Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

CHƯƠNG III_MƯA SA MẠC


CHƯƠNG III


Bốn năm qua. Dì Mai thành hôn với anh Tùng đã có một đứa con. Hôn nhân của dì không được ông ngoại hài lòng, vì cũng như cha Ti : anh Tùng chỉ là một dân thợ. Song nhìn cảnh gia đình đầm ấm của dì chú – bây giờ Ti phải đổi tiếng anh thành tiếng chú – Ti biết rằng dì sống hạnh phúc. Thế không đủ rồi sao ? Cần chi phải giàu có mới có hạnh phúc ? Anh Tùng nói vậy và dì cháu Ti cùng đồng ý, chia xẻ quan niệm này.
 
Cậu Toàn đã vào hải quân như ý muốn. Bà ngoại thì mất rồi, vào một ngày cuối năm, cái chết bất ngờ, đột ngột. Mỗi lần nhớ tới Ti lại bồi hồi xúc động vì xót thương và hối hận. Phải, Ti làm sao quên được cái chết của bà : lúc đó Ti đang ngồi học bài mà tai vẫn nghe văng vẳng tiếng ông rầy rà bà về các món chi tiêu tốn kém.
 
- … Điện cũng tăng. Xài chi lắm vậy ? Học hành thi cử chi cho cam ? Cái gì ? Ăn đồ hộp thì sao ? Bộ Mỹ người ta ăn đó, người ta chết hết chắc ? Bày đặt… Mỗi thứ mỗi tốn, phải tinh giảm bớt đi chớ ! Tôi nói cả trăm lần mà bà vẫn không nghe là sao ? Hả, hả ?...
 
Có tiếng bà nho nhỏ van nài nhưng ông vẫn lồng lộn lên :
 
- Tôi đâu phải con trâu, mẹ con bà cháu bà thiếu điều cầm dao xẻ thịt tôi ra nữa mới vừa lòng. Học ! Học !... Thôi ! Tốp lại, tốp !...
 
- Tôi xin ông, tôi van ông, cháu nó côi cút, thương được ngày nào…
 
Ti choáng váng vì hiểu trong câu chuyện cằn nhằn này, Ti là một nguyên do…
 
Ông ngừng lại vì tiếng ho đứt quãng của bà. Cậu Toàn chen vào :
 
- Thôi ba ơi ! Mẹ con tiêu xài gì mà ba cứ la hoài, chịu sao nổi ? Đó, ba coi mẹ con bịnh mà có dám thuê người giúp việc đâu, ba không thấy hay sao ?
 
- Cái gì ? Thuê người hả ? Nói nghe như ông hoàng không bằng. Dẹp cái giọng đó đi cho tao nhờ. Mà ai cấm mẹ mày thuê ? Cái đó là tại mẹ mày chớ…
 
Cậu Toàn không chịu thua :
 
- Ba cứ nói, nội cái khoản tiền ba mua số đuôi, số đề thua mỗi tuần đó cũng đủ làm tới thứ gì nữa…
 
- A ! Giỏi dữ há ? Mày bắt lỗi cha mày đó, phải không, thằng kia ?
 
Bà ngoại kêu lên :
 
- Toàn ! Con không nên… xin lỗi ba đi, con phải nghe lời mẹ !
 
- Để con nói, để con nói, con chịu hết nổi rồi…
 
- Mày chịu hết nổi thì mày đi đi ! Tao chán mày rồi ! Tao muốn đánh số đuôi số đề gì mặc tao, mày không có quyền…
 
Đang thao thao bỗng ông ngoại đổi giọng hét thất thanh :
 
- Tô ni cô rin ! Mau ! Chai tô ni cô rin !
 
Cậu Toàn quýnh lên, chạy vào phòng ngủ bà, lục tủ thuốc trong lúc Ti cũng hoảng hốt, bỏ sách, chạy ra.
 
Bà ngoại tái xanh, lạnh ngắt, trời lạnh mà mồ hôi tuôn nhớp nháp. Toàn run rẩy giọt từng giọt thuốc trợ tim vào trong cái ly thủy tinh còn Ti thì lo lấy chai nước lọc pha cho bà. Rồi ông ngoại, cậu và Ti cùng xúm lại vực bà lên giường, cho uống thuốc, song bà ngất lịm ngay khi chưa nuốt hết ngụm đầu tiên.
 
