LTS.
MARIE NOEL là một nữ tu sĩ người Pháp, sinh năm 1883. Bà được kể là nhà
thơ, nhà văn lớn của nước Pháp thế kỷ này, nhưng đặc biệt nổi tiếng
trong giới độc giả Công giáo vì thơ truyện của bà – nhất là truyện – đã
chuyên chở Giáo lý và tinh thần Phúc âm Công giáo một cách thật khéo
léo, tài tình. Những đề tài trong Kinh Thánh, dưới ngòi bút tài hoa của
Marie Noel, đã biến thành những truyện ngắn đẹp như truyện cổ tích, thơ
mộng và hấp dẫn lạ lùng.
Marie Noel đã qua đời trong an bình tại tu viện Ste. Etienne vào đúng mùa Giáng Sinh năm 1967, hưởng thọ 84 tuổi.
Truyện
Giáng Sinh dưới đây được Marie Noel viết trong những năm cuối của đời
bà, cảm hứng từ câu truyện anh em nhà Giô-sép trong Sáng Thế Ký. Và Tòa
Soạn xin được gửi lời cám ơn Bác sĩ VƯƠNG NGỌC LÂM đã có nhã ý diễn dịch
dành riêng cho Tuổi Hoa.
T.H.
“Thế rồi các em hắn đem lòng thù ghét hắn”
(Sách Sáng Thế, XXXVII-4)
Lễ Giáng Sinh năm ấy, cũng như mọi năm, mẹ già Ra-Sen sửa soạn dắt các con trai đi viếng Máng Cỏ.
Bà
đi gọi Xi-Mông đang làm ruộng, La-da-Rê, anh chàng thợ rèn và An-Rê,
thằng con út còn cắp sách đến trường. Xi-Mông, La-da-Rê và An-Rê là ba
người con trai trẻ nhất của mẹ Ra-Sen, những người con được bà cưng nhất
vì bà đã sanh chúng ra trong tuổi già.
Bà
ta còn một người con trai nữa, tên là Giu-Se. Người con đầu lòng ấy
cũng đã có tuổi cho nên đi đứng không còn vững vàng và mắt không còn
nhìn tỏ nữa. Giu-Se quả là người cần cù, đã làm việc rất nhiều và biết
tiện tặn đến mức tối đa cho nên ngày nay gã khá giàu. Chính gã đã bỏ
tiền ra, thứ tiền do mồ hôi nước mắt mà gã kiếm được, để xây đắp lại và
chăm sóc ngôi nhà của cả gia đình và góp công với mẹ nuôi nấng các em.
Do
đó, các em của Giu-Se đem lòng ganh ghét khi thấy gã thừa phương tiện
làm đẹp lòng chúng trong khi chúng không sao qua mặt được gã và cho rằng
đấy là một điều bất công. Chúng tìm cách xa lánh anh cả, và nếu có dịp
gặp Giu-Se ngoài đường, thế nào một trong ba người cũng vội vàng cười
khỉnh và lớn tiếng mỉa mai : “A ha, ngài Trưởng Giả của chúng ta đến
kia…”.
Còn
Giu-Se, gã một mực sống khiêm nhượng, lặng lẽ trong căn nhà gã mà không
dám dùng đến những số tiền lớn lao, tựa như một anh chàng hơi xấu hổ vì
không biết xoay sở làm sao để được tha thứ mối thù hiềm của bà con thân
thích.
Nhưng hôm trước lễ Giáng Sinh năm ấy, không hiểu sao mẹ Ra-Sen lại đến gõ cửa nhà Giu-Se.
-
“Này Giu-Se – bà ta thản nhiên nói – tí nữa ta và các con ta sẽ đi kính
bái Hài-Đồng Giê-Su. Đường đi đến Giê-ru-sa-lem thì xa quá, mà ta lại
không đủ lương thực. Anh, anh có thừa phần ăn. Hãy liệu làm sao giúp mẹ
con ta đủ dùng lúc đi đường”.
-
“Xin để con lo liệu, mẹ ạ! Giu-Se niềm nở đáp. Cái gì của con cũng là
của mẹ cả. Con xin đưa mẹ các chìa khóa của con : đây là chìa khóa vựa
lúa, đây là chìa khóa hầm thực phẩm, và đây là chìa khóa hầm rượu. Xin
mẹ cứ lấy cho đủ đồ dùng và nhiều hơn nữa thì càng tốt. Con muốn rằng
các em con không thể thiếu thốn bất cứ một thứ gì trong cuộc hành hương
đại lễ này.”.
Mẹ Ra-Sen chọn lựa đầy đủ thực phẩm rồi ra đi. Chẳng mấy chốc, bà trở lại chép miệng:
-
“Áo choàng của Xi-Mông bị thủng lung tung. Mẹ e rằng em nó sẽ bị cảm
khi đi đường mất. Mẹ biết anh có nhiều áo choàng lắm. Vậy anh hãy cho em
nó một chiếc đi”.
