Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

CHƯƠNG I_LƯỚI TRỜI


CHƯƠNG I


Nom dáng bộ San, dân làng Vệ biết ngay anh không phải gốc gác nông dân. Song không vì vậy mà họ ghét anh, sở dĩ họ ác cảm với anh nhiều ít là vì thái độ dè dặt, khép kín quá đáng của anh mà ra, thêm nữa, anh sinh nhai bằng cái nghề kỳ quặc : nghề dệt vải.

Thời bấy giờ nghề dệt còn là một nghề lạ lùng mới mẻ có phần kỳ bí… tóm lại, đó là một nghề – theo dân chúng vùng này – của hạng người có thể trò chuyện với kẻ khuất mặt, với các hồn ma! Nếu không có bùa phép như bọn phù thủy ghê gớm, ít ra hạng thợ dệt cũng đã được sự hỗ trợ bí mật của một thứ thần quyền chi đó.

Thật là một sự trùng hợp vô tình : San sống cô độc, trơ trọi một mình không vợ, không con, không cả một con chó giữ nhà, thiếu nốt con gà gáy sáng. Nếu không phải là một thứ người khác thường thì vì cớ gì anh ta chịu sống lẻ loi như thế chứ? Há đó không phải là nếp sống của kẻ chuyên giao thiệp với các hồn ma, bóng quỉ lúc đêm vắng, trăng tà sao? Ai còn lạ gì mà không biết tiếng chó sủa, gà gáy vốn làm cho ma quái bực mình, khó chịu?! Đến như cái lối chọn chỗ ở lại càng đặc biệt : không thèm ở chỗ dân cư đông đúc mà chọn ngay một khu vực vắng vẻ, trái đường, gần một hầm đá bỏ hoang lâu ngày ít người qua lại. Nhất định là anh ta muốn tránh những cặp mắt dòm ngó tò mò của dân làng.

Chao ơi! Dù là anh ta đã chọn chỗ xa làng biệt lập như thế, mà những đêm khuya thanh vắng tiếng khung cửi của anh ta rên lên kẽo kẹt cũng đủ làm cho những kẻ yếu bóng vía giật mình, còn bọn trẻ con thì khỏi nói : chúng co rúm lại, kéo chăn che kín tận cằm.

Vài đứa trẻ có tiếng là đầu bò, đầu bướu nhất, đôi khi rủ nhau mon men lại gần nhà anh ta, ghé mắt qua cửa sổ dòm vào, tuy chả thấy gì khả nghi song mỗi lần bắt gặp anh ta vô tình ngưng dệt nhìn ra, chúng cũng kinh hoàng, ù chạy không quay lại. Bởi vì, khi anh ta ngưng dệt thì cái nhịp điệu kẽo kẹt ngưng theo, không gian bỗng trở thành đe dọa, vì thứ im lặng vô cùng bí mật.

San vốn mắt kém, ít khi trông rõ người hay vật ở xa, bụi cây anh ngỡ là người và ngược lại (bởi thời đó khoa học chưa phát minh ra kính cận thị để giúp đỡ các cặp mắt kém như bây giờ) Lại kém cả xã giao, có khi chạm mặt một người, anh ta cũng không thèm chào hỏi; để làm gì chứ, cái lối xã giao vô ích, chỉ phí thì giờ! Ngừng làm việc để nói chuyện với một người lớn hay vuốt ve đứa trẻ đối với San là một việc thừa. Vì vậy, không ai muốn lui tới nhà San cũng như San không lui tới nhà ai, trừ khi có việc cần thiết, trao đổi, mua bán giữa đôi bên.

Với nữ giới, San càng giữ kẽ. Tóm lại anh không muốn giây vào với bất cứ một ai. Dân làng, nhất là những kẻ rông dài, rỗi rãi ưa tụm nhau tại quán rượu xầm xì bàn tán về anh, họ thêu dệt ra vô số truyện mơ hồ, huyền hoặc, song San không chút quan tâm, không có ý cải chính hay làm sáng tỏ với xung quanh về tung tích của mình.

