Buổi
tối, Bảo Lan chờ bác Nghi ra phòng khách đọc báo xán lại ngồi sát cạnh bố. Bác
Nghi chăm chú đọc không để ý. Em thấy Bảo Lan có vẻ như muốn nói điều gì. Chờ
mãi, đến khi bác vừa buông tờ báo xuống để giở sang mặt khác Bảo Lan tấn công
ngay, giọng con bé thủ thỉ thật ngoan:
-
Bố, mai sinh nhật con rồi bố.
Bác
Nghi nhìn con gái tủm tỉm cười:
-
Ủa, mai rồi à?
Bảo
Lan cười thật tươi:
-
Dạ, mai bố.
-
Mà bố không có tiền làm sao đây?
-
Ư.
Bảo
Lan kêu lên vẻ phụng phịu, bác Nghi cười xòa:
-
Được rồi, bố nhớ chứ, mà sinh nhật thì con làm gì đâu nào?
Bảo
Lan reo lên:
-
A ha, hoan hô bố.
Bác
Nghi lại cười, âu yếm:
-
Bố cho tiền, Lan nói chị Thúy Cúc làm bánh chứ gì. Lan định sao nào?
Chị
Thúy Cúc la lên:
-
Nó chờ mãi mới nói đấy bố. Năm nay Lan nó muốn ăn sinh nhật lớn.
-
Thế nào là lớn?
-
Nó muốn ăn mặn.
Tất
cả mọi người phá lên cười ầm ỹ, chị Thúy Cúc đỏ mặt. Bảo Lan chu môi:
-
Ăn mặn, chị làm như em xưa nay ăn chay trường vậy đó.
Chị
Thúy Cúc Cãi:
-
Ta muốn nói là mọi năm mi đãi toàn bánh ngọt, năm nay mi đòi me nấu cỗ bàn,
không phải ăn mặn là gì?
Tiếng
cười vẫn chưa ngớt, chị Thúy Cúc cáu:
-
Không phải sao?
Bác
Nghi giảng hòa:
-
Thôi nào, ăn mặn hay ăn chay gì cũng thế, chắc Bảo Lan tính xong hết rồi chứ
gì, nói bố nghe coi.
-
Ơ…!
-
Sao lại ơ?
Chị
Thúy Cúc kê:
-
Lan nó chỉ biết ăn thôi chứ làm gì được mà bố hỏi.
Bảo
Lan tỉnh bơ:
-
Có chị giỏi như chị Thúy Cúc đâu cần phải học làm bếp nữa há bố.
Chị
Thúy Cúc được vuốt ve tự ái bèn nín im. Ai cũng biết là Bảo Lan rất được lòng
bố vì hay nịnh, mọi người đều chờ xem con bé làm trò gì tiếp. Bảo Lan nói, liến
thoắng:
-
Con sẽ nhờ chị Thúy Cúc làm cho con cái bánh Sinh Nhật ba tầng.
Chị
Thúy Cúc hét:
-
Gì mà ba tầng, dữ vậy?
Bảo
Lan phớt tỉnh:
-
Với kem sô cô la và nhân dừa ở trong, xung
quanh chạy hoa hồng với kem trắng. Bánh có chạy chữ Anniversaire – Bảo Lan mười
lăm tuổi…
Chị
Thúy Cúc tròn mắt:
-
Vừa thôi chứ Lan.
Bảo
Lan cười xòa chạy lại chị:
-
Em biết thế nào chị Thúy Cúc cũng làm cho em mà. Bánh chị làm còn ai chê vào
đâu nữa chứ.
-
Con ranh.
Anh
Nhiên vừa từ nhà trong bước ra nghe loáng thoáng được mấy tiếng vội hỏi:
-
Cái gì, Thúy Cúc làm bánh gì thế?
Bảo
Lan cướp lời:
-
Mai Sinh Nhật Bảo Lan anh Nhiên à.
-
A.
Chị
Thúy Cúc nói:
-
Nó đòi em làm cho nó bánh ba tầng, lại đòi me nấu cỗ bàn thật lớn. Em không
hiểu nó làm gì mà long trọng thế.
