Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Lồng Mới (I)


Trong gia đình, kể cả hai bác tất cả là mười bốn người. Em là người thứ mười lăm. Như thế cũng gọi là khá đông rồi. Bác gái tuy sinh nở nhiều nhưng vẫn còn trẻ. Năm nay bác bốn mươi tư tuổi, người tròn trĩnh, nước da trắng hồng. Bác trai cao lớn, dáng cứng cỏi, trầm tĩnh. Không kể đến vai vế con chú con bác – vì kể vai thì mười hai người con của bác em phải gọi là anh chị hết cả – thì em có sáu anh chị và sáu đứa em. Mười hai cái tên gọi làm em ngơ ngác và nhức đầu khi mới đến. Gia đình em không đông quá thế. Ba me chỉ có chị Ái, em, và bé Vũ. Chị Ái thôi học từ năm đệ tứ ở nhà giúp me bởi me yếu đuối đau ốm luôn. Bé Vũ còn nhỏ, mới lên năm, bé đang học mẫu giáo. Em may mắn hơn chị Ái, vẫn được tiếp tục học hành cho dù ba me phải chật vật xoay sở. Ba làm tư chức, tiền lương vừa đủ đắp đổi qua ngày với tình trạng hiện thời. Em yêu ba me và chị Ái, bé Vũ vô cùng nhưng số em không được ở gần ba me. Đùng một cái ba mất việc. Công việc sở ba đang hồi xuống dốc, người ta thải hồi nhân viên. Ba không may mắn ở trong số người đó. Thật là một tai họa. Tin ba mang về như một lưỡi dao đâm vào tim mọi người. Me chết lặng, chị Ái khóc, em khóc. Bé Vũ còn nhỏ chưa biết gì thấy mọi người khóc cũng khóc theo. Tình trạng thật là thảm não. Ba lo lắng đến gầy người. Thời buổi khó khăn tìm việc làm mới đâu dễ dàng gì. Em mười sáu tuổi, chưa được mười sáu nữa, em làm gì để giúp ba em bây giờ? Me bàn với chị Ái lấy ít tiền dành dụm bấy lâu ra buôn bán sống đỡ qua ngày. Ba sẽ cố tìm việc làm khác. Tất nhiên là đời sống đã eo hẹp lại càng phải eo hẹp hơn. Song như thế cũng tạm giải quyết được phần nào. Em xót ruột thấy me với chị Ái dậy sớm thức khuya buôn bán nuôi gia đình. Buổi sáng me bán bún riêu, buổi chiều bán thêm chè đậu, chè chuối. Me và chị loay hoay suốt ngày mới đủ đồng lời nuôi năm miệng ăn. Đang tháng nghỉ hè, em trông lo bếp núc, nhà cửa đỡ đần cho me. Lòng em đau thắt khi nghĩ đến niên học tới. Năm nay em lên lớp mười một. Nhưng chắc là mình không còn dịp trở lại trường lớp nữa đâu, em buồn bã nghĩ thầm. Ba mất việc thình lình tiền đâu nuôi em học tiếp. Giá em thi đỗ vào trường công năm đệ thất có phải đỡ không. Em nghĩ mà đau lòng: học trường tư lớp mười một học phí cả nghìn bạc mỗi tháng, tốn kém sách vở áo quần nữa, tiền đâu mà lo bây giờ. Cả năm em chỉ có hai chiếc áo trắng thay đổi. Không may áo mới cho niên học sắp đến cũng được nhưng còn học phí sao ba me lo nổi? Vật giá leo thang vùn vụt, me vất vả khó khăn mới kiếm được chút tiền lời. Em muốn khóc khi nghĩ rằng từ đây em mãi mãi bỏ xa sách vở. Buồn kinh khủng đi được. Còn một tháng nữa nhập học, rồi còn hai mươi ngày, còn nửa tháng, em không hé môi hỏi gì ba me. Còn gì mà hỏi chứ, em hiểu hết mọi chuyện mà. Ba me cũng không nhắc nhở gì đến. Đôi lúc em thấy tủi thân. Nhưng nhìn đến vẻ đăm chiêu buồn rầu của ba và nỗi khó nhọc của me với chị Ái lòng em se lại. Ba me và chị há chẳng yêu quí em vô cùng đó sao. Và nhiều lần em tự hỏi, rồi mình sẽ làm được cái gì mà tiếc vô cùng cho sự học hành ngắn ngủi của mình.

