Vào thuở xa xưa, xưa lắm,
cách đây nhiều thế kỷ, vào cái thời người ta đo lường sự phú túc của một người
không bằng tiền bạc và các phẩm vật khác hay nhà phố mà bằng diện tích đất đai,
bằng số vườn tược người ấy làm chủ ; có một ông già nọ, chủ nhân một khu vườn
rộng mênh mông: mặt trước khu vườn giáp bờ sông, phía sau giáp bờ biển.
Dĩ nhiên, ông ta chưa hẳn là
một bậc giàu có nhất vùng vì ông ta không phải là chủ nhân của tất cả những
ruộng đất tại đây, song một điều ai cũng công nhận: khu vườn của ông ta quả là
một khu vườn nổi tiếng nhất mà họ được biết.
Thật vậy! Đó là một khu vườn
đẹp tuyệt vời, đẹp hơn bất cứ một Ngự Viên xinh đẹp của bất cứ một vị quốc
vương sang giàu nào trên thế giới.
Trong vườn có vô số cây cao,
tỏa đầy bóng mát và sản xuất rất nhiều quả vừa ngọt vừa to ; có không biết cơ man
nào mà kể những kỳ hoa dị thảo, nhìn ngắm không bao giờ chán mắt.
Cỏ thì xanh rờn, mịn óng ả,
từ xa nom tựa một tấm thảm nhung mầu lục trải rộng trên mặt đất.
Hoa thì tỏa mùi thơm ngào
ngạt, mỗi đóa mang một mầu sắc và mùi hương riêng biệt: đóa thì rực rỡ nồng nàn
như một công nương trang điểm kiêu sa, đài các ; đóa thì nhu hòa mầu sắc,
thoang thoảng hương thơm tựa một nàng thôn nữ hiền lành, cả thẹn. Có những cánh
hoa be bé, xinh xinh nổi bật trên thảm cỏ, nhún nhẩy trong gió xuân y như một
bầy trẻ tinh nghịch đáng yêu. Có những cánh khác hình dáng tựa như những ngôi
sao mai, nhỏ nhắn, tươi mát, đẹp một cách đơn giản dịu dàng, dưới cơn mưa phùn
nom càng huyền hoặc.
Hoàng Mai, Bạch Cúc, Hướng
Dương, Anh Đào, Ngọc Lan, Dạ Lý, Trà Mi, Mẫu Đơn, Phù Dung, hoa Hồng, hoa
Quỳnh, hoa Trang, hoa Đại, hoa Sứ, hoa Ngâu, và còn vô số loài hoa khác, không
sao nhớ xuể và đếm xuể. Trong hồ bên góc vườn, hương sen man mác, lá sen chiếc
nào cũng to bằng cả chiếc nong…
Vào xuân, muôn hoa đua nở,
khu vườn lộng lẫy như một vườn tiên – chả ai thấy vườn tiên ra sao, nhưng chắc
trên ấy cũng chỉ đẹp đến thế là cùng, không hơn được – Mùa thu, quả chĩu trên
cành, lúc nào cũng như sẵn sàng chào mời chim chóc đến. Mà cũng chẳng phải mời
chào: mùi thơm của hoa, của quả tỏa khắp một vùng, vượt ra khỏi chu vi rộng lớn
của khu vườn, thứ mùi thơm sao mà vô cùng quyến rũ…
Muôn chim tìm đến: chúng tụ
tập trên các vòm lá, lễ phép và ồn ào mời nhau nhập tiệc! Rồi sau đó, chúng
trỗi giọng véo von chào mời lũ trẻ con. Ta khó mà biết được rằng nhờ hương
thơm, mật ngọt của hoa kết tinh trong trái hay do cảnh đẹp kỳ diệu của khu vườn
quý mà giọng chim bỗng nhiên thánh thót, du dương hơn bất cứ khi chúng hót ở
nơi nào, vào lúc nào. Tiếng hót của chúng cao và trong vắt vọng mồn một vào tận
tai lũ trẻ từng chặp, từng chặp, không thôi. Bọn này bỏ dở trò vui, lắng tai
nghe chim hót. Và rồi, cả lũ kéo nhau vào tận khu vườn theo tiếng gọi của muôn
chim.
Ôi chao! Tuyệt quá! Chưa có
khu vườn nào làm lũ trẻ mê đến thế! Chúng chưa từng thấy khu vườn nào có nhiều
hoa đẹp, quả ngon, cỏ mềm, cây lớn đến như thế! Chúng tha hồ leo trèo, đuổi
bắt, chạy nhảy thỏa thuê, chẳng một ai ngăn cấm. Lối đi thì rậm, bóng mát lại
dày, cỏ mượt dưới chân, trượt ngã cứ y như là lăn trên nệm ấm!
