Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Con búp bê cụt tay



 1. MAI ANH


Ba gọi em, giục em lên xe về kẻo tối. Ừ, trời sắp tối rồi! Nhưng em không muốn dời chân. Em muốn đứng mãi ở đây để ngắm ngôi nhà mới của em. Ngôi nhà mới rộng quá, đẹp quá, rộng gấp ba ngôi nhà em đang sống và đẹp gấp mười lần những căn nhà tầm thường xung quanh. Ngày mai, ngày mốt em sẽ được tha hồ chạy nhảy đùa chơi trong ngôi nhà này. Em sẽ cất tiếng la “ô…ô…” cho tiếng vang lan đầy khắp nhà. Em sẽ được ba má dành riêng cho một phòng rộng để ngủ và học. Anh Tuấn, chị Ly cũng sẽ được như thế. Và cả nhà em sẽ có phòng khách riêng, phòng ăn mát mẻ, phòng đọc sách, phòng tắm… ôi chao sung sướng quá! Em sẽ sống như một nàng công chúa nhỏ vậy. Ai cũng cưng em hết. Em sẽ cho búp bê của em ngủ chung với em, chơi chung với em, để nó khỏi buồn.

Ba! Cho con đứng lại một chút mà ba! Con thích ngắm ngôi nhà mới của mình thật lâu. Ba bằng lòng. Nhưng ba nhắc em rằng chút nữa ăn cơm xong còn đi sắm Nô-en cả nhà nữa đó. A, em chợt nhớ ra. Em muốn nhảy tưng lên vì vui mừng quá đỗi. Em muốn reo lên: Nô-en đến rồi! Nô-en đến rồi! Năm nào Ông già Nô-en cũng xuống cho em quà trong khi em đang ngủ, sáng ngày dậy thật sớm em sẽ bắt gặp gói quà thật to dưới chân. Năm nay chắc là Ông già Nô-en sẽ cho em nhiều quà hơn. Và, thích thú làm sao, năm nay em sẽ được ăn Nô-en ở nhà mới. Ông già Nô-en hẳn sẽ chóa mắt ngạc nhiên khi leo vào ống khói nhà mới. Ơ! Nhưng nhà mới không có ống khói. Chẳng sao, vì ống khói cổ lỗ quá rồi. Ông già Nô-en chắc sẽ không buồn đâu! Hẳn ông sẽ đi bằng…. bằng cái cửa sổ nhỏ trên lầu, chỗ phòng của em nhỉ!

Em nghe thắt thắt ở bụng. Em bắt đầu đói rồi! Và hình như búp bê của em cũng đói nữa. Trông mặt nó nhăn nhó buồn cười ghê! Có lẽ em nên về với ba thôi. Ngày mai em lại theo ba đến ngắm nhà mới nữa. Ngày mai nhà đã xong xuôi tất cả, ba má sẽ dọn đồ đạc tới, và chuẩn bị đón Giáng sinh luôn. Em chạy như chim xuống những bậc thềm đá hoa. Nhưng em vướng chân, ngã nhào. Em hoảng hồn tưởng mình đã gãy vài cái xương sườn. Nhưng không, em chỉ hơi trầy cùi chõ tay thôi, còn búp bê của em thì… chết rồi! một cánh tay bị lìa ra khỏi thân, văng đến đống gạch. Tại em chống búp bê xuống đất để đỡ cho mình đó! Em thương búp bê quá! Tội nghiệp, nó chẳng rên hay khóc gì cả, mà cứ nhìn em cười hoài. Xin lỗi em nghen, búp bê!

Em đang tiếc ngẩn tiếc ngơ, thì nghe một giọng nói bên tai:

- Cô bé có con búp bê ngộ quá, sao lại gãy tay rồi?

Em quay lại. Người vừa nói là chú Tám thợ hồ mà em mới quen ban nãy. Chú nhìn con búp bê không chớp mắt. Có cái gì trong tia nhìn của chú đây? Thắc mắc như vậy nhưng em không đoán ra được. Chú cười thật hiền:

- Bé gắn tay nó đi!