Nhưng thường khi những bất ngờ may mắn lại hay xẩy đến. Em ngỡ ngàng khi ba cho gọi em đến trước mặt êm ái bảo em lo thu xếp hành lý vào Saigon học tiếp.

- Vào Saigon?

Em ngơ ngác hỏi lại hai mắt mở to nhìn ba. Me cúi đầu xuống dáng buồn rầu. Ba dịu dàng:

- Ừ, vào Saigon. Ba đã nghĩ rồi, không thể để con bỏ học dở dang được. Ba đã viết thư yêu cầu bác Nghi, vui lòng cho con ăn học tiếp ở nhà bác. Bác trả lời rằng bác rất sẵn lòng. Nhà bác khá giả, con có thể tiếp tục học được.

Em nghẹn ngào nhìn ba, nhìn me. Chị Ái nghiêm trang ngồi cạnh em, bé Vũ nép vào tay chị. Em bật khóc:

- Con không đi đâu.

- Con phải đi.

Ba nhẹ nhàng nói, những nếp nhăn trên trán ba như hằn sâu xuống, giọng ba nghiêm:

- Con cần phải học nốt bậc trung học, con còn học được, phải gắng.

Em nhìn me cầu cứu:

- Me.

Ba vẫn nghiêm nghị:

- Vậy con không muốn đi học nữa sao Thu, con không muốn ba vui lòng à?

Em khóc to:

- Con không muốn xa ba me, chị Ái, em Vũ.

Ba khẽ thở dài, ánh mắt ba tối lại, giọng ba nhẫn nhục:

- Thu, vậy con tưởng ba không xấu hổ, không đau lòng khi phải gửi con về bác hay sao? Làm cha mà không tự mình lo được tương lai cho con cái ba buồn lắm chứ. Con còn nhỏ, con ra đời bây giờ cũng chẳng bon chen với ai được. Với ngần ấy tuổi, với sức học đó!...

Ba ngừng lại một chút rồi tiếp tục, giọng đau buồn:

- Hãy nghe lời ba, Thu, còn em Vũ nữa. Con phải cố gắng, hãy nhìn về ngày mai, đừng nghĩ đến cái hiện tại nhỏ bé tầm thường này.

Em ngẩng lên nhìn ba, đôi mắt ướt nước. Ba có vẻ nghiêm khắc nhưng em hiểu, khi ba đã phải thốt lên những câu nói đau đớn đó. Nước mắt em chảy dài trên má khi nhìn đến khuôn mặt dịu hiền của me. Những người yêu quí của em đều mong muốn cho em nên người. Ánh mắt của chị Ái như ngầm nhủ em hãy ngoan ngoãn nghe lời ba. Em khóc thút thít, me hiền dịu bảo:

- Con nên nghe lời ba đi Thu. Để con đi ba me cũng không vui sướng gì. Con tưởng ba me có thể yên lòng sao.

Em im lặng không trả lời me. Em mới mười sáu tuổi đã phải rời bỏ gia đình sao? Tại sao ba me không giầu có như những người khác. Tại sao những đứa trẻ vào tuổi em, may mắn hơn em lại không tha thiết với chuyện học như em. Thật là bất công.

Me đứng dậy đến gần em, tay me nắm lấy tay em, giọng me dịu dàng:

