Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

THU

 

Con đường bỗng nhiên như dài ra, hun hút. Nắng nhẹ như dải lụa vàng trải đều dưới chân bước dịu dàng. Gió đùa giỡn với hai vạt áo dài bay phất phới. Tôi hơi nghiêng vành nón, bởi vì muốn nhìn lên những ngọn cây xếp hàng lặng lẽ hai bên đường, những ngọn cây luôn luôn u buồn, cái u buồn vắng vẻ, xa xôi. Những thân cây nâu sậm gầy guộc đối với tôi là một cái gì quen thuộc và thân mật. Ngày hôm nay nó không còn mang trên mình đám lá xanh tươi mát mùa xuân; những chiếc lá đó đã theo nhau thay áo mới và lần lượt từ giã thân cây, nương theo cánh gió chao lượn trên không một cách nhẹ nhàng uyển chuyển. Để rối sau mấy giây vui tươi ngắn ngủi đó, chúng vĩnh viễn không được trở lên cành, chắc thế nào cũng có chiếc thở dài nuối tiếc.

Ngày hôm nay con đường vắng vẻ lạ thường. Càng hay cho tôi, bởi tôi đang cần yên tĩnh, và muốn chỉ có một mình. Tôi nghe rõ tiếng gió thở nhẹ, tiếng nắng cựa mình cũng như đang nghe rõ nhịp đập của tim tôi và tiếng bước chân tôi dẫm nhẹ trên đám lá khô. Thốt nhiên tôi nhớ đến mấy câu thơ dễ thương của Lưu Trọng Lư:

"Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô?"

Tôi mỉm cười nhè nhẹ, muốn trả lời nhà thơ: "Có chứ, tôi có nghe thấy mùa Thu trở về, trong lòng vạn vật và trong lòng tôi. Thu đang bao bọc lấy tôi, tôi đang thở hút không khí của Thu, tôi ngợp trong không khí đó; và cũng như con nai của nhà thơ, tôi đang dẫm nhẹ trên những chiếc lá vàng khô!" Thầm trả lời như vậy, rồi tôi lại muốn cười thêm nữa, vì bỗng nhiên tôi mong được làm con nai vàng nho nhỏ, ngơ ngác nhìn vũ trụ chuyển mình, với cả cánh rừng tràn ngập lá vàng khắp nẻo đường đi. Được như vậy chắc là thích lắm.

... Nhưng, tôi làm nai sao được! Bạn tôi gọi tôi là "Công chúa mùa Thu". Công chúa thì không thể vào rừng nghe lá khô xào xạc và đạp nhẹ trên đám lá vàng. Công chúa phải tựa cửa lầu son, nhẹ vén rèm ngọc nhìn lá vàng rơi rụng bên ngoài, để thở dài nhìn thời gian lững thững đi ngang cổng hoàng cung.

Đã vậy, tôi chẳng làm nai cũng chẳng làm công chúa, tôi là tôi, con bé học trò áo trắng, lúc nào cũng buồn như lá úa mùa Thu và giờ đây, đang lang thang trên còn đường dài vắng vẻ.

Một chiếc lá vàng nghịch ngợm bay đây trên đầu tôi, đùa với mấy sợi tóc tơ. Tôi gỡ chiếc lá xuống, nâng niu trong lòng bàn tay bé nhỏ. Thu... tôi gọi thầm tên một mùa buồn nhất mà cũng là gọi thầm chính tôi. Thu... âm thanh nhẹ nhàng như một hơi thở, vậy mà chỉ với một âm thanh đơn độc đó, bao nhiêu kỷ niệm trong quá khứ ấu thơ bỗng dồn dập chạy ngược chiều trong tâm thức tôi...

Kỷ niệm này biết nói với ai? Thôi, đành thì thầm cùng chiếc lá...

*

Tôi cuống quít gọi:

- Mẹ ơi, lấy áo cho con đi, muộn quá rồi!

