Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

CHƯƠNG VI_LƯỚI TRỜI


CHƯƠNG VI


Vụ trộm nhà bác thợ dệt làm xôn xao dư luận trong làng. Chỗ nào, lúc nào người ta cũng bàn tán đến tình cảnh khốn đốn của bác ta, người ta tỏ ra thương hại bác ta và phẫn nộ đối với kẻ gian. Nhưng không vì thế mà kẻ gian xuất đầu lộ diện, kể từ tối hôm đó, kẻ gian lẫn vào bóng tối, biến mất luôn..


Bây giờ là lúc nhà chức trách thi hành phận sự. Cán cân công lý ở nơi đèo heo hút gió này rất hiếm khi được sử dụng, giờ đã có cơ hội! Cũng là dịp cho những kẻ có óc trinh thám trổ tài : cùng với nhà chức trách, họ đi lùng vết tích tên gian. Khổ nỗi : mưa to đêm ấy nên mọi dấu tích đều bị mưa xóa hết.

Sau, có người đề nghị nên đến hầm đá mà tìm, may ra. Quả vậy, gần hầm đá người ta bắt gặp một cái hộp đựng đá lửa lẫn trong bùn. Mọi người đều quả quyết cái hộp này có liên hệ với tên trộm nhà bác thợ dệt, mà anh hàng rong thì lại cũng liên hệ đến hộp đá lửa : anh ta có bán cả thứ này. Hương lý, hội đồng xã hợp với cảnh sát điều tra tỉ mỉ thì được biết thêm : cách đó hai tuần, anh hàng rong có tạt vào quán Ngàn sao uống vài cốc.

Một người nhắc lại lời mình đã nói:

- Thằng cha ấy có cái nhìn gian lắm!

Và chỉ có thế thôi, ngoài ra không có gì hơn. Không có một chi tiết gì rõ ràng khả dĩ có thể kết tội một ai. Một vài người thì thào có vẻ bí mật – có điều dáng bộ họ thì bí mật, quan trọng song lời lẽ họ chả có gì đáng gọi là bí mật, quan trọng. Cái mới rầy.

Nhà chức trách đòi khổ chủ đến, hỏi về tên hàng rong thì bác San trả lời:

- Vâng, gã ta có đến nhà tôi, nhưng mời tôi không được, gã đi liền.

- Đích thị! Đích thị!

Hai ba tiếng xì xào nổi lên. Nhà chức trách không dễ tin như thế, nhà chức trách có thể nghi nếu khổ chủ nghi kìa, nhà chức trách hỏi vặn:

- Bác San, hãy trả lời thật thà : nhân danh pháp luật ta hỏi bác, bác có nghi cho gã hàng rong không? Cứ thực tình nói ngay, pháp luật đứng về phía người lương thiện, về phía bác, đừng sợ gì cả. Phải giúp chúng tôi tìm ra thủ phạm…

Mặc dù là đại diện nhà nước có những lời lẽ hùng hồn, hay ho như vậy, nhưng bác San khó mà quên được cái tát nẩy đom đóm mắt do Dân tặng mình đêm xẩy ra vụ trộm, và gã hàng rong là người đứng hàng thứ hai – sau Dân – bác có hơi nghi nghi, bác vẫn trả lời giọng ỉu xìu như bánh đa ngâm nước:

- Thưa, tôi không dám nghi ai cả, mất của thì đi thưa, thế thôi.

Nhà chức trách bực mình:

- Trả lời thế không được! Ta hỏi bác có nghi hay không chứ không có chuyện dám nghi. Bác làm mất thì giờ thêm…

Bác San gãi đầu gãi tai:

- Thưa, tôi cũng chả biết nói sao…

- Gã hàng rong có vào nhà bác và ngồi lâu không? Có vẻ dòm ngó chi chăng?

- Thưa không, tôi nhớ rõ ràng anh ta chỉ đứng ngoài mời một câu, tôi lắc đầu là anh ta đi liền. Anh ta cũng không có vẻ dòm ngó chi cả, nom anh ta vội lắm, vì lúc ấy trời sắp đổ mưa.