- Đừng khóc, Thu, nhìn me này…

Nhưng em cúi đầu xuống và nước mắt em mỗi lúc tuôn chẩy nhiều thêm. Trời ơi, me…

*

Ngày đầu tiên đặt chân vào gia đình bác Nghi em đã ngộp vì đám đông và sự phóng khoáng trong gia đình này. Mười hai người con, bảy nam và năm nữ. Bác Nghi gái sinh hạ một loạt bốn người con trai liên tiếp: Mạnh Nhiên, Mạnh Hùng, Quân Du, Quân Nhã. Kế đó là ba cô con gái: Chị Thúy Cúc, chị Nhu Hòa và Bảo Lan ; Bảo Lan kém em một tuổi. Bác cho phép ai lớn làm chị ai nhỏ làm em không cần vai vế nên kể từ Bảo Lan trở xuống đều gọi em bằng chị. Sau Bảo Lan hai bác bỏ khuynh hướng đặt tên đôi khác nhau mà đồng loạt gọi một tên, chỉ đổi chữ lót. Cần phải chọn một tên cho dễ gọi cả nam lẫn nữ, bác Nghi đã chọn chữ An. Kế Bảo Lan là ba cậu con trai nữa: Hải An, Hội An, Thái An và sau cùng hai cô gái út Di An, Hòa An.

Phải mất cả nửa tháng em mới có thể nhớ hết những cái tên loạn xà ngầu này. Thứ nhất là năm cái tên An. Em chẳng phân biệt được tên nào của ai hết. Em được cho học một tư thục khá lớn. Bác Nghi dành cho em một căn phòng nhỏ. Từ Bảo Lan trở lên, mỗi người đều có phòng riêng của mình. Em nhìn mười hai người con của bác mà nghĩ thầm: Trời ơi, nếu ba me cũng sinh hạ một lũ con như thế. May mắn là nhà bác khá giả. Bác Nghi là người dễ chịu, hay cười, dường như việc có hay không có em trong nhà chẳng làm bác quan tâm tới. Trong cái tập thể đông đảo này em thầm lặng như một cái bóng, nhỏ nhoi và hiu quạnh. Bác coi em như một trong các người con của bác. Mà con cái bác thì hầu như mỗi người đều sống biệt lập tuy cùng dưới một mái nhà. Hai anh Mạnh Nhiên, Mạnh Hùng đã ra đời. Anh Nhiên dạy học, anh Hùng là sĩ quan Hải Quân. Anh Du, anh Nhã, chị Thúy Cúc đang học đại học. Chị Nhu Hòa vừa xong tú tài đôi. Em tối tăm trước sự học hành của anh chị. Người nào cũng học cao hết. Sau em là Bảo Lan, thua em một lớp, những người còn lại đều đi học, trừ có út Hòa An mới lên ba. Trong tương lai, cái gia đình đông đảo này còn tiến rất xa với cái đà này.

Em dễ dàng hòa lẫn vào khối đông đảo này, song như vẫn có một cái gì không thể lầm được. Sống và di chuyển theo nhịp đều đặn trong gia đình em mơ hồ cảm thấy em không hoàn toàn là em. Nếu chỉ có riêng vấn đề vật chất không thì thật dễ đấy, nhưng con người còn có linh hồn. Cái tập thể của gia đình bác Nghi, em gạt bỏ năm cô cậu An ra khỏi sự suy nghĩ vì còn bé. Song từ Bảo Lan trở lên em không khỏi ngạc nhiên vì cá tính của mỗi người. Anh Nhiên đằm thắm, ít nói nhưng hay cười, hai con mắt lúc nào cũng lóng lánh ngời sáng. Anh sống dễ dãi, bạn bè vô số kể. Anh Hùng ngược lại, có vẻ mạnh mẽ, đôi khi sỗ sàng. Anh thường vắng nhà luôn, anh là người có vẻ sống xa nhà nhiều nhất. Chị Thúy Cúc khéo léo về tất cả phương diện nội trợ. Chị hay rầy la, em nghĩ đó là một việc chị phải làm khi chị là con gái lớn trong một gia đình đông như thế. Bù lại, tính chị rộng rãi, nói đâu quên đó. Ai gặp chị Thúy Cúc cũng yêu mến tính cởi mở của chị. Anh Quân Du chỉ mê nhạc và thơ, tính bốc đồng. Anh Quân Nhã lại dịu dàng như con gái. Cả nhà đều cho rằng anh Nhã phải đổi địa vị cho chị Thúy Cúc mới phải. Anh mềm mỏng, ăn nói nhỏ nhẹ chẳng bù cho chị tí nào. Tính đặc biệt của anh là hay đỏ mặt. Em chưa hề thấy anh Nhã đi chơi với cô bạn gái nào. Chỉ cần nói trêu một câu là mặt anh đỏ bừng. Các anh chị gọi anh với biệt danh “mặt trời mọc”.

