Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Dì Gió và Bác Mặt Trời

Nắng tháng ba cứ như lửa đổ trên đầu. Chị Ve sầu lim dim đôi mắt, không buồn ca hát. Đôi cánh xanh biếc khe khẽ đập nhẹ theo hơi thở đều đều. Cơn nắng nồng nàn quá, chị thèm một làn gió thoảng cho dịu bớt cái oi bức của buổi trưa hè. Bên khóm hồng bì có vợ chồng bác chim sâu ríu rít rỉa lông cho nhau. Vợ tựa vai chồng kêu rù rù. Anh chồng không ngớt cử động cái đầu, hết xây bên này đến ngước mắt nhìn bên kia. Ý hẳn anh muốn tìm một con mồi nho nhỏ để hai vợ chồng tráng miệng sau giấc ngủ trưa chắc. Cách khu vườn này một rặng tre xanh, một con đường đất đỏ quanh co dẫn vào thôn Hạ, cánh đồng lúa xanh rờn loang loáng bóng mặt trời.

Vạn vật đều mệt mỏi trước sức nóng gay gắt của những ngày đầu mùa hạ. Bác Mặt trời tha hồ giương oai với lũ người hạ giới. Gọi là lũ “người” cũng không ngoa tí nào, vì dưới rặng tre xanh kia có sự hiện diện của chú Tư tá điền, chú đang nghỉ giấc ngủ trưa với chiếc gàu sòng bên cạnh. Dì Gió vẫn chưa xuất hiện. Dì còn bận yến tiệc bên kia sông Thủy Tú. Thôn Hạ vẫn đắm chìm trong cơn nóng ghê người. Chao ôi! Hơi nóng cứ hừng hực bốc lên, như tự lòng đất thoát ra. Chú Tư quạt phành phạch, miệng càu nhàu.

Bỗng mặt sông xôn xao gợn sóng. Đám cỏ reo lên trước nhất: “Ôi chu cha! Dì Gió đến! Thiệt phúc đức quá! Chúng tôi sắp chết khô rồi đấy!” Đám sinh vật nhỏ bé ở đầu thôn Hạ nhốn nháo hẳn lên. Cánh đồng lúa tươi tỉnh hẳn. Chị Ve sửa soạn một tấu khúc chào mừng Dì Gió. Và vợ chồng bác chim sâu thì là đà bay xuống ruộng lúa. Và Dì Gió đến thật. Dì lướt nhanh như… gió, Dì múa may quay cuồng. Chú Tư tá điền tỉnh hẳn người. Chú quơ vội cái áo cộc mặc vào người và đội cái nón lên đầu.

Dì Gió ngước lên thấy Bác Mặt trời xoay vòng vòng. Dì chào xã giao, có ngụ ý trách móc: “Ô! Bác đấy à? Bác làm gì mà chiếu đèn “bin” xuống hạ giới kỹ thế? Họ than phiền quá”. Rồi Dì chép miệng, không để cho Bác Mặt trời kịp nói: “Ấy, giá mà tôi không đến kịp thì lũ cỏ non đã chết khô ra rồi đấy! Bác nương tay cho thiên hạ nhờ với chứ!”. Bác Mặt trời đã “sùng” lắm rồi, ô hay, tự dưng công việc của mình mà mụ xen vào. Ai có phận sự nấy chớ! Mình có rọi đèn “bin” kỹ cũng chỉ vì công việc mình được giao phó là vậy. Còn mụ có phận sự làm mát mẻ người khác thì cứ việc thi hành công tác. Lại còn học thói hợm mình, lên mặt dạy khôn ta nữa chớ. Phải cho mụ một bài học cho bớt thói kiêu căng mới được. Nghĩ là làm, Bác Mặt trời đủng đỉnh trả lời: “Chào Bác ạ! Ấy, tánh tôi vốn hay nóng nảy như thế. Bởi thế nên mới phải nhờ đến bác làm mát mẻ vạn vật giùm”. Dì Gió được khen cười tít mắt. Cao hứng, Dì đáp: “Sá chi một chút tài mọn ấy mà Bác phải để ý đến. Tôi còn làm nhiều việc lớn lao hơn thế nữa kia. Một tay tôi làm nổi sóng lật thuyền của những tên lái buôn gian ác. Tôi mang nhị hoa của khu vườn này rắc ở khu rừng kia cách nhau hàng vạn dặm để cây kết trái lai giống. Bác biết tại sao những cây ngô sinh ra những trái ngô hạt trắng như ngọc thỉnh thoảng lại chen vào những hạt ngô vàng không? Ấy là do tôi làm ra đấy. Tôi mang nhị hoa… “ Bác Mặt trời ngắt lời: “Vâng tôi biết tài Bác quá rồi mà. Nhưng mà… để chứng thực lời nói của Bác, tôi chỉ cần Bác làm việc này xem có chu tất không rồi hãy nói chuyện khác. Này, Bác trông thấy anh tá điền đang lui cui sửa soạn dây gàu để tát nước đấy chứ? Bác thử thổi bay áo anh ta xem sao. Cái áo vải thô nhưng không nặng ký mấy đâu”. Dì Gió mắc mưu Bác Mặt trời, bị nói móc Dì hậm hực nhận lời: “Này, Bác coi đây nhé. Trong chớp mắt là gã ấy phải cởi phăng áo ra ngay mà!” Rồi Dì phồng má thổi vào anh Tư tá điền. Tự nhiên đang mát mẻ bỗng cơn gió lạ tới tấp thổi đến lạnh buốt, anh Tư co ro giữ chặt manh áo cộc trong mình. Dì Gió thổi càng tợn, anh Tư càng giữ chặt cái áo. Bác Mặt trời thấy mụ ngu ngốc làm trò hề tức cười quá, bèn cười ha hả khoái chí. 


