hàng, toan tiến ra chào hỏi.
Nhưng kiếm khách lúc nãy chợt gọi giật lại:
- Chủ quán, đứng lại cho ta hỏi!
Chủ quán dừng bước, ngoảnh sang, cau mày gắt:
- Việc gì?
- Ta muốn ngủ trọ tại đây đêm nay, trên lầu còn phòng trống chăng?
- Lão hãy hỏi mấy tên tửu bảo. Tôi bận đi tiếp rước vị khách kia.
Chủ
quán đáp, nhanh nhẹn bước ra đon đả mời chào ông khách mới đến. Người
ấy khoan thai đi vào, đưa mắt quan sát khắp quán. Khi nhìn thấy kiếm
khách võ y nghèo nàn nọ, ông ta vụt kêu lên một tiếng và bước lại gần,
gập người cúi chào.
- Chào hiền huynh, ngu đệ tìm kiếm hiền huynh đã mấy hôm mới được gặp!
Mọi
người trong quán đều ngạc nhiên trước vẻ cung kính ấy. Nhất là tên chủ
quán. Y đứng trơ ra, trố mắt nhìn. Trong khi đó, kiếm khách cười nói:
- Tốt lắm, hiền đệ vẫn nhớ giữ ý!
Hạ thấp giọng, ông bảo tiếp:
- Phiền hiền đệ bảo nhỏ cho gã chủ quán biết ngu huynh là ai nhé!
Lập
tức, vị vương giả vâng theo, kéo chủ quán lại, nói thầm mấy lời gì vào
tai y, khiến y bỗng run bắn người lên, chắp tay xá kiếm khách, lắp bắp
nói:
- Bẩm, bẩm... thưa...
Kiếm khách ngắt lời:
-
Im! Ngươi không được nói danh tánh ta ra đây. Ta không cần ngươi tạ lỗi
vô lễ với ta lúc nãy. Ta chỉ mong từ giờ, ngươi nên quí trọng mọi người
như nhau. Thôi hãy đi đi.
Chủ quán dạ dạ quay mặt vào trong, mặt còn tái nhợt.
Chứng
kiến cảnh ấy, Hoài Minh tự nhiên thích thú vô cùng. Cậu không cần biết
kiếm khách là ai mà gã chủ quán nghe đến tên phải khiếp hãi như vậy.
Nhưng dù ông là ai, cậu cũng thấy kính phục hết sức.
Quảy túi lên vai, Hoài Minh bước lại bàn kiếm khách, ngỏ lời từ biệt. Vị vương giả liền hỏi:
- Thiếu nhi này là ai vậy hiền huynh?
Kiếm khách đáp:
- À, y là một thiếu nhi thổi tiêu kiếm tiền độ nhật.
Và ông đứng lên nói to với mọi người:
- Thưa quí vị, nhạc sĩ tí hon này ngỏ lời cám ơn quí vị và xin từ giã.
Một thực khách giơ tay nói:
- Chào nhạc sĩ tài ba của chúng tôi!
Người khác tiếp:
- Chúc em nhiều may mắn!
Rời
Chiêu Anh Quán, Hoài Minh tìm đến một quán ăn nhỏ bé nghèo nàn nhứt để
dùng bữa trưa. Xong, cậu đi dạo khắp thành Trấn Châu, để sáng hôm sau lại
sẽ rời nơi đây, dấn bước trên đường thiên lý. Hoài Minh là một cánh
chim non, nhưng đã sớm phiêu bạt với mây ngàn. Cậu ra đi lưu lạc khắp
nơi, bán tiếng nhạc sầu não nuột kiếm chút tiền sinh sống.
Chiều
hôm ấy, Hoài Minh trở lại quán nhỏ dùng cơm. Sau đó cậu xin người chủ
cho một chỗ ngủ tạm. Chủ quan tuy nghèo nhưng rất hảo tâm. Ông ta bảo:
- Cháu hãy tìm một góc trống nào đấy mà nghỉ. Gia đình ta đã có phòng riêng trong kia.
Vừa hừng sáng, Hoài Minh chào chủ quán lên đường, khi đã hỏi rõ đường đi đến thành Đại Lãnh.
Vượt qua mấy dặm núi đồi, Hoài Minh đến một làng hẻo lánh nằm ven một khu rừng nhỏ.