Người thứ sáu là chị Nhu Hòa, cái tên nghe dịu dàng làm em có cảm tình ngay từ đầu ấy thế mà chị không giống tên chị chút nào, em nghĩ thế. Có nên gọi chị Nhu Hòa là một tảng băng không, chị lạnh lùng hết chỗ nói. Đôi mắt tròn và to, hàng mi thanh, đôi môi nghiêm nghị. Em chưa thấy chị cười bao giờ. Mỗi lần chị nói, giọng lạnh lẽo và quyền uy. Chị không sợ bất cứ ai hết. Khi cả nhà có dịp họp lại chơi đùa chị lặng lẽ cúi xuống quyển sách hay đôi kim đan. Chị nói cho mọi người cười nhưng chính chị không cười chút nào. Hai con mắt đen buồn rười rượi dường như chỉ để phát ra những tia nhìn lạnh lùng xa lạ. Chị không khéo léo nội trợ như chị Thúy Cúc. Đi học về, chị rút vào buồng riêng. Ít khi chị có mặt trong bữa cơm, em lấy làm lạ vì sao chị lại ăn ít thế. Vóc chị mảnh khảnh, không phải thứ mảnh khảnh vì gầy mà vì dáng chị tự nhiên như thế. Nhìn tay chân chị thì biết, cổ tay nhỏ và tròn không lộ xương, nom rất dễ thương. Sự vắng mặt của chị Nhu Hòa trong các bữa ăn không làm ai ngạc nhiên, gia đình bác hiếm khi ngồi vào bàn đầy đủ, nhất là bác trai luôn luôn ăn sau hay trước một mình. Nhiều người nói chị Nhu Hòa khó ưa, người gì mà kiêu hãnh, lạnh nhạt thế. Nhưng em thì không, ngay từ ngày đầu em đã cảm thấy có một cái gì ở chị Nhu Hòa. Em không thể ghét chị được. Chị rất ít nói chuyện, tính em cũng không hay hỏi, thành ra cả tháng chị em mới nói vài ba câu chẳng ra gì. Em không biết chị ghét cái gì và ưa cái gì, em cũng không biết tính chị rộng rãi hay bần tiện. Chị sống trong gia đình mà hờ hững như ở đâu. Điều lạ là cả nhà không ai nói đến chị, coi như đó là một điều mặc nhiên phải thế. Lũ nhỏ sợ chị như bà thần trong khi chúng không xem chị Thúy Cúc ra gì. Tại chị Thúy Cúc dễ dãi và yêu mến bọn chúng.

Thân thiết với em hơn cả là Bảo Lan, điều đó cũng dễ hiểu. Em với Lan suýt soát tuổi. Lan là người hay nói, ưa mơ mộng viển vông. Khác với anh chị, Lan không chăm chỉ học hành mấy. Thua chị Nhu Hòa ba tuổi, lại không hợp tính tình nên gặp em, Bảo Lan dễ dàng kết thân ngay. Thực tình mà nói em không mến Bảo Lan lắm vì tính Bảo Lan với em khác xa nhau quá đỗi. Lan hay tìm em trò chuyện thay vì học hành. Có hôm em đang đọc sách Bảo Lan đột ngột vào phòng ríu rít nói chuyện. Bảo Lan chỉ mê ciné và quần áo đẹp. Thua em một tuổi mà em thấy Bảo Lan ngây ngô trong khi em nghiêm trang hơn tuổi thật nhiều. Không phải em tự thấy đâu mà chính các anh chị trong nhà phê bình thế.

- Thu, sao mà em nghiêm quá vậy, chỉ tổ già người ra thôi.

Anh Nhiên bảo:

- Chị Thúy Cúc nói phải, trẻ con đừng suy nghĩ ra vẻ người lớn, Thu nên vui đùa.