Dì Gió lỡ khoe khoang, đem hết sức bình sinh ra thổi tới tấp, anh Tư lật đật tìm gốc cây to đứng nép mình vào cho khỏi ngã. Vừa bị bẽ mặt vừa mệt sức, Dì Gió cáu đến nơi. Phải mà, lão Mặt trời biết ta không dám trái mệnh trời, không được phép đem ngọn gió “thất điên bát đảo” (ngọn gió gây nên bão tố) ra xài nên mới ngạo ta như thế. Mà… chắc gì lão cởi được áo gã kia mà dám vênh vang chứ? “No mất ngon, giận mất khôn”, Dì Gió không biết đã cất túi khôn ở đâu mà lú đến thế, Dì vênh mặt thách thức: “Bác thử làm coi có được không mà cười ngạo tôi đấy?”. Bác Mặt trời ung dung cười (Ít khi Bác lại điềm tĩnh đến thế. Thật là hiếm có phải không các bạn? Thường thì khi hình dung đến Bác Mặt trời, ta vẫn nghĩ rằng bác nóng nảy như ánh nắng mùa hè vậy đó. Chứ ai mà ngờ bác cũng mưu mẹo ghê đến thế). Bác gật gù ra dáng thích thú lắm. Bác sốt sắng nhận lời. Bác cũng không quên nói móc Dì Gió một câu làm Dì ta giận tím mặt: “Ồ! Sá chi chút tài mọn ấy mà Bác phải thách thức” (Ấy! Bác Mặt trời dùng “gậy ông đập lưng ông” mà lỵ. Chả là… lúc nãy Dì Gió cũng lên tiếng như thế đó!).

Bác Mặt Trời bắt đầu giở tài ra. Lúc ban đầu ánh nắng dịu mát, anh Tư khoan khoái quá. Nhưng càng lúc nắng càng to, nắng bực bội khó chịu. Anh Tư quạt liền tay cũng không sao xua tan cái nóng. Mồ hôi nhễ nhại, anh cảm thấy nhớp nháp quá. Anh buộc lòng phải cởi áo ra.

Bác Mặt trời đắc thắng cười to. Dì Gió bẽn lẽn quá. Thế mới biết, ở đời không phải chỉ có sức mạnh là thắng được tất cả. Chính cái từ từ, dịu dàng lại mang kết quả tốt đẹp đến cho ta chắc chắn hơn. Hẳn các bạn của Mai, khi đọc xong câu chuyện trên, đều thấy rằng sự hùng hổ của Gió đã thất bại nặng nề phải không? Và cái từ tốn của Bác Mặt trời là sự chín chắn lại vững bền và trường tồn. Vậy thì… có ai thích làm Dì Gió kiêu căng không đấy?


MAI KHANH


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 134, ra ngày 1-8-1970)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>