Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Cao Nguyên Buổi Sáng

 

Con đường buổi sớm sương mù giăng thật thấp, những bụi cây hoa nở hai bên con đường em đi, khóm tre già ngả nghiêng trước những cơn gió thổi qua. Em đi chầm chậm, lòng chợt thanh thản vô cùng. Con đường đến trường vẫn còn xa, xa tắp, hai bên hoa vàng vẫn thi nhau nở rộ, gió thổi làm rung cả tóc em. Mấy quyển vở nằm lỏng lẻo trên tay em, trời mát lạnh làm em cảm thấy khoan khoái. Xa xa trước mặt em, những hàng cây chạy dài khép lại thành một vòng cung với con đường chạy thẳng băng.

Sau những ngày em nghỉ học, con đường như đổi mới và bước chân em vui rộn ràng trên đó. Chẳng bao lâu nữa, khi quẹo qua con đường đó em sẽ thấy lại ngôi trường cũ. Và rồi những hàng soan, những hàng cây xanh mướt để đón bước chân em. Nắng nhẹ nhàng vương trên từng khóm lá, em thấy vũng nước rộng bên đường gợn sóng lăn tăn giống như một cái ao nho nhỏ. Bờ cỏ xanh rêu ở dưới chân em khi em bỏ đường nhựa bước lên con đường đất nhỏ trên bờ. Trên đầu em, rợp bóng lá xanh tươi, dưới chân em, xác lá úa rụng đầy ngập cả lối. Bên kia đường là phi trường L... 19 chạy dài suốt con đường em đi và còn dài mãi cho đến khi em đã quẹo vào con đường dẫn đến trường.

Buổi sáng hôm nay em đi học sớm nên đường thật vắng. Những cảm giác nao nao vây kín lấy hồn em chả sao diễn tả được. Qua mấy ngày xa vắng, em nhìn cảnh vật hai bên đường bằng cặp mắt bỡ ngỡ lạ lùng. Và lớp học nữa, chả biết có gì thay đổi không nhỉ?

Sương xuống ướt cả tóc của em, mây trời trắng đục có hình dạng như những tảng đá lớn nhỏ chồng lên nhau thật ngộ. Mình quên đội nón mất rồi, nếu đau lại thế nào mẹ cũng mắng cho xem, em mỉm cười thầm nghĩ. Chợt nhiên, em nhớ đến mùi bạc hà thoang thoảng và mùi thơm nồng nàn của cây hoàng lan đưa vào phòng em mỗi khi em mở cửa sổ nhìn ra vườn trong những ngày em bị ốm. Mẹ vẫn mắng em luôn về tật ấy, mẹ bảo như thế thì chừng nào mới đi học được. Ấy thế nhưng hôm nay em cũng đã được đi học rồi cơ. Em nao nức ghê lắm giống như ngày nào khi bắt đầu một niên học mới. Những ngày mùa xuân vừa đi qua để lại nơi em những niềm vui còn sót lại trong hồn. Em nhìn những ngọn cỏ mềm mại long lanh giọt sương đang rung động nhẹ nhàng lòng chợt thấy bâng khuâng vô tả, vậy là một niên học sắp qua rồi nhỉ, sao con đường em đi chả có đến một cây Phượng để em ngắm nhìn nữa cơ. Hai bên đường chỉ toàn là những cây tuy quen nhưng em lại chả biết tên chúng là gì nữa. Mùa hè sắp đến rồi đó, em sắp lên lớp nữa rồi. Lớn rồi đó nhà, sắp phải đi thi rồi đó, sắp sửa làm cô Tú hụt là vừa. Em cười một mình, mải nhìn xuống đất nên chả thấy mấy cô bé đang đi ngược chiều nhìn em ngạc nhiên. Tiếng guốc rộn ràng làm em giật mình vội ngẩng lên. Ô hay! Mình cười gì vô duyên quá đi, em vờ nghiêm mặt đi thật nhanh. Ấy! Mà cũng không được, mấy cô bé ấy lại bảo mình lối cho xem, hay là đi chầm chậm vậy, nhưng... nhỡ thiên hạ lại bảo mình điệu thì sao nhỉ? Em lúng túng ghê là, mặt cứ đỏ lên thôi.

Những tà áo bây giờ xuất hiện nhiều ghê làm em chả còn là một kẻ độc hành nữa. Em thấy niềm vui như bị xao động mạnh làm vỡ vụn. Đã bảo là em thích cô độc cơ mà, lại còn mơ mộng thật nhiều nữa chứ. Con đường cứ ngắn lại dần mà em cứ thích đi hoài thôi. Xa thế nhưng em chả mỏi chân đâu, em đi quen rồi mà. Ở nhà có mấy hôm thôi mà em nhớ ghê là.

Càng gần trường những cây cối của em càng mất dần đi thay vào đó là những căn nhà rải rác. Em ngắm những giàn hoa nhiều màu trước ngõ lòng thấy vui vui. Trường nữ tiểu học kia rồi nhỉ? Thế là chỉ một tí nữa thôi là đến trường em rồi. Mà ghét ghê, sao nắng bây giờ lại chói chang thế nhỉ làm em khó chịu lạ nên phải đi thật nhanh. Chả bù với khi nãy em vừa đi vừa ngừng hái hoa lá ôm đầy trên tay rồi lại rắc chúng ra đường. Còn tí nữa là tám giờ rồi đấy, mình thật tệ đi từ sáng sớm đến giờ. Nhưng chả có phải lỗi ở em đâu, tại vì cảnh vật hai bên đường làm em quên mất cả thì giờ ấy chứ. Em vẫn thường mắc cái tật vừa đi vừa suy nghĩ đủ chuyện vậy đó. Thế nên đường có xa đi một mình em vẫn thấy vui như thường.

Mặt trời lên cao tỏa ánh sáng rực rỡ xuống con đường em đi, sương mù buổi sớm đã tan tự lúc nào em chả hay. Buổi sớm hôm nay em đi học, trời đẹp ơi là đẹp...


ĐỖ THỊ HỒNG LIÊN     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 134, ra ngày 1-8-1970)
 

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Danh Ngôn 225


 - Người Hướng Đạo tươi cười ca hát trước mọi nỗi khó khăn.

- Hết chín phần mười những kẻ có tính hài hước thường dễ dãi vui vẻ. Họ gây nguồn vui cho kẻ khác, vì tính hài hước cũng dễ lây như bệnh sởi.

- Trong khi các anh còn thở được một hơi thở, các anh đừng chịu tin rằng mình đã chết rồi!

- Sự sống thiếu khiếu thẩm mỹ thì không khác gì một ngày không có ánh mặt trời.

- Món quà biếu chưa thuộc về ta hoàn toàn khi ta chưa nói lời cám ơn.

- Tôi đã sống gấp đôi đời sống của tôi.

