Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Lời Cho Thầy



Thầy thương của con,

Chắc thầy vẫn nhớ về con, dù mấy năm trời xa cách. Chắc thầy vẫn nhớ Hoài Thu, đứa học trò ngoan ngoãn của thầy ngày xưa.

Thầy ơi!

Con luôn luôn nhớ thầy như in trong óc, con nhớ từng cử chỉ của thầy khi giảng bài, chép bài..., con nhớ từng nét chữ của thầy viết trên bảng đen, nhớ từng dáng đi của thầy. Con thấy, con vẫn thương yêu thấy, một người đáng kính trọng. Chính thầy cũng yêu thương con như đứa con đẻ.

Thầy nhớ không, hồi học lớp sáu, làm bài kiểm tháng đầu tiên của năm học, con được 17, 18 và liên tiếp suốt cả niên học, luôn luôn con được điểm cao. Nhưng, chỉ có môn Anh Văn của thầy là con cố gắng tột bực, chứ mấy môn kia, con lại kém quá kém. Thành thử, con cũng phải đứng hạng hai mươi mấy, chứ không được như lời nguyện của con, không "mót" được cái bảng danh dự hạng 5 nữa.

Thầy nhớ không, cũng từ đó, cả lớp đều bảo con là "con tinh thần" của thầy. Rồi tụi nó bảo thầy "cà nhắc, cà thọt", vì thầy bị tật nguyền.

Tụi nó còn bảo, thầy hay cưng đứa "con tinh thần" của thầy lắm! Mỗi khi làm bài là thầy lại gần giảng hết cho con biết. Nhưng việc này đâu có, thầy đâu có bao giờ dạy riêng mỗi mình con. Luôn luôn thầy giảng chung cho cả lớp kia mà!

Đúng rồi, lâu lắm, tụi nó vẫn ganh ghét con vì thầy cho con nhiều điểm.

Nhưng không, không phải thầy cho con nhiều điểm mà là vì con làm được bài. Nhưng thuở nay, tụi nó đâu có chịu hiểu. Việc gì chúng nó cũng bảo là thầy cưng con, làm bài cho con. Thế rồi có lần thầy khảo bài con, con học thuộc nên thầy phê: "chăm học, đáng khen". Con mừng đến nhẩy cỡn lên được, nhưng cũng vì thế mà chúng bạn lại còn ganh ghét con hơn nữa. Chúng nó hay mỉa mai:

- Không lẽ "bố tinh thần" lại phê "con cưng" là học dở à!

Con biết, thầy không phải là người "thiên vị", không phải thầy thương con mà cho con điểm tốt, phê hay. Thầy rất công minh, bằng chứng là con làm bài được, học thuộc bài kia mà!

Nhưng lại đâu có ai hiểu cho, phải không thầy?

Còn một việc đáng mai mỉa hơn. Hôm đó, thầy bất thần lại gọi học sinh lên khảo bài. Đáng lẽ con không bị kêu lên, nhưng... chỉ tại vì con Dịu cả. Nó ngồi ở đằng sau con, nó không biết đọc Anh Văn, nên khều tay, hỏi nhỏ con:

- Thu ơi! Nước Mỹ đọc là gì?

Con vừa quay xuống, định trả lời thì thầy bắt gặp, nên kêu con lên trả bài.

Kỳ này thì con lại không thuộc bài, thầy hỏi:

- Nước Mỹ là gì?

Con mừng rỡ vì con nhớ chữ nước Mỹ là United States. Nhưng con lại không nhớ cách đọc, con định xin thầy cho con viết lên bảng. Con sợ thầy không cho nên con đành cúi đầu, hơn nữa, đâu phải con nói chuyện, chỉ vì con Dịu nó hỏi bài mà. Con oan ức quá nên không trả lời gì hết. Thầy bảo con về chỗ ngồi và phê: "không chịu đọc bài". Con uất ức giựt phăng cuốn tập nơi tay thầy cầm về chỗ ngồi. Con nhớ đến lời thầy nói: ai không thuộc bài, sẽ bị zérô. Con hình dung ra hai cái trứng vịt to thật to mà thầy sắp cho con. Con quá đau lòng, nên ngồi úp mặt xuống bàn mà khóc.

Thầy biết con khóc nên chưa vội cho zérô, thầy cầm bút đánh dấu vào cuốn sổ để mai mốt kêu trả bài nữa. Thầy an ủi:

- Thầy chua cho zérô đâu mà sợ! Kỳ sau trả bài lần nữa!

Đó, việc đó xẩy ra, càng làm cho chúng bạn ganh ghét thêm. Tụi nó lại mỉa mai, nào là:

- "Bố tinh thần" không cho "trứng" đâu! "Con cưng" đừng sợ! Cứ "mè nheo" hoài!

- Ối giời ơi! "Con cưng" nhõng nhẽo không kìa! Mới có tí xíu là đã "hóc" rồi! Coi chừng ướt hết cả lớp bi chừ!

Thầy thấy không, chúng bạn đâu có chịu hiểu cho thầy, cho con. Tụi nó chỉ nghĩ tới những điều xấu về thầy và con. Đã thế lại làm cho tình bạn xa nhau, ganh ghét nhau, phải không thầy?

Thầy ơi!

Bi chừ con đã xa thầy rồi! Thầy chỉ dạy con niên học đó thì con đã đổi qua lớp khác. Lớp Bảy và Tám con theo tụi bạn. Tụi nó muốn con theo học với tụi nó, tụi nó ghét thầy nên ghi tên lớp khác làm con cũng phải ghi tên theo. Thế rồi chừ lên lớp Chín, con lại đổi sang trường khác, học tương đối khó hơn. Có lần, thầy đi đường gặp con, thầy bảo:

- Chà! Mới ngày nào mà lớn dữ vậy?

Thầy vẫn nhớ đến con đấy chứ! Con không biết sao hơn, chỉ cúi đầu, nói lẩm bẩm: "Chào thầy ạ" rồi vội vàng chạy như bị ma đuổi.

Chừ con nghĩ lại, chắc không bao giờ còn gặp lại thầy và dĩ nhiên, con không bao giờ được học thầy thêm một niên học nào nữa.

Cũng có thể, chả bao giờ tụi bạn con còn nhớ thầy, nhớ con, để rồi nhắc đến mấy danh từ: "bố tinh thần", "con cưng"... nữa.


MẶC LINH HOÀI THU    
(BN Sao Đêm)           

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 159, ra ngày 15-8-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>