Chúng săn bươm bướm, chúng
đuổi chuồn chuồn, chuyện trò ríu rít như chim, reo cười theo gió, vui không thể
tả.
Chúng trèo lên cành, ngồi
trên các nhánh cây to, nhún nhẩy đong đưa, coi chừng như còn thích thú hơn gấp
bội khi chúng ngồi trên những cái đu ngày hội.
Có chúng tô điểm cho, vườn
càng thêm rực rỡ.
Thời gian ấy, chủ nhân khu
vườn vắng mặt. Số là ông ta có một người bạn chí thân ở tít tận một miền trên
cao nguyên xa, xa lắm. Đến nỗi mỗi bận nhớ nhau, họ phải vượt không biết bao
nhiêu dặm tìm đến thăm nhau. Bận này, đến phiên chủ nhân khu vườn khăn gói gió đưa đi thăm bạn. Thuở đó,
người ta còn rộng thì giờ nên người ta không tiếc như ngày nay. Ta không thể
nhớ rõ từ khởi hành đến khi gặp bạn, ông ta đã mất hết mấy ngày. Chỉ có một
điều để chứng tỏ ông ta đã vượt nhiều dặm trong cuộc hành trình vì tình bằng
hữu mà thôi. Thế này này: nguyên trước khi đi, ông ta đắn đo một lát rồi vơ hai
cái trứng (trong số đó có một cái do con gà mái vừa sản xuất trên gác bếp) định
dùng làm món quà biếu bạn. Chứ sao, không lẽ ta muốn ông phải mang theo hoa hay
quả vườn nhà? Có họa là mất trí, vì đến nơi hoa sẽ héo rũ và quả chắc chín rục,
nát ngứu trong bọc hành trang.
Dọc đường, có một lần, ông
giở bọc hành lý xem chừng hai cái trứng vì sợ vỡ thì, chao ơi! Hai ba tiếng
“chíp chíp” vang lên và hai cái đầu tròn trĩnh, vàng óng nhô ra khỏi bọc làm
ông giật mình xuýt buông rơi bọc xuống đất nếu không kịp nhận ra. Nhưng quá
muộn: hai chú gà con vỗ cánh, phóc ngay xuống đất, chúi mũi chạy tràn. Ông chỉ
còn biết há hốc miệng đứng nhìn theo, chưa kịp hành động gì thì hai chú gà đã a
đại vào đám ruộng lúa chín, mổ lia lịa. Ông bật cười to lên thích thú.
Thế ra ông đã đi nhiều ngày?
Thời gian từ cái trứng lọt khỏi lòng mẹ (rõ ràng là khi ông nhặt hai quả trứng
lên, có một cái còn nóng hổi và mẹ nó cũng vừa trên gác bếp nhảy xuống, “cục
tác” vang nhà), thay hình, đổi dạng, cựa quậy, mọc lông, mọc cánh… đập vỡ cái
vỏ, mở mắt, biết đói, nhâm nhi chút cám vụn, nhá được hạt tấm cho đến khi biết
mổ thóc như bây giờ, đâu phải chỉ đếm bằng hai bàn tay mà đủ? Quả ông đã đi xa,
xa quá là xa…
Nhưng không sao, tình bạn
trên hết, ông chờ cho hai chú gà nhóc no nê, tuốt thêm mươi gié lúa làm thực
phẩm dự trữ cho chúng, nhặt chúng lên, cho vào túi áo khoác, đoạn tiếp tục cuộc
hành trình.
Đến một hôm kia, khi mặt
trời lên khỏi đỉnh đầu thì ông ta cũng vừa đặt chân lên bậc thềm nhà bạn.
Nghe tiếng chó, người bạn
hiểu ngay là ai đến thăm mình.
Đôi bên gặp nhau, tay bắt,
mặt mừng, chuyện trò miên man, mê mải, quên cả nghỉ ngơi, cơm nước, ngủ nghê!
Chao ơi! Cao quí thay tình bạn!
