Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

CHƯƠNG 2_MÂY TRÊN ĐỈNH NÚI


2


Sáng nay em vào lớp muộn, con Nguyệt Hồng gọi em ơi ới:

- Xuân Sơn, Xuân Sơn.

Em quay lại:

- Chi rứa mi ?

Nhưng cô Thục đã bước vào lớp. Nguyệt Hồng nói nhỏ:

- Để ra chơi tao kể chuyện ni cho mi nghe hay lắm.

Em nao nức suốt hai giờ học. Nguyệt Hồng cầm tay em kéo nhanh ra khỏi lớp ngay khi trống vừa điểm giờ chơi.

- Xuân Sơn nì, chủ nhật ni chị Hương tao tổ chứa làm bánh đó. Mi vẫn thường muốn tập làm bánh “su crème” phải không ? Nhớ đến chị Hương dạy cho.

Thật trúng ý em nếu Nguyệt Hồng cho em biết tin này ngay sáng thứ bảy vừa qua. Giờ thì không được nữa rồi vì em đã trót hẹn với chị Bạch Vân. Đối với em lúc này, không ai thay thế được chị Vân, dù đó là chị Hương, người chị cả của Nguyệt Hồng thùy mị dễ thương đã mến yêu em như đứa em ruột.

Nguyệt Hồng nhăn mặt:

- Răng Sơn ? Tao hỏi răng mi không trả lời ?

Em tần ngần:

- Chủ nhật… Chủ nhật ni có lẽ tao bận…

Nguyệt Hồng hỏi dồn:

- Bận chi ? chừ mới thứ hai thôi mà, còn đến sáu ngày nữa.

Em ngập ngừng:

- Tại mi không nói sớm.

Nguyệt Hồng không vui:

- Nói ri là quá sớm rồi chớ chi nữa Rồi nó nhìn em nghi ngờ Mà mi bận chuyện chi rứa ? Răng lại giấu tao ?

Không lẽ em nói với Nguyệt Hồng là em bận lên chơi với chị Bạch Vân. Mà chị Bạch Vân là ai, chính em, em cũng chưa biết rõ chị là ai nữa. Chị là một họa sĩ ? Một nữ sinh, hay là một cô gái đã ra đời va chạm nhiều với thực tế, nên mỗi sáng chủ nhật, chị thường lên đồi thông, thả hồn vào mộng tưởng để quên đi những giây phút muộn phiền ? Em không biết gì cả hay nói đúng hơn là em chưa biết gì cả. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi sáng hôm qua trên đồi thông ngát xanh đó, chỉ vừa đủ thì giờ cho em nhận thấy rằng, chị Bạch Vân là một cô gái thông minh và đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên ấy đã ám ảnh em suốt cả buổi chiều.

- Sơn, nói cho tao nghe đi.

Em hứa để Nguyệt Hồng an lòng:

- Ừ, tao sẽ cố gắng đến.

Nguyệt Hồng là bạn học của em từ dạo ở Huế. Hai đứa ngồi bên nhau từ mẫu giáo cho đến lớp nhì thì gia đình Nguyệt Hồng dọn lên Đà Lạt sau tết Mậu Thân. Ba Nguyệt Hồng là công chức cao cấp nên sau biến cố đó, ông không dám ở Huế nữa, nỗi lo sợ ám ảnh sau một lần thoát chết đã khiến ông xin thuyên chuyển lên Đà Lạt. Em gặp lại Nguyệt Hồng giữa sân trường Bùi thị Xuân chan hòa ánh nắng ban mai buổi tựu trường tung bay muôn ngàn tà áo trắng. Nói làm sao hết niềm vui sướng tràn lan khi gặp lại người bạn thời thơ ấu. Ngoài những giờ học ở trường, em và Nguyệt Hồng thường chở nhau trên chiếc Yamaha của nó đi chơi khắp nơi trong những ngày chủ nhật, hoặc đến nhà nó học đan và làm bánh với chị Nhật Hương. Hôm qua, Nguyệt Hồng bận đi ăn giỗ người bà con, em đành phải ở nhà đem toán ra làm một mình. Gian phòng vắng hoe, vú Thoan đi chợ về quăng chiếc giỏ xuống đất càu nhàu:

- Chợ với búa, chán ơi là chán, đồ ăn chi mà còn mắc hơn vàng.