Anh
Nhiên mỉm cười:
-
Bảo Lan có đòi thêm ban nhạc sống không hả?
-
Dám lắm. Coi chừng Lan nó sẽ đòi anh Du đánh đàn, anh Nhiên ngâm thơ, anh Nhã
hát. Dám mở cả khiêu vũ cho anh Hùng trổ tài nữa không chừng.
Bác
Nghi cười cười quay sang Bảo Lan:
-
Phải không Lan?
Bảo
Lan kêu lên:
-
Bố không biết là năm nay con mười lăm tuổi sao? Mười lăm tuổi là có thẻ căn
cước rồi, con phải ăn Sinh Nhật thật lớn chứ bố. Con lớn rồi mà.
-
Ghê quá nhỉ!
Bảo
Lan quay sang em:
-
Phải không Thu, có phải Thu ăn Sinh Nhật mười lăm tuổi lớn nhất không? Tụi bạn
Lan đứa nào cũng thế hết.
Em
cười gượng chưa trả lời được thì anh Nhiên đã xen vào:
-
Thu không ăn Sinh Nhật đâu.
-
Ủa, sao lại không?
Bảo
Lan nói có vẻ sửng sốt, quen tính tiêu xài Lan tưởng nhà nào cũng như nhà Lan
hết. Trời, nếu em mà có thể có một ngày Sinh Nhật cho em thì đâu đến nỗi ba me
phải gửi em xuống bác. Anh Nhiên nhìn em, em thấy rõ ràng là anh ái ngại, anh
nói lảng sang chuyện khác:
-
Bảo Lan định mời ai và cho ăn gì ngày mai hở?
Em
không muốn ngồi nán lại ở đây nữa nên lặng lẽ đứng lên bỏ đi. Tiếng Bảo Lan còn
vọng lại tai em, ríu rít:
-
À, Lan định mời hết bạn bè, cả bạn của anh Nhiên và chị Thúy Cúc. Lan sẽ tổ
chức thật lớn, Lan sẽ xin bố…
Em
bỏ đi thật nhanh để khỏi nghe thêm gì nữa, nỗi buồn ứ đầy trong lòng em. Em về
buồng đóng cửa chui lên giường nghĩ ngợi. Hạnh phúc no đầy của Bảo Lan làm em
tủi thân, em bỗng ứa nước mắt một mình. Nhớ căn nhà nhỏ bé quá đỗi. Và ba, và
me, và chị Ái, em Vũ. Ước gì em có cánh bay về ngay mái nhà nhỏ nhoi của em.
Vui bằng nỗi vui của người đâu phải là vui. Em chỉ là em tầm thường và bé nhỏ
thế nên em vẫn đau lòng khi nhìn thấy hạnh phúc của người khác. Đừng nhỏ mọn
thế Thu, mày không nên ghen tị. Em nhủ thầm trong lòng. Không, em không ghen,
em chỉ xót xa nghĩ rằng ngày Sinh Nhật của Bảo Lan còn hơn cả số lương cả tháng
trời ba làm cặm cụi, hơn cả những ngày me vất vả bán buôn. Ba thường nói hạnh
phúc không hẳn ở sự sang giầu, nhưng có một điều mỉa mai là hạnh phúc ít khi
chịu đặt chân vào những chốn cùng khó. Lý thuyết với thực hành là hai việc
ngược nhau. Hạnh phúc ở ngay tự trái tim mà mấy ai nghĩ đến điều đó. Người ta
cứ đi tìm vu vơ, và đổ lỗi. Có nên trách không. Ôi thứ hạnh phúc có sẵn trong
tim đó, hàng nghìn thứ khốn khó đã làm mờ lấp, dập vùi.
Căn
phòng nhỏ bỗng dưng trở nên nóng bức lạ thường. Em vùng dậy đi lại trong phòng.