Và chú cúi xuống đống gạch lượm cánh tay gãy đưa cho em. Em hí hoáy nhét đầu xương vào lỗ trống tròn nơi vai búp bê. Nhưng nhét mãi không được, em bực mình ném cánh tay xuống đất. Em nhìn chú Tám, thấy chú chắc lưỡi, bèn nhờ chú gắn vào hộ em. Chú lại cúi xuống nhặt cánh tay lên, loay hoay nhét. Cứng quá, vẫn không vào – búp bê của em đâu có phải bằng ni-lông mà bảo mềm. Cuối cùng chú Tám cũng chịu thua, và trả búp bê lại cho em. Thì… thôi rồi, búp bê của em đã dính lấm lem những xi-măng, những đất đen vào cả quần áo mặt mũi rồi. Em phụng phịu nhìn chú Tám, muốn “bắt đền” chú quá! Nhưng trông nét mặt chú hiền hậu quá đi, em không dám. Chú Tám nói:

- Chết không! Dơ hết búp bê rồi! Chết không! Chết không!...

Chú cứ nói “chết không” luôn miệng làm em buồn cười hết giận. Phen này chắc là về nhà phải bỏ con búp bê thôi, dơ cả rồi làm sao chơi được? Em không thích rửa ráy búp bê, vì tóc búp bê sẽ bị ướt, hư hết. Em chào chú Tám, quay lưng đi. Nhưng hình như tia mắt chú Tám vẫn còn dõi theo em. Em dừng lại. Chú Tám ngập ngừng:

- Con búp bê coi… ngộ quá há cô!

Mắt chú vẫn nhìn búp bê của em không thôi. Em đoán ra một phần rồi. Em hỏi chú đột ngột:

- Chú có con không, chú Tám?

Chú Tám cười:

- Có, có. Tui có đứa con năm tuổi, nó con gái, nó…

- Nó có thích búp bê không, chú Tám?

- Thích, thích lắm cô.

Em đoán hết ý nghĩ của chú Tám rồi. Em cười tủm tỉm:

- Chú có mua búp bê cho nó không?

- Ơ… không có. Nó chơi bán hàng bằng giấy xếp không hà.

Như có một cái gì đẩy cánh tay em, em đặt búp bê của em vào tay chú Tám. Em hồi hộp lạ, miệng em nói nhanh:

- Cháu… tặng con của chú Tám đó, nghen chú!

Rồi em đi nhanh ra cửa, phía ba đang chờ ở xe. Hình như có tiếng chú Tám nói gì đàng sau. Em thấy hân hoan như vừa bắt được một cái gì, mặc dầu vừa rời xa búp bê của em. Búp bê đã gãy tay rồi, em không cần nó nữa nhưng chắc con của chú Tám sẽ thích nhiều. Tối nay về em sẽ viết thư cho Ông già Nô-en để khoe với ông chuyện này. Hẳn ông sẽ khen em vừa làm một việc tốt và... ông sẽ mang đến cho em nhiều quà. Em sung sướng quá! Nhưng… không biết Ông già Nô-en có đến cho quà những đứa trẻ nghèo như con của chú Tám không nhỉ? Sao em chả bao giờ thấy tụi con nhà nghèo sau đêm Giáng sinh đem quà ra khoe với nhau dù là một cây kẹo hay một quyển vở nhỏ? Chẳng lẽ Ông già Nô-en lại không đến nhà chúng hay sao? Má thường kể cho em nghe rằng Ông già Nô-en thương trẻ con lắm, nhất là trẻ nghèo cơ mà! Tối nay, trong thư em sẽ hỏi Ông già Nô-en việc này mới được.

Ba lại gọi em một lần nữa. Em chạy nhanh ra xe. Ba rồ máy chở em về nhà. Qua khung cửa kính, qua màu tím của trời chiều ngoài kia, em thấy chú Tám đứng trên khoảng sân rộng nhìn theo, và đàng sau chú, hơi xa, có vài đứa bé trạc bằng em cũng đứng nhìn theo, dáng trơ vơ.



2. LÀNH


Em như hồi hộp một lát. Rõ ràng trên tay chú Tám, con búp bê đôi mắt to dịu dàng, mái tóc đen nhánh cột cao mềm mại, tay chân trắng hồng, mặc một chiếc áo đầm kim tuyến xinh quá. Con ông chủ nhà – Mai Anh – vừa mới cho chú Tám con búp bê ấy. Bây giờ chú Tám vẫn còn đang cầm con búp bê, nâng niu như âu yếm con của chú. Con búp bê đã gãy mất một tay, đã dính lem xi-măng, nhưng không kém vẻ đẹp đối với em. Em đã say mê nhìn Mai Anh ôm búp bê trong tay ngay khi nó đến đây xem nhà mới. Em len lén nhìn theo Mai Anh, khi chạy ra sân, khi vào nhà bếp, cả những lúc nó lên lầu, tung tăng trên những bậc thang, rồi khuất sau tường, em cũng nhìn theo ngơ ngẩn. Em nấp sau cây cột khi Mai Anh đến gần. Mai Anh chẳng thấy em đâu, song em thấy Mai Anh, và cả con búp bê xinh đẹp nữa.