Trông bà bằn bặt, Toàn sợ hãi, mếu máo khóc. Lần thứ nhất Ti thấy cậu út buồn ra mặt. Ti cũng run không kém, nhưng nó tỉnh hơn. Nó nhắc nhỏ cậu đi mời bác sĩ. Toàn lau nước mắt hỏi :
 
- Cậu biết nhà bác sĩ ở đâu bây giờ ?
 
- Chú Tùng biết ! Cậu lại nhà chú Tùng biểu chú đi mời.
 
Ông ngoại cũng giục :
 
- Đi mau đi ! Đi mau…
 
Toàn cắm cổ chạy bừa ra giữa mưa trong lúc Ti đứng cạnh bà lo lắng bồn chồn. Ông ngoại thì hai tay bưng đầu ngồi lặng trên ghế. Ti tự hỏi ông có hối hận hay không ? Nửa giờ sau có tiếng động cơ xe hơi trước hiên nhà và bác sĩ xô cửa đi sầm vào như một luồng gió mạnh. Theo sau ông ta là Tùng và Toàn.
 
- Bà ấy làm sao ?
 
Ông ngoại trả lời nho nhỏ Ti không nghe rõ, nhưng nó thấy trán người thầy thuốc cau lại.
 
- Tôi đã bảo ông nhiều lần là bà phải tĩnh dưỡng… Tôi sợ muộn rồi đa !
 
- Xin bác sĩ cứu nhà tôi… Xin bác sĩ…
 
Ông ngoại Ti lải nhải trong lúc bác sĩ khám cho bà. Ông khám thật lâu. Ông dùng ống nghe đặt trên ngực bà, ông dùng tay vạch mí mắt bà, rồi ông áp tai nghe ngóng lại lần nữa. Sau cùng, ông đưa miếng bông gòn trước mũi bà.
 
Rồi thì, ông quay lại không nói ra lời nhưng tia mắt ông nhìn ông ngoại đầy trách móc và ông ngồi phịch xuống, nặng nhọc như vừa cuốc bộ hàng chục cây số giữa nắng hè.
 
- Phải đưa bà vô y viện may ra, nhưng tôi nói trước là tôi không bảo đảm gì hết.
 
Ti bủn rủn tay chân khi nghe bác sĩ tuyên bố câu trên.
 
Bà được đưa vào y viện liền khi đó và hai ngày sau bà tắt thở. Từ khi ngất đi cho đến khi chết bà không tỉnh lại lần nào cả. Tội nghiệp bà ! Ti nghe mang máng đôi bận là bà yếu tim và phổi nữa, nhưng Ti đâu có bao giờ nghĩ là bà vướng một thứ bệnh trầm trọng hiểm nghèo ? Nếu Ti biết, Ti đã không để bà vất vả quá như thế. Ti đã về sớm để lau bát dọn bàn giúp bà. Ti đã dậy sớm để giặt giũ giúp bà, Ti đã quạt than, vo gạo giúp bà…
 
Trời ơi ! Ti có nghe bà kêu đau bao giờ đâu ? Chỉ nghe nói bà yếu tim thôi, từ yếu đến đau khác xa nhau biết bao nhiêu mà kể ? Sao không ai nói cho Ti biết cái nguy hiểm của sự yếu tim ?
 
Bà hiền từ, nhân hậu biết bao ! Bà âm thầm chịu khổ nhọc mà không hề mở miệng kêu ca, than phiền một tiếng. Đau xót nhất cho Ti là tận sau khi bà mất, Ti mới được biết rằng bà kỳ kèo nài nỉ với ông ngoại cho Ti được tiếp tục học, và ông ngoại ra điều kiện là nếu muốn thế, bà phải đảm nhiệm tất cả việc nhà – dù ông biết bà đau yếu – để người ở thôi việc, nếu không, ông không bằng lòng.
 
Bà biết rằng điều kiện ngặt nghèo đó không chỉ hăm doạ sức khoẻ vốn mong manh của mình mà thực sự rút ngắn đời sống của mình, song bà đã chấp nhận, miễn đứa cháu ngoại côi cút bất hạnh được đeo đuổi việc học hành.
 