Cho đến khi cả hai đói mẻo
đói meo, họ bèn dừng lại tính chuyện ăn uống, mới hay là đôi gà bé bỏng đã
chuồn mất tự bao giờ. Hai bên đều tự nhận là lỗi của mình, cho đó là chuyện
không đáng kể, họ tìm thực phẩm khác cho qua bữa và tiếp tục trò chuyện nữa. Họ
trò chuyện cho đến 368 bận mặt trời lên và xuống mà chuyện vẫn chưa vơi (nghĩa
là, nếu tính theo niên lịch ngày nay thì hơn một năm ròng đấy). Nhưng câu
chuyện không phải là nước bể, cho nên đến lần 411 khi ông mặt trời lên thì
chuyện cũng hầu như càn cạn. Họ bắt đầu hết thấy thú vị để nghe và kể cho nhau
nghe. Khi người này kể thì người kia che miệng ngáp dài. Khi người kia kể thì
người này (vốn đã thức quá nhiều đêm) chống không nổi với cơn buồn ngủ, đôi mắt
cứ như có chất dẻo, cứ chập vào nhau và chỉ trong giây lát ông ta ngáy pho pho…
bỏ mặc bạn vừa kể vừa nghe một mình trong bóng tối!
Than ơi! Thế là họ bất bình
nhau. Sáng hôm sau ông Khắt Khe (tức là ông chủ khu vườn quý) bảo ông Cô Độc
(tức là ông bạn ở xa) bằng giọng mát mẻ:
- Bác đã quý giấc ngủ hơn
tình bè bạn thì thôi, tôi xin cáo thoái cho xong!
Ngỡ rằng bạn sẽ vồn vã xin
lỗi một câu nào ngờ ông Cô Độc đâm cáu, trả đũa:
- Nếu bác đã chán trò chuyện
thì cứ nói toạc ra, bất tất phải dùng lời bóng gió mà gán tiếng xấu cho tôi?
Nếu tôi không trọng tình bè bạn thì có mà điên tôi mới chống hai con mắt lên,
thức liền 45 lần bà mặt trăng lên cho đến khi bà mặt trăng
xuống để mà nghe chuyện bác, một câu chuyện kéo dài nhạt thếch, thua cả nước
luộc rau. Tôi, con người quen thói đi nằm ngay khi ông mặt trời về núi và chỉ chỗi dậy vào lúc ông ấy từ dưới nước nhô
lên. Đúng ra, bác phải đủ trí khôn mà hiểu rằng tôi hy sinh vì tình bạn nhiều
lắm mới phải chứ, có đâu lại…
Ông Khắt Khe tức thì đùng
đùng nổi giận:
- À! À! Bác lại kể công với
ta chăng? Bác há không biết rằng ta khát nước biết bao nhiêu lần trong khi kể
chuyện, mà nào bác có quan tâm đến điều đó đâu!
Ta đã đường xa lặn lội đến
đây kể chuyện vườn ta cho bác nghe… Chao ơi! Rõ là tệ bạc! Nếu tình bạn thắm
thiết bao nhiêu năm nay giữa hai ta mà đứt thì là do lỗi bác chứ không phải tại
ta đó, nghe không?
Ông Cô Độc cũng lồng lên:
- Thôi! Chớ nhiều lời! Tình
bạn đâu phải sợi dây mà lo nó đứt? Vả, đã đến nước này thì dù nó có đứt ta cũng
chẳng tiếc chi, ta vốn đã quen cô độc, kia mà!
Thế là ông Khắt Khe lên
đường, không bắt tay từ biệt bạn. Cuộc chia ly sao buồn thế: hai người đều mạnh
tay giật đứt mối dây thân ái mà họ dày công nối tiếp từ bốn mươi năm ròng rã:
họ rất yêu nhau, mà họ yêu nhau cũng phải, cả hai đều không vợ không con, cả
hai đều khó tính ; nghĩa là nói trắng ra thì họ đều là những kẻ vừa khắt khe
lại vừa cô độc, đúng như tên họ mang.
Nỗi buồn chĩu nặng bên lòng,
ông Khắt Khe lặn lội trở về vườn trong khi ông Cô Độc đi nằm, ngủ ngay khi mặt
trời chưa lên núi.
Vốn nặng ôm khối buồn, vừa
về đến nơi lại trông thấy một lũ nhải con trong khu vườn quý, Khắt Khe ta gầm
lên:
- Lũ nhải ranh kia! Ai cho
phép chúng bay vào đây làm gì, hử?
Trông dáng bộ hung hãn của
ông Khắt Khe, lũ trẻ sợ cuống lên, cả lũ đều há mồm mà không ra tiếng. Lão Khắt
Khe cũng chả thiết nghe chúng phân trần, lão quát to, giọng oang oang như lệnh
vỡ:
- Khôn hồn thì cút xéo ngay!
