Sáng nay đồng hồ gõ sáu giờ là tôi dậy và chui ra khỏi màn, như thế là hôm nay tôi dậy hơi muộn đấy, chả vì hồi hôm tôi thức hơi khuya, mặc dù mới chín giờ là tôi sửa soạn ngủ rồi. Tuy đi nghỉ sớm thế nhưng không tài nào tôi chợp mắt được vì đầu óc của tôi miên man nghĩ đến chuyện: Mai này mình đi chọn nhiệm sở.
Sau bốn năm miệt mài ở trường đại học Sư phạm, và với cả sự cố gắng của tôi đã đem lại một kết quả làm tôi hài lòng: tôi ra trường đứng thứ năm.
Tôi nghĩ đến việc chọn nhiệm sở và lãnh sự vụ lệnh của tôi, không biết tôi được đưa về tỉnh nào, quận nào đây, nơi nào có trung học và có lớp đệ nhị cấp là có chúng tôi. Mặc dù với tuổi hai mươi hai nhưng tôi rất khờ khạo về chuyện đời. Ba mẹ tôi lo lắng cho tôi không biết tôi ăn ở đâu, vì tôi là con gái, và ba tôi còn nghĩ đến nơi tôi sẽ đến có được yên hay không, mẹ tôi gọi tôi đến và dặn dò những nơi nào không nên chọn, nơi nào khá bình yên vân... vân...
Tôi cảm thấy hôm nay thật sự mình đã trưởng thành, dù sao mai đây tôi sẽ là một cô giáo tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng sao tôi bỡ ngỡ quá, không biết học trò tương lai của tôi ra sao, hiền lành hay nghịch phá.
Đang cho dòng tư tưởng chảy xuôi, thì tôi nghe đồng hồ gõ bảy giờ, tôi sửa soạn thật nhanh và mười lăm phút sau tôi thưa ba mẹ tôi và dắt chiếc xe đạp ra khỏi ngõ.
Ngồi trên yên con ngựa sắt, tôi mới thấy nó già cỗi làm sao, các lớp sơn loang lổ và trở thành những hình thù lập thể khó coi, yên ngựa sục sịch, chuông không còn thanh bai nữa, khi ngựa sắt của tôi chạy tôi nghe nó thở khò khò cót két... cót két... Dù sao ngựa này cũng đã đỡ chân cho tôi gần tám niên học rồi, thuở tôi mới lên đệ Tứ Gia Long.
Nửa giờ sau tôi có mặt tại Viện đại học. Bạn bè tôi lưa thưa vài đứa, tôi xem đồng hồ thì thấy chưa tám giờ. Ban Lý Hóa chúng tôi chỉ có ba đứa con gái và gần bốn mươi con trai, tôi nhìn quanh chưa thấy chị nào tới.
Tôi đứng dựa gốc cây và nghe lỏm vài câu chuyện các anh bàn hơi lớn tiếng. Người này thích về tỉnh nhà, anh kia muốn ở gần Sài gòn để học nữa, anh khác nói đi xa dễ "làm ăn" hơn...
Chín giờ chúng tôi bắt đầu chọn nhiệm sở, theo thứ tự thứ hạng ra trường. Đến lượt tôi, tôi quên mất lời má tôi dặn, đọc tên tỉnh nào cũng như tỉnh nấy. Cuối cùng tôi chọn về Vĩnh Bình. Sau khi ký tên nhận sự vụ lệnh tại chỗ tôi ra ngoài với tinh thần nhẹ nhõm và sảng khoái.
*
Về đến nhà cũng vừa lúc ba tôi đi làm về. Chưa kịp thay áo ngắn, tôi khoe với ba mẹ tôi ríu rít và trình cho song thân tôi xem sự vụ lệnh của tôi, các em tôi vây quanh để nhìn tờ giấy.
Má tôi vụt nói hơi lớn:
- Sao con lại chọn tỉnh này, tỉnh này báo chí đăng là bị pháo kích mỗi ngày.
- Má ơi, con nhớ là trường bị pháo kích trúng cột cờ vừa khi tan học, mới hôm nào đó má.
Đứa em lớn của tôi xen vào.
Ba tôi xây qua nhìn tôi, có lẽ người nhìn thấy những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán tôi, ba tôi thở nhè nhẹ:
- Tôi tưởng con nó đậu cao như vầy ít ra cũng được ở gần Sài gòn, nào ngờ. Thôi cũng là phần số nó phải đi xa chúng ta bà ạ.
Mẹ tôi dịu giọng lại:
- Về Vĩnh Bình con nó ở đâu, khổ quá.
- Con nhớ ở Vĩnh Bình có dì Tư nào mà có bà con họ xa với má đó, hay là má gởi em con ở đó đi.
Tiếng của chị ba tôi xen vào.
Ba tôi gật gù:
- Con ba nó nói cũng được đó bà.