Vừa chờ mẹ, tôi vừa lo lắng, sợ trễ cuộc vui Trung thu ở trường. Chỉ tại tôi ham qua nhà con bé hàng xóm xem chiếc đèn kéo quân. Chiếc đèn đẹp thật, nó có tám mặt, phất giấy màu rực rỡ. Bóng đèn bên trong sáng trưng, in hình những người, những voi, những ngựa, những thuyền rồng lần lượt diễn hành theo vòng tròn. Hai đứa chúng tôi say mê ngồi ngắm. Con bé Châu ra vẻ thích thú, cười nói huyên thuyên và chỉ cho tôi xem mỗi khi có một hình chạy qua trước mặt. Mải xem đèn, tôi quên khuấy tối nay có cuộc vui tổ chức tại trường. Để học sinh mừng Trung thu, nhà trường cho phép các cô giáo tổ chức một đêm liên hoan với nhiều tiết mục vui tươi: rước đèn, ca hát, múa sư tử và... phát bánh Trung thu.

Tiếng trống ngoài phố làm tôi thêm sốt ruột, vừa lúc đó mẹ mang áo ra. Chiếc áo đầm trắng đã được mẹ giặt ủi cả tuần trước, mẹ cẩn thận treo trong tủ, đến hôm nay mới lấy ra. Mẹ âu yếm choàng áo vào người tôi, nhẹ nhàng cài các hột cúc. Tôi nhanh nhảu:

- Mẹ để con cài cho nhanh.

Hai tay tôi thoăn thoắt, chỉ cốt sao cho mau xong. Nhưng khốn khổ: khuy áo thứ ba sao mà nhỏ thế này, cài hoài không xong, tôi bực tức giật mạnh cúc áo. Chiếc cúc rời ra, lăn tròn dưới đất. Thật là chết, đang vội lại còn gặp tai nạn, nước mắt tôi chỉ chực chảy ra. Mẹ thấy, dỗ khéo:

- Việc gì phải khóc. Đâu, để mẹ khâu lại cho nào.

Bàn tay mẹ thật nhanh nhẹn mà sao con bé sốt ruột quá chừng. Áo vừa khâu xong, cúc cài lại được là tôi đã chạy vụt ra cửa, quên cả cảm ơn mẹ như lệ thường.

Ngoài đường chỗ nào cũng đèn nến sáng rực và tiếng trống đánh liên hồi như hòa nhịp với tiếng trống ngực tôi đập thình thịch. Chạy được đến trường thì hai cổng đã đóng chặt, đôi tay bé bỏng của tôi lay lay cánh cổng một cách tuyệt vọng. Bên trong, tiếng reo hò, tiếng vỗ tay, tiếng la hét, tiếng đàn tiếng trống tưng bừng nhộn nhịp. Con bé nước mắt vòng quanh, miệng méo xệch rồi òa lên khóc. Có lẽ tôi không dám về nhà, xấu hổ lắm, dù là chỉ với mẹ. Tôi đã khoe mẹ cả mấy chục lần: "Đêm Trung thu con sẽ lại trường, con sẽ hát, con sẽ ăn bánh, sẽ xem múa sư tử vui lắm". Thế mà... chỉ tại cái đèn kéo quân và cái cúc áo, hai cái vật dễ ghét đã làm tiêu tan cả một đêm thật đẹp của tôi; lúc bấy giờ, giá có ai hỏi rằng trên đời cái gì trông xấu nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay: đó là cái cúc áo và cái xấu thứ nhì là cái đèn kéo quân.

Tôi nghĩ rằng bây giờ mình sẽ đi lang thang như một đứa bé ăn mày suốt đêm nay, cô độc một mình một bóng và bụng thì đói, tôi sẽ khóc cho ướt môi, ướt má, ướt khăn tay, ướt áo đẹp, trong khi nhà nào cũng đèn nến sáng trưng, cũng bánh trái đầy mâm, cũng có những tiếng cười, tiếng hát. Rồi tủi thân, tôi ngồi phịch xuống đất tiếp tục khóc.

- Thu!

Có tiếng ai gọi tên tôi rồi tiếng mở khóa lách cách. Tôi ngửng đầu lên: cô tôi hiện ra như một nàng tiên trong truyện cổ tích. Cô dịu dàng hỏi:

- Tại sao em khóc?