Chỉ có chị Nhu Hòa là không đả động gì đến em, chắc tại chị còn lạnh lùng hơn em mười lần. Thì em cũng vui đùa đấy chứ, nhưng mỗi người có một bản tính kia mà.

Bảo Lan nói với em:

- Lan không thích chị Nhu Hòa, lúc nào chị ấy cũng lầm lì không nói, trông dữ như chằn.

Em đáp:

- Chị Hòa đâu có dữ, Thu thấy chị ấy suốt ngày có rầy la gì ai đâu.

- Nhưng nhìn mặt chị ấy lạnh như nước đá.

- Tại tính chị ấy thế mà.

Bảo Lan bĩu bĩu đôi môi, Lan có môi dưới hơi dầy rất ngộ nghĩnh làm cái bĩu môi của Lan thành một nét đẹp cho khuôn mặt.

- Chị Thúy Cúc có thế đâu. Lan với chị Nhu Hòa không hợp nhau chút nào. Có lần chị còn rầy Lan về chuyện áo quần nữa.

Em mở to đôi mắt nhìn Bảo Lan:

- Chị Nhu Hòa mà cũng rầy la kia à?

- Chứ sao. Chị nói Lan đua đòi ăn mặc xa xí, may sắm hoài.

Em buột miệng:

- Thu thấy Bảo Lan nhiều áo quần thật.

Bảo Lan kêu lên:

- Đâu mà nhiều, tụi bạn Lan còn hơn gấp mấy lần kìa. Tại chị Nhu Hòa hà tiện không dám may sắm. Có ba cái áo dài mặc hoài, cũ rích. Anh Nhiên với anh Hùng có dắt đi mua vải mới chị cũng chẳng đi. Lan ấy à, Lan đi ngay lập tức.

- Chỉ có thế mà Lan ghét chị Nhu Hòa hở?

- Còn nữa chứ, mà thôi Lan chả nói, chị Nhu Hòa không ưa Lan, Lan biết.

Em không trả lời Bảo Lan, ngay trong thâm tâm em cũng không mấy thích trò chuyện với Lan nữa. Tư tưởng Bảo Lan khác với tư tưởng em, chắc chắn thế.

Bảo Lan thủ thỉ:

- Thu nè, nếu Bảo Lan mà trúng số năm triệu há, thì Bảo Lan có thể tiêu hết trong một ngày liền.

Em tròn xoe mắt nhìn Lan:

- Trong một ngày? Làm gì cho hết được?

- Được chứ, Lan đi mua hết vải vóc về may quần áo. Trời, khoái ghê vậy đó. Lan thích nhất là quần áo đẹp. Lan mua hết liền mà.

Em mỉm cười:

- Mua hết năm triệu rồi thì tiền đâu lấy quần áo về khi may xong?

Bảo Lan khựng lại một giây rồi tiếp tục:

- Lan khoái quần áo mới lắm. Nếu Lan trúng được ba mươi lăm triệu Lan sẽ gửi ngân hàng ba mươi ba triệu, còn hai triệu Lan tiêu xài cho đã.

Em không nén nổi một nụ cười, Bảo Lan chỉ có chừng đó thôi, suốt ngày mơ trúng số với áo mới và hình tài tử. Em đáp:

- Nhưng mà Lan mơ chi vậy, hai bác cũng đủ cho Lan tiêu dùng mà, Lan muốn gì được nấy còn gì nữa.

Bảo Lan lắc đầu, môi lại bĩu ra:

- Xí, mà Lan không thích vậy. Lan muốn trúng số kìa. Lan muốn trúng ba mươi lăm triệu.

Em bật cười:

- Giấc mộng đẹp quá há Lan.

Bảo Lan suýt xoa, nhắm mắt lại:

- Trời ơi, nghĩ đến đó là Lan khoái muốn chết, khoái ghê há Thu. Lan sẽ may thật nhiều áo đầm, ăn diện nhất xứ luôn. Lan khoái cho tụi nó phục Lan sát đất.

- Phục chi vậy?

- Thì phục là Lan hãnh diện rồi.