Ý tưởng bị dồn nén khiến em bực bội. Em mở toang hết hai cánh cửa sổ ngó ra
vườn. Sự tĩnh mịch bên ngoài làm lắng dịu được đôi chút, em bỗng có ý nghĩ thèm
muốn được tự do đi lại dưới bầu trời khoảng khoát ấy. Cửa sổ làm hơi cao vì nền
nhà đúc hàng hiên. Em bặm môi leo lên thành cửa. Em không muốn ra vườn bằng cửa
chính vì như thế lại sẽ phải đi ngang phòng khách đang rộn rã tiếng cười nói
cho ngày Sinh Nhật Bảo Lan. Em ngồi trên thành cửa, ước lượng tầm cao của cửa
với nền đất và nhẩy mạnh xuống. Cửa sổ nằm quay ra vườn, lớp cỏ xanh mịn làm
đôi chân bớt đau dội. Em đứng tựa vào tường giây lát, vuốt lại làn tóc xõa trên
mặt. Không khí mát dịu bên ngoài làm em tỉnh táo đôi chút. Em bước vài bước
trên lớp cỏ mềm, bỗng nhiên em nghe đâu đây có tiếng đàn thoảng nhẹ tới. Sự
kinh ngạc làm em ngẩn người. Tiếng đàn êm và nhẹ, buồn hiu hắt. Không phải là
những dòng nhạc em thường nghe từ chiếc cassette của anh Nhiên. Tiếng nhạc đơn
độc, “sống” lạ thường. Em đứng im lắng nghe, phòng em cao, lại đang bực bội nên
hồi nãy em không nghe được tiếng đàn buồn hiu đó. Bây giờ đứng giữa sự yên lặng
của bóng tối em có thể nghe tiếng đàn vẳng rất nhẹ đâu đây. Phải một lúc lâu em
mới nhận định được hướng đàn. Ai đàn thế nhỉ, hẳn không phải anh Du. Tuy anh mê
nhạc nhưng anh sống động, tiếng đàn của anh em đã nghe nhiều lần, thanh âm réo
rắt chứ không buồn thảm bao giờ. Đánh đàn cũng tùy người, có người đánh nhạc
vui vẫn nghe buồn, có người đánh những khúc nhạc rộn rã mà nghe vẫn man mác lạ
kỳ. Em không biết đó có phải biểu lộ cho hồn gười hay không. Em chỉ thấy rằng
khi anh Du đàn, thanh âm nghe trong và réo rắt, không thể là buồn được. Em tin
chắc tiếng đàn dịu dàng em đang nghe không phải do anh Du đàn. Vậy thì là ai?
Sự sửng sốt làm em quên hoảng sợ, em cảm thấy em yêu tiếng đàn ngay.
Đột
ngột, tiếng đàn chợt im bặt, không gian tĩnh mịch hơn bao giờ hết. Em ngập
ngừng đưa mắt nhìn quanh. Ngôi vườn này có ma chăng? Em bước thêm vài bước sâu
vào những bóng cây rợp lá. Tiếng đàn bất chợt lại nổi lên, em lắng tai nghe,
những nốt nhạc rời rã buông trong giây lát rồi im bặt. Quái lạ, em thầm nhủ
lòng, một lát rồi lại có tiếng rất trầm thấp của dây Mi và La ngân lên, lần này
không phải là những nốt thanh thoát mà là những âm thanh thật trầm, thật rền,
em tưởng tượng được những rung động của sợi dây đàn dưới những ngón tay. Tiếng
đàn buồn bã dị thường, nhưng em đã tìm ra nơi phát xuất rồi. Có một ngôi nhà nhỏ
gằng gỗ và carton sơn mầu xanh đỏ vui mắt, bề dài ba thước, bề ngang hai thước
và cao khoảng hai thước hơn một chút bác Nghi đã làm cho hai cô bé Di An và Hòa
An chơi. Ngôi nhà xinh xắn này có thể di chuyển đến bất cứ chỗ nào trong vườn,
dưới những bóng lá mát. Nhưng thường thì ngôi nhà nằm đúng chỗ của nó, dưới một
cây cổ thụ to dây leo quấn rất đẹp mắt, em không biết tên cây đó là gì. Có một
khoảng sỏi vụn ép sát đất làm nền cho ngôi nhà khỏi bị ẩm ướt vì cỏ. Em có vào
ngôi nhà bé nhỏ ấy một lần để chơi. Nhà bé xíu, chỉ chứa được một chiếc bàn bé
tí và bốn chiếc ghế kiểu cũng bé tí cho các cô bé ngồi, rất dễ thương. Cửa sổ
thì thấp và một cầu thang ngắn dẫn lên gác xép ngộ nghĩnh. Ngôi nhà thật xinh
xắn. Cạnh ngôi nhà là những đồ chơi thể thao: ngựa gỗ, đu sắt, đu dây. Chính
trên chiếc đu dây cao năm thước, làm bằng những sợi thừng vững chắc buộc vào
những vòng sắt lớn và một phiến gỗ nhỏ sơn xanh vàng em đã nhìn thấy người đàn.