Vườn này là vườn của ta, thuộc quyền sở hữu của ta. Chỉ một mình ta được ra
vào, lên xuống mà thôi. Chúng mày không được bén mảng vào đây, nhá! Chỗ này
không phải chỗ chơi của lũ bay. Lũ bay không có họ hàng ruột thịt gì cùng ta,
không có liên hệ dây mơ rễ má gì cùng ta, ta không chấp chứa lũ bay được! Cút
xéo!
Lũ trẻ vừa khóc thút thít
vừa đi giật lùi ra khỏi khu vườn một cách miễn cưỡng, buồn rầu. Chúng biết rằng
từ đây mà đi chúng không bao giờ được đặt chân vào khu vườn đẹp tuyệt vời kia
nữa. Ngoài đường lớn thì đầy cát bụi và sỏi đá, có gì hợp với chúng đâu? Nhà
chúng thì chật chội, thiếu ánh sáng và chạy nhảy sẽ vướng chân vì đồ đạc…
Ông Khắt Khe tức thì bắt tay
vào việc: ông ta cầy cục xây một bức tường rất cao vây quanh khu vườn, ngoài
cửa treo một tấm bảng, kẻ một hàng chữ lớn tướng, dài ngoằng (ý chừng để tỏ cho
mọi người biết rằng Khắt Khe ta đây cũng là một tay nho học hẳn hòi?) như sau:
“Đất này là CẤM ĐỊA. Vườn này là CẤM VIÊN. Không được
vào đây, ai bất tuân sẽ bị Khắt Khe chủ nhân trừng phạt đúng theo hình luật
quốc gia”.
Và lão xoa tay dáng chừng
đắc ý về tài văn chương siêu bạt của mình, quên phăng cả sợi dây thân ái mà lão
tưởng sẽ làm lão đau đớn xót xa dai dẳng cho đến trọn đời ; ngờ đâu có vài chục
lần mặt trời lên xuống (một chặng đường về) là lão đã quên tuốt tuột, thấy nhẹ
lâng lâng, nhất là sau khi tống khứ xong lũ trẻ!
Từ bấy giờ trở đi, Khắt Khe
ta tự nhủ: “Ta không thèm kết bạn với bất cứ ai nữa. Tình bạn chỉ tổ gây thêm
phiền phức, tốn kém mà thôi. Sống một mình với khu vườn quý là hoàn toàn hạnh
phúc rồi.”
*
Nhưng Khắt Khe quả đã lầm
to: mùa Xuân như ngắn quá sau khi lũ trẻ bị xua ra khỏi cổng vườn. Mùa Xuân
không có chân, không di động được mà chừng như đi theo lũ trẻ? Lão chịu đựng
một mùa Hè nóng bức chưa từng thấy trong đời, tiếp đó Thu về nhưng khung cảnh
vô cùng ảm đạm và mùa Đông vội vàng ào tới, gấp gáp và dữ dội, xô tạt Thu đi.
Vườn cây không kết quả. Công bình mà nói: từ ấy chỉ có mùa Đông là tồn tại, ở
lỳ trong CẤM VIÊN, không muốn dịch chân. Còn đất nào tốt hơn đất này nữa chứ?
Xuân, Hạ, Thu thập thò ngoài cổng rồi quay ngoắc đi.
Bên ngoài CẤM VIÊN, Xuân đã
trở lại, cây cỏ đua tươi trong tấm áo xanh biếc dịu dàng. Muôn chim đua hót,
ngàn hoa đua nở, quả chĩu trên các cành cây.
Trong CẤM VIÊN trái lại:
không một bóng chim, không một cánh bướm. Hoa ngừng nở. Hạt không nẩy mầm. Cành
cây trơ trụi, khẳng khiu, như những bàn tay gầy giơ lên cao kêu cứu. Lá úa ngập
lối đi, che khuất cỏ xanh. Toàn thể khu vườn như được ướp lạnh trong một mầu
vàng héo úa, buồn thảm!
Vài mầm cây, vài cánh hoa
ngứa ngáy, ngọ nguậy muốn trồi lên, muốn nhô ra hứng sương và sưởi nắng, nhưng
vừa lấp ló, trông thấy khung cảnh lặng lẽ, ảm đạm chúng đâm nản vội vã lùi lại,
nép vào lòng đất và nhắm mắt ngủ luôn không thèm dậy.
Chúa Xuân mặc áo mây trời,
thơ thẩn trên cao, không hề ghé mắt nhìn qua CẤM VIÊN lấy một lần.
