Ông
bà Hiền sống êm ấm với năm đứa con trong ngôi nhà nhỏ ở Sàigòn. Ông
mướn một chiếc taxi chạy kiếm tiền về nuôi gia đình, sống cũng không vất
vả lắm. Ông có hai đứa con gái lớn: Minh, 14 tuổi, học Đệ Lục, và
Thanh, 12 tuổi, học Đệ Thất trường công lập. Ba đứa con trai kia còn
nhỏ. Nhưng đại họa bất ngờ, một ngày kia ông Hiền đang lái xe kiếm khách
thì bị một chiếc xe hàng đụng mạnh làm ông thiệt mạng.
Chôn
cất chồng xong, bà Hiền chỉ còn hai bàn tay trắng. Số tiền hai vợ chồng
dành dụm lâu nay, sau việc ma chay của ông, chẳng còn được bao nhiêu.
Bà suy nghĩ nát óc mà chẳng biết phương kế gì sanh sống nuôi con như lúc
chồng còn sống. Phải chi bà có số vốn kha khá thì buôn bán cũng dễ.
Nhìn lũ con nheo nhóc, lòng bà mẹ hiền tan nát, rã rời... Cuối cùng, bà
bàn tính với Minh để Minh ở nhà coi sóc em út, chiều thì lãnh báo đi
bán. Còn bà, bà sẽ mua cặp gióng gánh rồi đi mua trái cây bán rong kiếm
lời. Riêng Thanh bà buộc lòng phải gửi về nhà ông Tân, em trai bà ở dưới
quê ít lâu, vì bà biết rằng dầu bà và Minh cố gắng cách nào đi nữa thì
số tiền kiếm được cũng không đủ nuôi sáu miệng ăn ở đô thành đắt đỏ này.
Bà Hiền đem chuyện ấy nói với Thanh và bảo Thanh sửa soạn mai theo cậu
về quê. Thanh tuy rất buồn nhưng là đứa con hiếu thảo nên không cãi lời
mẹ. Đêm hôm đó, Thanh khóc rất nhiều. Phần nhớ cha, phần lo lắng cho gia
đình chẳng biết ngày mai ra sao nên thanh thao thức suốt đêm.
Sáng
hôm sau, Thanh từ giã gia đình để theo cậu Tân lên xe. Cuộc chia ly thật
não nùng! Thanh khóc lặng trên xe, cho đến khi ra khỏi thành phố, gió
mát như thổi vơi nỗi buồn của em. Hai bên lộ ruộng lúa chín chạy dài.
Mùi lúa thơm tho quyện lại trong gió, khiến Thanh tỉnh táo trở lại. Nghĩ
đến hoàn cảnh hiện tại, Thanh Nghĩ: dầu có buồn cũng chẳng ích gì.
Thanh
cầu mong cho những người thân của em được bình yên. Riêng Thanh từ nay
về ở nhờ nhà cậu, em chỉ mong sao đừng bị bạc đãi thì dầu có cực khổ,
Thanh cũng vui lòng. Đến xế chiều xe mới đến làng nhưng còn phải đi bộ
một khoảng khá xa mới tới nhà cậu. Nhà cậu Tân ở hẻo lánh trong vườn
dừa, và sống nhờ huê lợi mảnh vườn ấy. Sau khi nghe chồng nói rõ vì sao
đem Thanh về ở nhà mình, mợ Tân nhìn Thanh xoi mói không chút cảm tình.
Thanh hiểu ngay là em phải cố gắng khéo léo lắm, mới tạo được lòng
thương ở gia đình cậu mợ.
Nhà
cậu Tân còn có một thầy giáo ở trọ. Ông đã đứng tuổi, sống độc thân và
hiền lành. Thầy giáo Xuân sau khi nghe rõ hoàn cảnh của Thanh, nhìn
gương mặt hiền hậu của em, ông đem lòng mến ngay. Thanh ở đây đã hơn một
tuần rồi, một tuần làm việc không hở tay. Nào dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ
quần áo, xách nước nấu cơm phụ với mợ, Thanh còn phải lo tắm rửa mấy
đứa em. Thầy Xuân để ý thấy từ khi có Thanh về, nhà cửa được sạch sẽ
hơn, mấy đứa con của cậu Tân mặt mày quần áo cũng đỡ lem luốc hơn trước.
