Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

CHƯƠNG 7_GIÃ TỪ BÓNG TỐI


7

Bà Phủ đến sát bên lưng, Tâm vẫn chưa hay biết. Tội nghiệp! Nó đang say sưa với dự tính ngày mai : nó sẽ mua ít bánh đậu xanh đem vô Đà Nẵng làm quà cho chị Minh. Chị rất thích bánh đậu xanh. Chị sẽ ngạc nhiên hỏi : “Tiền đâu?” và Tâm chỉ toét miệng cười thay cho câu trả lời rắc rối.

Tâm nâng mấy lá thư và giấy bạc lên môi. Nom dáng bộ nó, bà Phủ biết rằng nó quí những vật đó ngang tính mệnh. Bà giận run nhưng chưa lên tiếng vội “Con mọi đen gớm thiệt! Phải tra cho ra lẽ… Hừ! Cần gì tra hỏi! Tiền là tiền ăn bớt khi đi chợ chớ tiền chi? Lạ là lạ mấy lá thơ. Chào ơi! Cái mặt đen hơn đít chảo mà cũng có đứa gởi thơ tình! Ghê thiệt! Thằng hủi mô đây? Phải tra cho ra lẽ… không dung được quân ni! Rõ ràng là nuôi ong tay áo!”

Trong lúc bà đứng sau lưng Tâm, nghĩ cách trừng phạt nó thích đáng thì Tâm ung dung rút khăn tay, cái khăn chị Minh cho – gấp nhỏ thư và bạc giấy, dùng khăn gói lại, cho vào túi áo đến bếp định vùi kỹ lửa đặng đi ngủ.

Tâm bước chệnh choạng như chân nó không chạm đất, như thể nó vừa được tháp cho đôi cánh, vì vừa đọc thư chị Minh, nhất là vì nó biết ngày mốt nó được đi Đà Nẵng ở với chị Minh. Mợ vừa nói ban chiều, giọng bà thật gay gắt, nhưng Tâm không quan tâm đến, không bực bội chút nào. Dù bà có gay gắt hay dịu dàng, Tâm cũng bất cần. Còn có một ngày mai…

Thình lình, có tiếng mợ dặng hắng làm nó giật bắn cả người, hốt hoảng. Bà xuống hồi nào? Bà có thấy gì không? Chắc không, may quá…

- Tâm! Đứng lại, nghe hỏi đây!

Tâm run như tấm giẻ phơi trước gió, trống ngực đập thình thình, dữ dội. Nó giương đôi mắt biểu lộ sự sợ hãi tột cùng, nhìn sững mợ dâu. Bà Phủ cười gằn, giọng bà lạnh ngắt:

- Trước hết, tao hỏi mi : mi làm chi có nhiều tiền dữ rứa? Ăn bớt tiền chợ mấy lần mà được tới số nớ? Nói mau!

- Trời ơi!

Tâm bật lên hai tiếng rồi lại lặng thinh. Nó cải chính cách nào đây? Làm sao bà tin nó? Nó đã từng bị đòn bầm da, rách thịt về tội ăn bớt tiền chợ nhiều lần, nhưng nó không kêu ca, oán hận vì quả nó có tội. Lần này thì không, lâu nay nó đã hứa với chị Minh và không tái phạm, nhưng bà Phủ đã kết tội thì đừng hòng chối cãi, không có chị Minh đây, ai xác nhận với bà là tiền đó chính chị cho tâm? Tâm biết rằng dù Tâm có nói ra, bà cũng không cho là Tâm nói thật, bà phải vờ không tin lời nó, dù bà biết đó là sự thật ; có thế bà mới được dịp hành hạ nó, bù lại những ngày có chị Minh bà phải nương tay.

- Răng mi không trả lời tao? Gan hỉ? Được! Để đó… rồi sẽ hay. Chừ mi nghe hỏi nữa đây : thơ thằng mô gởi cho mi đó? Thơ qua thơ lại mấy lần rồi? Hắn rủ rê mi những chi? Định đến bữa mô thì đánh bả cho cả nhà ni ngủ mê đặng khuân hết đồ đạc đây? Thằng mô? Nói tao nghe, không thì mi…