Thực ra, San ngấy lên tận cổ, không hề có ý muốn chung đụng với loài người. Khi bỏ xứ ra đi, anh đã quyết tâm tim đến một chỗ thâm sơn cùng cốc để làm bạn với cỏ cây, trăng gió. Nào ngờ đâu, khi đến làng Vệ trọ qua đêm, anh lại đâm thích phong cảnh nơi này, anh cảm thấy đây là chỗ dung thân được, kể từ đây và tin rằng không ai làm khổ mình như trước nữa.

Cao và gầy, da trắng mát, cái nhìn dè dặt, chân tay khẳng khiu, khó mà thiện cảm được với một người dáng dấp như anh. Nghề nghiệp thì thế, bề ngoài thì thế, San còn có một cố tật là hay ngất đi, trong giây lát bất cứ lúc nào rồi tỉnh lại như không. Không hiểu anh ta có ngất đi mỗi ngày không, nhưng cứ theo lời Dân, một nông dân trong làng kể lại thì hắn đã gặp San hai bận từ khi San đến ngụ trong làng, mà cả hai lần ấy, anh ta đều ngất đi mươi phút. Giọng đầy kinh sợ, Dân nói với bạn bè:

- Một bữa đi hái củi về, tôi nom thấy anh ta đang đứng tựa vào hàng rào như thể người ngắm cảnh, khi đi ngang mặt, tôi cất tiếng chào anh ta thì không nghe trả lời, cũng không quay đầu lại, tôi hồ nghi, nhìn thẳng vào mặt anh ta thấy mắt trợn trừng, miệng ngậm kín, bất động như cái xác, tôi ngỡ anh ta chết… vội vàng vứt củi xuống lay gọi. Cỡ năm phút sau anh ta tỉnh lại, ngơ ngác nhìn tôi; tôi hỏi gì cũng không nói, khật khừ như bị ma làm, quay lưng đi thẳng vô nhà. Một lần nữa, tôi đi gặt về, đang…

- Thế nghĩa là mỗi ngày anh ta mỗi ngất đi như thế, hẳn?

- Tôi không cả quyết thế, làm sao tôi gặp được anh ta mỗi ngày?

- Lạ nhỉ? Khó hiểu nhỉ?

- Có gì mà khó hiểu? Những lúc hắn ngất đi như thế nghĩa là hồn hắn thoát xác, đi nói chuyện với cõi âm đấy. Lúc ấy mà lấy sơn, lấy vôi hay lọ quệt lên mặt hắn, thì khi hồn về, hồn hắn sẽ không nhập vô xác và hắn ngoẻo luôn ngay.

Một người táo bạo bảo cả bọn làm theo đề nghị trên, nhưng vài người ngăn lại : thử để xem, vì hiện tuy có vẻ khả nghi, San chưa hành động gì đáng trách, đang không dưng mà giết người ta há không sợ mang tội với bề trên sao?

Như thế, ngờ vực thì có ngờ vực, nhưng họ vẫn để San được yên thân, vẫn mua vải của San vì anh dệt vải đẹp, giá cả phải chăng so với vải của bọn hàng rong từ xa đem đến.

Không có gì khả dĩ có thể kết tội anh là kẻ bất lương hay có liên hệ với loài ma quỉ.

Năm tháng dần qua…

*

Mười mấy năm ròng, San trú ngụ tại làng Vệ. Sự giao thiệp giữa bác ta và dân làng không có gì đáng kể, ngoài sự mua bán, trao đổi phẩm vật cần thiết giữa đôi bên. Khi thì bác bán vải cho dân làng, khi thì xuống phố chợ để mua sắm thực phẩm thiết dụng.

San vẫn sống đơn độc, khép kín, cuộc sống không tình cảm.