-
“Dạ, xin mẹ cứ tự nhiên. Mẹ cứ lấy áo choàng chủ nhật của con cho em nó
dùng. Quả là một diễm phúc lớn lao cho chiếc áo choàng của con khi được
khoác lên vai em con để đến Bê-Lem”.
Mẹ Ra-Sen nhận chiếc áo ra đi, xong lại đến gõ cửa lần nữa:
-
“Này Giu-Se, đế giày của em La-da-Rê bị há miệng hết rồi. Chắc những
chiếc giày đó không thể dùng để đi hết quãng đường dài được. Anh, anh có
nhiều đôi để thay đổi, vậy anh hãy cho mẹ một đôi để mẹ cho em nó dùng.
Em anh còn trẻ, và khỏe mạnh hơn anh, chắc nó sẽ nhận ngay mà chẳng để ý
gì đâu”.
-
“Được lắm, mẹ Ra-Sen ạ! Xin mẹ cứ đem đôi giày của con về đi. Thật là
một hạnh phúc vĩ đại cho đôi giày của con khi được lót đôi chân em con
để đến Bê-Lem”.
Lấy giày xong, mẹ Ra-Sen chào con, và những bước chân của bà bắt đầu vang lên ngoài sân.
Giu-Se bẽn lẽn ra đứng ở ngưỡng cửa. Gã ngập ngừng hỏi mẹ:
- “Mẹ Ra-Sen, mẹ không cho con đi viếng Chúa Hài-Đồng cùng với mẹ và các em con sao?”
Trước câu hỏi của anh cả, mấy người em đua nhau phản đối và nhất loạt phẫn nộ:
- “Chúa Giê-Su không cần kẻ giàu đâu… Chúa Giê-Su không xuống thế vì kẻ giàu… Chính Chúa đã nguyền rủa bọn nhà giàu mà!”.
Mẹ Ra-Sen lạnh lùng nói thêm:
-
“Ngoài ra, anh đã quá già, làm sao mà theo chúng tôi cho kịp! Anh đi
đứng khập khiễng, chắc chẳng tiến được bước nào. E rằng anh chỉ làm
chúng tôi chậm trễ mất thôi!”
Giu-Se buồn rầu rút nhanh chiếc nhẫn vàng ở ngón tay và chìa cho An-Rê.
- “Này An-Rê, vì chú còn nhỏ, chú hãy cầm lấy chiếc nhẫn của anh. Để đến Bê-Lem chú làm quà dâng Chúa Hài-Đồng!”
-
“Không đâu! An-Rê lắc đầu nguýt dài. Tôi nghèo, tôi chỉ đem dâng Chúa
Giê-Su những món quà của kẻ nghèo, những thứ mà Người ưa thích nhất!
Vàng của anh không nghĩa lý gì đối với Người!”.
-
“Đúng vậy! Giu-Se cúi đầu khiêm nhượng nói. Thôi chú hãy giữ chiếc nhẫn
đó cho chú vậy. Và khi đến Bê-Lem, chú dâng giùm trái tim của anh cho
Chúa Ki-Tô để cúi xin Người tha tội cho anh”.
- “Trái tim của anh ấy!... Anh ấy cũng có trái tim!… Trưởng Giả mà cũng có trái tim!... Ô hô, hách thật!”.
Cả ba người em cùng phá lên cười.
Và anh nhà giàu buồn bã cúi đầu vì đã bị hất hủi ra khỏi ơn Giáng Sinh.
-
“Thôi, chúng ta đi hè”, mẹ Ra-Sen thúc giục. Rồi bà hớn hở rảo bước
cùng với các con trai, tất cả các con trai của bà, ngoại trừ người con
đầu lòng.
Khi
mẹ Ra-Sen cùng các con đến Bê-Lem, có thể nói là lúc đó chuồng bò trỗi
hội tưng bừng. Mẹ Maria và mẹ Ra-Sen lòng vui mặt mừng khi gặp lại nhau!
Họ quen nhau từ lâu lắm. Và, năm nào cũng như năm nào, mẹ Ra-Sen lại
vượt cùng quãng đường dài ấy để đến sùng bái và chúc tụng Hài- Đồng của
Mẹ Maria, và Mẹ Maria lại thân mật hỏi han các con trai của mẹ Ra-Sen.
“Các
cháu có mặt tất cả đây!”, mẹ già Ra-Sen hớn hở khoe với Maria. Đứa cầm
liềm là Xi-Mông; đứa cầm búa là La-da-Rê thợ rèn, còn thằng cầm quyển
sách là An-Rê đó. Bà có thấy chúng trẻ trung, khỏe mạnh và tràn đầy dũng
cảm không? A ha, chắc chắn chúng ta sẽ làm nên chuyện với ba thằng con
trai đó!”.
- Hình như thiếu một người? Mẹ Maria nhíu mày hỏi.
- Không thiếu ai cả! An-Rê nhanh nhẩu đáp.
- Thiếu anh Trưởng Giả, La-da-Rê lớn tiếng mỉa mai.
- Dạ, đó là Giu-Se! Xi-Mông lạnh lùng cắt nghĩa.