Ông còn thấy Thanh chỉ vẽ bài vở cho cho các em và khuyên bảo chúng nên
lễ phép, ngay thẳng. Thầy Xuân khen Thanh tuy là một đứa bé mà đã khôn
ngoan trước tuổi. Nhưng mùa bãi trường đã tới, thầy Xuân từ giã gia đình
ông Tân để về quê.
Thấm
thoát đã hai tháng trôi qua. Thanh vẫn nương náu nhà cậu. Em biết phận
mình nên cố gắng ngoan ngoãn, chăm chỉ giúp đỡ mọi việc mong cậu mợ
thương tình. Nhưng cậu mợ vẫn lạnh lùng khắt khe. Nhất là mợ Tân chẳng
chút nương tay hành hạ. Thanh bắt đầu chán nản, muốn toát khỏi cái gia
đình nặng nề ấy. Đôi khi tựa cửa nhìn đêm xuống, ngắm một cánh chim lẻ
mau bay về tổ ấm, Thanh lại ước ao được như cánh chim kia tung cánh bay
về với gia đình mình để được ấp ủ niềm thương của mẹ, của chị và trìu
mến các em. Thanh khao khát tình thương vì nơi đây không một ai thương
yêu em cả. Mùa nhập trường đã tới, thầy Xuân lại đến trọ nhà ông Tân.
Nhìn các em xôn xao bao sách vở, lại nhớ đến mùa tựu trường năm rồi, bất
giác Thanh ứa nước mắt.
Thầy Xuân từ nhà dưới đi lên bắt gặp, nhìn em như an ủi. Bỗng mợ Tân chạy lên hét:
- Con kia, mày làm gì mà tới bây giờ chưa lo đi xách nước, rồi nước đâu mà xài hở?
Thanh dịu dàng trả lời:
- Thưa mợ, con vừa quét dọn nhà cửa xong.
Mợ Tân túm ngay lấy Thanh đánh túi bụi:
- Đồ lười biếng, nói còn cãi, có đi xách nước mau lên không?
Thanh
vội gạt lệ chạy ra sau lấy thùng ra bờ ao xách nước. Thanh thấy chiếc
thùng nặng quá, nghẹn ngào trong lồng ngực rồi như kiềm chế không được
nữa, Thanh để rơi chiếc thùng xuống và buông mình xuống mé ao khóc nức
nở. Chợt em nghe có tiếng nói êm ái bên tai:
- Thanh con! Đừng khóc nữa!
Thanh giật mình ngước lên, thì ra thầy Xuân đang âu yếm nhìn em. Ông ôn tồn nói:
- Con, đừng buồn nữa, thầy đã hiểu rõ hoàn cảnh của con. Thầy biết con bị cậu mợ bạc đãi, nên từ đây thầy sẽ giúp đỡ con.
Thanh ngạc nhiên nhìn thầy Xuân chăm chú. Ông dịu dàng tiếp:
- Thầy rất cảm thương số phận của con!
Thanh
cảm động nắm chặt tay ông, đôi giòng lệ tuôn chảy trên má. Dường như
bao tâm sự u uất bấy lâu nay, được dịp khơi nguồn, em khóc và kể cho
thầy Xuân nghe:
-
Thưa thầy, con cũng biết là phận con ở đậu ăn nhờ trong gia đình cậu
mợ, nên con chẳng quản ngại gì cực nhọc, chỉ mong sao cho cậu mợ con
thương con mà thôi. Nhưng, thầy ơi! Con tủi nhục lắm. Con xin nói thật
với thầy, lòng con chán nản vô cùng, chỉ muốn rời bỏ gia đình này thôi.