Một hôm do sự tình cờ, bác San có dịp chứng tỏ cho mọi người thấy bác cũng có một trái tim biết rung động như… ai : số là bác đến nhà ông thợ giày để sửa đôi giày há mõm từ lâu. Trong khi chờ đợi chủ nhân làm việc bác chợt thấy bà vợ ông ta lên cơn đau tim trông thật thảm. Ban đầu, bác không mấy quan tâm, nhưng một lúc sau, bác không thể làm ngơ được, dù bác vốn không mấy ưa phái nữ. Nhìn bà ta nhăn nhó, chống cự với cơn đau một cách yếu ớt, khổ sở, bác chạnh nhớ đến mẹ mình, bà cụ xưa kia cũng mang chứng đau tim ác hại đó : may nhờ một người miền Thượng bày cho phương thuốc nam rẻ tiền mà chứng bệnh quái ác giảm dần rồi dứt hẳn ít lâu sau.

Bác San nói với ông thợ giày:

- Mẹ tôi trước kia cũng đồng bệnh với bà, tôi có thể cho bà một thứ lá, tôi không dám hứa chắc nhưng may ra… Mẹ tôi hồi ấy cũng không bác sĩ nào trị nổi được bệnh tim…

Ông thợ giày không mấy tin tưởng vào lời của bác thợ dệt song thói đời “đau chân há miệng”, ông ta cảm ơn lia lịa và vài giờ sau, khi bác San đem mớ lá mọc hoang lại, bảo ông cách sắc lên cho vợ uống, ông ta vội làm theo, với ý định cầu may.

Bất ngờ làm sao, thứ lá kia xem chừng vô giá trị mà lại công hiệu rõ ràng. Chao ơi! Một gã thợ dệt tông tích rất mù mờ nhưng lại có tài chữa bệnh đau tim, qua mặt bác sĩ Kim cái vù còn hơn là gã tài xế xe đò dám qua mặt xe vận tải mà không thèm bóp còi báo hiệu!

Bắt đấu từ ấy, dân làng không còn khinh thường bác, họ có chút thiện cảm nhưng chuyện ngờ vực bác có quen biết với thần linh thì vẫn cứ ngờ…

Một số các bà mẹ đem con đến xin bác thuốc. Lác đác có cả đàn ông. Bác San giúp đỡ họ nhưng không có thái độ niềm nở mấy. Một số người mang tiền đến trả công cho bác, nhưng đến lúc có người ngỏ ý muốn mua bùa chú của bác để trấn ếm tà ma thì bác San bỗng đùng đùng nổi giận, quát tháo đuổi họ về ngay.

Thật ra, bác San rất thích tiền, ngoài tiền ra, bác không để ý đến gì khác. Song tiền do công lao dệt vải thì bác thích, còn giúp đỡ kẻ nghèo mang bệnh bằng vài lá cây, ngọn cỏ mọc hoang mà lấy công thì với bác quả thực không đáng chút nào. Hơn thế, điều làm bác tức giận nhất là dân làng đã coi bác như một thứ phù thủy có bùa phép, thứ người bí mật giao thiệp với cõi âm, một thứ ma quỉ trá hình người.

Câu chuyện đó, không bao lâu cả làng đều biết rõ và người ta thưa đến cầu cứu khi đau ốm, riêng chuyện xin bùa, mua chú thì chấm dứt luôn. Không được toại nguyện, một số người đâm ra giận dữ, vì bác đã từ chối đem quyền phép ra giúp đỡ họ như lời họ van nài. Một số khác trở lại khinh thường bác vì họ cho là bác chẳng qua cũng như họ, không có bùa chú cao siêu chi.

*

Tiền bạc và vàng của bác San tích lũy ngày càng nhiều thêm, vì bác thu vào thì nhiều, chi ra lại ít, quá ít, so với số thu. San ta ăn uống tiện tặn, tiêu pha dè xẻn, tính toán từng đồng.

Bác tự tay khâu một cái bao da đen, có giải rút để đựng số tiền và vàng kia, lại cạy vài viên gạch ngay dưới khung dệt, đào sâu phía dưới đoạn chôn bao xuống; xong đâu đấy bác đặt gạch lại vị trí cũ và rắc cát lên lấp kín các khe hở ở bìa gạch. Bác xoa tay đắc ý vì không còn chỗ nào kín đáo hơn mà lại dễ trông chừng hơn.