Trời
đứng bóng, nắng đỏ chói chang. Hoài Minh tạm dừng bước ngồi dưới gốc
cây cổ thụ, giở cơm khô ra dùng, đoạn vào một ngôi nhà lá dựng ở đầu
thôn, xin nước uống.
Gặp hai đứa bé ngồi ủ rũ nơi thềm, Hoài Minh nói:
- Cho tôi xin một bát nước uống được chăng?
Đứa
bé gái lẳng lặng bước vào trong. Hoài Minh tò mò nhìn vào nhà. Cậu ngạc
nhiên khi thấy một người đang đắp chăn, trên chiếc giường xiêu vẹo. Cậu
hỏi đứa bé trai:
- Này em, hình như ai bị bệnh đấy hở?
Đứa bé đáp:
- Thân mẫu em đấy. Người phải bệnh đã hai hôm, không có tiền uống thuốc!
- Thế còn thân phụ em đâu?
- Mất lâu rồi!
Đứa bé gái vừa bưng bát nước lên.
Hoài
Minh tiếp lấy, uống từng ngụm, vẻ nghĩ ngợi lộ ra trên nét mặt. Uống
xong, cậu trao trả bát, rồi bỗng mở túi lấy tất cả số tiền đã kiếm được
ở Chiêu Anh Quán đưa hết cho cô bé:
- Lấy tiền đây đi rước thầy thuốc ngay nhé!
Cô bé sửng sốt nhìn cậu, đoạn lắc đầu:
- Chúng em không dám nhận đâu!
- Hai người không muốn mẫu thân được mạnh à? Đừng ngại, cứ nhận. Thôi tôi đi đây.
Hoài Minh nói, và quảy túi bước ra sân. Đứa bé chạy theo níu tay cậu:
- Nhưng anh ở đâu, và bây giờ đi đâu?
- Tôi không có nhà. Tôi đi đến thành Đại Lãnh. À, qua khỏi khu rừng này thì tới thành ấy phải không?
- Vâng... chúng em cám ơn anh vô cùng.
- Thôi tôi đi luôn nhé!
Hoài
Minh vui vẻ tiến sâu vào khu rừng. Khi sắp ra khỏi bóng mát của muôn
ngàn cây lá, cậu chợt thấy một dòng suối con tuôn chảy cạnh lối đi. Hoài
Minh ghé lại, khoát nước rửa mặt và nằm dài ra bãi cỏ xanh ngát, khoan
khoái nghỉ ngơi.
Lúc
đã thật khỏe, Hoài Minh đứng lên toan tiếp tục đi, chợt nghe có tiếng
vó ngựa rồn rập đưa tới. Rồi hai kỵ sĩ hiện ra cùng gò cương dừng lại
bên bờ suối. Nhận ra lão kiếm khách và vị vương giả ở Chiêu Anh Quán,
Hoài Minh bước tới vái chào. Ngạc nhiên, kiếm khách hỏi:
- Ồ, con đi đâu đây?
Hoài Minh đáp:
- Thưa lão anh hùng, con sang thành Đại Lãnh, và còn đi nữa...
Dắt ngựa đến suối cho uống nước, vị vương giả hỏi:
- Thế ra không phải con trú trong thành Trấn Châu sao? Phụ mẫu con đâu mà lưu lạc như vầy?
-
Thưa đại nhân, phụ mẫu của con bị bạo bịnh mà qua đời cả. Từ đó con
dùng tiếng sáo để tự kiếm tiền độ nhật, và quyết đi khắp lãnh thổ Thiên
quốc này cho biết đó biết đây.
Kiếm khách hỏi:
- Có phải con vừa ghé vào một ngôi nhà nọ, và tặng một số tiền để cho gia chủ thuốc thang chăng?
- Ồ, sao lão anh hùng biết được?
-
Chính hai ta tình cờ ghé vào đấy, và nghe hai đứa bé thuật chuyện lại.
Chúng nhờ ta bảo cho con biết, chúng đã đi rước thầy thuốc rồi.
Ngừng một chốc, kiếm khách tiếp:
- Hiện giờ trong túi áo con không còn một đồng nào? Ta xin đền lại con số tiền con vừa giúp người nhé?