Lũ trẻ chẳng hiểu mô tê chi,
cứ ngấp nghé, kiễng chân bên ngoài CẤM VIÊN một cách say sưa, thèm muốn. Chúng
xuýt xoa:
- Chắc bên trong giờ này
tuyệt lắm? Ước chi…
Một cô vành khuyên thóc
mách:
- Ấy chớ! Các bạn đừng vào
đó làm chi. Mùa Đông ngủ luôn trong ấy. Vườn quý chết rồi. Các bạn xem đây:
Chúng tôi có thèm vào đó nữa đâu!
Lũ trẻ còn đang ngơ ngác,
chưa hiểu hết lời chim thì con vành khuyên đã vỗ cánh lao đi như một mũi tên
trong nắng sớm. Lũ trẻ dõi mắt theo: quả nhiên nó tránh xa khu vườn quý! Lạ
chưa?
Lũ trẻ buồn, kéo nhau ra
cánh đồng. Dĩ nhiên, cánh đồng rộng, thoáng, chúng tha hồ chạy nhảy, tuy có kém
vui không bằng chạy trong vườn thuở trước.
Dần dần, các sinh vật đều xa
lánh khu vườn. Lạnh quá, chúng không kham nổi. Chỉ có Băng và Tuyết có vẻ ưa
chuộng vườn cấm. Chúng kháo nhau:
- Nàng Xuân biết sợ chúng
ta, bạn thấy không?
- Phải! Chúng ta sẽ ngự trị
nơi này, tổ chức quân đội, thành lập chính phủ…
- Phải! Phải! Chúng ta ngự
trị!
Và chúng hoan hô, cổ võ lẫn
nhau. Tuyết phủ cả mảng dày lên cỏ, lên cây cối như một lượt sơn trắng xóa, giá
buốt. Chúng cao giọng mời gió Bắc đến chia vui. Bắc nhận lời không do dự.
Suốt ngày, trong lúc Tuyết
gieo rắc cái lạnh, phủ thêm sơn trắng lên cây cối thì gió Bắc chạy nhông nhông
quanh vườn, rít lên như tiếng kêu rú của loài ma quái. Bắc rít thế này:
- Chỗ này thật thích! Nhưng
nó sẽ hoàn hảo biết bao nếu có nàng Sương ở chung với chúng ta.
Và chúng đạt giấy mời, giao
cho gió Bắc thân đi đón quí khách. Thế là cô Sương đến ngay, nhập bọn.
Nom bề ngoài cô Sương ẻo lả
là thế, nhưng cô có một sức dẻo dai phi thường. Mỗi ngày Sương nhỏ lộp bộp, lộp
bộp lên mái nhà không ngừng nghỉ, gõ liên tục, cho đến nỗi mái nhà thủng đi,
Mưa và Tuyết tức thì du hành vào đó. Sương thích thú đuổi theo gió Bắc, nhong
nhong cút bắt khắp vườn cây!
Tuyết thì réo lên:
- Chúng ta ngự trị! Chúng ta
ngự trị!
Ông Khắt Khe rét quá. Ông
run bây bẩy trong tấm áo bông dày cộp, nhìn ra cửa sổ, cất giọng buồn rầu (vì
nhớ tiếc chim, hoa và lũ trẻ đáng yêu) mà rằng:
- Chao ơi! Sao mùa Xuân đến
chậm thế, hả Trời?
Mùa Xuân không đến chậm như
Khắt Khe tưởng: Mùa Xuân không đến, Hè cũng vậy và Thu cũng vậy. Cây trơ trụi,
không một nhách quả nào. Khắt Khe đâm hoảng.
Khu vườn bấy giờ mặc sức cho
Băng, Tuyết, Sương và gió Bắc tung hoành!
Khắt Khe đau nhói tận tim.
Ông ta khóc. Than ơi! Những giọt nước mắt vừa trào ra khỏi khóe tức thì đông
đặc lại, cứng nhắc và rơi bộp xuống nền nhà! Thì ra Tuyết đã thề rằng sẽ đồng
hóa tất cả để dễ bề ngự trị!
*
Một sáng kia, Khắt Khe thức
giấc, tuy vẫn còn nằm trên giường ; chợt ông ta nghe đâu đây vẳng lên một điệu nhạc
du dương. Tiếng nhạc trầm bổng như ru hồn lão già khắt khe, ích kỷ, tiếng nhạc
làm mềm lòng lão già độc ác và cô đơn.