Dăm ba hôm, bác lại giở gạch lên, nhấc cái bao ra, đổ ập lên mặt bàn ngắm nghía. Chao ơi là đẹp! Chao ơi là mê! Những đồng vàng trộn lẫn với những đồng bạc, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua khung cửa sổ trên cao! Luôn luôn trong đống vàng bạc đó, tiền vàng nhiều hơn là bạc, vì một lẽ giản dị : bác chỉ dùng những đồng bạc, và là những đồng bạc nhỏ nhất để tiêu pha. Vàng nhiều hơn do bác bán vải được giá và bác cũng không mấy khi phải dùng đồng vàng để mua sắm vật gì.

Bác San thích vàng nhất. Bác vùi tay vào đống vàng đó, thích thú lặng lẽ nghe cái cảm giác lạnh rợi của các đồng vàng đồng bạc ngấm dần vào đôi bàn tay, qua lớp da chai ngắt vì đưa thoi, xe chỉ. Rồi bác xếp lại thành từng chồng, đồng lớn theo đồng lớn, đồng nhỏ theo đồng nhỏ, vàng riêng, bạc riêng, đoạn đếm. Tay mân mê những đồng tiền tròn trĩnh, vô tri, mắt âu yếm ngắm nhìn say sưa, mê mải như người mẹ ngắm đàn con hiền ngoan, bụ bẫm của mình! Chao! Bác ngắm nhìn không hề biết chán bao giờ!

Rồi đây, bác San ngẫm nghĩ – ta sẽ còn có thêm nhiều vàng, nhiều nữa với nghề dệt của ta, không sợ ai cạnh tranh, chèn ép, ta sẽ lựa hết những đồng bạc dù lớn, dù nhỏ, để riêng ra trong một bao khác, bao này sẽ chỉ đựng tuyền vàng… Vàng! Đẹp hơn mặt nhật lúc bình minh, đẹp hơn cả vầng trăng đêm giữa tháng! Ấm áp hơn bếp lửa chiều đông! Rực rỡ hơn những cánh hoa xuân nhiều mầu sắc! Vàng! Không kêu khóc mè nheo, không gây phiền phức như trẻ con, không man trá như phụ nữ, không phản bội như… Bác San hai tay bưng lấy đầu, lắc lắc tiếp mấy cái, cố ý xua đuổi hình ảnh dĩ vãng của mười sáu năm qua. Bác không muốn nhớ gì cả.

Hiện tại bác có vàng, thế không là đủ, quá đủ với bác sao?

Hiện tại ai hơn bác? Ừ! Thử nghĩ xem ai hơn bác tại làng này? Rõ ràng là không, không ai có nhiều vàng hơn bác. Ông phú hộ Cẩm có thể giàu đấy, nhưng chưa chắc, ông có nhiều đất ruộng đúng hơn. Mà đất ruộng thì chao ơi! Phải săn sóc ngày ngày, nhọc quá! Ruộng vườn mà không lo phân phóng, chăm sóc hả? Thì có mà sạt nghiệp. Chớ vàng thì… thì nhất trên thế gian này!

Chao! Giá có mẹ bác đây? Giá bà không chết? Giá có em bác đây? Ước gì nó không yểu mệnh năm xưa…

Đó, hai người thân yêu của bác, hai người mà bác thực lòng ao ước được chia xẻ sự sung sướng, niềm vui. Hai người đó mà còn thì bác sẽ đổ vàng ra cho họ, nhưng họ đã chết, họ nằm yên dưới đất, thịt da tan rã mục nát từ lâu.

Bây giờ đây, không, không ai cả, không ai đáng để cho bác chia xẻ số vàng kia. Không! Nó là của bác, của một mình bác mà thôi. Hừ! Ông phú hộ Cẩm! Chưa chắc ông ta giàu bằng bác, sung sướng bằng bác, đầy đủ bằng bác, ha! Phú hộ! Mùi gì… Mấy thằng con hư đốn của lão sẽ phá hết sản nghiệp cho mà xem, bác biết. Không ai hơn bác.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>