- Mỗi khi tôi kiểm điểm lại cuộc đời của tôi, tôi thấy tôi sung sướng, thì tôi lại càng nhận ra rằng kiếp sống đẹp đẽ của chúng ta ngắn ngủi quá. Như vậy, thù hận và chém giết có ích gì. Ở đời chỉ có một việc có giá trị, đó là làm điều thiện và mang hạnh phúc lại cho người khác. Đó là lý tưởng cuộc sống của tôi, và cũng là lý tưởng của tất cả Hướng Đạo Sinh...
(Di chúc của B.P)

Lord BADEN POWELL      
(Người sáng lập phong trào HĐ) 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 225, ra ngày 1-8-1974)

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Trên Thiên Đường Ký Ức


 

 

 

 

 

 

 

 

  


Trong mộng ngược dòng nước thời gian
Dừng chân chốn ký ức xa ngàn
Buồn ơi lá đổ nghiêng mời mọc
Cỏ níu chân đi, cũng ngỡ ngàng

Tôi đã trải qua đó vạn lần
Giở dòng quá khứ quá phân vân!
Có nghe trong gió muôn lời hát
Lá buồn gờn gợn theo bước chân

Thủa đó trường làng chỉ ba gian
Hàng cây dâm bụt kín hai hàng
Cỏ xanh khép nép, trơ mắt ngó
Đàn chim ngoan xếp cánh đôi hàng

Trời kéo mưa về khi giá đông
Ba gian lớp dột, lạnh buốt lòng
Thầy ngồi ngơ ngẩn trông giọt nước
Mà tưởng chừng như giọt lệ lòng!

Từng buổi chiều tan học, ngang đê
Chơi u rách áo chẳng dám về...
Chị ra trước ngõ chờ em gái
Nói dối đôi lời, dạ tái tê!

Ép trái mồng tơi làm mực tím
Đôi dòng chữ nguệch ngoạc, thương thêm!
Trông ra vườn rộng đàn bướm trắng
Rủ phấn hương nồng đợi bóng chim

Thầy dạy quê hương đẹp vô vàn
Cho dù chinh chiến vẫn miên man
Ca dao quê mẹ sầu như lá
Súng đạn làm chim hót ngỡ ngàng

Mình cũng ước rằng mai mốt lớn
(Chung lưng bồi đắp nước non này)
Giở trang Sử cũ lòng thấy mến
Từng lớp trai hùng đi đắp xây!

Thầy đã ra đi sáng trời hồng
Học trò đưa tiễn cuối con sông
Người đi xây đắp trăm hơi thở
Tin dữ bay về, lạnh cõi lòng!...

Giờ đã lớn khôn với tháng ngày
Giã từ tất cả, bằng sầu ai...
Có ai chợt nghĩ rằng tôi đã,
Đã quên ; quên hết thuở vui vầy?

Ký ức dừng chân tim xót xa
Hoa nắng ngủ say, chợt vỡ òa...
Một đám lá vàng rơi nhẹ cánh
Thương hoài cảm xúc, giọt lệ sa!...

                          DIỄM PHƯỢNG (Nguyễn thị Hồng)
                                       (GĐTN GIA ĐỊNH)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 104, ra ngày 24-8-1973)

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Lời Linh Hồn Mùa Thu


 










 
Lời linh hồn đá sỏi
Trên con đường lá khô
Tấu phiên ca mê mỏi
Rộn rã đường hư vô

Thoáng vui trong mắt vụng
E ấp nụ tuyệt vời
Có nghe hồn lá rụng
Đan bước chậm chơi vơi

Mưa bay như thoại ảo
Trên gót nhỏ lãng phiêu
Dẫm lên nghìn thạch thảo
Ngời bóng sáng tiêu điều

Phiến mưa đan áo trắng
Trên con đường lá me
Xóa nhòa hồn bướm lặng
Hương dấu ái bạn bè

Em nghe mùa thu mới
Lặng lẽ rớt trên vai
Như lá khô tầm với
Xác xơ giọt hình hài

Mây nào thương lá chết
Lắng lắng cọng xót xa
Của hồn thu úa nhạt
Hương mê ngất mặn mà

Thu phong len vào tóc
Tìm hương ấm nụ hồng
Trái sầu như vừa mọc
Trong sương khói thinh không

Em lặng nghe trong gió
Lời linh hồn mùa thu
Như một vòng kinh nguyện
Vút chân mây xa mù.

                         MIÊN HƯƠNG
                         (Vườn kinh thánh)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 7, ra ngày 5-8-1971)

 

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Tiền Bạc và Hạnh Phúc

  

Các em thân mến,

Trong dịp bãi trường vừa qua, tòa soạn nhận được rất nhiều thư của các em nhờ chúng tôi tìm việc làm trong thời gian nghỉ hè để các em lấy tiền mua sách vở. Vài em lại có ý định bỏ học để đi làm hầu được nhiều tiền và sống sung sướng.

Các em thân mến,

Tục ngữ có câu: Tiền bạc không tạo được hạnh phúc mà chỉ góp phần vào việc tạo hạnh phúc.

Người ta trên đời thường hay quan niệm sai lầm hễ có được địa vị, tiền bạc là được hạnh phúc.

Chắc các em cũng rõ trong một nước, không ai có địa vị cao sang, uy quyền hơn tổng thống. Thế mà, mấy lúc gần đây, các em xem qua báo chí vị tổng thống của một đại cường quốc là nước Mỹ, ông Nixon có được sung sướng đâu. Ông phải đương đầu với nhiều vấn đề nan giải như nạn lạm phát, thất nghiệp, phong trào phản chiến, chiến tranh Việt Nam. Ông phải qua Tàu, sang Nga, làm lành với kẻ thù hầu mong tìm được hòa bình, đem tù binh về nước. Trông ông già hơn trước nhiều và lúc nào cũng mệt mỏi.

Người có nhiều tiền cũng không khỏi lo âu như người có địa vị, uy quyền.

Nhà kỹ nghệ lo âu hàng hóa sản xuất không kịp bán, còn khi ế ẩm, lo âu không bán được hàng, lấy tiền đâu mua nguyên liệu và trả lương nhân công.

Ông chủ ngân hàng lo lắng, ngân hàng mở ra càng ngày càng nhiều, làm ăn lại khó khăn, dân chúng đâu còn tiền dư đem đi gởi có ngày ông phải phá sản.

Người thương gia lo công việc buôn bán ế ẩm, thuế má lại cao, biết đâu lại phải dẹp tiệm.

Người có tiền lúc nào cũng bận rộn với công việc. Họ không còn đủ thì giờ để sống riêng cho họ, hết những buổi tiếp tân, lại đến những bữa cơm xã giao, hết tiếp khách lại phải đi thăm viếng về nghề nghiệp.

Một sự lỗi lầm trong công việc làm ăn có thể đưa họ đến sự phá sản, làm tiêu tan sự nghiệp gầy dựng trong nhiều năm, gây buồn khổ cho gia đình họ.
 
Các em thấy chưa, tiền bạc không chắc đem hạnh phúc đến chúng ta.
 
Nhưng tiền bạc góp phần vào việc tạo hạnh phúc.
 
Tiền bác giúp cho các em đóng được học phí, mua sắm sách vở, tiếp tục học hành đến khi trưởng thành.
 
Tiền bạc giúp gia đình các em khỏi túng hụt, cha mẹ các em tậu được căn nhà khang trang, đủ tiện nghi, gia đình các em sống ấm cúng hơn.

Tiền bạc giúp các em có thể du học nơi xứ người, thu thập những điều hay lạ.

Tiền bạc cũng giúp cho các em thực hiện những công việc từ thiện, mà nếu không có tiền, dù các em có nhiều thiện chí, nhiều tình thương, các em cũng chỉ biết đứng nhìn chơi mà thôi.

Nhờ có tiền bạc, các em có thể giúp đỡ dễ dàng gia đình các em, hay các người nghèo hơn các em, các em có thể thực hiện những ý định tốt đẹp khác của các em.