Thầy Xuân vuốt nhẹ tóc Thanh nói:
-
Thanh à! Con còn nhỏ, chưa hiểu nhiều. Vậy thầy khuyên con nên bỏ ý
nghĩ ấy đi. Con sẽ ở đây, dầu sao gia đình nầy cũng là ân nhân của con.
Con hãy cố gắng vui vẻ đối đãi với mọi người, hãy giúp đỡ cậu mợ một
cách thành thực dầu cậu mợ con có xử tệ đi nữa.
Con hãy gieo tình thương đi rồi con sẽ nhận được trái của nó. Thầy biết con khôn ngoan nên mới đem những lời này mà bảo con đó!
Thanh ngồi im lặng nghe thầy Xuân nói, và nhìn thầy với tia mắt biết ơn. Em nghẹn ngào nói:
- Vâng, con xin nghe lời thầy dạy bảo.
Thầy Xuân gật đầu:
- Thầy biết con ngoan lắm!
Nghe
những lời thầy Xuân khuyên nhủ, Thanh trở lại yêu thương gia đình cậu
mợ như trước. Mấy đứa con cậu Tân dần dần đều mến Thanh. Duy có đứa con
trai lớn là Kim bằng tuổi Thanh thì ngỗ nghịch hỗn láo quá mức. Kim
thường kiếm nhiều chuyện nói xấu Thanh để em bị đòn bọng. Dầu vậy, Thanh
vẫn lo săn sóc quần áo, miếng ăn cho Kim, mong một ngày kia Kim hiểu mà
thương mình. Còn cậu mợ có rầy đánh Thanh, em chỉ buồn nhẹ trong lòng,
chứ không hờn giận như lúc trước.
Ngày
tháng lại trôi qua, Thanh vẫn luôn luôn thực hành lời khuyên nhủ của
thầy Xuân. Đôi khi Thanh cũng chán nản nhưng nhờ có thầy Xuân dạy dỗ, an
ủi, Thanh thấy bớt buồn khổ và đỡ bơ vơ.
*
Mấy
hôm nay thầy Xuân bận việc phải lên tỉnh ít ngày. Trưa nay, Thanh đang
ngồi giặt đồ phía sau, bỗng thấy mắt Kim lấm lét, ôm một chiếc hộp bằng
thiếc chạy vụt ra sau vườn.
Một lúc sau Thanh nghe mợ Tân la lên:
- Chết rồi, hộp tiền của tao để trong tủ đứa nào lấy? Tao để quên chưa khóa tủ, bước ra đằng trước lấy đồ thì mất. Thật là lạ!
Lúc
đó, cậu Tân đang sửa soạn thay đồ để cùng Kim sang làng bên ăn giỗ. Mợ
Tân kêu mấy đứa nhỏ lại tra hạch xem có đứa nào lấy hộp tiền không,
nhưng đứa nào cũng lắc đầu. Kim từ ngoài vườn đi vào.
Thanh kêu lại dịu dàng bảo:
-
Kim à! Hồi nãy chị thấy em cầm cái hộp gì đó? Có phải em lấy hộp tiền
của má không? Nếu Kim có lỡ lấy thì nên đem trả lại má đi kẻo để các em
bị đòn oan đó.
Kim trợn mắt hét:
- Tui không có lấy. Trời ơi! Người nào ăn cắp rồi tính vu oan cho tôi hả?
Thanh nói:
- Chớ hồi nãy, em cầm cái hộp gì ra sau vườn đó?
Kim lại la lên:
- Hộp gì của tui chị hỏi làm gì? Tui không có lấy đừng nói bậy à!
Thanh bảo:
- Chị tưởng Kim lấy chớ không có thì thôi.
Lúc đó mợ Tân bước xuống hỏi Kiam:
- Kim à! Hồi nãy con có lấy hộp tiền của má để trong tủ không?
Kim trả lời:
- Con đâu có lấy, nãy giờ con ở sau vườn mà.
Cậu Tân bước ra cửa bảo Kim mau mau đi đám giỗ kẻo trễ.
