Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

Ba Không Cho Đóng Kịch, Buồn Quá!

 

 Thư của em V.D.K. - Đalat:

... Trường em tổ chức một đêm văn nghệ giúp đồng bào tị nạn. Chị trưởng ban cữ em giữ một vai trong vở kịch nòng cốt. Biết ba em khó, không chấp nhận sự ca hát v.v... và lại quan niệm học là phải cắm cúi tối ngày trên bàn, nên sợ không xin được phép, em đã cố từ chối. Nhưng chị ấy không chịu và còn gán cho em tội làm biếng, không có tinh thần hòa đồng với bạn. Em đành phải xin phép mẹ em. Mẹ cho nhưng bảo phải giấu ba. Em đã đi tập được ba buổi sáng chủ nhật, còn chừng hai buổi nữa thì chúng em thành thạo, trình diễn được rồi. Dè đâu, ba biết, ba cấm không cho đi tập tiếp. Bây giờ em nghỉ thì lỡ dở cả, mọi người lại phải cùng với người thay em tập lại từ đầu. Như vậy thì em làm phiền bạn em quá. Họ có thể buồn em. Sao ba không nghĩ đến em và những sự phiền phức của em hở chị? Em buồn chán quá, vào lớp cứ có mặc cảm bị bạn bè bỏ rơi...

Trả lời: Chị hoàn toàn thông cảm với sự buồn phiền của em. Trong lúc mọi người ồn ào náo nhiệt tổ chức buổi văn nghệ làm nghĩa đó, mà em tách hẳn ra ngoài thì em có cảm giác như bị cô lập là đúng rồi. Nhất là em đã từng hòa mình vào với bầu không khí hăng say đó. Nhưng chị mong em sẽ vui vẻ chấp nhận, nhìn sự việc bằng con mắt của ba, em sẽ cảm thông với ba hơn và em sẽ thấy sự vâng lời của mình cũng rất quí.

Theo quan niệm của các cụ xưa: "xướng ca vô loài" các cụ nghĩ thế (vấn đề này chị có phân tách nơi mục Suối Mát số 41). Cho nên các cụ không thích cho con cái mình lại tơ tưởng tới cái vụ hát xướng. Ngoài ra, các cụ nghĩ, sự học là cần thiết, một người học trò chỉ được quyền cắm cúi vào cuốn sách, không có giải trí hay nghĩ tới một vấn đề gì khác, ngoài các vấn đề trong cuốn sách. Ngày nay, chương trình học rất rộng rãi. Sự giáo dục phải được đồng đều về cả trí dục, đức dục, thể dục, ngoài ra lại còn có những phần giải trí, để cho khối óc của thiếu niên được nảy nở đủ mọi khía cạnh, sau ra đời sẽ thành một người quảng bác, tâm hồn phóng khoáng, dễ cảm thông với mọi người hơn. Cho nên, ngay trong chương trình học ngày nay, các em cũng có giờ hoạt động thanh niên, để các em có thể phát triển các khả năng về ca, vũ, nhạc, kịch, trò chơi, vân-vân...

Cái quan niệm "xướng ca vô loài" kể ra là cổ quá, không hợp lý, nhưng nếu nghĩ rằng sự bỏ dở dang vở kịch mà em đang tập là lỗi tại ba thì không đúng em ạ. Em đã biết ba khó, không hy vọng xin phép được, sao em dám giấu mà hành động bừa. Má cũng có một phần trách nhiệm trong sự tiếp tay với em để giấu ba. Em thử tưởng tượng nếu ba không biết sớm, rồi đến hôm em đóng kịch, tình cờ ba vào xem, thấy em đang đóng trên sân khấu, ba sẽ nghĩ sao. Chị nghĩ rằng má và em đã sai lầm hết sức trong vụ này. Đáng lẽ má và em phải trình bày với ba về sự đàng hoàng trong công việc tập và diễn kịch để làm nghĩa, nếu cần thì mời ba tới chứng kiến vài buổi tập. Còn nếu ba nhất định không chịu thì em không làm nữa. Vì con, cha mẹ làm tất cả mọi sự khổ nhọc, con nỡ trái lời cha mẹ một việc đó hay sao?

Chị ước mong em sẽ hiểu lòng ba mà thông cảm với ba, tất nhiên là ba cũng theo xưa quá nếu quan niệm xướng ca vô loài, nhưng biết đâu cũng tại em đã mất thì giờ quá trong những vụ tập tành về diễn kịch, ba sợ cản trở sự học, chứ cũng không phải ba khinh chê gì sự ca hát. Dù sao, chị mong nếu có một ngày văn nghệ làm nghĩa khác, má sẽ trổ tài thuyết phục, ba má sẽ cho phép em tham dự, ba má sẽ tới coi con gái tập kịch, với lòng hãnh diện rằng con mình vừa học giỏi (cần nhất là phải học giỏi đã) vừa tài hoa, lại vừa có lòng, muốn giúp ích cho xã hội, em ạ.


Chị Đỗ Phương Khanh      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 65, ra ngày 19-11-1972)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>