Ôi, ngôn ngữ của cô tôi cũng là ngôn ngữ của các nàng tiên. Hay cô là tiên thật? Tôi không trả lời, chỉ nắm chặt lấy bàn tay mềm mại và ấm áp của cô. Cô vuốt nhẹ tóc tôi:

- Nín đi, cô chờ để đón em vào đây mà.

Vui làm sao, nhưng tôi vẫn khóc, lần này vì sung sướng và cảm động. Cô trách nhẹ:

- Ô kìa! Cô bảo nín cơ mà. Nín đi không có mắt đỏ, bạn nó trêu cho là "em bé nhè" đấy.

Cô dẫn tôi vào một vùng ánh sáng chan hòa, sau khi giới thiệu tôi với các bạn, cô nói to:

- Nào, Bây giờ chúng ta cùng hát! Một... Hai... Ba...

Tôi hát thật lớn bài hát cô đã tập từ tuần trước: "Thu sang bên đồi, mây bay ngang trời, hồ thu bát ngát, gió thu tươi..." và nhìn cô. Cô cũng đang nhìn tôi. Hai mắt cô lóng lánh như hai vì sao sáng nhất trong đêm nay.

Tôi quên đi rồi những phút ngồi tủi thân ngoài cổng trường, và củng hết nghĩ rằng cái cúc áo và chiếc đèn kéo quân là hai vật dễ ghét nhất trên đời.

Cuộc vui tàn dần rồi kết thúc, mặc dù chúng tôi còn thừa sức để hát và để hét. Cô dẫn tôi ra cổng trường, bảo:

- Bé Thu về ngoan nhé.

Trong đêm tối, hai má tôi nóng ran, có lẽ nó đỏ bừng.

Về đến nhà, mẹ tôi còn thức, nhưng tôi thì buồn ngủ quá lắm rồi. Mẹ hỏi:

- Vui nhiều không con?

Tôi chỉ kịp trả lời:

- Vui lắm mẹ ạ!

Rồi che miệng ngáp liền hai ba cái. Tôi thỏ thẻ:

- Nhưng mà bây giờ thì con buồn ngủ quá rồi. Thôi, con đi ngủ nhé.

Tôi nhảy tót lên giường, nằm co trong chăn ấm. Mẹ bỏ màn và nằm bên cạnh, sau khi đã hôn nhẹ trán tôi.

Đêm đó tôi ngủ thật say và mơ một giấc thật đẹp. Tôi đã tham dự một đêm liên hoan ở trường một lần nữa trong mơ. Có một điều tôi không biết là sau khi tôi đã ngủ say, mẹ tôi lặng lẽ trở dậy, ra sân ngắm trăng một mình.

*

Vì sáng hôm sau nghỉ học nên tôi dậy muộn. Khi thức giấc thì đã tám rưỡi. Người mệt mỏi, không muốn bước chân xuống đất. Thấy tôi đã mở mắt, mẹ vừa dọn dẹp vừa trách yêu:

- Dậy thôi chứ cô nương. Con gái ngủ trưa xấu lắm nhé.

Lúc ngồi ăn sáng, tôi đã định kể cho mẹ nghe câu chuyện suýt lỡ tầu đêm qua, nhưng lại thôi, xấu hổ lắm. Đang cắn miếng bánh mì, bỗng nhiên tôi nghe mẹ hỏi:

- Thu này, tối hôm qua đứa nào ngồi khóc ở cổng trường ấy nhỉ?

Miếng bánh nghẹn ngang cổ. Ơ kìa! Sao mẹ lại biết. Tôi xấu hổ quá, mặt đỏ bừng. Nuốt vội miếng bánh, tôi chạy lại bá cổ mẹ, nũng nịu:

- Mẹ kỳ quá à! Nhưng mà... làm sao mẹ biết được?

Mẹ cười tinh nghịch:

- Cái gì xảy ra cho con mà mẹ không biết. Chó con xấu hổ định giấu mẹ phải không?

Tôi cười trừ. Mẹ tiếp:

- Sáng sớm mẹ ra phố mua bánh, gặp cô, cô kể cho mẹ nghe hết. Cô bảo con bé khóc cũng dữ mà hát cũng hăng. Thế chó con hát lại cho mẹ nghe nào.