Hoài Minh nhỏ nhẹ từ chối:
- Cám ơn lão anh hùng. Nhưng con chẳng dám nhận, khi con không hề ra công làm nên số tiền lớn ấy, giữa lúc con còn khỏe mạnh.
Một lúc sau, khi ngựa đã hết mệt, kiếm khách và vị vương giả từ biệt Hoài Minh lên đường.
Đợi
hai người ngựa khuất bóng, Hoài Minh bước lại xách túi. Bỗng cậu kêu
lên ngạc nhiên, khi thấy một đồng tiền vàng óng ánh nằm ngay bên hành lý
của mình.
- Chắc của lão anh hùng làm rơi. Ta phải mang trả lại mới được.
Hoài Minh nghĩ thầm, và vội vã nhặt tiền, xách túi chạy ra đường. Nhưng hai kỵ mã đã mất hút. Cậu bước chậm lại và tự bảo:
- Ta vào thành Đại Lãnh chắc sẽ gặp được lão anh hùng.
Vượt khỏi khu rừng, đi thêm một đỗi, Hoài Minh đã thấy Đại Lãnh sừng sững hiện ra.
Vào
thành, Hoài Minh đi rảo khắp các tửu quán, tìm hai lão trượng, nhưng
mãi đến chiều tối cũng chưa thấy đâu. Cậu tự trách mình đã không hỏi rõ
hai người ấy đi đến nơi nào.
Quá
mệt, Hoài Minh ngồi xuống vệ đường nghỉ chân. Cơn đói bỗng kéo đến
khiến cậu lo lắng. Gói cơm khô ban trưa đã dùng hết, tiền lại không còn,
biết làm sao? Nghĩ đến tiền, Hoài Minh sực nhớ đến đồng vàng nhặt được.
Cậu mở túi, lấy nó ra cầm mân mê ngắm nghía. Với đồng tiền này, Hoài
Minh có thể ăn xài hết cả tuần trăng, chứ đừng nói một bữa cơm nghèo
nàn. Nhưng ở đây nó không thuộc quyền cậu, cậu không được phép dùng.
Hoài Minh nghĩ vậy, và toan bỏ đồng tiền vào túi.
Nhưng
khi ấy, chợt có một tên vạm vỡ, nét mặt hung tợn đi qua. Nhìn thấy cậu
bé cầm đồng tiền vàng, hắn sững sờ đứng dừng lại, rồi tiến lại, ồm ồm
hỏi:
- Này tiểu nhi, mi có một đồng tiền vàng đấy à?
Hoài Minh khó chịu đáp:
- Không phải của tôi.
- Thế của ai? Đưa đây cho ta xem thử giả hay thiệt.
Hoài Minh muốn từ chối, nhưng trước đôi mắt gườm gườm của tên nọ, cậu đành phải tuân theo:
- Xem qua rồi trả ngay cho tôi nhé!
Tên nọ tiếp lấy đồng vàng lật qua lật lại quan sát, rồi đột nhiên cầm đi thẳng. Hoài Minh tức tốc đuổi theo níu áo hắn, hét lớn:
- Đi đâu thế? Sao không trả đồng vàng cho tôi?
Tên nọ ngoảnh lại trợn mắt:
- Đồng vàng này mi ăn cắp của ai, ta đã không tố cáo, còn theo đòi nữa hử?
- Đừng nói bậy. Hãy trả cho tôi!
- Buông áo ta ra!
- Không! Trả tiền tôi đã.
- Trả này!...
Tên hung bạo vội tát vào mặt Hoài Minh. Cậu bé lảo đảo, nhưng vẫn nắm chặt vạt áo hắn, cắn răng chịu đau, rít lên:
- Đồ khốn! Trả đồng vàng mau!
Bỗng một bóng người từ đâu phóng lại giữ chặt tay hắn:
- Này, gì thế?
Hoài Minh mừng rỡ đáp nhanh:
- Gã này cướp đồng tiền vàng của tôi.
Người can thiệp là một tráng sĩ trẻ tuổi, vận võ y gọn gàng, lưng đeo kiếm báu. Chàng vỗ vai tên gian manh:
- Sao hảo hán lại làm thế?
