Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

CHƯƠNG BỐN_GỢN SÓNG


BỐN


Tết hết. Những ngày nghĩ cũng trôi qua mau chóng. Tôi đi học lại – lớn thêm một tuổi, tâm hồn tôi cũng lớn ra. – Nhưng trong guồng máy học đường, hình như con người không thể lớn. Tôi vật lộn với bài vở, với kỳ thi liên tiếp sắp tới. Chúng tôi đua nhau học, găng nhau học, không ai nhắc đến chuyện tình, không ai nhớ đến những bóng người ưa thích.

Nam chìm trong tôi như hòn sỏi dưới đáy hồ. Khi rơi, mặt nước xôn xao lay động, rồi thôi, trả về với yên tĩnh. Bài học đã lấp đầy các khoảng trống. Đầu óc chứa đầy những công thức và đồ hình.

Thỉnh thoảng Mai nhắc đến tên Nam. Và tôi nghe như một tiếng vọng nào khuất lấp thật xa, thật xa. Chỉ còn tấm nhan sắc với gương lược hàng ngày nhắc nhở tôi, khêu gợi cái mặc cảm tội nghiệp của mình. Nhưng rồi cũng thôi. Tôi không có thì giờ.

Hôm nay tôi vừa dứt kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt. Mặc dù không có thì giờ để rong chơi vì kỳ thi tú tài đã kề cận, nhưng chúng tôi thở ra những gánh nặng ngàn cân. Buổi sáng, trời trong vắt. Mùa Xuân phủ lấp cây cỏ vạn vật bằng hình dáng sống động xanh non. Sân trường tôi đầy những cánh bướm trắng nhởn nhơ. Bọn chúng tôi tụ tập ở chỗ ngồi thường lệ. Mặt đứa nào cũng bơ phờ, hốc hác dù đã qua một đêm nghỉ ngơi tẩm bổ.

Tâm than:

- Mệt quá, mấy bài Triết điên cái đầu.

Thanh cũng nhăn mày:

- Tụi tao Vạn Vật, Lý Hóa đứ đừ chớ khác chi.

Liên gắt:

- Thôi bỏ đi, thi cử nói mãi nhức cả đầu. Nói chuyện khác đi.

Mai đề nghị:

- Tụi mình xuống bờ sông uống nước dừa đi. Mình còn nghỉ một giờ nữa kia mà.

Cả bọn đồng ý chung tiền. Mỗi đứa năm chục, dư mua đậu phọng.

Bờ sông hơi vắng vì gió vẫn còn gờn gợn lạnh. Thanh suýt soa liền miệng:

- Gớm, lạnh vậy, có điên mới kéo nhau ra đây hóng mát.

Mai chìa môi:

- Mày nói sao mà mát da vậy. Trời mát mẻ thế này mà kêu. Không thấy cũng có người sao?

Chúng tôi kéo nhau ngồi ở quán nước bưu điện. Đằng xa là bến cá với tàu máy và bóng người nhộn nhịp. Ly nước dừa ướp lạnh ngọt ngào – Ly nước lạnh ngắt trong tay cùng với làn gió gây gây lạnh từ ngoài sông đưa vào làm tôi nhớ đến cái không khí lạnh lẽo và những ly nước mời gọi của một đêm tất niên đã qua. Trong khoảnh khắc đầu óc nhớ quá, nhớ một người. Sau mấy tháng học hành, nỗi nhớ nhạt đậm từng phần từng cử chỉ. Tôi không nhớ nổi gương mặt chàng nhưng nhớ quá điếu thuốc cháy đỏ trong bóng đêm và cái dáng cao gầy nhẹ nhõm của chàng.

Mai, Tâm, Thanh và Liên đang bàn cãi sôi nổi về một vấn đề gì đó. Tôi nghe loáng thoáng bên tai hòa với sóng nước vỗ vào bờ đá rào rạt. Biển ở tận đâu xa. Hai dãy núi mở ra một khoảng trống bao la. Đó là cửa biển và bên ngoài là mênh mông, không bờ không bến. Tôi bắt chước nhà văn Thụy Vũ ví von mình. Tôi có khác nào một con tàu nhỏ đang lang thang ngoài khơi xa. Cửa biển có đó mà mái chèo không đủ sức vượt được những con sóng tàn nhẫn đuổi xô. Tôi nổi trôi bất hạnh, không tìm đâu ra được bến bờ.

Nghĩ đến đó, tôi không dám tưởng tượng tiếp nữa. Đó là những ý tưởng bi quan. Phải giết chúng đi để làm việc. Tôi bưng ly nước dừa uống một hơi dài.

Mai đang cãi cọ một điều gì đó. Bình thường nó hiền lành và ít nói vô kể. Ấy thế, mà khi tranh luận, nó còn hơn một nhà hùng biện.