-
Ta không biết ai là Trưởng Giả hết! Mẹ Maria lắc đầu. Ta chỉ biết
Giu-Se thôi. Từ trên chốn trời cao, ta chỉ biết loài người bằng tên thật
của họ mà thôi. Nhưng tại sao Giu-Se lại không đến? Hắn không phải là
người thiện tâm sao?
- Hắn là kẻ giàu có mà! Xi-Mông cãi lại.
- Hắn là một chủ nhân ông! La-da-Rê nói theo.
- Và CON của bà đã nói :”Khốn cho những kẻ giàu có!”, An-Rê vênh mặt tuyên bố.
Bây giờ mẹ Ra-Sen mới lên tiếng phân trần:
- “Chân của Giu-Se đã bắt đầu cứng đờ rồi bà ạ. Chắc nó không theo kịp chúng tôi đâu. Mà tôi thì không muốn đến trễ!”.
Mẹ
Maria lẳng lặng quay lưng đi đến Máng Cỏ bồng con dậy. Bà khẽ nói :”Hỡi
chiếc mồm bé nhỏ! Cho đến bây giờ con chỉ đã nói với toàn là kẻ điếc,
và ta sợ rằng về sau con sẽ còn nói với những kẻ điếc nữa mà thôi!”.
Thế rồi, giống như mọi khi, Mẹ Maria đặt Hài-Đồng Giê-Su ngồi lên đùi để Người đón nhận những lời sùng bái cùng lễ vật.
Mẹ Ra-Sen nhắc các con : “Các con đến bái Người đi!”.
Cả
ba người con trai cùng cúi đầu quì xuống đất. Xi-Mông nói trước : “Lạy
Chúa Giê-Su, con xin kính bái Chúa. Ngài là Thiên Chúa của kẻ nghèo! Con
là kẻ nghèo mà Ngài ưa thích và con xin hiến dâng Chúa, cùng với chiếc
liềm này, tất cả nhọc nhằn suốt bốn mùa của con”.
Hài-Đồng Giê-Su chỉ nhìn mà chẳng mỉm cười.
“Con ta không thích liềm đâu – Mẹ Maria lắc đầu nói. Hãy cho Người chiếc áo choàng đi”.
Rồi
La-da-Rê bắt đầu nói : “Lạy Chúa, con xin kính bái Chúa! Con xin kính
bái Chúa Ki-Tô thợ! Con cũng là thợ như Chúa và xin dâng Chúa, cùng với
cái búa này, sự mệt nhọc suốt tuần của con”.
Chúa Hài-Đồng chỉ lắng nghe mà không mỉm cười.
“Con ta không thích cái búa này đâu! Mẹ Maria lại lắc đầu. Hãy dâng Người đôi giày kia thì hơn!”.
Cuối cùng đến lượt An-Rê bày tỏ cùng Chúa:
-
“Lạy Chúa, con xin kính bái Chúa! Lạy Thiên Chúa của kỷ nguyên mới! Con
sẽ nhân danh Chúa đi hủy diệt xã hội bất công để giành chỗ cho nước
Chúa trị vì và con xin dâng Chúa, cùng với quyển sách này, cơn giận dữ
ghê hồn những đêm dài vô tận của con”.
Nhưng lần này Hài-Đồng Giê-Su chỉ lẳng lặng ngoảnh mặt đi.
“Con ta sợ quyển sách đó, Mẹ Maria cúi đầu nói khẽ. Hãy cho Người chiếc nhẫn thì hơn”.
Thế
rồi, Xi-Mông, La-da-Rê và An-Rê cùng đứng dậy. Và trong chuồng bò, dưới
chân Hài-Đồng Giê-Su, chiếc áo choàng, đôi giày mới, chiếc nhẫn vàng
lóe lên một nguồn sáng chói lọi. Hài-Đồng Giê-Su vừa sung sướng mỉm cười
vừa với tay đến nguồn sáng ấy tựa như một chú bé ham thích ánh sáng
diễm tuyệt của ngọn lửa.
Mẹ Maria nhẹ nhàng nói:
“Cám
ơn bà lắm, mẹ Ra-Sen ạ, và ta cũng cám ơn các con bà đã đem cho con ta
những lễ vật tràn đầy tình thương như thế này. Vì thật ra, chỉ nội trong
một thứ quần áo ngày chủ nhật kia, chỉ một món thôi, con ta đã bắt gặp
biết bao nhiêu là tình thương, nhiều tình thương hơn là trong mồ hôi của
suốt một đời người vì thứ mồ hôi ấy đã hòa lẫn với mật đắng”.
“Thôi
chào Xi-Mông, La-da-Rê và An-Rê. Hãy nhớ kỹ cho : sự nghèo khó còn có
ích chi với anh nhà nghèo khi hắn ta đánh mất đi tình thương? Thôi, hẹn
mẹ Ra-Sen đến sang năm vậy. Bà hãy trở về và nói giùm với Giu-Sê rằng:
“Kẻ được chúc phúc ở Máng Cỏ, chính là kẻ không đến được vậy”.
Marie Noel
(Huế, Mùa Giáng Trần 1974