Ngần ấy tuổi trời, quả là
lão đã nghe nhiều lần thứ tiếng êm ái du dương kia, song bởi đã quá lâu, chim
chóc không thèm vào vườn lão nữa, cho nên lão không được nghe chim hót, đến nỗi
bây giờ nghe chim tước hót lão cho ngay đó là tiếng nhạc tuyệt vời. Trầm ngâm
một giây, lão cất giọng thành thạo (Lúc nào lão cũng không bỏ thói ưa tỏ ra
mình là tay thành thạo đủ mọi vấn đề) mà nói với chính mình:
- Mình đã hóa lẩm cẩm rồi ư?
Rõ ràng là ban nhạc của Đức Vua đi ngang mà từ nãy giờ không nhận ra được. Làm
gì có ban nhạc thứ hai tấu lên được những đoản khúc tuyệt vời như vậy chứ?
Ấy thế là, lão phóng ba bước
ra khỏi giường, không kịp nghĩ đến thay quần áo, sụp ngay xuống để cảm tạ Đức
Vua đã quá rộng lượng với lão, gia ơn mưa móc, truyền cho Ban Vương Nhạc đi
ngang để lão được thưởng thức thứ âm thanh huyền diệu từ lâu lắm lão hết sức
chú ý, lắng tai mà vẫn mãi hoài thất vọng! Lão quyết định sẽ chỉ ngẩng đầu khi
ban nhạc qua khỏi cửa.
Nhưng lạ thay: ban nhạc
không đi, có huyền diệu chưa?
Khắt Khe ta sinh nghi, ngẩng
phắt đầu lên, dõi mắt ra cửa sổ, thì trời ơi! Kinh ngạc xiết bao: trên cái cành
thấp khẳng khiu mà từ lâu tuyết bám dầy cho đến nỗi lão đâm nản không thèm ghé
mắt, một con chim tước đang so giọng với bạn nó, làm lão tưởng mình nằm mơ. Lão
dụi mắt nhìn kỹ lại lần nữa, rõ ràng là cô Sương dai dẳng, gió Bắc độc ác, nàng
Tuyết lạnh lùng… tất cả đều rút lui khỏi khu vườn một loạt. Một mùi thơm ngào
ngạt tràn qua cửa sổ, ập vào nhà, chui vào hai mũi lão. Khắt Khe choáng váng,
tưởng mình sắp ngất đi vì xúc động!
Lão già nhắm chặt hai mắt
lại, hai giọt nước mắt lăn dài xuống đôi má nhăn nheo, giọng lão lạc đi vì sung
sướng:
- Mùa Xuân! Mùa Xuân! Ta
biết, ta vẫn đợi mà, mùa Xuân không nỡ bỏ ta mà!
Và lão chạy ra vườn, không
cần đóng cửa theo thói quen từ trước. Một quang cảnh thần tiên hiện ra dưới mắt
lão: do một kẽ hở (bởi Tuyết, Sương và gió Bắc nghịch ngợm) ở chân tường, lũ
trẻ đã lọt vào trong. Chúng đang ngồi vắt vẻo trên các cành cây, đều đều trên
mỗi nhánh cây một đứa. Cây sung sướng vì gặp lại cố nhân, cựa mình vùng dậy, rũ
sạch mớ tuyết bám dai dẳng suốt một năm qua. Từ lòng đất, đánh hơi người, các
mầm non nhô lên và vô số nàng hoa cùng thức tỉnh, nhoài ra ánh sáng, vươn lên
trong nháy mắt!
Gặp sức đối kháng mãnh liệt
bất ngờ, toàn thể đạo đại binh của bộ ba Tuyết, Sương và gió Bắc quá xấu hổ,
mất hết tinh thần, vội vã rút lui. Và muôn chim cùng tung cánh tìm về vườn cũ.
Chao ôi! Chim, hoa và trẻ con! Cảnh đó mới thần tiên, diễm ảo làm sao! Tiếng
hót của chim, tiếng cười của lũ trẻ, tiếng lao xao của ngàn hoa lá tạo thành
một khúc hòa tấu đặc biệt làm cho Khắt Khe tưởng như mình trẻ lại phần nào!
Khắt Khe đưa mắt nhìn xa
hơn. Thì ra mùa Đông chưa đi hẳn, còn nấn ná ở một góc vườn. Đó là cái góc xa
nhất, tại đó có một cậu bé, bé thật là bé, đến nỗi cậu đã cố sức mà không thể
nào vói tới cành cây. Cậu bé đáng thương vất vả dưới gốc cây và sau cùng tuyệt
vọng, để mặc cho những giòng nước mắt tuôn trào. Trông cậu sùi sụt khóc, những
giọt nước mắt long lanh, trong suốt như những hạt ngọc, lấp lánh dưới ánh nắng
xuân ấm áp làm cho lòng Khắt Khe se lại.
