Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

Năng Lực Kỳ Diệu Của Nhiệt Tâm


Đã lâu rồi, một hôm má tôi bảo tôi:

- Norman, từ trước tới nay má đã khuyên con nhiều điều, có điều con nghe, có điều con bỏ qua. Nhưng có lời khuyên này má muốn con theo cho được: đừng quên rằng thế giới đầy những vẻ đẹp làm cho ta xúc động, hồi hộp. Ráng mở lòng ra để tiếp nhận những cái đó, đừng bao giờ để cho lòng lạnh giá tê liệt đi, đừng bao giờ làm mất cái nhiệt tâm của con.

Từ hôm đó tôi luôn luôn ráng nuôi cái nhiệt tâm của tôi. Vậy tôi nói đây là do kinh nghiệm bản thân, chứ không phải là lý thuyết suông. Xin bạn nghe tôi: lời khuyên của má tôi tốt đấy.

Trên đường đời, những người nào đi xa nhất, leo lên được những nấc thang cao nhất, đều là những người có nhiệt tâm. Một kỹ nghệ gia nghĩ như vậy, có lần bảo tôi:

- Hai người tới xin làm việc mà khả năng suýt soát nhau thì tôi lựa người nào có nhiệt tâm hơn vì tôi biết rằng người đó sẽ đi xa hơn người kia. Nhiệt tâm gây cho người đó được nhiều khí lực, và người đó có thể tận lực làm công việc được. Mà nhiệt tâm lại dễ lây nữa, nó quét sạch mọi sự cản trở.

Nếu hôm nay bạn bị tánh nhu nhược, bộ thần kinh, nỗi lo sợ và các mặc cảm tự ti của bạn lôi cuốn mà không chống cự lại được thì có thể rằng chỉ tại bạn không ngờ được khả năng của mình. Hầu hết chúng ta đều tự đánh giá mình thấp quá. Tự cao tự đại thì không nên, nhưng bạn có thể và có bổn phận bồi dưỡng nhiệt tâm của bạn. Triết gia và tâm lý gia William James khuyên chúng ta tự tin. Ông bảo: "Bạn nên thầm tin rằng bạn có một nguồn sức khỏe, sinh lực, sức bền bỉ còn dự trữ ở trong người. Cứ tin rồi thì sẽ có".

Điều thứ nhất phải làm: tự xét ý nghĩ và tâm trạng của mình. Một người mà trí óc toàn những ý nghĩ rầu rĩ, bệnh hoạn, tiêu cực thì không thể có nhiệt tâm được. Muốn thay đổi tâm trạng đó, mỗi buổi sáng bạn nên soi gương tự nhủ đại khái như vầy:

- Hôm nay là ngày lành của tôi. Tôi có được nhiều cái may lắm: có gia đình, nhà cửa, có công việc làm ăn, có sức khoẻ… Nhờ trời, tôi sẽ ráng lợi dụng tất cả những may mắn đó trong suốt ngày. Tôi sung sướng được sống. Buổi sáng, bạn lặp lại lời đó nữa. Cách đó công hiệu đấy, vì tâm trạng ảnh hưởng tới thái độ, hành vi của ta. Những ý tưởng không lành mạnh có thể làm cho ta hóa đau, những tình cảm thất bại có thể làm cho ta thất bại. Cách tôi chỉ cho bạn đó không dễ theo đâu, nhưng nếu bạn ráng kiên nhẫn thử thì bạn sẽ ngạc nhiên về kết quả.

Một buổi tối nọ, một người hoảng hốt kêu điện thoại cho tôi:

- Tôi không biết phải làm gì nữa. Tôi không còn chút can đảm nào cả, lo quá ngủ không được. Chiều mai, tôi tới khúc quẹo nguy kịch nhất trong đời tôi đây, nếu việc hỏng thì đời tôi kể như hết.

Tôi nói ít lời cho ông ta vững lòng rồi vô thẳng vấn đề:

- Chắc ông đã nhiều lần thắng được những nỗi khó khăn khác, vậy lần này ông cũng sẽ vượt được nữa. Nhưng này, sao ông có vẻ mất bình tĩnh như vậy hả? Ông kéo một chiếc ghế bành lại, ngồi cho thoải mái rồi bình tĩnh nói chuyện cho tôi nghe nào? Cơ thể có thoải mái rồi óc mới suy nghĩ sáng suốt chứ.

