Các em thân mến,
Một em thiếu nhi ở tỉnh vừa viết thư đến chúng tôi đại ý như sau:
"Cháu rất chán gia đình cháu! Cháu không chịu nổi không khí ngộp thở nơi đây. Cháu muốn thoát ly. Cháu muốn lên Saigon tìm việc làm và tự lực tiếp tục học. Bác chủ nhiệm có thể giới thiệu cháu một nơi nào vá bất cứ việc gì thì cháu rời ngay nhà cháu.
Cháu cũng xin thưa bác chủ nhiệm rõ gia đình cháu thuộc giới khá giả ở tỉnh. Cha mẹ cháu đều là hạng trí thức. Cha cháu đang dạy học còn mẹ cháu khi trước cũng đi dạy học, nhưng gần đây ở nhà coi sóc việc gia đình.
Kỳ thi vào đệ thất vừa rồi, thi xong cháu hy vọng cũng nhiều, nhưng đến ngày xem kết quả cháu lại không thấy tên cháu. Cha mẹ cháu tỏ vẻ không bằng lòng. Cha cháu đánh cháu, mắng nhiếc thậm tệ cho cháu là đồ cô dụng. Từ hôm thi rớt, cháu thấy cha mẹ cháu lạnh nhạt với cháu. Cháu tưởng như cháu là người thừa trong gia đình. Không khí ngột ngạt, khó thở quá, bác chủ nhiệm ạ!
Mấy anh em cháu, người nào cũng học giỏi cả. Anh cả cháu thì sắp ra làm bác sĩ, người chị thứ nhất học luật, chị thứ hai vừa đỗ tú tài kỳ vừa qua, người anh thứ tư cuối niên học rồi ôm phần thưởng về nhà nặng mỏi cả tay, em cháu học tháng nào cũng đứng nhất nhì trong lớp. Cha cháu rất hãnh diện ở các con và sinh ra tự phụ. Vì vậy, cha cháu không chấp nhận sự thất bại nào. Mẹ cháu lúc nào cũng tán thành ý của cha cháu và hình như không còn thương yêu cháu như trước nữa.
Cháu là người vô dụng! Cháu muốn rời gia đình để đi làm, tự học để xem coi cháu có vô dụng không. Cháu đợi thư của bác chủ nhiệm là cháu dông lên Saigon ngay..."
Em độc giả nhỏ Thiếu Nhi ở tỉnh của tôi ơi,
Hiện nay, một số lớn trẻ em đồng lứa tuổi của em đang say mê đọc sách báo nhảm nhí bày bán đầy ngoài lề đường, em lại chịu khó đọc tờ báo Thiếu Nhi tuy lành mạnh nhưng không chắc hấp dẫn bàng những truyện đâm chém, dao búa, câu văn thời đại ở đầu đường xó chợ. Điều ấy chứng tỏ em là con người đầy thiện chí, có óc cầu tiến. Lời văn trong thư em rất dịu dàng, xứng đáng của con nhà gia giáo.
Tôi đồng ý với em, cha mẹ em thật khắt khe và quá đáng đối với em. Thi đỗ, thi rớt là sự thường. Học tài thi mạng mà. Người ta thường nói thua một trận đâu phải thua cả cuộc chiến. Thi rớt một lần đâu có làm hỏng cả tương lai cũng như người thi đậu chưa chắc sau này sẽ thành công.
Em độc giả của tôi ơi, em còn quá nhỏ, trong tuổi vị thành niên, không nơi nào dám chứa em đâu. Thêm nữa đời sống lúc này tại đô thành hết sức khó khăn, một cơ sở chỉ cần một người làm có trên một trăm người đến xin việc. Vả lại nếu em có chỗ làm rồi, em phải vất vả cả ngày, em còn sức lực và thì giờ đâu mà tiếp tục việc học.
Tôi tin rằng cha mẹ em vẫn thương mến em. Cha mẹ nào lại chẳng thương yêu con! Sở dĩ cha mẹ em có thái độ nghiêm khắc như vậy vì cha mẹ em muốn em học giỏi đó thôi. Tình thương của cha mẹ đối với con cái thật vô bờ bến. Em hãy nhìn lại trong dĩ vãng mỗi lần em hoặc các em đau ốm, cha mẹ lo săn sóc ngày đêm, mất ăn mất ngủ, tuổi thọ vì vậy giảm dần đi rất nhiều. Ngoài đời, không ai thương yêu em bằng cha mẹ em đâu!
Sau này em lớn lên, em sẽ giúp ích và trả ơn cho cha mẹ được gì? Em chưa giúp cha mẹ được phần ngàn sự trông nom lo lắng của cha mẹ em thì cha mẹ đã già yếu rồi, sẽ mất đi và sẽ chẳng bao giờ em gặp lại cha mẹ em nữa. Em sẽ thương tiếc như ông Khấu Chuẩn bên Tàu thuở nhỏ chơi bời lêu lổng, bỏ học bị mẹ ném quả cân trúng trán máu chảy đầm đìa, bị thẹo ở mặt. Nhờ đó mà ông bỏ chơi cố học thi đỗ. Làm quan đến Tể tướng thì mẹ đã mất rồi. Mỗi khi trông thấy vết sẹo ở trán là ngậm ngùi nhớ mẹ và nói rằng: "Chính cái vết thương nầy làm cho ta nên người đây."
Ngày xưa, thầy Tăng Sâm ra bừa ruộng trồng dưa, vô ý làm hư bừa, cha giận cầm gậy đánh mạnh vào lưng phải chết giấc, khi tỉnh dậy lại vui vẻ đến xin lỗi cha, còn bị đức Khổng Tử chê là bất hiếu vì đức Khổng Tử cho rằng nếu cha đánh bằng roi vọt thì đứng chịu, đánh bằng gậy gộc phải chạy trốn để cha khỏi lỡ tay đánh chết con, cha mang tiếng là ác và bị tội. Nay em bỏ nhà ra đi chắc chắn là cha mẹ em, gia đình em sẽ mang rất nhiều tai tiếng, cha mẹ em sẽ hổ thẹn với mọi người quen thuộc. Cha mẹ em sẽ khổ sở, tủi nhục, chết lần mòn.
Chắc em cũng nghe kể ông Hàn Bá Dư rất có hiếu với mẹ. Một hôm có lỗi bị mẹ đánh, ông ta khóc mãi. Mẹ ngạc nhiên hỏi: "Mẹ đã đánh con nhiều lần, sao lần nầy con khóc dai vậy". Bá Dư thưa: "Mấy lần trước mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn khỏe. Hôm nay mẹ đánh, con không còn đau như lần trước nữa, sức mẹ đã yếu đi nhiều, con thương mẹ già yếu mà khóc."
Em độc giả bé tí của tôi ơi, cha em đã đánh đập, mắng nhiếc em là đồ vô dụng, chắc không ngoài lý do muốn em nên người. Vậy em hãy tỏ ra em không là người vô dụng, em nên cố gắng học hành. Còn dư thì giờ em nên giúp đỡ cha mẹ những việc lặt vặt trong gia đình như lau chùi bàn ghế, dọn dẹp nhà cửa, lớn lên em tím cách giúp ích những người xung quanh, chừng ấy em sẽ không còn là người vô dụng mà là người hữu dụng được mọi người mến yêu.
Thân ái,
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 5, ra ngày 12-9-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.