Các em thân mến,
Vừa rồi, có một em đã cắc cớ viết đến chúng tôi: Từ trước đến nay, qua những bức thư chủ nhiệm, bác đã nêu lên những cuộc đời danh nhân, những gương kiên nhẫn, nghị lực, thành công, những tấm lòng hiếu thảo, hôm nay nếu có thể được, xin bác vui lòng kể cho chúng cháu một vài hành động không đẹp để chúng cháu biết mà tránh.
Các em thân mến,
Ngày xưa, theo nhà văn Đức, ông Grimm kể lại, có một ông cụ già, già đến nỗi răng rụng không còn cái nào, mắt mờ không nhận rõ được những vật xung quanh, chân ông thường hay run, ông cụ phải khó khăn lắm mới bước được vài bước.
Ông cụ ở chung với người con trai, con dâu và đứa cháu nội lên bốn tuổi.
Mỗi khi ngồi vào bàn ăn, vì ông cụ không còn đủ sức lực để cầm chén muỗng, ông cụ thường hay làm rơi đồ ăn xuống khắp bàn, hoặc làm bể chén bát, nước canh thường hay chảy dính cạnh vành môi của ông, trông thật não nề.
Con trai của ông và người dâu dần dần chán cái cảnh này. Họ bỏ đồ ăn vào một chén đá và không cho ông cụ được tự do gắp món ăn như trước nữa. Ngồi cạnh con cháu trong bàn ăn, ông cụ cầm cái chén đá, nhìn xuống bàn không nói gì, những dòng nước mắt từ từ chảy dài trên đôi má nhăn nheo của ông. Ông chậm rãi đưa đồ ăn vào miệng, cố gắng nuốt để kéo dài thêm đôi chút những ngày còn sót lại của đời ông.
Rồi một ngày kia, đến lượt tay ông cũng run như đôi chân, ông không cầm nổi cái chén đá, ông làm nó rơi và vỡ đi.
Thấy vậy, người con dâu la lối om sòm. Ông cụ không nói gì, chỉ thấy vẻ mặt ông cả ngày lúc nào cũng buồn, bây giờ trông âu sầu hơn.
Con trai ông bèn đi mua cho ông một cái bát bằng gỗ mây đan để ông dùng cơm, chớ không cho ông được dùng chén, dù là chén đá như trước nữa, ông cũng không phản đối gì.
Trong lúc ấy, đứa cháu nội lên bốn tuổi, ngồi chơi dưới đất, lấy những miếng cây nhỏ chắp tréo với nhau. Ba nó lấy làm lạ hỏi: Con làm gì vậy? Đứa trẻ trả lời: - Ba không biết à! Con làm cái chén gỗ khác để chừng nào con lớn, ba má già như ông nội, con sẽ đưa ba má đựng cơm mà ăn.
Các em thân mến,
Người ta thường nói: Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ.
Có ngồi thức từ đêm này sang đêm khác bên cạnh đứa con đau ốm, có trông từng giờ từng phút mỗi khi con mình đi đâu về trễ, mới biết cha mẹ khi xưa lo nghĩ đến mình như thế nào.
Các em muốn biết những hành động không đẹp để tránh. Những việc không hay trên đời này nhiều lắm, cha mẹ đã vất vả nuôi dưỡng chúng ta từ lúc mới sanh đến lớn khôn, không vâng lời cha mẹ, làm cha mẹ buồn phiền là điều bất hiếu, không hay.
Một thí dụ cụ thể, cha mẹ khổ cực lo cho con đi học, đứa con lại bỏ học đi chơi là đứa con bất hiếu. Đấy là hành động xấu.
Mong rằng các em thiếu nhi thân mến của chúng tôi, sau khi đọc bài này, ngẫm nghĩ rồi thương yêu cha mẹ nhiều hơn trước. Đó là sự ước muốn duy nhất của chúng tôi ngày hôm nay.
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 57, ra ngày 24-9-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.