Thứ Tư, 14 tháng 9, 2022

Tại Sao Em Bị Đối Xử Lạnh Nhạt?

 

 Thư của em H. L. Sài Gòn

Thưa chị, năm nay em đã trên hai mươi tuổi, mới vừa bước chân vào đời. Sở em làm là một ngân hàng có rất đông nhân viên. Chị ơi! Tuy đã ra đời, nhưng em không được may mắn chị ạ. Luôn luôn em có cảm tưởng mọi người ghét bỏ em. Đôi khi em đến nhà bạn bè thân hữu, thì em thấy dường như thân nhân họ cũng lạnh nhạt đối với em. Riết rồi em chẳng còn muốn giao dịch với ai. Em trở thành hạng người hướng nội. Ở nhà, em chỉ đọc sách, báo. Còn đi tới đâu thì em giữ thái độ xa cách. Chị ơi em có cảm tưởng người lớn cư xử không thuần nhất chị ạ. Đọc báo em thấy có thiện cảm với những tác giả, nên em gửi thư về làm quen. Lời thư trả lời của họ gửi cho em nghe vô cùng thân mật. Thế nhưng khi em đến gặp thì thái độ của họ lại rất lạnh lùng thờ ơ.

Tại sao thế hả chị?

Trả lời: Có một điều rất đáng phàn nàn cho cái thời buổi văn minh cơ khí này, là người ta đã coi trọng kỹ thuật quá mà quên hẳn đi phần tâm tình. Suốt thời gian gần hai chục năm dài, từ lúc bắt đầu học vỡ lòng cho đến khi tốt nghiệp đại học, người ta đã coi nhẹ môn đức dục và giao tế, môn học sẽ giúp cho mọi người hiểu nhau, mọi tâm hồn dễ cảm thông nhau, và do đó, chúng ta sẽ tránh được những sự va chạm rất đáng tiếc chỉ vì cư xử thiếu tế nhị, kém tâm lý. Giá trị máy móc được nâng lên quá cao, khiến chung ta phải bỏ ra cả chục năm để tìm hiểu. Trong khi đó, tâm tình con người lại bị hạ thấp xuống đến mức không cần đếm xỉa tới! Với cái máy người ta đã trắc nghiệm những phản ứng của nó trong tất cả mọi trường hợp, kể cả từng chi tiết nhỏ, từ con ốc bé tí. Nếu người ta đem tinh thần cẩn thận đó mà áp dụng vào sự trắc nghiệm tâm lý con người, dò tìm phản ứng của con người ở mọi trường hợp để đúc kết những nguyên tắc sống cho phải đạo thì hay biết mấy! Tuy chúng ta cũng có môn Công dân giáo dục, nhưng môn này chỉ dạy chúng ta trở thành người công dân tốt đối với quốc gia, dạy cho biết nghĩa vụ đóng thuế, quyền ứng cử, bầu cử v.v... mà thôi. Nếu chúng ta lại được học thêm về nghĩa vụ đối với mọi người, cách nói năng với ông bà, cha mẹ, cách xưng hô khi gặp những trường hợp khó xử, cách ăn ở cho tốt đẹp đối vối người thân ốm đau bệnh hoạn v.v... nếu chúng ta biết đặt giá trị con người lên ngang với máy móc, trước khi vào đời, ta được học hỏi về tâm tình con người kỹ lưỡng như nghiên cứu về nghề nghiệp thì hay biết mấy! Giả tỉ khi thi tốt nghiệp các cấp bằng đại học, mà chúng ta phải trả lời những câu hỏi về giao tế nhân sự, chị e rằng có nhiều người chữ nghĩa tràn ngập mà lại trả lời sai quá, em ạ. Trong khi đó thì bất cứ người nào đã sống trong tập đoàn đều cần phải biết đầy đủ các qui tắc này. Cũng bởi sự thiếu sót ấy, nên mới có những nhà trí thức sống trên nhung lụa nỡ để cho cha mẹ đi bán thuốc lá lẻ, hoặc những bậc khoa bảng nhờ ơn cha mẹ nuôi cho ăn học thành tài, rồi khi cha mẹ về già, bèn được con thí cho căn nhà xép, phía sau, ở chung với bồi bếp, hoặc tống cha mẹ vào trại dưỡng lão, để cha mẹ khỏi làm phiền mình. Đó là kết quả của sự giáo dục lệch lạc, thiếu quân bình, coi trọng máy móc hơn con người. Tiếc thay, những người đó vẫn được đời cho là "thành tài" chỉ vì họ đỗ đạt! Ở vào mấy chục năm trước, thì tình trạng đó không hề bao giờ xẩy ra. Nếu một nhà trí thức khoa bảng nào mà bất hiếu với cha mẹ, bất nghĩa với vợ, với bạn, thì họ sẽ bị tất cả giới sĩ phu khinh miệt, bị cô lập tinh thần, không ai thèm giao dịch, cho đến khi người đó biết lỗi, biết lãnh hình phạt, thường là do bậc thầy rộng lượng, đứng lên tuyên án, để người đó có cơ hội xin lỗi, rồi cải hối, mới được phép trở về sống trong hợp đoàn. Nền giáo dục con người ngày xưa được hỗ trợ bởi cả gia đình lẫn học đường, trong tinh thần "tiên học lễ, hậu học văn" cho nên con người ngày xưa ngay khi còn tấm bé, đã biết cư xử đúng với vị trí lắm. Có những cậu trai trưởng tộc chỉ trên mười tuổi, mà đã biết đầy đủ lễ nghi để ứng đối với các vị trưởng thượng. Có những cô gái trên mười tuổi, mà đã biết đầy đủ lễ nghi, để có thể thay thế cha mẹ mà tiếp đãi bà con họ hàng.