Gặp mặt vú Thoan là thấy bực mình rồi, lại thêm bài toán hắc búa làm hoài chẳng ra. Em xếp tập bỏ vào ngăn kéo rồi thả bộ lên đồi chơi và tình cờ em đã gặp chị Bạch Vân ở đó.

Buổi trưa đi học về me ra đón em tại cửa. Em reo lên:

- A, me về, me về.

Me ôm vai em:

- Sơn ở nhà có ngoan không ? Bé Tuấn có ngoan không ?

Em phụng phịu:

- Răng me hẹn con chiều thứ bảy mà mãi đến chừ me mới về ?

Me vuốt tóc em:

- Tại công việc chậm trễ chứ me cũng nóng lòng lắm mà.

- Ba có cùng về với me không ?

- Có, ba đang tắm.

Em vào phòng cất cặp rồi lại ngồi bên me. Cơm đã dọn trên bàn với những đĩa thức ăn thịnh soạn. Ba từ buồng tắm bước ra, xúng xính trong bộ pyjama mới. Bé Tuấn vỗ tay:

- Hoan hô ba, bữa ni ba diện ghê.

Ba cười lớn:

- Me bây làm tốt cho tao đó.

Ba kéo ghế ngồi xuống:

- Còn con Sơn, ba có mua cho con cái manteau đẹp lắm.

Em đang xới cơm, chợt dừng lại:

- Mô ba ?

Me trả lời dùm ba:

- Còn trên Air V.N a, ba me về bằng máy bay, nên bao nhiêu đồ đạc phải gửi bagage.

Bé Tuấn khoe:

- Ba mua cho em đôi giầy đẹp lắm chị Sơn ơi.

Không khí trong phòng ấm cúng hẳn lên. Em nuốt miếng cơm thấy ngọt ngào cổ họng, em nhấp miếng canh nghe thanh thoát cả hồn. Nhưng hình ảnh êm đềm này biết có tái diễn được lâu không, hay là ngày mai, rồi ba sẽ đi, rồi me sẽ đi, trả em về với những ngày thui thủi buồn tênh, trả em cô đơn giữa căn nhà rộng rãi với bàn ghế lạnh lùng, với hoa cỏ vô tri, với đồi thông sau nhà ngàn năm vẫn reo hoài điệu buồn muôn thủa. Niềm vui trong em thật mong manh, nỗi mừng trong em chưa kịp dâng lên đã chìm xuống khi nghe ba bảo mẹ:

- Mình định khi mô về Bảo Lộc gặp anh Tường ?

Me gắp miếng thịt bỏ vào chén:

- Tùy mình, nhưng cũng phải liệu đi cho sớm, nội trong tuần ni, không thôi trễ chuyện hết.

Ba gật gù:

- Thôi để ngày mốt đi. Mai ở nhà nghỉ một bữa cho khỏe.

Em buồn quá, em bỏ đũa xuống. Me âu yếm hỏi:

- Răng con ăn ít rứa Sơn ?

Em nói dối:

- Con no rồi me ơi.

Me cười bảo ba:

- Con Sơn nôn thấy cái áo Manteau nên ăn cơm không được. Thôi ăn cơm xong mình nên đi lãnh Bagage về sớm cho con nó mừng.

Ba nhìn em cười chúm chím:

- Me nói rứa có phải không hở con gái của ba ?

Em cúi đầu nhìn những cành hoa tím thêu trên chiếc khăn trải bàn. Em muốn khóc quá, me không hiểu con rồi ba cũng không hiểu con nữa. Con chỉ cần ba me ở mãi bên con, săn sóc con từng li từng tí như ba me của Nguyệt Hồng vậy. Con thèm vòng tay ấm nồng của ba, con thèm ngủ vùi trong lòng me như ngày nào còn nhỏ dại, thế thôi, con không ham được mặc áo đẹp hay những món quà đắt tiền khác mà phải chịu xa lìa ba mẹ hoài, con buồn quá làm sao chịu nổi.