Sự kinh ngạc làm em sững sờ. Bóng đêm như đồng lõa với vòm cây cổ thụ cao. Ngôi
nhà trẻ con im lặng trong bóng tối. Chiếc đu dây căng thẳng dưới sức nặng của
người ngồi. Chính là chị Nhu Hòa. Suýt tí nữa thì em thốt lên một tiếng kêu.
Chính là chị Nhu Hòa với bộ quần áo mầu sữa trong đêm, có thể áo mầu hồng, mầu
vàng hay mầu xanh gì đó nhưng chị Nhu Hòa chỉ mặc những mầu thật nhạt cho nên
chúng hầu như trắng dưới ánh sáng của những vì sao và mảnh trăng non. Chị tựa
vào một sợi thừng lớn của đu, hai tay ôm cây đàn guitar. Những nốt nhạc tuôn
chẩy dưới đôi tay chị, mái tóc xõa dài lấp gần hết khuôn mặt. Tiếng đàn buồn
hiu hắt thê lương. Em không bao giờ ngờ là chị Nhu Hòa biết đàn. Mọi người đều
nghĩ là chị lạnh lùng như đá không hề biết rung cảm với nhạc và thơ. Sự thật
trái ngược lại, ngay trước mắt em, em tưởng mình nhìn lầm. Nhưng không, chính
là chị Nhu Hòa với những tiếng đàn đau buốt. Em đứng lặng dưới bóng lá, chưa
bao giờ em thấy mình gần chị như bây giờ. Tiếng đàn buồn lạ lùng, em tưởng mình
có thể khóc được. Rồi em thấy em bỗng yêu chị Nhu Hòa vô cùng, yêu đôi tay lướt
trên những phím đàn với khúc độc tấu buồn thiu, yêu tâm hồn băng tuyết bao la
của chị và em tự nhủ, đó mới chính là người ta muốn yêu quí và kính phục. Trong
đêm tối, em để mặc tư tưởng trôi theo những nốt nhạc, em đã bị lôi cuốn hoàn
toàn. Chị Nhu Hòa vẫn đàn, tiếng đàn thật khẽ âm vang trong gió, con người lạnh
lùng dường ấy ai biết đâu lại có thể đàn những khúc rung động lạ thường. Em
nghe những nốt nhạc cùng ngân lên một lượt rồi dứt hẳn đột ngột. Khúc độc tấu
đã chấm dứt, bàn tay chị Nhu Hòa hờ hững đặt trên mặt đàn, đầu cúi xuống, chị
có một dáng thơ không tưởng. Em chỉ muốn chị tiếp tục đàn nữa, im lặng trong
chờ đợi em nghe tiếng lá chạm se sẽ quanh mình. Chị Nhu Hòa từ từ ngẩng đầu
lên, đôi mắt lạnh lẽo của chị lướt nhìn khắp nơi. Chị có vẻ chăm chú nhìn gì
đó, rồi giọng chị vang nhẹ trong đêm:
-
Phải Thu không?
Em
giật mình đánh thót, mắt chị Nhu Hòa tinh thế sao, em tiến ra một bước, giọng
chị Nhu Hòa vẫn bình thường:
-
Thu làm gì đó?
