Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Nên Cẩn Thận Khi Sửa Lỗi Người Khác



Có một vài em cứ muốn lâu lâu chị tâm sự một lần. Vậy thì, hôm nay chị lại tâm sự. Nếu có em nào không thích nghe tâm sự, xin vui lòng vậy nhé.

Chị không có được cái đức tính thận trọng. Chị hay sốt sắng mách giúp. Điều đó rất bậy. Dễ bị mang tiếng là khoe khang thầy đời. Chị không biện minh cho chị ; nhưng thâm tâm, chị cứ muốn giúp ích gì đó cho bất cứ ai. Mà dường như hầu hết mọi người đều có tính thích giúp đỡ người khác. Các em thử thí nghiệm dễ lắm, chỉ việc nói rằng bị cảm cúm, là lập tức tất cả mọi người chung quanh sẽ mách thuốc, chỉ với sự tốt bụng, muốn cho em khỏi, chứ cũng chẳng cầu mong gì ở em hết cả.

Cho nên chị đã bị một lầm lỗi nặng nề.

Dạo đó, chị sửa bản vỗ cho một nhà in. Có nhà xuất bản Lá Bối thuê in một cuốn sách của nhà văn Võ Hồng, tựa là "Nhánh Rong phiêu bạc". Chữ "bạc" bị lem, thành ra không rõ là "bạt" hay "bạc". Vị giám đốc là người rất vẩn thận. Các em cứ đọc sách của nhà Lá Bối sẽ biết là vị giám đốc cẩn thận như thế nào (vì tất cả các sách đều do chính ông sửa bài). Chị đã được tín nhiệm qua một vài lần góp ý về vấn đề "t" và "c" nên khi được hỏi, chị nói rằng có lẽ là phiêu bạt vì chị thường hay nghe và nói như vậy. Chữ phiêu bạt nó như là tiếng Việt nên chị không thấy cần tìm gốc nó làm chi. Lại thêm 2 chữ trước là "Nhánh Rong". Chị mới nghĩ cả 4 chữ đều là tiếng Việt. Tình cờ một hôm giở tự điển Việt Nam của Khai Trí Tiến Đức, chị thấy không có chữ phiêu bạt mà chỉ có chữ "Xiêu bạt", nghĩa là nghiêng ngả, giạt đi nơi khác, theo chiều khác. Chị mới giật mình, lật đật đi tìm từ điển Hán Việt coi lại thì chữ "phiêu" chỉ đi kèm chữ "bạc" và cả "phiêu bạc" có nghĩa là trôi giạt. Chị ân hận quá sức. Chị buồn mất ngày, vì khi đó đã in rồi. Bây giờ biết làm sao. Vị giám đốc là một nhà tu, rất nổi tiếng về sự cẩn thận và chữ nho thì dĩ nhiên là giỏi rồi. Sở dĩ ông thắc mắc vì ông sợ đó là tiếng địa phương mà ông không rành. Chị thì nghĩ rằng hai chữ "nhánh rong" là tiếng Việt ròng, thì "phiêu bạt" chắc cũng không phải chữ Hán, mà chỉ là tiếng phiêu bạt thường dùng mà thôi. Đã mấy năm qua, câu chuyện này vẫn là hạt sạn chối răng của chị. Mỗi khi nghĩ tới chị rất mắc cỡ về sự kém cỏi của mình. Hôm nay, kể ra với các em, chị thiết tha mong các em rút ra những kinh nghiệm này. Là nên rất cẩn thận trong khi sửa chữa cái gì của người khác, sau nữa là chị ước mong các em nên can đảm lãnh trách nhiệm về lỗi lầm của mình. Nhà văn Võ Hồng đặt tên truyện đúng. Chị làm sai đi. Đáng lẽ sự đó chỉ ông giám đốc nhà xuất bản và nhà văn Võ Hồng biết. Nhưng chị không muốn vậy. Chị không muốn  mọi người phải thắc mắc về sự cẩn thận của nhà văn Võ Hồng và ông Giám Đốc nhà xuất bản Lá Bối, mà lỗi đó hoàn toàn do chị.

Nếu mỗi lần chị tâm sự, các em có được chút kinh nghiệm nào, thì đó chính là điều ước mong tha thiết của chị vậy.


Chị Đ.P.K.     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 53, ra ngày 28-8-1972)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>