Ở ngoại quốc người ta cũng mở ra những trường, không phải để huấn luyện con người thành kỹ sư, bác sĩ. Nhưng tốt nghiệp ở đó ra, họ sẽ trở thành "Một Người". Môn học của họ là các qui tắc về giữ gìn thân thể cho cường tráng, tâm hồn cho trong sáng, lễ phép với người tr6en, nhã nhặn với kẻ dưới, thận trọng khi giao dịch và rèn luyện cho lý trí và tình cảm quân bình. Một số quốc gia đề cao máy móc lên trên con người, đặt nặng phần trí dục, coi thường đức dục, lo dậy cho thật rành về nghề nghiệp, bỏ quên phần tâm hồn, nhưng rồi bỗng nhiên bừng tỉnh khi thấy nạn lạm phát gia tăng, bèn lật đật thay đổi thái độ, mà biết quay trở về lo cho giá trị đích thực của con người, lo đào tạo tư cách con người.

Ngày nay, Trước viễn ảnh đen tối "người khổng lồ không tim", của nền giáo dục khập khiễng nặng phần kỹ thuật, nhiều nhà giáo dục đã đồng ý với nhau rằng đã đến lúc phải tìm lối thoát cho sự bế tắc. Lối thoát đó phải nhờ tới gia đình, học đường, và tôn giáo nữa.

Cho nên, nếu em mới bước chân vào đời mà đã gặp trục trặc, đó là vì những niên học qua, em đã không được dạy dỗ để biết các nguyên tắc về giao tế, về cách cư xử với mọi người. Em đã được ném vào đời với một mớ kiến thức về nghề nghiệp rất vững vàng, trong khi đó em lại không biết chút nào về tâm lý con người, về cách ăn ở sao cho phải đạo, thích hợp với tình trạng xã hội, văn hóa. Sự mọi người xa lánh em, chị đoán rằng phải có nguyên nhân em ạ. Có thể là em đã gặp những người khó tính. Nhưng cũng có thể là em đã vụng xử. Mà những người đó lại không muốn nói thẳng với em làm chi cho mất lòng. Vì thế, em không hiểu tại sao cả. Riêng về vụ các tác giả mà em phàn nàn, thì chị cũng có một vài kinh nghiệm, chị xin kể lại cho em nghe, coi có điểm nào tương tự với trường hợp em không. Có một số tác giả đã lớn tuổi, thí dụ các bác T.S. của báo T.H. và bác M.Q. của Thiếu Nhi. Các bác đều đã có con quá lớn. Cho nên khi các em gặp, các em kêu các bác bằng anh, bằng chị, thì tuy các bác không quan tâm, nhưng con các bác sẽ buồn vì thấy những người nhỏ tuổi hơn mình lại gọi cha mẹ mình bằng anh chị. Vậy họ sẽ gọi mình bằng gì? Nếu cũng gọi bằng anh chị nữa thì còn ra cái thể thống gì? Vấn đề tế nhị này chị đã có viết trong Thiếu Nhi số 74 và 75, em coi lại sẽ rõ. Cho nên, có thể rằng một số vị đã đành phải lạnh nhạt vì không muốn giao dịch trong tình trạng xưng hô lộn xộn đó, sợ con cái buồn.

Tất cả những điều đó, tuy nhỏ nhặt nhưng nó là những màng lưới ngăn không cho chúng ta đi sâu vào tâm tình của nhau. Đó là điều vô cùng đáng tiếc em ạ.

Để bổ túc tình trạng thiếu sót về giao tế, em nên đọc thêm các cuốn: Xã Giao Hằng Ngày, Xã Giao Mới, Đắc Nhân Tâm, Muốn Thành Công Trên đường Đời, Cách Xử Thế Của Người Nay, Thẳng Tiến Trên Đường Đời v.v... Nếu chỉ bỏ ra mấy ngàn bạc mua sách, mà em có thể lãnh hội được những nguyên tắc sống, để có thể thích hợp với đời, đi đến thành công trên đường đời, thì đây là món tiền đáng tiêu nhất đó, em ạ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 128, ra ngày 1-9-1974)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>