Đại loại những câu chuyện nói với Bảo Lan là như thế. Em cũng chẳng biết nói với ai ngoài Bảo Lan ra. Các anh chị đều bận việc và có bạn bè riêng mình. Nhất là anh Nhiên. Sao mà anh lắm bạn bè thế không biết. Bạn đến chơi luôn, ăn ngủ ngay trong nhà tự nhiên như ở nhà mình. Chị Thúy Cúc dọn dẹp hoài gọi các bạn anh Nhiên là đám dân “lêu bêu”. Nhưng cái đám “lêu bêu” đó rất dễ thương vì tính tình cũng hệt như anh Nhiên vậy. Đa số bạn anh Nhiên đến cũng vì chị Thúy Cúc. Chị hiền hậu, cởi mở ai cũng mến. Chỉ có chị Nhu Hòa là sống vào một thế giới riêng biệt. Ít ai chú ý và nói chuyện với chị Nhu Hòa. Hình như tính chị cũng muốn thế. Đôi khi em gặp chị Nhu Hòa thơ thẩn trong vườn, có khi chị đứng hằng giờ bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Dáng chị mảnh khảnh và u buồn, trông chị vừa kiêu hãnh vừa lạnh lùng. Những lần như thế em lặng lẽ bỏ đi nơi khác. Thật kỳ lạ khi em thấy rằng em đối với chị Nhu Hòa có một thứ tình vô hình lạ kỳ ràng buộc. Linh hồn con người không thuộc về thể xác, hình như thế.

*

Gió buổi tối se lạnh trên làn da, những sợi tóc em bay phất phơ trong gió. Hình như là khuya rồi, em bước lững thững trong vườn. Buổi tối, hương của sương đêm và lá cây thơm dịu dàng trong không khí. Những đóa trúc đào trắng lờ mờ in hình bên nền xám mờ của đêm. Bóng lá lay động dưới làn sáng mờ nhạt thành những hình thù dị kỳ. Em vói tay ngắt một chiếc lá trên cao. Đêm tĩnh và vắng. Em hít một hơi dài không khí trong lành của đêm tối, lòng em bứt rứt không yên. Em thấy cô quạnh lạ lùng, không gian ồn ào trong nhà không làm em vui được. Nhìn thấy các anh chị vui đùa em chịu không nổi, em nhớ ba me lạ lùng. Sương lạnh làm em dễ chịu đôi chút, em bỗng muốn khóc. Hai bác rất tốt với em, điều đó không làm em thấy bớt lạc lõng chút nào. Cỏ mịn ướt dưới chân em, em ngồi xuống gốc cây hoa đỏ um tùm lá, bóng em lẫn vào bóng cây. Có những lúc lòng em trống rỗng và đau đớn vô cùng. Ánh sáng từ ngôi nhà ấm áp hắt trên những lối sỏi trong vườn. Có phải là gia đình em đâu, có phải là cha mẹ em đâu. Em thích yên lặng một mình nghĩ ngợi còn hơn hòa nhập vào sự vui vẻ đó. Khi thấy mình sung sướng trong gia đình bác em không chịu nổi. Em đau lòng nghĩ đến me vất vả thức khuya dậy sớm, nghĩ đến ba lo âu tìm sinh kế, nghĩ đến chị Ái và em Vũ. Vì sao em bị gạt ra ngoài mái gia đình bé nhỏ đó. Em không phải con của ba me hay sao. Ôi trời, em muốn lam lũ vất vả bên cạnh ba me, ăn bát cơm thanh đạm với thức ăn tầm thường còn hơn tiện nghi ở nhà bác. Nhiều hôm ngồi vào bàn ăn em nghẹn ngào nuốt không trôi. Em có cảm tưởng như em là con ăn mày. Mọi người đều tốt với em nhưng làm sao em có thể quên em được. Em thường hay trốn tránh những cuộc hội họp gia đình và khi chị Thúy Cúc hay Bảo Lan đi tìm em miễn cưỡng đến. Các anh chị không hiểu điều đó làm em buồn thêm gấp bội. Hảo ý của anh chị, em thà rằng đừng có còn hơn.