Nhưng các em đừng bao giờ để cho tiền bạc chi phối và sai khiến các em. Các em chỉ nên coi tiền bạc như một tay sai hay một tên đầy tớ trung thành và đắc lực, giúp cho các em trong việc tạo niềm vui cho các em và những người xung quanh các em.


Thân mến chào các em          
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 54, ra ngày 4-9-1972)


Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

Có Những Chiều Ngồi Mơ Ước Viển Vông...

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
1.
Tôi rất thích là họa sĩ
Mang hết đời vào khung tranh
Lang thang, cọ, màu, giá vẽ
Sông dài, biển rộng, trời xanh.....

2.
Tôi cũng thích làm nhạc sĩ
Thả hồn vào tiếng tơ đồng
Guitar, vĩ cầm hay or(gan)
Lời ca, tiếng nhạc ru lòng

3.
Tôi rất thích điều không thể
Và mơ chỉ để mơ thôi
Vì cuộc đời này ngắn ngủi
Không mơ, sống uổng kiếp người!

                                  Trần Thị Phương Lan
                                 (Bút nhóm Hoa Nắng)

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Nên Cẩn Thận Khi Sửa Lỗi Người Khác



Có một vài em cứ muốn lâu lâu chị tâm sự một lần. Vậy thì, hôm nay chị lại tâm sự. Nếu có em nào không thích nghe tâm sự, xin vui lòng vậy nhé.

Chị không có được cái đức tính thận trọng. Chị hay sốt sắng mách giúp. Điều đó rất bậy. Dễ bị mang tiếng là khoe khang thầy đời. Chị không biện minh cho chị ; nhưng thâm tâm, chị cứ muốn giúp ích gì đó cho bất cứ ai. Mà dường như hầu hết mọi người đều có tính thích giúp đỡ người khác. Các em thử thí nghiệm dễ lắm, chỉ việc nói rằng bị cảm cúm, là lập tức tất cả mọi người chung quanh sẽ mách thuốc, chỉ với sự tốt bụng, muốn cho em khỏi, chứ cũng chẳng cầu mong gì ở em hết cả.

Cho nên chị đã bị một lầm lỗi nặng nề.

Dạo đó, chị sửa bản vỗ cho một nhà in. Có nhà xuất bản Lá Bối thuê in một cuốn sách của nhà văn Võ Hồng, tựa là "Nhánh Rong phiêu bạc". Chữ "bạc" bị lem, thành ra không rõ là "bạt" hay "bạc". Vị giám đốc là người rất vẩn thận. Các em cứ đọc sách của nhà Lá Bối sẽ biết là vị giám đốc cẩn thận như thế nào (vì tất cả các sách đều do chính ông sửa bài). Chị đã được tín nhiệm qua một vài lần góp ý về vấn đề "t" và "c" nên khi được hỏi, chị nói rằng có lẽ là phiêu bạt vì chị thường hay nghe và nói như vậy. Chữ phiêu bạt nó như là tiếng Việt nên chị không thấy cần tìm gốc nó làm chi. Lại thêm 2 chữ trước là "Nhánh Rong". Chị mới nghĩ cả 4 chữ đều là tiếng Việt. Tình cờ một hôm giở tự điển Việt Nam của Khai Trí Tiến Đức, chị thấy không có chữ phiêu bạt mà chỉ có chữ "Xiêu bạt", nghĩa là nghiêng ngả, giạt đi nơi khác, theo chiều khác. Chị mới giật mình, lật đật đi tìm từ điển Hán Việt coi lại thì chữ "phiêu" chỉ đi kèm chữ "bạc" và cả "phiêu bạc" có nghĩa là trôi giạt. Chị ân hận quá sức. Chị buồn mất ngày, vì khi đó đã in rồi. Bây giờ biết làm sao. Vị giám đốc là một nhà tu, rất nổi tiếng về sự cẩn thận và chữ nho thì dĩ nhiên là giỏi rồi. Sở dĩ ông thắc mắc vì ông sợ đó là tiếng địa phương mà ông không rành. Chị thì nghĩ rằng hai chữ "nhánh rong" là tiếng Việt ròng, thì "phiêu bạt" chắc cũng không phải chữ Hán, mà chỉ là tiếng phiêu bạt thường dùng mà thôi. Đã mấy năm qua, câu chuyện này vẫn là hạt sạn chối răng của chị. Mỗi khi nghĩ tới chị rất mắc cỡ về sự kém cỏi của mình. Hôm nay, kể ra với các em, chị thiết tha mong các em rút ra những kinh nghiệm này. Là nên rất cẩn thận trong khi sửa chữa cái gì của người khác, sau nữa là chị ước mong các em nên can đảm lãnh trách nhiệm về lỗi lầm của mình. Nhà văn Võ Hồng đặt tên truyện đúng. Chị làm sai đi. Đáng lẽ sự đó chỉ ông giám đốc nhà xuất bản và nhà văn Võ Hồng biết. Nhưng chị không muốn vậy. Chị không muốn  mọi người phải thắc mắc về sự cẩn thận của nhà văn Võ Hồng và ông Giám Đốc nhà xuất bản Lá Bối, mà lỗi đó hoàn toàn do chị.

Nếu mỗi lần chị tâm sự, các em có được chút kinh nghiệm nào, thì đó chính là điều ước mong tha thiết của chị vậy.


Chị Đ.P.K.     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 53, ra ngày 28-8-1972)
 

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

Một Năm Tâm Sự Vui Buồn...

 

Có em hỏi chị:

- Tại sao chị lại chọn cái nghề trả lời thư?