Tôi lắc đầu, mẹ bảo:

- Không hát, mẹ lêu lêu là học trò lớp ba mà còn ngủ nhè cho mà xem.

Tôi chống chế:

- Nhưng mà con khản cổ lắm mẹ ạ.

Rồi cố gắng cho giọng nói khàn hơn, tôi đọc:

- Công cha như núi Thái sơn... đấy, mẹ xem, như thế này thì hát sao được.

Bỗng nhiên khuôn mặt mẹ tôi thoáng nét buồn. Nghĩ rằng tại mình không chịu hát, tôi cuống quít:

- Thôi, để con hát cho mẹ nghe nhé. Rồi tôi hét lớn: Thu sang bên đồi... Nhưng mẹ đã ngăn lại:

- Thôi, thôi, con khản cổ thì đừng hát nữa.

Mẹ đổi giọng vui tươi:

- Thế có bài học nào nói về mùa thu, thử đọc cho mẹ nghe xem.

Tôi hăng hái nhận lời ngay, hắng giọng, đọc:

- "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy, nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy vì hồi đó tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết, nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè nép dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp..."|

Đoạn văn của Thanh Tịnh chưa được đọc xong thì mẹ đã ngắt giọng:

- Thôi, đủ rồi. Con ra ngoài chơi cho mẹ nghỉ một tí nhé.

Tôi vâng lời, ra sân ngay, nhưng một chút hờn giận nhẹ phủ tâm hồn tôi. Bài văn dài như thế, tôi thuộc không sót một chữ, vậy mà mẹ chẳng khen cho một câu. Mọi khi, mỗi lần tôi thuộc bài, mẹ đều khen và hôn lên má. Lén nhìn vào trong nhà, tôi thấy mẹ gục mặt xuống bàn, đôi vai nhỏ bé rung rung nhè nhẹ.

Suốt ngày hôm ấy mẹ có vẻ buồn. Buổi chiều, mẹ đem len ra vườn ngồi đan áo, tôi khệ nệ vác ghế ra theo. Mẹ chăm chỉ ngồi đan, tôi loay hoay bên cạnh, chơi với con mèo nhồi bông. Chơi chán, tôi vứt con mèo trên mặt ghế, quay sang ngắm mẹ. Hình ảnh mẹ ngồi đan áo đẹp làm sao. Mà mẹ tôi đẹp thật! Mẹ còn trẻ, tóc mây óng ả thả dài phủ kín bờ vai, khuôn mặt dịu hiền với đôi mắt to, đen thắm thiết, với môi hồng xinh xinh hồn hậu, với mũi dọc dừa thanh tú, dễ thương. Mẹ ngồi nghiêng nghiêng, hai tay thoăn thoắt đưa qua đưa lại thật nhẹ nhàng uyển chuyển. Ngắm mẹ rồi, tôi nhìn xung quanh ngắm cảnh vật: buổi chiều hôm nay êm ả lạ thường, bầu trời màu xám nhạt, trong vườn thì hoàn toàn vắng lặng, không có cả tiếng chim kêu. Khắp nơi tràn ngập lá rụng, một cơn gió thổi qua, cả chục chiếc lá vàng thi nhau lìa cành, chao lượn trong không rồi nhẹ nhàng đáp xuống vườn, chiếc rơi trên đường đi, chiếc rơi trên lùm cây, bụi cỏ.

Không thích đắm chìm trong cảnh yên lặng này, tôi quay sang hỏi mẹ, mặc dù điều này tôi đã thừa biết:

- Mẹ ơi, mẹ đan áo cho ai?

Mẹ ngừng tay, âu yếm nhìn tôi, nói nhỏ:

- Mẹ đan áo cho chó con của mẹ đấy. Áo năm ngoái của con cũ rồi.

Chiếc áo mẹ đan bằng len màu tím nhạt. Nhìn nó, tự nhiên tôi hỏi tiếp:

- Mẹ ơi, sao mẹ lại đan áo cho con bằng len tím?