Tâm đứng chết lặng, khuôn mặt nhòe trong nước mắt, nó đau đớn uất ức mà không thốt được một lời. Nguyên mỗi chuyện tiền đủ chết đòn rồi, thêm chuyện mấy lá thư làm sao mà nói ra cho được, hở trời? Tâm bối rối quá, không nói rõ thì bị ngờ chuyện động trời mà nói ra, bà đòi coi thư thì chị Minh sẽ bị bà cho là âm mưu này nọ, nhất là bà biết chị có người ở rồi đời nào bà cho Tâm được ra khỏi cái nhà này? Chưa kể bà đọc trong đó thấy những điều chị bày vẽ cho Tâm, bà sẽ không dung cho chị…

Giọng bà hằn học rít qua hai hàm răng khít rịt:

- Quân phản phúc! Quân điêu! Hẹn hò mấy lần với trai rồi? Chắc tao phải đuổi mi ra khỏi nhà ni, kẻo mi làm nhục cậu mi, ông chết mất. Mà không nữa mi dám rủ quân trộm cướp vô nhà cắt họng cả nhà, còn tệ hơn…

Tâm đã quen nghe chưởi rủa nhiếc móc tàn tệ, nhưng hôm nay những câu của bà Phủ quá sức tưởng tượng, quá mức chịu đựng của Tâm.

- Thưa mợ, con không quen ai hết, con cũng không ăn bớt tiền chợ của mợ, xin mợ đừng nghi oan cho con, tội nghiệp! Con xin thề…

Bà Phủ bĩu môi:

- Thề! Cá trê chui ống! Đừng nói dài lời, mi nói không quen thằng ăn trộm mô hết thì đưa thơ đây tao coi, việc chi phải giấu? Đưa đây! Mau!

Tâm lùi lại, kinh hoàng hiện trên khóe mắt. Đưa cho bà mấy lá thư kia? Không! Bà cứ đánh, cứ chưởi, cứ nghi…

Trong lúc người mợ dâu tiến tới, chìa tay ra trong dáng bộ quả quyết, dữ tợn, nóng nảy, hai mắt bà trợn trừng thì đứa cháu khư khư giữ chặt bàn tay trên túi áo, như sẵn sàng bảo vệ của báu đang nằm trong túi đến cùng. Giọng nó cũng cương quyết:

- Thưa mợ, xin mợ đừng nghi oan cho con. Xin mợ đừng đọc mấy lá thơ ni, không phải thơ con trai, đàn ông mô hết. Con không quen ai hết, dạ, thơ riêng của con, thưa mợ…

Bà Phủ gạt phắt lời Tâm:

- Điên! Láo! Mi tính qua mặt tao à? Không phải thơ trai, không phải thơ thằng trộm, thằng hủi mô viết cho mi thì răng mi phải giấu? Đưa đây! Đừng nói lôi thôi! Thơ riêng! Nói nghe như công chúa…

Lần này, bộ điệu sấn sổ của bà làm Tâm càng hãi, giọng nó như rên:

- Xin mợ thương con, tội nghiệp! Oan con quá! Mợ nghĩ coi, con đen đủi, xấu xí như ri, ai mà thèm viết thơ… Mợ nghĩ lại giùm con, con đội ơn mợ.

Bà Phủ chùn lại một giây : phải! Ai mà viết thơ tình cho con mọi đen như nó? Ủa! – bà tự cãi lại với mình – nếu không phải thơ tình thì thơ chi? Kẻ nào định âm mưu chi đây? Dù có là thơ đàn ông hay đàn bà, già trẻ, gần xa chi mình cũng phải coi cho được. Lần này bà gằn giọng:

- Thôi, đừng có lải nhải, đưa tao coi thử rồi tao tha cho cái tội ăn cắp tiền chợ. Tao chỉ cần biết đứa mô xúi biểu mi việc chi, chớ tao không cần mi đâu. Ngày mai con bếp sẽ đến, mốt tao tống khứ mi liền.

Không! Tâm không ngu dại nữa, nó bị bà lừa gạt kiểu đó nhiều lần, quá nhiều rồi. Bà bảo : phải thú thật đã ăn bớt tiền chợ bao nhiêu bà sẽ tha, mà nó thú nhận sự thực rồi bà vẫn đánh, vẫn nói là nó nói dối, và đánh mãi, chưởi mãi… Không! Bà cứ đánh đi! Đừng hòng nó bị lừa lần này. Để bà đọc mấy lá thư này thì khác gì tự đào lỗ cho bà chôn nó xuống?