Thằng Út em tôi sốt ruột:
- Má ơi con đói rồi má ơi.
Ba tôi ra lệnh:
- Chuyện đâu còn có đó, lo cơm đã, chiều hai giờ ba phải đi làm.
*
Sau một đêm ba mẹ tôi bàn tính, quyết định để má tôi đưa tôi đi trình sự vụ lệnh. Chị tôi phải xin nghỉ ở nhà vài hôm lo cơm nước.
Vật dụng cần thiết của tôi xếp gọn trong va li nhỏ và vài cái xách tay.
Chúng tôi lo đi xin sách ở các nhà xuất bản, sau một buổi đạp xe gần rã cặp giò, tôi khệ nệ ôm về nhà gần hai mươi quyển vừa giáo khoa vừa bài tập của gần mười tác giả.
Hai hôm sau, sau khi trình sự vụ lịnh cho ông Hiệu Trưởng trường và mẹ tôi đã gởi tôi cho người dì bà con, mẹ tôi lại trở về Sài gòn. Tôi được nghỉ mười ngày, tôi đưa mẹ tôi ra xe, tôi về nhà người bà con, tôi cảm thấy lạc lõng giữa các anh chị bà con xa lạ nầy. Tôi nhớ nhà da diết, nhớ ba tôi, mẹ tôi, các chị tôi, tôi nhớ tiếng cười tiếng hét lúc giỡn của đám em tôi, nhớ thằng Út hay nhõng nhẽo hay phá phách của tôi, tôi nhớ con đường từ nhà tôi đến trường, lớp học, bạn bè của tôi. Những chuyện vui buồn lần lượt diễn tiến không thứ tự hiện ra trong đầu óc tôi.
Dì dượng và các anh chị tôi rất tốt, sợ tôi nhớ gia đình nên cứ gợi chuyện cho tôi nói hay chọc phá cho tôi cười, các anh nhỏ của tôi kể lại chuyện nghịch đùa trong lớp và cười lên như nắc nẻ.
*
Tiếng chuông reo báo hiệu giờ học, tôi dự lễ chào cờ xong thì được ông Giám học dắt vào lớp và giới thiệu.
Tôi cảm thấy tay chân thừa thãi trước gần sáu mươi cặp mắt nai tơ trên khuôn mặt mũm mĩm của cá em còn lộ hẳn nét vừa nghịch ngơm pha chút thích thú và hơi sợ hãi.
Đưa ông giám học ra khỏi lớp, tôi trở vào giữa tiếng lào xào nho nhỏ nổi lên.
Tôi cố lấy lại bình tĩnh để giáo đầu với các em vài lời cần thiết.
Hôm nay không phải là lần đầu tiên tôi đứng trước các em nhỏ chưa quá mười tám tuổi. Suốt bốn năm trên đại học sư phạm tôi đã nhiều lần đi dạy thử qua nhiều trường ở đô thành trong các buổi thực tập. Nhưng lúc còn là sinh viên, các buổi dạy đều có bạn bè và thầy chúng tôi theo, có thể vì vậy mà tôi chưa luống cuống trước đám đông học sinh như hôm nay.
Non hai mươi phút sau là tôi lấy lại được bình tĩnh hoàn toàn. Tôi giảng bài một cách suôn sẻ và chậm rãi.
Sau hai giờ tôi phải đổi lớp, tôi đi qua lớp khác giữa các cặp mắt trong cũng như ngoài lớp chăm chỉ ngó theo pha lẫn một chút xa lạ và tò mò, tôi nghe vài tiếng nổi lên:
- Cô giáo mới ra trường.
- Không phải, dường như ở Sài gòn mới đổi về...
- Hoa xem chừng cô này không khó lắm mấy chị ơi.
- Nhưng chưa chắc cô đã dễ đâu nhé.
- Cô sao giống tụi mình quá, không chưng diện gì hết vậy, cũng áo trắng như tụi mình, lại đôi giày trắng, nếu cô lại sắp hàng chung với tụi mình trước cửa lớp, đố ai biết được ai là trò ai là cô.
Tôi hơi dùng lại khi nghe câu nói này và một cái gì chặn ngang cổ tôi, làm tôi nghẹn lại, lâu lắm rồi tôi đâu có dịp sắp hàng trước cửa lớp để chờ thầy cô tới để nhìn chúng tôi vào lớp. Ngay buổi học cuối cùng ở trường Gia Long, tôi không còn dịp nào để so hàng nữa, và ngày hôm nay tôi hoàn toàn mất hẳn cơ hội.
Nhìn lại dĩ vãng, tôi nuối tiếc khoảng đời học sinh vô tư và vàng ngọc của tôi. Hôm nay trong lớp học tôi đã đổi chỗ đứng và tôi thấy giờ đây tôi hoàn toàn đánh mất tuổi thơ.
TRẦN TRÚC SƠN
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 149, ra ngày 15-3-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.