Và bởi, bé chưa trèo được
lên cây nên cây không thể rũ bỏ Tuyết bám quanh mình, và bộ ba Tuyết, Bắc,
Sương vẫn còn tung hoành dữ dội.
Tuy thế, với tất cả hy vọng,
cây se sẽ nghiêng mình xuống thật thấp, khe khẽ khuyến khích cậu bé:
- Hãy gắng trèo lên mình tôi
đi, cậu Bé!
Than ơi! Bé đã kiệt sức rồi
mà không thể lên được trên cây. Khắt Khe không chịu nổi nữa, ông ta xông đến.
Trông dáng bộ vội vã của ông ta, lũ trẻ bỏ chạy tán loạn, chỉ trừ cậu Bé ở góc
vườn. Không phải cậu không sợ ông Khắt Khe nhưng bởi màn lệ đã che nhòa cả mắt,
cậu còn trông thấy gì nữa đâu, kia chứ? Khắt Khe dịu dàng lại bên cậu Bé, se sẽ
ôm cậu vào lòng rồi nhẹ nhàng đặt cậu lên một cành cây vững và thấp nhất. Cậu
bé nhoẻn cười trong khi nước mắt vẫn chưa khô và cậu quàng tay ôm Khắt Khe, hôn
lên má lão. Khắt Khe nhắm mắt lại, nghe tim mình đập thình thình trong lồng
ngực vì quá xúc động – đó là lần đầu lão được hiểu, lão vói tới TÌNH YÊU.
Khi lão mở mắt ra, toàn thể
khu vườn đều đã vào Xuân, và lũ trẻ, tuy chạy trốn nhưng vẫn tò mò quan sát,
thấy lão không còn hung tợn thì lại kéo vào.
Trên cây cậu bé ngồi, hàng
trăm cái hoa nở tung ra một loạt.
Nhìn cảnh ấy, Khắt Khe thật
lòng hối hận về hành động của mình trong những ngày qua. Ông ta hiểu rằng vì
hành động ngu xuẩn của mình mà mùa Xuân đã xa lánh khu vườn. Và ông ta cất
tiếng, ôn tồn bảo lũ trẻ:
- Các con yêu quý! Từ nay
vườn này là của các con!
Tức khắc, ông lấy cuốc,
xuổng phá bỏ bức tường, hạ luôn tấm bảng cấm
viên cấm địa không luyến tiếc.
Từ ấy, lũ trẻ trở thành bạn
thân của ông Khắt Khe. Chúng đến chơi mỗi ngày hai bận sau giờ học. Khắt Khe
cảm thấy mình là người có diễm phúc nhất trần đời, ông cười luôn miệng. Ông
hãnh diện nhìn vườn cây, nhìn muôn hoa, muôn chim, nhìn đám trẻ và tự nhủ:
- Ta có nhiều hoa đẹp quá!
Nhưng trẻ con mới thật là những bông hoa đẹp tuyệt trần, đẹp nhất trong các thứ
hoa! Cảm ơn Thượng Đế! Cảm ơn Ngài!
Lòng thanh thản, trí óc lâng
lâng, ông ngắm nhìn lũ trẻ nô đùa, và thỉnh thoảng khi nào chúng mệt, chúng lại
vây quanh, bắt ông kể chuyện cho nghe. Khắt Khe bắt đầu câu chuyện bằng hai
tiếng:
- Ngày xưa…
Rồi một hôm, Khắt Khe chợt
nhớ, hỏi lũ trẻ con:
- Này các cháu! Thằng bạn bé
nhất của các cháu đâu? Lâu nay sao không thấy?
- Thưa ông VUI TÍNH (từ lâu
chúng đặt cho ông tên ấy để thay vào hai tiếng Khắt Khe) thằng bạn nào cơ?
Chúng cháu tụ họp đủ hết, có thiếu mặt nào đâu?
- Các cháu chóng quên thế?
Thằng bé, bé nhất mà ông đã nâng nó lên, cho nó ngồi ở trên cây ấy mà!
- À, à, chúng cháu không
quen, nó không phải là bạn chúng cháu, chắc nó ở làng bên, chắc nó về rồi, ông
ạ!
Thở dài một cái, Vui Tính
căn dặn lũ trẻ đến ba lần:
- Hễ các cháu gặp nó đâu,
bảo nó đến vườn ngay, bảo ông nhớ nó, nhớ không?