Được chọn vào công tác trả lời thư, chị vô cùng thích thú. Nhưng theo ý chị thì đó không phải là một nghề. Vì đã nói tới nghề, là ta có ngay cảm tưởng về một cái gì nó máy móc, có qui tắc, có luật lệ, phải không các em nhỉ. Có lẽ chị sai chăng? Nhưng kỳ ghê, sao chị không thích nhận công việc trả lời thư là một nghề đâu. Kệ nó. Chị không thích. Chẳng biết tại sao. Các em chiều chị nhé. Vì các em yêu mến chị, tin cậy chị, coi chị như chị ruột, thế rồi mới có điều gì thắc mắc, vui buồn trong lòng, chẳng biết hỏi ai, hỏi ba má thì "sợ sợ thế nào ý", hỏi bạn thì "kỳ kỳ quá đi", hỏi anh, chị ở nhà thì "eo ôi! anh chị chế nhạo cho thì chết". Thế là mới cắn móng tay, mới nước mắt chạy quanh: "tức quá hà". Bỗng nhiên, mới chợt nghĩ ra: "Ơ! còn chị Đ.P.K.". Thế là mới kiếm một mẩu giấy, vớ lấy cây bút, mới thao thao bất tuyệt hỏi: "Chị ơi... Chị ơi..." Nhận được một xấp thư, chị mở ra coi. Này là chú bé ở Cái Răng, đi nhổ răng (ở Cái Răng mà lại phải đi chữa răng). Ông nha sĩ mới nói: "Bộ tao là cha mày sao mà mày bảo nhẹ nhẹ chớ". Ôi, chú bé hận quá, chú nói: "Chị ơi! Đời là thế! Nghèo là phải chịu tủi". Chị tưởng như chú bé ôm một bên má sưng mà than, và chị cũng thấy tức cái ông nha sĩ ghê đi. Này đây, cô bé ở tuốt tận Quảng Ngãi... này là chú bé ở Kiến Phong, cậu nhỏ ở Lái Thiêu, cô ở Phan Rang, ở Châu Đốc, ở An Xuyên, ở Quảng Tín, Kontum, Lộc Ninh, Tam Kỳ, Bồng Sơn, ở... vân vân... (có lẽ ở hầu hết các địa danh trên bản đồ, chị không ghi hết vì dài quá, mong các em ở nơi không thấy ghi đừng giận). Một năm qua, chị đã được gặp một số em ở tòa soạn, một số em chị vẫn tiếp tục nhận được tin tức, và tin hay như thi đậu, được lên lớp, được lên hạng, lòng chị thấy hân hoan. Vài em báo tin gặp chuyện buồn, tang tóc, đọc thư chị ngậm ngùi, chị tưởng như thấy em đó với dòng nước mắt. Nhưng vào hồi chiến sự lan rộng, chiều đến, nhiều hôm chị nao nao lòng khi coi nhật báo thấy tin Đông Hà... tin Lộc Ninh... tin Bồng Sơn. Chị ngơ ngẩn tự hỏi: Không biết Lê Dương Học và các bạn cùng lớp ở Bồng Sơn ra sao, Viễn Sa ở Hậu Nghĩa, Nguyễn văn Đức ở Hiếu Thiện, Lê Thế Minh ở Kontum... thấy tin pháo kích, lòng chị bồn chồn. Trái đạn đã bắn ra, trúng vào ai thì cũng là có người chết, cũng là nỗi đau đớn chung cho tất cả mọi người Việt. Nhưng mà chị vẫn thầm cầu mong các em của chị không em nào bị một nỗi khổ đau nào bởi những viên đạn ác nghiệt đó. Dạo này, sáng sáng, thỉnh thoảng chị bắt được những phút giây mừng rỡ quính quíu, như hôm nhận được thư của Lê Thế Minh chị khoe ầm lên, làm cả tòa soạn giật mình! Rồi từ mấy quận xa xôi, đã thấy lác đác có thư gửi về hỏi thăm chị và mua mấy số báo thiếu vì mắc đánh nhau nhà phát hành không gửi ra được. Các em bé thơ ngây của chị chỉ bị một mẻ chạy loạn lếch thếch rồi lại về quê cũ, phụ ba má gây dựng lại cơ nghiệp, không quên phần bồi bổ kiến thức và giả trí lành mạnh là tờ báo Thiếu Nhi. Dòng đời lại trôi như nước qua cầu. Dân Việt Nam anh dũng sau nỗi đau đớn kinh hoàng gạt nhanh dòng nước mắt, thắt lưng buộc bụng, vun trồng cho thế hệ mai sau ngẩng cao đầu nhìn thế giới, chứ không ngồi than mây khóc gió vẩn vơ. Không bỏ lỡ cơ hội để trau giồi tinh thần, các em của chị cũng lập tức vừa chân ướt chân ráo theo cha mẹ hồi cư, là lập tức lo lắng phần học hành và sách báo lành mạnh. Thành ra nhờ đó, chị cũng sớm có niềm vui được tin các em mạnh khỏe và đã qua cơn hoạn nạn. Giờ đây, chị ước mong từ khắp nơi, những em đã gián đoạn thư với chị vì chiến cuộc, đọc những hàng này, gửi ngay thư về vui buồn với chị.

Làm chị của bầy em nhỏ có nhiều khi cũng điên cái đầu ghê lắm. Thí dụ thế này. Có một em rất dễ thương của chị, mà chị tạm đặt tên là Hạnh. Hạnh có một bạn tên là Hồng mà Hạnh rất quí mến. Một hôm Hạnh viết thư báo tin là từ nay Hạnh sẽ lấy bút hiệu là Hồng Hạnh để kỷ niệm tình bạn. Ít bữa chị lại nhận được thư báo tin đã đổi lại bút hiệu là Hạnh, và nhờ chị sửa tên đã ký dưới những bài đã gửi về, chị vội lần mò núi bài của chú N.T. để sửa tên, chiều ý em gái. Vài bữa em lại đòi sửa là Hồng Hạnh, rồi lại Hanh, lại Hồng Hạnh, và đây là lá thư gần nhất: "... Hôm... em gửi thư viết là không lấy bút hiệu Hồng Hạnh nữa mà thay bằng Hạnh thôi, vì em và Hồng đã gây với nhau, và nói là tên ai nấy xài, không có bút hiệu bút húng gì ráo. Ba hôm sau tụi em huề nhau, em lật đật gửi thư nói lại để chị cứ xài tên Hồng Hạnh cũ, dè đâu, bốn ngày sau báo ra, chị lại đổi mất bút hiệu em, mất tên Hồng, còn có mình tên em. Làm Hồng trách móc em là cố tình chia rẽ, đã vậy thì không chơi với nhau luôn. Em giải thích mà Hồng không thèm hiểu, cứ ngoan cố và đổ diệt cho em cái tội cố ý vứt tên Hồng ra khỏi bút hiệu. Em ghét quá bèn giận luôn, mới vội gửi thư cho chị xin bỏ bút hiệu Hồng Hạnh đi, chỉ để Hạnh thôi, dè đâu kỳ này báo ra, chị lại ký tên Hồng Hạnh dưới bài thơ... Làm vậy Hồng sẽ khinh em, cho rằng em không có tự ái, bị xỉ vả, nghỉ ra không thèm chơi với nữa mà cứ bám lấy Hồng, như vậy nhục em quá..."

Ôi! Xin Thượng Đế phù hộ để các thư từ được chuyển theo đúng thứ tự.

Vậy thì, các em thấy nhé, chị không chịu nhận là nghề trả lời thư đâu. Không phải chị coi thường chữ nghề. Nghề cao quí lắm chứ. Nhưng trả lời thư, chị phải lắng nghe tiếng đàn trong tâm tư các em, chị phải "thấy" các em từ khắp nơi xa xôi, từng đôi, từng đôi mắt long lanh nhìn chị thăm thẳm, chị nhắm mắt chị lại, tìm, tìm, tìm sao cho ra một giải pháp, không hoàn toàn đúng, nhưng lương tâm và trái tim chị bảo là phải, rồi biến thành những hàng chữ nhỏ, bay đi, bay đi khắp nơi, để hiện lên trước những ánh mắt thơ ngây.

Một năm của chị với các em, chị thấy như sống dài hơn, sung sướng hơn, vì chị cảm thấy trong thâm tâm, từ nơi xa xôi mịt mù, có những em bé nghĩ tới chị vớ tấm lòng trìu mến, với tình âu yếm thiết tha, và biết đâu, trong một giấc ngủ mơ nào đó, em thấy hiện ra một chị Đ.P.K đúng như ý em muốn.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 51, ra ngày 13-8-1972)
 

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Như Nước Trong Nguồn





 

 

 

 

Rồi từ đó mười mấy năm khó nhọc
Mẹ nuôi con từng buổi gió sương ngàn
Từng buổi chiều từng buổi sáng mênh mang
Từng tháng năm mẹ nuôi con ăn học

Nhìn mẹ già thương yêu con vội khóc
Mẹ nhọc nhằn mẹ vất vả vì con
Mẹ hy sinh như nước chảy từ nguồn
Mà con vội đi vào trong quên lãng

Mẹ hiền ơi! Ruộng đồng khô năm tháng
Ruộng đồng hoang rẫy bãi ngập tiêu điều
Mẹ già ơi dù mưa nắng chắt chiu
Vẫn khổ nhọc dầm sương mưa dãi nắng