Một người vụt góp ý:

- Thưa, tôi nghĩ rằng ngài nên tiến hành cuộc điều tra về gã hàng rong, không tin lời bác San được, mắt bác ấy kém lắm, gã hàng rong có dòm ngó bác cũng chẳng biết nổi.

Một người nữa, nặng óc địa phương nhất làng, nói thêm:

- Làng Vệ ta xưa nay lương thiện có tiếng, nếu không tìm ra thủ phạm thì tôi e mất mặt với thiên hạ. Tôi thì tôi chắc gã hàng rong chứ không ai khác vô đây. Tôi mà đoán sai thì tôi xin cuốn gói, bỏ làng đi xứ khác làm ăn.

*

Thế là nhà chức trách có mục tiêu để theo đuổi, thi hành phận sự : gã hàng rong tung tích rất mù mờ được chú ý từ sau câu chuyện. Cũng chẳng dễ dàng gì : gã quê quán chỗ nào không ai biết, tên không biết, tuổi không biết, nhà cửa cũng không biết, tóc thì đen, da sâm sẩm, không có hình dáng đặc biệt, hai tay hai chân nguyên vẹn, giọng nói cũng thường thường, không què quặt, không ngọng nghịu. Chao ôi! Mà cái nghề hàng rong thì có rất nhiều người làm. Những món của họ bán đều rất giống nhau : đồ trang sức lặt vặt, kim may , kéo, dao cạo, cúc áo v.v… giọng rao hàng giống nhau ở chỗ lanh lảnh kéo dài rồi tắt mất khi họ đi xa. Chuyện đâu phải dễ dàng gì?

Tóm lại, chỉ bác thợ dệt là thiệt thòi trong vụ này. Bác đau đớn không thể tả. Khung cửi, chỉ vải, thoi suốt thì còn trơ ra đấy, vàng bạc, thứ quí nhất thì bị cuỗm mất tăm, biết bao giờ, biết bao giờ nữa, bác San mới có cái thú được sờ đến những đồng vàng? Biết bao giờ bác mới kiếm ra được ngần ấy vàng, vàng lóng lánh rực rỡ, xinh đẹp hơn mọi thứ trên đời…

Vẫn hay rằng bác không thể nhất đán bỏ nghề, mà bỏ nghề thì lấy gì sống? Nhưng sau tai nạn tày trời đó, bác làm việc một cách cầm chừng, không hứng thú, say sưa như lúc trước. Còn có gì để nâng đỡ tinh thần bác nữa, còn gì để làm bác hăng say nữa, kia chứ? Bác nản hết sức là nản, có khi ngủ gục trên khung cửi, một phần vì cả đêm mất ngủ tư tưởng nhớ tới số vàng không cánh mà bay, nhưng phần chính là vì bác buồn bã quá.

Ngồi dệt, thỉnh thoảng bác lại kêu lên những tiếng vô nghĩa, khi thì bác thì thầm như thể bị ma làm. Nhiều đêm bác không đủ can đảm lên giường, cứ ngồi lặng thâu canh, một mình, một bóng bên ngọn lửa leo lét cháy, hai tay bưng đầu, rên rỉ, lầm bầm.

Nhưng trên đời hễ có rủi thì có may : sau vụ trộm, mọi người đâm ra thương mến bác. Vì cứ cung cách bác xử sự sau đó, ai cũng biết bác thực thà chứ không quỉ quyệt như họ vẫn ngờ. Có thể là bác còn ngờ nghệch nữa là khác. Chứ không ư? Không ngờ nghệch ai lại vô ý để mất của dễ dàng thế bao giờ?

Do lẽ đó, mọi người đều tỏ ra sốt sắng, niềm nở đối với bác thợ dệt vận đen. Mỗi người có một cách đối xử riêng với bác : kẻ an ủi bằng lời nói, người thì giúp đỡ bằng hành động. Họ đến tận nhà trò chuyện, hỏi han, họ mang thức ăn đến biếu bác.

