Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Môn Thần Dược

 

Ngày xưa, bên xứ Phù Tang có một công hầu tên là Kirimanjago, rất giầu có, của cải vàng bạc chất đầy kho. Ông sống dưới chân núi Fuji, trong một dinh thự huy hoàng, tráng lệ. Hằng ngày ông chỉ thơ thẩn ngoài vườn, dạo chơi dưới rặng hoa anh đào, khoe sắc dưới nền trời xanh thẳm, hoặc ngồi lặng hàng giờ bên ao sen hương tỏa thơm ngát.

Cô con gái của ông, nàng Osyko kiều diễm, luôn theo hầu bên cha, nâng đỡ săn sóc cha từng tý. Sống nhàn hạ sung sướng như thế nhưng vị công hầu giàu có này vẫn lấy làm khổ sở, vì ông là người bệnh hoạn yếu đuối. Ông thường than với con gái:

- Cha mệt mỏi quá con ạ. Thân thể cha sao nặng nề bạc nhược đến thế này! Con có đón được danh y nào tới chẩn bệnh cho cha hôm nay không?

Lẽ dĩ nhiên, những người tự xưng là danh y tới chữa cho ông không thiếu. Có những vị lặn lội từ phương xa tới, nguyện đem hết tài trị bệnh ra chữa chạy cho ông. Mỗi ngày cứ vào lúc ánh dương ửng hồng trên ngọn núi Phú Sĩ thì gia nhân lại dẫn vào một lang y mới. Và rồi ông lang nào cũng thế cả, sau khi chẩn mạch, quan sát sắc diện, sờ nắn tay chân bệnh nhân, các ông lại kê một thang thuốc gồm có những dược thảo kỳ lạ, bảo gia nhân đem sắc nước dâng lên cho chủ nhân uống thử. Công hầu Kirimanjago bưng chén thuốc đặc sánh đưa lên miệng thong thả uống.

Lang y cho thuốc hôm ấy, chăm chú chờ đợi, hy vọng những vị thuốc của mình sẽ đem lại kết quả.

- Thưa đại nhân, chẳng hay liều thuốc của kẻ hèn này có làm cho đại nhân dễ chịu được chút nào không?

Lần nào công hầu cũng buồn bã lắc đầu:

- Ta chẳng thấy khỏe hơn được chút nào cả!

Nói rồi công hầu nặng nhọc đứng lên, vịn vai con gái bước ra vườn, mặc cho ông lang thất vọng rút lui.

Các gia nhân lại vội vàng đi tìm một lang y khác cho ngày hôm sau.

*

Một buổi sáng, thay cho những lang y râu tóc bạc phơ, gia nhân đưa tới trước công hầu một thanh niên tuấn tú. Thanh niên cúi đầu thưa:

- Dám bẩm đại nhân, vãn sinh này mong được đem chút tài mọn ra giúp ích cho đại nhân. Xin đại nhân cho phép vãn sinh thăm xem ngọc thể ra sao?

Kirimanjago nghi hoặc hỏi:

- Nhà thầy tên gì? Có thạo về y lý hay không?

Thanh niên cung kính đáp:

- Bẩm, vãn sinh tên là Mokytongo. Xin đại nhân cứ tin ở lòng thành của vãn sinh này là đủ.

Sau khi để cho thanh niên xem xét kỹ lưỡng tứ chi, công hầu hỏi tiếp:

- Chắc nhà thầy cũng sẽ bốc cho ta một thang thuốc gồm toàn dược thảo hiếm có?

Thanh niên trịnh trọng thưa:

- Bẩm đại nhân, không cần! Bệnh trạng của đại nhân có uống đến bao nhiêu thang thuốc cũng đều vô hiệu!

Kirimanjago lo lắng hỏi:

- Tại sao? Nhà thầy hãy nói mau cho ta biết!

- Bởi vì, đại nhân sắp kiệt lực rồi. Vãn sinh dám khuyên đại nhân hãy can đảm đối diện với thần chết và chiến đấu như một hiệp sĩ Samourai anh dũng!

Công hầu thất sắc:

- Ta không muốn chết! Ta chưa muốn chết! Và ta cũng không phải là hiệp sĩ Samourai!

Thanh niên suy nghĩ rồi tiếp:

- Nếu vậy chỉ còn một phương thế này, may ra mới cứu vãn nổi ; xin đại nhân hãy sang bên Ấn độ, tìm nhà thuật sĩ tên là Bougy-Bangay. Chỉ mình ông ta mới có thể cứu sống được đại nhân, và... 

Mokytongo chưa nói hết lời thì lập tức công hầu đã truyền lệnh cho gia nhân kiếm ngay cho ông một chiếc thuyền mành. Ông xuống thuyền cùng với ái nữ Osyko, và cấp tốc đi sang nước Tàu. Cuộc hành trình bằng đường bể đầy sóng gió, nhưng vì nóng lòng mong tới Ấn độ nên ông quên cả mệt nhọc. Đến Trung hoa, ông bị một bọn thảo khấu chặn đường cướp hết hành trang vàng bạc. Bọn tùy tùng ông, kẻ bị cướp giết, kẻ chạy trốn thục mạng, chỉ còn lại hai cha con nhờ bọn cướp tranh nhau chia của, nên thoát chết.