Lúc ấy mẹ ngừng hẳn tay đan ngập ngừng như muốn nói điều gì, rồi lại thôi...

Tôi giục:

- Tại sao hở mẹ? Tại sao hở mẹ?

Câu trả lời hình như vẫn chưa được mẹ tìm ra thì bỗng đâu một cơn gió thổi, năm bảy chiếc lá lại một lúc lìa cành, bay lộn xộn, một chiếc nhẹ nhàng đáp ngay trên nền len tím. Nhìn chiếc lá một giây, mẹ trả lời câu hỏi của tôi:

- Tại vì... tại vì... Thu tím lá vàng con ạ!

Tôi chả hiểu mẹ định nói gì, nhe răng hạt bắp ra cười. Nhưng chuỗi cười pha lê vỡ vụn chợt vụt tắt, trên đôi má mẹ hai hạt kim cương lóng lánh chảy dài, môi mẹ mím nhẹ. Tôi lắc lắc tay mẹ:

- Mẹ ơi, tại sao mẹ khóc?

Không có câu trả lời, tôi càng cuống quít:

- Nói đi mẹ, nói đi mẹ...

Rồi như chợt hiểu, mắt tôi sáng lên:

- A, con biết rồi. Thôi, mẹ nín đi. Để con vứt chiếc lá cho mẹ đan tiếp nhé.

Chiếc lá bị bàn tay tôi hất khỏi nền len tím, rơi xuống đất. Tôi vừa dẫm lên chiếc lá vừa nói:

- Đáng đời nhé. Ai bảo làm mẹ tao khóc.

Nhưng... mẹ không nín, mẹ khóc nhiều hơn, mắt mẹ nhạt nhòa, khuôn mặt mẹ đầm đìa nước mắt. Thương mẹ quá, tôi cũng òa khóc. Mẹ bỏ rơi cuộn len và chiếc áo đan dở, dang tay ôm lấy tôi; hai mẹ con ôm nhau khóc trong một buổi chiều thu đầy mây xám và lá úa rụng rơi.

*

Đáng lẽ không bao giờ tôi hiểu được hành động cũng như ý nghĩ của mẹ tôi trong ngày hôm ấy, nếu tôi không đọc những dòng chữ dưới đây trong một cuốn sổ bìa tím của mẹ. Thật ra không phải ngay từ đầu tôi tò mò muốn tìm đọc; không hiểu vì lý do gì, mẹ để quên nó trên bàn viết. Thấy quyển sổ đẹp, tôi mở ra xem và mắt chạm phải những dòng chữ đó; một cách vô ý thức tôi đã đọc hết mấy trang giấy chi chít chữ:

"Anh yêu quí,

Hôm nay em đã khóc nhiều vì nhớ anh. Cho em xin lỗi nhé, ngày xưa anh đã chẳng cấm không cho em buồn là gì. Bây giờ thì chả còn ai để cấm em nữa. Đêm qua khi con ngủ, em đã một mình thờ thẫn trong vườn, nhìn trăng thu mà khóc. Sương xuống và gió đêm lạnh ngắt, nhưng em vẫn không muốn vào nhà, em nhớ anh quá đi. Rồi hôm nay, em lại khóc hai lần, một lần khi con đọc đoạn văn "Buổi đi học đầu tiên" của Thanh Tịnh, đoạn văn mà trước kia anh rất thích và anh đã dạy cho em biết thích theo. Một lần vào buổi chiều khi em ngồi đan áo, con hỏi tại sao em đan cho nó áo màu tím, chưa kịp trả lời thì chiếc lá vàng vô tình rơi trên nền áo. Hai màu sắc vàng tím nằm chồng lên nhau làm em không thể nào không nhớ lại kỷ niệm xa xưa của hai đứa chúng mình. Làm sao em quên được buổi chiều thu đầy mây tím năm nào, chúng mình ngồi trên ngọn đồi nhỏ xám, chân ủ trong đám lá vàng và trên đầu chúng mình lá vẫn tiếp tục đổ xuống như mưa. Anh đã nói cho em nghe về những dự tính anh sẽ thực hiện trong tương lai; anh đã trình bày với em về đường lối giáo dục anh sẽ áp dụng khi chúng ta có một đứa con. Anh ạ, buổi chiều hôm ấy đẹp làm sao, vậy mà bây giờ anh đã vĩnh viễn nằm xuống, không còn có tương lai để thực hiện mọi dự tính cao đẹp ngày nào; con chúng ta đây, nó xinh xắn, kháu khỉnh và thông minh lạ lùng, nhưng anh không còn để mà áp dụng đường lối giáo dục anh đã nói với em trong buổi chiều hôm ấy.