Trời ơi ! Bà ngoại của Ti cao quí biết chừng nào… Làm sao Ti có thể nói với bà được, rằng Ti yêu bà lắm, rằng Ti biết ơn bà lắm, rằng ơn bà cao hơn núi, sâu hơn bể, làm sao ? ! ! Bà đã nhịn hết mọi chi tiêu cần thiết, nhịn cả một chai thuốc trợ tim bé nhỏ để mua cho Ti khúc bánh mì hay một gói xôi, lén lút không cho chồng biết ; bà đã mặc áo rách để đủ tiền may cho Ti bộ quần áo mới, để Ti khỏi tủi thân với bạn bè ở nhà trường. Bà đã âm thầm lặng lẽ hy sinh cho tới chết. Làm sao Ti còn được dịp thấy mặt bà, để Ti chuộc lỗi, để Ti tỏ ra ngoan ngoãn cho bà có thể mỉm cười sung sướng, hài lòng ? Ti đã biết rõ về bà, song quá muộn…
 
*
 
Cái khoảng trống do sự vắng mặt của bà bỗng trở nên to lớn dị thường, không gì thay thế được. Ti nhớ bàn tay gầy gò đầy những gân xanh của bà vẫn thoăn thoắt đẩy tới, đẩy lui cái bàn ủi nóng trên quần áo của chồng, con, cháu. Cũng cái bàn tay xương xẩu ấy gọt khoai, vo gạo, nhồi bột, quạt than. Bàn tay ấy may, đan, mạng, vá cho Ti từ cái mũ, áo quần cho đến đôi xăng đan cũ rích.
 
Bàn tay ấy xoa lên đầu Ti khi Ti khóc, nắm chặt bàn tay bé nhỏ của Ti như muốn chuyển hết chút sinh lực đã mỏi mòn theo năm tháng để gây cho thằng cháu bất hạnh chút can đảm, hứng khởi khi nó đối diện ông ngoại lần đầu.
 
Trời ơi ! Bàn tay của bà ngoại… Làm sao Ti quên được ? Rồi Ti liên tưởng đến mớ tóc bạc quá mau của bà, hàng năm không được bôi qua chút dầu luôn luôn xác xơ, khô khốc. Rồi Ti nhớ đến đôi mắt đẹp, sâu, u buồn lấp lánh sau gọng kính mỗi lần bà cặm cụi khâu, đan.
 
Ai đã có lỗi trong cái chết của bà ? Những con số trong tấm vé số mỗi chiều thứ ba mà ông ngoại mê say ? Thói keo kiết và tham lam của ông ngoại ư ? Những câu cằn nhằn hay những biên lai tiền điện, nước ? Sự hỏng thi vào Luật khoa của cậu Toàn ? Hôn nhân thất bại của mẹ Ti ? Cuộc sống êm đềm chớ không nổi bật của vợ chồng dì Mai ? Hay là chính Ti : gánh nặng phi lý mà ông ngoại phải đảm nhận ? Có lẽ tại tất cả những cái đó, mà nhất là tại Ti.
 
Rồi lan man, Ti còn nghĩ đến những lần cậu Toàn giả vờ học bài nhưng kỳ thật là đọc tiểu thuyết, đến dì mai cặm cụi như thể đang chấm bài mà kỳ thực là mê mải làm thơ, cả Ti nữa, Ti đi học sớm 15 phút vì không muốn ở nhà sợ phải giúp bà dọn bữa điểm tâm cho ông ngoại.
 
Giá cậu, dì và Ti biết nghĩ đến bà một chút, phải : mỗi người nghĩ đến bà một chút thôi, thì dù ông có ác, có keo kiết, bà cũng có cơ hội để sống lâu hơn. Mọi người đều ích kỷ, đều chỉ nghĩ đến mình, đến những vui thú riêng của mình, nên vô tình xô bà xuống lòng huyệt lạnh mà không ý thức việc mình làm. Nếu ai bảo rằng chính cháu bà, con bà đã phụ với chồng để thu ngắn đời sống của bà, chắc ai cũng dẫy lên, không nhận lỗi, song sự thực tàn nhẫn đã là như thế đó. Ngay cả ông ngoại, ông cũng không tin mình có lỗi trong cái chết của vợ mình. Ông đã khóc thảm thiết khi bà tắt thở. Ông nài nỉ với bác sĩ hết lời, rằng cố cứu sống bà, ông sẽ đền ơn trọng hậu, ông sẽ rút hết tiền ở ngân hàng ra, sẽ bán đất, bán nhà, ông sẽ không tiếc một thứ gì đối với bà, miễn được thấy bà đi lại, nói năng, cử động. Ông bảo không có bà ông không sống được, rằng ông không thể sống thiếu bà… Song bác sĩ đành chỉ lắc đầu bảo rằng quá muộn.
 
