Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

Chớ Nói Luôn Miệng, Không Chịu Nghe Người Khác Nói

 

Các em thân mến,

Con người hơn các loài vật vì có nhiều trí khôn. Ngoài ra, tạo hóa lại dành cho chúng ta một sự ưu đãi hết sức quan trọng là được dùng lời nói để diễn tả những ý nghĩ của mình.

Nhưng có lẽ hóa công sợ chúng ta nói quá nhiều có hại nên chỉ cho chúng ta nửa cái miệng để nói, còn phân nửa kia phải dành để ăn trong khi chúng ta được hai lỗ tai để nghe, hai con mắt để nhận xét. Biết đâu, đấng chí công muốn chúng ta nói ít đi vì nói nhiều quá tất nhiên có hại. Đấy là ý của ông Nguyễn Hiến Lê trong quyển Nghệ thuật nói trước công chúng.

Vậy mà chúng ta thường thấy rất nhiều người nói luôn miệng, không chịu nghe người khác nói, một việc làm rất thất nhân tâm.

Cũng trong quyển sách trên, ông Nguyễn Hiến Lê mô tả hạng người nói nhiều như sau:

"Chắc nhiều lần bạn đã bực mình, phải nghe hàng giờ đồng hồ một ông nọ hay một bà kia kể lể con cà con kê, hết chuyện của họ tới chuyện của người. Bạn có điều nóng lòng muốn hỏi thì đành phải nhã nhặn ngồi đợi, chỉ tính chụp được cơ hội là ngắt lời, nhưng bạn mới thốt được một, hai tiếng thì họ đã chẳng cần hiểu bạn muốn nói gì cả, lại tiếp tục nói thao thao bất tuyệt. Một lúc sau, họ ngừng, cầm chén trà, bạn đã mừng thầm, đợi họ uống xong thì hỏi, nhưng chén trà vừa mới kề môi, chưa kịp uống, họ lại đặt xuống và nói nữa. Bạn thất vọng, tỏ vẻ lơ đễnh, không buồn nghe, mà nhìn ra ngoài đường, nhưng mặc, họ vẫn nói, nói mãi, nói hoài, bạn nghe hay không, không cần, miễn bạn ngồi đó là được rồi.

Cũng may là bạn không phải ở chung với họ, nếu ở chung thì bạn sẽ phải nhức óc vì từ sáng đến tối, miệng họ không lúc nào ngừng. Họ rầy con và người làm họ hết điều này đến điều khác: "Sao mày chạy rầm rầm hoài vậy? Sao mày đứng đó? Đứng ngay lên! Sao mày ăn hoài vậy? Sao tao bảo mày không nghe? Đồ làm biếng! Đồ ăn tham! Đồ vô lễ! Đồ ở dơ..."

Các em có ưa hạng người nói nhiều như thế chăng? Chắc chắn là không!

Người nói nhiều, nhất là cướp lời không để người khác nói, không được cảm tình của người chung quanh. Ngoài ra một khi nói nhiều, các em khó tránh điều sai lầm, có hại cho các em. Người ta cho rằng tai họa thường xảy ra từ cửa miệng chúng ta.

Nói nhiều, các em làm cho người nghe bực mình, chán nản, và xa lánh các em.

Các em thân mến,

Muốn được cảm tình của những người xung quanh, các em chớ bao giờ nói luôn miệng, không chịu nghe người khác nói.

Đừng cướp lời, nói ít và biết nghe là nguồn gốc của sự thành công vậy.


Thân mến chào các em        
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG  

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 114, ra ngày 12-11-1973)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>