Bóng lá cứ chập chờn lay động hoài trên mặt đất. Em vòng hai tay ôm lấy đầu gối, cằm tì xuống nhìn đăm đăm khoảng cỏ trước mặt. Em ước mong được nghe tiếng me âu yếm vỗ về, được chị Ái dỗ dành săn sóc. Nước mắt em lặng lẽ chẩy ướt đôi má, nào em đã lớn đâu. Bỗng nhiên em có cảm giác như đang bị rình mò, em ngẩng phắt đầu lên. Bóng dáng mảnh mai trong bộ quần áo nhạt mầu của chị Nhu Hòa nổi trong bóng tối làm em thảng thốt. Gió lay nhẹ mái tóc dài và quần áo chị bay bay. Em kinh khủng đưa tay lên miệng ngăn một tiếng hét. Trông chị Nhu Hòa ma quái lạ thường. Chị hỏi, giọng lạnh như băng tuyết:

- Thu ngồi làm gì đó, sao chưa đi ngủ?

Em lắp bắp mãi không thành câu trước tia nhìn của chị, khuôn mặt chị bị bóng tối và mái tóc che lấp trông ma quái làm em phát sợ. Chị đứng im chờ em trả lời nhưng mãi không nghe gì chị hỏi lại:

- Thu sao thế?

Em đứng lên chưa hết run, nhỏ giọng trả lời:

- Trong nhà nóng quá, em ra vườn chơi một lát.

Chị Nhu Hòa ngước mắt nhìn bầu trời giây lát rồi nói tiếp bằng giọng uy quyền tự nhiên có sẵn trong chị:

- Sương xuống nhiều rồi, Thu nên vào đi không ngày mai lại đau.

Em nhìn thẳng chị, cứng cỏi đáp:

- Em muốn chơi một lát nữa.

- Thu chơi với ai?

Giọng chị Nhu Hòa vẫn lạnh lùng, mắt chị ngó trừng trừng em. Em cắn môi lại:

- Không có ai hết, em thích vậy.

Em chờ chị nổi nóng nhưng chị vẫn bình thản như không nghe câu nói đó. Trông dáng chị đứng sững như tượng. Em cũng đứng ngẩn người ra đó không biết làm gì. Chị Nhu Hòa bỗng bỏ đi, tiếng nói chị nghe xa xôi, buồn bã như từ nơi nào vọng đến:

- Thu khóc được cứ khóc, nỗi buồn nào cũng thế thôi. Thu nên vào nhà đi.

Em sững sờ nhìn theo bóng chị, một giọt nước mắt rơi xuống tay em. Không phải sương, em vẫn khóc từ nãy giờ mà không biết. Bóng chị Nhu Hòa mất sau vòm lá tối đen. Em bước những bước vô định trở vào nhà. Bóng dáng chị Nhu Hòa cứ lởn vởn hoài trong đầu em. Em trở về buồng riêng mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Sao mỗi lúc một sáng ngời trên vòm trời. Em đứng thật lâu nhìn vu vơ, khi sắp sửa quay vào em lại thấy thấp thoáng bóng chị Nhu Hòa lẫn trong vòm cây. Mầu nhạt của bộ quần áo nom như mầu trắng. Em bỗng có cảm giác chị cùng với em đều có nỗi buồn như nhau. Lần thứ nhất em nghĩ rằng chị Nhu Hòa chưa chắc lạnh lùng như mọi người nghĩ. Em nhoài người ra cửa sổ, dáng chị im lìm dưới bóng cây trúc đào. Chị đứng rất lâu, nghiêm trang như một pho tượng rồi chị chậm chạp quay người bước đi trên lớp cỏ ướt. Trông chị tội nghiệp lạ lùng. Bỗng nhiên em thấy thương chị Nhu Hòa. Nỗi buồn nào cũng thế thôi. Em chớp mắt muốn khóc. Bóng chị Nhu Hòa đã mất trong đêm tối. Em mở to mắt nhìn, chỉ có tiếng lá cây chạm nhau se sẽ. Hương đêm thơm nồng nàn trong gió.

______________________________________________________________________
Còn 1 kỳ nữa


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 213, ra ngày 15-11-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>