Lũ trẻ hứa sẽ làm theo lời
ông dặn, nhưng ngày tháng dần qua mà thằng bé vẫn bặt tăm. Vui Tính hao gầy vì
nhớ nó, ông nhuốm bệnh. Ông cứ nói:
- Ta sắp chết, ta muốn gặp
cậu bé ấy quá đi thôi! Không gặp nó, làm sao ta chết được?
Lũ trẻ rất yêu ông, muốn làm
vừa lòng ông nhưng chúng tìm đến mòn giày mà không gặp cậu bé ngày trước. Chúng
an ủi ông:
- Thế nào rồi ông cũng được
gặp nó mà, một người tốt như ông, có lẽ nào…
Vui Tính gượng gạo làm vui,
kể chuyện ngày xưa cho lũ trẻ nghe để chúng bằng lòng và an ủi chính mình.
Cho đến một hôm, mùa Đông
trở lại. Vui Tính không ghét mùa Đông nữa, vì ông biết đó là mùa Đông của thiên
nhiên, rồi không bao lâu, Đông sẽ qua và Xuân lại đến. Chao! Mùa Xuân! Lòng ông
náo nức khi nghĩ đến mùa Xuân ông sẽ gặp cậu bé ngày trước, cậu bé đã hôn ông.
Ông đưa mắt ra cửa sổ, bỗng
ông dụi mắt bàng hoàng lùi lại: lạ quá thôi, chỗ góc vườn ngày cũ, góc vườn mà
mùa Đông nấn ná không đi, trên một cành cây phủ đầy tuyết trắng, có cơ man là
những quả vàng chói rực rỡ, hoa thì lấp lánh như bạc và thằng bé… trời ơi!
Thằng bé ông mỏi mòn vì chờ đợi đang đứng tựa bên thân cây!
Ông quên cả rét, quên cả
mang giày, chạy bổ về phía ấy. Ông ngỡ là cậu bé sẽ mừng rỡ như ông, hóa ra
không: cậu đứng yên, như không thấy ông đến gần, đang cúi nhìn vào đôi bàn tay
nhỏ bé của mình, đôi bàn tay ròng ròng máu chảy. Vui Tính vừa đau đớn vừa giận
dữ, ông hỏi to:
- Cháu nói ngay: ai đã làm
cho cháu đau thế? Nói mau! Ta sẽ… không tha, ta sẽ…
Bé đưa đôi bàn tay có dấu
đinh đóng cho Vui Tính nắm và trỏ cả đôi chân cũng có dấu đinh như thế, không
nói gì, chỉ nhìn ông bằng đôi mắt chan chứa yêu mến và bao dung. Vui Tính nghẹn
ngào, hỏi lại, giọng trầm hơn:
- Ai đã làm cho bé đau? Ai
ác thế? Ta sẽ không tha hắn. Bé nói đi!
- Không! (Giọng bé trìu mến,
nồng nàn) ông chớ quan tâm tìm kẻ ác! Đây là những VẾT THƯƠNG CỦA TÌNH YÊU…
Vui Tính sửng sốt, bàng
hoàng lùi lại. Ông lắp bắp hỏi:
- Bé là ai?
Nhưng không đợi câu trả lời
của đứa trẻ, một mối kinh hãi dị thường đột ngột xâm chiếm lấy ông. Ông quỳ
xuống, không đủ can đảm nhìn vào đứa trẻ. Đứa trẻ ôn tồn bảo:
- Ông còn nhớ không? Đã có
một lần ông cho tôi vào chơi ở vườn quí của ông? Ông đã mở rộng cấm viên đón
các trẻ vào đó… ông tốt lắm! Ông quả có lầm lạc, ích kỷ lúc đầu… nhưng ai chả
thế? Phải không? Bây giờ, ông sắp được đi với tôi đây! Tôi mời ông vào vườn
tôi, ở một nơi cao. Đừng sợ hãi! Hãy nắm lấy tay tôi, không! Đừng sợ tôi đau,
vì các Vết Thương đã lành rồi!
*
Trưa hôm ấy, đám trẻ con kéo
vào vườn chơi và thăm VUI TÍNH. Chúng tìm thấy ông nằm dài dưới gốc cây, nét
mặt thản nhiên, tươi tỉnh như đang ngủ, môi tựa sắp cười. Quanh thi thể ông,
ngàn hoa phủ kín. Quả vậy, ông vui vẻ đi vào cõi khác cùng với một Đấng Quyền Năng
trong dáng dấp trẻ con.
Minh Quân
(Trích từ
bán nguyệt san Tuổi Hoa số 110, ra ngày 15-7-1969)