Mặc chúng lớn lối với nhau, tôi xoay ghế ra phía sông và đưa mắt nhìn ngắm chung quanh. Ô kìa, tôi nghĩ mình nhìn lầm. Tôi dụi mắt, ly nước suýt rời khỏi tay. Tôi nhắm khẽ mắt để mong mình không bị quáng mắt. Không, đúng rồi. Tôi lặng người. Nam đó, nhưng Nam không đi một mình mà đi với người con gái khác, tóc hớt cao kiêu sa, đẹp đẽ. Nam đứng dậy trả tiền nước. Người con gái cười nói vui vẻ. Điếu thuốc trên môi Nam trễ xuống và gương mặt cũng hớn hở. Họ đưa nhau đi ngược về phía chợ. Tà áo dài của người con gái quấn quýt bước chân của người thanh niên.

Hình như gió ngoài sông thổi dữ và sóng đập bờ phẫn nộ – Tôi kêu lên một tiếng trong cổ họng. Nước mắt mập mờ trên mi dìm vào cơn tuyệt vọng xót xa lạ lùng.

Chút nghẹn ngào sao lâu và đau đớn quá. Lần đầu tiên trong cuộc đời nỗi thất vọng như thủy triều đẩy tôi bềnh bồng. Hình như có tiếng Tâm giục giã ra về. Tôi đứng lên. Đất chênh vênh theo bước chân xiêu vẹo.

- Mỵ, sao vậy? Chắc bị gió rồi. Mặt tái xanh trông sợ quá. Thôi về lè lẹ lên tụi bây.

Thanh nắm lấy tay tôi, dìu đỡ. Bàn tay ấm của Thanh làm tôi trấn tĩnh được đôi chút.

- Không sao đâu, Mỵ thấy chóng mặt một chút, chắc tại gió.

Giọng tôi sũng ướt, nhưng chắc không đứa nào hiểu trừ Tâm. Đôi mắt nó nhìn tôi soi mói và ánh một chút thương hại (?)

Về đến lớp, vừa kịp giờ. Bài Công Dân ngắn ngủi và giáo sư bận chấm bài thi. Lớp học ồn ào. Tôi gục đầu xuống bàn trong cơn chán nản cùng cực.

Chiều lại, tôi không thể nào nhấc nổi người để đi học. Dối má rằng chiều nay nghĩ học, tôi quấn chăn nằm trên gác. Cửa sổ đóng kín, không thấy cả khung trời xanh mơ mộng ngoài kia. Căn gác lờ mờ. Và trong ánh sáng nhá nhem đó, trong cái yên lặng đìu hiu, tôi lặng lẽ khóc cho cô đơn.

*

Không ngờ câu chuyện thoáng qua đó lại ăn sâu trong óc tôi và ảnh hưởng đến công việc học hành của tôi đến thế.

Ngày thi cũng còn không bao xa. Thế nhưng không khi nào tôi nuốt trọn được các môn học như ngày xưa nữa. Cứ cầm đến quyển vở, học được vài ba trang là tôi lại ngồi ngẩn người nghĩ ngợi vớ vẩn. Sự thất bại trong tình yêu thầm kín đầu tiên cộng với nỗi mặc cảm mỗi ngày mỗi lan rộng trong tâm hồn làm tôi đâm chán ghét mọi sự. Tính tôi cau có hơn trước. Bao nhiêu dịu dàng ngày xưa biến đi hầu hết. Tôi bẳng nhẳng, cau có và không bao giờ vừa ý với bất cứ một người nào, một việc gì. Tôi gói mình trong cô đơn, bớt giao thiệp, bớt hội họp bạn bè, tôi sống như một chiếc bóng. Và lẽ ra như thế mọi nỗ lực của tôi sẽ dồn vào việc học, thế nhưng không, tôi lơ là bài vở, tôi không còn ham muốn và tôi cũng không còn nghĩ gì đến vai trò và trách nhiệm của tôi, người con cả trong gia đình. Tình trạng tinh thần tôi kéo dài hơn một tháng thì ba tôi đã chú ý. Trong bữa ăn, nhân tiện, người đã hỏi tôi:

- Sao thời gian gần đây ba thấy con có vẻ mệt mỏi nhiều. Chắc bài thi cực nhọc lắm phải không Mỵ.

Liên cũng chen vào:

- Con thấy chị Mỵ thức khuya quá ba à.

Má tôi la hoảng:

- Học hành mà vậy là chết. Thi đỗ không lợi lộc gì nếu con thi mà đau ốm. Hay để nói con Liên nó đi mua cho con mấy thứ thuốc bổ óc hoặc vitamin mà uống.

Tôi nghẹn ngào và nuốt miếng cơm cuối cùng và nói nhanh:

- Không sao đâu ba má. Hết thi thì đâu lại vào đó ngay. Bữa nay trở đi con ít học đi là mập mạnh ngay.

Tôi gượng cười đứng dậy vào trong rửa mặt. Trong tấm gương đầy hơi nước, lờ mờ bóng tôi phờ phạc, xấu xí với hai mắt mọng đỏ.