Lặng
thinh, tên kia vụt đưa một đấm vào cằm tráng sĩ. Nhưng chàng đã quát to
một tiếng, nghiêng mình tránh khỏi. Rồi nhanh nhẹn lạ thường, chàng
nhảy lại tát bốp bốp vào mặt tên nọ. Hắn cảm thấy hai má cứ đau nhói
lên, nhưng không thể nào chống trả được, vì địch thủ di động quá mau như
gió, vừa thấy trước mặt, vút cái, đã ra sau lưng.
Chỉ một lúc, mặt tên gian đã sưng to, đỏ ửng lên. Hắn kinh hãi quá, vội kêu:
- Ối, ối! Xin tráng sĩ tha cho. Tôi trả đồng tiền vàng đây.
Bấy giờ tráng sĩ mới dừng tay, đứng nhìn tên nọ run rẩy lần lưng lấy đồng tiền trao cho Hoài Minh. Chàng nghiêm nghị bảo:
- Thôi hãy cút đi, từ nay không được tái phạm nữa nhé?
Khi tên nọ đã lẩn mất, Hoài Minh bước lại tạ ơn tráng sĩ. Chàng mỉm cười:
- Đó là bổn phận của ta... À, có lẽ em vừa từ xa tới? Người em còn vương đầy bụi đường. Em ở đâu?
- Chuyện của em khá dài.
- Vậy, chúng ta hãy vào quán kia, mình sẽ nói chuyện sau. Em chưa dùng cơm chứ?
Hai người dắt nhau vào một quán vắng khách. Tráng sĩ gọi tửu bảo dọn thức ăn. Đoạn cả hai người dùng cơm, vừa vui vẻ chuyện trò.
Hoài
Minh kể rõ hoàn cảnh mình và lai lịch của đồng tiền vàng cậu đang giữ.
Nghe xong, tráng sĩ tỏ ra mến phục cậu bé lắm. Chàng tự xưng là Hoàng
Ngọc, và cho biết, mình vừa từ biệt mẹ già, lên đường về kinh đô ứng thí
tranh chức "Vô địch tướng quân" do triều đình tổ chức, chiều hôm nay
vừa đến thành Đại Lãnh thì gặp Hoài Minh...
Biết
rõ nhau, hai người trở nên thân mật hơn. Hoài Minh lấy ống tiêu thổi
khúc nhạc lòng cho Hoàng Ngọc thưởng thức. Tiếng tiêu vừa dứt, cậu bé
gục đầu rớm lệ. Hoàng Ngọc cũng buồn, chàng hỏi:
- Hình như tiếng tiêu đã gợi cho em một nỗi buồn gì?
Hoài Minh lau nước mắt đáp:
-
Vâng, trong những lúc vắng lặng như thế này, trổi tiếng tiêu lên, em
lại nhớ đến mẫu thân em mất đi khi em còn nhỏ dại, nên em chỉ giữ được
những kỷ niệm vui sống với phụ thân mà thôi. Em nhớ lại những buổi chiều
xưa, thân phụ em thường ra ngồi trước nhà bế em đặt vào lòng, dạy thổi
trúc... Bây giờ cảnh ấy còn tìm đâu được?
Đêm
ấy, Hoàng Ngọc và Hoài Minh cùng trọ ngủ tại quán. Sáng ra thức giấc
hai người lại thấy buồn vì phải chia tay. Hoàng Ngọc tần ngần bảo:
- Hay là em hãy theo anh!
Hoài Minh nói:
- Anh cần đi gấp để kịp ngày đại hội, nếu có em theo, thật rộn ràng. Xin anh cứ đi trước. Em cũng sẽ lần đến đế đô sau...
Hoàng
Ngọc đành mang hành lý lên đường. Hoài Minh ở lại, dạo bước khắp nơi
thổi nhạc kiếm tiền hôm sau mới rời Đại Lãnh, thong thả ra đi.
*
Qua
mười mấy hôm vượt đường xa, khi đi bộ, khi quá giang xe, lúc ngủ quán,
lúc tìm nhà trú ẩn qua đêm, Hoài Minh đến đế đô vào một buổi sáng đẹp
trời. Trong lúc bôn ba, nhiều lần Hoài Minh phải chịu đói khát, vì kiếm
không ra tiền. Nhưng cậu nhất quyết không dùng tới đồng vàng nhặt được.
Tới các thị trấn, cậu cố tìm vị vương giả và kiếm khách để hoàn nó lại.