Rồi tôi khuyên ông ta đừng nghĩ về mình mà nghĩ về người khác, vì có cái luật tinh thần tế nhị này là nghĩ tới người, hy sinh cho người thì mình lại tìm ra được mình.

Tôi nói thêm: ngay sáng mai, ông bảo người ta chỉ cho ông một người nghèo khổ. Ông lại thăm người đó và giúp người đó một việc gì: giúp mà không một chút vị lợi, thực tâm hy sinh. Chiều mai, ông cứ tin tưởng, yên tâm lại chỗ hội họp đó. Tôi kết: nhưng trước hết, ông phải nuôi lòng lạc quan và nhiệt thành đã.

Vài tuần lễ sau ông ta kêu điện thoại cho tôi hay mọi sự xảy ra như ý muốn. Ông ta bảo:

- Tôi tập có nhiệt tâm và tôi đã thấy có sự thay đổi lạ lùng trong người tôi, nên tôi quyết tâm tiếp tục. Tôi cũng đã theo lời ông khuyên: ngày nào cũng giúp cho ai một việc gì đó… Quả là lời khuyên của ông chí lý.

Bạn hỏi tôi:

- Nhưng phải làm cách nào để có được nhiệt tâm đó? Giản dị lắm: mới đầu cứ làm bộ như mình có nhiệt tâm, đóng trò riết rồi thì mình thay đổi mà không hay. Đó là một thuật tâm lý ai cũng nhận là đúng: muốn trút một tình cảm xấu nào thì cứ làm bộ có tình cảm ngược lại: bạn khốn khổ ư, cứ làm bộ như mình là người sướng nhất đời, và bạn sẽ thấy đỡ khổ. Bạn cứ làm bộ có nhiệt tâm rồi thì sẽ thực sự có nhiệt tâm.

Tiếng Anh enthusiasm, Pháp enthousiasme do tiếng Hy Lạp entheos nghĩa là "có thần linh ở trong lòng". Vậy theo nghĩa gốc, nhiệt tâm là một thần cảm, một tình cảm về tâm linh, phát từ chỗ sâu thẳm của linh hồn, tác động tốt của nó tới sức khỏe thật hiển nhiên, gần như có thể đo được.

Một danh y đã quả quyết rằng:

- Mất nhiệt tâm thì người ta có thể chết được, vì cơ thể không chịu nổi sự chán nản khi thấy sống không có ích lợi gì cả.

Một vị khác nói chuyện về sức mạnh tâm lý của tinh thần lạc quan, bảo tôi:

- Những ý nghĩ rầu rĩ nếu hiện ra thường thì làm cho cơ thể ta dễ bị nhiễm độc gấp bội. Lòng lạc quan, tin tưởng, nhiệt tình tạo cho ta một thứ áo giáp để chống với vi trùng. Tôi nhận thấy rằng những người có thái độ tin tưởng thường mau hết bệnh hơn những người khác. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiệt tâm là một nguồn sức khỏe dồi dào nhất.

Những người thành công, những người xây dựng được cái gì cho xã hội, đều có một nhiệt tâm bất tận trong khi làm việc. Họ không đánh giá thấp công việc cùng khả năng của họ; trái lại họ hăng hái làm việc, nhờ vậy mà sức sáng tạo của họ tăng lên. Chrysler, nhà chế tạo xe hơi, một hôm bảo:

- Bí quyết để thành công là sự nhiệt tâm. Hễ làm việc mà hăng hái như điên thì là có cơ thành công rồi đấy.

Công việc hằng ngày của bạn nhạt
nhẽo quá thì bạn gia vị cho chút dấm ớt vào, bạn sẽ thấy nó hóa ra thú vị, như có phép thần vậy. Chỉ nhờ ý nghĩ của bạn mà bạn có thể làm cho cuộc đời của mình hết buồn tẻ, thành một cuộc mạo hiểm say mê, đáng sống. Quả quyết yêu công việc của bạn đi, tận tâm, nhiệt tâm làm nó, thì dù nó là công việc gì, bạn cũng sẽ thấy nó đẹp, bạn nên tin tôi đi.

Norman Vincent Peale         
NGUYỄN HIẾN LÊ tuyển dịch     
(trong Ý Cao Tình Đẹp)      
    

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>