Cha con Kim đi rồi, mợ Tân quay sang hạch hỏi Thanh. Bà nhìn thau đồ Thanh đang giặt rồi la lên:
- Trời! Lúc nãy mày vô buồng lấy đồ dơ của mấy đứa nhỏ rồi thấy cửa tủ mở mầy lấy chớ gì?
- Thưa mợ, thật tình con không có lấy, đừng nghi oan cho con.
Mợ Tân hét lên:
-
Nghi oan cho mầy? Mầy không lấy thì còn ai vô đây nữa? Nè! Nếu có lỡ
lấy thì đem vô đây trả tao, xin lỗi tao tha cho. Còn nếu chối, tao nói
trước, bữa nay tao cho mầy chết đó.
Đôi hàng lệ rơi dài trên má Thanh, em khẽ lắc đầu.
Mợ
Tân tức giận lấy cây tre nhỏ quất xối xả trên mình em. Chưa lần nào
trong đời Thanh bị hành hạ một cách thái quá như vậy. Mợ Tân thấy đánh
mãi mà Thanh không nhận, mợ đánh một lúc nữa đến mỏi tay rồi đuổi Thanh:
- Đi ra khỏi nhà tao đi, đừng bao giờ vác mặt ăn cắp trở về nhà này nữa, đi đi... quân ăn cắp...
Thanh
đầu cổ rối nùi, quần áo xơ xác, mặt mày bầm tím vì những lằn roi tàn
nhẫn đành bỏ chạy ra sau vườn dừa đứng gục mặt bên một gốc cây. Thanh
không khóc được nữa. Hình như bao phũ phàng của cuộc đời làm cạn khô
suối lệ của em. Em gọi lên nho nhỏ những tiếng thân yêu mà từ lâu em
chưa được gọi lại: Ba ơi! Má ơi! Chị ơi! Các em ơi!...
Lồng
ngực em muốn vỡ ra vì đau khổ, nghẹn ngào, uất hận... Thanh ngồi như
thế cho tới khi trời đã gần tối. Em đưa mắt nhìn lên. Qua những kẽ trống
của tàn dừa, em thấy mây đen u ám vần vũ trên đầu. Thanh muốn mình tan
biến thành mây, thành gió, thành cây cỏ... miễn sao tránh được niềm đau
khổ hôm nay.
Thanh
nghĩ rằng sao trời lại nỡ phụ lòng em. Bao thiện chí của em đối với cậu
mợ chẳng được bù đắp chút nào, mà trái lại có cảnh hôm nay. Rồi ngày
mai ra sao? Liệu Thanh có trở về căn nhà ấy được không?
Trời
đã sẫm tối nhưng Thanh vẫn còn nằm trong vườn dừa với nỗi đau buồn nặng
trĩu. Bỗng một cơn gió lạnh lùa qua, mưa rơi lấm tấm trên mình em.
Thanh như sợ hãi điều gì vụt ngồi dậy, cắm cổ chạy về nhà cậu mợ. Cậu
Tân và Kim đã về, mấy đứa nhỏ ngồi học trên bàn. Thanh nép ở mé hè để
tránh cơn mưa xối xả.
Bỗng Thanh nghe cậu Tân hỏi:
- Mình đuổi con Thanh đi hồi trưa rồi à?
Mợ Tân to tiếng trả lời như còn chưa hả lòng căm tức:
- Ừ! Tôi đuổi nó đi sau khi đập một trận nhừ tử.
Lòng Thanh se thắt khi nghe câu nói ấy. Trên bàn, đứa em của Kim đang học một bài thuộc lòng:
"Con chim non rũ cánh, đi tìm tổ bơ vơ!
"Trên con đường sương lạnh, đi về đâu chim ơi!
"Con chim non không tổ, trẻ mồ côi không nhà...
"Hai bên cùng đau khổ, cùng bơ vơ, bơ vơ!"
Thanh
nghe mấy câu đó vội bịt tai lại, lảo đảo ngồi xuống đất, cắn chặt môi
để ngăn tiếng nấc. Nhưng em bỗng giật mình nghe tiếng mợ Tân la hoảng:
- Trời ơi! Mình oi! Kim ơi! Sao vậy nè? Trời ơi!