Ánh
sáng chiếu nghiêng bóng em trên cỏ, em chợt hiểu vì sao chị Nhu Hòa có thể nhìn
thấy em khi em nấp dưới vòm lá. Nhưng chỉ nhìn bóng không mà chị gọi em thì quả
là có một linh tính bén nhậy. Em bước hẳn lại gần chị, dịu dàng:
-
Chị đàn buồn quá.
Chị
Nhu Hòa ngó em, đôi mắt to buồn thảm:
-
Thu ra đây làm gì?
-
Em không biết.
-
Tại sao Thu hay ra vườn ban đêm thế. Thu thích cái gì ở đây?
Em
nhìn thẳng vào mắt chị:
-
Chị cũng vậy.
Chị
Nhu Hòa im lặng một lát, chị bỗng hỏi vẻ dịu dàng, lần đầu em nghe trong giọng
nói chị không còn vẻ lạnh lùng kiêu hãnh:
-
Thu nhớ ba me lắm phải không?
-
Dạ.
Em
trả lời, sự xúc động làm em nghẹn ngào, bỗng nhiên chị lại hỏi đến nỗi thương
tâm của em. Em nghĩ rằng chị không biết tình cảm là gì. Tay
chị lơ đãng bấm nhẹ mấy phím đàn, chị thở dài thật nhẹ:
-
Chị thấy Thu nhiều lần trong vườn, Thu buồn lắm sao? Tại sao Thu không vào nhà
nô đùa với Bảo Lan?
-
Còn chị, sao chị cũng không như thế?
Em
nhìn đăm đăm chị, cứng cỏi tiếp:
-
Đó không phải gia đình của chị sao?
Chị
lắc đầu không trả lời câu hỏi của em, chỉ nói giọng buồn tênh:
-
Thu yêu ba me không? Thu kể chuyện gia đình Thu cho chị nghe.
-
Gia đình em?
Chị
Nhu Hòa chỉ chiếc đu còn lại:
-
Thu ngồi xuống đó.
Em
vâng lời chị ngồi quay lại, cũng tựa vào một sợi thừng, dáng ngồi nghiêng
nghiêng cho em thấy nửa khuôn mặt chị trắng mịn dưới ánh sao, đôi môi nhỏ thanh
tú. Em ngồi im vì không biết nói gì, chị Nhu Hòa nhắc:
-
Thu nói đi.
-
Chị muốn nghe em kể gì?
-
Về gia đình em, chắc Thu yêu ba me lắm.
-
Dạ, em yêu ba me, yêu chị Ái và bé Vũ.
-
Me Thu đẹp không?
Em
đáp giọng buồn thiu:
-
Me em đau hoài, em yêu me, me em hiền và ít nói.
-
Còn chị Ái?
-
Chị Ái em xinh, me thương chị Ái nhất nhà.
-
Thu thì sao?
-
Em ấy à?
Nước
mắt bỗng ứa lên mi làm em nghẹn lời, chị Nhu Hòa dịu dàng:
-
Thu cứ khóc đi, nước mắt sẽ cuốn trôi nỗi buồn.
Em
ngẩng lên nhìn chị, mỉm cười lúc những giọt lệ thấm đôi môi:
-
Em là người sung sướng nhất trong gia đình, ba me chiều em, chị Ái, em Vũ
thương em. Em được đầy đủ khi mọi người thiếu thốn. Em được an nhàn khi me với
chị Ái vất vả sớm khuya, em…
Chị
Nhu Hòa nói êm ái:
-
Chị hiểu.
-
Chị hiểu gì?
-
Thu nói tiếp đi.
Em
bật khóc. Chị Nhu Hòa thở dài buồn rầu, chị lập lại câu nói hôm nào:
-
Tất cả nỗi buồn đều như nhau.
