Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Đại Giáo Đường Thánh PHÊ-RÔ



Đây không phải là một công trình kiến trúc vô tri
 mà là một sinh vật biến đổi từng ngày.
Nhân mùa Giáng Sinh, mời bạn thăm viếng
ngôi Thánh đường đồ sộ nhất của Giáo hội La-Mã.

Mời bạn hãy cùng tôi bước vào công trường tráng lệ nhất của La Mã, rảo chân trong sự ôm ấp của hai hàng cột cao vút, cảm thấy tươi mát bởi những bụi nước bắn ra từ hai vòi phun đồ sộ giữa công trường với cột nước vọt lên trắng xóa dưới ánh nắng mặt trời. Bạn hãy bước lên hàng bậc cấp, vượt qua những dãy cột để đi vào Hoàng đường của tòa Thánh Phê-rô. Rất có thể bạn sẽ dừng lại giây lát, bực mình không đâu, để rồi thầm nghĩ:

“Quái lạ, sao lớn đến thế nhỉ!”

Và bạn lại tiếp tục rảo bước.

Những thiên thần kia với vẻ mặt tươi vui, tay nâng hồ nước thánh trông thật bé nhỏ làm sao – đến gần, bạn mới nhận ra rằng những thiên thần ấy còn cao lớn hơn chính bạn. Phía xa, hình chạm con chim bồ câu cũng đã lớn bằng con gà tây. Pho tượng vị thánh kia cao hơn gấp ba bề cao của bạn. Quản bút bằng lông chim nọ trong tay thánh Mathew dài gần 1,8m.

Phải, sự thật đúng như vậy : mọi vật ở nơi đây quả là đồ sộ mà ảo giác đã khiến bạn nghĩ sai lạc.

Thánh đường Thánh Phê-rô xứng đáng là ngôi thánh đường Thiên Chúa giáo lớn nhất hoàn cầu. Bởi bề dài ngót 200m trên một diện tích 40.000m2, đại giáo đường Thánh Phê-rô chứa đựng 499 cột lớn cộng thêm 439 bức tượng khổng lồ và hơn 40 bàn thờ riêng biệt kể cả bàn thờ chính, nơi thường chỉ riêng Đức Giáo Hoàng chủ lễ Mi-sa.


 Thánh đường Phê-rô có tất cả 10 mái vòm nằm rải rác quanh mái vòm chính trông tựa một vật bóng bằng đá khổng lồ dường như nổi lơ lửng trên những đám mây. Ngọn cây thánh giá vươn cao lấp lánh, cao bằng tòa nhà 35 tầng. Tháp thánh giá này là công trình vĩ đại cuối cùng của Michelange có một vẻ gì thanh thoát nhẹ nhàng. Nhưng các nhà toán học đã phỏng đoán trọng lượng của cây thánh giá này lên tới 55.000 tấn.

Công cuộc xây cất xúc tiến liên tục suốt 120 năm dưới đời 20 vị giáo hoàng do một số thiên tài vĩ đại của Ý-đại-lợi như Bramante, Michelange, Maderno, Bernini. Chưa một thánh đường nào được xây cất tốn kém bằng thánh đường Thánh Phê-rô, với phí tổn ước lượng 300 triệu mỹ kim, nghĩa là gần 16 lần chi phí xây cất thánh đường Saint Paul (thánh đường này tọa lạc tại Luân Đôn, được coi là lớn thứ nhì với bề dài khoảng 150 mét).

Cũng chưa từng có một giáo đường nào hấp dẫn được nhiều người đến viếng thăm bằng giáo đường Thánh Phê-rô với ít nhất 10 triệu người mỗi năm. Đối với tín đồ Công Giáo La-Mã, nhà thờ Thánh Phê-rô quả là thanh nam châm có từ lực mạnh nhất. Dĩ nhiên không phải chỉ có tín đồ Công giáo mới đến chiêm ngưỡng Thánh đường này. Du khách dù chỉ ở La-Mã vài tiếng đồng hồ cũng cố dành thì giờ để được tận mắt thưởng thức 2 kỳ quan : hí trường lộ thiên Colosseum và Thánh đường Thánh Phê-rô.