Đứa cháu lại lùi thêm một bước trong khi bà mợ dâu tiến tới chút nữa, bà chỉ chồm đến là tóm trọn nó trong tay, nhưng bà ngừng lại, ra lệnh lần cuối:

- Đưa đây! Mau! Không thì mi chết đa!

Như con thú bị săn đuổi đến bước cùng, Tâm nhìn quanh toan tìm đường tháo chạy : trước mặt nó là cái bếp, lửa hừng hực cháy, nồi cháo heo sôi sùng sục, những cành khô còn vỏ nổ lên bong bóc, tàn bắn xung quanh. Cạnh nó là bà mợ đanh ác đang chìa tay, dáng bộ vô cùng hung hãn.

Trước khi trí khôn nó kịp khuyên nó nên làm cách gì, thì đôi mắt nó cũng vừa nhận thấy ngọn lửa đang rực cháy. Tức thì, không cần suy tính lâu la, bàn tay đang khư khư giữ chặt cái túi áo bỗng nới ra và tay kia thò vào. Hai bên cùng nín thở, bà Phủ đinh ninh con mọi đen biết điều lấy thư đưa cho bà, song nhanh như một con sóc nhỏ, nó nhoài tới, vứt trọn cái bọc khăn vào ngọn lửa hồng, cả mấy cái thư và cả mấy tờ giấy bạc cháy vèo đi trong nháy mắt.

Bà Phủ sững sờ không kêu lên được một tiếng nào, còn nó, nó mím môi chờ đợi… nước mắt đã khô trên khuôn mặt đen đủi, dáng bộ như dáng bộ của kẻ kiệt sức trong sa mạc giữa trưa. Nó sẵn sàng hứng chịu…

Người đàn bà độc ác như vừa được kéo ra khỏi cơn mơ, bà gầm lên:

- Giỏi! Con mọi ni giỏi thiệt. để tao coi cái gan mi  bây lớn! Mi dám phi tang…

Đã lâu bà không được dịp đánh  đập Tâm. Dâu bà bênh nó chầm chập mà nó, nó không phạm một lỗi gì đáng kể. Giờ thì Minh không có mặt, nó lại can một tội tày trời. Bà rất hài lòng.

Thoạt đầu, bà rút đôi đũa sắt dài vẫn dùng để gắp than trong bếp, dập thí lên đầu, lên cổ, lên vai, lên mặt Tâm, vừa đánh vừa nghiến răng ken két, không ngừng chưởi rủa.

Đứa nhỏ bất hạnh không khóc lóc, kêu ca, không tránh né. Nó đứng im như tượng gỗ để mặc cho trận mưa bằng đũa sắt tưới lên đầu, mặt, cổ, vai. Nó biết tội mình to lắm, phải để bà hành hạ cho hả giận.

Đôi đũa sắt cong lại, bà Phủ quăng xuống đất, nhìn quanh, không có gì khác hơn những thanh củi, to có, nhỏ có vừa tầm tay bà như chờ sẵn. Bà lựa một thanh to nhất, bổ lên mình Tâm, đôi mắt bà long lên sòng sọc, những tia máu đỏ ngầu nổi bật trong lòng trắng như mắt những người say rượu, dáng bộ như dáng mụ điên…

Tâm không chịu nổi nữa, nó rú lên vì đau đớn, bấy giờ bà Phủ thôi chưởi, bà phải dành sức lực để giáng thanh củi xuống mình Tâm, bất cứ nơi nào, hơi thở bà dồn dập, hổn hển, miệng há to, ai chợt thấy, có thể tin đó là kẻ tử thù của bà chứ không phải đứa bé hèn mọn dưới tay bà. Bà ghét, bà thù Tâm từ lâu lắm, mà phải gắng nhịn, giờ mới có dịp ra tay.

Bà càng đánh, Tâm càng khóc lóc, van xin, nài nỉ, giọng nó thê thiết cho đến nỗi cậu nó, người đã mũ ni che tai từ lâu lắm mà cũng động lòng, cho đến nỗi hai người chị con cậu mợ, chưa bao giờ mở miệng bênh vực nó mà cũng sốt ruột, ngỏ lời can ngăn mẹ.

