Một buổi chiều mưa lạnh... Trong chiếc tủ kính tại một cửa hàng tạp hóa nàng "Bít-tất" (vớ) kể chuyện đời mình cho chàng "May-ô" nghe.
- Thân em nếu không có chất tơ làm gì được óng ả mịn màng thế này!
Nàng ngừng lại như moi sâu vào dĩ vãng, rồi chép miệng khẽ nói:
- Cách đây 4000 năm, Hoàng hậu Tiểu Lệ Chi, dạo chơi vào một buổi sáng mát trời tại vườn Ngự Uyển với các cung nữ.
Hoàng hậu chợt nhìn thấy cây dâu nặng chĩu quả lung lay trước gió. Một con bướm tằm óng ả tuyệt de;95 đậu trên một trái dâu bay ra. Trái này trông như một cuộn chỉ trắng, có thể kéo dài hàng trăm thước tơ.
Hoàng hậu Tiểu Lệ Chi về tâu Hoàng đế Hoàng Ti hạ chiếu cho dân chúng phải khai thác tơ tằm, sáng chế khung cửi để nhân dân dệt áo quần mặc.
Công việc phải tuyệt đối giữ bí mật. Nếu ai để cho người ngoại quốc học nghề sẽ bị tử hình.
Tuy vậy, năm 550 sau Thiên Chúa giáng sinh, vua Justinien xứ Byrance phái hai sứ giả Ba Tư sang Trúng Quốc học lỏm được nghề dệt.
Hai vị này lấy được ít ngài cho vào hai chiếc gậy tre mang về nước. Nghề nuôi tằm ươm tơ được truyền bá sang Âu Châu. Tại Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha dâu mọc rất tốt.
Thế rồi, từng đoàn lữ hành cưỡi lạc đà qua Ba Tư và Syrie đã mang tơ lụa để bán cho vua.
Mãi về sau người ta mới có sáng kiến chế ra bít tất.
Cổ nhân đã biết lấy vải và da quấn chân. Thời Trung Cổ người ta chế ra quần nịt. Từ thế kỷ thứ năm tại nhà thờ Milan (Ý) bít tất trắng chỉ để riêng cho các giám mục dùng.
Năm 1564, người Anh tên là William Rider chế ra thứ bít tất đan.
Độ ấy "phong trào" đan được phái thiếu nữ ham chuộng. Mục đồng vừa đan vừa chăn cừu, các cô gái tỉnh ngồi trông hàng, tay đan thoăn thoắt. Các bà mệnh phụ vừa đan vừa nói chuyện gẫu.
Giáo sĩ William Lee quen một thiếu nữ mê đan đến nỗi quên ăn quên ngủ. Ông là người đầu tiên nghĩ ra chiếc máy dệt bằng tay và chân vào năm 1580, dệt máy nhanh hơn đan sáu lần.
Nhưng máy này không chế tạo được thứ bít tất lụa đẹp để dâng nữ hoàng vì thế giáo sĩ không được cấp bằng sáng chế.
Giáo sĩ William Lee, không vì thế mà thất vọng ; ông ra công sửa chữa máy dệt vào năm 1587, hoàn thành được đôi bít tất lụa rất mỹ thuật để dâng Nữ hoàng.
Lần nầy "Ngài Ngự" có vẻ hài lòng, cảm tạ giáo sĩ nhưng vẫn không cấp bằng sáng chế.
Giáo sĩ cho rằng tại Anh-Cát-Lợi không phải là đất dựng sự nghiệp, William Lee sang lập nghiệp tại Rouen (Pháp).
Tại đây, Lee gặp nhiều sự may mắn vì vua Henri VI hứa sẽ cấp bằng cho nhà sáng chế.
Nhưng sau vua Pháp bị ám sát, William ôm hận xuống tuyền đài vào năm 1610.
Người anh của Lee là Jaques trở về Anh-Cát-Lợi với một nửa số máy dệt ; còn vài người Anh vẫn ở lại tiến hành công việc xưởng dệt của William Lee. Mãi đến năm 1865 họ phải rời nước Pháp vì họ là tín đồ đạo Tin Lành.
Họ sáng lập nghiệp tại Đức quốc, về sau nghề dệt lan tràn sang Áo và Ý. Những đôi tất lụa của vua Henri II dùng vào việc lễ cưới công chúa đã làm cho phái thượng lưu rất ưa chuộng.
Tại Pháp, nghề dệt lụa được chú trọng. Vua François đệ nhất đi đánh trận ở Milan về có mang trứng ngài và cho trồng 20.000 gốc dâu tại vùng thung lũng sông Rhône.
Về sau thượng thư Colbert phái Jean Claud Hindret sang Anh học nghề bít tất lụa.
Khi Hindret về nước, nhà vua cho lập 200 máy dệt tại lâu đài Madrid trong rừng Bologne và ra lệnh cho nhân dân không được mua bít tất ngoại quốc. Riêng nước Y, hàng năm đã mua 25.000 tá bít tất. Các tỉnh Lyon, Amiens, Nêmes và nhiều tỉnh khác cũng lập xưởng dệt. Mỗi năm trong nước có tới 50.000 người dùng bít tất lụa.
*
Cho đến năm 1818, người Mỹ mới mua "lậu" được một chiếc máy dệt của Anh giấu vào chiếc tàu buôn muối mang về Boston.
Ngày nay, bít tất "Nylon" được thông dụng nhứt.
Tại hội chợ quốc tế năm 1939, Du-Pont de Nemour đã quảng cáo rùm beng làm cho mọi người lác mắt, nào là mỗi đôi tất có 50.000 mắt lưới, phải 45 phút mới dệt xong. Máy dệt trị giá 50.000 "đô la" (dollar) và có 188.000 bộ phận!
Sau trận Trân Châu Cảng, Mỹ đã treo tại tòa Bạch Cung một lá quốc kỳ làm toàn bằng "ny lông".
Ngày 15-5-1945, đôi bít tất "ny lông" đầu tiên bán tại một cửa hàng tạp hóa lớn ở Nữu Ước (New York). Trong ba tiếng đồng hồ 50.000 đôi bít tất bán chạy hết veo.
Cảnh binh khó nhọc mới giữ nổi trật tự, kết quả mười bốn thiếu nữ phải đi nằm nhà thương vì chen lấn ẩu đả trong khi mua bít tất.
Năm 1954, Mỹ Quốc sản xuất được 700 triệu bít tất, cân nặng 10.000 tấn.
Rồi chưa biết nghề dệt còn tiến đến mực nào.
*
Mưa đã tạnh, cơn gió lạnh có phần dìu dịu, trai thanh gái lịch lũ lượt kéo nhau vào cửa hàng mua sắm.
Nàng "Bít tất" hẹn chàng "May ô" sẽ có dịp kể lại nhiều chuyện lý thú hơn...
HÀ HOÀI AN (Huế)
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 14, ra ngày 25-2-1964)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.