Nhũng tháng ngày trên đồng khô cháy cạn
Mẹ đan gầu múc nước tận ao sâu
Dưới đồng xanh lúa ngập bãi nương dâu
Và vườn xưa nặng cành sai hoa trái

Rồi tháng giêng vào ngày mùa gặt hái
Mẹ thức khuya dậy sớm để ra đồng
Mót từng đôi ba nắm lúa vàng bông
Về nuôi con tháng ngày con ăn học

Nhìn mẹ già thương yêu con vội khóc
Áo sờn vai, phai màu áo nâu đen
Đẫm mồ hôi, đêm tắt lửa tối đèn
Với nón rách tả tơi qua ngày tháng

Mẹ hiền ơi! Gió đông về giá lạnh
Mẹ một mình ngồi sưởi ấm nhà tranh
Mẹ một mình ngắm bóng ngả trăng thanh
Mẹ một mình trong đêm tàn mòn mỏi

Mẹ hiền ơi con cúi đầu nhận lỗi
Tháng ngày qua con xao lãng học hành
Tháng ngày qua con đốt cháy tuổi xanh
Tháng ngày qua con phụ lòng mẹ dạy

Mẹ hiền ơi! Từng ngàn đêm có thấy
Đứa con hoang. Nay bỗng trở về đàn
Đứa con hoang thấy thân mẹ nhọc nhằn
Đứa con hoang nay bỗng về thổn thức

Mẹ hiền ơi mười mấy năm ăn học
Mười mấy năm tròn tình nghĩa mẹ con
Mười mấy năm như nước chảy từ nguồn
Mà con vội quên đi ngày tháng đó

Mẹ hiền ơi tháng năm dài chịu khó
Tháng năm dài mẹ vất vả vì con
Tình yêu thương chất nặng ngọn Thái Sơn
Tình yêu thương tràn đại dương biển cả

Mẹ hiền ơi! Khóm tre già bóng ngả
Trăng từng soi trên đỉnh tóc bạc màu
Trăng từng qua những bụi trúc đêm thâu
Soi hồn mẹ những tháng ngày giá lạnh

Mẹ hiền ơi! Những tháng ngày xao lãng
Những tháng ngày con bỏ lớp đi hoang
Những tháng ngày con bỏ mẹ, lang thang
Những tháng ngày con phụ tình mẫu tử

Mẹ hiền ơi! Xin mẹ già tha thứ
Những lỗi lầm con đã phụ tình thâm
Đứa con này bất hiếu mẹ trăm năm
Xin cúi lạy mẹ già, xin tha thứ

Sẽ làm vui những tháng ngày cô lẻ
Mẹ hiền ơi! Con sẽ gắng học hành
Mẹ hiền ơi! Con thắp lại tuổi xanh
Con từ bỏ những tháng ngày vụng dại

Giờ lớn lên, mẹ già ngày mòn mỏi
Tóc bạc phơ tay đã yếu vai gầy
Tháng năm dài làm sao mẹ vui đây
Tình thương mẹ như nước nguồn biển cả

                                   NGUYỄN TRƯỜNG ANH

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 72, ra ngày 7-1-1973)



Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

Thương Yêu Cha Mẹ

 

Các em thân mến,

Một em thiếu nhi ở tỉnh vừa viết thư đến chúng tôi đại ý như sau:

"Cháu rất chán gia đình cháu! Cháu không chịu nổi không khí ngộp thở nơi đây. Cháu muốn thoát ly. Cháu muốn lên Saigon tìm việc làm và tự lực tiếp tục học. Bác chủ nhiệm có thể giới thiệu cháu một nơi nào vá bất cứ việc gì thì cháu rời ngay nhà cháu.
 
Cháu cũng xin thưa bác chủ nhiệm rõ gia đình cháu thuộc giới khá giả ở tỉnh. Cha mẹ cháu đều là hạng trí thức. Cha cháu đang dạy học còn mẹ cháu khi trước cũng đi dạy học, nhưng gần đây ở nhà coi sóc việc gia đình.

Kỳ thi vào đệ thất vừa rồi, thi xong cháu hy vọng cũng nhiều, nhưng đến ngày xem kết quả cháu lại không thấy tên cháu. Cha mẹ cháu tỏ vẻ không bằng lòng. Cha cháu đánh cháu, mắng nhiếc thậm tệ cho cháu là đồ cô dụng. Từ hôm thi rớt, cháu thấy cha mẹ cháu lạnh nhạt với cháu. Cháu tưởng như cháu là người thừa trong gia đình. Không khí ngột ngạt, khó thở quá, bác chủ nhiệm ạ!

Mấy anh em cháu, người nào cũng học giỏi cả. Anh cả cháu thì sắp ra làm bác sĩ, người chị thứ nhất học luật, chị thứ hai vừa đỗ tú tài kỳ vừa qua, người anh thứ tư cuối niên học rồi ôm phần thưởng về nhà nặng mỏi cả tay, em cháu học tháng nào cũng đứng nhất nhì trong lớp. Cha cháu rất hãnh diện ở các con và sinh ra tự phụ. Vì vậy, cha cháu không chấp nhận sự thất bại nào. Mẹ cháu lúc nào cũng tán thành ý của cha cháu và hình như không còn thương yêu cháu như trước nữa. 

Cháu là người vô dụng! Cháu muốn rời gia đình để đi làm, tự học để xem coi cháu có vô dụng không. Cháu đợi thư của bác chủ nhiệm là cháu dông lên Saigon ngay..."

Em độc giả nhỏ Thiếu Nhi ở tỉnh của tôi ơi,

Hiện nay, một số lớn trẻ em đồng lứa tuổi của em đang say mê đọc sách báo nhảm nhí bày bán đầy ngoài lề đường, em lại chịu khó đọc tờ báo Thiếu Nhi tuy lành mạnh nhưng không chắc hấp dẫn bàng những truyện đâm chém, dao búa, câu văn thời đại ở đầu đường xó chợ. Điều ấy chứng tỏ em là con người đầy thiện chí, có óc cầu tiến. Lời văn trong thư em rất dịu dàng, xứng đáng của con nhà gia giáo.

Tôi đồng ý với em, cha mẹ em thật khắt khe và quá đáng đối với em. Thi đỗ, thi rớt là sự thường. Học tài thi mạng mà. Người ta thường nói thua một trận đâu phải thua cả cuộc chiến. Thi rớt một lần đâu có làm hỏng cả tương lai cũng như người thi đậu chưa chắc sau này sẽ thành công.

Em độc giả của tôi ơi, em còn quá nhỏ, trong tuổi vị thành niên, không nơi nào dám chứa em đâu. Thêm nữa đời sống lúc này tại đô thành hết sức khó khăn, một cơ sở chỉ cần một người làm có trên một trăm người đến xin việc. Vả lại nếu em có chỗ làm rồi, em phải vất vả cả ngày, em còn sức lực và thì giờ đâu mà tiếp tục việc học.

Tôi tin rằng cha mẹ em vẫn thương mến em. Cha mẹ nào lại chẳng thương yêu con! Sở dĩ cha mẹ em có thái độ nghiêm khắc như vậy vì cha mẹ em muốn em học giỏi đó thôi. Tình thương của cha mẹ đối với con cái thật vô bờ bến. Em hãy nhìn lại trong dĩ vãng mỗi lần em hoặc các em đau ốm, cha mẹ lo săn sóc ngày đêm, mất ăn mất ngủ, tuổi thọ vì vậy giảm dần đi rất nhiều. Ngoài đời, không ai thương yêu em bằng cha mẹ em đâu!