Sau tang lễ bà, ông ngoại nằm mọp hai ngày. Ti thấy như ông già hơn năm tuổi sau hơn tuần lễ, mặt mày hốc hác trông thật thảm thương. Cho đến nỗi chú Tùng – người vốn không ưa ông nhất – mà cũng động lòng, tận tình an ủi.
 
Lần thứ nhất sau nhiều năm sống với ông bà dưới mái nhà này, Ti thấy vào chiều thứ ba mà ông không có vẻ nôn nả mong chờ (để dò vé số như thường lệ).
 
Ông tỏ ra chăm sóc bà đặc biệt : sáng nào ông cũng thắp hương trên bàn thờ bà trước khi đi làm. Tối nào ông cũng thắp hương trên bàn thờ bà trước khi đi ngủ.
 
Dì Mai với cái bụng lặc lè gần sinh, không thể tiếp tục ở lại lo việc cơm nước cho cha và cháu – vả lại dì còn có cháu bé ở nhà nữa kia mà – nên ngày thứ ba sau khi bà yên nghỉ, cũng đã ra về.
 
Cậu Toàn thì nhân có xe cậu Hân, ông ngoại giục cậu đi theo lên Saigon cho đỡ tốn kém, dù là còn năm hôm nữa mới tới kỳ thi tuyển vào Hải quân.
 
Nhà trống vắng, còn có hai ông cháu. Ti mặc nhiên đảm trách việc cơm nước, giặt giũ trong nhà. Mỗi ngày, dì Mai đi chợ và chú Tùng đem thức ăn đến cho hai ông cháu.
 
Ban đầu, mãi buồn nhớ đến bà, Ti như quên cả việc học hành. Sang ngày thứ năm, Du đến nhắc làm Ti nhớ lại. Song khi dọn điểm tâm cho ông xong, soạn cặp sắp đi học, thì ông gọi nó lại mà rằng :
 
- Bà mới mất, ông đang mệt lắm, con phải ở nhà mươi hôm rồi sẽ hay.
 
- Thưa ông…
 
- Học hành gì cũng thong thả, làm quan làm quyền gì mà nôn nóng vậy ! Ông biểu phải nghe lời. Tao đã khổ vì mày nhiều rồi, đủ rồi, mày có hiểu không ? Đừng làm bộ quan trọng quá, tao không chịu nổi.
 
Ti đứng lặng, không dám cãi lời ông. Không có dì, không có cậu, không còn bà, ai bênh vực che chở cho Ti ? Vả lại, ông chỉ bảo ở nhà mươi hôm kia mà. Ông có bảo ở nhà luôn đâu mà cuống lên ? Ti cho cách tốt nhất là phải tuân lời ông, may ra. Việc đi học của Ti ông rất không bằng lòng rồi, đừng làm ông tức giận lên mà khốn.
 
*
 
Ti kiên tâm chờ đợi, lòng không ngớt thắc thỏm về hai tiếng mươi ngày rất mơ hồ của ông ngoại. Mươi ngày ? Là bao nhiêu đây ? Mười ngày chứ gì ? Nhưng kể từ ngày nào ? Nếu kể từ sau ngày chôn cất bà thì đã quá hạn rồi song nếu kể từ ngày ông thốt lên lệnh đó thì chưa đủ. Không nên tỏ ra sốt ruột trước mặt ông. Ti rất biết thân.
 