- Cha con bây đi lên! Đừng có chen vô. Tao mà không trị hắn, hắn sẽ kêu người tới ám sát cả nhà, tao bắt được thơ từ, chưa đọc thì hắn bỏ vô lửa phi tang. Quân gian hùng ni mà tha à? Không đươc! Để tao…

- Tội nghiệp con! Mợ ơi! Xin mợ tha con! Tội nghiệp con…

Giọng Tâm khàn khàn như sắp tắt hơi. Nó gần lả người dưới tay bà Phủ, nhưng bà vẫn không thương xót, mà cái tiếng nó cất lên để van xin lại làm lửa giận trong tim bà hực cháy, cao lừng.

- À! Mi cũng biết van xin à? Tao sẽ làm cho mi câm lại, cho mi biết, đừng hòng qua mặt tao!

Bà nghiến răng nói, đoạn bà vứt thanh củi ra xa, chồm đến, dùng hai tay có những ngón to, bóp cổ Tâm. Con bé kêu ằng ặc, vùng vẫy yếu ớt và ngã xuống…

Ông Phủ không chịu được nữa, ông thét lên:

- Thôi! Đủ rồi! Bà định giết nó hay răng, đánh chi mà say máu…

Tuyết, cô gái út lao đến, gỡ tay mẹ, nước mắt ròng ròng, giọng cô chứa đầy phẫn uất:

- Trời ơi! Mạ! Sao mạ ác dữ rứa? Mạ ơi!

Bà Phủ chợt tỉnh, ngưng tay. Phải! Bà say máu thật! Con cháu da đen ngã huỵch xuống, mặt mày xây xát, bê bết máu và nước mắt, áo quần tả tơi như mấy tấm giẻ lau, nó hết kêu khóc van xin nổi, nó rên ư ử như con chó kiệt sức nằm quay lơ trên nền đất nện, hơi thở thoi thóp trông thật thảm. Máu từ miệng nó, mũi nó và những vết thương do thanh củi góc cạnh gây ra, nhòe nhoẹt. Trông thấy màu đỏ của những giòng máu đó, bà Phủ càng ghét hơn. Hình như bà không bằng lòng điều này : mọi đen mà cũng có được thứ máu đỏ như… mọi người à? Lúc nãy nó gào khóc não lòng bà ghét : mọi đen mà cũng biết đau đớn à? Và bây giờ nó nằm lặng, tiếng rên rỉ thưa dần và im bặt bà lại cho là nó giả vờ, càng ghét hơn.

Tuyết run bây bẩy, cô sợ nó chết thì nguy, cô lay gọi nó, vừa lay gọi vừa trách mẹ không tiếc lời. Bà Phủ bĩu môi:

- Nó chết càng hay, tội vạ đâu tao chịu, đừng lo…

Tuy miệng nói cứng, nhưng trông nó bằn bặt, im lìm trên nền đất, bà cũng hơi chờn. Rủi ro nó có bề gì thì cũng mệt lắm, không phải chuyện chơi. Chồng bà đã thôi làm quan lớn từ lâu nay, sự kiêng nể nhạt phai dần theo năm tháng. Những nhà láng giềng vốn không mấy ưa thói hách dịch của bà, họ nghiêng cảm tình về phía con bé khốn khổ nhiều lần, rõ rệt, ngay cả trước mặt bà.

 “Đồ oan gia, nghiệp báo” bà rủa thầm. Nếu nó có chết thì cũng lỗi nơi nó chớ có phải bà gây ra đâu? Tại sao nó không đưa bà mấy lá thư kia? Không chừng bà đoán già như thế mà lại là sự thật cũng nên. Bà kín đáo, nay đem ra hiệu cầm đồ, cầm đi một thứ, mai đem đến hiệu kim hoàn bán đi hai thứ, song người ngoài ai hay biết sự túng thiếu của gia đình? Chém chết, con mọi đen cũng hớt lẻo với thằng trộm, thằng hủi nào rồi, và chúng đang âm mưu với nhau đánh cướp nhà bà thì may mắn cho gia đình bà nên bà bắt gặp… Sao nó dám táo gan cãi lại lời bà? Nó không mưu mô sao nó lại ném thư ném tiền vô lửa đỏ? Tại sao?