Có lúc em thấy búp bê như cười với em, như ngoái đầu lại nhìn em, khi Mai Anh bế vác nó trên vai. Có lúc em tưởng tượng như nghe búp bê nói: “Chạy theo tôi đi, chơi với tôi, Lành!” Búp bê nó có biết suy nghĩ không? Nó có biết giận hờn, vui buồn không? Nếu không, tại sao người ta khéo đúc, khéo nặn nó thành một hình người xinh đẹp và ngây thơ như vậy? Em không hiểu nữa, có điều lúc nào em cũng thấy búp bê như cười với em thôi.

Cái lúc mà Mai Anh bị té, rồi búp bê bị gãy tay, sao em hoảng sợ lạ. Em đứng mãi đàng xa, em muốn la to một cái. Em đau quá! Nhưng sao búp bê chẳng đau, vẫn cười? Em nhớ… xóm em hồi năm đó, trong lửa đạn, nhà em sập, em bị một mảnh ván rơi đè trên tay, không đến nỗi gãy tay nhưng em đau đớn lạ. Em khóc thét to lên, để má, hay ba, đến dỗ dành em như thường ngày em vẫn làm nũng. Nhưng lúc đó chỉ có chị Hiền đến dỗ em thôi. Em thấy chị Hiền khóc, mắt ướt sũng, chị vừa dỗ em vừa khóc tức tưởi: “Nín đi em, nín đi em, không sao đâu!”. Sau đó thì – ôi, em nhớ rõ lắm, rõ lắm – chị Hiền chỉ cho em xem, ở dưới bếp, ba em, má em… hai người nằm dưới đất, yên lặng như chết. Mà đúng, ba má em chết thật rồi!...

Em để trí nhớ đi đâu xa quá nhỉ! Em muốn nghĩ tiếp về con búp bê. Con búp bê! Ngày xưa em cũng có một con búp bê, nhưng nhà em cháy, búp bê em cũng không còn. Từ khi đó, chắc là chẳng bao giờ về sau chị Hiền mua nổi cho em một con búp bê khác. Hai chị em có làm ra tiền đấy, nhưng mà để mua cơm ăn, và thuê chỗ ngủ mà thôi. Chị Hiền có khi nào nghĩ đến việc mua đồ chơi cho em? Chị em cũng còn nhỏ quá – mười ba tuổi thôi, nhưng chị ấy có vẻ người lớn rồi. Chị ít nói cười hơn trước, và chị hay chống tay vào cằm nhìn xa xôi mỗi khi xong việc. Chị cũng có nói năng dỗ dành em, nhưng không bao giờ đả động đến đồ chơi. Em biết chả đời nào chúng em dư tiền để mua một con búp bê xinh đẹp như búp bê của Mai Anh. Nhưng em vẫn thích búp bê như thuở nào. Tại sao búp bê lại không phải là của em? Tại sao Mai Anh không cho em mà lại cho chú Tám? Mai Anh đâu có biết con của chú Tám! Ơ, mà Mai Anh cũng đâu có thấy em. Nếu Mai Anh thấy em, nếu… em ngỏ lời xin, Mai Anh có cho em không nhỉ? Hay Mai Anh thấy em lem luốc, bẩn thỉu, nó sẽ e ngại, biết đâu nó sẽ khinh em. Ồ không thể được, em nghĩ bậy quá rồi! Má em, ba em đâu có dạy em phải ngửa tay xin xỏ ai vật gì!

