Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

Tuổi Thọ Người

 

Các em thân mến,

Một em đã gửi thư đến chúng tôi hỏi con người thọ được bao năm.

Các em còn quá trẻ, đời còn dài, nghĩ làm chi đến việc thọ, yểu.

Theo truyền thuyết Trung Hoa, ông Bành Tổ, thời Nghiêu Thuấn, sống đến 800 tuổi.

Trong văn chương Việt Nam cũng như Á đông

Trăm năm, ba vạn sáu nghìn ngày

Là tuổi đời lý tưởng của con người.

Bên Âu châu, hồi thế kỷ 18, triết gia Saint Simon đã viết một cách tự nhiên: Nàng đã ba mươi tuổi rồi mà làm như còn trẻ...

Một thế kỷ sau đó, Balzac, nhà tiểu thuyết nổi tiếng của Pháp thường mô tả trong những tác phẩm của ông những người năm mươi tuổi là những cụ già bệ vệ.

Ở Việt Nam, chúng ta hãy nhìn tuổi thọ của các vì vua chúa cận đại, vì sử sách không thấy ghi chép đời sống của dân thường: Vua Quang Trung (1752-1792) thọ 40 tuổi, vua Gia Long (1761-1820) 59 tuổi, vua Minh Mạng (1790-1840) 50 tuổi, vua Thiệu Trị (1810-1847) 37 tuổi, vua Tự Đức (1840-1883) 43 tuổi.

Cách đây bốn năm chục năm, người ta sống đến tứ tuần (bốn mươi), ngũ tuần (năm mươi) được xem là già rồi. Đến sáu mươi tuổi, đã làm lễ ăn mừng.

Ngày nay, nhờ tiến bộ của khoa học, hưởng nhiều tiện nghi, con người sống sung sướng và lâu hơn. Chúng ta thấy nhiều phụ nữ quá năm mươi mà còn trẻ măng, nhiều ông nhạc, ông nội còn son trẻ. Ông Georges Barbarin lại cho đời sống bắt đầu bằng tuổi năm mươi trong quyển sách giáo dục của ông ta.

Nhà triết học Francis Bacon cho rằng đời người có thể kéo dài bằng tám lần tuổi trưởng thành. Nếu chúng ta cho rằng tuổi trưởng thành là 20, tuổi thọ tối đa của con người là 160 năm.

Bác sĩ C. Hufleand lại còn rộng rãi hơn nữa: Con người có thể sống đến 200 năm!

Ông Pierre Flaurens lại dè dặt hơn. Người ta đến 25 tuổi mới hoàn toàn trưởng thành và chỉ thọ bằng năm lần tuổi trưởng thành, tức là 125 năm.

Nói tóm lại, hồi thế kỷ 18, đời người trung bình là 30 năm, Đến thế kỷ 19, tuổi thọ tăng lên 45, và bây giờ chúng ta hy vọng sống đến 80 tuổi và hơn nữa.

Các em thân mến,

Muốn sống lâu, các em hãy chuẩn bị từ bây giờ. Các em nên giữ gìn sức khỏe, như ăn ngủ điều độ, luyện tập thân thể để sau này khỏi bị cái cảnh tuổi mới 30 mà buồng phổi đã già đến bốn mươi, bao tử năm mươi, gan sáu mươi, thận bảy mươi, trái tim đến tám mươi tuổi.

Các em cũng nên nhớ rằng sống lâu rất tốt, nhưng sống lâu mà không giúp ích gì được cho đời thì cuộc sống còn có nghĩa lý gì.

Điều đáng kể trong đời không phải là sống lâu mà là chúng ta đã làm được gì ích lợi cho xã hội trong đời chúng ta.

Biết bao người trái tim ngừng đập khi đến bảy tám chục tuổi, nhưng lòng họ đã chết từ lâu rồi, họ đã chết từ lúc ba bốn mươi tuổi.

Sènèque đã nói: Điều cốt yếu là biết sử dụng đời sống chứ không phải là sự sống lâu.


Thân mến                   
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 31, ra ngày 26-3-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>