- Dầu chi đi nữa, chuyện đâu còn có đó, hắn âm mưu mô không ai thấy, chỉ thấy bà đánh hắn như đánh chó ăn thịt… Nì, tôi hỏi thiệt bà, bà thù hắn chi mà thù dai dữ rứa? Còn có một ngày nữa hắn đi mà bà cũng không để cho hắn yên thân? Ăn ở như rứa Trời Phật mô phò hộ cho bà? Người mô mà độc ác…

Càng nói, giọng ông Phủ càng cay đắng:

- Hắn ăn chi của bà? Hắn làm hơn tôi đòi, hơn trâu ngựa, một trăm thứ chuyện lớn nhỏ trong nhà ni đều một tay hắn… Bà đánh chó phải ngó chủ nhà, bà cũng biết hắn là cháu ruột tôi, dầu là đen đủi, xấu xí…

Ông Phủ òa khóc, lần thứ nhất ông nói toạc ra không cần giấu giếm, che đậy:

- Mẹ hắn đã hy sinh để cứu cả nhà… Em ơi! Cháu ơi, cậu là con người bỏ… cậu hèn, cậu không đáng làm người…

- Chuyện chi mà khai hết chân tơ kẽ tóc, ai khảo tra ông?...

- Bà im đi! Tôi chán hết mọi sự! Tôi chán cả bà, chắn lắm lắm rồi…

Ông lại gần đứa cháu bạc phước của mình, đưa bàn tay khô đét, xương xẩu vuốt lên trán nó, xoa lên mặt nó, nước mắt ông chan hòa nhỏ xuống trên mình nó, ông rên rỉ, nghẹn ngào:

- Cháu ơi! Cháu đừng chết! Cậu thề sẽ bù lại mọi bất công cháu hứng chịu trước nay. Nếu cháu chết, cậu sẽ khó mà nhắm mắt, làm sao cậu đủ can đảm nhìn mặt mẹ cháu dưới suối vàng? Cậu già rồi… cháu ơi! Tâm ơi!

Tuyết khổ sở nhìn cha, nhìn Tâm nằm lặng lẽ rồi lại nhìn mẹ, gan ruột nóng như cào. Tuy cô không hiểu rõ hết câu chuyện, nhưng những lời cha cô như những mũi kim nhọn xuyên tận tim cô. Lần thứ nhất trong đời, cô dao động vì một thứ tình cảm khác lạ, khác xa với thứ tình cảm ích kỷ hạn hẹp thông thường vẫn ngự trị ở tim cô.

Bà Phủ sững sờ trước thái độ kỳ quặc của chồng. Bà trừng mắt nhìn ông, toan gây gổ, toan dùng những lời độc địa để mai mỉa ông, để bắt ông im như trước nay bà vẫn thường làm, song mắt bà chạm phải tia nhìn sắc bén, lạnh lẽo mà dữ dội của ông. Ông không nói gì nữa, nhưng những tia nhìn đó làm bà kiêng sợ đến nỗi bà phải quay đi.

Chợt, Tâm khẽ cựa mình, thở hắt ra một tiếng, ú ớ không thành lời rõ rệt. Tuyết mừng cuống, gọi dồn:

- Tâm! Tâm! Em có tỉnh không?

Tâm nhận ra tiếng Tuyết, cố gắng mở mắt, nhưng nó chỉ gật đầu, không nói được, và khi trông thấy cậu, nó hoảng sợ, vội vàng làm một cử chỉ như cố gắng ngồi lên vùng chạy. Tuyết nắm tay nó, dịu dàng:

- Đừng sợ, cậu thương em lắm đó. Tâm ơi!

- Tâm! Cậu đây! Con đừng sợ gì hết, không ai dám làm chi con nữa, có cậu đây…

Tâm giương mắt nhìn quanh, vì tuy cậu nó nói thế, nó vẫn chưa vững lòng, lâu rồi, ông không hề bênh vực nó trước những trận lôi đình của vợ. Tuyết hiểu ý nó, vội trấn an:

- Mợ đi lên nhà rồi. Em có đau lắm không? Hở em tâm?