Chợt em nhớ đến Già Nô-en. A, phải rồi, Già Nô-en vẫn thường hiện đến mỗi năm vào lễ Giáng sinh đấy mà. Già Nô-en ơi, năm rồi Già không đến với con. Sáng thức dậy con chẳng thấy quà của Già đâu cả. Hay Già chê nhà con không còn nữa, Già không thèm ghé lại nhà ghế bố của con? Ồ không lẽ nào! Không lẽ nào Già Nô-en lại cũng tầm thường như thế, không lẽ nào Già chỉ thương trẻ nhà giàu! Em muốn lý‎ do vắng Già Nô-en không phải như thế. Em tin rằng năm nay Già Nô-en sẽ nhớ đến em. Em thiếu thốn và bơ vơ lắm.

Bỗng nhiên em có ý nghĩ là phải chi Già Nô-en cho em một con búp bê, một con búp bê… như của Mai Anh vậy. Búp bê gãy tay cũng được, búp bê lem luốc xi-măng cũng được, miễn sao em có búp bê trong tay. Già Nô-en ơi! Phép của Già có mầu nhiệm không? Già có đôi đũa thần biến hóa mọi vật như bà tiên không? Già có biết những ý nghĩ trong lòng con không? Ôi làm sao Già có thể ban cho con một ân huệ nhỏ bé mà cao xa: con chỉ ao ước được ôm con búp bê trong lòng, con búp bê cụt tay như của chú Tám thôi, chỉ thế mà thôi!...



3. HIỀN


Em Lành đã ngủ thật say. Tiếng thở đều đều phát ra. Tôi đoán em tôi đang gặp một giấc mơ hiền. Thương em quá! Tối hôm nay em không buồn ăn cơm. Ngồi ở hàng cơm tấm của bà Sáu, tôi thì ăn vội cho mau, nhưng nó thì cứ cầm đũa mà nhìn xe cộ ngoài đường. Tôi giục, thì nó ừ, rồi mắt vẫn cứ ngó bâng quơ. Lạ quá! Em Lành có việc gì đây? Nó không nói với tôi một lời. Khi tôi nhắc đến tiếng thứ ba, nó buông đũa xuống, bảo không ăn. Và tôi thấy đôi mắt nó long lanh, giọng nói nó nghẹn ngào. Nó kêu no, và hối tôi về sớm.

Về đến nhà – ngôi nhà mà chú Tám và chị em tôi cùng nhiều người thợ nữa vừa xây xong – chúng tôi gặp ngay chú Tám cũng vừa đi ăn về. Chú Tám vẫn hỏi han chúng tôi như thường lệ. Bỗng em Lành ngập ngừng hỏi chú:

- Chú Tám,… con búp bê hồi chiều… đâu chú?

Chú Tám bảo:

- Chú cất trong giỏ, chi vậy?

Em Lành muốn nói gì, nhưng nó nghẹn ngào và quay phắt mặt đi. Tôi rầy nó:

- Con nhỏ này, tối nay mày kỳ quá vậy? Cái mặt cứ bí xị ra hoài.

Em Lành nhìn tôi như muốn bật khóc. Nó lủi thủi đến ngồi trên thềm nhà. Tôi không hiểu, lặng lẽ lấy chổi quét cho sạch khoảng sân – công việc cuối cùng của tôi, vì ngày mai chủ nhà dọn đến. Cả tôi, cả em Lành, và chú Tám cùng những người thợ khác phải đi. Chú Tám về nhà của chú ở Hốc Môn, còn chị em tôi lại thuê ghế bố ngủ hằng đêm. Chừng nào có việc, chú Tám lại đến kêu chúng tôi đi làm. Việc làm của chị em tôi, giản dị lắm, là khiêng gạch, trộn hồ, chuyền nước… cho những người thợ. Mỗi ngày lãnh vài chục bạc, tôi dẫn em đi ăn cơm tấm, còn để dành tiền thuê ghế bố ngủ.