Anh ơi, đừng trách em sao buồn nhiều như vậy. Từ ngày anh không còn bên cạnh em, mùa thu nào em chẳng chuốc lấy u sầu. Thu đem lại cho em kỷ niệm đẹp là buổi chiều trên đồi năm ấy, nhưng cũng chính thu in hằn trong em một kỷ niệm đớn đau suốt đời không bao giờ phai lạt; cũng một buổi chiều thu, em bàng hoàng nhận được tin anh gục ngã. Đau xót làm sao cho người vợ trẻ với cái thai chưa đủ ngày đầy tháng. Và cũng một chiều thu mây tím, em lặng lẽ tiễn anh vào lòng đất lạnh. Lúc ấy, em nhớ tới hai câu thơ:

Thiên hạ bên đường nhìn xe tang tự hỏi:
Lá mùa xuân hay lá úa mùa thu?

Thấm thía làm sao phải không anh. Anh, con người tràn đầy sinh lực, tràn trề nhựa sống như chiếc lá xanh mơn mởn của mùa xuân, sao thấy mùa thu trở về mà vội vàng rơi rụng?

Con chúng mình, em đặt tên nó là Thu, vì nó sinh giữa mùa thu, và cũng để ghi lại những kỷ niệm êm đềm cũng như đau khổ của em với anh, với mùa thu. Con bé xinh lắm anh ạ, nó bầu bĩnh, dễ thương chi lạ, miệng nó tươi y hệt miệng anh, làm mỗi lần nhìn nó em lại tưởng nhớ bóng hình anh đã khuất. Nhưng tại sao đôi mắt nó trông thật buồn, dù nó còn bé. Không hiểu nó chịu ảnh hưởng cái không khí u buồn của mùa thu hay lây cái buồn của mẹ, có lẽ cả hai; nhìn đôi mắt nó, em cứ muốn khóc. Tội nghiệp, biết bao lần nó hỏi về cha, về anh mà em cứ phải quanh co, không thể cho nó biết rõ, chỉ sợ con bé tủi thân. Em lo rằng ngày sau con bé sẽ khổ vì đôi mắt đầy u buồn đó, anh nhớ phù hộ cho con anh nhé.

Hôm nay em khóc nhiều, con bé cũng khóc. Hai mẹ con ôm nhau ngoài vườn mà nước mắt như mưa. Qua màn lệ mỏng, em tưởng chừng như thấy hình bóng anh bên cạnh, đang cúi xuống dỗ dành cả hai mẹ con em.

Anh thân yêu, thân xác anh vùi sâu trong lòng đất nhưng linh hồn anh chắc chắn đang ở trên chốn trời cao, xin anh luôn luôn nhớ giúp đỡ em đủ can đảm nuôi con khôn lớn, và qua em, xin anh cứ thực hiện đường lối giáo dục con chúng ta như ý anh mong muốn. Được như vậy, tuy em đang buồn như cánh hoa dập nát, cũng xin vui vẻ mà mỉm cười...

Em của anh".

Ngày đó, đọc xong những hàng chữ này, dù chưa hoàn toàn hiểu hết, nhưng tôi cũng thông cảm được với mẹ tôi, tôi hiểu tại sao khi tôi đang đọc bài cho mẹ nghe, mẹ lại bảo tôi ra vườn chơi. Tôi hiểu tại sao mẹ ngần ngừ không trả lời khi tôi hỏi về chiếc áo len màu tím, và tôi hiểu tại sao hôm đó mẹ buồn, chiều đó mẹ khóc.