Tâm ứa nước mắt vì xúc động song Tuyết lại ngỡ vì đau, cô dỗ nó:

- Để chị lấy dầu xoa cho em, nghe? Tội nghiệp em quá, sao em không đưa thơ cho mợ, để bà đánh…

Tâm bắt gặp ánh mắt chứa chan thương cảm của cậu nhìn mình, ánh mắt đó giúp nó vững tâm, không cần tra hỏi, Tâm nói ra sự thật:

- Thơ của chị Minh chớ có phải của ai lạ mô, nhưng em không dám đưa cho mợ, sợ bà giận…

- Con đừng lo, mợ không giận con nữa đâu…

- Xin cậu đừng cho mợ con biết chuyện này…

- Biết hay không thì cũng rứa, con gắng vài bữa bớt đau, cậu cho vô với anh Hùng, chị Minh. Không ai dám làm chi con nữa mô, có cậu đây! – Ông quay sang phía con gái, hắng giọng nói to, cốt cho vợ cùng nghe:

- Tuyết! Con coi săn sóc hắn ít bữa rồi sửa soạn cho hắn vô Đà Nẵng… Ba không muốn để hắn ở đây làm tôi mọi cả đời mà còn bị đánh đập như súc vật…

Bà Phủ hiện ra ở khung cửa, giọng bà đanh đá:

- Tôi chưa cho nó đi, cho tới chừng nào tôi biết mấy lá thơ nó đã đốt của thằng mô rồi mới bàn đến chuyện nớ…

- Tôi biểu bà im! Bà đừng chen vô chuyện con Tâm, nó là cháu tôi, để tôi xử lấy. Thơ ai bà hỏi làm chi? Bà quyền gì mà đòi coi thơ riêng của nó?

Nghe đến hai tiếng thơ riêng, bà Phủ nhớ lại ánh mắt và giọng nói của Tâm lúc nó thốt lên hai tiếng đó, bà lồng lộn:

- A! Bây giờ chính ông cũng binh hắn nữa, phải không?

Câu trả lời như ngọn roi sắc buốt, quất vào mặt bà không chút nương tay:

- Phải! Rồi sao? Tôi không binh vực hắn để bà muốn giết hắn cũng được, phải không?

- Ông nói chi rứa? Ông…

- Bà nghe chưa rõ ư? Đây, tôi nói lại cho bà nghe : tôi sẽ cho hắn vô Đà Nẵng ở với vợ chồng thằng Hùng, bà hiểu chưa? Đáng lẽ hắn đi ngày mốt như dự tính, nhưng bây giờ bà đánh hắn chí tử, hắn đau, phải để năm ba bữa…

- Tôi đã đổi ý rồi, chưa có người ở mới, tôi không cho hắn đi. Đợi tôi thuê được người đã… mà biết chừng tôi không thuê người nữa, cũng nên…

- Thuê được hay chưa hoặc không thuê đó là chuyện của bà. Trong lúc hắn còn ở đây, tôi cấm bà đụng đến hắn, bà nghe chưa? Tôi cấm bà! Kể từ giờ phút này , hắn hết còn làm đầy tớ không công cho bà nữa, bà phải nhớ kỹ như vậy. Tôi đã để bà lộng hành nhiều rồi, lâu rồi, chấm dứt đi là vừa.

- Á! À! Ông chủ ra lịnh! Được, tôi sẽ ra khỏi cái nhà ni, giao quyền hành lại cho ông!

- Thôi, đừng lập lại mấy câu đe dọa cũ rích, bà muốn đi đâu tùy ý…

- Ông đuổi tôi phải không?

- Tôi không đuổi bà – giọng ông cương quyết, lạnh băng – bà muốn đi hay ở tùy bà, miễn bà phải tuân lời tôi, để con nhỏ được yên thân cho đến ngày hắn ra đi.

Rồi ông đổi giọng, âu yếm bảo Tâm:

- Đợi chừng nào con mạnh, cậu sẽ cho con đi Đà Nẵng, đừng sợ ai hết, đừng sợ gì hết, có cậu đây!

Tâm ngồi bật lên một cách gọn gàng, bao nhiêu sức lực như vừa được phục hồi chóng vánh, như thể trận đòn dữ dội vừa rồi không phải trút lên mình nó, bởi nó vừa được tiếp sức bởi mấy tiếng của cậu thốt lên. Nó nói, tiếng còn yếu ớt nhưng rất rõ ràng:

- Dạ, con đi ngày mốt được, con hết đau rồi…

“Cháu ơi! Cháu sợ cái nhà này đến mức này sao? Tội nghiệp cháu biết ngần nào… cậu làm sao chuộc được lỗi này, hở cháu?” ông Phủ muốn kêu lên như vậy, song ông nghẹn ngào không thốt ra lời, ông chỉ đưa tay vuốt lên vai cháu và ra hiệu cho con gái đỡ nó đứng lên.


MINH QUÂN
1972       
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>