Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Nên Vứt Bỏ Thành Kiến Xấu

 

Thư của em H. Saigon:

... Em thấy cuộc đời chẳng có gì vui, đáng cười cả. Ba má em lo làm ăn buôn bán, ít khi ở nhà nên thường bỏ rơi tụi em, em cũng không nói chi. Nhưng các anh chị em của em thì ích kỷ ghê lắm, chẳng bao giờ giúp đỡ gì cho em cả. Nhiều khi không hiểu bài, nhờ các anh chị giảng, họ lờ luôn, tức ghê đi. Còn các bạn ở trong lớp của em thì phách lối, kênh kiệu, đáng ghét lắm. Tụi nó có vẻ coi thường em, có lẽ vì em không giỏi để cho tụi nó "cọp-dê". Đi học đã chán, về nhà lại chán hơn...

Trả lời: Em bị tật bất mãn kinh niên rồi. Mắc bệnh đó, em sẽ thấy đời là bể khổ, không lúc nào vui. Phải chữa mới được em ạ. Trước nhất, em hãy phá bỏ cái thành kiến rằng mọi người đều ích kỷ, đáng ghét. Các anh chị không giảng bài giùm em, có thể là vì các anh chị ấy đang bận chuyện khác, rồi em lại nói lời cay đắng, khiến cho các anh chị ấy giận, không giúp nữa. Đối với các bạn trong lớp cũng thế, vì em sẵn có thành kiến rằng họ đáng ghét, nên em cũng tỏ thái độ không thân thiện với họ, riết rồi cả hai bên đều nẩy mối ác cảm với nhau. Bạn em, không chơi với em, thì họ chơi với người khác. Riêng em, sẵn có thành kiến với mọi người, luôn luôn nghi kỵ rằng người ta xấu, nên em không muốn hòa mình với họ nữa, em trở thành cô độc, hết cả yêu đời. 

Chị xin trích mẩu chuyện sau đây làm thí dụ:

Chiếc thuyền không

Chiếc đò qua sông, bị chiếc thuyền không trôi đụng. Dù người có hẹp lòng đến đâu cũng không giận.

Nếu có người trên thuyền, thì đã thấy chủ đò giận dữ, phùng trợn. La lối một lần mà bên thuyền chẳng ai nghe, tất la lối đến hai lần. Hai lần mà cũng chẳng ai nghe, tất la lối đến ba lần, rồi buông lời chửi mắng.

Trước không giận mà nay lại giận là vì sao? Vì trước thì không có người mà nay thì lại có người. Nếu biết đem cái lòng trống không mà đối xử với đời thì ai mà hại mình?

(trang 643, Trang Tử Nam Hoa kinh, dịch giả Nguyễn Duy Cần)

Cũng là chiếc thuyền đụng phải, nhưng nếu là thuyền trống, thì ta không giận, mà khi thấy thuyền có người, thì ta lại giận, mặc dầu người trên thuyền không có chút cố ý nào trong vụ chiếc thuyền đụng chiếc đò. Ấy chính là vì ta có ý nghĩ, có thành kiến rằng người trên thuyền cố tình để cho thuyền của họ đụng vào đò của ta cho nên ta mới nổi giận. Câu chuyện trên ngụ ý rằng nếu xử với nhau bằng tấm lòng không thành kiến, cứ coi như cái thuyền đụng kia là chiếc thuyền không, thì lòng ta sẽ nhẹ nhàng thư thái, thâm tâm thường an lạc.

Em hãy giơ tay ra trước, mọi người sẽ nắm tay em. Hãy vứt bỏ cái thành kiến xấu về mọi người, em sẽ bớt buồn tủi hơn, và em sẽ nhận ra rằng họ cũng đã giúp em nhiều việc, và như thế, cuộc đời em cũng còn nhiều điều thú vị, vì vẫn có người yêu mến và giúp đỡ em. Cứ thử đi, và em sẽ yêu đời, em ạ.


Chị Đỗ Phương Khanh      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 94, ra ngày 17-6-1973)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>