Sau này em lớn  lên, em sẽ giúp ích và trả ơn cho cha mẹ được gì? Em chưa giúp cha mẹ được phần ngàn sự trông nom lo lắng của cha mẹ em thì cha mẹ đã già yếu rồi, sẽ mất đi và sẽ chẳng bao giờ em gặp lại cha mẹ em nữa. Em sẽ thương tiếc như ông Khấu Chuẩn bên Tàu thuở nhỏ chơi bời lêu lổng, bỏ học bị mẹ ném quả cân trúng trán máu chảy đầm đìa, bị thẹo ở mặt. Nhờ đó mà ông bỏ chơi cố học thi đỗ. Làm quan đến Tể tướng thì mẹ đã mất rồi. Mỗi khi trông thấy vết sẹo ở trán là ngậm ngùi nhớ mẹ và nói rằng: "Chính cái vết thương nầy làm cho ta nên người đây."

Ngày xưa, thầy Tăng Sâm ra bừa ruộng trồng dưa, vô ý làm hư bừa, cha giận cầm gậy đánh mạnh vào lưng phải chết giấc, khi tỉnh dậy lại vui vẻ đến xin lỗi cha, còn bị đức Khổng Tử chê là bất hiếu vì đức Khổng Tử cho rằng nếu cha đánh bằng roi vọt thì đứng chịu, đánh bằng gậy gộc phải chạy trốn để cha khỏi lỡ tay đánh chết con, cha mang tiếng là ác và bị tội. Nay em bỏ nhà ra đi chắc chắn là cha mẹ em, gia đình em sẽ mang rất nhiều tai tiếng, cha mẹ em sẽ hổ thẹn với mọi người quen thuộc. Cha mẹ em sẽ khổ sở, tủi nhục, chết lần mòn.

Chắc em cũng nghe kể ông Hàn Bá Dư rất có hiếu với mẹ. Một hôm có lỗi bị mẹ đánh, ông ta khóc mãi. Mẹ ngạc nhiên hỏi: "Mẹ đã đánh con nhiều lần, sao lần nầy con khóc dai vậy". Bá Dư thưa: "Mấy lần trước mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn khỏe. Hôm nay mẹ đánh, con không còn đau như lần trước nữa, sức mẹ đã yếu đi nhiều, con thương mẹ già yếu mà khóc."

Em độc giả bé tí của tôi ơi, cha em đã đánh đập, mắng nhiếc em là đồ vô dụng, chắc không ngoài lý do muốn em nên người. Vậy em hãy tỏ ra em không là người vô dụng, em nên cố gắng học hành. Còn dư thì giờ em nên giúp đỡ cha mẹ những việc lặt vặt trong gia đình như lau chùi bàn ghế, dọn dẹp nhà cửa, lớn lên em tím cách giúp ích những người xung quanh, chừng ấy em sẽ không còn là người vô dụng mà là người hữu dụng được mọi người mến yêu.


Thân ái,                   
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 5, ra ngày 12-9-1971)


Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

Dòng Nước Yêu Thương




 

 

  


Em thương ba thương mẹ 
Như nước trong cội nguồn 
Em quí ba quí mẹ 
Như biển xanh nghìn trùng  

Em thương ba khốn khổ
Một đời đổ mồ hôi
Nuôi con vừa khôn lớn
Ba cũng vừa lìa đời

Ba thương em, chim nhỏ
Dặn dò khi ra đi
Ngày ba về, ở đó
Dòng lệ mờ trên mi

Ba thương em, chiếc lá
Đời con là bóng cây
Mang nỗi buồn tượng đá
Khi vào đời trắng tay

Em lớn lên mới hiểu
Ba không còn trong em
Bóng râm tan, thấy thiếu
Đời đơn côi, bóng chim

Chiều trông theo rừng núi
Chút dư ảnh mong manh
Bóng hình ba, con gọi
Tiếng kêu mờ trong sương

Ba bây giờ như bóng
Trăm năm còn đám mây
Em một đời yên lặng
Nặng trĩu hồn trăm năm

Mẹ, cây đào yếu đuối
Nhờ thân ba, cây tùng
Ba một đời cằn cỗi
Mẹ một đời long đong

Trăm năm vào cơn lốc
Nụ buồn chừng nao nguôi
Bao giờ trên ánh mắt
Thôi hắt hiu một đời

                  NGUYỄN TRƯỜNG ANH

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 122, ra ngày 1-3-1974)



Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Đứa Con Bất Hiếu

  

Các em thân mến,

Vừa rồi, có một em đã cắc cớ viết đến chúng tôi: Từ trước đến nay, qua những bức thư chủ nhiệm, bác đã nêu lên những cuộc đời danh nhân, những gương kiên nhẫn, nghị lực, thành công, những tấm lòng hiếu thảo, hôm nay nếu có thể được, xin bác vui lòng kể cho chúng cháu một vài hành động không đẹp để chúng cháu biết mà tránh.

Các em thân mến,

Ngày xưa, theo nhà văn Đức, ông Grimm kể lại, có một ông cụ già, già đến nỗi răng rụng không còn cái nào, mắt mờ không nhận rõ được những vật xung quanh, chân ông thường hay run, ông cụ phải khó khăn lắm mới bước được vài bước.

Ông cụ ở chung với người con trai, con dâu và đứa cháu nội lên bốn tuổi.

Mỗi khi ngồi vào bàn ăn, vì ông cụ không còn đủ sức lực để cầm chén muỗng, ông cụ thường hay làm rơi đồ ăn xuống khắp bàn, hoặc làm bể chén bát, nước canh thường hay chảy dính cạnh vành môi của ông, trông thật não nề.

Con trai của ông và người dâu dần dần chán cái cảnh này. Họ bỏ đồ ăn vào một chén đá và không cho ông cụ được tự do gắp món ăn như trước nữa. Ngồi cạnh con cháu trong bàn ăn, ông cụ cầm cái chén đá, nhìn xuống bàn không nói gì, những dòng nước mắt từ từ chảy dài trên đôi má nhăn nheo của ông. Ông chậm rãi đưa đồ ăn vào miệng, cố gắng nuốt để kéo dài thêm đôi chút những ngày còn sót lại của đời ông.

Rồi một ngày kia, đến lượt tay ông cũng run như đôi chân, ông không cầm nổi cái chén đá, ông làm nó rơi và vỡ đi.

Thấy vậy, người con dâu la lối om sòm. Ông cụ không nói gì, chỉ thấy vẻ mặt ông cả ngày lúc nào cũng buồn, bây giờ trông âu sầu hơn.

Con trai ông bèn đi mua cho ông một cái bát bằng gỗ mây đan để ông dùng cơm, chớ không cho ông được dùng chén, dù là chén đá như trước nữa, ông cũng không phản đối gì.

Trong lúc ấy, đứa cháu nội lên bốn tuổi, ngồi chơi dưới đất, lấy những miếng cây nhỏ chắp tréo với nhau. Ba nó lấy làm lạ hỏi: Con làm gì vậy? Đứa trẻ trả lời: - Ba không biết à! Con làm cái chén gỗ khác để chừng nào con lớn, ba má già như ông nội, con sẽ đưa ba má đựng cơm mà ăn.

Các em thân mến,

Người ta thường nói: Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ.