Xong công việc, tôi đến ngồi trên một chiếc ghế đá, ngắm nhìn toàn thể ngôi nhà. Công trình của tôi đó, của em Lành đó, của chú Tám đó! Trong khi chuyền gạch, trong khi xách hồ, tôi tha thiết như mình đang góp bàn tay vào xây dựng ngôi nhà của chính mình. Tôi nghĩ đến hàng ngàn viên gạch nằm san sát bên nhau, sẽ được tô hồ thật thẳng, quét vôi thật đẹp, sẽ là những bức tường rắn chắc che chở cho chúng tôi. Tôi nghĩ đến tấm tôn màu xanh lơ che bên hông nhà, sẽ phủ màu xanh lên người chúng tôi khi chúng tôi chơi “rải gianh” ở đó. Tôi nghĩ đến chiếc cửa sổ nhỏ xinh xinh trên lầu, sẽ là nơi mà Già Nô-en thần thánh bước vào, ban phát quà bánh cho chúng tôi đêm Giáng sinh sắp tới. Ôi tôi nghĩ ngợi nhiều lắm. Nhưng nhà này đâu phải của tôi, của em Lành hay của chú Tám! Chú Tám đã trầm trồ trước màu vôi đẹp, cặm cụi khi chà láng đá mài trên những bậc thang, rồi chú cũng trở về căn nhà của chú ở Hốc Môn. Em Lành và tôi đã nhỏ giọt mồ hôi trên trán, đẫm ướt lưng áo khi khiêng gạch nặng, rồi cũng trở về với dãy ghế bố của mình. Tự nhiên tôi cảm thấy uất ức, như sắp sửa bị ai cướp giật công lao sáng tạo của mình.

Trong hàng ba, em Lành đang giũ chiếc chiếu rách, trải lên nền gạch. Nó nằm xuống, tay gác trên trán. Tôi đến gần em. Nó nhắm mắt lại, nhưng tôi biết nó chưa ngủ. Nét buồn bã còn đậm trên mặt nó. Con nhỏ này hôm nay kỳ quá!

Tôi ngồi xuống chiếu. Em Lành mở mắt nhìn tôi. Như hai vì sao, đôi mắt nó chớp mau, long lanh. Nắng gió đã làm cho da em tôi đen sạm lại, nhưng đôi mắt thì vẫn sáng như lúc nào. Bất chợt tôi nghe thương thương lạ. Tôi cúi xuống, hỏi:

- Lành buồn ngủ chưa?

Lành lắc đầu. Tôi lại nói một câu bâng quơ:

- Ngày mai tụi mình đi khỏi đây… Lành há!

Lành gật đầu. Tôi thở dài, cảm thấy những lời nói của mình lạc lõng vô duyên, chừng như không lọt được vào tai em. Tôi chán nản nằm xuống:

- Thôi, ngủ đi. Mai sáng dậy đi sớm.

Tôi nhắm mắt lại. Chợt em Lành xây qua, đập nhẹ tay tôi:

- Chị Hiền, con búp bê của chú Tám… đẹp ghê há!

- Ừ, rồi sao?

- …

- Nói nữa đi!

- Chị Hiền, năm nay… không biết Ông già Nô-en có đến cho quà mình không hả chị?

- Chẳng biết nữa. Chi vậy?

- Để… em xin ông ấy quà…

- Nói nhảm mãi. Ngủ đi cho rồi.

Tôi không muốn em Lành nhắc tới chuyện quà. Đúng hơn, từ ngày ba má tôi mất, chẳng bao giờ tôi nghĩ đến chuyện mua quà cho em. Huống hồ là chuyện “Ông già Nô-en”, nó đã trở thành một thứ “xa xí phẩm” đối với tôi rồi. Tôi biết, những năm trước, vào dịp Giáng sinh, ba má tôi đã mua quà, gói thật đẹp và đợi chúng tôi đi ngủ, đem để dưới chân mỗi đứa, rồi sáng ra bảo rằng có Ông già Nô-en hiện xuống cho quà trẻ ngoan. Tôi lớn dần, tôi khám phá việc ấy, nhưng em Lành còn khờ dại, nên vẫn luôn tin vào huyền thoại Ông già Nô-en, vẫn còn ao ước và thắc thỏm đợi chờ. Nhưng năm ngoái ông đã phụ lòng nó, ông không đến: chỉ vì ba má tôi không còn!

Em Lành bị tôi gắt, ngưng nói. Nhưng tôi nghe nó ấm ức nho nhỏ trong cổ họng. Tôi nhắm chặt mắt lại, vờ quay lưng ngủ. Một phút sau tôi nghe em tôi khóc nho nhỏ.

… Tôi để yên cho nó khóc. Khóc đã, nó ngủ tự lúc nào. Bấy giờ có lẽ đã gần khuya. Tôi dỗ giấc ngủ mãi không được, ngồi dậy nhìn trời. Bầu trời đen, nhưng sao thì nhiều, đầy đặc. Tự nhiên nỗi nghẹn ngào như dâng lên. Tôi cảm thấy như hình ảnh ba tôi, má tôi hiện ra trên những vì sao đó. Ba má tôi nhìn tôi như an ủi, như van nài. Lạy Trời! Ba ơi! Má ơi! Cảnh khổ làm con chai đá hơn xưa, nhưng con vẫn thương em con ghê lắm!!!