Thanh
hoảng hốt nhìn vào thấy cậu Tân và Kim mặt xanh như tàu lá, hai tay ôm
bụng, ói mửa linh láng. Còn mợ Tân mặt cắt không còn chút máu, chạy tới
chạy lui không biết làm sao. Ngoài trời thì mưa đổ ào ào, gió rít từng
cơn, trời tối đen như mực. Thanh nhìn cảnh ấy muốn để mặc kệ mợ Tân,
chẳng vào giúp đỡ. Nhưng em nghe văng vẳng bên tai như có tiếng nói của
thầy Xuân: "Muốn cho mọi người yêu thương con, trước hết con hãy mở lòng
thương yêu họ". Thanh không còn ngần ngại gì nữa, đẩy cửa bước vào. Mợ
Tân nhìn Thanh ngạc nhiên, Thanh dịu dàng nói:
- Mợ hãy phụ cùng con thoa dầu cho cậu và Kim, rồi lấy nước trà nóng cho uống. Con sẽ chạy đi rước thầy thuốc ngay.
Làm
những công việc ấy xong, Thanh băng mình trong mưa to gió lớn, không nề
sấm chớp đang gầm thét liên hồi. Mợ Tân nhìn theo, ánh mắt tràn đầy
ngạc nhiên. Độ nửa giờ sau, Thanh dẫn thầy thuốc đến. Sau khi bắt mạch
cho uống thuốc, ông bảo bệnh nhân trúng thực. Một lát sau, cơn bệnh của
hai người dịu dần và đỡ hẳn. Thanh chỉ kịp thay bộ đồ ướt dính vào
người, rồi gục xuống bộ ván sau nhà. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, Thanh
ngạc nhiên khi thấy Kim ngồi kế bên và đang đưa tay sờ trán mình. Thấy
Thanh mở mắt, Kim vội reo lên:
-
Kìa chị đã tỉnh! Chị nóng quá làm em sợ ! Chị à! Xin chị tha lỗi cho em,
hôm qua chính em đã ăn cắp tiền của má, không chịu nhận để cho chị bị
đòn oan. Thế mà... lúc em bị bệnh, chị không ghét lại chạy trong mưa gió
để rước thầy cho em... chị ơi! Chị có lòng tốt quá!
Nói xong, Kim khóc nức nở, nước mắt rơi xuống tay Thanh. Thanh vuốt tóc Kim dịu dàng nói:
- Thôi, em đừng khóc nữa, em đã biết thương chị thì chị cũng đủ vui rồi. À! Mà em thật hết bệnh chưa?
Lúc đó, cậu mợ Tân từ nhà trên cũng chạy xuống chỗ Thanh nằm. Cậu mợ Tân cùng nói một lúc:
- Thanh, cháu tha lỗi cho cậu mợ nhé!
Thanh sung sướng quá chưa kịp nói gì thì mợ Tân âu yếm ngồi xuống bên em, vừa vuốt tóc em vừa nói:
- Thanh! Cháu ngoan yêu quý của cậu mợ! Từ đây mợ hứa sẽ thương yêu cháu như con của cậu mợ...
Vừa
nói, nước mắt hối hận của mợ lại trào ra. Thanh xúc động mãnh liệt,
không ngờ cái ngày mong đợi cậu mợ hồi tâm đã đến. Thanh siết chặt tay
cậu mợ, lắp bắp:
- Con cám ơn cậu mợ!
Thầy Xuân vừa về, bắt gặp cảnh ấy ngạc nhiên quá. Sau khi nghe Thanh kể chuyện, thầy nói:
-
Đó là phần thưởng xứng đáng cho con, một đứa bé ngoan hiền đầy nghị
lực. Con ban tình thương thì ngày nay, tình thương lại về với con. Con
thật xứng đáng với hiệu quả tốt đẹp ấy.
Mắt Thanh sáng ngời, chan chứa niềm vui vô tận.
VÂN TRANG
(Cholon)
(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Đêm Kinh Dị")
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.