Tôi nhớ đến cái gương soi mặt ở bàn học, nơi đó in bóng tôi hằng ngày. Phải cất nó đi để cất dĩ vãng và lịm đi những kỷ niệm vui buồn.

Tôi hư hỏng thật rồi. Bài vở thi cử càng ngày càng xa lạ mặc dù tôi cũng đã cố gắng để chứng tỏ với lương tâm mình, hay nói đúng hơn để đánh lừa lương tâm tôi. Thật tình đôi lúc trên bàn học nhìn ra cửa sổ, khi nhìn thấy những búp phượng xanh chúm chím màu huyết dụ, tôi giật mình nghĩ đến tương lai. Tôi thấy mình yếu đuối và tệ quá. Đã không vượt qua khỏi nghịch cảnh, buồn phiền, còn đem nỗi tuyệt vọng để phá hoại tương lai, hoài bão của gia đình. Những lúc ấy tôi hối hận vô cùng, tôi ôm đồm bài vở để gắng học. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đó. Cứ chống tay lên cằm, mắt nhìn vào khoảng không. Cô đơn. Chán nản. Xót xa. Tủi hổ. Tuyệt vọng. Tôi lại tiêu phí thời giờ trong tháng ngày còn lại để học thi.

Cuối năm học, tôi được xếp hạng trên trung bình. Cũng may là mấy tháng cuối cùng giáo sư chuyên tâm vào việc dạy cho kịp bài vở thi nên không chú ý từng cá nhân, hoặc khảo bài kỹ lưỡng. Tôi có dịp lười biếng và chỉ mong những ngày học qua mau để tôi được nằm im ở nhà, trên căn gác, một mình không ai quấy rầy.

Mấy ngày giáp chót niên học rộn rịp khác thường. Bài học được kết thúc và dẹp qua một bên. Giọng giáo sư hằng ngày đanh thép thế nay bỗng dịu dàng khuyên nhủ và giã từ. Học trò nhao nhao hỏi han, hò hẹn. Năm học cuối cùng với ngôi trường nhiều kỷ niệm này vừa dứt. Lưu bút được trao nhau xôn xao trong lớp ngoài lớp. Bầu không khí vừa rộn rịp vừa bịn rịn luyến tiếc của lớp làm tôi chợt tỉnh. Như người được đánh thức sau một giấc ngủ dài, tôi choàng dậy để vừa kịp thấy thời gian chỉ còn rất ngắn. Nỗi luyến tiếc mông mênh tràn ngập hồn tôi. Lớp này, bàn kia, bảng đó, sân chơi cỏ mượt, hàng phượng trẻ tuổi la đà. Trường tôi đó. Tôi sắp rời xa vĩnh viễn rồi. Nỗi bàng hoàng khó tả làm tôi ngơ ngẩn. Tôi hối hả nhìn trường, ngắm lớp, đuổi theo bạn bè dăm ba câu chuyện như để níu lại thời gian.

Ngày giã từ trường lớp bạn bè, tôi rưng rưng muốn khóc. Thủy, Nhiên, Hoa, Băng, Nhạn, những đứa bạn không thân cũng chạy lại nắm tay tôi từ biệt. Sau kỳ thi, sẽ mấy khi có dịp gặp lại nhau. Khoảng đời học trò đã dứt. Áo trắng đã từ giã. Tiếc ơi là tiếc.

Tôi đi đi lại lại trước sân trường lần chót. Trong bóng nắng chiều, những tà áo trắng rã ra tản mác dần dần. Mấy lớp học còn mở cửa, nhưng ngày mai sẽ đóng kín. Phượng rũ buồn trên sân. Tôi ngồi trên bãi cỏ chỗ bạn bè thường tụ họp. Tâm từ đầu lớp C cũng đến nhập bọn. Hai đứa không nói với nhau câu nào cho đến lúc sân trường vắng ngắt lặng tờ. Tâm đứng dậy nhìn quanh trường rồi bảo tôi:

- Buồn quá Mỵ nhỉ, Tâm thấy làm sao ấy. Nao nao, là lạ.

Tôi nói như nói với chính mình:

- Qua một giai đoạn đẹp nhất của đời người bao giờ cũng nuối tiếc hết.

Tâm ngoảnh lại:

- Sao mấy đứa kia không ở lại?

- Tụi nó về nhà gạo bài thi.

Sân trường rỗng trống. Nắng đã khuất sau dãy trường Nam. Màu trời chiều đìu hiu và gió than vãn trên những ngọn cây cao. Tâm giục tôi:

- Thôi về đi Mỵ. Gần tối rồi, chớ không thôi lao công họ đóng cổng trường.

Tôi uể oải đứng dậy. Gió thổi lên xào xạc. Lòng tôi cảm nhận tất cả bơ vơ và cô đơn khôn cùng. Tôi nắm tay Tâm đi lần ra đường.

Có tiếng chim kêu trên những vòm cây.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG NĂM
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>