Trong số những người cảm tình với bác, có một góa phụ : bà Vinh. Bà là người tốt bụng đối với tất cả dân làng, tuy phải cái nghèo. Lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ xung quanh khi ai cần đến. Chỗ nào ma chay, đau ốm là có mặt bà. Hình như trời sinh bà ra là để an ủi, giúp đỡ kẻ đơn côi, quan quả, khổ đau. Nét mặt phúc hậu, giọng nói dịu dàng, cái nhìn ấm áp. Các con lớn đã ra riêng, bà Vinh chỉ còn đứa con trai út, thằng bé tên Quang, mới lên tám, mặt mũi sáng sủa không hay nghịch  phá như các trẻ cùng trang lứa.

Một hôm vào chiều chúa nhật, mẹ con dắt nhau đến nhà bác San thăm, cắp theo một cái rổ bên trong đựng hai chiếc bánh vàng ngậy, ngon lành. Quang không mấy thích đến nhà bác thợ dệt mặt mũi xấu xí, nhất là chợt nhớ đến tiếng khung cửi rên kẽo kẹt của bác ta. Song không bằng lòng vẫn phải bằng mặt vì mẹ cậu tuy hiền lành đấy nhưng rất cương quyết, khi cần.

Bác San không mấy niềm nở khi tiếp khách, bác chỉ nói khi khách hỏi và trả lời gióng một. Bà Vinh như tuồng không để ý đến thái độ bất lịch sự của gia chủ.

Một chốc sau, bà giờ cái khăn trắng tinh đậy rổ ra:

- Bác San ạ, nhân mấy con gà mái bên tôi đẻ trứng mà không ấp, tôi làm ít bánh sang biếu bác, cho vui.

Bác thợ dệt lúng túng cảm ơn khách, nhận bánh và ghé mắt sát vào nhìn kỹ làm thằng bé hết sức lạ lùng, vì nó không ngờ bác ta kém mắt.

Câu chuyện giữa chủ và khách tiếp tục một cách rời rạc và tận lúc ấy, bác chủ nhà mới để ý đến chú khách nhỏ bé của mình. Bác gọi nó đến gần đưa cho nó một mẩu bánh. Đó là cách làm quen dễ chịu nhất đối với trẻ con. Quang ta, từ nãy giờ dè dặt, thập thò sau lưng mẹ, đưa mắt nhìn quanh, bấy giờ trở thành bạo dạn hơn một tí, nhưng tuy thèm đấy, nó vẫn đứng nguyên một chỗ, dụi đầu vào ngực mẹ, chưa dám đón lấy mẩu bánh thơm lừng.

Người mẹ xoa đầu con:

- Kìa Quang, bác đã cho, nhận và cảm ơn bác đi, nào!

Và bà thoáng nghĩ : tội nghiệp bác ấy, ra vào lên xuống thui thủi có một mình.

Quang đã lấy mẩu bánh, cảm ơn và nhai nhồm nhoàm.

- Cháu hát hay lắm kia, bác San ạ! Để cháu quen với bác, tôi bảo nó hát cho bác nghe.

Quang hát như chim, bất cứ lúc nào, nhưng mới hội diện với ông thợ dệt mà mẹ đã phô tài nó ra. Làm nó ngượng quá đi mất, lại lùi lại, nấp vào ngực mẹ, bà Vinh cười, khuyến khích:

- Con trai gì lại xấu hổ? Phải bạo lên chứ. Nào, con hát cho bác San nghe một bài đi. Chóng ngoan! Mẹ yêu nào! Một! Hai! Ba!... Đừng để bác chờ lâu

Thật là trúng tủ nhé! Quang không có sợ thi thố tài năng trước mặt bác thợ dệt, nhưng cậu bé còn giả vờ e lệ, đưa tay dụi mắt, đoạn nhìn chăm chẳm vào bác San, ý chừng để dò xét coi bác ta có thích nghe mình hát không đã rồi mới trổ tài. Nó còn cẩn thận hỏi:

- Con hát bài gì cơ?