Song hai người ấy vẫn bặt tin.
Hôm
nay đến đế đô, Hoài Minh rảo bước khắp kinh thành. Cậu thích thú ngắm
nhìn những lâu đài nguy nga, những quán to rộng chưng bày lộng lẫy.
Nhưng có một điều khiến Hoài Minh lấy làm lạ. Sao kinh thành lại thưa
vắng người qua lại thế này. Cậu hỏi một ông lão đang ngồi uống rượu
trong một quán nọ. Ông lão nhìn cậu cười nói:
-
Cháu ở đâu mới đến hay sao mà không rõ? Hôm nay là ngày chót cuộc tranh
chức "Vô địch tướng quân", ai cũng đi xem, chỉ trừ người bận việc, hay
già yếu như lão mới đành ở nhà thôi.
Rồi hắng giọng, ông lão tiếp:
-
Hôm nay cuộc tranh giải chắc hào hứng lắm nhé! Vì sau bao ngày gạn lọc,
giờ chỉ còn hai dũng sĩ cao tài nhứt. Cố nhiên họ sẽ tranh đấu hết sức
mình để đoạt chức vô địch đã kề bên, phải không cháu?
Hoài Minh vụt nhớ đến Hoàng Ngọc. Cậu hỏi:
- Thưa lão trượng, người có biết tên hai dũng sĩ vào chung cuộc chăng?
Ông lão ngập ngừng:
- À... à... lão nghe nói hình như hai người ấy là... Chàng Ngốc và Lý Mập Lùn thì phải. Họ có tài mà tên sao kỳ cục quá!
- Võ trường ở nơi nào, thưa lão trượng?
- Cháu cứ đi thẳng về phía đông thì gặp.
Hoài Minh chào ông lão, vội vã đi. Quả như lời ông, cậu đi một đỗi, thấy võ trường hiện ra.
Võ
trường rất đông, được bao bọc bằng vách tường cao sừng sững. Hoài Minh
bước vào cửa. Bên trong đen nghẹt những người. Cậu không sao nhìn thấy
nơi tranh tài của đấu thủ.
Ngay lúc đó, chợt có tiếng loa vang lên làm im ngay lời bàn tán ồn ào của khán giả:
- Hai đấu thủ đã thi xong phần xạ tiễn, và được số điểm đồng đều. Tiếp theo, họ sẽ đấu với nhau bằng vũ khí.
- Chú ý! Chú ý! Đây là phần quyết định. Ai thắng sẽ đoạt chức "Vô địch tướng quân"!
Nghe xong, Hoài Minh vội len vào đám khán giả, quyết tiến vào giữa xem cho rõ. Tiếng loa lại kêu vang:
- Mời hai đấu thủ ra sân đấu.
- Chuẩn bị... Bắt đầu.
Khán
giả im lặng theo dõi, thỉnh thoảng mới "ồ" lên một tiếng, hoặc vỗ tay
tán thưởng. Hoài Minh vẫn còn kẹt trong đám rừng người. Mồ hôi nhễ nhại,
cậu nắm chặt túi vải len lỏi một cách khó nhọc. Nhưng hàng rào người
sao mà dày thế? Hoài Minh rất nóng lòng. Cậu muốn xem rõ mặt hai đấu
thủ, vì hy vọng có Hoàng Ngọc trong đó. Cậu nghĩ, ông lão ở quán rượu đã
nghe lầm: ai lại có tên Chàng Ngốc, Lý Mập Lùn chứ?
Hoài Minh sắp thoát được vào trong chợt nghe khán giả reo ầm lên, vỗ tay vang trời. Rồi tiếng loa ban nãy gào to:
- Dũng sĩ Hoàng Ngọc đã hạ dũng sĩ Lý Thập Hùng. Vậy chức "Vô địch tướng quân" về tay Hoàng Ngọc dũng sĩ!
- A! Hoàng Ngọc! Hoàng Ngọc! Hoài Minh lẩm bẩm, và vẹt mấy người đứng hàng đầu, nhảy ra ngoài.
Kìa!
Giữa võ trường, một tráng sĩ sức vóc hiên ngang đang giơ tay chào, đáp
lại tiếng hoan hô vang dậy của khán giả. Người ấy chính là Hoàng Ngọc,
chàng tráng sĩ đã cứu giúp Hoài Minh ở Đại Lãnh. Hoài Minh mừng rỡ gọi
to:
- Anh Hoàng Ngọc! Anh Hoàng Ngọc!...