Nước mắt tôi trào ra, tôi gục đầu xuống quyển sổ mở rộng trên bàn. Những dòng chữ đã từng thấm lệ mẹ tôi nay lại được dịp nhòe thêm vì nước mắt tôi. Nghẹn ngào, tôi thầm gọi:

- Ba ơi... Ba ơi...

Dư vị cuộc vui đêm qua hoàn toàn tan biến, tôi quên đi tất cả để chỉ còn nghĩ đến người mẹ khổ đau và người cha chưa hề biết mặt.

Một bàn tay đặt nhẹ trên vai tôi, và có tiếng mẹ tôi bên tai:

- Tội nghiệp con tôi. Thôi nín đi con.

Nhưng tôi càng khóc lớn.

Để rồi cho đến hôm nay và có lẽ suốt đời, hình ảnh những dòng chữ của mẹ tôi, cũng như hình ảnh chiếc lá vàng trên nền len tím đối với tôi đã là những ấn tượng không bao giờ mờ nhạt, đã khiến tôi u buồn hoài để được bạn bè gọi là "Công chúa mùa Thu".

Cũng giống mẹ, thu về là tôi buồn. Tôi không thích ngắm cảnh cây cối tươi mát của mùa xuân cho bằng lặng nhìn những thân cây gầy guộc, cành khẳng khiu trơ trụi giơ ra giữa nền trời xám. Tôi không thích đi trên con đường đầy hoa cho bằng được lặng lẽ đếm từng bước trên lối đi tràn ngập lá vàng.

Có lẽ mẹ tôi nghĩ đúng, tôi vừa chịu ảnh hưởng cái buồn của mẹ, vừa thấm nhiễm cái buồn của mùa thu nhiều mây tím, lá vàng; tên tôi là Thu cơ mà. Trong lớp mỗi lần muốn trêu tôi, bạn bè thường gọi nhau, giả vờ hỏi:

- Ê, làm sao hôm nay mi buồn quá thế?

Đứa kia hỏi lại:

- Buồn như ai nào?

- Như "Công chúa mùa Thu" ấy.

Rồi cả hai đứa ôm nhau cười ngặt nghẽo. Tôi không buồn, không giận gì chúng, mà chỉ buồn cho chính tôi. Nỗi buồn này nếu các bạn tôi biết được, có lẽ chúng nó không còn nỡ ghẹo tôi nữa. Nhưng cũng giống tính mẹ, tôi rất ít nói, thành thử chả ai hiểu tôi ra sao.

Mùa Thu đến, con bé Thu buồn, nhưng tại sao tôi vẫn cứ muốn mùa thu kéo dài cả mười hai tháng, để được mãi mãi ngắm những lá vàng bay bay trong gió, được mãi mãi ngắm nhìn thân cây trơ trụi khẳng khiu. Tôi cũng mong ngày Trung thu mau đến, không phải để vui chơi, để ăn bánh, xem múa sư tử; đã qua rồi tuổi ấu thơ đầy ước mơ bé nhỏ nhưng tươi đẹp. Mong Trung thu về, để tôi tìm lại đêm Trung thu ngày nào, hồi hộp vui sướng cho nhiều để rồi đến hôm sau khóc cho lắm vì ý thức rằng mình là đứa trẻ không cha...

Ý nghĩ miên man đưa chân tôi bước đi, đi mãi. Nắng đã tắt từ lúc nào không biết, dải lụa vàng đã được cuốn lại và cất lên trời. Tôi ngước nhìn lên: mây xám giăng ngang hàng cây vàng lá. Gió thổi lành lạnh, tự nhiên tôi muốn khóc.

Có tiếng xe, tiếng người đi, tiếng khóc làm con đường mất hẳn vẻ thinh lặng. Tôi giật mình, một đám tang đi qua con dường trước mặt, màu trắng rợp đường. Tôi đứng lại, bất chợt lẩm bẩm hai câu thơ đã đọc được trong cuốn sổ bìa tím của mẹ tôi:

"Thiên hạ bên đường nhìn xe tang tự hỏi:
Lá mùa xuân hay lá úa mùa thu?"


QUYÊN DI       

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>