Tôi quay nhìn em Lành. Giấc ngủ đến nặng nề sau cơn khóc. Em có gặp mộng đẹp không? Em có mơ thấy Già Nô-en viết thư, gói quà cho em không? Hay em thấy nhà cháy, người chết, em thấy khói tỏa làm cay mờ cả mắt? Tôi không đoán được. Lúc này, khi ngủ, em vẫn vô tư như trăm lần ngủ khác – như ngày còn ba má, còn một mái nhà, như đêm kinh hoàng dạo nọ, như thuở chen chúc trong cô nhi viện, như đêm trốn đi lạc loài ngoài chợ, như khi nằm trên ghế bố, như khi nằm trước thềm nhà. Ôi em gái đáng thương! Chị biết làm gì cho em?...

Thôi tôi biết rồi! Em tôi mơ một con búp bê. Em tôi thèm thuồng khi thấy Mai Anh cho chú Tám con búp bê đã gãy tay và lấm lem xi-măng. Đôi mắt em tôi không ngừng trên tay chú Tám. Em đã bỏ cơm, em đã nghẹn ngào, và em đã khóc tấm tức. Tôi đứng phắt dậy, ngẫm nghĩ. Ngày mai chú Tám về sớm. Giỏ quần áo của chú, có con búp bê nằm bên dưới. Chú sẽ chẳng hay biết gì, nếu tôi khéo tay.

Tôi nhìn em Lành, rồi nhìn khoảng sân đàng kia. Chú Tám đang ngủ say sưa. Em tôi đang ngủ yên lành. Đêm Giáng sinh, tôi sẽ thế ba má tôi tặng quà Nô-en cho em. Ông già Nô-en vẫn mãi mãi là thần tượng của em Lành.



4. CHÚ TÁM


Tôi thấy nhà tôi đứng trước cửa. Tôi thấy con gái tôi chơi nghịch trên thềm. Nhà tôi cười với tôi. Con tôi đứng dậy, kêu “ba về!”. Tôi dựng xe đạp, bế con gái lên, nựng nịu. Rồi tôi rút con búp bê ra, đặt vào bàn tay nó. Nó phụng phịu: “Búp bê cụt tay, con hổng thèm”. Tôi năn nỉ mãi, nó vẫn không thèm, rồi vất con búp bê xuống. Tôi cúi xuống lượm, đầu tôi va phải cây cột nhà đau điếng…

Tôi giật mình thức dậy. Tôi hoảng hốt khi thấy có một cái bóng nhỏ thó lui cui bên giỏ quần áo của tôi. Tôi nhìn kỹ: con Hiền kia mà! Giận thật! Không ngờ con nhỏ này lại gian xảo như vậy. Chắc là nó lục tiền. Tôi toan vùng dậy tóm cổ nó. Nhưng không, nó rút con búp bê ra, rồi rón rén – nhưng rất vội vàng – chạy về chỗ của nó. Tôi thấy nó ôm con búp bê, rồi đặt xuống gần bên em nó, rồi bất ngờ ôm mặt khóc nức nở… Có một cái gì hơi lạnh xót len vào lòng tôi. Tôi hiểu cả rồi. Hèn gì! Tôi nhớ lại thái độ của con Lành từ hồi chiều. Vậy mà tôi mải nghĩ đến con gái tôi nên không để ý.

Thôi, tôi làm như không hay biết gì cho xong. Nó vẫn yên chí là tôi ngủ say. Sáng mai tôi sẽ đi thật sớm, và nhớ biếu thêm chị em chúng nó ít chục. Con gái tôi sẽ có quà khác. Mà dù không có cũng được, vì nó không thiếu tình thương. Con Lành hẳn sẽ vui sướng với con búp bê cụt tay dễ mến. Con Hiền hẳn sẽ hài lòng vì làm vui được em. Tôi sẽ làm như không hay biết gì cả. Tội nghiệp hai đứa nhỏ mồ côi.


 
NGUYỄN THỊ MỸ THANH

 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa, số 120, ra ngày 15-12-1969)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>