- Bài gì cũng được. Bài gì con thích thì con hát. Bài Con voi

- Không! Con hát bài Bướm vàng, nhé? Mẹ nhé?

- Được, con cứ hát bài Bướm vàng.

Thế là Quang ta trao mẩu bánh còn lại nhờ mẹ cầm hộ, tiến lên một bước cất giọng hát bài Bướm vàng. Cậu nghẽo đầu, giang hai cánh tay, ve vẫy như hai cánh bướm khi đến đoạn : xòe đôi cánh làm mẹ cậu và ông chủ nhà đến bật cười. Thật hiếm khi bác San cười, nhất là sau cái đêm tên trộm bất nhân viếng nhà bác đến nay.

Bà Vinh hài lòng lắm, vì bà cho rằng đó là cách hay nhất để giúp người đàn ông đáng thương khuây khỏa nỗi lòng.

Bác San thì không biết làm cách gì để cảm ơn cậu bé, ngoài cách bẻ thêm cho nó mẩu bánh nữa. Bà Vinh kêu lên:

- Ấy, thôi chứ, bác cho nó hết bây giờ. Ở nhà vẫn còn đấy, bác ạ.

Và bà bảo con:

- Quang, con chào bác rồi về kẻo tối rồi. Hôm khác mẹ lại dắt con đến thăm bác và hát cho bác nghe.

Bác San nắm tay cậu bé đưa ra cửa. Bà Vinh quay lại, ân cần:

- Này bác San, khi nào bác có gì cần, cứ cho tôi hay…

- Cảm ơn bà, chắc không…

- Khi nào bác đau ốm hay cần khâu vá ấy mà. Bác là đàn ông, đơn chiếc… tôi rảnh lắm kia. Tôi có thể giúp bác, người ta phải tương trợ là thường chứ, bác chớ ngại.

Chủ nhà lại một lần nữa, lúng túng cảm ơn khách, song khi bà Vinh khuất dạng, bác San không ngăn được tiếng thở phào nhẹ nhõm trong lòng.

Gần giáng sinh, bà Vinh lại cùng con đến thăm bác San, đem theo ít thịt, khoai và hoa quả. Bà biết là bác không thích đến nhà ai.

Quả thế, dù mọi người có vẻ thân thiện đối với bác, nhưng đâu có ai thực sư chia sẻ nỗi buồn phiền mà bác riêng mang? Có nhiều người ân cần đến tận nhà mới bác giáng sinh đến chung vui với họ, song bác một mực từ chối, không nhận lời ai.

Thui thủi một mình, bác mang thịt ra nấu nướng, dọn lên ăn, lòng buồn bã, nuốt gần như không xuống.

Rồi bác ra trước cửa nhìn trời. Những cuộn mây xám trôi chậm trên nền trời âm u nom cũng buồn bã như lòng bác lúc bấy giờ. Nước mưa ngập hầm đá, tuyết rơi càng lúc càng dày.

Bác San ủ rũ quay vào, không cài cửa sổ cũng chẳng buồn đóng cửa lớn. Bây giờ còn gìn giữ, kín đáo làm chi nữa chứ? Bác cầu nhầu thầm.

Hai tay ôm đầu, nước mắt rưng rưng, bác ngồi như thế cho đến khi lửa tàn, nến tắt không buồn châm đốt.

*

Trong lúc đó, tại các nhà có máu mặt trong làng Vệ, người ta lễ rất trọng thể. Nhất là nhà ông Cẩm, người hào phú nhất làng : ông ta mở tiệc mời đông đủ bà con, láng giềng và không quên mời gia đình người con gái mà con trai ông ngấp nghé.

Tuy vắng mặt Phát, không ai tỏ vẻ trông mong, nhớ tiếc. Tiếng trò chuyện, tiếng cốc tách, dao muỗng va chạm nhau lanh canh, lóc cóc vui tai. Mọi người đều hài lòng và không khỏi ngầm ao ước được như ông Cẩm.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>