Cả nhà đã dùng cơm xong. Vú Thoan lặng lẽ bưng chén bát xuống bếp. Me nói với theo:

- Chiều ni vú ra chợ mua tim cật về, tôi nấu cháo, tối cho hai đứa nó ăn.

Vú Thoan lại nhăn mặt:

- Chợ chiều làm chi có tim cật, chợ chiều vắng hoe vắng hoét, người ta chỉ hạ heo buổi sáng thôi bà ơi.

Me biết tính vú, me đấu dịu:

- Vú chịu khó đi một chút nghe vú, tôi mới về mệt quá, không thôi ai làm phiền vú làm chi.

Vú cầm tờ năm trăm me vừa đưa, vú ra ngồi bên chiếc giường tre sau bếp, lẩm bẩm:

- Cháo tim cật, cháo tim cật. Con ơi là con, tao nhớ là mi ưa cháo tim cật lắm mà, có ăn không tao nấu cho luôn thể?

Vú đang lên cơn. Bé Tuấn chạy vào mách ba:

- Ba ơi ba ơi, vú Thoan nổi điên.

Cơn khủng khoảng chỉ đến với vú năm mười phút thôi rồi vú bình thường trở lại. Vú hỏi em:

- Mi ưa ăn tim cật, với chi nữa ?

Em đang uống nước đáp:

- Vú mua dồi trường nữa nghe vú.

Vú Thoan vỗ vào tay em suýt rơi cái ly xuống đất:

- Con ni nhỏ mà khôn vô hậu. Ừ, dồi trường cũng ngon lắm, thằng Lập cũng thích lắm.

Vú lại nhắc đến anh Lập, em sợ vú nổi điên thêm một lần nữa, em đi vội lên nhà trên.

Em giúp mẹ bắc nồi cháo lên. Vú Thoan đi chợ về ra ngồi rửa tim heo cạnh lu nước. Vú hỏi em:

- Sơn nì, tim heo có giống tim người ta không Sơn ?

Em lại ngồi gần vú:

- Tim người ta cũng rứa vú ơi.

- Tim mi cũng rứa, tim tao cũng rứa mà tim thằng Lập cũng rứa phải không Sơn ?

Em nhíu mày:

- Vú cứ nhắc tới anh Lập hoài rứa ?

Vú đứng lên múc một gáo nước đổ vào chậu:

- Tim thằng Lập không giống ri mô. Thằng Lập chết rồi, tim thằng Lập tan nát rồi.

Em ngồi yên nhìn đôi cánh tay vú vuốt ve quả tim heo đỏ bầm trong chậu. Em không trả lời thêm câu nào dù vú hỏi thêm dồn dập. Em nghe lòng mình xúc động khi nhìn vào đôi mắt rưng rưng của vú Thoan, bà mẹ già nua đã gửi một nửa linh hồn theo người con thân yêu về bên kia cõi sống. Trong nhà, ai cũng có nhận xét như em, từ ngày anh Lập chết, vú Thoan như kẻ mất hồn, có nhiều đêm khuya khoắt, vú mở cửa sau, chạy lang thang trên đồi như một bóng ma.

Me gọi em:

- Sơn ơi, lấy cho me chút tiêu.

Me đang xắt những cọng hành thơm tho, em nói:

- Me để con làm dùm cho.

Me âu yếm:

- Thôi, con gái me vào phòng nghỉ đi để đó cho me.

Ngày vui qua mau như bóng câu, như cánh én. Sáng nay me đã sửa soạn đi Bảo Lộc với ba. Xe ba đưa em tới trường, bạn bè đông đúc nhưng sao em vẫn thấy lạc lõng bơ vơ. Nhìn theo màu xe xanh khuất sau khúc quanh cuối đường, em lủi thủi đi vào cổng. Gió sớm lạnh lùng như hồn em băng giá, ngọn lửa nào sưởi ấm được lòng em giữa lúc này ?

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 3
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>