Có ngồi thức từ đêm này sang đêm khác bên cạnh đứa con đau ốm, có trông từng giờ từng phút mỗi khi con mình đi đâu về trễ, mới biết cha mẹ khi xưa lo nghĩ đến mình như thế nào.

Các em muốn biết những hành động không đẹp để tránh. Những việc không hay trên đời này nhiều lắm, cha mẹ đã vất vả nuôi dưỡng chúng ta từ lúc mới sanh đến lớn khôn, không vâng lời cha mẹ, làm cha mẹ buồn  phiền là điều bất hiếu, không hay.

Một thí dụ cụ thể, cha mẹ khổ cực lo cho con đi học, đứa con lại bỏ học đi chơi là đứa con bất hiếu. Đấy là hành động xấu.

Mong rằng các em thiếu nhi thân mến của chúng tôi, sau khi đọc bài này, ngẫm nghĩ rồi thương yêu cha mẹ nhiều hơn trước. Đó là sự ước muốn duy nhất của chúng tôi ngày hôm nay.


Thân mến                         
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG         
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 57, ra ngày 24-9-1972)


Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Gương HIếu Tây Phương

  

Các em thân mến,

Các em đã từng đọc quyển NHỊ THẬP TỨ HIẾU của Lý văn Phức, trong đấy tác giả đã kể cho chúng ta Hai mươi bốn truyện hiếu Á Đông.
 
Ở xã hội tây phương, cũng có rất nhiều gương hiếu nghĩa, dưới đây là một.
 
Ngày xưa, ở La mã có một người đàn bà bị tội tử hình. bà này bị giam ở ngục tối để chờ ngày chết.
 
Người gác ngục có phận sự thi hành bản án. Anh ta thấy người đàn bà này quí phái, thương tình nên không đành lòng đem treo cổ. Anh ta định bỏ bà này đói khát mà chết lần mòn trong ngục.

Người gác ngục cũng có lòng nhân đạo. Anh ta cho người con gái của người tử tội mỗi ngày đến thăm mẹ, nhưng anh ta khám xét kỹ lưỡng không cho đem thức ăn vào.

Anh ta rất ngạc nhiên thấy sau nhiều ngày bị bỏ đói khát người nữ tù vẫn còn sống. Anh ta bèn cố tâm rình xem bà này làm cách nào mà sống dai như vậy được.

Sự thật làm cho anh ta vô cùng cảm động. Cô con gái người tử tội mỗi lần vào thăm đưa vú cho mẹ bú để mẹ đỡ đói khát.

Chuyện hiếu nghĩa này đến tai các quan tòa ở La mã. Các quan tòa cũng xúc động không kém người gác ngục về tấm lòng hiếu thảo của cô con gái người tử tù, nên truyền lịnh tha tội cho người đàn bà quí phái kia.

Các em thân mến,

Chắc các em cũng cảm động khi đọc truyện trên thấy người con gái hiếu thảo mỗi ngày nuôi mẹ nơi chốn lao tù bằng cách cho mẹ bú sữa mình và nhờ lòng hiếu của con mà người mẹ được sống, chúng tôi tin rằng các em cũng thương yêu cha mẹ không kém người con gái bà tử tội kể trên, nhưng chưa có dịp tỏ ra mà thôi.

Người ta thường nói trong cảnh nghèo túng, hoạn nạn mới hay con thảo cũng như trong lúc giặc giã loạn ly mới biết bậc anh hùng.

Chúng tôi cũng xin nhắc các em lúc nào cũng nên yêu mến, tôn kính và vâng lời cha mẹ.

Các em đừng làm điều gì để cho cha mẹ phải phiền lòng.

Các em luôn giữ lễ phép với cha mẹ. Các em nên thận trọng từ lời nói đến cử chỉ của các em mỗi khi tiếp chuyện với cha mẹ.

Các em nên vâng lời cha mẹ vì cha mẹ là người từng trải việc đời và có nhiều kinh nghiệm hơn các em.

Các em nên tỏ ra biết ơn cha mẹ vì từ khi các em còn nhỏ cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ các em rất vất vả để các em được lớn khôn, cha mẹ mới an lòng.


Thân mến                   
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 47, ra ngày 16-7-1972)

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

Khói Trắng

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hương cau thơm phức ngôi sao mẹ.
Thơm ngát mái nhà, thơm áo cơm.
Con thở trong mùi hương bát ngát,
Thịt da mái tóc quyện mùi thơm.

Nước mắt chảy xuôi... tình mẫu tử
Chảy theo nước mắt cuộn mồ hôi.
Mẹ đem cái chết làm nên sống
Nước mắt một dòng vẫn chảy xuôi.

Ngày xửa ngày xưa thời trẻ dại
Con đau rên xiết, mẹ rầu lo
Bán đôi bông cưới mua thang thuốc
Mua bánh tai heo, giấy học trò.

Đêm nào con khóc đòi ru ngủ
Mẹ thức mỏi mòn nhịp võng đưa
Thân lạnh nằm khoanh lòng mẹ ấm
Mẹ ơi! Con lớn giữa niềm ru.

Nhớ ngày mẹ ốm nằm trong xó
Chiếu lạnh ủ không ấm vóc gầy
Đau đớn không hề rên xiết khẽ
Sợ con nghe tiếng mà buồn lây.

Nói làm sao hết mẹ hiền ơi,
Công đức niềm đau lẫn tiếng cười
Mẹ lấy bụi đời làm son phấn
Che dù trời nắng đội mưa rơi.

Nhớ mùa cau trổ trong vườn cũ
Mẹ quét lá vàng ủ lấy phân
Khói trắng lên trời như tóc mẹ,
Con ngờ khói trắng quyện mây tần.
 
Chiều nay dừng gót bên bờ biển,
Nhìn sóng bạc đầu mây trắng trôi
Con ngỡ khói vườn, hay tóc mẹ
Bay tìm con lạc bước đường đời. 

Mai mốt con về thăm xóm mẹ,
Thăm mùa cau trổ, bóng làng xưa
Để rình nghe lại trong hiu quạnh
Tiếng hát ngày xưa nhịp võng đưa.

                                     KIÊN GIANG

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 22, ra ngày 9-1-1972)

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

Ru Mưa

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Em vẫn còn thương mưa ngày sau
Trong hồn mới lớn nỗi tình sầu
Chân quen mất lối vườn cỏ úa
Nên nhớ muôn đời vết thương đau

Trong làn mưa bay nghe thu sang
Chợt nhớ hôm xưa chút ngỡ ngàng
Tay em khép lại sầu hương cũ
Năm tháng về sau có vội vàng

Anh có thương mưa giăng đôi tay
Làm buốt tim em nỗi nhớ đầy
Mà nghe thương nhớ rơi vừa đến
Trong bóng chiều xanh hơn lá cây

Ru giấc mơ hồng cho ngày qua
Một cánh chim rơi lối nhạt nhòa
Âm vang trăm giấc buồn trên đá
Mưa đến chợt dài trên cánh hoa

                               ĐỖ THỊ HỒNG LIÊN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 205, ra ngày 15-7-1973)

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021

Bút Hiệu

 