Mỗi ngày Ti dậy sớm lo pha sữa cà phê cho ông, nấu nướng hai bữa ăn chính rất đàng hoàng, dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ. Ti giặt giũ, phơi phóng, là liếc như một tay nội trợ lành nghề. Ti không còn nhỏ nhít chi nữa, vả công việc cũng không mấy nhọc nhằn. Huống chi, Ti vẫn bị ám ảnh về sự lười nhác ngày trước, đã dồn hết mọi việc để mình bà quán xuyến. Ti muốn chuộc lỗi phần nào. Giới linh hồn nếu có, bà ắt hẳn vui lòng và sẽ phù hộ cho Ti toại nguyện : bà sẽ báo mộng, sẽ khuyên ông cho Ti đi học, đừng bắt cháu ngừng việc đèn sách nửa chừng. Niềm hy vọng giúp Ti thêm hăng hái.
 
Nhưng cái hạn mươi ngày kể từ khi ông ra lệnh đến nay đã qua mất hai hôm mà ông vẫn không hề đá động đến chuyện ngày nào ông cho Ti đi học lại. Nhiều lần, Ti đánh bạo đến gần ông – sau khi đã thì thầm cầu nguyện bà che chở giúp – để xin phép, song lần nào Ti cũng ngần ngừ, không dám. Ti tiên cảm nếu Ti mở miệng xin, chắc chắn ông sẽ chối từ và Ti sẽ khóc. Ti muốn nuôi chút hy vọng mong manh hơn là phải nghe chính miệng ông buông ra những lời cấm đoán làm Ti tuyệt vọng.
 
Và rồi từng ngày một dài dặc, dài dặc trôi qua. Ngày thứ 12, 13, 14… rồi tuần lễ thứ ba bắt đầu. Ti hốt hoảng không thể tả. Nó chỉ còn nắm níu lấy cái cớ là sau một tháng nhà trường sẽ đuổi, chờ đến gần ngày đó mà xin ông, may ra.
 
Khi còn hai ngày nữa đến hạn một tháng, đột nhiên một buổi chiều ông cao giọng gọi Ti ra phòng khách, sau bữa cơm. Ti run rẩy, hồi hộp không thể tả. Không biết cái gì đón đợi mình đây ? Nó ngẩng lên nhìn chăm chăm vào di ảnh bà. Qua làn khói hương mờ nhạt, ảnh bà hiện ra, nụ cười đôn hậu làm Ti cảm thấy có đôi phần tin tưởng.
 
*
 
Ti không ngờ là ông ngoại đòi xem học bạ của mình. Sự sung sướng làm cho Ti sáng ngời mắt, nó vội vàng lại bàn học lục hết những bảng danh dự kèm theo học bạ hai năm liền đem lại, trao cho ông bằng cả hai tay.
 
- Ti, con ngồi xuống đó, đi ! Ông cho phép !
 
Ông nói trong khi Ti, trống ngực đập thình thình trong lồng ngực, sung sướng cho đến nỗi nghẹn lời tưởng có thể nhảy cẫng lên. Ông xem học bạ Ti ! Trời ơi ! Còn vinh dự nào hơn ? Còn ao ước gì hơn ? Bà ơi ! Con cảm ơn bà, con cảm ơn bà nhiều lắm ! Chính bà đã xui khiến ông con nghĩ lại, xưa nay có bao giờ ông quan tâm đến sự học của con đâu. Ti muốn kêu to lên những lời trên, song Ti ngăn lại kịp, chỉ nghĩ thầm thôi.
 
Năm phút trôi qua rồi mười phút. Người già cẩn thận, không liếc sơ mà nhìn thấy hết. Ti hiểu vậy nên không nóng nảy chút nào. Tuy vậy, Ti vẫn theo dõi thái độ ông, nó thấy đôi mày ông cau lại rồi giãn ra từng chặp, đầu gật gù như tán thưởng… làm nó thấy vui còn hơn cả ngày nào dì Mai nhận lời nó mời, ăn thử kẹo của chú Tùng. Nhưng ô kìa, Ti có nghe lầm không, cớ sao ông lại thở dài nghe đánh sượt một cái là nghĩa lý gì ?
 
Chợt, ông buông mớ bảng danh dự và học bạ xuống, đẩy qua một bên, ngẩng nhìn Ti chăm chăm. Giọng ông đều đều :
 
- Ti ! Ông không ngờ cháu học khá quá chớ ! Được lắm… tốt lắm ! Ông rất ghét đứa lười biếng.
 
