Tử thần lảng vảng như khiêu
khích trên sa mạc Arizona.
Ban ngày, khi mặt trời soi sáng khắp sa mạc, tên hảo hán ẩn mình kín đáo trong
gốc những bụi cây, dưới những tảng đá hay dưới lớp cát nóng bỏng. Chỉ đến lúc
chị Hằng hiện đến thay thế bác Thái Dương nằm nghỉ ở phương Đoài, tên hảo hán
đáng sợ ấy mới chịu xuất đầu lộ diện. Người ta vẫn gọi hắn là bò cạp. Bò cạp,
đọc tên đã thấy ngay hình ảnh của hắn, một tên săn đêm man rợ. Nạn nhân nào bị
đôi càng to khỏe của hắn chộp lấy là kể như rồi đời. Bữa ăn tối của hắn tuy trễ
nhưng thịnh soạn, từ gián dế, sâu bướm cho tới các loại thằn lằn. Nếu con mồi
gắng gượng chống trả, tức thì chiếc đuôi nhọn của hắn đét mạnh về phía trước và
hắn giết chết nạn nhân bằng nọc độc.
Có đến 700 loại bò cạp sống
rải rác khắp thế giới, thuộc lớp Nhện (Arachnida) [lớp này thuộc ngành
Arthropoda và gồm vài loại tiêu biểu là Bò cạp, Nhện vườn và Ve ghẻ]. Lịch sử
loài bò cạp đã khởi sự cách nay 400 triệu năm.
Tùy loại, bò cạp có từ 2 –
12 mắt, nhưng bò cạp không mấy tinh nhuệ về thị giác. Các khoa học gia cho rằng
chúng chỉ phân biệt được sáng và tối. Tuy nhiên, thay thế cho thị giác yếu kém,
trời đã phú cho bò cạp nhiều giác quan khác bén nhậy hơn giúp bò cạp trở thành
tên hảo hán kiêu hùng trên sa mạc. Những sợi lông nhậy cảm trên cặp càng và
trên mặt bụng giúp bò cạp phát giác được từng động tĩnh nhẹ nhàng chung quanh
nó.
Mặc dầu nhiều người nghĩ
rằng bò cạp là sinh vật sống nhiều ở miền nhiệt đới, một số cũng sinh sống ở
những vùng cao và lạnh như dãy Atlas miền Bắc Phi. Chúng cũng đóng sào huyệt
tại sa mạc và những vùng rừng rậm.
Đầm lầy Salt River phía Đông
thủ phủ Phoenix của tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ là sào huyệt của một loại bò
cạp nguy hiểm nhất Bắc Mỹ. Đó là loại Centruroides
Sculpturatus. Một loại khác kém nguy hiểm hơn nhưng kiêu hùng hơn là Hadrurus Arizonesis. Nọc độc của loại
này gây nên những vết sưng như vết ong chích, còn loại trên có thể khiến nạn
nhân chết được. Nọc độc lan ra rất nhanh khắp các mô của cơ thể, tác dụng mãnh
liệt trên các dây thần kinh và cả tim, tạo nên tình trạng động kinh, quắp tay
chân và tình trạng khó thở. Tên sát nhân tuy nhỏ bé, chỉ từ 2 – 4 cm nhưng đã
khiến nhiều người thiệt mạng.
Trường hợp rủi ro xảy ra tai
nạn, nạn nhân phải dùng ngay thuốc giải độc. Hiện nay đã có huyết thanh chống
nọc độc của bò cạp rất hiệu nghiệm.
Nhưng dù thuốc nào và hiệu
quả đến đâu chăng nữa, tốt nhất là tránh vượt sa mạc sau khi màn đêm bao phủ.
Ban ngày, sa mạc có vẻ bình thản, yên lành và vắng vẻ thật đấy nhưng khi đêm đã
xuống, sa mạc trở thành một bãi chiến trường man dại. Trong vòng chiến có cả
rắn, rết, nhện, bò cạp và nhiều vật ăn đêm khác. Vũ khí gồm có những chiếc răng
bén nhọn, những cặp càng to khỏe và chiếc đuôi chứa nọc độc của bò cạp. Cuộc
chiến diễn ra thật anh dũng và mục tiêu cuối cùng không gì khác hơn là sự sống.
PHẤT MỤC NHÂN NGHỊ
Phụ chú của hình trên:
Đây là hình ảnh loại bò cạp có lông Hadrurus Arizonesis. Tên hảo hán sửa soạn ăn thịt con mồi. Chiếc đuôi cong lên sẵn sàng
đập mạnh vào địch thủ để tiêm nọc độc nếu cần.
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 230, ra ngày 1-1-1975)