Những
ngón tay chị lại lướt nhẹ trên phím đàn, âm thanh bài Trở về mái nhà xưa. Về đây khi mái tóc
còn xanh xanh. Về đây với mầu gió ngày lang thang. Về đây với xác hiu hắt lạnh
lùng. Ôi lãng du quay về điêu tàn… Âm thanh réo cao bên tai em,
tiếng đàn chị Nhu Hòa thê lương không cùng. Em cảm thấy mối sầu trong lòng như
được khơi nguồn. Em ngồi khóc. Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng thanh. Nếu mưa về yêu lấy hạt
long lanh. Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh. Người xa vắng biết đâu nấm nhà
buồn. Những làn gió phất phơ mái tóc, ôi, em ước mong được trở về
ngay mái nhà hiu quạnh. Ở đây đông đủ mà em tưởng như không có một ai. Tiếng
đàn réo cao rồi im bặt, chị Nhu Hòa nói khẽ:
-
Thu.
Em
nhìn thấy đôi mắt chị lóng lánh nước. Chị cũng khóc sao? Khi có người để chia
sẽ nỗi đau buồn người ta thường được an ủi thật nhiều. Em chợt cảm thấy chị Nhu
Hòa cùng có chung một nỗi buồn như em. Em không hiểu tại sao. Chị đang ở trong
gia đình, còn em, em khác hẳn. Vì sao em lại nghĩ như thế? Chị nói như nói một
mình:
-
Đôi khi, người ta không tìm thấy những gì ở thật gần tầm tay.
-
Vậy là sao?
-
Chị cũng chẳng hiểu, chị không biết sự có mặt của chị có ích lợi gì. Và đời
sống trôi qua không làm được một cái gì cả.
-
Chị muốn điều gì?
-
Chị sợ đời sống đều như một bánh xe lăn hoài không ngừng nghỉ. Sự chấm dứt này
bắt đầu cho một bắt đầu khác, như nhau.
-
Chị có hạnh phúc?
-
Không.
-
Nhưng ít có gia đình nào có mức sống thoải mái như gia đình chị.
Chị
Nhu Hòa nhìn thẳng phía trước, vẻ lạnh lùng lại đến với chị.
-
Thu tưởng thế sao? Đó đâu có phải là cái chị muốn tìm thấy. Sự ăn tiêu xa xỉ
ấy, thói quen phóng túng ấy. Những bữa cơm luôn luôn vắng mặt người mẹ hay
người cha. Những tiệc tùng quen thuộc chán ngấy. Chừng ấy khuôn mặt, chừng ấy
thú vui, có đem lại được gì đâu.
Em
nói khẽ:
-
Sao chị lại đòi hỏi sự hoàn toàn được?
Ánh
sáng lờ mờ chiếu trên khuôn mặt chị Nhu Hòa, nét mặt chị thanh như pho tượng
thạch cao, làn môi hơi mím vẻ đau đớn:
-
Chị đi tìm một cái gì thật nhỏ nhoi nhưng không thấy. Mỗi ngày chị một cách
biệt với gia đình hơn.
Chị
ngừng giây lát rồi tiếp tục:
-
Mỗi khi chị đàn bài Trở về mái nhà xưa lòng chị nhói đau. Chị có cảm tưởng như
chị đang ngồi một nơi xa xôi nào đó, nhớ về mái gia đình hạnh phúc trong tưởng
tượng của chị. Thứ hạnh phúc nhỏ nhoi ấm áp chứ không phải không khí đang phủ
trùm lấy chị mỗi ngày.
-
Chị Nhu Hòa!
Em
kêu lên với sự ngỡ ngàng. Ai có thể biết được sau vẻ lạnh lùng như băng tuyết
ấy là cả một trái tim đầy ắp nhiệt tình. Em nghiêng người nắm lấy tay chị, bàn
tay lạnh ngắt. Em thì thầm:
-
Em thương chị, chị Nhu Hòa.
Chị
nói, vẻ đau buồn:
-
Ngày đầu tiên em đặt chân đến nhà này, chị đã nghĩ rằng…
Chị
lắc đầu liên tiếp mấy cái, tiếp:
-
Về sau chị biết là chị nhầm. Khi thấy em hay bỏ đi trong các cuộc họp mặt. Khi
thấy em ưa thích đi dạo trong vườn, với bóng tối…
Em
nghẹn ngào gọi nhỏ:
-
Chị.