Tráng sĩ quay lại nhìn thấy cậu, tươi cười đưa tay vẫy. Hoài Minh vụt chạy lại nắm tay chàng, vừa thở vừa nói:
- Mừng anh được toại chí!
Hoàng Ngọc cười hỏi:
- Em đến đế đô hồi nào?
- Mới đến anh ạ!
Hai người chưa nói thêm được gì, một tên quân đã bước tới quát:
- Ê, thiếu nhi, sao dám vào đây?
Hoàng Ngọc nói:
- Nó là em của tôi.
- Nhưng dũng sĩ không nên cho em ấy vào đây mà phạm luật.
Ngay lúc ấy, một tướng quân trẻ tuổi bước tới bảo:
- Thánh thượng cho mời dũng sĩ và thiếu nhi này lên bệ kiến.
Hoàng Ngọc ngạc nhiên:
- Cả em tôi nữa sao?
- Vâng.
Tên quân xen vào:
- Tôi nói có sai đâu, đức vua đã tức giận vì sự có mặt của thằng bé ở đây rồi đó.
Hoài Minh cuống quít:
- Chết chưa! Làm sao nhỉ?
- Đừng sợ! Không sao đâu!
Đoạn
cả hai người bước lên khán đài, nơi đức vua và quần thần ngồi dự khán.
Đến trước bệ rồng, hai người cùng phủ phục, nghe nhà vua cất giọng sang
sảng, phán:
- Trẫm rất mừng khi được thâu nhận Hoàng Ngọc dũng sĩ vào hàng khanh tướng. Dũng sĩ rất xứng đáng với chức "Vô địch tướng quân".
Ngài ngừng nói một chốc, rồi khẽ cười:
- Còn chú bé kia, tên chú có phải là Hoài Minh không? Nào, chú hãy ngước nhìn ta xem!
Hoài
Minh giật mình. Cậu len lén nhìn lên, rồi trố mắt sửng sốt. Nhà vua mỉm
cười nhìn cậu, nét vui vẻ thích thú hiện rõ trên gương mặt nhân từ:
-
Con ngạc nhiên lắm, phải không? Phải, lão kiếm khách nghèo hèn ở Đại
Lãnh chính là ta, và vị vương giả mà con đã biết cũng chính là quan đại
thần đây.
Vừa nói, nhà vua vừa chỉ tay sang vị văn quan ngồi gần bên.
-
Ngày ấy ta đang giả dạng du hành khắp nơi để tìm hiểu dân chúng đó.
Thôi hai người hãy bình thân, và nói cho ta rõ, vì sao hai người lại
quen biết nhau.
Hoàng
Ngọc liền tóm tắt thuật lại buổi gặp gỡ Hoài Minh. Hoài Minh cũng mở
túi lấy đồng tiền vàng dâng lên vua, và kể lại chuyện bắt gặp nó. Nhà
vua cười to phán:
- Nào phải ta đánh rơi đâu. Chính ta cố ý đặt nơi ấy để tặng con đấy chứ!
Dứt lời, ngài bảo hai anh em tạm lui gót trở xuống dưới, và quay sang quan đại thần:
- Khanh nghĩ sao về thằng bé?
- Tâu bệ hạ, xét qua các hành động tốt đẹp hiếm có của y, hạ thần đoán chừng lớn lên y sẽ là một hiền nhân đấy.
- Trẫm muốn giao cho khanh dạy dỗ y được chăng?
- Muôn tâu, thần vốn không con, nếu có thể, xin bệ hạ cho hạ thần được nhận y làm nghĩa tử.
- Ồ thế thì hay quá!
Nói
xong nhà vua đứng lên hướng về phía quốc dân, tuyên bố bế mạc buổi đại
hội, và truyền rước vô địch tướng quân Hoàng Ngọc vào hoàng cung đãi
tiệc.
Hoài Minh cũng được quan đại thần cho ngồi kiệu theo sau. Bỗng dưng được ưu đãi như thế, cậu bé ngơ ngác không hiểu tí gì.
NGUYỄN VĂN NGHỆ
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 27, ra ngày 25-4-1965)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.