Ti cảm thấy mình tươi như một cánh hoa trong buổi sáng mùa xuân, ông bình thản tiếp :
 
- Cháu đáng được đi học lắm… nhưng…
 
Ông đột nhiên ngừng ngang đó làm Ti nín thở lắng tai, một giây sau, ông cất tiếng lên, vẫn giữ cái giọng đều đều, bình thản :
 
- Tiếc là ông không thể cho cháu tiếp tục học thêm…
 
- Thưa ông…
 
Ti định phân trần nhưng ông vội đưa tay ra, ngăn lại :
 
- Nhà không có ai, cháu đi học làm sao được ? Ông thì già rồi, chẳng lẽ chừng này tuổi đầu mà đi làm về còn phải chui xuống bếp nấu cơm nữa hay sao ?
 
- Thưa ông, cháu sẽ nấu cơm, cháu sẽ làm được hết mọi việc, không khó khăn gì lắm. Hồi bà còn, bà cũng đã dạy cháu nhiều lần. Xin ông cho cháu đi học… tội nghiệp cháu ! Ông biết đó : cháu học được…
 
- Không đâu, cháu chưa hiểu hết : sở dĩ trước nay cháu học giỏi, đứng hạng cao trong lớp là vì có bà lo lắng mọi điều. Bây giờ khác rồi, không được đâu. Cỡ tuổi cháu, không thể vừa học giỏi vừa làm hết mọi việc nhà như một bà nội trợ nổi đâu. Đừng cãi lời ông.
 
- Thưa ông… ông cho cháu đi học, cháu xin hứa…
 
Ông ngoại gằn giọng :
 
- Chưa kể tốn kém, ông không phải là cái kho bạc, cháu biết mà.
 
Ti gần ngã khụy xuống chân ông, song phải giữ hai gối cho vững nghe ông nói tiếp :
 
- Cháu phải tỏ ra biết lẽ phải. Ông không nợ gì cháu. Ông đã cưu mang cháu bao nhiêu năm trời nay. Bây giờ đã đến lúc cháu đền đáp phần nào công lao, của cải ông đã hy sinh cho cháu. Biển học mông mênh, biết đâu là bờ bến, càng học càng thấy mình dốt, càng muốn học thêm. Coi như hai thằng cậu cháu đó : thằng Toàn có Tú tài rồi mà có nên tích sự gì đâu ? Còn thằng Hân, nó học ít thua cháu nữa kìa…
 
Ông ngừng lại, hớp ngụm nước, kêu lên hai tiếng : “nguội quá”. Trông dáng bộ ông, nghe lời ông nói, Ti biết rằng khẩn cầu vô ích vì ông đã suy nghĩ kỹ trong nhiều ngày, đợi đến hôm nay ông mới nói ra : Tốn kém ? Phải ! Khi ông đã viện hai tiếng đó thì không tài nào Ti vượt qua nổi.
 
Trời ơi ! Có thể ngừng học nửa chừng vậy hay sao ? Ti có phải là đứa dốt nát lười học cho cam ? Thầy Ti đã từng đem Ti ra làm gương cho bạn học kia mà.
 
Ti muốn biện bạch, khẩn nài, van xin, nhưng tựa như có chất keo dán chặt lưỡi Ti. Tiếng ông vang lên, trong lúc hai tai Ti ù lại song thằng bé đáng thương nghe không sót một lời :
 
- Rồi đây, cháu lơn lớn một chút, cậu Hân sẽ đưa cháu đi Sàigòn hướng dẫn cháu dần dần. Ông già chừng này tuổi rồi, ông biết đâu là con đường phải. hãy nghe ông !...
 
Ti muốn bịt tai lại, muốn thét lên :
 
- Con van ông ! Cho con đi học ! Con xin hứa sẽ bù lại những thiệt thòi đã gây ra cho ông. Không ! Con không muốn theo cậu Hân ! Con không muốn có nhiều tiền. Con không cần tiền. Cho con đi học, ông ơi !
 
Nhưng nó không nói được tiếng nào hết. Nó nhìn mà không thấy ông, mắt nó mờ đi…
 
Ông già keo kiệt nghĩ thầm : “Được, cho nó khóc, rồi đâu vào đó cả, không can chi”.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>