Nàng Osyko dắt cha bơ vơ nơi đất khách may được một đoàn lái buôn cho nhập bọn. Kirimanjago phải dắt ngựa thồ hàng cho họ. Nàng Osyko thì lãnh phần thổi cơm nấu nước. Thế rồi nay tỉnh này mai quận nọ, hai cha con phải thay đổi đủ nghề, làm đủ mọi công việc nặng nhọc, mà chưa bao giờ họ phải làm tới. Nhưng dù vất vả, Kirimanjago vẫn không bỏ mục đích tìm đường lặn lội sang Ấn độ. Sau khi kiếm được chút tiền, ông mua một con lừa, rồi hai cha con thay nhau, cưỡi lừa vượt qua rặng núi Tây trúc. Dòng dã mấy tháng trời, Kirimanjago và nàng Osyko mới tới Hy mã lạp sơn và được thấy giòng sông Gange. Trên đất Ấn, hai cha con ra công tìm kiếm nhà thuật sĩ Bougy-Bangay. Nhưng qua khắp các tỉnh lỵ đông đúc, đến các làng mạc xa xôi, không đâu tìm thấy tông tích nhà thuật sĩ Bougy-Bangay cả. Thất vọng, Kirimanjago buồn bực bảo con gái:

- Osyko, bông sen dịu hiền của cha, chúng ta hãy trở về xứ sở thôi. Cha chắc gã thư sinh kia đã đánh lừa cha con mình rồi. Khi về tới đất Nhật cha sẽ cho bắt hắn và trị tội xứng đáng!

*

Trên đường trở về cố hương, vị công hầu lại phải đóng vai đầu bếp trên một chiếc thuyền buôn, và nàng Osyko lo bưng cơm dọn nước. Cuộc hành trình lần này không đến nỗi vất vả lắm. Ngoài công việc phải làm, hai cha con được hưởng một cuộc du hành thoải mái giữa trùng dương.

Cuối cùng họ về tới nhà, nơi lầu son gác tía và khu vườn đẹp đẽ của họ. Nơi đây, Kirimanjago trở lại uy quyền của một vị công hầu. Ông sai quân lính tìm bắt Mokytongo, chàng thanh niên đã dám lừa dối ông. Lập tức chàng thanh niên bị điệu tới. Nhưng lạ lùng thay, khi vừa trông thấy Kirimanjago, thanh niên tỏ vẻ mừng rỡ:

- Xin kính chào đại nhân! Vãn sinh cám ơn trời đất đã phù trợ đại nhân trở về bằng yên và khỏi hết mọi bệnh hoạn.

Công hầu nổi giận:

-Sao? Nhà ngươi dám bảo ta khỏi bịnh à! Nhà ngươi là một tên láo khoét đã đánh lừa ta, vì nào ta đã có gặp vị thuật sĩ nào tên là Bougy-Bangay như nhà ngươi nói đâu, mặc dù ta lặn lội khắp nơi trên đất Ấn và gặp bao nhiêu nguy nan trắc trở!

Thanh niên cung kính đáp:

- Xin đại nhân bớt giận. Tiện sinh này quả có phạm tội nói dối. Bougy-Bangay chỉ là một nhân vật tưởng tượng, mà vãn sinh bày đặt ra cốt để đại nhân tin tưởng và chấp nhận một cuộc hành trình hữu ích cho sức khỏe của đại nhân đó thôi. Cơ thể của đại nhân suy yếu chỉ vì đại nhân sống một cuộc đời quá đầy đủ nhàn hạ. Đại nhân cần phải vận động nhiều, cần vượt sóng, băng ngàn và làm việc.

Đại nhân há chẳng nhận thấy rằng : Từ ngày đại nhân... nghe lời vãn sinh, chịu vất vả trong cuộc hành trình này thì sắc diện của đại nhân cũng trở nên hồng hào tươi tỉnh, da thịt của đại nhân săn chắc lại, thân thể bớt phì nộn, không nặng nề mệt nhọc như trước nữa? Và vãn sinh dám chắc bây giờ với bữa cơm thường, đại nhân cũng thấy ngon miệng hơn khi xưa dùng toàn sơn hào hải vị. Tất cả những triệu chứng đó, tỏ ra đại nhân hiện đang có một sức khỏe dồi dào. Đó chẳng phải là điều mà vãn sinh cầu mong cho đại nhân, mà cũng là điều mà đại nhân hằng ao ước hay sao?

Lời giãi bày của Mokytongo làm vị công hầu tỉnh ngộ, và dịu cơn thịnh nộ. Nàng Osyko cũng dịu dàng nói:

- Thưa phụ thân, con thiết nghĩ danh sĩ này đã chữa cho phụ thân khỏi chứng bệnh suy nhược mà chính phụ thân nuôi dưỡng trong cuộc cống nhung lụa, thì công đó đáng được phụ thân trọng thưởng chớ sao lại phạt?

Kirimanjago cúi đầu suy nghĩ rồi ôn tồn nói:

- Con gái ta nói phải. Ta sẽ thưởng thầy xứng đáng! Thầy muốn điều gì cứ nói rõ, ta sẵn sàng ban cho.

Mokytongo không trả lời bằng tiếng nói, mà bằng một cái nhìn ý nghĩa. Tia mắt của chàng ngưng đọng trên khuôn mặt khả ái của nàng Osyko.

Truyện kể rằng : Chàng Mokytongo được phép cưới nàng Osyko làm vợ. Con cái của họ nhiều và xinh đẹp như những bông hoa phủ đầy trên Phú Sĩ sơn.

Còn Kirimanjago đại nhân, ông cho khắc trên một tấm bia dựng trong vườn câu châm ngôn nầy:

"MUỐN SỐNG CẦN PHẢI CHIẾN ĐẤU"


BÍCH CHÂU      

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Đôi Bạn")

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>