Từ khi xem Tuổi Hoa tôi vẫn ôm mộng viết bài gởi cho Tuổi Hoa. Mỗi khi nhìn thấy những cái tên xinh xinh trên những trang báo nhỏ tôi lại ngồi mơ mộng hàng giờ. Nghĩ đến lúc tên mình được đăng trên báo... Ôi! Cuộc đời lúc ấy mới đẹp làm sao. Nhưng sao cái mộng "văn sĩ" của tôi dệt mãi không thành. Có nhiều buổi trưa bỏ ngủ, tôi ôm tập ra ngồi hàng giờ ngoài hiên. Viết rồi xóa, xóa rồi viết, cứ thế mãi lâu tôi chưa hoàn thành được một tác phẩm nào cả. Vở tôi đầy những đoạn văn dang dở... Thỉnh thoảng, thằng Huy - em tôi - đánh cắp rồi đem ra đọc to lên. Tôi lại một phen tức đến phát khóc. Sau tôi viết vào những lúc khung cảnh có vẻ thơ mộng một tí nhưng khi hoàng hôn xuống hay những đêm trăng mười sáu vì tôi ngỡ những lúc ấy dễ gợi cảm hứng. Cuối cùng tôi vẫn không thành công được. Tôi nản lòng không viết nữa. Nhưng khi Tuổi Hoa ra, đọc những bài trong ấy, hy vọng lại sôi sục trong lòng tôi cái mộng viết văn. Bài thì không làm được, tôi lại đặt cho tôi không biết bao nhiêu bút hiệu. Những là Thùy Hương, Quỳnh Mi... Ôi! Sao tôi mơ nhiều thế. Buổi trưa mùa hè không có một ngọn gió. Cả nhà im lìm say ngủ. Tôi ngồi ở bàn học, trên căn gác nhỏ, mồ hôi vã ra thấm ướt cả áo. Tôi sung sướng nắn nót chép từng chữ cái tác phẩm của tôi vào trang giấy học trò. Xong, tôi cầm tờ giấy nhảy hai bực một, chạy sầm sầm vô phòng ngủ. Chị Lan đang nằm xem báo. Tôi nói trong hơi thở:

- Chị xem... bài của em.

Chị Lan nhìn nét mặt tôi, mỉm cười:

- Ôi! Cuộc đời đáng sống quá phải không Hương?

- Chị cứ chế em. Em đi tắm đã...

Anh Phương, thằng Huy thức dậy tự bao giờ.

- Văn sĩ hoàn thành tác phẩm rồi đấy à... Cho anh xem với nhé!

Anh Phương chạy lại bên chị Lan. Tôi kêu lên:

- Ấy chết... Bẩn thì sao?

Anh tròn mắt nhìn tôi rồi chợt hiểu:

- Trời! Giấy của Hương bằng sương, những bàn tay "trần tục" như anh sờ vào là tan ngay. Thế mà anh không biết chứ.

Thằng Huy cất cao giọng:

- Vả lại đó là cái tác phẩm đầu tay... kết tinh của những (ư) hạt sương... một buổi mai đầy nắng ấm... của (ư) những... 

Chị Lan giơ tay:

- Thôi, cho chị xin.

Cái giọng hát cải lương của nó làm tôi tức lộn ruột. Tôi chạy xuống buồng tắm không quên lườm cho nó một cái.

Tôi tắm vội vàng rồi lên nhà. Cả nhà đã thức dậy. Me nhìn tôi cười:

- Ồ! Nữ văn sĩ của me.

Thằng Huy đứng dậy vòng tay cung kính:

- Nữ văn sĩ... "giá lâm tệ xá"...

Tôi đưa tay định cốc cho nó một cái, nó vội rụt đầu:

- Ấy... em xin...

Chị Lan cười:

- Hương viết được đấy...

Anh Phương nhìn tôi bằng ánh mắt diễu cợt:

- Hương viết thì "chì" số dách phải không Huy?

Thằng Huy nheo mắt:

- Chị Hương viết thì phải biết... lâm ly bi đát... hay đến nỗi người ta phải... để nhẹ... vào sọt rác.

Me mắng Huy:

- Huy! Không được hỗn.

Trong khi tôi nước mắt lưng tròng. Tôi tức Huy và tôi tức cả mình, sao tôi mau khóc thế?

Anh Phương cười to:

- Văn sĩ chi mà mau nước mắt rứa. Hẳn văn của Hương đẫm những... giọt "châu".

Me lườm anh Phương:

- Phương cứ chế em. Hương định lấy bút hiệu gì chưa?

Tôi đáp:

- Chưa ạ!

- Thế bây giờ đặt bút hiệu cho Hương nhé!

Ý kiến của me được cả nhà tán đồng. Trong khi tôi ôn lại những bút hiệu mỹ miều.

- Để anh đặt cho Hương nhé! Anh đặt thì phải biết. À... à... để xem... Bé... ừ... Bé Mi... được đấy... Bé Mi... nghe dễ thương tệ me nhỉ!

Thằng Huy bao giờ cũng về phe anh Phương:

- Hoan hô... hay lắm lắm.

- Xí lắm, Hương chả thích.

Chị Lan phụ họa:

- Không đẹp tí nào cả.

- Theo me thì... quê ta ở Thi Lai. Hương lấy tên là Thi Hương vừa hay vừa có ý nghĩa.

Chị Lan quay sang tôi:

- Hương thích không?

- Theo Hương thì Hương muốn lấy tên là... là... Thi Thi Thoại Hương... Thoại là tên con bạn thân của...

Tôi chưa nói dứt câu thằng Huy đã hét lên, giả theo giọng bắc:

- Ối! Giời ôi...

Ba hiện ra ở cửa hoảng hốt:

- Cái gì thế?

Cả nhà nhìn Huy sửng sốt. Huy ấp úng:

- Con... con.,.. con... 

- Con làm sao?

- Con... con kiến.

- Con kiến thì làm sao chứ?

- Con kiến... nó cắn con.

Cả nhà cười ồ. Nhất là anh Phương cười rũ rượi. Ba quay lên rồi, thằng Huy gắt:

- Không phải con kiến.

Anh Phương cười to hơn. Rồi cố nín, anh nói trong hơi thở:

- Chứ... cái... gì?

- Tại con nghe bút hiệu chị Hương hay quá chứ có con kiến nào đâu.

Tôi nhìn nó:

- Hừ, đáng tội...

Anh Phương giả vờ chép miệng:

- Ôi! Thi... Thi... Thoại Hương... Giời ơi! Sao mà đẹp đến thế. À! Hương này... văn sĩ sao mà cái tên có mùi toán thế Hương...?

Me cười:

- Toán mà lại có mùi à?

Chị Lan cũng cười:

- Ham ăn có khác. Cũng như cái mũi con Hương mà nó bảo trông ngon ghê đó me!

Tôi lườm anh:

- Anh bảo toán ở chỗ nào... Tên người ta thế... Anh cứ chế Hương thì Hương lại mách ba cái chuyện...

- Cho anh xin... cho anh xin...

- Có thế chứ... sợ liền đấy nhé.

Thằng Huy xen vào:

- Anh Phương sợ thì Huy nói cho nghe. Này... Thi Thi chẳng Thi bình phương là gì, cũng B bình phương ấy.

- Thằng Huy nói đúng đấy. Nhưng tên của Hương cũng đẹp lắm chứ, đẹp như...

Tôi tức quá gắt:

- Anh bảo như cái gì?

- Như cái răng khểnh của Hương ấy.

Tôi chạy vụt lên gác. Trận cười đuổi theo tôi. Bất giác tôi bật cười. Tôi nghĩ đến tác phẩm của tôi và cái mộng văn sĩ. Niềm vui dâng lên... dâng lên...


Thi Thi Thoại Hương      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 75, ra ngày 15-8-1967)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>