Tiếng vang của ngôi Thánh đường cổ kính này mãi mãi chẳng bao giờ bị dập tắt. Nhóm Sampietrini, do kỹ sư kiêm kiến trúc sư Jhancesco Vacchini cầm đầu, giữ nhiệm vụ tu sửa Thánh đường. Hoạt động suốt gần 400 năm nay với đường hướng cha truyền con nối, Sampietrini dường như chẳng bao giờ rảnh rỗi. Theo Vacchini, Thánh đường Thánh Phê-rô không phải là một vật chết như hí trường Colosseum mà là 1 sinh vật biến đổi từng ngày. Sửa xong một cánh cửa cổ xưa bằng gỗ rồi, các nhân viên lại quay sang đắp vá một pho tượng Thánh, rồi rời chỗ những mảnh đá cẩm thạch trên nền nhà hay thay những dây điện mới hoặc những ổ khóa mới…

Bây giờ bạn hãy cùng tôi theo chân một số tín đồ Công giáo vào sâu trong Thánh đường. Bạn sẽ dừng lại nghiêm trang trước Pietà (1), một tác phẩm điêu khắc vĩ đại của Michelange.

Tiếp tục viếng thăm chúng ta sẽ dừng lại quanh tượng Thánh Phê-rô đúc bằng đồng đen. Trong nhiều thế kỷ trước, các tín đồ Công giáo sùng đạo đã hôn lén bàn chân phải của Ngài đến nỗi ngày nay bàn chân này đã mòn mất một nửa. Hiện nay, chẳng còn ai cúi xuống hôn chân Ngài nữa. Được hỏi về lý do, một nhân viên cười và bảo rằng : “Vi trùng. Giữa thời đại nguyên tử này, người ta cho rằng hôn như vậy là mất vệ sinh”.

Rồi đến bàn thờ chính với một bức mành bằng đồng đen che kín, nơi đây mọi người cùng quỳ xuống cầu nguyện:

“Xin thánh Peter phù hộ cho chúng con được bình an dưới thế.”

Cách bàn thờ chính 24m, sừng sững 4 thân cột vĩ đại đỡ mái vòm chính của Thánh đường. Chu vi mỗi thân cột đo được khoảng 70m, mà 48 người nắm tay nhau bọc quanh mới khít thân cột.

Một trong 4 thân cột này ẩn giấu bên trong 3 di tích cuối cùng của Thánh Phê-rô. Người ta bảo rằng vật thứ nhất là gỗ của Thập tự giá, vật thứ hai là mảnh vải lau mồ hôi trên khuôn mặt Chúa Jesus và vật thứ ba là đầu ngọn giáo đã xuyên hông Chúa Jesus khi Ngài bị đóng đinh trên Thập tự giá. Thánh tích thứ tư là thủ cấp của Thánh Andrew đã được Đức Giáo Hoàng Phao Lồ Đệ Lục đem về Hy Lạp năm 1965.

Leo lên hàng trăm bậc cấp dưới mái vòm, bạn sẽ được nhìn thành phố Vatican, quốc gia “thủ đô” của Thiên Chúa giáo.

Giờ đóng cửa đã đến. Những du khách cuối cùng rời bước khỏi Thánh đường Thánh. Những cánh cửa song sắt khép lại phía sau. Bạn, tôi và nhiều du khách quay trở lại nhìn bóng ngôi giáo đường in trên nền trời luyến tiếc.

Hẳn mọi người sẽ thầm nghĩ : “Ngày nay còn ai xây nổi một ngôi Thánh đường như thế?”


PHẤT MỤC NHÂN NGHỊ
& ÁNH MINH          

 _________
 (1) Công trình điêu khắc tuyệt mỹ này, tạc Đức Mẹ Maria bế đứa con trai của bà, đã bị hư hại hồi tháng 5 năm 1973 khi một người quá khích dùng búa đập phá.


(Trích từ Tạp chí Tuổi Hoa số 229, số đặc biệt Giáng Sinh, ra ngày 1-12-1974)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>