Chị
cười nụ cười đau đớn, nụ cười lần thứ nhất em thấy trên đôi môi nghiêm khắc của
chị:
-
Nhưng em có cái mà chị không có. Em cứ khóc cứ buồn. Em sẽ học và em sẽ trở lại
mái hạnh phúc của em khi em thành công. Còn chị…
-
Chị cũng có hạnh phúc như em.
-
Không.
-
Trái tim chỉ chứa đựng hạnh phúc, sao con người cứ phủ nhận và xóa mờ nó đi.
-
Bởi vì chị không thể chấp nhận.
-
Chị hãy chấp nhận, với một chút khoan dung.
Chị
Nhu Hòa im lặng trong giây lát rồi lặng lẽ lắc đầu:
-
Chị không thể, chị không thích hợp với nếp sống gia đình. Người ta còn tìm thấy
sự an bình ở đâu hơn ngay dưới mái nhà mình. Nhưng chị… Cái nếp sống với đầy
vật chất ấy. Chị thèm tình thương.
Em
cảm thấy bàn tay bé nhỏ của chị run trong tay em. Em bỗng thấy mình quả thật
hạnh phúc hơn chị. Đằng sau mặt nạ có biết bao nỗi đau buồn. Ai biết được con
người kiêu hãnh lạnh lùng đó chất chứa trong lòng đầy sự đau thương. A, cái vỏ.
Chị
cúi nghiêng đầu, mắt khép hờ, hàng mi cong rủ bóng trên viền mắt đen. Bây giờ
em không thấy chị lạnh lùng kiêu hãnh nữa. Ôi chị Nhu Hòa nhỏ bé và tội nghiệp,
chị mới vừa mười tám tuổi, tuổi trẻ và buồn. Em dịu dàng bảo:
-
Em muốn nghe chị đàn nữa, chị Nhu Hòa.
Chị
lắc đầu buồn tênh, nói khẽ:
-
Không.
-
Sao vậy?
Bỗng
dưng chị mỉm cười, nụ cười vừa đau đớn vừa kiêu hãnh. Những ngón tay bất giác
lướt trên phím đàn. Em lại nhìn thấy chị Nhu Hòa lạnh lùng thuở trước. Tiếng
đàn quạnh hiu lê thê. Em muốn ứa nước mắt. Chúng ta chỉ là những con người nhỏ
bé và đáng thương mà thôi. Khúc valse lướt trong gió. Ta hãy thương yêu nhau.
Những nốt nhạc rung động trái tim em, se thắt. Dáng chị Nhu Hòa thanh tao dưới
vòm lá. Cổ em thắt lại, khô đắng. Những nốt nhạc nhẩy múa ma quái, những âm
thanh cao trầm lẫn lộn. Khuôn mặt chị Nhu Hòa lạnh lẽo với cái vẻ kiêu kỳ chất
chứa đầy sự đớn đau. Em chịu không nổi tiếng đàn thê lương đó nữa. Sương đêm ẩm
trên áo em. Em cắn chặt môi. Bây giờ em lại muốn chị Nhu Hòa đừng đàn nữa. Gió
lướt trên vòm cây, sao sáng ngời. Em đứng dậy bỏ đi. Con người không bao giờ
hạnh phúc khi còn đi tìm. Chị Nhu Hòa vẫn ngồi im, tiếng đàn thanh kỳ lạ. Em
đứng sững sờ dưới ánh sáng nhợt nhạt của đêm. Tại sao ta không khóc được nữa
kìa, tại sao vậy. Ôi, giá mà em có thể khóc được. Lòng em chĩu nặng nỗi ưu
phiền. Em khẽ nhắm mắt lại, khuôn mặt lạnh lùng của chị Nhu Hòa, đôi mắt bi
thảm. Môi em tê đau giữa hàm răng. Khóc đi, khóc đi Thu. Hãy làm một cái gì.
Tiếng đàn vẫn hiu hắt vọng lại tai em, tim em buốt đau. Những tiếng đàn… Có
phải đó là những giọt nước mắt chẩy từ trái tim nhỏ bé?
THỤY ĐỖ
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 214, ra ngày 1-12-1973)